Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Lan man về "tóc bạc”

Lan man về "tóc bạc”

Vẫn biết diễn tiến sự vật trên đời này là “thành, trụ, hoại, diệt”, con người không ai tránh khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”; nhưng tâm lý con người vẫn không khỏi một thoáng buồn khi có ai nhắc mình đang ở tuổi già.
Nhớ ngày xưa, nói xưa là cách đây độ hai mươi năm, tức khoảng giữa tuổi tứ tuần, thấy bạn bè cùng trang lứa có thằng tóc điểm bạc lưa thưa, có đứa đã muối tiêu mà tóc mình còn đen nhánh thì thấy trong lòng hơi tưng tức. Ừ, thì khi con cái đã khá lớn cũng cần có chút tóc bạc để ra dáng đạo mạo với đời. Thỉnh thoảng thấy có một vài sợi tóc bạc hiếm hoi tưởng như đã đến lúc. Thì ra không phải, nhổ thử đi là mất tăm lâu mới trở lại. Vào tuổi "tri thiên mệnh" tóc còn đen chỉ bạc lai rai được khen cũng chẳng vui lắm, kể ra cũng chẳng có gì, lắm người như mình, thậm chí có ông anh họ hơn 60 tóc vẫn còn rõ màu đen. Gần đây, bổng dưng một sáng soi mình vào gương chợt nhận ra tóc đã bạc màu, những sợi bạc trắng hằn rõ, ngang ngạnh tự tin. Biết khi già đi thì tóc bạc là chuyện thường, vậy mà dù ai có thản nhiên chi lắm cũng thoáng chút buồn buồn, mặt mày trông như già hơn ngày qua, giờ biết rằng tóc xanh sau bao năm chống chỏi đang trên đường thất trận và cuộc đời cũng bắt đầu đi trên đoạn đường liêu xiêu rồi.
Tóc tai cũng như vận mạng chẳng theo ý mình nổi, nhớ mấy thằng bạn tóc bạc quá sớm vẫn thường bị chọc ghẹo: thằng nầy “máu xấu”, xấu đây là xấu về đường tơ tưởng chuyện trai gái. Có thằng bạn mặt mày đạo mạo, cung cách chững chạc, mày râu nhẵn nhụi, tóc lại đen mướt như tuổi hai mươi, khi được khen mặt mày có chút ngượng ngùng cười thú thiệt: “tao nhuộm tóc suốt mấy năm nay, ở đó mà đen với đỏ”, râu không nhuộm được đành phải cạo nhẵn, lâu nay không hề biết. Kiểu nầy chắc tóc đã bạc nhiều lắm rồi, mà bạc cũng phải, thằng nầy “máu xấu” đến mức lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đàn bà. Lại có hai thằng bạn tuổi già lấy vợ trẻ xuân xanh phơi phới, ăn theo nét trẻ trung của vợ nên đứa nào mặt mày cũng rạng rỡ tóc như xanh lại khiến lắm thằng khác ghen tỵ. Chỉ đâu được một vài năm, ngựa chiều còn phải chạy đường xa, một thằng tóc tai vừa bạc vừa rụng đến tang thương, may còn cười với nụ cười ông Địa; thằng kia tưởng chừng như bản lĩnh hơn cũng chỉ cầm cự thêm một lúc, một chiều ngồi nhậu chợt thấy hắn tóc mai bạc trắng cả, bạc ngang xương không thèm báo trước, nụ cười nghe có mòi cam chịu. Chán nhất là có đứa râu tóc không đồng hành, tóc chỉ mới vừa điểm bạc mà râu đã bạc phơ trông rất khó chịu như gặp nghịch cảnh. Bị bạn bè bảo: “ai bảo miệng đi trước đầu”. Dù ấm ức câu “tu mi nam tử” cũng đành cạo nhẵn đợi ngày râu tóc gặp lại nhau.
Bây giờ thì rõ đã đến thời bạc tóc, mà cũng là lúc tóc cần phải bạc nếu không sẽ như kẻ bất thường. Tóc đã bạc rồi, bây giờ thì tha hồ mà nhớ với nhung, kỷ với niệm, xưa với nay. Tóc bạc, ta sẽ làm điều xưa mình thích mà không có thời gian, không có dịp để làm hay sẽ vẫn làm những điều như cũ nhưng không còn ngần ngại. Sẽ với giọng khàn đục qua bao năm bia rượu thuốc lá hát những tình ca ngày xưa, những tình ca ủy mị và thiệt thà như đếm nhưng gây nhiều cảm xúc, mà khi xưa dấu kín sợ chúng bạn chê “sến”. Nếu có gặp lại những người xưa ta sẽ tự nhiên tỏ tình hay tỏ tình lại, để còn được nhìn những ánh mắt kiêu hãnh hay tiếc nuối ngày nào, như một niềm vui bến cũ đò xưa. Sẽ vẫn cứ ngồi với bạn bè nâng ly, chọc ghẹo nhau, tranh luận không nhường nhịn. Sẽ vẫn những băn khoăn về đất nước, thân phận con người, nổi niềm phận người, những hoài niệm ngày mỗi dày hơn và  không chừng một ngày nào chợt “hư đốn” ta sẽ làm thơ. Có câu: "mối sầu như tóc bạc/cứ cắt lại dài ra" (câu thơ của Phan Khôi), ta sẽ không cắt cứ để dài ra cho đến ngày nó rụng, khi đã chứa quá nhiều nổi buồn và còn bao nổi buồn sẽ đến, có cắt cũng hoài công.
Nhưng đời người khi tóc bạc cũng như lá vào Thu úa dần, mang mang một nổi buồn khác lạ, bởi cái mong manh, mơ hồ hoài nghi, bất an về sự hiện hữu đời người, có khác chăng cây lá mùa Thu đẹp bao nhiêu thì người trông thảm não bấy nhiêu, may lắm có còn nét đẹp thì giờ là đẹp như nét sần sùi của cổ thụ. Tóc đã bạc, sẽ rất nhanh đi đến tuổi mà người lạc quan cười như mếu gọi đó tuổi vàng rất quý hiếm, được thảnh thơi hưởng thụ cái an nhàn, niềm vui con cháu… nói như tự an ủi thực ra là chán phèo; còn kẻ bi quan thì cáu gắt, vàng gì mà vàng, có là vàng vọt, nếu có vàng là xưa vàng ròng ba số 9 nay may lắm còn độ ba số 3, èo uột, nhìn những bóng hồng ngang qua lại giận mình nghiến răng trèo trẹo, ước chi. Đừng nghe ai, đừng bị chao đảo, cứ thản nhiên sống, bi lạc như tuổi người tóc trộn trắng đen, vui cười nụ, buồn lại thấy lòng nhẹ như mây tháng tám.
Bắt đầu bước vào cái tuổi xế chiều, người ta hay nghĩ nhiều về quá khứ. Đa số đều tự hào về những điều mình đã làm được, những kinh nghiệm sống, đã lo cho gia đình các con ngày hôm nay thành đạt. Họ nhớ về những ngày tháng còn chung một mái trường với bè bạn, nhớ mối tình đầu đẹp và trong sáng, những gập ghềnh vinh nhục của cuộc đời. Rồi giờ đây ở vào tuổi xế chiều, khi gặp lại được người bạn thân xưa, nhìn thấy một hình ảnh gợi nhớ như đôi mắt đẹp hay một dàn “hoa bâng khuâng” rực rỡ là kỷ niệm về người xưa, mối tình xưa trở về, khiến lòng mình nhung nhớ, thương tiếc rồi viết ra những bài thơ tình lãng mạn. Ngược lại không ít những người già, trong đó có những nhà thơ, nhà văn, và cả nhà chính trị nổi tiếng thì viết hồi ký, di cảo hay tâm sự về những suy nghỉ, thành công lẫn thất bại của mình. Khi có chuyện gì quá căng thẳng hay đau khổ, người già chúng ta thường hay than “biết vậy thà chết còn sướng hơn”.

Chợt nhớ câu nói của người bạn: "buồn hay hơn vui", thật thú vị, khi thấy nổi buồn hay hơn niềm vui thì đời cớ chi mà phiền muộn. Một khi tóc đã bạc, cứ sống trải lòng nhiều hơn, còn làm gì được cứ làm, còn yêu được cứ rộn ràng, còn rong chơi được cứ thênh thang, hoặc cứ tỏ bày cảm xúc rất đời như con bạc lúc tan sòng hay váng vất rã rời với cuộc rượu lúc tàn canh. Vẫn hơn cứ thẩn thờ ngồi đếm nổi buồn niềm vui, vui dễ nhớ còn những nổi buồn thì ngày càng nhiều như tóc bạc, có ai đếm được bao giờ.

                                                                   BS Lê Trung Ngân












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...