Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Trên những nẻo đường Tây Bắc: Hòa Bình - Sơn La và Một chiều với Sơn La

Trên những nẻo đường Tây Bắc: 
Hòa Bình - Sơn La và Một chiều với Sơn La
Đường số 6 lên Sơn La. Ảnh: HM
Trên những nẻo đường Tây Bắc: (1) 
Hòa Bình - Sơn La
Hồi nhỏ, nghe thơ về Điện Biên, đọc truyện viết về Tây Bắc, tôi mong ngày nào đó được đặt chân lên miền đất huyền bí và đẹp tựa tranh thủy mặc. Thời du học Ba Lan, xem phim cao bồi tìm vàng, mình mơ ngày nào đó được tìm về miền tây hoang dã nước Mỹ. Trong đời, mơ cũng nhiều, hình như may mắn mỉm cười, những giấc mơ chính thành hiện thực.
Noel 2009 đi mấy bang toàn sa mạc, tôi lái xe qua Nevada, Arizona, từ Las Vegas đi Los Angeles của nước Mỹ với 5 múi giờ. Bình nguyên bao la không một bóng cây làm nên một miền tây nổi tiếng trong những phim cao bồi tranh cướp với da đỏ, giết nhau như ngóe, đến một lần khó có thể quên những ánh sáng vàng đỏ rực rỡ trên Grand Canyon hay những đường cao tốc 4 làn xe chạy thẳng tắp trên sa mạc. Đi trong khung cảnh ấy rất dễ cảm nhận đất nước người ta rất đẹp.
Tuần rồi (4-2015), bác Vũ Đại Dương và một số bác về hưu rủ đi “phượt” bằng xe hơi lên miền Tây Bắc. Bác Dương là bố của bạn Vũ Việt Cường, IT của World Bank. Năm 2009, mình đưa hai vợ chồng Cường - Mai đi miền Tây nước Mỹ, giờ đến lượt bố bạn Cường đưa Tổng Cua đi thăm miền Tây Bắc Việt Nam. Những trải nghiệm thiên nhiên khó quên ở hai bên bán cầu.
Các cụ hưu nhưng vào khách sạn các cô phục vụ toàn gọi bằng anh. Có cô bé miền cao thật thà, trông anh cũng đẹp lão nhỉ, có lẽ bằng tuổi ông nội của em ở bản . Các anh dùng trà hay café, hay rượu táo mèo.  Đi với các cụ, thấy vui và mở rộng tầm hiểu biết. Tây Bắc có núi non hùng vĩ, từ tứ đại đèo, đến tứ đại Mường, tới tứ đại Thanh, có nơi cao 3000m so với mặt biển, du khách chợt nhận ra, đất nước này cũng đẹp đến vô cùng.
Sắc màu thay đổi. Ảnh: HM
Từ Hà Nội, theo cao tốc Láng – Hòa Lạc,  theo đường số 6, hướng Hòa Bình, cả đoàn chính thức “Tây tiến”. Dù lên chiếc Innova 7 chỗ còn khá mới nhưng trong lòng không khỏi lo lắng chuyến đi “lành ít dữ nhiều”. Đường số 6 là con đường huyết mạch đẻ tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên. Ngày xưa chỉ có xe thồ, đi bộ, thế mà hàng chục vạn người đã vượt qua hiểm nguy của bom đạn, thú dữ rình rập, bệnh tật, đói khát, thế mà cha ông làm nên chiến thắng.
Ông già nhà này từng đi dân công, gánh gạo tiếp tế cho Điện Biên, chẳng hiểu tới chỗ nào ở Hòa Bình, mấy tuần mới đến địa điểm tập kết, ăn hết gạo mang theo, phải xin lương thực để quay về. Theo ông kể, Tây Bắc là miền đất xa xôi, đường đi lại khó khăn, trèo đèo lội suối, sốt rét xanh mặt, rừng thiêng nước độc, hùm beo gầm rú, ra đi không hẹn ngày về.
Lại được Quang Dũng, tác giả “Tây tiến” (1948), viết thơ như dọa người mến thi ca nhưng chưa biết mùi Tây Bắc “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm//Heo hút cồn mây, súng ngửi trời//Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống//Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Nghe thế làm sao không sợ. Súng ngửi trời nghĩa là cao lắm. Cọp beo gầm, ngàn thước lên đèo, ngàn thước xuống đèo, tất cả bằng đôi chân. Sơ sẩy chút là xuống vực thẳm. Tây Bắc trong tôi như Siberia của nước Nga, chỉ nghe cho thích, nhưng bảo đi chắc cũng ngại.
Đường số 6 khá tốt. Ảnh: HM
Nửa thế kỷ sau, chú em út lắp đặt máy nghiền đá ở Mai Châu, Điện Biên, Lào Cai… đi lại như cơm bữa và nói, trên đó đường xá bây giờ tốt lắm. Chú còn rủ, anh đi chơi với bọn em, vào Mai Châu hay lên Điện Biên xòe với các em Thái cho vui. Mình bán tín bán nghi.
Nhưng khi chiếc Innova theo đường số 6 leo những dốc cheo leo đầu tiên, do anh Hùng 45 tuổi chưa vợ, cầm lái, lượn lên xuống, một bên là vách núi, một bên vực thẳm sâu hun hút, nhưng có barrier khá an toàn, đường hai chiều, trải nhựa nhẵn thín, mình cứ ngỡ đâu đó ở miền tây nước Mỹ xa xôi.
Tuy nhiên, bên Mỹ chỉ có sa mạc, ít cảnh cheo leo, bình nguyên một mầu cát xám, có thể nhìn tới chân trời. Đường lên Tây Bắc uốn lượn, đang đi, bỗng ngoặt gấp, trước mặt là vực sâu hút, tay lái yếu một chút có thể bay xuống bất kỳ lúc nào, thách thức những ai ưa du lịch mạo hiểm.
Lái xe bên Mỹ dễ buồn ngủ vì cảnh vật đơn điệu, nhưng lên Tây Bắc, phong cảnh thay đổi liên tục, đang nắng bỗng mây trắng xuống núi, rừng xanh xen lẫn đồi trọc, nương ngô, ruộng lúa, đồi chè thấp thoáng bóng người lên nương. Có lúc trên đỉnh núi trơ trọi, một nhà mái lá đơn sơ ở giữa trời, không hiểu họ lấy nước ở đâu, lấy gì mà ăn. Những người dân tộc vẫn sống bình thường, chỉ có người Kinh yếu bóng vía mới lo thay cho họ.
Đường đi Grand Canyon - miền Tây nước Mỹ . Ảnh: HM
Hai bạn Cường và Mai ở Grand Canyon (12-2009). Ảnh: HM
Tây Bắc có 6 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai), đoàn “phượt hưu” đã đi qua 5 tỉnh. Hành trình bắt đầu từ Hà Nội, qua Hòa Bình, lên Sơn La nghỉ một đêm thăm nhà tù bên cạnh UBND tỉnh và nhà khách, về Điện Biên thăm chiến trường xưa một đêm và đến Sapa xem người dân tộc làm du lịch với địu trẻ thơ, hưởng món cá hồi nuôi trước khi theo ngả cao tốc mới mở Lào Cai - Nội Bài để về Hà Nội, sơ sơ cũng khoảng trên 1000 km.
Dãy Hoàng Liên Sơn dài 180km, rộng 30 km, nhiều đỉnh núi cao tới 2000m-3000m so với mực nước biển, địa hình hiểm trở. Theo các nhà địa chất, Tây Bắc có từ cách đây 500 triệu năm, nơi đây từng là biển, nhưng do biến đổi của thời gian, biển rút dần đi, sự va chạm của các tầng địa chất, núi trồi lên và có như ngày nay.
Chưa lên đó cứ tưởng chỉ có gió Lào nóng và khô, nhưng mấy ngày tôi đi qua, ban ngày hơi nóng, nhưng buổi tối mát mẻ, không cần dùng điều hòa vẫn ngủ ngon, ra đường hơi lạnh nhưng nếu đi xòe Thái ban đêm thì trên cả tuyệt vời.
Cách thị xã Hòa Bình 82km, ngay cạnh UBND thị trấn Mộc Châu mới xây, cả đoàn dừng chân để ăn trưa tại một quán mà theo kinh nghiệm của những người đi nhiều, hễ đông xe đỗ, thế nào đồ cũng ngon và tươi. Vào trong quán, các bàn kín mít, toàn là dân miền xuôi đi du lịch cuối tuần. Có món gà đồi đặc biệt ăn với gạo nếp Mường, lúc đầu 6 bác chỉ định gọi một con, nhưng thấy ngon quá, gọi thêm con nữa, nhưng vẫn hết bay.
Bác Dương và chủ vườn lan. Ảnh: HM
Ăn uống xong, sang nhà bên cạnh uống cafe vườn. Gặp một chị từ Thái Bình lên lập nghiệp từ mấy chục năm qua, khá niềm nở. Đập vào mắt là những chậu phong lan nở vàng, hoa bụ bẫm, ở giữa núi đồi nắng gió, tưởng chừng khó hoa nào sống nổi. Ra phía sau, có một vườn lan được che mái rất chuyên nghiệp, có lẽ hàng tỷ bạc đầu tư vào lan.
Chị kể, về mùa Tết, bán chậu lan theo cành, mỗi cành giá 200.000 VNĐ, chậu có 5 cành giá khoảng một triệu. Người nào chơi lan xong, có thể mang trả, chủ vườn lan chi lại chút tiền, win-win cả hai, người chơi được thưởng ngoạn hoa, người bán vẫn lấy được gốc cho năm sau.
Bác Dương mê hoa lan nên hỏi rất chi tiết cách trồng và chăm bón. Hai người còn hẹn khi nào cần chăm lan cho ra hoa, bác Dương chỉ cần mang gốc lan, không cần chậu, có thể cắt bớt lá, rễ cho vào túi ni long, gửi theo xe bến Mỹ Đình, lái xe biết địa chỉ này và gửi cho chị. Khi nào ra hoa, chị gửi về Hà Nội, tiền gửi theo lái xe hay một cách nào đó. Làm ăn theo chữ tín mà, chị nói thêm.
Xe dừng ở đỉnh Mai Châu, nhìn xuống thung lũng đẹp như cổ tích. Làng mạc ẩn hiện giữa những đồng lúa xanh mướt, xung quanh núi non hùng vĩ bao bọc, mây trắng như đưa du khách đến cổng trời.
Mai Châu. Ảnh: HM 
Một góc khác của Mai Châu. Ảnh: HM
Trên đỉnh có cột cờ, ghi lịch sử Mai Châu, một em xinh như mộng ngồi bán café, da trắng nõn, mặc áo tân thời, hở eo hờ hững khá hấp dẫn. Nàng nhoay nhoáy chơi smartphone giữa đất trời miền tây hoang dã. Chợt nhớ câu thơ “Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói // Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Có lẽ nàng thơ của Quang Dũng đây chăng?
Các bác thi nhau hỏi, em ở đây một mình không sợ à. Không sợ, em là người Mường. Mình thì thầm với một bác, có lẽ đây là con gái Hà Nội, “lạc” lên đây, dân tộc gì mà xinh thế. Nhưng bác nói, người Mường đó, trông là biết ngay. Mà người Kinh có gốc Mường đó, anh ạ.
Bác này (yêu cầu giấu tên) dù ngoài 70 tuổi đã “phượt” vùng Tây Bắc tới mức thuộc lòng đường ngang ngõ tắt. Có trang trại trên Xuân Mai, lại ham đọc, tìm tòi, bác am hiểu thung thổ, văn hóa, và phong tục người miền núi, chuốc rượu xong phải uống hết chén và bắt tay để tỏ tình bằng hữu.
Tới vùng nào, bác giải thích về vùng đó, biết mận mơ ở đâu ngon, từng qua tứ đại đèo cao chót vót: Pha Đin, Ô Qui Hồ, Khau Phạ và Mã Pí Lèng, chinh phục đỉnh Phan-xi-pan, biết tứ đại Mường: Mường Thanh, Mường lò, Mường Than, Mường Tất, những vựa lúa của Tây Bắc. Đi phượt với một kho văn hóa vùng cao thật may mắn.
Về hưu hơn chục năm, con cháu đi xa, bác thích đi đây đó. Bác bảo, thanh niên có 3G (3d generation – thế hệ mobile thứ 3), các cụ cũng có 3G đi phượt: Gà đồi, Gạo nương và Gái núi. Các cụ còn hơn bọn trẻ vì có 4C: Chén, Chơi, Chiến và…Chờ chết, sướng một đời trai.
Viết đến đây, ngó đã hơn 2000 từ, entry mang tính mào đầu. Có lẽ “Phượt” phải lan man cả tuần mới hết. Xin 5* vào đánh giá, nếu vượt qua 100 likes, Tổng Cua sẽ viết tiếp về Sơn La, Điện Biên và Sapa trong 3 entries tới, và vài lời với Tây Bắc trước khi chia tay đi tới miền đất khác. Chúc các bạn vui và hẹn thăm cây đào Tô Hiệu.
Sơn Nữ ca
Trần Hoàn - Ngọc Tân
Đường đỏ là hướng đi của đoàn “phượt”. Ảnh: Wikie 
Đoạn đường đi Sơn La chưa có 
dốc cao nhiều,vẫn còn rừng xanh. Ảnh: HM
Barrier khá an toàn. Ảnh: HM
Đồi trọc lẫn cây xanh. Ảnh: HM
Sắc màu của đất. Ảnh: HM
Uốn lượn quanh co. Ảnh: HM
Quán cafe hoa lan bên cạnh quán ăn. Ảnh: HM
Vườn lan chuyên nghiệp. Ảnh: HM
Lan vàng tốt tươi. Ảnh; HM
Cây mít trong vườn nhà bác ở Xuân Mai. Ảnh: HM
Đặc sản Hòa Bình. Ảnh: HM
Mận đắng Mộc Châu. Ảnh: HM 
Bông hoa của núi rừng bán cafe 
một mìh trên đỉnh Mai Châu. Ảnh: HM
Đoàn hưu “phượt” trên đỉnh 
Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: HM
Tình ca Tây Bắc - Bùi Đức Hạnh
Kiều Hưng - Bích Liên
Đường lên Tây Bắc - Văn An 
Kiều Hưng - Thu Phương
Trên những nẻo đường Tây Bắc: (2) 
Một chiều với Sơn La
Trung tâm tp Sơn La. Ảnh: HM
Sau Mai Châu, chiếc Innova tiếp tục lăn bánh. Dốc bắt đầu ngoằn ngoèo hơn, cao hơn, thung lũng sâu hơn, đôi lúc cảm thấy tai ù. Nhìn cột cây số Sơn La 147km, biết đã đi được nửa đường tới thủ phủ một tỉnh với hơn 1 triệu dân, nhưng lớn thứ 3 (14.000 Km2) so với toàn quốc, có biên giới với Lào dài tới 250km, nơi có hai con sông hung dữ nhất là sông Đà và sông Mã, có những thác nước cao vút, và được gọi là mái nhà của Bắc Bộ.
Lịch sử Sơn La
Từ một phần đất của quốc gia gọi là Bồn Man kéo dài từ Sơn La, Thanh Hóa đến tận Nghệ An từ thế kỷ 15, trải qua bao thay đổi của thời cuộc, từ Đại Việt đến Pháp thuộc, từng trực thuộc khu tự trị Tây Bắc hay Thái Mèo, nhập vào rồi lại tách ra, do những tính toán chính trị khác nhau ở mỗi giai đoạn, sau gần 600 năm biến cố, thành một tỉnh Sơn La như ngày nay.
Tên tỉnh Sơn La có chính thức từ năm 1904, dù tên châu Sơn La có từ năm 1886, vị công sứ Pháp Jeanmont Perat xây nhà tù đầu tiên tại đây(1907). Sau đó 10 năm (1917), công sứ Pháp Laumet mở trường dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp, mở đầu thời kỳ mới cho vùng đất xa xôi này.
Ở độ cao vừa phải so với mặt biển (600-700m), vùng núi khá ẩm, mùa hé khá nóng, nghe nói mưa nhiều về mùa hè nên mới có lũ quét. Núi non trùng điệp xen với đồi và bình nguyên, dân địa chất gọi là địa hình bị chia cắt mạnh, tạo nên những vùng tiểu khí hậu khác nhau, nơi này nóng, nơi kia lạnh, chỗ này mưa, chỗ khác bị hạn.
Bò sữa Mộc Châu nổi tiếng khắp nước vì chăn nuôi ở vùng có cây cỏ phát triển hợp với vùng ôn đới. Đoàn không có thời gian vào nông trường, nghe nói du khách có thể tự tay vắt sữa bò. Trả vài chục nghìn có thể mân mê một lúc mấy cái tý của một chị bò. Có bác vắt mãi không ra sữa, chẳng có cảm giác gì, tức quá lầu bầu, để về với mẹ đĩ, một lúc là ra sữa ngay.
Dọc đường nhiều đồi trọc, chắc có lẽ do rừng bị phá, chưa trồng lại được, tuy nhiên vùng đồi và thung lũng còn cây xanh cũng kha khá. Sông Đà và sông Mã nhiều nước nên cây cối dễ mọc, chỉ cần cấm phá rừng, nửa thế kỷ nữa vùng này sẽ lại xanh tốt như vốn có. Nếu rừng không được phủ xanh trở lại thì lũ quét, sạt lở và hạn hán trở thành tai họa.
Đồi trọc khá nhiều. Ảnh: HM
Thỉnh thoảng xe đi qua vùng bình nguyên, lúa xanh mát mắt, đâu đó những ngôi nhà sàn xen lẫn nhà bê tông cốt thép loáng loáng bên đường tạo nên khung cảnh pha trộn xuôi ngược. Trẻ em, người lớn ăn mặc theo kiểu dưới xuôi hơn. Ít thấy người đi bộ. Hầu hết có xe máy đi lại.
Gặp một toán học sinh vừa tan trường, quần áo đồng phục, khăn quàng đỏ, ríu rít như đàn chim. Dốc cao, các em phải dắt xe đạp lên đỉnh dốc. Sang phía bên kia, chúng lên xe và lao xuống veo veo. Có bé còn bỏ cả hai tay để mặc chiếc xe lao xuống, nhìn chóng cả mặt. Thật ra hồi nhỏ, mình cũng hay làm như vậy, nhưng bây giờ già nên sợ chết, bọn trẻ đâu có biết đâu là nguy hiểm.
Nhà tù nổi tiếng
Loáng một cái đã thấy bảng hiệu có dòng chữ “Nhà tù Sơn La”, biết là đã vào trung tâm thành phố. Bác Dương quyết định lên thăm di tích nổi tiếng này trước khi về khách sạn nghỉ. Leo vòng vèo lên đỉnh đồi, phía dưới là thành phố cờ hoa phấp phới, chẳng hiểu tại sao vị công sứ Pháp Jeanmont Perat lại chọn đỉnh cao là đồi Khau Phạ cho các tù nhân.
Cổng cổ kính của bảo tàng, nơi từng là văn phòng quản lý nhà tù, kiểu kiến trúc Pháp cách đây gần 1 thế kỷ, những viên gạch và vữa đã mang dấu ấn thời gian vẫn còn nguyên vẹn. Giá như ban quản lý bỏ đi mấy khẩu hiệu lòe loẹt, kể cả “Chúc mừng Năm mới” trên cổng, dù đã qua Tết mấy, du khách vào thăm sẽ thấy sự trang nghiêm cần có ở một nơi từng giam giữ hàng ngàn lượt tù chính trị trong thời gian 1930-1945, những vị nổi tiếng như Lê Duẩn, Trường Chinh, Tô Hiệu… Nhiều người trong số họ đã trở thành những lãnh đạo chủ chốt sau cách mạng 1945.
Phía trong giữ khá sạch sẽ, khu nhà nhỏ giam tù nhân bị máy bay Pháp phá tan, còn trơ lại tường nham nhở, sau này máy bay Mỹ lại đánh phá lần nữa. Để nguyên hiện trạng có cái hay là nhìn thấy bên trong của từng phòng giam.
Bên trong nhà tù. Ảnh: HM
Trong phòng lớn có những cái cùm chân tập thể. Tư liệu còn khá tốt, ở miền núi nghèo đói mấy chục năm còn giữ được như thế này là đáng quí. Trèo lên bốt gác ở góc tường, nhìn xuống và tưởng tượng người lính Pháp từng ở đây, súng nhăm nhăm bắn vào bất kỳ ai manh động.
Có vài chỗ được tu sửa không hợp với một nhà tù có 100 năm tuổi, nhất là tượng đài bê tông mầu phớt hồng mọc giữa khu tường rêu phong cổ kính, một nơi dành cho du khách dâng hương các liệt sỹ. Khối hình thù không rõ biểu tượng cho cái gì, như cái gai trong kiến trúc tổng thể, giá như tìm được một nơi nào ngoài trại giam thì hơn, hoặc cần phải thiết kế lại cho hợp với mầu gạch, vữa cho hài hòa với sự cổ kính.
Đến chỗ nhà cách mạng Tô Hiệu bị mất do ốm nặng, gặp một chị thuyết minh ăn mặc kiểu dân tộc, khá thuộc bài, giọng nhẹ nhàng qua micro gắn cạnh cái miệng xinh xinh. Một nhóm các em học sinh đi thăm rất trật tự, nghe chăm chú. Chỉ một lần lên đây sẽ hiểu về nhà tù và lịch sử Việt Nam hơn cả năm đọc sách thuộc lòng.
Cây đào Tô Hiệu vẫn xanh tươi, nhìn vào gốc có vẻ được trồng từ rất lâu. Đây là điểm nhấn du lịch của thành phố nên được giữ gìn và tôn tạo để xứng với vai trò lịch sử.
Có chi tiết vui, UBND TP và nhà khách TP dành cho các quan chức các nơi tới trọ nằm ngay cạnh nhà tù. Nếu xử ai tham nhũng thì rất tiện đường vào trại giam để họ hưởng những ngày còn lại của cuộc đời.
Thị xã Sơn La
Nằm cách Hà Nội hơn 300km, là điểm nối trên đường số 6 giữa hai tp Hòa Bình và Điện Biên, năm 2008, thị xã Sơn La được lên chức thành phố, với đầu tư khá nhiều, với khoảng 100 ngàn dân, 7 phường.
Trong tiềm thức của du khách có lẽ ai cũng nghĩ phố núi có nhà cửa kiến trúc mang sắc mầu dân tộc Thái hay Mường. Nhưng đập vào mắt là nhà cửa bê tông, mái bằng, hình ống, chen chúc đủ kiểu, nhôm nhoam như bất kỳ phố thị nào ở Hà Nội hay Sài Gòn. Người miền xuôi lên đây khá nhiều, người dân tộc từ núi chuyển vào cũng đông, làm nên một tp đa sắc mầu nhưng không có bản sắc phố núi vùng cao.
Đường mở rộng và thẳng tắp, đôi lúc lên dốc, xuống đèo, nếu thiết kế tốt thì sự lên xuống của địa hình sẽ tạo ra một kiến trúc đô thị đẹp. Xe hơi, xe máy đủ loại, đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ, khẩu hiệu, cờ treo đỏ rực bởi sắp đến 30-4 và 7-5.
Ngay cửa ngõ thị xã là tượng đài TNXP - Dân công tham gia vào chiến thắng Điện Biên, motive quen thuộc mà ở đâu trên đất nước này cũng thấy, người lính áo vải, mũ có lưới, cầm súng giơ lên trời, hai người khác đang lao lên kiểu xung phong.
Tượng đài  dân công tham gia vào 
chiến thắng Điện Biên ở cửa ngõ tp. Ảnh: HM
Ngã tư đầu tiên có cột cao cao treo cờ tứ phía, xa xa là tòa nhà Viettel. Nhìn ảnh chụp qua cửa kính xe bán tải trước mặt có đăng ký 29C, nếu không để ý, dễ lầm tưởng nơi đây là đâu đó quanh Hà Nội.
Chiều đó tôi lang thang dọc theo đại lộ Điện Biên Phủ, chụp ảnh linh tinh, có nhiều hàng phở Nam Định, cửa hàng sửa xe “xì khô thay dầu bôi trơn” bên cạnh thời trang “Thiên đường phái đẹp”. Phụ nữ Thái đội nón rất cao, do tóc búi trên đầu chứng tỏ đã có chồng, đi xe đạp thồ hàng bằng đôi sọt.
Nơi đây đang hối hả xây dựng, theo những người sống ở đây, so với 10 năm trước, được đầu tư lên thành phố, Sơn La có diện mạo khác hẳn, giầu có hơn, đông hơn, nhưng vẫn giữ được vẻ hiền hòa, không thấy ai vượt đèn đỏ, chiều tối vắng lặng khác thường.
Gặp hai bạn trẻ đang chụp ảnh kỷ niệm, thấy tôi, họ liền nhờ, anh chụp giúp chúng em. Ngắm nghía, tôi cũng chụp được pô khá ưng ý. Hai em đến từ Sơn Tây, chàng làm cho truyền thông cộng đồng, trông kiểu ăn mặc cũng biết là dân khá sành điệu. Em còn email nói sẽ kết nối với Hiệu Minh Blog. Dọc đường bòn mót cũng kiếm được thêm bạn đọc vì những thủ thuật đơn giản là chụp ảnh, gửi qua email, và thêm đường link vào blog.
Hai bạn trong nhóm truyền thông Mặt trời xanh. Ảnh: HM
Anh bạn lái xe
Đường số 6 có hai làn, có kẻ vạch, chỗ nào nguy hiểm có barrier, khi là bê tông, khi dùng thép uốn. Ở độ cao 600-700m nên núi đèo có vẻ hiểm trở hơn, mình bảo Hùng, tên bạn lái xe, hãy cài dây an toàn, nhưng hắn cười nhe răng, bác yên tâm đi, em đi đường này như đi chợ, thuộc hết các cua nguy hiểm. Mình nghĩ bụng, cua nào chẳng nguy hiểm.
Mình giải thích, đi đường nguy hiểm, người lái xe phải an toàn đầu tiên, nếu bị bất ngờ, không có dây an toàn, lái xe có thể văng ra khỏi ghế, thế là xe mất lái. Do nể mình, hắn cài được vài chục km, rồi bỏ ra lúc nào. Người Việt mình coi thường tính mạng mình và cả của người khác. Chỉ khi tai họa xảy ra mới biết là quá muộn.
Tuy nhiên, dọc đường thấy anh vượt cũng cẩn thận, chỉ biết chắc chắn không có góc cua khuất, không có xe đi ngược chiều mới cho xe tăng tốc. Cũng vài lần thót tim vì bỗng có chiếc xe gần như đấu đầu, mình ngồi ghế cạnh tài xế để chụp ảnh nên có thể anh Cua “đi” trước, rồi các cụ phía sau.
Phải thừa nhận, anh thuộc đường. Nếu ai đi lần đầu sẽ biết ngay vì phải lái xe chậm, và dò đường, chẳng biết phía trước là vách đá hay vực sâu. Tuy nhiên biển báo chỉ đường khá tốt nên cũng dễ đi.
Innova khá khỏe nhưng chỉ là xe 1 cầu (bánh trước kéo bánh sau), trời nắng khô ráo thì không sao, nhưng nếu mưa trơn, bùn lầy, xe hai cầu gầm cao mới vượt đèo dốc tốt. Thỉnh thoảng ngắm cảnh, khen, và nói chuyện cho lái xe đỡ buồn ngủ, anh em thân nhau hơn.
Vừa check in vào khách sạn UBND tỉnh Sơn La, một người đẹp là tới tìm chàng lái xe. Cô là người Bắc Ninh, rất nền nã, hiền, khá xinh ở phố núi. Nhìn hai người mừng rỡ và ánh mắt cũng biết là đôi bạn tri kỷ từ lâu. Nàng giải thích, hẹn các bạn khác đến cùng, nhưng ai cũng bận, chỉ có mình em gặp anh (lái xe) được, nhưng tôi có cảm giác, nếu không có thêm bạn càng hay cho họ.
Ăn uống cũng khá ngon, cả hội rủ nhau đi café, mấy bác tìm cách từ chối, mình thấy lạc lõng, định rút lui. Hỏi bạn lái xe, anh ta nháy mắt, anh đừng đi. Nhưng một bác trong đoàn muốn thử café, chả lẽ để bác một mình, thế là miễn cưỡng đến quán Suối hẹn.
Người Hà Nội gặp người Bắc Ninh ở Sao hẹn. Ảnh: HM
Bên cạnh khu vui chơi có karaoke, sân tennis, quán khá đẹp, dùng chất liệu tre, luồng cho trang trí, café cũng khá ngon, chắc giá cũng đắt, sành điệu không khác gì một quán sang trọng tại Hà Nội. Ngồi tới 9 giờ thì bạn lái xe giục, đi về thôi. Hai bác già về khách sạn, hai bạn không còn trẻ đi chơi tiếp, nghe nói đêm đó không về phòng, không hiểu “suối hẹn” nơi nao. Chẳng có ràng buộc gia đình, nếu có vào rừng với suối tiên thì cũng mừng cho các bạn.
Sáng sau đoàn tiếp tục đi Điện Biên, nghe anh chàng lái xe kể chuyện vui vẻ, cười nói phớ lớ, biết là họ đã vui vẻ trong một đêm không trăng sao ở nơi nào. Có lẽ chuyến đi Tây Bắc này, chàng vui nhất.
Nhưng trong tôi dâng lên nỗi sợ, lái xe mà buồn ngủ trên cổng trời Pha Đin, thì không hiểu sẽ ra sao. Hẹn gặp các bạn trong entry tiếp về đoạn đường đi Điện Biên.
Cao tốc vào thành phố. Ảnh: HM
Ngã tư chính ở Sơn La. Ảnh: HM
Đường Điện Biên Phủ. Ảnh: HM
Viettel. Ảnh: HM
Kiến trúc pha tạp. Ảnh: HM
Sân tennis cạnh cafe Sao hẹn. Ảnh: HM
Trong quán cafe Sao Hẹn. Ảnh: HM
Người Thái xuống phố. Ảnh: HM
Thời trang và sửa xe máy. Ảnh: HM
Chúc mừng năm mới vẫn còn dù đã tháng 4. Ảnh: HM
Cổng nhà tù Sơn La. Ảnh: HM
Cửa một phòng giam. Ảnh: HM
Cùm tù nhân. Ảnh: HM
Cây đào nổi tiếng. Ảnh: HM
Chỗ dâng hương có tượng đài không hợp 
với cảnh quan chung. Ảnh; HM
Học sinh tham quan. Ảnh: HM
IT về phố núi. Ảnh: HM
Tạm biệt Sơn La đang đổi thay. Ảnh: HM
 20/4/2015
 Hiệu Minh
Theo https://hieuminh.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tiếng chuông chùa Tử Đằng – Truyện ngắn Nguyễn Đức Hạnh 27 Tháng Sáu, 2023 Gần đây, cả thế giới xôn xao bàn luận về tiếng chuông có mà...