Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Về đây nghe em - Một cảm nghĩ

Về đây nghe em - Một cảm nghĩ
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1937, tại Quảng Trị, theo học âm nhạc tại Viện Quốc gia âm nhạc Huế năm ông 20 tuổi. Bắt đầu sáng tác cuối thập niên 60. Tuyển tập đầu tiên của ông có tựa: "Hát trong dòng sông xưa", xuất bản năm 1970. TQL viết và phổ nhạc những bài hát mang sắc thái tình người, tình quê hương, như bản "Về Đây nghe em", "Em còn nhớ Huế không", "Có phải mùa thu Hà Nội", "Chợt Nghe Em Hát", "Định Mệnh" . ...
Bản nhạc nổi tiếng nhất của TQL là bài: "Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội?", phổ từ thơ Tô Như Châu. Bài bát được đón nhận nồng nhiệt từ các ca sĩ cũng như thính giả, vì lời nghe lãng mạn, mơ màng của mùa thu, lồng trong một khung cảnh cổ kính của Thăng Long xưa với lịch sử của "hồn Trưng Vương sông Hát "...
Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm...
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay 

Ngày nay rất có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc, vì thơ đã mang sẵn âm điệu trầm bổng, lại được viết từ cảm xúc dạt dào của thi sĩ nên lời nghe thiết tha với những hình ảnh thật mênh mông, lãng mạn, tình tứ, mang nhiều hình ảnh nên thơ. Phú Quang cũng phổ nhạc một bài ca ngợi mùa thu nổi tiếng. Nhờ Vũ Hoàng mà người lớn được trở về với ngày xưa học qua bài "Phượng Hồng",(thơ Đỗ Trung Quân) và ai cũng yêu "chùm khế quê hương" cũng thơ Đỗ Trung Quân với dòng nhạc Giáp Văn Thạch.
Bài "Về Đây nghe Em" là bài thơ của A. Khuê, lời nghe mộc mạc, gần gũi với bất cứ một ai đã từng sinh ra và lớn lên tại Việt Nam ...

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu 

Ca dao, guốc mộc, nồi ngô khoai thì còn gì Việt Nam hơn. Ai lớn lên mà không nghe câu ru ầu ơ của những bà mẹ giữa trưa hè, rồi tiếng guốc của những nàng áo trắng trên vỉa hè, và củ khoai sáng là món quà hàng ngày trước khi đến trường. Vì thế bài hát đã đươc rất nhiều ca sĩ trong và ngoài nước đón nhận. Qua tiếng hát của Duy Quang, ấm và ngọt, bài hát nghe như một lời mời gọi, của người anh lớn kêu gọi em về thăm nhà, hay của người Việt trong nước mời mọc người Hải ngoại về thăm quê hương? Không rõ ý tác giả như thế nào....Sự thật thì ai cũng thừa biết người Việt nào trong nước cũng có người thân, bạn bè ở ngoại quốc, hay ở phương xa. Như thế bài hát diễn tả tâm trạng phần đông người VN, sau chiến tranh mãi mãi nhớ nhung, tìm kiếm nhau! Giả như nước không có chiến tranh, con người lớn lên cũng thích đi đó, đi đây học hỏi, vì “Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, rồi trong một buổi chiều nào đó, “một buổi chiều nghe rất lạ”, lại chạnh nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Thế nên lời hát nghe thân quen, nồng nàn và thiết tha quá ...
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây thả ước mơ đi hát dạo
Để đời đời làm giọt sương mai
Để chào đời bằng lòng mới lớn
Để hận thù người người lắng xuống
Và tìm nhau như tìm xót xa
Trong lúc lệ đã đầy vơi

Người về đứng dựa bên cầu, nhìn dòng sông lặng lờ trôi, nhìn hàng tre xanh, trông thấy đàn em bé đùa giỡn, và cụ già móm mém nhai trầu, thì tự nhiên thấy "lệ đầy, lệ vơi" và “hận thù người người lắng xuống” ... Qua quá trình lịch sử nước ta thì quả xót xa thật, chiến tranh bao nhiêu năm làm anh em một nhà, như gần, như xa ...
Bài thơ kêu gọi lòng yêu thương. Với giai điệu êm đềm, nghe như có một thoảng TCS, môt tị Đỗ Trung Quân ...
Như đã nói trên, nhiều ca sĩ đã hát bài "Về Đây Nghe Em", trong cũng như ngoài nước. Và tùy mỗi thế đứng bên này hay bên kia Đại Dương, mà bài hát được đổi lại một tị. Có ít nhất hai versions khác nhau của đoạn kế tiếp:
Lời 1: 
Này người ơi vươn cao vươn cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương
Nụ cười tươi trên môi em thơ
Là tiếng hát hân hoan cho đời
Về đây cho nhau nụ cười thương 

Lời 2: 
Này hồn ơi lên cao lên cao
Đem ánh sáng hân hoan trên trời
Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương
Này thịt xương ta chưa mang theo
Khi ngã xuống miên man tủi hờn
Và về đây nghe nhau thở dài trong đêm 

Từ đoạn này mà câu cuối cũng khác luôn, thích hợp với đoạn trên:
Và nhặt hoa xin tạ chút ơn
Hạnh phúc khi đã gặp nhau 

Lời 2: 
Rồi ngặt hoa xin tạ chút ơn
Hoang phế khi đã gặp nhau 

Tuấn Ngọc đã dựa vào lời 2 mà anh đã được nghe một ca sĩ VN nào hát. Lời 2 nghe tang thương và không “hạnh phúc”, yên tịnh, đầy tình thương như lời 1. "Về đây cho nhau nụ cười" đối nghịch hẳn với "về đây nghe nhau thở dài trong đêm ...". Hai lời đi hai hướng khác nhau, một huớng về tương lai, còn lời kia là một xót xa, ngậm ngùi của quá khứ. Từ nỗi ngậm ngùi đó mới đi đến “hoang phế" khi đã gặp nhau”. Để trả lời câu hỏi của một thắc mắc, thì câu cuối là tùy vào câu trên, cho nên mới thoạt nghe thấy sao anh Tuấn lại hát "trật đường rầy" như vậy!
Vậy bản nào mới thật sự là bản chính của bài thơ? Nhân Vật Phố Rùm này chịu thua, có lẽ Hero Tèo hay các bạn bên VN, có nhiều hy vọng biết được câu trả lời đích xác hơn là người Việt Hải Ngoại.
Nói về các bài hát của Trần Quang Lộc. Người Viết, cảm nhất bài: "Có những chiều nghe rất lạ" . Về sau, nếu có dịp xin có đôi dòng ...
Tiện đây, xin chia sẻ với các bạn yêu thơ, yêu nhạc, một bài thơ rất dễ thương, được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ nhạc, đó là bài: “Một sớm mai về”, thơ Tường Linh, với những hình ảnh mộc mạc, rất VN, một giấc mộng của một quê hương thanh bình. (thơ làm năm 1972)
“Một sớm mai về, ngày vui thứ nhất ...
ta đi chân đất, mặc áo vải thô,
dẫm lá tre khô rụng đầy lối sỏi,
ta cười, ta nói, ta hát nghêu ngao,
bước thấp bước cao qua bờ ruộng nhỏ,
mẹ già ta đó hái mướp bên rào ...”
áo nâu thuở nào, thêm nhiều mụn vá
Cần chi mẹ ạ ... 

Một người sau chiến tranh đã trở về với lũy tre, và bà mẹ già:
“Một sớm mai về, thằng bé nhà quê thoát tầm lửa đạn
Đầu ngày nắng sáng nhà ai chung vườn
Khói bếp mến thương, thơm nôi xếp mới ”
Là lá la la, là la la ...
Chia xa vời vợi chia xa, vời vợi chia xa,
“một sớm mai về tắm nước sông quê ngàn đời chẳng đục
Ta buông cần trúc, bờ cỏ im ngồi
Con diếc thử mồi, con rô đớp bóng ”
Đài sen sương đọng, hồ lọng mùa thu
Trên ngọn mù u có đôi chim giáp,
Trong chòm lau sậy, tiếng cuốc u oa
Dưới bóng tre già, cút côi quán nước ...
Nằm trên cỏ mượt , ta nhẩm vần thơ .... ư ư ....
Giấc xuân bùng vỡ, ngày ấy bao giờ ... ngày ấy bao giờ ...ngày ấy bao giờ 

Những hình ảnh thật đẹp, thơ mộng của quê hương, dù ta chưa bao giờ ở miền quê, mà nghe cũng thân quen như thường, thân quen qua ca dao, văn chương, thi phú ...
Cũng nhờ một câu hỏi mà người trả lời câu hỏi có dịp nghe lại những bài hát mà mình yêu thích sáng nay. Trời rất đẹp, gió mát hây hây rất xuân ... 

Elvis Phương - Về Đây Nghe Em - YouTube

Trần Viết Minh Thanh
Theo http://www.dactrung.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...