Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Tiếng rền của núi

Tiếng rền của núi
Võ An Ninh - nhà nhiếp ảnh lão thành sinh tháng 6/1907, mất tháng 6/2009, thọ 102 tuổi, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005, có nhiều kỷ niệm sâu sắc với những người làm phim tài liệu. Tôi viết bài này để tưởng nhớ đến ông - nhân vật của bộ phim “Một phần năm mươi giây cuộc đời”.
Tôi nói với Võ An Ninh rằng tôi đọc Kavabata, mơ mộng thấy “Xứ Tuyết”, “Ngàn cánh bạc” và “Tiếng rền của núi”. Tôi rủ ông cùng đi làm một bộ phim. Đó là phim “Một phần năm mươi giây cuộc đời”.
Cuối mùa xuân năm 1982, đi Sa Pa. Ông Võ ngồi lên xe, vừa xúc động vừa u sầu: “Ta đã đến với Sa Pa từ ngày còn trẻ, từ những năm 30, cách đây đã hơn một nửa thế kỷ rồi, nay về già, giống như đi tìm một người tình xưa”.
Phố chợ Sa Pa, ban đêm sương mù mịt mùng. Vài đốm lửa chập chờn trong những quán ăn khuya. Tôi uống với ông đến chén thứ mười. Rượu Sa Pa nấu thứ men gì là lạ, phảng phất như rượu ngô hôm nào đã uống thử ở chợ Kỳ Lừa. Ngọn đèn dầu trên bàn chập chờn. Gió ngoài phố thổi rào rào, ông Võ mơ màng:- Có một đêm trăng, tôi cũng ngồi trong một quán rượu như thế này ở Sa Pa. Chỗ tôi ngồi, bên một cửa sổ nhìn ra thung lũng. Trăng suông mờ mờ, rượu ngà say, đột nhiên thấy mây mù cuộn lên ở dưới thung xa. Dưới ánh trăng, áng mây nom giống như một tấm lụa mỏng bay lượn trong luồng sáng dịu dàng. Qua cửa sổ, mây tràn vào trong quán. Những ngọn đèn dầu trở nên mờ ảo. Tiếng nói và những mặt người chìm đi như ẩn sau một tấm gương mờ. Thật là một cảnh tượng kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy. Ông chủ quán rượu nói với tôi: “Thưa ông đây là “sơn vân”, thứ mây từ núi sinh ra, chỉ xuất hiện ở những đêm thời tiết thay đổi, sắp có sấm rền”. Tôi đi về quán trọ trong dải ánh sáng mơ hồ trải trên con đường đi, thấp thoáng những khu vườn và những ngôi biệt thự thầm lặng trong đêm. Tai tôi nghe văng vẳng như có tiếng sấm. Trăng vẫn sáng, không có vẻ gì là trời đổ giông, có lẽ không phải tiếng sấm mà hình như đó là tiếng núi đang rền rĩ. Mười năm sau, tôi lên Sa Pa chụp được mấy bức ảnh Sa Pa trong mây, chính là hồi ức của cái đêm tôi được nhìn thấy mây sinh ra từ thung lũng sâu, trong tiếng rền của núi.
Võ An Ninh trong phim “1/50 giây cuộc đời” 1983
Tôi với ông ngồi trên bãi cỏ, trước ngôi nhà thờ đá hoang tàn. Những ngôi sao trên trời lặng lẽ, cô đơn. Bóng những cây Pơmu như những chiếc bút lông đẫm mực im lìm ở phía núi xa.
- Tôi cứ nằm mơ một ngày nào đó chụp được những áng mây núi dưới ánh trăng mờ nhưng vẫn chưa có dịp nào gặp lại một cảnh tượng giống như tôi đã gặp. Cái đẹp thực sự thường giống như mộng ảo. Nó rất thật mà lại không có thật. Nếu muốn có những cảnh phim đẹp, anh nên quay cảnh phim như anh đang mơ mộng về nó, chứ đừng quay những cảnh phim như anh đang nhìn thấy nó.
Ông Võ rủ chúng tôi đi Ô Quy Hồ, đỉnh núi cao quanh năm lộng gió. Gió Ô Quy Hồ làm cây cối trên đỉnh núi cằn cỗi như cây thế, uốn theo những luồng gió thổi. Trước mặt tôi, những dải mây trắng bao quanh những dãy núi xa. Từng vệt nắng chiều còn sót lại trên các sườn non, đẹp không thể tả.
Tôi nói với ông:
- Những vệt nắng kia đẹp quá. Thật huy hoàng mà cũng thật cô đơn.
Ông ngắm nhìn vệt nắng đang tàn dần như đang tìm kiếm một cái gì mà có lẽ ông chỉ cảm thấy chứ không thể nào hình dung ra được. Ông nói:
- Vài mươi lần, tôi đã lên Ô Quy Hồ cũng để hy vọng nhìn thấy lại một lần nữa dải nắng vàng trên đỉnh Phanxipăng kia mà có lần tôi được nhìn thấy trong một chớp mắt. Ngọn núi cao nhất nước ta, anh không thể tưởng tượng, trong nắng vàng, đẹp huy hoàng như thế nào.
Gió thổi ào ào qua những rặng lau khô. Những dãy núi xa lặng lẽ chìm trong mây mù. Trên đường về, ông nói với tôi:
- Cái đẹp vĩnh cửu chỉ xuất hiện trong chớp mắt, như cách nói của anh – “một phần năm mươi giây cuộc đời”. Nhưng trong đời chúng ta, liệu đã giữ lại được bao nhiêu lần một phần năm mươi giây ấy? Anh muốn có được những cảnh đẹp trong phim, không chỉ tìm đến với thiên nhiên mà còn phải cố mà hiểu được thiên nhiên. Tôi cũng đã mơ ước mãi một dải nắng vàng trên đỉnh Phanxipăng mà suốt đời tôi cũng không có.

Hơn hai mươi năm sau tôi mới gặp Võ An Ninh ở Sài Gòn, ông đã bước vào tuổi 90. Ngồi uống với ông ở hè đường Phạm Ngũ Lão mù mịt bụi nắng và khách du lịch Tây đeo ba lô đi lại ồn ào, ông hỏi tôi:
- Hơn hai mươi năm, chắc đã tìm được nhiều cái đẹp?
Tôi không trả lời ông, chỉ uống và ngắm con đường trước mặt nhộn nhịp, gần gũi mà xa lạ. Bất giác tôi nghĩ đến cái đêm ở Sa Pa, nhớ tới những đám mây ở thung lũng dưới ánh trăng mờ, nhớ tới dải nắng vàng trên đỉnh Phanxipăng mà tôi với ông đều mơ có ngày gặp lại.
Sống giữa bụi hồng, chúng ta đang mất dần những rung cảm trước vẻ đẹp vô hạn của thiên nhiên. Chúng ta đã không còn hiểu được thiên nhiên. Thiên nhiên cũng đang dần dần xa lánh chúng ta. Trong phim và trong ảnh của chúng ta không còn những phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu như ngày xưa nữa.
Tôi nhìn ông, nhìn thành phố mịt mù khói bụi. Tôi muốn nói với ông, tôi cũng hay mơ thấy mình đi về những rặng núi lớn chìm trong mây, tôi cũng đã thấy mặt trăng ở thung lũng sương mù, thấy những tia chớp phía chân trời và đã nghe thấy tiếng rền của núi. Chúng ta – những người làm phim và ảnh nghệ thuật suốt đời sống trong đau khổ và mơ mộng trước vẻ đẹp bí ẩn của thiên nhiên, suốt đời tìm kiếm giây phút bất tử của chính cuộc đời mình, giây phút bất tử của Cái Đẹp!
 Đào Trọng Khánh
Theo http://www.cuabien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Hai con mắt Ông Cửu Niệm ốm li bì đã gần hai tháng. Ông ta mắc một bệnh mà các thầy lang đều cho là bệnh mê sảng của những người già...