Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Những mùa trăng mong đợi

Những mùa trăng mong đợi
Én ngồi lên một tảng đá, khỏa chân xuống nước rồi mới cúi xuống vốc nước vào hai lồng bàn tay phả lên mặt. Một cảm giác mơn man, dễ chịu bỗng trỗi dậy khắp cơ thể. Ánh trăng chênh chếch soi bóng Én lung lay trên mặt nước. Én ngửa mặt nhìn trăng rồi nhìn về phía mấy ngọn đồi bao quanh ngọn Sơn Đông.
Không biết từ bao giờ, Én đã tập cho mình một thói quen ngắm trăng và nhìn về phía mấy ngọn đồi ấy vào những đêm rằm. Én có thể nhớ được tháng nhưng không nhớ nổi ngày, càng không thể nhớ nổi đã có tất cả bao nhiêu đêm trăng trôi qua từ bấy đến nay. Én chỉ biết rằng mỗi một mùa trăng đến cô lại dành một đêm trăng sáng nhất, đẹp nhất cho riêng mình. Có lẽ, đã sắp tròn một năm nghĩa là hơn chục mùa trăng trôi qua trừ những đêm giông bão, mưa gió, còn thì mùa trăng nào cũng vậy, cứ vào đúng đêm rằm là Én lại một mình đi ra đây để ngồi một mình lên tảng đá bên bờ suối này để ngắm trăng và cũng để nhớ đến Quang. Cô đã âm thầm nhen lên bao nhiêu niềm hy vọng và bao nhiêu sự chờ đợi trong lòng. Mỗi một mùa trăng đi qua là niềm hy vọng ấy, sự chờ đợi ấy lại càng lớn dần lên. Không biết ở nơi ấy Quang có hiểu được điều ấy không? Quang có hiểu được rằng Én đã giữ đúng lời hứa, đêm rằm nào Én cũng ngắm trăng để nhớ đến Quang không? Còn Quang thì sao? Ở nơi ấy, có đêm nào Quang được ngắm trăng không nhỉ? Chắc là có. Bởi người ta thường bảo, ngắm trăng không cứ gì phải đứng lồng lộng giữa trời cao mới ngắm được. Mà khi đang ở trong nhà, dù chỉ là một ô cửa sổ, hay chỉ là một khe hở bên vách, người ta vẫn có thể ung dung ngắm được trăng. Người ta còn bảo, phải ngắm trăng như thế thì mới không khi nào thấy chán. Phải ngắm trăng như thế thì khi trăng khuất rồi mới thấy nhớ trăng và thèm được ngắm trăng. Vậy là lúc này, Quang vẫn có thể ngắm được trăng. Nghĩa là Quang vẫn không quên những gì Én đã nói với Quang trong cái buổi chiều hôm ấy. Có đúng vậy không Quang? Còn Én, Én sẽ tiếp tục giữ đúng lời hứa. Đêm rằm nào, Én cũng một mình ra đây để ngắm trăng và để chờ Quang nhé! Én đã chờ Quang hơn mười mùa trăng rồi. Liệu Én sẽ còn phải chờ Quang thêm bao nhiêu mùa trăng nữa đây? Én không sợ phải chờ lâu. Mười, mười lăm hay hai mươi mùa trăng nữa, Én vẫn chờ. Quang đừng thất vọng và hãy cố gắng lên cải tạo cho tốt để sớm được trở về làm người lương thiện Quang nhé!
Cái xóm nhỏ quê Én nằm chênh vênh bên một quả đồi, bốn bề chỉ có núi cao và rừng rậm. Tuy chỉ có vài chục nóc nhà nhưng làng bản lúc nào cũng đông vui. Bởi nhà nào cũng lắm con nhiều cháu. Nhà Én trước đây cũng được xem là nhà đông vui nhất trong bản. Đó là ngày Én còn nhỏ, ngày bố Én còn sống, ngày các anh các chị Én chưa lấy vợ gả chồng. Nay thì nhà Én chỉ còn lại hai người: mẹ Én và Én. Không khí trong gia đình bỗng chốc trở nên vắng vẻ, u buồn. Học hết trung học cơ sở, Én chẳng muốn đi  học nữa mà chỉ thích được ở nhà giúp mẹ làm rẫy. Từ ngày nghỉ học, Én có thêm một sở thích riêng, đó là được đi vào rừng để lấy củi hoặc hái nấm hái măng. Cha mẹ sinh ra Én nhưng ông trời đã cho Én một tính cách độc đáo không giống ai. Đó là sự gan lì mà đến cả bọn con trai táo tợn nhất trong xóm cũng phải lấy làm kiêng nể. Én không sợ bóng tối, không sợ đi một mình, dù nơi đó có là rừng sâu hay vực thẳm. Thế nên, ngay từ khi mới chỉ mười sáu tuổi đầu, Én đã có thể đi một mình vào rừng để hái nấm hái măng. Bàn chân Én gần như đã in dấu trên khắp các ngả rừng. Bởi nơi nào có rừng vầu, rừng dang thì nơi đó ít nhất đã một lần Én từng đặt chân đến. Từ bao đời nay măng vầu, măng dang được xem như là một loại thực phẩm quen thuộc, một món ăn dân dã không thể thiếu được trong bữa ăn hàng ngày của người dân quê Én. Riêng với Én thì măng vầu, măng dang còn là nguồn thu nhập của gia đình. Bởi thế nên mỗi mùa măng đến, Én lại khoác gùi tung tăng đi vào rừng để hái măng.
Mỗi mùa măng ở quê Én được bắt đầu từ tháng chạp ta kéo dài cho đến tận cuối tháng hai năm sau. Đó là lúc đất trời đã vào tiết xuân ấm áp, là lúc ngọn gió lạnh từ phía bắc ngừng thổi để thay vào đó là những hạt nước nhỏ li ti suốt ngày như một màn sương mờ đục, lúc nào cũng lất phất, lúc nào cũng đều đặn, nhịp nhàng rơi xuống. Đất rừng khô rộp sau một mùa đông dài lê thê giờ được dầm mình trong mưa xuân trở nên ẩm ướt, mát mẻ. Cây cối trút bỏ những chiếc lá vàng cuối cùng thi nhau đâm lộc nảy chồi. Những rừng vầu, rừng dang sau một giấc ngủ dài cũng bắt đầu chuyển mình thức dậy. Mặt đất dưới gốc vầu, gốc dang tự nhiên giãn nở ra rồi cựa quậy, nhúc nhích, nhô dần lên những búp măng nõn nà. Những búp măng như những báu vật của thiên nhiên thứ tự hết lớp này đến lớp khác cứ xé đất, đội đất chui lên. Khi lên khỏi mặt đất, gặp ánh sáng chúng phóng thẳng lên trời. Lúc này sự tác động, giao thoa của đất trời, của âm dương đã tạo ra cho chúng một sức vươn thật kỳ diệu. Cả một rừng măng sinh sôi, nảy nở, trông tua tủa như một rừng giáo mác. Gặp mưa xuân, những búp măng ấy càng lớn nhanh như thổi. Chỉ độ chừng một tháng, nếu không được khai thác, những búp măng nõn nà ấy đã có thể vươn lên chót vót biến thành những cây vầu cây dang trưởng thành.
Mỗi mùa măng đến, Én lại hòa vào dòng người đổ về các ngả rừng. Khi vào đến rừng vầu, rừng dang thì chia nhau mỗi người một hướng. Rồi cứ thế phận ai người ấy lo, việc ai người ấy làm. Người nào làm khỏe, hái được chóng đầy gùi, đợi được thì đợi, không đợi được thì về trước. Én hái măng rất cẩn thận. Mỗi búp măng trước khi cho vào gùi bao giờ cô cũng bóc bẹ, tỉ mẩn cắt bỏ phần tạp, chỉ chấp nhận đưa về nhà phần thân măng trắng trẻo, non tơ nhất. Những búp măng trắng muốt khi chưa có giông, chưa có mưa rào thường có vị ngọt hơi đắng. Ấy vậy mà khi có tiếng sấm rền vang, trời đổ mưa nặng hạt thì chúng không còn vị ngọt nữa. Lúc này măng trở nên đắng hẳn. Muốn làm ra các món ăn từ xào, nấu, hầm, hấp... đều luôn luộc kỹ thì măng mới ngon, ngọt trở lại. Nhưng hái măng không có nghĩa chỉ là để làm thức ăn trong gia đình. Mà cái chính là để bán, trao đổi lấy hàng hóa khác. Muốn có tiền ngay thì cứ việc mang măng tươi ra chợ. Còn không thì phơi khô, sấy kỹ để đấy khi nào cần sẽ bán. Mỗi mùa măng, Én có thể kiếm được hơn một triệu đồng. Món tiền đó không lớn nhưng là sản phẩm của đất trời, của thiên nhiên ban tặng thì nó lại trở nên ý nghĩa. Bởi không phải ở bất cứ nơi nào cũng có mùa măng vầu, măng dang như ở quê Én. Không phải ở bất cứ nơi nào cũng có được cái không khí náo nức, nhộn nhịp, giao thoa giữa thiên nhiên và con người như ở quê Én. Mỗi mùa xuân về, cũng có nghĩa là mùa măng đến. Mùa măng đến con người gần gũi hơn với thiên nhiên, con người gần gũi hơn với con người. Thiên nhiên tươi đẹp lộng lẫy bao nhiêu thì con người cũng tươi vui, rạng rỡ bấy nhiêu. Với riêng Én thì mỗi mùa măng đến còn là mùa của tình yêu, mùa của nhớ thương và chờ đợi. Cho đến bây giờ Én vẫn không hiều là tại làm sao cô lại gặp Quang. Mà lại gặp vào đúng giữa mùa măng vầu, măng dang. Gặp vào đúng giữa cái lúc cô cần phải gặp. Phải chăng đó là định mệnh? Hay bởi đó là duyên số mà ông trời đã sắp sẵn cho cô. Và cả cho Quang nữa? Từ nơi sâu thẳm nhất của lòng người con gái, Én đã cảm thấy rạo rực một tình cảm mới lạ chưa từng có bao giờ. Lần đầu tiên Én hiểu thế nào là tình yêu, thế nào là nhớ tưhơng, là chợ đợi. Và cũng từ nơi sâu thẳm nhất của lòng người con gái, Én hiểu thế là từ những buồi chiều đi hái măng năm ấy Én không còn là của riêng Én nữa mà đã một phần thuộc về Quang mất rồi. Én đã sung sướng vô ngần trong mỗi lần nghĩ về Quang, nghĩ về tình yêu và nghĩ về hạnh phúc của đời mình. Dù biết rằng tất cả những gì đang có  mới chỉ là một nửa. Một nửa kia thì Én còn phải hy vọng, còn phải chờ đợi.
Dạo đó cũng đang là mùa măng vầu, măng dang. Én cũng đang mải miết đi sâu vào rừng vầu, rừng dang. Cô mải miết đến mức hoàn toàn không hay biết tí gì về các bạn cô đã đầy gùi và đã ra về từ lúc nào. Chẳng phải họ tự tiện bỏ Én một mình để ra về đâu. Mà đó là vì có sự thỏa thuận trước với nhau rồi. Với lại, cả cánh rừng vầu, rừng dang rộng mênh mông, bát ngát như thế sao lại có thể tìm nhau, đợi nhau được. Tốt nhất ai lấy đầy gùi rồi thì cứ thế mà ra về. Mỗi nhà một hoàn cảnh, đợi nhau làm gì cho thêm khó. Hơn nữa, ở đây chẳng có cọp beo gì mà phải sợ. Xưa nay đã có chuyện gì không hay xẩy ra với người đi hái nấm, hái măng bao giờ đâu. Hãy cứ bình tĩnh làm việc, hãy cứ bình tĩnh lấy cho thật nhiều nấm, nhiều măng rồi thì ai cũng được trở về nhà.
Buổi chiều tháng giêng trời âm u, se lạnh. Mới chỉ khoảng nửa chiều mà ông mặt trời đã khuất bên kia ngọn Sơn Đông. Cả cánh rừng rậm rạp bỗng như tối sầm lại đầy vẻ huyền bí. Tiếng gió thổi vi vu, tiếng côn trùng rỉ rả càng làm cho rừng vầu, rừng dang thêm phần vắng vẻ, tĩnh mịch. Nhưng Én cũng đã lấy đầy gùi măng. Cô buộc lại dây giày cho chắc rồi khoác gùi lên lưng thong thả tìm một lối mòn để đi xuống núi. Từ đây về đến nhà nếu tính đường chim bay chỉ không đầy năm cây số. Ấy thế mà đi đường đất, bởi quanh co, đèo dốc thì với một người quen đi rừng như Én, nhanh gì cũng phải gần hai giờ mới tới nơi. Vừa đi, Én vừa khe khẽ hát một làn điệu giao duyên của người Mông mà hồi còn đi học, một cô bạn gái cùng lớp đã chép vào sổ tay của Én:    
        “Cô gái đó ơi!
         Anh từ nơi xa tới.
         Cha mẹ nuôi anh bằng trái ngô, 
         bằng búp măng trên núi.
        Thấy bản em đẹp.
        Nghe giọng hát hay.
        Cái chân nó đưa anh tới...”.
Én bỗng giật mình bởi một tiếng động. Cô chưa kịp hoàn hồn thì liền ngay lúc ấy có tiếng ồm ồm của ai đó cất lên: “Nghe giọng hát hay cái chân nó đưa anh tới rồi đây!”. Từ trong một lùm cây ven đường có hai gã đàn ông bận đồ đen bước ra. Họ đứng chắn ngang trước mặt Én. Én cũng táo tợn nhìn vào mặt họ và nhận ra cả hai gã đều là người lạ. Một gã có cái sẹo bên má cười nhăn nhở, nói với Én: “Chà chà, em gái hát cái bài hát về làng bản ta hay quá!”. Còn gã kia thì vuốt vuốt bộ râu quai nón nhìn chằm chằm vào mặt Én: “Xinh đẹp như em thì tội gì  mà phải đi hái măng cho nó phí hoài nhan sắc. - Rồi gã bước dần về phía Én, nói tiếp - Có muốn sung sướng thì đi với tụi anh sang bên kia biên giới, tụi anh cho đi cùng”. Biết hai gã là người xấu, Én lùi lại quát vào mặt họ: “Các anh tránh ra để tôi đi, không tôi kêu lên bây giờ”. Cả hai gã cùng cười: “Em dọa tụi anh đấy à? Nào, thử kêu lên đi!”. Rồi trong lúc Én chưa kịp phản ứng gì thì hai gã đã nháy nhau, lanh lẹ bước nhanh về phía Én. Một gã giữ chặt lấy tay cô, một gã đắp vội lên mặt cô tấm khăn ước. Én vùng vẫy, ú ớ một lúc rồi không biết gì nữa.
Lúc tỉnh dậy, Én thấy mình nằm bên một đống lửa. Cạnh đó là hai gùi măng mà chỉ lướt nhìn qua, Én nhận ngay ra một trong hai cái gùi đó có một cái là của cô. Xung quanh bóng chiều đã chạng vạng chỉ có tiếng nước chảy và tiếng lửa reo. Én hốt hoảng ngồi dậy định vùng chạy, thì một người con trai bận bộ đồ trắng kẻ sọc từ đâu đó đã bước ra bên đống lửa nở một nụ cười rất tươi nhìn cô. Người con trai đó chính là Quang. Lần đầu tiên Én đã gặp Quang trong một hoàn cảnh như thế.
Càng nghĩ lại chuyện cũ, Én càng thấy mình gặp may. Bởi hôm đó, trong lúc xui xẻo đó, nếu như không có Quang xuất hiện đúng lúc, không có Quang dũng cảm đứng ra đánh  nhau với bọn buôn người để dành lại cô từ tay chúng thì không biết bây giờ số phận Én sẽ ra sao! Ừ, mà sao hồi ấy Én lại  chủ quan không nghĩ đến chuyện ấy, không lường trước được chuyện ấy. Cái việc bọn buôn người bằng các thủ đoạn nham hiểm từ rủ rê đến bắt cóc phụ nữ, trẻ em bán sang bên kia biên giới, Én đã từng nghe luôn luôn xẩy ra ở nơi này chỗ kia. Vậy mà Én vẫn dửng dưng đi vào rừng một mình. Én đã xem thường, không liệu trước ngừa sau. Siêng đi đêm sẽ có ngày gặp ma. Nghĩa là tai họa không chóng thì chầy cũng đã đến với Én.
Én đã xúc động và xấu hổ khi nghe Quang kể lại mọi chuyện. Anh chỉ kể tóm tắt thôi. Nhưng bằng trí tưởng tượng, dù khô khan đến mức nào Én cũng đủ sức để hình dung ra tất cả. Ừ, Quang đã làm vậy với mình. Khi bọn xấu bị Quang đuổi theo đánh cho tơi tả, chúng đã khiếp sợ ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Bị ngấm thuốc mê Én nằm bất tỉnh. Quang đã đến bên ôm lấy Én rồi sau đó bế Én đưa ra tận bờ suối Biang. Quang đã nhẹ nhàng đặt Én nằm xuống vệ cỏ, đã áp tai vào ngực Én lắng nghe nhịp đập của con tim. Đã nhìn rất lâu vào khuôn mặt trái xoan có đôi mắt khép hờ, có cái mũi thanh thanh, có cặp môi ươn ướt của Én. Quang đã lấy tà áo kẻ sọc của mình lau vết bẩn trên khuôn mặt của cô. Và đã đốt lên ngọn lửa sưởi ấm cho Én, chờ Én tỉnh dậy.
Quang đã tốt với Én như vậy đó. Có phải trên đời này bất cứ người đàn ông, con trai nào cũng tốt như Quang cả đâu. Én lại càng thấy Quang là người tốt khi biết Quang đang là một phạm nhân. Đúng! Quang là một phạm nhân. Một phạm nhân đang mặc áo tù, đang phải chấp hành hình phạt tù tại một trại giam gần ngọn Sơn Đông. Cái trại giam ấy Én đã từng nghe nói từ lâu. Dù chưa một lần đến đó, dù chưa biết nó ra sao nhưng chỉ cần nghe hai tiếng “trại giam” Én đã thấy nó đáng sợ đến mức nào. Không đáng sợ sao được khi ở đó chỉ toàn là người phạm tội. Những người đã một thời lầm lỗi, những người đã một thời gây ra biết bao nhiêu là tội ác cho xã hội. Những người ấy bây giờ đang phải chấp hành hình phạt tù, đang phải sám hối trước tội lỗi của mình, đang phải cải tà quy chính làm lại cuộc đời. Một trong số những người tù ấy là Quang.
Ngay từ ban đầu khi chợt nhìn thấy bộ quần áo kẻ sọc trên người Quang, Én đã biết ngay Quang là một người tù. Và Én đã run lên vì sợ hãi. Bởi chỉ có người tù mới mặc loại áo quần “đặc biệt” ấy. Én chưa kịp nghĩ Quang là hạng người thế nào, tốt hay xấu, trốn trại hay đi đâu thì Quang đã tự giới thiệu, Quang là phạm nhân ở trại giam Sơn Đông. Quang còn nói thêm là Quang đã đưa Én về đây. Quang không phải là người xấu. Én chẳng việc gì phải sợ.  Khuôn mặt của Quang thật là hiền. Nụ cười của Quang thật là tươi. Và giọng nói của Quang cũng thật là dễ mến. Trong ánh lửa nhạt nhòa cả khuôn mặt của Quang tràn trề vẻ phúc hậu. Chỉ cần nhìn vào khuôn mặt ấy, cảm nhận nụ cười ấy, giọng nói ấy, Én đã có thể biết ngay Quang là một người tốt. Bởi chỉ có là người tốt thì Quang mới hành động như một hiệp sĩ để cứu cô thoát khỏi nanh vuốt hiểm độc của bọn buôn người. Có là người tốt thì Quang mới đưa cô ra đây để chăm sóc cho cô. Lúc ấy, cô đã là một cái xác mềm oặt nằm bất động. Lúc ấy, mọi đường nét khêu gợi trên thân thể thiếu nữ của cô chắc cũng gợi cảm lắm! Nó có thể làm xiêu lòng, mờ mắt bao kẻ. Nó có thể biến người tốt thành người xấu, biến người xấu thành người xấu hơn. Nếu không phải là người tốt chắc Quang cũng đã xiêu lòng mờ mắt rồi. Một người như thế - dù chưa trả hết lỗi lầm của mình trước đó, dù chưa hoàn lương, phục thiện - sao Én lại không thể không rung động trước nghĩa cử cao đẹp của anh, sao Én lại không thể không tỏ ra quý mến, yêu thương anh cho được.
Sau cái buổi đầu gặp gỡ đáng nhớ ấy, Én vẫn tiếp tục vào rừng lấy măng để mong được gặp lại Quang. Quang vẫn tiếp tục vào rừng lấy măng để mong được gặp lại Én. Công việc của Én thì đã rõ rồi. Còn Quang, anh là một phạm nhân sắp mãn hạn tù. Tội của anh là tội làm thất thoát tiền của nhà nước. Bị lãnh án bốn năm tù. Và anh đã thụ án được một phần hai số thời gian đó. Ở trại giam người ta thấy Quang cải tạo tốt, không có ý định bỏ trốn nên người ta không cần phải canh gác anh như canh gác những phạm nhân khác. Ngày ngày Quang được tư do đi lại, tự do làm việc theo sự phân công của ban giám thị trại. Còn ban đêm thì bất luận thế nào anh cũng phải trở về đúng vị trí của anh. Quang đã có sáng kiến đề xuất với ban giám thị trại giam cho anh được vào rừng tìm kiếm thêm thực phẩm cho anh chị em phạm nhân. Được chấp thuận, gần một năm qua, mỗi mùa khế, mùa măng, mùa nấm đến, anh lại khoác gùi đi vào rừng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, lúc nào anh cũng tận tình, chăm chỉ với công việc. Những sản vật của rừng sâu, của thiên nhiên ban tặng do anh mang về đã góp thêm vào bữa ăn hàng ngày cho những số phận cùng cảnh.
Quang đã không ngờ mình lại gặp Én trong một hoàn cảnh như vậy. Nếu ở vào địa vị mình chắc chắn người đàn ông nào cũng sẽ phải hành động như mình. Chỉ có kẻ hèn nhát, chỉ có kẻ cầu an thì mới nhắm mắt làm ngơ. Hôm ấy, sau khi đưa Én đi một đoạn đường anh đã vội vả quay trở về nhà giam. Anh đinh ninh chắc là anh sẽ không có cơ may gặp lại Én một lần nào nữa. Ấy thế mà anh đã gặp lại Én. Én đã gặp lại anh. Hai người trở nên gần gũi với nhau hơn, thân thiết với nhau hơn. Trong những lần thoáng gặp, anh đã tâm sự về cuộc đời cùng với cảnh ngộ của anh cho Én nghe. Rồi đến một chiều nọ giữa rừng vầu, rừng dang mênh mông, tình yêu đã đến với anh, tình yêu đã đến với Én. Cả Én và Quang dường như không ai hiểu được rằng trong mối tình của hai người ai là người đã chủ động tỏ tình trước. Họ chỉ biết rằng, ngay từ lần gặp nhau đầu tiên, họ đã có trong lòng nhau. Và từ đó họ luôn có cảm tưởng họ sinh ra chỉ là để dành cho nhau, sống có nhau. Vì vậy tình yêu đến với họ là tự nhiên và cần thiết như chính cuộc sống hằng ngày.
Một buổi chiều sau khi lấy đầy măng, Én và Quang lại dẫn nhau ra bờ suối Biang. Họ tháo gùi, chạy ào xuống suối, rửa ráy chân tay, mặt mũi, đùa giỡn với làn nước một lúc rồi mới dắt nhau đi lên bờ tìm đến một phiến đá và ngồi lại. Nắng chiều vàng thẫm ấm áp trải ra mênh mông trên đầu họ. Những vách đá âm u, dựng đứng chạy men theo dòng suối sáng bừng lên trong sắc nắng. Gương mặt Én như có hơi men cũng rạng rỡ, xinh đẹp hẳn lên. Còn Quang sau những giây phút đắm đuối nhìn Én, mặt anh lại buồn buồn khi anh nhìn về ngọn Sơn Đông. Như đọc được nỗi niềm ấy của Quang, Én chỉ còn biết ngồi sát lại với Quang hơn. Cô nắm lấy bàn tay thô ráp của anh ấp nó trong bàn tay bé nhỏ của mình.
Vào lúc Én ra bờ suối ngắm trăng nghĩ về Quang thì từ trong nhà giam Sơn Đông, Quang cũng đến bên cửa sổ ngắm trăng qua những song sắt để nghĩ về Én. Gần mười mùa trăng trôi qua, Quang đã giữ đúng lời hứa với Én. Đêm rằm nào anh cũng ngắm trăng qua cửa sổ để nhớ tới người anh yêu. Với Quang điều này chắc là Én đã biết. Nhưng có một điều mà anh tin là Én hoàn toàn chưa biết. Đó là Quang chỉ phải ngắm trăng qua cửa sổ nhà giam một lần này nữa thôi. Từ mùa trăng sau, anh đã có thể cùng Én ngồi ngắm trăng lồng lộng giữa trời cao. Vì anh vừa được tin anh đã có tên trong danh sách những phạm nhân được đặc xá trong dịp lễ sắp tới đây.
NGUYỄN NGỌC CHIẾN
Theo http://www.phongdiep.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...