Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Trăng Tây Hồ

Trăng Tây Hồ
Dẫn nhập của người dịch:
"Trăng Tây Hồ" viết theo thể tùy bút, có lẽ bắt nguồn từ một trải nghiệm cá nhân của tác giả nhưng không khỏi có những chi tiết hư cấu, đã giúp ta khám phá thêm một khía cạnh đặc thù trong văn nghiệp Tanizaki Jun.ichirô. Bài này được đăng lần đầu năm Taishô thứ 8 (1919) trên tạp chí Kaizô số tháng 6 với tựa đề "Người đàn bà màu xanh men sứ" (Seijiiro no onna). Được sửa lại thành "Trăng Tây Hồ" (Seiko no tsuki) khi in trong quyển 6 của Toàn tập Tanizaki do Chuô Kôron xuất bản năm 1982.
Từ thời Taishô (1912-26), văn nhân Nhật Bản thường xuyên viếng thăm Trung Quốc. Ngoài Tanizaki Jun.ichirô, còn có những tên tuổi khác ví dụ cha con Nagai Kagen và Nagai Kafuu, Akutagawa Ryuunosuke, Hayashi Fumiko, Kaneko Mitsuharu, Tani Jôji, Inoue Kôbai, Muramatsu Shôfuu. Họ đã để lại những tác phẩm du ký độc đáo. Riêng Tanizaki, ông dành khá nhiều trang cho "mảng văn học tiếp cận Trung Quốc" này. "Trăng Tây Hồ" được đặt bên cạnh "Lư Sơn nhật ký", "Đêm Tần Hoài", "Tô Châu kỷ hành","Thượng Hải kiến văn lục", "Thượng Hải giao du ký" vv.... như những tác phẩm trong đó tác giả tiếp nối được truyền thống lãng mạn trữ tình của"kikôbun" (văn chương du ký) Nhật Bản mà còn biểu lộ óc quan sát sắc sảo của một nhà báo dù là nghiệp dư.
Hấp lực của trăng đối với nước, sự thu hút của mặt nước đối với người phụ nữ bệnh hoạn, sự đồng hoá người phụ nữ với vầng trăng, ba yếu tố có âm tính này dường như là trọng tâm của tùy bút. Dĩ nhiên sự kết hợp giữa chúng còn có một mối liên hệ chặt chẽ với mỹ học Tanizaki, vốn được trình bày trong tiểu luận "Ca ngợi bóng âm" (In.ei reisan, 1933) cũng như qua các tiểu thuyết, truyện ngắn ra đời trước và sau nó.
Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965)
Đó là một buổi chiều cuối thu cái năm mà tôi, đặc phái viên của nhật báo X. ở Tokyo, đang lưu trú tại Bắc Kinh. Câu chuyện sau đây xảy ra đúng vào lúc tôi được lệnh của tòa báo gửi đi Thượng Hải công cán khoảng một tháng. Thành phố này là nơi lâu ngày tôi chưa có dịp trở lại. Hình như lúc ấy vào khoảng tháng 10 nhưng không nhớ chính xác ngày nào, chỉ biết buổi chiều hai hôm sau khi tôi đặt chân đến Tây Hồ ở Hàng Châu thì vừa vặn đúng một tối trăng tròn tuyệt đẹp. Như thế, có lẽ tôi đã rời khỏi Thượng Hải chiều ngày 13 hay 14 âm lịch. Tôi ghé qua Hàng châu kỳ này không có công chuyện gì đặc biệt. Chỉ vì lần trước khi có dịp đến Thương Hải, dù đã đánh một vòng Tô Châu, Dương Châu, Nam Kinh là những vùng phụ cận và trong bụng tính thế nào cũng đến viếng Hàng Châu, thế mà mắc chút việc bận bất ngờ, tôi đã để lỡ cơ hội. Kỳ đi làm việc lần này, tôi nghĩ là một dịp may để mình có thể ngắm nghía phong cảnh.
Cuối thu rồi mà ở miền nam Trung Hoa, trời hãy chưa lạnh cho lắm. Nếu ăn nói kiểu đèo bòng một chút thì, ở địa phương này, sau tiết xuân, không còn trò vui gì đáng chơi nữa. Thế nhưng, dù không được cái thú lân la theo ý thích - rất đặc biệt của người ở mảnh đất phương nam này - như từng thấy trong thơ Cao Thanh Khâu [1]:
Độ thủy phục độ thủy,
Khán hoa hoàn khán hoa.
Xuân phong giang lộ thượng,
Bất giác đáo quân gia.
(Hết sông rồi tới lạch,
Nơi nao cũng thấy hoa.
Gió xuân dường mách lối,
Nhà bác chợt bên ta).
thì giờ đây, liễu bên đường vẫn còn xanh tốt khắp nơi, quần áo mùa đông đã đủ nóng để rịn mồ hôi, duy hai buổi sáng chiều, trời có hơi se nhưng chỉ làm cho khoan khoái vì cái khí hậu đó chỉ nhè nhẹ lan trên thân thể người ta. Tuy không thấy hoa nhưng thời tiết đã vào giữa mùa lá đỏ, bầu trời mỗi ngày trong veo và khô hanh, thêm vào đó, nếu đúng dịp trăng tròn nữa thì cảnh sắc của Tây Hồ cũng đủ lôi cuốn lòng du tử. Vì vậy, khoảng 2 giò rưởi chiều, tôi đã phóng vào toa xe hỏa từ ga Cửa Bắc thành phố Thượng Hải để lên đường đi Hàng châu.
Trên xe, tôi quay qua hỏi ông khách bên cạnh bằng một thứ tiếng Hoa giọng Thượng Hải bập bẹ:
- Tôi định ghé thăm Hàng châu nhưng không biết ở đâu là khách sạn tốt nhất. Dĩ nhiên kiểu Tây hay kiểu Nhật đều được!
- Để coi nào!
Người đàn ông đang hút thuốc lá hiệu Westminster trong một cái tẩu bằng ngà, đôi mắt như sưng phồng nằm giữa một khuôn mặt cực kỳ phì nộn, đăm chiêu một chút:
- Khách sạn kiểu Tây phương thì không có nhưng khách sạn sạch sẽ và sang trọng do người Trung Quốc làm chủ khá nhiều. Vì họ theo tiêu chuẩn Tây phương nên những chỗ đó, khách Tây từ Thượng Hải đến cũng thường ghé lắm. Gần đây bên bờ Tây Hồ lại mới mở hai khách sạn mới, một tên là Tân Tân, một tên là Thanh Thái, hai cái này đều đáng gọi là hàng đầu. Tân Tân thì rộng mà đẹp nhưng có cái xa bãi đậu xe nên hơi bất tiện chút đỉnh.
Nói xong, ông ta đưa cặp mắt khó thương ném về phía tôi một cái nhìn dọ hỏi nữa rồi thản nhiên hút thuốc tiếp. Dường như ông ta xem việc nói chuyện với người khác có cái gì khiến cho mình phải mệt mỏi.
- Thế ông đi đến đâu đấy ạ?
Khi thấy tôi không biết e dè mà còn hỏi xấn tới, ông ta ném về phía tôi một cái nhìn dò xét nữa rồi phóng ra một câu cụt lủn:
- Xuống Gia Hưng.
Xong ông lại quay người về hướng cửa sổ.
Có lẽ ông này là một nhà buôn ở Gia Hưng. Người ông đã béo tốt lại diện thêm cái áo dài dài bằng sa đen bóng loáng nên toát ra một vẻ huênh hoang tự đắc. Chòm râu thưa bao quanh mồm và đường nét trên khuôn mặt phảng phất hình dáng của cựu tổng thống dân quốc Lê Nguyên Hồng [2]. Ngồi đối mặt tôi là một người đàn ông tuổi độ 50, gầy gầy, tướng mạo nho nhã, vừa nhấp trà vừa huyên thuyên trao đổi câu chuyện gì đó cho bà vợ bên cạnh. Giữa cuộc đàm thoại, đôi khi bà vợ lại lấy cái điếu bát bằng đồng ra kéo một hơi ro ro. Ông chồng hết nhâm nhi trà lại hút thuốc, khi khói qua khỏi cổ ông lại đằng hắng, một tiếng kha a a ạc......bật ra, rồi cứ thế nhổ đờm rãi xuống mặt sàn. Xong việc, ông mới nói chuyện ồn ào trở lại. Hai cô tiểu thư nom có vẻ là con gái của cặp vợ chồng, tuổi độ 18, 19 và 15, 16, đang chiếm hai chỗ ngồi trước mặt họ. Cô gái 18, 19 có khuôn mặt của người thiếu máu, vàng vọt như mắc bệnh đường mật, thế nhưng nét mắt nét mũi của cô hết sức rạch ròi tựa tranh khắc gỗ. Cô bế trên người một đứa bé độ 4, 5 tuổi, quần áo loè loẹt trông đến nhức mắt. Bên dưới chiếc áo sa đỏ chói có thêu rồng xanh hay là kỳ lân gì đó của đứa bé, người ta mặc cho nó một cái quần màu xanh lá cỏ, óng ánh như da kỳ nhông. Cô gái 15, 16 thì cầm trên tay một bó hoa cúc giả, vẫy bó hoa qua qua lại lại trước mặt đứa trẻ dỗ dành nó. Cô ta mặc một chiếc áo nền tím cũng chói mắt và đội cái nón đồng màu nhưng ngược với người chị, dung mạo cô bầu bĩnh và tươi tắn. Từ đôi má mềm mại xuống đến chiếc cổ dài, tất cả được bao trùm trong cái vè áo viền bằng lông dê màu trắng nên trông hết sức trang nhã. Tôi và bọn họ, hơn 5, 6 người, đều ngồi đối mặt nhau quanh một cái bàn ăn dài (Xin báo trước kẻo quên là trong toa xe hỏa ở Trung Quốc, phần đông thường đặt bàn ở giữa những hàng ghế). Trên ghế, khách phải ngồi sát vào nhau, thiếu điều không xoay qua xoay lại được. Không riêng gì ở khu vực chúng tôi, khắp toa xe, nơi nào cũng chật cứng như thế cả. Với cái cảnh này, lên toa hạng nhất mà ngồi chắc chắn khoẻ hơn nhưng nếu ta không đi toa hạng nhì thì khó lòng có cơ hội quan sát phong tục tập quán của người Trung Hoa bây giờ. Hơn nữa, chỉ cần theo dõi những gì xảy ra trong toa xe này thôi là đủ thấy nếp sống của người dân phương Nam khá giả hơn trên miền Bắc biết là dường nào. Với con mắt của một người đã quen thuộc với những toa tàu hạng nhì trên tuyến đường Bắc Kinh-Phụng Thiên và Bắc Kinh-Hán Khẩu, tôi thấy nơi đây, những tấm lát bọc thành ghế vẫn giữ được nguyên màu thiên nhiên của nó và không bị ố bẩn, từ quần áo người hầu bàn cho đến khăn trải bàn, tất tất đều ngăn nắp li lai, và hình như toa xe cũng năng được quét dọn. Hơn nữa, vào một ngày thứ bảy như hôm nay, dẫu là toa hạng nhì mà vẫn chất đầy những người khách trung lưu đến từ các vùng lân cận, nó gieo cho ta ấn tượng là tình hình kinh tế vùng này nói chung rất khả quan. Trên miền Bắc thì trước tiên, thành phần hành khách đi xe hỏa hoàn toàn khác với họ. Cỡ khách toa hạng nhì đến từ những vùng lân cận và ăn mặc sang trọng thế này thì nếu là ở miền Bắc, nếu không lên hạng nhất, ta khó lòng gặp được. Không chỉ chừng đó. Ở đây số khách phụ nữ rõ ràng cũng đông hơn. Trên miền Bắc, hiếm khi phụ nữ được ra khỏi nhà. Xuống tới phía Nam, ta thấy dù là ca kỹ, phu nhân hay tiểu thư, họ đều có thể khoác tay đàn ông đi tản bộ. Phải chăng đây là lối sống bắt nguồn từ Thượng Hải, nơi chịu ảnh hưởng của các thành phố lớn bên Âu châu. Lúc nãy, khi tôi vừa bước chân vào toa tàu, đã có ngay cảm tưởng là hành khách trong toa ăn mặc rất hoa hòe. Có thể một phần vì ánh sáng mặt trời lấp lóa - giống cái nắng tháng tư ở Nhật Bản - dọi lên những cánh đồng phì nhiêu của miền Giang Tô đã phản chiếu rực rỡ vào bên trong toa tàu để tôi có được cái cảm giác đó. Tuy vậy, chính việc trang phục sặc sỡ của quí bà quí cô và đám trẻ con vốn chiếm hơn phân nữa con số hành khách, đã làm cho bầu không khí trong toa vui hẳn lên. Chẳng thế mà thôi, quần áo hành khách lại được thêu thùa bóng bẩy, khác hẳn cách trang phục của người miền Bắc. Nếu người ta thường dùng chữ "cá vàng bơi lội tung tăng"(kim ngư du vịnh) như hình dung từ để ví von với điều đó thì cách phục sức của người trong toa đúng là đã làm cho họ trông như những con cá vàng khoe vẩy óng ánh khi bơi lội trong dòng nước. Mà chưa hết đâu. Bên Trung Quốc, ta biết họ vẫn yêu chuộng đàn bà con gái thân hình mảnh mai. Phụ nữ ở đây phần đông giống như những con búp bê nho nhỏ, cho nên ví họ với cá vàng thì lại càng ăn khớp. Chịu khó nhìn qua nhìn lại đám hành khách, ta nhận nhận ra là không thiếu chi người đẹp. Đến nổi thơ phú thuở giờ vẫn ca tụng con gái Giang Tô Chiết Giang lắm mỹ nhân.Các cô trong toa đều rập một khuôn mặt bình thường, duy chỉ có một cô dáng tiểu thư ngồi quay lưng lại và cách tôi đúng ba hàng ghế phía trước mà tôi chỉ có thể nhìn nghiêng, là đẹp trội hơn cả. Thân hình cô có vẻ cao hơn những cô khác nhưng chính vì thế mà toát ra sự sang trọng, hợp với quan niệm thẫm mỹ của tôi. Lối phục sức của cô cũng hợp ý tôi làm sao! Trong đám áo quần màu sắc sặc sỡ, mỗi cô mình là ăn mặc thanh tao với cánh áo bên trên màu xanh men sứ nhàn nhạt và đôi giày sa trắng ở phía dưới, làm cho tôi có cảm tưởng cô là một con cá chép đỏ đang lượn lờ giữa một bầy cá vàng.
Da thịt của cô thì từ đôi má cho đến từng đầu ngón tay thảy đều trắng mịn như tờ giấy người phương Tây dùng để viết, một thoáng xanh lành lạnh điểm chút vàng nhạt lòng trứng tựa hồ màu da người ta vẫn thấy ở các cô gái lai. Ngón tay của các cô gái Trung Quốc, nếu đem so sánh với các cô gái Nhật thường mảnh khảnh hơn nhưng ngón tay của cô này lại cực kỳ thanh tú. Tuy vậy, hai ngón giữa và ngón đeo nhẫn của cô thì đang được lồng vào hai chiếc nhẫn vàng cực to so với tiêu chuẩn Nhật Bản. Hai chiếc nhẫn ấy không những lớn quá khổ mà còn được gắn thêm 5, 6 quả chuông vàng bé tí cỡ hạt đậu con. Mỗi khi tay cô động đậy thì chúng lại đong đưa và phát ra tiếng kêu lanh canh. Nếu bàn thêm về chuyện này một chút thì ta có thể bảo rằng thị hiếu về nữ trang của đàn bà Nhật ít dạn dĩ như người Hoa, có lẽ vì tinh thần đảo quốc. Trên ngón tay thanh tú như vậy, đi đeo một chiếc nhẫn quá khổ kiểu đó có khi lại đâm hay cũng không chừng. Ngồi bên cạnh cô gái là một người đàn bà khác. Da thịt cô thứ hai này lại hơi sậm, tương phản với nước da của cô kia, và khuôn mặt thì tròn trĩnh. Cô này cũng xinh không kém, người hơi thấp nhưng lớn hơn cô tiểu thư hồi nãy độ hai ba tuổi. Nếu nhìn kiểu tóc bới thì cô thứ hai này phải là dâu con của một gia đình giàu có. Cô ta đeo khuyên tai bằng vàng kết bên dưới hai hột cẩm thạch hình trái tim, mặc quần áo bằng sa đen, vừa tì khuỷu tay lên bàn vừa đan len. Bảo là đan chứ tôi thấy như cô như thể đang đùa nghịch với hai cây kim đan dài lấp lánh màu sáng bạc nên có lẽ phải nói cô ta chỉ làm bộ đan thì mới đúng. Nhìn mắt và khoé miệng, thấy cô có vẻ muốn cười mà làm ra như không cười nên càng tăng vẻ yêu kiều. Còn cô tiểu thư hồi nãy thì đôi khi lại khoành tay kéo chiếc khăn tay bằng lụa tím từ dưới lần áo và đưa lên mũi. Hai tay cầm lấy nó che trước mặt mình như một tấm màn mà chẳng nói chẳng rằng. Cô đang làm bộ chơi trò gì hay chỉ muốn thử hít một chút nước hoa đã thấm sẳn trong đó? Cả bàn tay ẻo lã của cô lẫn chiếc khăn bằng lụa tím kia đang phất qua phất lại dường tranh đua xem ai nhẹ hơn ai.
Tây Hồ ngang tầm Bảo Thạch Sơn
Khi xe hỏa gần đến cây cầu sắt bắc qua sông Tùng Giang, tôi thò đầu nhìn qua khung cửa sổ và thấy nước ở đây có một màu xanh ngọc thạch và trong suốt. Kể từ ngày đặt chân đến Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một dòng nước trong xanh như thế này. Nổi tiếng đục như Hoàng Hà thì chẳng nói làm gì, ngay cả những con sông khác của nước này như Bạch Hà và Dương Tử Giang đều bẩn vì lắm bùn. Những con kênh miền Nam vùng Tô Châu tuy không đến nổi tệ như thế nhưng vẫn không thể nào sánh được với nước Tùng Giang. Xưa kia, có dịp lấy xe lửa ngang qua Triều Tiên, tôi cứ tưởng nước ở những con sông gần biên giới là sạch nhất rồi, thế mà bây giờ mới thấy nước ở đây nào có kém thua những dòng sông đất Triều. Dù sao, phải nói là ở Trung Quốc, miền Nam và miền Bắc đã khác nhau ngay từ cái chất nước của dòng sông. Thêm nữa, nước ở Tô Châu trong hơn nước Nam Kinh và nước ở Hàng Châu lại còn trong hơn nước Tô Châu nữa. Thế chẳng phải là càng đi về miền Nam mình càng thấy xứ sở Trung Hoa dần dần đẹp hẳn hay sao! Nhìn ra những cánh đồng màu mỡ chạy dài ngoài cửa sổ toa tàu, mới thấy nó khác xa một trời một vực với vùng đồng cỏ xác xơ của Trực Lệ và Hà Nam. Giờ đây, qua hết những bãi dâu ngăn ngắt dài ngút mắt lại đến những rừng đào, những bờ liễu giăng hàng...đây đó điểm xuyết dăm vũng nước đọng với đàn vịt vài mươi con đang bơi lội tung tăng, thì thoắt cái khung cảnh đã đổi thành một vùng đồi lau, màu hoa bạc trắng lấp loá trong ánh nắng chiều. Bên chân đồi là những ngọn tháp vút cao lên trời xanh, rồi đến những bức tường thành với màu gạch cũ đánh dấu khu vực thị trấn, đang uốn éo rồng rắn. Đứng trước cảnh sắc như thế này và có dịp nhìn ngắm bóng dáng và cử chỉ của những nàng thiếu nữ xinh đẹp đi ra đi vào mỗi khi tàu ghé từng nhà ga, tôi tưởng mình như đang lạc sâu vào thế giới của những Dương Thiết Nhai [3], Cao Thanh Khâu và Vương Ngư Dương [4] vậy.
Lanh canh lách cách, có tiếng kim thuộc khi hai đồng tiền chạm vào nhau. Nhìn lại mới thấy một nhóm 4, 5 ông khách mới leo lên khi tàu ghé ga Tùng Giang, vừa đặt lưng xuống ghế ngồi, chưa chi đã bày cuộc sát phạt đỏ đen quanh bàn. Đồng tiền họ dùng là đồng Taayan (Đại Dương) bằng bạc, khổ to hơn đồng 1 Yen phát hành năm Meiji nguyên niên. Họ cho tay cào rào rạo trên mặt bàn để tụ mớ tiền, quên cả việc đang ngồi trong một toa xe, chăm chắm nhìn vào những quân bài đang nắm trên tay. Ngồi giữa đám họ là một người đàn ông khoảng 35, 36, nước da trắng, miệng rộng, đeo kính gọng vàng, khuôn mặt tròn trịa như đứa trẻ đang phụng phịu, còn mắt thì cứ láo liên. Dáng điệu ấy làm cho mọi người có cảm tưởng anh chàng đích thị là nhà cái. Mở sòng ngay giữa toa xe như họ thì có hơi thô bạo nhưng chẳng thấy ai dám lên tiếng phản đối. Ngoài anh chàng phụng phịu kia còn có một người đàn ông khác, tuổi giữa 40 và 50, mặt mũi tuy sáng sủa đường hoàng nhưng trước mặt mọi người, anh lại không biết xấu hổ gì sất, cứ nói oang oang, đẩy tiền ra quơ tiền vào như người đang nhập đồng. Anh đúng là biểu tượng cho sự suy đồi (decadence) [5] của đất nước này.
Nói đến Tùng Giang là phải nhớ tới nhà thơ Dương Thiết Nhai, hồi cuối đời Nguyên có lần tránh loạn đến đây. Ông đem theo bốn cô ái thiếp là Thảo Chi, Liễu Chi, Đào Chi và Hạnh Hoa. Có lẽ gần nơi xe hỏa của tôi đang chạy qua là chỗ ngày trước sớm chiều ông ngồi trên những chiếc huafeng (họa phảng) [6] rong chơi thoả thích. Khi tiếp xúc với cảnh quan và tập tục của một vùng đất như thế này, ta sẽ thấy không phải tự dưng mà có biết bao nhiêu tao nhân mặc khách Trung Quốc cận đại đã sinh ra từ xứ sở phương Nam.Nhà soạn kịch Lý Lạp Ông [7] cũng quê ở Triết Giang cho nên ta thấy trong tác phẩm Thập Chủng Khúc (Mười loại kịch) của ông có bao nhiêu nhân vật và tình huống, vốn lấy ra từ chất liệu sống động. Ta có thể tưởng tượng rằng những mẫu người đó, ông đã mô phỏng theo hình ảnh các giai nhân tài tử đang sinh hoạt ngoài cửa sổ toa tàu, trên núi, trên sông, trên đường cái, trong thành phố hay hiện chiếm chỗ trong toa xe này. Nếu thực sự những vở kịch thơ của Lạp Ông được sinh ra và nuôi dưỡng bằng sự giao hòa giữa đất nước đẹp đẽ này và con người sống nơi đó khiến cho chúng có màu sắc hào nhoáng và huyền ảo đi nữa thì cũng không vô lý chút nào. Khi đọc Thẩn Khí Lâu [8] Truyền Kỳ, một trong Thập Chủng Khúc, ta biết đưọc câu chuyện quái dị về chàng thanh niên Liễu Sĩ Kiên, người đã ra đến một lâu đài ảo ngoài biển khơi để gặp cô con gái của Thanh Long Vương là Thuấn Hoa và kết hôn với nàng. Vùng Đông Hải, sân khấu của câu chuyện lãng mạn này, có lẽ không xa nơi đây là mấy. Có thể suy luận là nó chỉ nằm đâu đây trên bờ biển Giang Tô Triết Giang. Lại còn vở Tỉ mục ngư truyền kỳ, trong đó có cảnh nữ diễn viên Lư Mạo Cô và con người tài hoa tuyệt thế Đàm Sở Ngọc ôm nhau nhảy xuống sông rồi biến thành đôi cá lờn bơn (tỉ mục ngư) trôi giạt đến khu vực Nghiêm Lăng. Lúc đó, tất cả cảnh tượng sơn thủy, lâu đài, nhân vật thấy trong những câu chuyện cổ tích thường ngày được kể về vùng này như hiện ra trước mắt người xem.
Phải chăng đó cũng là những yếu tố có lần đã tự nhiên đến với Lạp Ông để nung nấu thành huyễn tưởng trong tâm trí nhà văn. Đến đây, ta không khỏi nhủ thầm là nơi mỗi con người sinh ra ở miền Nam này, ai ai cũng có một nhà thơ nằm bên trong. Riêng tôi thì muốn gửi gắm đến đồng bào Nhật Bản, những người vẫn tự hào là con dân một đất nước thi sĩ ở phương Đông, đôi chút hình ảnh về phong cảnh và tâm tình của con người sống vùng quanh đây.
Khi tàu đi qua khỏi Gia Hưng có lẽ đã hơn 5 giờ chiều.Tôi ăn qua quít bữa cơm Tây nấu không được ngon trong toa ăn để trở về toa mình, mở quyển Tây Hồ Giai Thoại [9] in thạch bản đã cất công mang theo. Lúc đó ngoài cửa sổ, trời đã tối hẳn. Tấm cửa kính đen kịt loáng thoáng phản chiếu cái bóng thờ thẩn của tôi cũng như màu sắc xanh, đỏ và vàng sậm của trang phục các cô gái ngồi phía bên kia. Khi bâng quơ nhìn những đường nét thấp thoáng và mơ hồ đó, tôi có cảm tưởng mình đang bước vào một giấc mộng cũ kỹ xa vời. Đột nhiên tôi chạnh nhớ đến quê hương mà cả năm nay tôi chưa có dịp quay về: đó là thành phố Tôkyô và khu Koishikawa, nơi gia đình tôi sinh sống. Bây giờ trên một đất nước xa lạ, một thân một mình để con tàu đêm lắc lư đưa đi như thế này, nếu cảm thấy có nỗi buồn nào xâm chiếm cõi lòng thì cũng là cái chuyện thường tình...
Tối hôm qua, mãi tôi mới tìm được một khách sạn ở Đình Tử Loan, nhìn xuống mặt nước Tây Hồ. Xe hoả đến Hàng Châu mới vào khoảng sau 7 giờ tối, thay vì ngủ ở một khách sạn ngay bên ga thì tiện biết bao, tôi lại muốn đi thêm để tìm cho được một chỗ trọ bên bờ hồ. Không rành đường đất nơi đây, tôi đã nhờ một anh xe kéo đưa mình đến khách sạn Thanh Thái đệ nhị quán ở bên ngoài Dũng Kim Môn. Đã định giá 20 tiền cho đoạn đường để tới nơi đó và mới leo lên nhưng cái anh xa phu có vẻ là người không đáng tin cậy, vừa vặn lúc xe đang quẹo vào một con hẻm vắng vẻ trong thành, anh ta đã khựng càng xe lại và bảo: "Ông phải chi thêm 10 tiền nữa, không thì thôi!". Dường như nếu tôi còn tỏ ra chần chừ thì có thể sẽ bị anh ta uy hiếp. Lời qua tiếng lại một lúc nhưng cuối cùng tôi nghĩ mình đang mang hành lý, lại không rành đường đất, nếu bị bỏ mặc nơi đây sẽ không biết phải làm sao nên đành chấp nhận. Bấy giờ, anh ta lại đòi: "Tiền phải đặt trước!".Dĩ nhiên là điều đó làm tôi khó chịu nhưng cái hành vi trấn lột của xa phu Thượng Hải là thế, mình chẳng biết cái anh này thuộc loại gian ác đến cỡ nào nên đành nghe theo và móc tiền đưa. May thay, đêm hôm đó sáng trăng, nếu trời tối tăm thì có lẽ câu chuyện không chỉ dừng lại ở đấy. Vì ba sự việc rắc rối như vậy, khi tôi đặt chân đến khách sạn thì đã 9 rưởi tối. Tuy là lần đầu tiên được nhìn thấy Tây Hồ nhưng địa lý vùng ven hồ thì qua thi ca và tiểu thuyết [10], tôi cảm thấy đã quen thuộc, hầu như không chỗ nào là tôi không biết. Khách sạn được xây trên một khu đất ở phiá trái Dũng Kim Lộ, mặt tiền của nó ngó thẳng qua nhà hát có tên là Tây Hồ Phượng Hoàng Đài, còn phiá sau thì trổ ra một vùng trời nước bao la của Tây Hồ. Đứng trên bao lơn khách sạn mà ngắm thì mãi xa ở bên kia hồ, tôi đã thấy hình ảnh của ngọn Ngô Sơn với một lớp sương chiều giăng ngang, màu ngọn núi sẩm hơn màu trời một chút. Chắc chắn là ngọn tháp Lôi Phong nổi tiếng phải nằm đâu đó xế bên tay mặt nhưng cho dù là một đêm trăng tỏ ngời như hôm nay, vì ẩn dưới đáy của lớp sương dày nên tiếc thay, tôi không tìm đâu ra bóng hình của nó.
Tam đàm ấn nguyệt, một trong Tây Hồ thập cảnh
Có chăng chỉ thấy được, thật xa đằng trước mặt phiá bên kia hồ, những ngọn núi nhàn nhạt, mấy khóm cây hình thù đen sắc vượt lên khỏi mặt nước. Khi nghĩ rằng đấy chính là hình ảnh của các hòn đảo nơi có Tam Đàm Ấn Nguyệt [11] và Hồ Tâm Đình [12], những thắng cảnh xưa nay mình vẫn ao ước được thấy một lần thì lòng tôi bỗng khấp khởi rộn ràng như kẻ được gặp người mình yêu. Con đê tên là Bạch Công Đê vì theo truyền thuyết, nó đã được Bạch Lạc Thiên xây nên, chân núi Cô Sơn nơi có Phóng Hạc Đình của Lâm Hòa Tĩnh [13], dấu tích cây cầu Đoạn Kiều nổi tiếng vì mối tình của Văn Thế Cao với tiểu thư Tú Anh [14], Bảo Thạch Sơn, hòn núi có tháp Bảo Thúc [15] ... tất cả các địa điểm đó có lẽ đều nằm sau lưng, không xa mấy khách sạn tôi đang ở là mấy nhưng tôi không thể nào nhìn thấy chúng từ cái bao lơn này. Tôi định đêm nay mình sẽ dùng thuyền đi ra Tô Đê [16] tận chỗ có Lục Kiều [17] nhưng thấy giờ này đã quá trễ nên đành hẹn với mình chiều mai sẽ lấy một chiếc huafeng mà ra đó.
Đúng như lời chỉ dẫn của ông nhà buôn trên xe hỏa, ở cái khách sạn do người Trung Quốc kinh doanh này, mọi sự đều gọn ghẽ sạch sẽ. Ngôi nhà hoàn toàn xây theo kiểu Tây phương, dọc bao lơn chỉ có mươi căn phòng dành cho khách và trước cửa mỗi phòng đều đặt những chậu cúc kiểng, bên trong cũng ngăn nắp, giường chiếu sắp đặt li lai làm tôi thấy thật thoải mái. Khác hẳn anh xa phu tôi vừa mới nói, người hầu phòng tỏ ra lịch sự, khi nói chuyện biết chêm chút tiếng Anh. Chỉ tiếc một nỗi là họ không có phòng tắm.Chẳng biết phải làm sao, tôi đành lửng thửng ra bên ngoài, đến một ngôi nhà tắm công cộng ở góc Nghênh Tử Lộ tắm rửa cho sạch sẽ, sau đó leo lên một tiệm ăn gần bên dùng bữa cơm chiều. Trong mấy món ăn có Tonpô.nyo (Đông Pha Nhục). Người ta bảo duyên do là ngày xưa ông Tô Đông Pha vì yêu mến cảnh non xanh nước biếc của Hàng châu nên ở lại đây khá lâu và đã cho chế ra món ăn khoái khẩu đó. Nếu như cơm Tây có món Châteaubriand thì nó chính là một phiên bản tương xứng. Món thịt lợn này được kho trơn đến lúc mềm lụi ăn ngập chân răng, mỡ nó thau ra giống như đậu phụ và có màu nâu đậm. Nói tới Tô Đông Pha, người ta nghĩ ngay đến một nhà thơ siêu phàm thoát tục nhưng hình dung cảnh sáng chiều, ông ngồi dạo thuyền, đưa cay bằng cái món nhắm này bên cạnh ái thiếp Triêu Vân thì tôi có cảm tưởng mình cũng đã hiểu được phần nào cách hưởng lạc của người Trung Quốc. Sau khi ăn cơm xong, về đến khách sạn thì đã khoảng 10 giờ rưởi. Vì con trăng quá đẹp nên tôi ra ngoài bao lơn ngồi dựa vào chiếc ghế mây lặng ngắm cảnh sắc trên hồ. Bất ngờ để ý thấy trước cửa phòng bên cạnh có hai người đàn bà đang ngồi đâu mặt với nhau bên chiếc bàn. Trên cái sàn gỗ dọc bao lơn, nơi vầng trăng dịu dàng in bóng hàng lan can, một lớp sương xanh nhàn nhạt đang nhẹ nhàng vây phủ, có lẽ vì vậy mà hình ảnh và trang phục của hai người ấy thấy cũng mông lung huyền ảo. Thế nhưng không phải phân vân gì nữa, chính là tiểu thư xinh đẹp và người chị của cô mà tôi đã gặp trên chuyến xe hỏa vừa rồi. Có lẽ cũng như tôi, hai cô đã từ Thượng Hải xuống nơi đây để ngắm cảnh Tây Hồ. Dù vậy, hai người con gái đi chơi riêng với nhau thì quả là chuyện lạ, hoặc giả trong phòng còn có một người đàn ông nào đó tháp tùng họ. Trong khi tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì hai cô gái, có lẽ ngại ngùng vì sự có mặt của người thứ ba, đã len lén đi vào và khuất sau cánh cửa phòng.
Sáng hôm sau, khoảng 8 giờ sáng tôi đã xuống giường. Thay vì ăn cơm sáng, tôi dùng íthôtoi(hoả thoái) nổi tiếng của Hàng châu để đi kèm với saapin (sa bỉnh) [18], xong đi đi lại lại ngoài bao lơn. Chợt lúc ấy, tôi nhận ra cánh cửa căn phòng bên cạnh đang để ngỏ. Tự nhiên tôi nghĩ dến hai người con gái đêm qua nên rón rén băng qua đằng trước và dòm trộm vào căn phòng. Quả là ngoài hai cô còn có thêm một người đàn ông đồng hành. Có lẽ anh ta là chồng của cô chị. Tuổi anh trên dưới 30, khuôn mặt dài, vai rộng, người cao gầy. Hai nàng con gái hình như cũng vừa mới thức và rửa mặt xong. Cô tiểu thư đang ngồi trước tấm kính, bà chị đứng sau lưng và đang chải tóc hộ em. Một lúc sau thì cả ba kéo nhau ra ngoài hành lang, ngồi quây quần bên cạnh cái bàn đêm qua và mãi miết chuyện trò. Tuy nhiên, tay bà chị vẫn không rời cặp kim đan. Dung mạo của người đàn ông và cô gái nhỏ nét giống nhau nên có thể suy luận họ là hai anh em ruột, còn người con gái lớn hơn hẳn phải là vợ của anh chàng. Khuôn mặt của cô gái nhỏ thực ra còn xinh đẹp hơn nhiều so với lúc ngồi trên xe hỏa. Có thể đó là màu nước Tây Hồ vàng tươm như lụa với những con sóng nhỏ lô xô cũng như bầu không khí sảng khoái của buổi sáng mùa thu ngoài trời đã tô vẽ thêm và ảnh hưởng tới dung nhan cô. Chiếc áo dài cô mặc bên trên người cũng như cái váy dài đều xanh một màu men sứ, cả hai trông sao mà thích hợp với tình cảnh và thời điểm lúc này đến thế! Tôi ngờ rằng cô đã cố ý chọn bộ đồ này trong số quần áo đem theo để sao cho hình dáng của mình có thể tan loãng vào trong màu xanh của cảnh quan núi hồ. Màu của bộ quần áo tuy có sáng bóng nhưng kín đáo và sang trọng, được may bằng sa, buông mềm mại tựa chòm liễu rũ bên sông. Ngày hôm qua tôi không nhận ra nhưng mới thấy trên nền xanh men sứ ấy có thêu lốm đốm những mô hình như đuôi chim công và cũng cùng một màu xanh. Ngoài ra, bên riềm áo và quần lại có viền những sợi tơ hồng nhạt màu hoa trúc đào. Nhìn chung, cổ và chân của phụ nữ Trung Quốc cũng thon thả nào có kém người Tây phương nhưng bàn chân của cô tiểu thư này - khi cô đang ngồi trên ghế và ngáng cả hai chân lên thanh ngang bên dưới mặt bàn - đã để lộ ra vùng da thịt giữa gấu quần và đôi tất màu kem sáng [19]. Đôi chân thu hẹp dần, đến khoảng mắt cá thì bàn chân hầu như chỉ trơ có xương nhưng sau đó lại nở nang ra để có thêm một chút da thịt. Mũi chân cô xỏ vào một đôi giày cũng bằng sa nhưng hơi nông, nó chỉ đủ che mấy đầu ngón và cảm tưởng của ta là cô có đôi bàn chân mảnh khảnh đáng yêu như chân của một chú nai con. Dĩ nhiên không chỉ đôi bàn chân, cổ tay nơi cô đeo chiếc đồng hồ vàng cũng mảnh mai như vậy. Có thể nói mặt cô hơi dài một chút, lỗ mũi thanh tú như mũi người Hi Lạp, cái miệng nhỏ mở he hé với đôi môi mọng. Trên khuôn mặt hội đủ những yếu tố để tạo ra một nét thơ ngây và ngơ ngác như trẻ con khiến người ta suy luận rằng cô phải là người sinh ra trong một gia đình quí phái thì mới có dáng vẻ sang trọng như vậy, vẫn có những dấu hiệu kiệt sức chứng tỏ sức khoẻ của cô không khả quan cho lắm và chắc cô đang lâm bệnh. Cặp mắt to với đôi đồng tử đen của cô sao không thấy tràn đầy sinh khí, đôi môi đáng lẽ phải hồng tươi thì đã ngả màu nâu. Sắc mặt của cô không thể nói là trắng xanh nhưng xanh đậm và vì đó mà hơi thâm. Làn da cô mịn màng, săn lại và lạnh lẽo như chất ngọc, mới nhìn thoáng bên trên sẽ thấy nó đẹp long lanh và trong veo nhưng nếu thử đào bới thì từ dưới đáy, ta có cảm tưởng sẽ vọt lên những cặn bã đục ngầu như một cái ao tù. Dù vậy, vẻ yêu kiều đã lôi cuốn trái tim tôi hơn cả lần gặp hôm qua có lẽ là từ ấn tượng toàn thể đối với người đẹp bệnh hoạn là cô mà tôi cảm nhận. Nhất là khi đề cập đến người đàn bà ta phải nói đến nét liễu yếu đào tơ, thần thái lãng đãng, đồ chừng chỉ cần gặp phải một luồng gió là họ sẽ tan biến. Đối với người Trung Quốc, ngay cả người Á Đông cũng vậy, có thể xem quan niệm này là điển hình về nét đẹp phụ nữ kiểu Trung Hoa. Trước đây tôi có lần nói, đàn bà Trung Quốc nói chung phần đông đều có khuôn mặt nhỏ và giống trẻ con cho nên dù đối với người đã có chồng hay còn con gái, mình thật khó lòng đoán được tuổi tác của họ. Nếu cô tiểu thư này không để kiểu tóc trẻ như con gái và khoé mắt cánh mũi của cô không lộ ra một vẻ ngơ ngác thơ ngây thì với những nét hằn cứng như chạm khắc trên dung mạo tuyệt vời ấy, cô có thể được cho là người lớn với số tuổi trên hẳn số tuổi thực. Riêng tôi đoán nếu trẻ lắm thì cô 16 hay 17, nếu không có lẽ cũng chưa đến 19.
Khúc Viện phong hà, một trong Tây Hồ thập cảnh
Vì dự định lưu lại nơi đây khoảng một tuần, tôi nghĩ mình có dư thời giờ để đi thăm tường tận mọi danh lam thắng cảnh trong vùng. Trước tiên phải dò xét địa thế cho nên từ sáng tôi đã thuê kiệu để đánh một vòng chung quanh hồ. Nhân việc đó mà tôi mệt đến phờ người nên mới quá 4 giờ rưởi đã trở về khách sạn. Đêm nay tôi sẽ tha hồ ngắm cảnh trăng nước trên hồ bởi vì tối qua tuy đã giữ một chiếc huafeng nhưng có lẽ quá mệt, không đủ can đảm lê chân, nên tôi lại ra ngồi tựa mình trên chiếc ghế mây để thần hồn đắm chìm vào cảnh sắc hoàng hôn trên hồ. Đêm qua tôi không phân biệt được rõ ràng nhưng bây giờ mới để ý là khu vườn bên dưới bao lơn có trồng nhiều cây liễu, sơn trà và phong dọc theo chu vi một đầm sen. Trên doi đất cạnh hồ , người ta xây một cái đình hình lục giác be bé. Từ bậc thang của cái đình có một con đường lát đá, trên đó đặt nhiều chậu cúc. Trên mấy bức tường đất màu trắng của cái tiểu đình này, dây trường xuân mọc ken dày phủ hết cả. Bên ngoài bờ tường đất, có một nhóm người qua lại bắt đầu bu đến và làm thành một hàng rào người. Tưởng là gì, té ra có một anh diễn trò đang biễu diễn tuốt kiếm cho thiên hạ xem chơi. Truyện Thủy Hữ cũng có chép cảnh tượng các anh hùng hào kiệt kẻ thì múa côn người thì múa giáo ở ngay giữa chợ. Có lẽ ông diễn trò này học theo các sư phụ đó. Nơi đây nằm ngay ngã tư rộng rãi của Diên Linh Lộ, khách nhàn du qua lại nhộn nhịp. Người ta thường hay đụng đầu những người bán mía dạo. Ở vùng này, mía là một món quà bình dân, người già người trẻ ai cũng mua mía để nhai nhóp nhép. Bên tay mặt ngã tư là một bức tường đá đối diện với mặt nước hồ, trên bến đò ở kè sông có mấy chiếc huafeng cắm neo. Cạnh chúng, năm sáu chiếc kiệu đẹp đẽ, có tết những tụi màu hồng gắn chuông bạc nhỏ và buông rủ, đang nằm như nghỉ mệt.
Đưa mắt nhìn khu hồ nằm bên kia thành phố, tôi thấy mặt trời chiều đang nằm ở giữa ngọn Ngô Sơn và rặng núi chạy vòng đằng sau với các ngọn Tuệ Nhật Phong và Thái Vọng Sơn. Nó như đang buồn ngủ díp mắt, đang từ từ chìm xuống một cách lặng lẽ và êm ả.
Di tích tháp Lôi Phong cũ, nơi trấn con tinh bạch xà, đã đổ nát
Tháp Lôi Phong mà hôm qua tôi không thể nhìn thấy, nằm cách ngọn Ngô Sơn chỉ độ một tẹo, nó như đang vạch luồng khí núi màu xanh của ngọn Nam Bình Sơn rậm rạp cây cối để vươn lên nền trời. Nghe rằng tháp này được xây từ thời Ngũ Đại, cách đây ngót một nghìn năm cho nên những đường nét kỹ hà học thẳng băng của nó nay đã bị bào mòn thành hình dạng lởm chởm của một cái núm cùi bắp. Dù vậy màu gạch kia hãy còn chưa phai hẳn, nên khi được mặt trời chiều dọi lên, nó phản chiếu một màu đỏ thắm. Tôi chợt thấy mình đang được ngắm Lôi Phong tịch chiếu (Mặt trời lặn trên tháp Lôi Phong) vốn được đánh giá là một trong Tây Hồ thập cảnh. Chếch qua bên phải của ngọn tháp một chút và xa xa trên mặt hồ là hình ảnh hòn đảo mà đêm qua tôi đã đoán là nơi có Tam Đàm Ấn Nguyệt (Ba mặt đầm in trăng). Ở phiá đông của đảo và nằm giữa lùm cây xanh tốt hiện ra một vật thể be bé trăng trắng, có lẽ là những bức tường của Thoái Tỉnh Am [20]. Còn hòn đảo con nơi có Hồ Tâm Đình thì từ chỗ này phải nhìn thật xa qua bên phía tay phải. Hòn đảo giới hạn tầm mắt của tôi nhưng đây chính là chỗ hồ trãi rộng về trung tâm của nó nên chung quanh đảo chỉ có những đợt sóng lăn tăn đẩy ra tấp vào. Bất chợt tôi nhận ra bóng một con thuyền nhẹ từ trong vòm liễu ở khoảng Thanh Ba Môn cửa thành Hàng Châu đang chèo thẳng một mạch về phía chân ngọn tháp Lôi Phong. Mặt nước thì lặng mà thuyền lại bé nên tôi có cảm tưởng nó như một con rận đang bò trên mặt chiếu. Liền lúc đó, trước mắt tôi lại hiện ra một chiếc thuyền nhỏ khác từ Đình Tử Loan, tựa hồ nó muốn bơi về hướng mũi đất Tiên Lạc Viên. Trên chiếc thuyền này hình như chỉ có một người lái ngồi chính giữa, đang dùng cả chân và tay để sử dụng một lượt hai mái dầm cho thuyền tiến mau. Chẳng biết tự lúc nào mặt trời đã hoàn toàn lặn. Thế nhưng nền trời ở góc những ngọn núi phiá Tây không tối đi mà ngược lại, còn sáng ra. Dần dần màu trời như bốc cháy, sắc đỏ nhuộm cả phân nửa mặt hồ, giống như một dòng mực đỏ đang trôi.
Có lẽ hai chị em người đẹp kia đang đi ngoạn cảnh hay sao mà chưa thấy về. Sáng hôm nay, chiếc bàn ngoài bao lơn nơi họ vẫn thường giữ chỗ, tôi thấy có một cô béo núc na núc nác người phương Tây mặc một chiếc áo chẽn bằng len dày vằn vện ngang dọc đã ngồi vào đó. Cô ta đang thừ người, một tay chống má. Chẳng hiểu vì cớ gì mà khi thấy tôi đi ngang qua, đột nhiên cô ta đặt câu hỏi bằng tiếng Nhật:
- Ông từ Tôkyô đến đấy à?
- Không, tôi không đến từ Tôkyô. Tôi đến từ Bắc Kinh. Cô sống ở Tôkyô hay sao ạ?
- Vâng, tôi đã từng ở Tôkyô, Ôsaka, ngay cả Kôbi (cô muốn nói Kôbe) nữa. Nhờ đó mà biết chút tiếng Nhật.
Nghĩ thầm cô nàng có thể là hạng gái mãi dâm thường kéo đến đây từ vùng Thượng Hải nên tôi mời mọc :
- Sao? Cô một mình thì đi dạo một chút với tôi đi!
- Không được, ông ơi! Tôi không đi một mình. Có cả chồng tôi nữa.
Nếu cô ta đi cùng chồng thì thôi, đành vậy. Hơn nữa, một mình không biết làm chi nên tối đến, tôi lại cất bước đến nhà tắm công cộng ở Nghênh Tử Lộ.
Sau bữa cơm chiều, lúc tôi ra bến đậu thuyền đằng sau khách sạn và leo lên một chiếc huafengthì có lẽ đã đến 9 giờ tối. Thuyền nương theo bờ hồ từ Dũng Kim Môn và chèo về hướng nơi có cảnh Liễu Lãng Văn Oanh (Sóng liễu nghe oanh hót). Tôi chiếm lấy chỗ đầu mũi thuyền , để cho toàn thân tắm bằng ánh trăng đang chiếu trọn khung trời không có lấy một gợn mây.Để tả đêm nay trời thanh trăng sáng đến độ nào thì ta có thể hình dung cảnh tượng những ngọn núi bao bọc quanh hồ, những hàng liễu trên bãi đang rũ xuống giống như đàn con gái xõa tóc gội đầu, ngay cả những đền đài lầu gác bên bờ, từng cái từng cái đều soi bóng rõ mồn một lên trên mặt nước. Ngày xưa tôi có dịp ngắm trăng ở Cam Đường Hồ ven bờ sông Tầm Dương và hãy còn nhớ hình ảnh ngọn Lư Sơn hùng vỹ in trên mặt hồ xanh ngắt. Thế nhưng so sánh với lúc đó thì đêm hôm nay trời quang đãng bội phần mà diện tích của Tây Hồ còn rộng hơn hồ Cam Đường nhiều. Cho dù mặt nước không được như ở đây đi nữa thì trong một buổi chiều như hôm nay, ta cũng thấy hồ rộng ra bát ngát hơn bình thường. Khi thuyền dần dần đi xa bờ thì nước hồ trên con đường thuyền đang trôi dường như tăng thêm và dâng lên từ dưới đáy hồ làm cho mặt nước giống như cái bụng đang trướng, nó từ từ đẩy thuyền đi càng lúc càng xa bờ. Đến đây cũng phải xác nhận một điều: tuy phong cảnh Tây Hồ được cho là đẹp chủ yếu nhờ diện tích rộng bao la nhưng nó không đến nổi rộng quá lố như trường hợp hai hồ Động Đình và Phan Dương. Ở đây chỉ cần phóng một tầm mắt là ta đã có thể thấy một cách bao quát phạm vi của nó, còn như núi đồi gò đống thì tầm cỡ cũng vừa vặn nên giữ được thế quân bình. Nếu mình nghĩ là hùng tráng bao la thì sẽ thấy nó hùng tráng bao la, còn nghĩ nó gọn ghẽ như hòn non bộ thì sẽ thấy nó thật gọn ghẽ. Bởi vì khung cảnh này có đủ mọi thứ: cửa sông, đê dài, đảo lớn đảo nhỏ, cây cầu với lầu đặt trống (cổ kiều) ..., tuy đa hình đa dạng nhưng khi ta nhìn sẽ thấy mọi chi tiết đi cả một lượt vào trong đôi mắt như khi người mở một bức tranh cuộn ra xem, và đó đặc điểm của cái hồ này. 
Cổ kiều
Đêm nay cũng vậy, khi thuyền dần dần ra xa bờ, cả một vùng trời nước bao la dần dần mở ra trước mắt nhưng tôi không dám chắc là đến bên kia chân trời mình sẽ chạm được đất liền. Tôi có cảm tưởng là tất cả núi rừng nằm ven bờ hồ thực sự phải còn ở tận đằng sau chân trời ấy nữa. Ngẫng đầu lên đão mắt nhìn bốn phương tám hướng xong, tôi mới cúi mặt xuống nhìn xuống bên dưới thì trước mắt tôi, chỉ là một vùng mông mênh sóng vỗ. Tựa chừng không phải thuyền đang băng ngang hồ mà như thể thuyền đang chìm dần xuống lòng nước. Nếu ai là người có được cái tâm tình như vậy mà lặng lẽ mặc cho con thuyền đu đưa để thiu thiu chìm xuống dưới đó thì dù có bị chết đuối, cái chết ấy cũng không có gì đau khổ và nếu phải gieo mình, cũng không lấy làm buồn tủi. Chưa kể là nước của hồ này, một phần vì có ánh trăng chiếu lên hay sao mà thấy trong vắt như dòng nước sâu của một con suối linh thiêng [21] trong chốn thâm sơn .Vì vậy khi thuyền chao nghiêng, nếu như hình ảnh của nó không in lên mặt nước đang trải ra như tấm kính thì người ta sẽ không còn biết phân biệt đâu là thế giới của không khí và đâu là thế giới của nước bởi vì từ nơi đây, có thể nhìn rất sâu, thấu tới phiá đáy hồ. Trên chiếc thuyền đáy nông mà phần nổi trên mặt nước cũng bèn bẹt và mỏng như một chiếc dép rơm, thân thể tôi đang trôi lặng lờ về phiá trước ở giữa khoảng không khí tiếp giáp với mặt nước. Chỉ thấy lạ là sao mình chưa bị thấm ướt chứ có lúc tưởng chừng người mình đã chìm hẳn trong lòng nước. Choài ra ngoài mạn thuyền, đưa mắt nhìn đáy hồ cho cực rõ, tôi thấy ở đây nước bắt đầu cạn dần, chỉ khoảng 2, 3 shaku hay 4, 5 shaku [22] mà thôi. Ngày xưa, thơ Lâm Hòa Tĩnh có câu "Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển" [23] là nói về hồ này nhưng ý nghĩa và vẻ đẹp của mấy chữ "thủy thanh thiển" thì chỉ khi nhìn xuống đáy nước ở đây, lần đầu tôi mới lĩnh hội được. Bên trên tôi vừa so sánh nước hồ với cái trong vắt của một dòng suối linh thiêng chốn thâm sơn nhưng đứng trước cảnh này thì cách diễn đạt ấy thấy không còn đầy đủ. Chính vì dù sâu có mỗi 3, 4 shaku thôi nhưng nước hồ ở đây không chỉ trong suốt như con suối thiêng của nhà ẩn tu, nó còn có vẻ dị thường với cái nằng nặng, trơn trơn dinh dính của một viên kẹo . Nếu như xoè bàn tay vốc vài giọt nước hồ ở đây lên rồi đưa lên khoảng không trong chốc lát, có lẽ khi nhận được ánh sáng lạnh lẽo của vầng trăng, chúng sẽ cô lại thành những hạt thủy tinh cũng không chừng! Trong dòng nước nằng nặng ấy, tôi thấy mái dầm không xé nước để đưa con thuyền nhẹ nhàng lướt tới mà lại hơi bị cản như thể có ai đang đẩy ngược. Mỗi khi mái dầm rời mặt nước thì nước hồ ánh lên một màu xanh bạc, thấy giống như hồ đang được trải lên trên bằng một lần lụa mỏng. Bảo trong nước có tơ sợi thì có thể bị coi là kỳ khôi nhưng đúng thế, tôi cảm thấy dường như nước trong hồ này đã được dệt bằng một loại tơ mảnh mai và có sức đàn hồi, gắn bó, còn tinh vi hơn cả tơ nhện nữa. Tuy nước trong xanh thực đấy nhưng nó không làm ta cảm thấy khoan khoái vì chỉ chứa chất một sự nặng nề tù hãm. Sở dĩ tôi cảm thấy như vậy một phần vì ở dưới nước có một loài thực vật giống như rong rêu đang mọc um tùm, khiến cho đáy hồ như được phủ lên một thảm nhung xanh thẫm, và có lẽ nhờ phản xạ ánh sáng nên nó óng a óng ánh. Thực tình tôi không biết lối diễn tả nào phù hợp hơn nếu không gọi nó là một tấm thảm nhung được dệt tinh xảo và có một vẻ đẹp óng ả dị thường. Thế rồi, để cho tấm nhung này càng mịn màng và bóng loáng hơn, nữ thần cung trăng đã ban phát ánh sáng, tạo nên vô số hoa văn trên sóng khâu lại bằng những con rắn bạc lên khắp cả mặt hồ. Nếu trên cõi đời này có một loại nhung đẹp như thế thì tôi nghĩ mình sẽ mang về Tôkyô mặc lên người cô K-ko, một nữ diễn viên đáng yêu mà tôi biết. Còn nếu như trên hồ này có một nàng tiên đang sống thì cái áo khoác của nàng tất phải có màu sắc của tấm thảm nhung này! Vì đáy hồ khá cạn, dù tôi không chủ tâm, mái dầm cũng ngoáy trúng ngay thảm rêu, làm cho những quầng bùn đục tròn giống như làn khói chợt bốc dậy trong hồ chẳng khác nào cát đá quay cuồng trước cơn gió lốc.
Đoạn Kiều tàn tuyết, một trong Tây Hồ thập cảnh
Con thuyền sau khi qua trước khu vực Liễu lãng văn oanh rồi thì quay ngoặt qua hướng Tây để đi về phiá trung tâm hồ. Tôi thấy bên trái có một khoảnh đen đen như thể một cánh rừng thấp, có lẽ là ruộng dâu hay gì đấy. Nhìn về hữu ngạn thì giữa lúc tôi không để ý, thuyền đã quay vòng tròn và hoàn toàn đổi phương hướng, rồi đùng một cái, trước mắt tôi mặt hồ đang nới rộng thêm ra, từ phiá xa xa nơi sóng tấp vào, đã thấy ngọn tháp Bảo Thúc trên Bảo Thạch Sơn hình thù như cái cột buồm hiện ra mơ hồ trên nền trời. Bên trái của nó, khoảng dưới chân hòn núi Cát Lĩnh, tôi thấy có ánh đèn nhấp nháy, không chừng là nơi có khách sạn Tân Tân. Ở chỗ này mà đưa mắt nhìn quanh một vòng thì coi bộ từ đây đến đó còn phải đi mất một đoạn đường cực dài vì mặt nước Tây Hồ bây giờ lai láng chẳng khác nào mặt biển. Nói là biển chứ mặt nước hồ quá sức bình lặng, trước mắt, tôi không thấy đợt sóng nào đáng kể. Tôi nghĩ phải chăng thân thể mình chỉ nhỏ bé như con kiến và đang lọt thỏm trong một cái mâm cẩm thạch tròn vĩ đại là mặt nước hồ. Tôi còn nhớ khi hãy còn nhỏ, có lần đứng giữa một cánh đồng rộng, nhắm mắt và xoay vòng vòng rồi bất chợt mở mắt ra thì thấy đất trời chưa bao giờ rộng rãi hơn thế, chóng mặt đến suýt ngất. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là dù hồ này rộng đến bao nhiêu, đi đâu cũng thấy nó sâu độ 2, 3 shaku hay cùng lắm nước chỉ dâng chấm ngực. Lúc ấy tôi ngẫm nghĩ phải chăng Tây Hồ không là một cái hồ mà là một cái ao con đáng khiếp sợ. Nếu đem cái vĩ đại biến thành gọn ghẽ như hòn non bộ thì nhất định ta có thể làm được với cảnh Tây Hồ. Sở dĩ cái hồ này tĩnh lặng và trên mặt nước cảnh vật nào cũng in bóng dáng tươi tắn của chúng lên được như vậy, hẳn vì đáy hồ khá nông và không có đợt sóng nào to đáng kể. Cũng giống như bóng núi có thể in trong lòng chậu, dù chỉ sâu cỡ 2, 3 shaku đi nữa, nước vẫn là nước. Bắt đầu là cánh rừng cây tối đen trước mặt và cảnh màn sương xanh che ngọn Cô Sơn đang ùn lên, rồi qua bên tay trái tôi thấy những hòn núi thấp chập chùng nằm bên nhau với những đường cong thanh nhã như thân thể một người phụ nữ, nào là Thiên Trúc Sơn, Thê Hà Lĩnh, Nam Cao Phong, Bắc Cao Phong vv... Dưới ánh sáng chan hòa của vầng trăng, những quả núi ấy trở thành lung linh như chực tan biến nhưng khi thấy từng ngọn một vẫn đổ cái bóng trang nghiêm của chúng trên mặt nước, không hiểu vì sao cảnh đó lại khiến tôi đoan chắc về mực nước nông của lòng hồ. Khi chèo đến trước Hồ Tâm Đình và còn cách khoảng 7, 8 chô [24], tôi chợt nói với người lái thuyền:
- Này bác, tạm dừng thuyền ở chỗ này cho tôi với!
Ông lái không hiếu vì cớ gì nên dừng mái dầm, ngồi sụp xuống đuôi thuyền. Chiếc huafengbây giờ giống như một cái thuyền con mất hướng, chầm chậm xoay vòng tròn và để cho những đợt sóng đưa đi đâu thì đưa. Gần mạn thuyền bên trái, chỉ có cái bóng dài của ngọn tháp Lôi Phong in trên mặt nước, nghiêng qua lệch lại như dáng con lươn. Ngoài ra hoàn toàn không có vật gì lay động cả. Có đi chăng nữa thì chỉ là bóng trăng phía tay trái ngọn tháp đang xê dịch chậm rãi trên bầu trời về bên phải. Xa hơn nữa, dưới chân ngọn Cô Sơn, chắc là ngang tầm với Văn Lan Các (Gác sóng thêu), có mấy ánh lửa đêm đo đỏ đang nhấp nháy. Cố sức lắng tai nghe thêm nữa thì thấy giữa cái tịch mịch như dưới đáy cõi chết, vọng lại mơ hồ một tiếng tiêu ai thổi...
Tôi bất chợt nhô đầu nhìn xuống nước. Không biết có sự biến hoá gì, nước hồ trong vắt có thể thấy tới đáy như thế mà giờ không nhìn được gì nữa trừ một mặt nước bên trên chấp chóa như tấm kính. Duy khi định thần, trố mắt nhìn thật kỹ thì, dù không có một ngọn gió nào vi vu thổi, khối nước trong hồ tựa chừng đang rung rinh vì một trận động đất, khiến cho mặt hồ nhíu lại như tấm vải, bị vò bởi những cơn sóng, nhỏ nhưng hối hả, xô đẩy nhau giống người thần kinh nhạy cảm.
Chỉ hơn 30 phút sau, con thuyền của tôi lại từ từ chuyển động. Len qua giữa Hồ Tâm Đình và Tam Đàm Ấn Nguyệt, thấy bên tay mặt có Nguyễn Công Đôn (Gò Ông Nguyễn) [25], thuyền đi về phiá Tô Đê, con đê chạy từ Đông sang Tây cắt ngang lòng hồ. Trên con đê dài dằng dặc ấy, lác lác đôi chỗ có vườn dâu, ở giữa, điểm xuyết dăm bờ liễu và mấy hàng cây. Cành lá của chúng xum xuê, tươi mát như ướt nước. Còn về 6 cây cầu trên Tô Đê tương truyền do Tô Đông Pha xây lên thì nếu tính từ bên trái tôi, cây cầu thứ nhất là Ánh Ba Kiều (Cầu ánh nước), cây thứ hai là Tỏa Lan Kiều (Cầu khoá sóng) đều ẩn đằng dưới bóng những lùm cây rậm, riêng hai cây thứ ba, Vọng Sơn Kiều (Cầu ngắm núi) và cây thứ 4, Yểm Đê Kiều (Cầu chắn đê) thì đang bọc thành một vòng hình cung trên đoạn đường con thuyền tôi bơi qua.
- Này bác lái, đưa thuyền chui dưới vòm Vọng Sơn Kiều sang phía bên kia hồ hộ tôi đi!
- Chui thì chui chứ bên kia cầu có gì để coi đâu, ông! Hơn nữa, nước bên đó cạn, cỏ với rong mọc đầy hà, thuyền dễ bị kẹt lắm.
Gương mặt của người lái tỏ ra ông ta đang lúng túng.Tôi bèn thôi thúc:
- Có kẹt cũng không sao! Bơi qua đi, được chừng nào hay chừng nấy!
Người lái thuyền vùng vằng một chút nhưng rồi cũng đưa con thuyền hướng về phía Vọng Sơn Kiều.
Cái cổ kiều (cầu trống) này vốn xây bằng đá, hình vòng cung, bị giây leo mọc như đan vào nhau, cứ như thế mà in bóng trên mặt hồ. Thuyền chui gọn dưới vòm cầu hình tròn để đi qua bên kia. Lúc tưởng chừng đã vượt được phân nữa thì nghe dưới đáy thuyền bắt đầu có tiếng kêu kẻo cà kẻo kẹt. À ra là vậy, ông lái này nói có lý thật. Chung quanh đây cỏ dại và rong rêu mọc kín mít, chúng đong đưa như hoa lau gặp gió nhưng khi chạm phải thì kéo giật và cào thật sắc vào lòng thuyền. May quá, chèo thêm được khoảng 10 ken [26] thì rong và giây leo thưa bớt đi, mực nước có sâu hơn chút. Vừa vặn lúc đó, cách con thuyền của tôi chừng 5, 6 shaku, dường như có một vật gì màu trắng đang nổi lềnh bềnh. Thử cho chèo đến gần thì tôi nhận ra đó là một thi thể đàn bà đang bị rong rêu bao phủ. Cái xác chết ấy nằm ngữa mặt lên trời, đang bị làn nước óng ánh và mỏng hơn cả thủy tinh táp qua táp lại. Ánh trăng chiếu như xuyên đúng nơi đây cho nên ta còn nhìn rõ hơn là trong không khí. Nó nhắm thẳng vào dung mạo trẻ trung của cái xác chết. Do đó, tôi không thể nào lầm cho được. Đấy là cô tiểu thơ xinh đẹp mà kể từ hôm qua, tôi đã gặp bao lần kể cả trong xe hỏa lẫn trên bao lơn khách sạn Thanh Thái. Đôi mắt của cô đã nhắm, hai bàn tay chắp lại trên lồng ngực, thân thể duỗi dài ra một cách bình an. Nhìn cảnh đó, tôi phỏng đoán là cô đã tự trầm. Dù vậy, tôi không làm sao thấy đọng lại trên khuôn mặt của cô chút dấu vết nào của sự đau đớn hay buồn khổ. Không hiểu cô đã tìm đến cái chết bằng cách nào? Hay là cô không chết đâu, cô chỉ đang đi vào một giấc ngủ thanh thản đó thôi. Nếu không sao nó lại tươi tắn và rạng rỡ đến thế! Tôi cố sức choài mình ra khỏi be thuyền, đưa mặt mình xáp lại gần khuôn mặt của xác chết. Cái mũi cao kia hầu như nhô lên đến chạm sát mặt nước và tôi cảm thấy như cô đang phả một hơi thở nhè nhẹ vào trong cổ áo tôi. Những nét hằn quá cứng khắc lên trên mặt như thể chất chứa oán hận, sau khi bị nước thấm ngập, coi bộ mềm mại ra và làm cho cô có dáng hiền hậu hơn. Ngay cả sắc huyết xanh xao ngả sang tối sẫm thấy như đã được gột rữa hết bụi bặm, giờ đây đã mang màu trắng trở lại. Thế rồi, màu xanh của cánh áo xanh men sứ mà cô mặc bên trên đã bị ánh sáng trong vắt của vầng trăng xoá mất đi, nay chỉ còn thấy lấp lánh trên đó một màu trắng bạc như vẩy cá vược.
Tôi chợt nhận ra là ở ngay đầu bàn tay đang đặt trên ngực của cô vẫn còn đeo cái đồng hồ nhỏ bằng vàng mà tôi để ý thấy có hồi sáng nay. Kim đồng hồ chỉ 10 giờ 31 phút, nó vẫn tiếp tục chuyển động như ghi nhận thời giờ cô đang sống. Khi tôi áp mặt xuống gần mặt nước, để giúp tôi thấy được cái kim đồng hồ nhỏ bé và mong manh đang tích tắc, độc giả có thể tưởng tượng ra là con trăng đang trôi qua bầu trời hôm ấy phải sáng đến mực nào...
Thi hài của người con gái đã được vớt lên ngay trong đêm hôm và đem về quàng tạm tại một căn phòng trong khách sạn Thanh Thái vào sáng hôm sau. Tên của nàng là Lệ Tiểu Thư, một thiếu nữ 18 tuổi, năm nay vừa tốt nghiệp trường nhà dòng ở Thượng Hải. Theo lời kể của người anh và chị dâu thì gần đây cô mắc phải bệnh lao phổi, được anh chị đưa đến Hàng Châu lần này để nghĩ dưỡng sức đồng thời nhập viện ở một trung tâm chuyên môn về bệnh phổi trên Bảo Thạch Sơn. Có lẽ vì cô bi quan, nghĩ mình đã gặp phải chứng nan y vô phương chữa trị nên đâm ra tuyệt vọng với cuộc thế phù du này. Tối hôm qua cô đã đánh lừa được sự kiểm soát của anh chị, lén uống một liều thuốc phiện rồi ra bên Vọng Sơn Kiều, trầm mình dưới đáy hồ để cho dòng nước xanh kia tẩy sạch tấm thân đã bị độc trùng tàn phá.
Tôi nghe xong câu chuyện, bỗng chạnh nhớ đến một người đồng chung cảnh ngộ với cô là danh kỹ Tô Tiểu Tiểu [27] đời Lục Triều, cũng đã nằm xuống bên cạnh hồ này.
Mộ nàng Tô Tiểu Tiểu ở Hàng Châu
Mộ của nàng Tô ngày nay vẫn còn nguyên bên Tây Linh Kiều [28], che bởi mái Mộ Tài Đình (Đình mến tài) mà trên 4 trụ đá của nó, hãy còn lưu dấu những vần thơ khắc lên thương tiếc người mệnh bạc như mấy câu sau đây:
Kim phấn Lục Triều hương xa hà tại
Tài hoa nhất đại thanh trủng do tồn
(thơ Diệp Hách)
(Vàng tô phấn điểm xe hương Lục Triều đâu nhỉ?
Tài tình sắc sảo mồ xanh một kiếp còn đây)
Thiên tải phương danh lưu cổ tích,
Lục Triều vận sự trứ Tây Linh.
Hồ sơn thử địa tàng mai ngọc,
Hoa nguyệt kỳ nhân khả chú kim.
(thơ Bì Lâm)
(Nghìn thuở danh thơm lưu truyện cũ
Lục Triều phận mỏng hỏi Tây Linh.
Núi hồ là chốn vùi xương ngọc,
Ai kẻ đa tình, hãy luyện kim!)
Đào hoa lưu thủy diễu nhiên khứ,
Du bích hương xa bất tái phùng. [29]
(thơ Từ Lan)
(Hoa đào nước suối trôi đi mất,
Vách thắm xe thơm hết hẹn hò)
Tham khảo:
Tanizaki Jun.ichirô, nguyên tác Seiko no tsuki, 1982, trong (toàn tập)Tanizaki Jun.ichirô Zenshuu, quyển 6, Chuô Kôron, Tôkyô, xuất bản.
Hình ảnh mượn từ Internet.
Chú thích:
[1] - Biệt danh của Cao Khải (1336-1374) nhà thơ tài hoa mệnh yểu đầu đời Minh. Ông có hiệu là Thanh Khâu Tử.
[2] - Lê Nguyên Hồng (1864-1928) xuất thân sĩ quan quân đội, tổng thống thứ 3 của Trung Hoa Dân Quốc từ cuộc Cách Mạng Tân Hợi (1911) sau Tôn Văn và Viên Thế Khải.
[3] - Thi nhân đời Nguyên. Thiết Nhai là biệt hiệu của Dương Duy Trinh (1296-1370) tự Liêm Phu, nhà thơ sở trường về Nhạc Phủ với phong cách Lục Triều, tượng trưng cho dòng thơ thị dân phương Nam.
[4] - Tức Vương Sĩ Trinh (1634-1711), thi nhân tiêu biểu đời Thanh Khang Hy. Ông hiệu là Ngư Dương tiên nhân.
[5] - Tiếng Anh trong nguyên tác.
[6] - Thuyền ghép như cái bè và có trang trí, một phương tiện vận chuyển trên sông nước Giang Nam.
[7] - Lạp Ông tức Tây Hồ lạp ông, biệt hiệu của nhà viết kịch Lý Ngư (1610-1680). Họ Lý cũng là tiểu thuyết gia, tác giả Nhục Bồ Đoàn (Nệm Thịt).
[8] - Ảo ảnh trên mặt nước (mirage)
[9] - Tập sách gồm 16 chương nói về phong cảnh Tây Hồ và vùng phụ cận, có những chương nhắc đến các danh sĩ từng sinh sống quanh đó như Cát Hồng, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha...cũng như con tinh bạch xà bị đạo sĩ chôn dưới tháp Lôi Phong. Sách do một văn nhân bút hiệu Mặc Lãng Tử soạn, ra đời vào khoảng niên hiệu Khang Hy (1662-1712).
[10] - Có lẽ tác giả muốn nói đến Tây Hồ thập cảnh, thường thường được biết là: 
 1) Tô Đê xuân hiểu, 
 2) Khúc Viện phong hà, 
 3) Bình hồ thu nguyệt, 
 4) Lôi Phong tịch chiếu, 
 5) Song phong sáp vân, 
 6) Nam bình vãn chung, 
 7) Tam đàm ấn nguyệt, 
 8) Hoa cảng quan ngư, 
 9) Liễu lãng văn oanh, 
10) Đoạn Kiều tàn tuyết.
[11] - Ba cái đầm nằm trong một hòn đảo mà hòn đảo ấy lại nằm giữa mặt hồ..
[12] - Tên một hòn đảo có cái đình và nằm ở chính giữa Tây Hồ.
[13] - Ân sĩ đời Tống. Hòa Tĩnh là hiệu của Lâm Bô (967-1028), người Hàng Châu, không màng lợi danh, sống độc thân, lấy mai làm vợ, hạc làm con.
[14] - Truyện tình của một danh sĩ, có ghi lại trong Tây Hồ Giai Thoại (chương 11).
[15] - Ngôi tháp cổ ở Tây Hồ, tương truyền xây tự thời Ngũ Đại Thập Quốc (906-970), đã sụp đổ cách đây khoảng 80 năm và được thay vào bằng một ngôi tháp mới..
[16] - Đê do Tô Đông Pha (Tô Thức, 1036-1101) xây nên lúc ông trấn nhậm ở đó. Thực ra ông chỉ cho sửa sang con đê của Bạch Lạc Thiên vốn đã bị thời gian tàn phá và tu bổ lại cảnh quan.
[17] - Đoạn Kiều (cầu đứt), Lục Kiều (6 cây cầu, sẽ nói thêm trong đoạn sau) đều là những nơi nổi tiếng trên Tây Hồ.
[18] - Hàng Châu có hiệu thịt nguội (ham, jambon) có tiếng làm bằng đùi heo, có tên là Kim Hoa hỏa thoái để ăn với saapin, một thứ bánh nướng. Kim Hoa là một hình dung từ để chỉ Hàng Châu.
[19] - Từ đoạn tả bàn chân này, Tanizaki đã để lộ ra cho chúng ta thấy khuynh hướng yêu thích bàn chân đàn bà ( foot-fletichism) của ông.
[20] - Tức ngôi nhà nhỏ của người thôi làm quan. Tên nơi ẩn cư của tướng Bành Ngọc Lân (1812-90), một trong 4 công thần đã trung hưng nhà Thanh.
[21] - Nguyên văn reisen (linh tuyền) con suối của những nhà ẩn tu trong núi sâu.
[22] - Đơn vị đo lường chiều dài thường khác nhau, có thể dịch là thước ta. Đời Meiji, 1 shaku tương đương 30,3 cm hay 0,995 feet.
[23] - Thơ vịnh mai của Lâm Bô (Hòa Tĩnh): Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển. Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn (Ánh nhạt in ngang bờ nước cạn. Hương thầm thoảng nhẹ dưới trăng chiều).
[24] - Chô: Chiều dài khoảng 109m.
[25] - Ụ đất (đôn) tương truyền do Tuần phủ Triết Giang là Nguyễn Nguyên cho đắp nên trong năm Gia Khánh (khoảng 1800) đời Thanh..
[26] - Đơn vị đo lường cổ ngang với 1, 181 m và 6 shaku.
[27] - Kỹ nữ Tô Tiểu Tiểu sống vào khoảng thế kỷ thứ 5 (thời Nam Tề) bên cạnh Tây Linh (Lãnh) Kiều, có hiệu là Tiền Đường Tô Tiểu Tiểu. Nàng vốn con nhà trâm anh thế phiệt Đông Tấn, dáng người nhỏ bé yếu ớt nhưng nổi tiếng xinh đẹp, thơ hay, thường giao du với các danh sĩ đương thời. Sau mang bệnh phong hàn và mất sớm, được chôn bên Tây Hồ. Người đời sau như Lý Hạ, Bạch Cư Dị, Trương Tái... khi qua đây đều có thơ thương khóc nàng.Cần nói thêm rằng về sau bên bờ hồ này còn có thêm một người con gái tài hoa và bạc mệnh khác là nàng Phùng Văn Cơ (1594-1612) tự Tiểu Thanh, người đã được thi hào Nguyễn Du viết bài thơ ai điếu Độc Tiểu Thanh Ký nổi tiếng.
[28] - Nguyên viết là Tây Lãnh Kiều. Đổi cách đọc bình thanh cho hợp với bài thơ của Bì Lâm.
[29] - Đường thi cũng có câu: Đào hoa lưu thủy y nhiên tại, Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân (Hoa đào nước suối còn trơ. Mà người chuốc chén bây giờ là đâu). Đào hoa lưu thủy lấy điển Đào Hoa Nguyên Ký. Du bích hương xa thường chỉ kỹ nữ, giai nhân.
Seiko no tsuki, 1919
Nguyên tác: Tanizaki Jun.ichirô 

Dịch xong tại Tôkyô ngày 13 tháng 2 năm 2016. 
Nguyễn Nam Trân
Theo http://chimvie3.free.fr/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...