Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Trương Minh Phương - Nhạc sĩ, nhà văn, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian

Trương Minh Phương - Nhạc sĩ, nhà văn, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian
Cố nhạc sĩ Minh Phương (1931 - 2011), tên thật Trương Minh Phương, quê ở Phù Mỹ, Bình Định. Ông là nhạc sĩ, nhà văn, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Ông công tác tại Trung tâm VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến ngày nghỉ hưu (1993).
Cố nhạc sỹ Trương Minh Phương và 
cuốn sách Rừng hát do nhà XB Văn học ấn hành
Nhạc Sĩ Minh Phương là một trong những nghệ sĩ lão thành ở Thừa Thiên Huế có chiều sâu của quá trình lao động sáng tạo âm nhạc. Ông đã có những cống hiến lớn đối với phong trào văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế từ trong những ngày đầu giải phóng (26.3.1975) cho đến hôm nay. Nhạc sĩ Minh Phương sinh ngày 23/ 3/1931 tại Đà Lạt. Thuở nhỏ ở với cha mẹ đi học rồi tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 15 tuổi với vai trò liên lạc cho Ủy ban Lâm thời Mặt trận Việt Minh tỉnh Lâm Đồng kể từ ngày 23.8.1945 nhân dân thành phố Đà Lạt nổi dậy tiến hành khởi nghĩa. Mặt trận vỡ, Minh Phương được chuyển về làm liên lạc chi đội 2 Giải phóng quân Nha Trang rồi làm nhân viên Ty Thông tin tỉnh Bình Định cho đến tháng 12.1946 thì được điều về đồn tuyên truyền Lưu động Trung Bộ.
Sau hai năm tham gia tuyên truyền lưu động, Minh Phương đã tích lũy cho mình một số vốn thực tế quý giá của cuộc sống. Tình yêu quê hương, nghĩa đồng bào trong những năm tháng kháng chiến đã ươm mầm trong Minh Phương để sau này trở thành những chất liệu sống động cho các tác phẩm âm nhạc, sân khấu. Năm 1948, Minh Phương theo học Thiếu sinh quân ở Liên Khu 4. Học được một năm Minh Phương về làm Trưởng toán Tuyên truyền xung phong Quảng Bình. Do có năng khiếu âm nhạc lại có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, năm 1955 Minh Phương được giữ chức vụ Phó Đoàn Văn công phát động quần chúng Quảng Bình. Trong thời gian này, nhạc sĩ Minh Phương đã sáng tác rất nhiều ca khúc ngợi ca nhân dân, ngợi ca đất nước mến yêu, đáng ghi nhận nhất là ca khúc “Đắp lại đường xưa”: Giải Nhì cuộc thi ca khúc do Hội Nhạc Sĩ Việt Nam và Đài Tiếng Nói Việt Nam tổ chức (1955); ca khúc “Nhắn Cuội đêm trăng”: Giải Nhì Hội Văn Nghệ Liên khu 4 (1955).
Cuối năm 1957, Minh Phương rời Liên khu 4 về lại Ty Thông tin Quảng Bình, tại đây Minh Phương được cử sang Khăm Muộn hai đợt ngắn hạn để giúp Đoàn Văn Công Nam Lào (Lào). Từ những thành tích đạt được trong kháng chiến, trong thực tiễn công tác, ngày 31.10.1962 nhạc sĩ Minh Phương được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Quảng Bình. Trong thời điểm từ 1959 đến 1972, trên lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu, Minh Phương đã lần lượt đạt giải ở trung ương với các tác phẩm: “Một lòng”: giải khuyến khích -Vụ Nghệ thuật Sân khấu (1959), “Lòng tin”: giải khuyến khích-Vụ Nghệ thuật Sân khấu (1963), “Mưa rừng”: giải Ba-Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1971); về âm nhạc thì có: “Tổ khúc sông Gianh”: Huy chương Vàng; Ca cảnh “Chuyến xe đêm”: Huy chương Bạc Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc (1972).
Tháng 3.1975, Minh Phương trong tư thế là một cán bộ văn nghệ, được trên cử vào chi viện Thừa Thiên Huế, góp phần xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ tỉnh từ trong những ngày đầu mới giải phóng. 12.1975 Khi sát nhập Bình Trị Thiên Minh Phương làm Phó Phòng Văn Nghệ Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên rồi Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên. Trong giai đoạn 1976-1977, Minh Phương còn được cử sang làm chuyên gia văn hóa tại Savannakhet (Lào). Chính nhờ luân chuyển công tác nhiều lần, nhiều vùng miền trong và ngoài đất nước, nhất là những chuyến đi dài ngày ở Trường Sơn mà nội dung . dề tài sáng tác ca khúc, kịch bản sân khấu của Minh Phương rất phong phú, đa dạng; đồng thời mang tính cập nhật vào những vấn đề thiết thực của cuộc sống, phục vụ kịp thời những yêu cầu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, đúng với tâm thế của một người chiến sĩ văn hóa; thể hiện trọn vẹn ý thức công dân của một con người nghệ sĩ trước cuộc đời. Các tác phẩm sau đây của ông đã nói lên điều đó: “Gió rừng”: giải chính thức Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1990), “Huyền thoại về rừng”: giải Nhất kịch bản Hội diễn Công Nông Binh Bình Trị Thiên; giải khuyến khích chương trình của Liên hiệp quốc VNDP dự án VIE 93/03-1996, “Cây đời thêm xanh”: giải Nhất kịch bản kỷ niệm 50 năm ngày Thương Binh Liệt Sĩ’, tập thơ “Phòng chống sốt rét”: giải Nhì báo Miền núi và Dân tộc thuộc Thông tấn xã Việt Nam (3.1999)...
Bên cạnh việc sáng tác văn học, âm nhạc, sân khấu, nhạc sĩ Minh Phương còn chú tâm đến lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm các giá trị âm nhạc trong dân gian, miền núi. Sự cần mẫn, chịu khó chịu thương, lăn lộn, hòa mình trong cuộc sống gian khổ của nhân dân ở các thôn bản xa xơi, hẻo lánh từ các chuyến thực tế điền dã đã mang lại cho Minh Phương những công trình nghiên cứu có giá trị, đầy trách nhiệm: “Lòng dân ơn Bác”,Tập nghiên cứu sưu tầm những câu hò và ru con ngợi ca Bác Hồ (Tặng thưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế), “Vài nét về dân ca Quảng Bình”, Chủ biên, được giải khuyến khích của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam (1999), “Dư âm tình rừng”, giới thiệu nhạc cụ dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế, được giải Tư Hội Nhạc Sĩ Việt Nam (2000), “Tập ca khúc nhớ rừng”, trong đó có một số ca khúc được tặng huy chương như “Chiều trường sơn”, Nhớ rừng”, “Ta càng yêu rừng xanh”: giải Nhì ca khúc do Hội Nhạc Sĩ Việt Nam và Bộ Lâm nghiệp phối hợp tổ chức...(NXB Thuận Hóa ấn hành tháng 3.1994).
Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, nhạc sĩ Minh Phương đã vinh dự được Nhà nước và các Bộ, ban, ngành trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương, Kỉ niệm chương; được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, Trung ương, địa phương trao tặng hơn 30 giải thưởng, đó là những ghi nhận xứng đáng về những đóng góp, cống hiến của nhạc sĩ Minh Phương với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật.
Đọc thêm
ĐÊM NHẠC MINH PHƯƠNG - NHỚ TIẾNG RỪNG
“Hầu hết các ca khúc của nhạc sĩ Minh Phương đều có những tìm tòi nhất định về việc khai thác chất liệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân ca Bình Trị Thiên trong các sáng tác ca khúc của ông. Ví dụ như ca khúc: Người Cơ Ho xuống núi, Đêm rừng già, Miền biên cương của chúng tôi, Huyền thoại Mimosa...” - nhạc sĩ Nguyễn Việt nói về cảm nhận của mình đối với các sáng tác của nhạc sĩ Minh Phương.
Để tri ân nhạc sĩ Trương Minh Phương, một nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến và đóng góp đối với phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế sau này, được sự cho phép của UBND tỉnh, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp gia đình nhạc sĩ tổ chức Đêm nhạc Minh Phương vào lúc 20h tối chủ nhật (24/4). Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế (TRT) sẽ truyền hình trực tiếp đêm nhạc này trên sóng TRT2 nhân một năm ngày mất của ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Việt, Trưởng Phòng văn nghệ TRT cho biết, đêm nhạc sẽ giới thiệu 11 trong số trên 100 ca khúc của nhạc sĩ Minh Phương với chủ đề ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, ca ngợi con người Bình - Trị - Thiên kiên cường, anh dũng, bất khất trong chiến tranh nhưng cũng rất năng động, mạnh mẽ trong xây dựng hòa bình. Đây cũng chính là hai mảng đề tài lớn trong các sáng tác của nhạc sĩ Minh Phương.
Một mảng đề tài nữa mà cố nhạc sĩ Minh Phương sáng tác nhiều là viết về đồng bào dân tộc thiểu số. Là người từng lăn lộn với cuộc sống gian khổ của nhân dân ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh, cùng ăn cùng ở với bà con và từ nhiều chuyến thực tế điền dã đã mang lại cho Minh Phương nhiều công trình nghiên cứu, sáng tác có giá trị về văn hóa dân gian nói chung và nghiên cứu sáng tác về đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, trong đó phải kể đến những sáng tác như Đêm rừng già, Người Cơ Ho xuống núi, Nghe đàn đá Khánh Sơn... Ngoài ra, ông còn một số ca khúc viết về tình yêu tuổi trẻ khá ấn tượng như Nhớ biển, Huyền thoại Mimosa, Chim én bay xa...
Trong bài viết về cố nhạc sĩ Minh Phương đăng trong Tập ca khúc Minh Phương - Tiếng rừng mới được ấn hành vào tháng 4 năm nay, Nhà thơ Võ Quê đã viết, “Tháng 12/1975, khi sáp nhập ba tỉnh Bình Trị Thiên, Minh Phương làm Phó Phòng Văn nghệ Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên rồi Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên. Trong giai đoạn 1976-1977, Minh Phương còn được sang làm chuyên gia văn hóa tại Savannakhet (Lào). Chính nhờ luân chuyển công tác nhiều lần, nhiều vùng miền trong và ngoài đất nước, nhất là những chuyến đi dài ngày ở Trường Sơn mà nội dung, đề tài sáng tác ca khúc, kịch bản sân khấu của Minh Phương rất phong phú, đa dạng; đồng thời mang tính cập nhật vào những vấn đề thiết thực của cuộc sống, phục vụ kịp thời những yêu cầu chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, đúng với tâm thế của một người chiến sĩ văn hóa; thể hiện trọn vẹn ý thức công dân của một con người nghệ sĩ trước cuộc đời. Các tác phẩm sau đây của ông đã nói lên điều đó: “Gió rừng”: giải chính thức Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1990), “Huyền thoại về rừng”: giải Nhất kịch bản Hội diễn Công Nông Binh Bình Trị Thiên; giải khuyến khích chương trình của Liên hiệp quốc VNDP dự án VIE 93/03-1996, “Cây đời thêm xanh”: giải Nhất kịch bản kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, tập thơ “Phòng chống sốt rét”: giải Nhì báo Miền núi và Dân tộc thuộc Thông tấn xã Việt Nam (3.1999)...
Cùng với sáng tác văn học âm nhạc, sân khấu, nhạc sĩ Minh Phương còn chú tâm đến lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm các giá trị âm nhạc trong dân gian, miền núi và đã có những công trình nghiên cứu có giá trị. “Lòng dân ơn Bác”, Tập nghiên cứu sưu tầm những câu hò và ru con ngợi ca Bác Hồ (Tặng thưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế), “Vài nét về dân ca Quảng Bình”, Chủ biên, được giải khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1999), “Tập ca khúc nhớ rừng”, trong đó có một số ca khúc được tặng huy chương như “Chiều Trường Sơn”, Nhớ rừng”, “Ta càng yêu rừng xanh”: giải Nhì ca khúc do Hội Nhạc Sĩ Việt Nam và Bộ Lâm nghiệp phối hợp tổ chức... là một vài trong số những công trình nghiên cứu có giá trị của nghệ sĩ lão thành Minh Phương.
“Tiếp theo Tập ca khúc Tiếng rừng, gia đình dự định sẽ làm một tuyển tập về kịch bản sân khấu và truyện ngắn của cha tôi. Đêm nhạc Minh Phương được tổ chức lần này cũng là một sự tri ân đến ông, người đã có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam mà đặc biệt là phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng của 3 tỉnh Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế sau này”, anh Trương Minh Tuấn, con trai nhạc sĩ Minh Phương cho biết.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Việt, mọi công tác chuẩn bị cho Đêm nhạc Minh Phương sẽ diễn ra vào tối chủ nhật 24/4 đã hoàn tất. Cùng với sự chuẩn bị tích cực từ phía Hội âm nhạc Thừa Thiên Huế, TRT và các ca sĩ góp mặt trong đêm nhạc là Hữu Quang, Quang Vinh, Phan Thu của Đoàn Ca kịch Huế; ca sĩ Cẩm Nhung, Mỹ Hạnh, Tịnh Biên, Bích Lan của Học viện Âm nhạc Huế và các ca sĩ Hồng Vân, Mai Ánh, Kim Sang... hy vọng rằng Đêm nhạc Minh Phương sẽ để lại nhiều cảm xúc trong lòng người yêu nhạc và công chúng Thừa Thiên Huế, mảnh đất mà nhạc sĩ Minh Phương đã có nhiều gắn bó và cống hiến...
Thanh Vân - Báo Thừa Thiên Huế
ĐIỂM SÁCH "CHIẾC BẪY" TẬP KỊCH HÁT MÚA CỦA MINH PHƯƠNG
Hiện nay, loại hình văn nghệ nghệ thuật dành cho thiếu nhi trên mảnh đất Thừa Thiên Huế ngày càng thưa vắng dần. Các tác giả viết cho tuổi thơ cũng không còn nhiều như trước. Các đầu sách  văn học, các tác phẩm nghệ thuật đề cập thế giới hồn nhiên, dành cho lứa tuổi thơ ngây của các em trong những năm gần đây tại địa bàn Thừa Thiên Huế gần như vắng bóng. Trong bối cảnh ấy, tập sách kịch hát múa dành cho thiếu nhi mang tựa đề "Chiếc Bẩy" của nhạc sĩ Minh Phương  do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành  từ nguồn kinh phí  Quỹ hỗ trợ sáng tác Việt Nam, Điện lực Thừa Thiên Huế đã mang một ý nghĩa tốt đẹp. Huế vẫn còn có những người tâm huyết với đề tài thiếu nhi như nhạc sĩ Minh Phương, nhạc sĩ Mai Xuân Hòa...
"Chiếc Bẫy", "Tình Bạn Rừng Xanh", "Điểm Hẹn Dễ Thương" là ba vở kịch hát múa trong tập sách với chủ đề giáo dục thiếu nhi trong việc nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị nhân văn về Chân Thiện Mỹ trong cuộc sống. Hướng dẫn, động viên các em biết ngợi ca, trân trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên, tìm đến cái Thiện, chống lại cái Ác cùng những ước mơ khát vọng về một đất nước giàu đẹp, phần vinh văn minh, hiện đại từ hiện tại này đến tương lai.
VQ
Đọc “Rừng hát” của nhạc sĩ Trương Minh Phương: Tiếng lòng chan chứa tình người
Mai An - Dân Việt
Tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” cho thấy một chân dung đồ sộ của tác giả - nhạc sĩ Trương Minh Phương. Một đời gắn bó với dải đất Bình Trị Thiên khói lửa, mỗi nốt nhạc, lời văn ông viết ra đều chan chứa tình người, tình đất đai đồng ruộng.
 “Tặng em Phương…”
Tuyển tập tác phẩm “Rừng hát” của nhạc sĩ Trương Minh Phương được Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 1.2015 gây ngạc nhiên cho người đọc trước tiên bởi sự đồ sộ của sức sáng tạo người nghệ sĩ. Hơn 1.300 trang giấy khổ 19x27cm là quá trình cống hiến không mệt mỏi của nhạc sĩ Trương Minh Phương từ những ngày đầu tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi ông qua đời năm 2011.
Cậu bé thiếu sinh quân Trương Minh Phương đã từng làm liên lạc của Ủy ban lâm thời Mặt trận Việt Minh tỉnh Lâm Đồng, chi đội 2 Giải phóng quân Nha Trang, rồi do có khiếu âm nhạc, được điều về Đoàn tuyên truyền lưu động Trung Bộ. Tháng 9.1948, Thượng tướng Trần Văn Trà gặp Trương Minh Phương khi đó mới 17 tuổi đầu, ấn tượng của ông còn lưu lại trong dòng thủ bút: “Kỷ niệm ngày gặp gỡ đồng bào Khu IV trong đó có em Phương kháu khỉnh, lanh lợi, dạn dĩ, có lẽ sẽ là một cán bộ tương lai của đất nước”.
Trương Minh Phương đã có một bước khởi đầu thuận lợi như thế, ai gặp cũng yêu mến. Năm 1948, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã xúc động ghi lại mấy dòng: “Tặng em Phương và tất cả những em Phương trên đất nước Việt Nam. Nước Việt Nam với 4.000 năm lịch sử đã trẻ lại với các em. Rồi nước Việt Nam cũng sẽ lớn lên với các em, và sẽ theo các em trên những bước đường rộng lớn”.
Sự kỳ vọng của một nhà thơ lớn đã không lầm, “em Phương” hồi nào đã trưởng thành, gắn bó cả đời với dải đất Bình Trị Thiên và có những cống hiến lớn cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của khu vực miền Trung từ những ngày đầu giải phóng. Nhạc sĩ đã đi hầu khắp Trường Sơn để hiểu hơn về tình đất, tình rừng, tình người nơi đây và lấy đó làm đề tài chính trong những sáng tác của ông. Năm 1949, ông từng làm Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong tỉnh Quảng Bình rồi về công tác tại Ty Thông tin Quảng Bình, giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà văn hóa Bình Trị Thiên. Ngoài ra, nhạc sĩ Trương Minh Phương còn có một thời gian dài làm chuyên gia văn hóa tại Savanakhet (Lào). 30 giải thưởng lớn nhỏ trên các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, những huân huy chương trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật chắc chắn là những minh chứng cụ thể nhất cho tài năng và sức sáng tạo không biết mệt mỏi của ông.
TS nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức- Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế hồi tưởng: “Nhạc sĩ Trương Minh Phương là người đi nhiều, viết nhanh, cấu tứ đề tài và giai điệu trong các ca khúc của anh rất gần gũi với quần chúng, dễ hát, dễ phổ cập. Với tác phong nhanh nhẹn, giản gị, cách nói chuyện dí dỏm, hài hước, anh luôn sống hòa đồng với những người xung quanh. Cho đến bây giờ, hình ảnh anh với nụ cười hóm hỉnh vẫn lưu giữ đậm nét trong tình cảm của thế hệ nhạc sĩ chúng tôi, những người em, người học trò của anh”.
Tấm lòng son lưu lại
Ngoài những tác phẩm âm nhạc như “Nhắn Cuội đêm trăng”, “Đắp lại đường xưa”, “Tổ khúc sông Gianh”, ca cảnh “Chuyến xe đêm”, tập ca khúc “Nhớ rừng”… đoạt các giải thưởng cao trong các cuộc vận động sáng tác âm nhạc toàn quốc và giải của Hội Nhạc sĩ, nhạc sĩ Trương Minh Phương còn là cây viết sân khấu cự phách. Ông viết nhiều đề tài, thể loại, kịch ngắn-dài, ca kịch, kịch thiếu nhi, kịch tuyên truyền cổ động… và ở lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn sâu đậm.
Đọc kịch của ông trong tuyển tập “Rừng hát”, có thể nhận ra ngay nhân cách, trí tuệ và đạo đức cao đẹp của người nghệ sĩ chân chính. Người nghệ sĩ ấy luôn đau đáu với đời, xót xa vì những mảng xấu, hết lòng vun xới để cái tốt, cái đẹp được rực rỡ khoe sắc, tỏa hương. Vở kịch ngắn “Ngược chiều” đã đoạt giải Nhì về tuyên truyền pháp luật của Bộ Văn hóa Thông tin cho thấy tấm lòng son của ông dành cho cuộc đời và thế hệ trẻ. Thông qua câu chuyện của cô giáo trẻ đi vào đường ngược chiều, gặp đúng vị phụ huynh học sinh của mình là cảnh sát giao thông ở đó, người cảnh sát theo lời năn nỉ của con gái muốn tha cho cô giáo khỏi bị phạt. Tuy nhiên, cô giáo đã có một ứng xử vô cùng bất ngờ khi nhất quyết xin người cảnh sát cứ ghi vé biên lai phạt mình, bởi cô không muốn “chỉ vì 50.000 đồng mà đánh mất cái quý giá, sự trong trắng của tâm hồn trẻ”.
Lời thoại của cô giáo trong vở kịch khiến bất cứ ai có lương tri đều phải suy ngẫm: “Chúng ta phải tạo cho trẻ em có cơ hội nhận thức được sự giá trị của bản thân trong môi trường mà các em cảm thấy là nơi nương tựa an toàn. Phải giáo dục, chuẩn bị cho các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm với xã hội”. Hoàn cảnh xã hội hôm nay khiến chúng ta càng thấy thấm thía hơn điều này, không thể đòi hỏi một lớp trẻ lớn lên với tâm hồn trong trắng, không vụ lợi, thượng tôn pháp luật, sống vì lẽ phải nếu người lớn lãng quên trách nhiệm “làm gương”.
Có thể học được từ những vở kịch, truyện ngắn và đặc biệt là những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ Trương Minh Phương rất nhiều những điều tuyệt vời như vậy. Ngôn ngữ dùng để chuyển tải tư tưởng của ông rất giản dị, dễ hiểu, mộc mạc và chân phương, thế nhưng sức nặng và giá trị nhân bản đem đến cho độc giả là vô cùng ấn tượng. Bài học về luân lý ở đời, lối sống, cư xử nhân nghĩa giữa người với người thông qua các vở kịch như “Hoa hướng dương”, “Ngôi sao xuống thấp”, “Tiếng chim giữa mùa đông”, “Trái đắng, trái ngọt”… sẽ còn mãi những giá trị tốt đẹp.
Cho dù ông đã kết thúc hành trình của mình trên cõi thế, nhưng những tác phẩm nhạc sĩ Trương Minh Phương để lại cho đời vẫn tiếp tục sứ mệnh cao cả của nó. Sẽ còn mãi những giai điệu hàn gắn những vết thương, xoa dịu những nỗi đau, ngợi ca cuộc sống. Sẽ còn mãi những lời văn như luồng nước trong trẻo để rửa đi những bụi bặm, nhem nhuốc ở đời.
Văn là người, nhạc là người, từ văn, từ nhạc của nhạc sĩ Trương Minh Phương, có thể hình dung ra chân dung một con người có tấm lòng đôn hậu, thanh cao, một nhân cách tử tế và hết sức có trách nhiệm với đời sống, xã hội. 
Trương Minh Sơn
Nguồn: Cộng đồng họ Trương Việt Nam
Theo http://vanhien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...