Trần Lệ Chiến: Quấn quýt thơ và nhạc
Vừa viết các công trình nghiên cứu, vừa làm thơ, sáng
tác ca khúc, Trần Lệ Chiến với bút danh Trần Minh Anh lặng lẽ đóng
góp vào đời sống văn học nghệ thuật của đất nước. Mãi tới bây giờ,
sau cả chục năm miệt mài cùng bàn phím, Trần Lệ Chiến mới cho ra
đời tập thơ đầu tay: “Chạm”.
Từ “Chạm”, quay nhìn lại
quá trình sáng tác của Chiến, mới thấy chị đã sáng tác không ít:
Khoảng 200 bài thơ, nhiều bài báo, một số công trình nghiên cứu, tiểu
luận chuyên về âm nhạc khá dày dặn, như: “Âm nhạc trong Hề Chèo”, “Quan
họ hóa âm nhạc ngoài quan họ”, “Thức dạy khúc truyền thống”, “Hình tượng chiếc
Thuyền trong dân ca Quan Họ”. Chị cũng sáng tác không ít ca khúc, trong
đó có “Mùa thu của em” (thơ Quang Huy) đã được Giải thưởng Hội nhạc sĩ
Việt Nam năm 2007. Vào năm 2015, chị được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân trao
giấy chứng nhận vì có nhiều đóng góp vào văn học nghệ thuật viết về Biển đảo và
người chiến sĩ Hải Quân giai đoạn 5 năm.
Trong tập thơ “Chạm” do NXB Dân trí ấn hành vào năm
2016 này, Trần Lệ Chiến chọn 69 bài thơ để công bố chính thức.
Như mối nhân duyên, có tới hơn 30 bài thơ của Trần Lệ
Chiến được các nhạc sĩ phổ nhạc, có những bài được 2, 3 nhạc sĩ cùng phổ
nhạc với những cung bậc cảm xúc khác nhau, riêng nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc
7 bài thơ của Chiến, trong đó có “Hãy cứ là em” đã được phát hành trong
Tuyển tập sách và CD “Tiếng biển” năm 2015. Điều này cho thấy thơ của
Chiến rất giàu tính nhạc. Tại sao vậy? Tại chất nhạc, chất thơ có
sẵn trong tâm hồn Chiến. Cũng tại Chiến được đào tạo bài bản về âm
nhạc - chị đã tốt nghiệp khoa Lý luận – Sáng tác, Học viện Âm nhạc
quốc gia và đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng bởi Chiến
có tình yêu biển mãnh liệt nữa. Chị từng bộc bạch rằng, mối duyên giữa
chị và Biển là định mệnh. Nhưng chỉ đến khi "chạm" vào Biển chị mới
như vỡ oà, mọi giác quan dường như mới được đánh thức. 69 bài thơ trong
"Chạm" là những xúc cảm mãnh liệt chị có được từ Biển. Tình yêu biển,
yêu đời, yêu người, cảm nhận về cuộc sống thấm đẫm trong từng con chữ của
"Chạm". Nếu Nguyễn Việt Chiến “nhìn Tổ quốc từ Biển”, thì
Trần Lệ Chiến lại “chạm” vào biển để cảm về mình, về cuộc sống.
Một góc nhìn, góc cảm rất lạ. Về thi pháp, Chiến đã nhân cách hóa
biển để tận dụng tất cả những biểu hiện của biển - dạt dào hay
bình lặng, đen ngòm trong bão tố hay xanh ngắt giữa trời trong, để
nói lên những rung động của tâm hồn mình - yêu thương, hờn giận, khao
khát, mong chờ. Những gì có trong tâm hồn con người đa cảm này đều
được biển thẩm thấu, hiện thực hóa! Hình tượng biển đã giúp chị biến
cái hư vô thành cõi thực, cái mờ ảo thành hình ảnh đậm nét để
người đọc thơ chị hình dung rõ mồn một, thậm chí như nhìn thấy
những khoảnh khắc rung động trong tâm hồn chị, và cuối cùng là cùng
chị tìm đến niềm an nhiên.
Biển đêm - Nhạc Vũ Minh Vương
Thơ Trần Lệ Chiến - Ca sĩ Phương Anh
Trong
“Biển đêm”, Trần Lệ Chiến viết:
Đêm lặng lẽ, mình em với biển
Giấu vào đêm giọt nước mắt buồn
Chỉ có gió và sóng hát ru em
Cho vợi bớt nhọc nhằn nỗi ấy…
… Sóng hát lời của biển
Gió ru lời tình ru
Biển và em tình tự
Hát khúc hát Biển đêm.
Cấu trúc, ý tứ, vần điệu bài thơ này rất phù hợp với
một ca khúc. Chính vì vậy, “Biển đêm” đã được nhạc sĩ Vũ Minh Vương
phổ nhạc rất sớm, được giới thiệu trên sóng Truyền hình, do ca sĩ
Phương Anh thể hiện. Vũ Minh Vương trải lòng khi phổ nhạc “Biển đêm”:
“Chỉ đọc mấy khổ thơ đầu tiên, cảm xúc đã trào dâng. Người ta thường
nói “Thơ là tiếng lòng”, Vương đã hiểu được điều đó, và trong khi
ngồi bên đàn, đọc thơ đến đâu, cảm xúc về âm nhạc tuôn trào đến đó.
Hình ảnh biển tượng trưng cho cái gì đó rất mênh mông, ngăn trở về
tình cảm, nhưng không thể ngăn trở tình yêu mãnh liệt của con người,
nhất là câu “Dù nước biển làm môi em mặn chát/ Em cũng chẳng thể xa
biển đâu” - Chính điều đó làm cho cảm xúc trong Vương trào dâng, Vương
hoàn thành ca khúc chỉ trong vòng 5 đến 10 phút.” Trần Lệ Chiến tự
bạch: “Với “Biển đêm”, thấy sự mới mẻ, tươi sáng, sau tất cả những
bão tố, cuồng phong của biển cả, của con người.
Người ta có thể vượt qua bão tố, bước đi một cách bình yên, thanh thản, để đón nhận những cái tươi mới ở những con đường khác. Biển đêm cũng vậy, biển đêm luôn có ánh hào quang tỏa sáng ở phía cuối chân trời, khi bình minh lên”. Người đọc thơ, nghe ca khúc nhận được thông điệp từ “Biển đêm” là: Dù có buồn đến đâu, chúng ta cũng không để nỗi buồn bao bọc lấy mình, chính chúng ta sẽ giải thoát chúng ta khỏi nỗi buồn đó, tin vào ngày mai tươi sáng.
Người ta có thể vượt qua bão tố, bước đi một cách bình yên, thanh thản, để đón nhận những cái tươi mới ở những con đường khác. Biển đêm cũng vậy, biển đêm luôn có ánh hào quang tỏa sáng ở phía cuối chân trời, khi bình minh lên”. Người đọc thơ, nghe ca khúc nhận được thông điệp từ “Biển đêm” là: Dù có buồn đến đâu, chúng ta cũng không để nỗi buồn bao bọc lấy mình, chính chúng ta sẽ giải thoát chúng ta khỏi nỗi buồn đó, tin vào ngày mai tươi sáng.
Bài
thơ “Em đã đến” cũng lại nói về biển, được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ
nhạc và đưa vào album “Tiếng biển”. Trong bài thơ – ca khúc này, Trần
Lệ Chiến sử dụng thủ pháp tương phản: biển lặng, nhưng lòng em lại
dậy sóng, sóng của nhớ thương, của sự khát khao cống hiến: “Sóng
hát bài tình ca/Gió mơn man tóc thề./Em ước mình trẻ lại/Hát lời
sóng anh nghe”... “Kề vai anh thổn thức/Gửi “Tiếng biển” nhớ thương”.
Bài thơ này được Trần Lệ Chiến viết khi ra công tác ở Trường Sa.
Chiến có tiếng nói riêng của mình thể hiện tình yêu nồng nàn với
biển đảo quê hương, với chủ quyền của Tổ quốc, không trực diện, hừng
hực khí thế, mà nhỏ nhẹ, đằm thắm như nói về chuyện riêng tư. Qua
thơ của Chiến, người đọc hướng tới một sự hi sinh thầm lặng, mỗi
người chịu đựng một chút sóng gió để biển - tượng trưng cho đất
nước - được yên bình. Bắt được cái thần ấy, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã
phổ nhạc để có ca khúc “Em đã đến” xinh xắn, ngọt ngào rồi tuyển
vào album “Tiếng biển”, một tập ca khúc riêng về Biển đảo của Tổ
quốc.
Một trong những bài thơ của Trần Lệ Chiến được ba nhạc
sĩ phổ thơ là “Hãy cứ là em”. Bài “Hãy cứ là em” do Phạm Việt Long
phổ nhạc, giữ gần như nguyên vẹn bài thơ, do NSƯT Đức Long thể hiện,
cho thấy một Trần Lệ Chiến đằm thắm và giàu suy tư:
Hãy cứ là em đi
Nồng nàn và đắm đuối
Hãy cứ là em đi
Cho duyên tình quên lối
Nếu buồn em hãy khóc
Em sẽ chẳng buồn đâu
Đừng sầu lên đáy mắt
Nỗi buồn sẽ chìm sâu
Em ơi! Cuộc đời hữu hạn
Nghĩ mãi làm chi? Giữ mãi làm gì?
Em ơi! Cứ sống đam mê, gửi lời qua ánh mắt
Hát khúc hát tình si
Say nồng trong hương tóc
Hãy cứ là em đi
Yêu thương và chia sẻ
Những gì em gắn bó
Mãi mãi thuộc về em
Những gì em yêu quý
Mãi mãi thuộc về em!
Đây là lời thủ thỉ cho riêng mình nhưng mở ra cả một bầu
trời về nhân sinh quan. Tác giả nhủ mình hãy sống thật là mình,
cứ đam mê, cứ si tình, cứ nồng say. Nhưng, như thế mới chỉ là hướng
nội. Con người trở nên NGƯỜI hơn khi họ biết vượt ra khỏi cái cá nhân
mình để mà vươn ra tầm xã hội. Thì đây, Trần Lệ Chiến đã chuyển qua
hướng ngoại ở phần kết “Hãy cứ là em đi/Yêu thương và chia sẻ”. Đúng
vậy, hai chữ “yêu thương”, “chia sẻ” đủ làm cho một tâm hồn mỏng manh,
tưởng là yếu đuối ấy thể hiện được sự dày dặn, cứng rắn, thậm
chí là rộng lớn của mình. Khi ấy, “em” không tan biến vào cái chung,
“em” vẫn cứ là “em”. Hơn nữa, những gì mà “em” yêu quý, vẫn “thuộc
về em” “mãi mãi”. Khởi nguồn là hướng nội, kết thúc lại là hướng
ngoại, bài thơ cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa cái chung và cái
riêng, giữa “nhân” và “quả”. Lời thơ nhẹ nhàng, dung dị, nhưng có tầm
tư tưởng lớn, hướng con người tới hành động vừa giữ cho mình cõi
riêng, vừa hòa nhập cộng đồng để mà cống hiến, sẻ chia. Phổ nhạc
bài thơ này, Phạm Việt Long sử dụng hình thức hai đoạn đơn có tái
hiện, phù hợp với cấu tứ của bài thơ. Hơn nữa, hiểu rõ tính chất
chuyển động nội tại của thơ, Phạm Việt Long viết phần A ở giọng Mi
thứ, qua phần B chuyển sang Mi trưởng, và phần tái hiện lại trở
về Mi thứ.
Ca khúc có tính chất man mác, lắng đọng ở phần A, chuyển sang tươi sáng, phóng khoáng ở phần B để rồi lắng đọng lại ở phần tái hiện và kết thúc.
Ca khúc có tính chất man mác, lắng đọng ở phần A, chuyển sang tươi sáng, phóng khoáng ở phần B để rồi lắng đọng lại ở phần tái hiện và kết thúc.
Trần
Lệ Chiến tâm sự rằng, khi tuyển thơ vào tập thơ “Chạm”, có bài “Hãy
cứ là em”. Biên tập của Nhà Xuất bản đề nghị sửa bài thơ này cho
hài hòa với các bài khác trong tập, nhưng chị không muốn sửa. Bởi ca
khúc với lời thơ, nét nhạc đã ăn sâu vào tâm khảm của chị, chị không
muốn thay hình đổi dạng nó! Chị đành để bài thơ lại, chờ một tập
khác chứ nhất quyết không sửa nó. Trần Lệ Chiến quả là con người
cả nghĩ, sâu sắc và chung tình!
Trần Lệ Chiến cũng có mấy chục ca khúc của riêng mình,
trong đó có những bài gây dấu ấn, như “Mong chờ”, “Mùa Thu”, “Đón Xuân”,
“Giai điệu quê hương”. Một số ca khúc của chị đã được phát trên sóng
phát thanh, truyền hình. Lạ một điều, có bài, chị lại phổ nhạc cho
thơ của người khác, mặc dù thơ của chị khá nhiều và đầy ắp tính
nhạc. Thế mới biết, sự sẻ chia, cộng cảm giữa thơ và nhạc là không
giới hạn.
Bài thơ mà Trần Lệ Chiến phổ nhạc là “Mùa thu của em” (thơ
Quang Huy) đã được Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2007. Bài này, về
thơ, “đi chệch” khỏi tuyến thơ của Trần Lệ Chiến, với chủ đề về học
sinh và nhà trường, một ca khúc dành cho thiếu nhi! Có thể, Trần Lệ
Chiến muốn chia sẻ một cảm xúc khác, với một đối tượng khác để tự
làm mới mình? Bài thơ – ca khúc này nhịp điệu nhịp nhàng, giai diệu
trong sáng, cách hát hồn nhiên. Hóa ra, đây là cái đích mà Trần Lệ
Chiến vươn đến sau mọi trăn trở, đau đớn, khát khao, đó là sự thanh
thản, yên bình. Trở lại với tuổi thơ hồn nhiên, trong trắng mà tương
lai đang rộng mở phía trước, Trần Lệ Chiến lại mải mê trên con đường
sáng tạo để “Lật trang vở mới/Em vào mùa thu”.
Với “Chạm”, Trần Lệ Chiến ghi một dấu son trên con đường
sáng tạo của mình. Tin rằng chị vững bước, thăng hoa hơn nữa trên
những nẻo đường thơ, nhạc, nghiên cứu… để cống hiến cho đời những
giá trị tinh thần cao đẹp, đầy ắp yêu thương.
Trần Lệ
Chiến tự bạch: Với tôi, viết như một nhu cầu
tự thân, nên tất cả những gì tôi viết là cảm xúc của bản thân về mọi khía cạnh
của cuộc sống, của tình người, tình đời và với biển. Khát khao được hòa
mình giữa đại dương bao la như hơi thở, cuộc sống của tôi. Tình yêu tôi dành
cho BIỂN cứ ngày một lớn dần với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt. Tất cả mạch
nguồn trôi chảy ấy chưa khi nào cạn. Tôi đến với BIỂN và BIỂN ôm tôi vào lòng.
BIỂN khơi gợi cảm xúc, tan chảy trong tôi... và cứ thế, tình yêu của tôi với
BIỂN cuốn vào nhau, dâng tràn. Chúng tôi đến với nhau như một định mệnh - như
một mối duyên nghiệp từ tiền kiếp. Chúng tôi “Chạm” vào nhau, đánh thức
mọi giác quan, mọi thứ diễn ra thật bình yên, đẹp đẽ. Mỗi ngày qua đi, cảm xúc
cứ thế dâng trào và tôi nghĩ: BIỂN cũng cảm được điều đó. Từ BIỂN cho tôi những
góc nhìn, cách cảm về cuộc sống, về con người, về tình yêu, và tôi đã phần nào
“Chạm” vào cảm xúc của những người bạn, những người đồng nghiệp trong và ngoài
nghệ thuật mà tôi vốn trân quý. Từ thẳm sâu trái tim, xin được cảm tạ BIỂN
đã cho tôi “Chạm vào”, để cảm xúc của tôi được bay bổng, thăng hoa theo cách
của tôi. Khi quý vị có trong tay “Chạm”, đó là sự Hữu Duyên trong “cõi
tạm” mà chúng ta không dễ gì có được.
Vui mừng, đêm thơ - nhạc Trần Lệ Chiến đã thành công
Anh Minh Trần
3h01 sáng 15/06/2016 ngày của Chạm thật khó quên.
3h01 sáng 15/06/2016 ngày của Chạm thật khó quên.
Hồi hộp, lo lắng bất an và tự vấn bản thân mình xem mình có quá
tự tin không khi mời cả trăm khách tới dự ra mắt tập thơ bằng tất cả sự trân
trọng mà lại quyết định không kịch bản để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Sau 4 giờ
đúng ngồi không yên cũng tự an ủi đến giờ này phó mặc số phận...
Cả ngày không ăn, tụt huyết áp vì bồn chồn.
Đã dành 30 phút đón khách và ký tặng sách mà rối như tơ vò.
Khách đến MC chưa tới... tắc đường mà kịch bản k có, chưa gặp, chưa trao đổi ý
tưởng... lo đến toát mồ hôi.
Không lo lắng sao được vì 7h45 nhạc công, ca sĩ đi từ Lạng Sơn
xuống Hà Nội chưa thấy vì xuất phát mãi cuối giờ chiều. Sốt ruột không dám gọi
điện sợ mọi người đi đường k an tâm cho tới trước giờ bắt đầu đành nhắc máy...
và thở phào khi mọi người vừa tới cửa.
Đang rối như canh hẹ, đồng nghiệp đưa micro bắt trả lời PV...
"em lạy các chị cho em xin được không?" nhưng k được...
Rồi mọi chuyện cũng qua và chương trình bắt đầu... mọi thứ dường
như diễn ra một cách tự nhiên bởi những gì mong muốn dường như đã vượt xa sự
cảm mơ hồ ban đầu. Chạm dành tặng những vị khách đặc biệt mà tác gỉa của nó
trân quý đã phần nào Chạm tới Quý Vị mặc dù không kịch bản, thậm chí những bản
nhạc được nhạc sĩ ngẫu hứng chơi nhưng chính sự Cảm đã dẫn dắt đã làm cho những
trái tim yêu mở lòng cuốn vào dòng chảy thơ nhạc... cảm ơn Biển đã cho chúng
tôi Chạm vào nhau để Cảm xúc vỡ òa, tan chảy, thăng hoa trong thơ ca, âm nhạc.
Tự đáy lòng xin được cảm tạ và tri ân tới 157 vị khách Hữu Duyên
đã hội ngộ tại Hi Coffee để cho tôi được Chạm.
Xin cảm ơn các nhà văn Đặng Thân, Dũng Đỗ Ngọc Việt , Paul
Nguyễn Hoàng Đức, Trần Thị Trường, Hiển Tấn Lê, Lê Hồng Nguyên; Nhà thơ Cảnh
Nhạc Lê, Trịnh Công Lộc; Các nhạc sĩ Doan Nguyen, Vũ Thiết, Phó Đức Phương,
Phan Phương, Nguyễn Ngọc Khuê, Phạm Hồng Sơn, Nguyen Tan, Nguyễn Long Quang
Nguyễn, Giáng Sol, Hoàng Hằng Nga Hoàng Long. Nhóm nhạc Dòng thời gian, ca sĩ
Nguyễn Thu Trang...
Xin cảm ơn và tri ân tới những Cô, Bác, Anh, Chị bạn hữu mà có
thể tôi tag thiếu trong fb này. Cảm ơn Quý vị đã cho tôi một đêm 14.6 thật
nhiều cảm xúc với những lẵng hoa, quà tặng và hàng trăm lời chúc mừng thật ấm
áp.
P/S: Một số quý vị đăng
ký mà hôm nay chưa nhận được sách xin được chuyển trong thời gian sớm nhất!.
Phạm Việt Long
Hôm nay, sau gần 1 năm, tình cờ gặp lại ký ức ngọt ngào. Cảm ơn Trang blogs Phan Chau Truong đã share link và lưu giữ giùm. Trân Trọng!
Trả lờiXóa