Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Mùa thu gõ cửa - Miền cảm xúc mở

Mùa thu gõ cửa - Miền cảm xúc mở 
Như một bức tranh tổng thể đa sắc, đa phong cách, và những giọng điệu nhiều nhạc cảm, Mùa Thu gõ cửa như mở ra một miền thơ với nhiều câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện thế sự nhân gian, chuyện riêng chuyện chung đan xen, mỗi bài thơ như là một khám phá cảm xúc mang lại nhiều thú vị, trong đó là những nỗi buồn nhân thế, nỗi đau cõi nhân gian, những giác ngộ vô thường, những ước vọng hồng trần, những tỉnh - say, ảo - thực, xưa - nay... 
Có thể khi nghe hai chữ “Chiếu làng” là liên tưởng tới những chiếu chèo ngày xưa nơi đình làng mỗi khi vào Hội, một manh chiếu cho canh hát Quan họ trong nhà các Liền Anh - Liền Chị, hay cao hơn là vị trí trong cái “chiếu làng” của quan viên làng xã trong các nghi lễ truyền thống xưa chỉ còn trong hoài niệm… Những trang web “Chiếu Làng”, một cái “chiếu” trình diễn văn học nghệ thuật Việt lại là một nơi mà không có cao thấp, sang hèn, giàu nghèo, vô danh hay nổi tiếng..., mà là một cái “chiếu” hội tụ những người cùng yêu văn học nghệ thuật, cùng ngồi với nhau, chia sẻ những cảm xúc nghệ thuật ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc... Và nó trở nên một cái “Chiếu làng” ấm áp, nhiều tình thân, nhiều hơn nữa tình người, như một nơi chốn để tìm về khi vui khi buồn… 
Mùa Thu gõ cửa là một mảnh “chiếu làng” với hơn trăm bài thơ, tụ hội 54 tác giả Thơ khắp mọi miền Tổ quốc, với những phong cách vùng miền đặc trưng, như một chọn lọc ngẫu nhiên của chính tác giả đầy hứng thú từ những bài thơ được trình diễn ở “Chiếu làng” thời gian qua, với nhiều cung bậc cảm xúc, cung bậc trái tim. 
Như một bức tranh tổng thể đa sắc, đa phong cách, và những giọng điệu nhiều nhạc cảm, Mùa Thu gõ cửa như mở ra một miền thơ với nhiều câu chuyện đời, chuyện tình, chuyên thế sự nhân gian, chuyện riêng chuyện chung đan xen, mỗi bài thơ như là một khám phá cảm xúc mang lại nhiều thú vị, trong đó là những nỗi buồn nhân thế, nỗi đau cõi nhân gian, những giác ngộ vô thường, những ước vọng hồng trần, những tỉnh - say, ảo - thực, xưa - nay... 
Không sắp đặt theo một trật tự hay quy luật nào, mở đầu Mùa Thu gõ cửa đã đưa người đọc vào một miền rừng Tây Bắc sương khói lãng đãng với “Bé gái trong chợ tình Sa Pa” - Trần Tâm, và hình ảnh ấn tượng như một bức chân dung phảng phất nỗi ưu tư nhân thế: “Hai chị em trong sương buông thấm đẫm/ Gương mặt non tơ sương phủ dày/ Còn bao nhiêu cuộc đời buồn thảm/ Như hai mặt trăng nhòa sương khói đêm nay…”. Và khép lại bằng một bài thơ như một câu chuyện tình thời chiến tranh mà người ra đi mãi mãi không về, để lại nỗi nhớ khắc khoải, nỗi đau mất mát khôn nguôi qua năm tháng, và cũng làm cho người đọc một nỗi vấn vương mơ hồ: “Qua lâu rồi chiến tranh/ Mong anh hoài anh mãi…/ Mang nỗi đau khắc khoải/ Chỉ một điều mong mỏi/ Đón anh về quê hương” - “Anh ở đâu” - Nguyễn Thanh Hà. 
Trong Mùa Thu gõ cửa có rất nhiều câu chuyện tình yêu được minh họa bằng ngôn ngữ thơ rất ngọt ngào, mà qua từng ý, từng câu, từng chữ đều thấy thấm đẫm chữ Tình, cho dù là tình vui, tình buồn, tình đau… Nhưng trên những câu chuyện tình yêu “hồng trần” đó, là một tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương non nước Việt Nam, tình yêu thiêng liêng không gì so sánh được. Đơn giản chỉ là một bát cơm quê nhưng thấm đẫm hồn quê của người xa quê trong “Bát cơm quê”- Bùi Thị Bình:…“Xuân về xin một ước mong/ Cầu Trời mưa hòa gió thuận/ Qua đi những ngày lận đận/ Nhẹ lòng con…Bát cơm quê”...  Là “Câu ca dao trong lời ru của mẹ” - Hương Vũ:.. “Trong sâu thẳm lòng người con quê lúa/ Thái Bình ơi! Yêu đất mẹ ngàn năm/... Quê mẹ thân thương ngọt ngào trong câu hát/ Cho ta thêm yêu miền quê đạm bạc/ Mà thắm tình vẹn nghĩa với non sông”. Là “Đi trong hương lúa” - Lò Cao Nhum:… “Dù năm tháng trôi qua lại ước bây giờ/ Được lội xuống bùn, được làm cô thợ cấy/ Được dầm mình trong nắng mưa tháng bảy/ Tắm say sưa trong hương lúa hồn quê…”. Hay chỉ giản đơn là “ao rau muống” trong “Quê hương” - Đỗ Thanh Tâm, nói hộ bao người nỗi nhớ: ...“Quê hương chắp cánh ca dao/ Nâng bao nhiêu cánh chim vào trời xa/ Phải đâu trời đất bao la/ Chỉ ao rau muống vẫn là quê hương”. Là mái “Chùa làng” - Phạm Đăng Kim, mà cho dù đi đâu về đâu vẫn không thể nào vơi trong nỗi nhớ: ...“Mái ngói rêu phong cổ kính/ Đầu đao cong vút dáng rồng/ Giữa chốn sơn thanh thủy tú/ Hồn quê thu cả vào trong”… Và biển trong cảm thức của mỗi người dân Việt, đất nước hình cánh sóng, mặt đối diện biển, là sự thủy chung, son sắt... “Đưa em về với biển đi anh” - Nguyễn Thị Lan Anh (HN): “Anh hãy đưa em về nơi ấy biển bao la/ Nơi chan chứa tình yêu anh gửi vào muối mặn/ Muối đậm đà, thủy chung, son sắt/ Như tấm lòng anh đằm thắm gửi quê hương...”. 
Dù “Chiếu làng” là nơi tụ hội của ba miền Nam- Trung - Bắc, là sự kết giao từ miền ngược đến miền xuôi, từ núi cao đến miền biển, từ đồng bằng sông Mekong đến châu thổ Sông Hồng…, nhưng hình như có một cái chung giữa họ là tình cảm với Thủ đô Hà Nội. Trong Mùa Thu gõ cửa, khá nhiều tác giả đã bày tỏ cảm xúc của mình với Hà Nội, như một nơi chốn để mơ, để yêu, để nhớ, để tương tư, vấn vương và cả để giận hờn vu vơ… Với Hoa Mai thì “Hà Nội giờ này chưa có mùa Thu”: …“Ngấp nghé Đông mà Thu chưa tới/ Hồ Tây sương loãng chẳng đủ nên thơ/ Lá sen nẫu mùi quá khứ/ Hạ hết lâu rồi sao chưa Thu…?”. Nhưng với Nguyễn Thị Lan Anh (GD) lại là những “Giai điệu Thu Hà Nội”: ...“Sáng nay phím dương cầm đánh bản nhạc du dương/ Giai điệu của cốm Vòng, những gánh hồng chín đỏ/ Giai điệu của hoa sữa ven hồ/ Nhắc anh nhớ em và Thu về phố cổ/ Nồng nàn hương đưa/ Hà Nội vào Thu”. Còn với Vũ Tuấn Anh là lời mời gọi: “Về Hà Nội đi em”: ...“Nắng phai còn một nửa/ Gió vương mùi hoa sữa/ Thu đã sau cánh cửa/ Về Hà Nội đi em…”. Và sự vội vàng trong chút bâng khuâng của Đỗ Minh Ngọc khi “Hà Nội sang mùa”: “Hà Nội sang mùa? Vội vàng nắng gió/ Vội vàng nhịp thở, bước chân quen/ Phố tìm quên nỗi nhớ êm đềm/ Câu thơ vấn vương một thời xa vắng…/ Ta đi tìm câu thơ vừa thất lạc/ Hà Nội mùa sang nghe gió thở dài”. Hay nồng nàn ngọt ngào trong tình yêu của Dương Thu Hương (HN) “Đi qua chiều Hà Nội”: “...Trong chiều Hà Nội trở gió/ Nhớ vòng tay em bỏ ngỏ/ Chỉ chờ đón một anh thôi/…Vòng tay chẳng thể siết hờ/ Bỏng rát một vùng bỡ ngỡ...”. Hay đắm đuối mê say với “Hà Nội những mùa hoa” của Hương Ngọc Lan: “Hà Nội của em bốn mùa rực rỡ/ Những con phố hàng cây muôn thuở/ Níu chân người bỡ ngỡ một lần qua…”. 
Có lẽ ấn tượng nhất trong Mùa Thu gõ cửa là những bài thơ tình yêu với đủ tâm trạng, từ ngây thơ trong trắng đến son sắt thủy chung, từ say đắm si mê đến tương tư vấn vương, từ hạnh phúc đến khổ đau, từ mơ hồ liêu trai đến những sân si hồng trần… Nhưng có thể nói đều là những câu thơ đẹp. “Từ phút ấy” - Trần Mai Hường, là một đoản khúc đam mê của yêu: 
“Từ môi ngọt tựa trăng non/ Núi cao như mới chon von lần đầu/ Từ tình - chót lấm trong nhau/ Đắm mê như thuở chưa nhàu hồng hoang/ Từ người - ân ái sang trang/ Em - bao kiêu hãnh. Bỗng bàng hoàng. Rơi”. Và khi đã yêu thì xem như “Đa mang này tên anh” - Trần Mai Hường:… “Có một bài thơ bất chợt ghé trong đêm/ Đêm rộng lắm/ Thơ khép lòng bối rối/ Em xô lệch giữa điệp trùng dấu hỏi/ Đa mang này tên anh…”. Và “Đôi khi ta rất nhớ em” - Trần Hồng Giang: ...“Nhớ từ sâu thẳm. Nhớ đêm sang ngày…”, “Khúc em xa”- Đặng Khánh Cường: ...“Bán non đi cả mùa đông/ Có mua nổi chút than hồng hơ tay/ Trả cho thương nhớ đêm nay/ Tôi tiêu hoang hết những ngày không em…”. Với Đào Nguyên nhưng không ngờ trong “Bán và mua”: “Tôi đặt giá tình yêu/ Chỉ một vài xu nẩy/ Không ngờ tóc qua đây/ Trả môi hôn thật đẫy... Không ngờ ngực qua đây/ Ắp trọn mùa vui may... Không ngờ em qua đây/ Trao xốn xang mỗi ngày...” Phan Thị Thanh Minh tương tư trong “Chén đợi”:…“Người nhớ nôn nao tình chẳng vơi/ Nâng chén cùng thơ buồn độc ẩm/ Một mình nhắp đắng nhớ chung bôi”. 
Mùa Thu gõ cửa nên không thể thiếu những bài thơ về mùa Thu với rất nhiều cung bậc, giai điệu của mùa. Có thể nói, đây cũng là chủ đề chính của tập thơ, cho người đọc cảm giác đang thưởng thức sắc Thu  như những bức tranh nhiều gam màu nóng - lạnh, đang cảm nhận âm thanh Thu qua ngôn ngữ thơ đầy âm điệu trầm bổng du dương. Như một khúc dạo đầu để mở cửa mùa Thu, để mùa được trải dài trên những trang thơ, “Dắt mùa Thu” - Nguyễn Duệ Mai giống như khúc dạo đầu: “Nhịp mùa thu vừa mới bắc/ Sóng trầm tư đã dần lan/ Soi trong dòng xanh văn vắt/ Lửng lơ mấy chiếc lá vàng….”. Để mang tới “Màu Thu” - Trang Nhung: “Em nghe mùa Thu về/ heo may rơi đầu ngõ/ Hơi Thu vương bên thềm/ Xạc xào con phố nhỏ/…Dáng Thu đi chầm chậm/ Lá Thu nghiêng bay bay…”. Khi mùa Thu đi qua, cũng là gieo vào tâm hồn thi nhân nỗi hoài niệm bâng khuâng, “Nhớ Thu xưa” - Phong Lan là một phác thảo ký ức mùa: “Chiều Thu xao xác lá vàng rơi/ Lữ khách bâng khuâng giữa cảnh trời/ Hoang hoải mưa giăng nhòe lối cũ/ Bóng người bàng bạc biển mù khơi…/ Cả miền ký ức lạc trong mưa”. Cũng là ký ức, nhưng với Hoàng Gia Điền trong “Bến Đoan, tìm thu ngày ấy” lại là một nỗi nhớ dại khờ: ...“Ngày ấy Thu chạm vào nỗi nhớ/ Dại khờ chẳng biết dấu vào đâu….”. Ngoài những thu nhớ, thu yêu, còn có những mùa thu rất ngọt rất trong trẻo, như “Sớm thu” - Trương Lan Anh: ...“Gió qua hiên vắng phập phồng heo may/ Cây bang xanh lá mỗi ngày/ Gió lên đã vội vã thay áo vàng/ Thu sang nhuộm cánh đồng làng/ Nhấp nhô mây trắng lang thang lưng trời/ Cánh cò vỗ nhịp chơi vơi…”.
Có một không gian khác chiều, như vài nét chấm phá nho nhỏ tạo chiều lắng sâu lắng đọng trong Mùa thu gõ cửa là những trăn trở thế sự nhân gian với nhiều tham- sân-si cõi thế tục trần gian. Một “Thu vô thường”- Huyền Thanh Thanh như một dấu lặng cõi Thiền: “Hanh hao ướt mượt sương vương vương/ Nắng đổ vàng thu lồng lộng hương/ Gió lay lắc đảo đời vô hướng/ Chiều buông một mảnh kiếp vô thường”. Một “Mùa tàn sen” - Trần Mạnh Tuân:… “Thế là sen lụi, tàn thu/ Non sen khô hết dập trù lá non/ Xác xơ, phách lạc, phiêu hồn/ Gương thẫm buồn, gượng nụ hôn biệt từ…”. “Xóa” - Hồ Tịnh Văn:… “Xóa đi… Xóa đi… Phút giây nông nổi/ để một đời tiếc nuối/ nỗi cô đơn/ với cái bóng/ mãi chập chờn”. “Ngẫm” - Hoàng Hương Lan: ...“Phải chăng đời là thế/ Giàu nghèo cũng sống thôi/ Hãy hưởng niềm vui tới/ Buông sầu buồn cho vơi”. Đặc biệt trong “Mẫn giác đêm” - Đặng Hồng Thúy, là một cảm thức sâu sắc về cõi người cùng sự biến đổi bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, như một phát hiện chiều sâu linh cảm của sự giác ngộ chân lý Thiền: ...“Tôi mặc mình rơi vào nơi  thời gian dừng lại/ Hơi thở đi qua linh cảm/ Đi qua/ Mắt/ Mũi/ tai/ Môi/ Mang theo mọi thứ đã từng định nghĩa là tôi/ Ném vào không gian khất thực…”. Nhân gian cõi người cũng là nơi hiểm trở, mang đến nhiều nỗi sợ, sợ từ cơn gió đến nụ cười, cho dù là “Vu vơ” - Vũ Thương Giang, thì cũng đáng để suy ngẫm: “Sợ sóng đời xô đầy/ Nhấn lòng tin chìm nghỉm/ Sợ lời yêu ngọt lịm/ Bỗng chốc đắng trên môi…”. 
Không quá cầu kỳ trong cấu trúc, hay cách tân theo các kiểu dạng thơ được gọi là “hậu hiện đại”, cả tập thơ Mùa Thu gõ cửa như một cánh cửa thân thiện, chân tình, nhưng thấm đẫm tình yêu “gõ cửa” Nàng Thơ như lời chào đến những tri âm thơ. Ngôn ngữ thơ cũng không lắt léo, phức tạp nhưng có nhiều bài tỏ ra rất “cao tay” khi biết tiết chế và dùng từ ngữ tinh tế để diễn tả cảm xúc của mình.
“Chiếu làng”, một “sân” chơi tưởng chừng rất “làng” nhưng lại tao nhã, đặc biệt là tụ họp được những người Việt Nam yêu thơ khắp ba miền và cả hải ngoại cùng chơi, cùng vui, cùng chia sẻ và Mùa Thu gõ cửa như một món quà của “Chiếu làng” tặng các tri âm thơ vào Mùa Xuân mới.
Thu 2014
 Hoài Hương 
Theo http://chieulang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...