Nương theo câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp
xôi” trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, tôi đã đến Tây Bắc trong những
ngày cuối năm đầy sương mù và rực rỡ màu hoa cải. Đó không đơn giản chỉ là một
chuyến du lịch mà còn là hành trình của cả một giấc mơ…
Tây Bắc đón tôi bằng “dốc sương mù” trên đỉnh
Thung Khe (thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình) – trạm dừng cho khách du lịch xuống ngắm…sương,
“thưởng thức” cái lạnh của miền cao và nghỉ chân ăn ngô luộc, cơm lam thịt nướng.
Tôi rất thích những bếp ngô vùng cao với lửa hồng ấm áp và mùi ngô thơm lựng, gợi
nhớ câu thơ se sắt “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm – Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
– Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…” trong bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt
trong trang sách thưở nào. Tôi cũng đã từng dừng chân vào giữa sương khuya trên
đường lên Hà Giang – Đông Bắc, mùi vị nước ngô ngọt mát ấy như vẫn còn vương vấn
đến tận bây giờ - cho những ký ức rất riêng về phương Bắc.
Cơm lam trên đỉnh Thung Khe
Có đi tôi mới hiểu rõ nhất những câu thơ đã
được học từ thời cắp sách. Các thi sĩ, nhạc đã chọn đúng những cái tinh túy nhất
của miền địa đầu Tổ Quốc, để những câu thơ mãi mãi khắc vào lòng người hình ảnh
Tây Bắc là “mùa xuân hoa mơ hoa mận nở”, là “Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ
- Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương…”. Tôi co ro trong lớp áo ấm dày, găng
tay, mũ len nhưng vẫn hăng say đứng trong sương mù tận hưởng cảm giác ngất ngây
giữa đất trời, một cảm giác hạnh phúc và bình yên đến vô biên không dễ gì có được
giữa lòng phố thị.
Khung cảnh Mai Châu rạng rỡ
lúc nắng lên làm
tan sương (Ảnh: Internet)
Ai đó đã từng nói rằng, khi ta đi càng nhiều
thế giới sẽ càng thu hẹp lại. Với tôi, những chuyến đi còn là nối dài của giấc
mơ. Ngày bé, những nơi địa đầu Tổ quốc cứ ngỡ là “vạn trường thiên lý”, cả đời
có mơ cũng không bao giờ có thể đặt chân đến. Quê tôi, có những người cả đời
còn chưa bước chân ra khỏi cổng làng. “Lên thành phố” có khi còn không được huống
gì là dặm trường đi tìm những giấc mơ...
Tôi nhớ mình đã hãnh diện đến rơi nước mắt
khi đứng trên cột cờ Lũng Cú-Hà Giang; hạnh phúc trong ngần khi vừa đi vừa hát
trong cái se lạnh của mù sương bình yên trên đỉnh Mã Pí Lèng; ngơ ngác như trẻ
nhỏ giữa buổi chợ phiên Mèo Vạc – những điều lần đầu tiên trong đời được tận mắt
chứng kiến, nhìn ngắm và say mê, rồi nhớ mãi không quên. Tây Bắc cũng vậy, dẫu
rằng đường đến Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Mộc Châu “ mùa hoa cải” (tỉnh Sơn La)
không đẹp, bằng phẳng và lãng mạn như đường lên Đông Bắc, nhưng núi đầu xuân đã
kịp đón chúng tôi bằng những nụ hoa đào phơn phớt, những cánh đồng cải trắng
và cải vàng đẹp đến mê đắm lòng người.
... làm say lòng khách phương xa.
Có người trong nhóm đùa: “Sao mình siêng thế,
cất công từ Nam ra Bắc, vượt đường xa lên núi chỉ để ngắm cải trắng, cải
vàng?”. Nhưng người ta vẫn nói, hạnh phúc không phải là đích đến, mà đó là hành
trình chinh phục và khám phá. Suốt chặng đường đến với mùa hoa cải Mộc Châu,
lòng tôi cồn cào những cảm xúc khó tả. Hồi hộp, phấn khích, hạnh phúc, bình an
trước chặng đường phía trước đầy những điều mới lạ, bất ngờ; được nhìn ngắm những
miền đất mới, thẩm thấu những giá trị đậm bản sắc vùng miền, đến cả nắng và gió
của miền sơn cước cũng khiến cho lòng người nhẹ nhàng, thanh thoát hơn.
Chúng tôi đi sâu vào phía những cánh đồng hoa
cải vốn không dành cho khách du lịch, tận mắt chứng kiến một không gian bạt
ngàn đã từng chỉ được được nhìn thấy trên những bức ảnh nghệ thuật về Mộc Châu
đoạt những giải thưởng ảnh trong và ngoài nước. Được trò chuyện với “ông chủ vườn
đào” vui tính, hiền lành. Và được “nhào” vào vườn hoa cải vàng rực trong nắng
chiều thỏa thuê chụp ảnh...
"Về đây khi mái tóc còn xanh xanh - Về
đây
với ngày gió chiều lang thang..." ảnh - V. Hà
Chúng tôi rời khỏi những vạt hoa cải làm say
lòng người, không để lại gì ngoài những dấu chân và không mang theo gì ngoài những
bức ảnh. Núi đẹp và bình yên như thiên thai. Càng đi nhiều, tôi càng nhận ra đất
nước mình đẹp quá. Dải đất hình chữ S đầy những biến thiên, thăng trầm suốt chiều
dài lịch sử; liên tục thiên tai và cuộc sống vẫn tiếp tục trải dài trong những
vạn biến bất an. Thế nhưng, đất và người vẫn đẹp, vẫn rạng ngời những giá trị
văn hóa vùng miền, vẫn là những “vùng đất diệu kỳ” cho những giấc mơ muốn được
chinh phục, khám phá.
Tôi đã đi trong những giấc mơ của chính mình,
để được cảm nhận rõ rệt nhất “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Nơi này, chúng tôi
đã được vào thăm làng du lịch bản Lác, mặc những trang phục của đồng bào
H’Mông, chia nhau chén rượu cần và trở về khi “ngón tay mình còn vương mùi nếp
xôi”. Vẫn nhớ sao là nhớ những ngõ phố lạnh sớm mai, nụ cười của núi và những
đôi mắt miền cao thăm thẳm…
Du khách có thể hóa thành người
H'Mông trong
trang phục dân tộc ảnh: T. Phúc
Đi, đôi khi không nhất thiết để phải “Học một
sàng khôn”, mà đôi lúc chỉ là để thấy lòng mình dịu dàng với đất trời…
Bài và ảnh: Tiểu Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét