Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Xúc cảm cùng sương mù Tây Bắc


Xúc cảm cùng sương mù Tây Bắc
Nếu may mắn, du khách lên Tây Bắc vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 có thể cảm nhận một đặc sản ở xứ này là màn sương mù mờ ảo.

Rừng hoa ban giữa sương mù 
 Ảnh: Đăng Nguyên
Núi mờ sương
Dự định của chúng tôi là ở Sa Pa 2 ngày để đi chơi loanh quanh, thăm thú hết thắng cảnh và hòa nhập vào không khí của xứ này. Nhưng chỉ mới được ngày thứ nhất, ngày thứ hai tan vỡ mọi dự định. Buổi sáng sớm đến khoảng 9 giờ, không khí vẫn trong trẻo lạ thường kèm theo chút se lạnh đặc trưng. Nhưng khi chúng tôi ngồi ở một quán cà phê lưng chừng dốc, bỗng sương mù bắt đầu dày đặc. Sương mù đùn cuồn cuộn từ dưới thung lũng bốc lên, nhanh đến mức trời đất bỗng chốc xỉn màu. Trước đó, nắng vẫn còn lên rất tươi thì bây giờ chỉ le lói.
Vẫn còn rất hăm hở, chúng tôi thuê một chiếc xe máy đi thung lũng Mường Hoa. Nhưng lập tức biết mình đã sai lầm. Chỉ mới đi khoảng 3 km, sương mù dày đặc đến mức cách khoảng 3-4 m là không thể nhận biết rõ đường đi, dù đèn sương mù vẫn hoạt động tốt. Vì hai bên đường là vách đá và vực sâu, chúng tôi phải tiếc nuối quay xe trở lại. Về đến thị trấn, lúc này sương cũng đã phủ kín. Nhà thờ Đá chỉ còn là một cái bóng mờ mờ.
Nhưng bù lại, khi có sương mù, Sa Pa cũng trở nên cực kỳ thú vị. Buổi tối, co ro đút hai tay vào túi áo khoác, có thể tìm đến chợ ẩm thực đêm. Ngồi ở đây, yêu cầu các món nướng xiên que như thịt ba chỉ lợn bản, nấm đông cô, nấm kim châm, lòng lợn, cá suối… cộng với ống cơm lam, vài ly rượu ngô thì không gì tuyệt bằng. Buổi tối lạnh như vậy, cũng có thể gọi một nồi thắng cố hoặc đĩa thịt ngựa hun khói nhấm nháp với rượu ngô. Có vẻ như đặc sản ở Sa Pa chỉ phát huy đến tận cùng sự thú vị khi sương mù và giá lạnh giăng xuống thị trấn này.

Hoa ban ẩn hiện
Từ Sa Pa, chúng tôi làm một hành trình dài đến với Mộc Châu. Không nên đi Mộc Châu vào cuối tuần vì sẽ khó khăn trong việc thuê khách sạn và phương tiện đi lại. Đồng thời để đón sương mù ở Mộc Châu thì chắc phải nghe dự báo thời tiết và… thêm chút may mắn nữa. Mộc Châu nhỏ xíu, đi xe máy khoảng 15 phút là qua hết những địa điểm có người sinh sống sầm uất nhất ở nơi này.
Đồi chè xanh ngút ngàn của Nông trường Mộc Châu nằm ngoài thị trấn. Rẽ phải đi vài chục mét là thấy ngay cả đồi chè rộng mênh mông. Bốn phía trập trùng chè. Với những người mê chụp ảnh, màu xanh của chè và màu váy áo rực rỡ sẽ tạo nên một tấm ảnh vô cùng ấn tượng. Đó là lý do các cặp uyên ương ở Hà Nội không quản đường xa, ùn ùn kéo lên đây để chụp ảnh cưới.
Sương mù ở đây cũng bất thình lình như Sa Pa vậy. Đang trải nghiệm cảm giác im ắng lạ thường giữa sắc xanh, sương mù bỗng từ bốn phương ùn kéo đến bao vây. Ngay lập tức, đồi chè bị bao phủ trắng xóa.
Chúng tôi tiếp tục

vượt hơn 20 km qua nhiều dốc đồi quanh co vì trót nghe lời giới thiệu: hoa ban đang nở kín sườn đồi. Đường tối, lạnh, trơn trượt nhưng đến bản Ôn, nơi có nhiều người sinh sống, còn phải thuê thêm người dẫn đường để leo lên đồi hoa ban cách đó hơn 1 km nữa. Dốc đồi gần như thẳng đứng, phải bám từng bước chân. Nhưng khi đến được rừng ban thì choáng ngợp. Hoa bung nở trắng cây, rơi lả tả dưới mặt đất và trên mái tóc khi đứng dưới gốc cây. Cả một rừng hoa trắng vươn cao, ngạo nghễ, phủ kín cả một vùng đồi. Sương mù đặc quánh, chúng tôi không thấy rõ cảnh sắc hoa nở tưng bừng, nhưng hình ảnh đồi hoa ban lúc ẩn lúc hiện tạo cảm xúc đặc biệt không bút mực nào có thể tả hết.

Cảnh sắc Tây Bắc quá đẹp nhưng nếu có thêm sương mù thì mới là trải nghiệm tuyệt vời, rất đáng công du khách vượt đường xa, không ngại núi cao, vực sâu.
Bài và ảnh: Đăng Nguyên
Nguồn: DNSGCT



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghĩ về một “đứa con” bị “thất lạc” của Nam Cao Đó là truyện ngắn “Hai người ăn tết lạ”, được sáng tác trước 1945. Gần như nó chỉ được G...