Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Nghe "Thiên Thai" như đi lạc vào một thế giới khác

Nghe "Thiên Thai" như đi lạc 
vào một thế giới khác!
Trước năm 1975, nhiều đêm, trước giờ ngủ, tôi có nghe loáng thoáng trong radio câu hát: "Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng..." với giọng ca Hà Thanh và cũng biết tên bài hát nhưng không để ý lắm. Sau này, lúc tôi nhớ lại và cảm nhận được cái hay của nó, thèm nghe lại thì tôi tìm nó đến đỏ con mắt cũng không ra!.
Đến những năm 2000, tôi mới tìm được bài này trong đĩa CD "Hòn Vọng Phu" với giọng ca Hoàng Oanh. Tôi nghe đi, nghe lại mãi... thật là thích...
Mỗi lần nghe bài này, tôi có cảm giác như tâm hồn mình bay bổng... bay đến một thế giới nào khác...
Bây giờ thì tôi lục tìm được nó trên mạng rồi. Thật là thích!
Có nhiều ca sĩ hát bài này, nhưng tôi thích nhất bài do Hoàng Oanh hát (với phần phụ họa và hòa âm trên cả tuyệt vời).
Chỉ có bài hát:
Có cả lời giới thiệu:
THIÊN THAI
Sáng tác: Văn Cao
Trình bày: Hoàng Oanh 
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng 
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên 
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên 
Theo gió tiếng đàn xao xuyến 
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền 
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền 
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi 
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời 
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan 
Quê hương dần xa lấp núi ngàn 
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền 
Ai hát trên bờ Đào Nguyên 
Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian 
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần 
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm 
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn 
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên 
Đây đó nỗi lòng mong nhớ 
Này khúc bồng lai 

Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi 
Đàn xui ai quên đời dương thế 
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên 
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian 
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần 
Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách giòn lắng xa 
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta 
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn 
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm 
Nhớ quê chiều nào xa khơi 
Chắc không đường về Tiên nữ ơi! 
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về 
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao? 
Những khi chiều tà trăng lên 
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên. 

Lúc chưa có lời bài hát trong tay, tôi không nghe rõ từ in đậm ở trên nên không biết chỗ đó là từ hát hay từ bắt. Mà hát hay bắt thì nghĩa cũng đều không ổn. Bây giờ... thì ra là hắt. Hay thật! TThang
Nguồn gốc:
Theo U minh lục: Lưu Thần và Nguyễn Triệu cùng vào núi hái thuốc gặp một con suối lớn, hai bên bờ suối có hai người con gái tư chất tươi đẹp - hai nàng tiên - đã lưu hai người lại trong nửa năm. Cả hai đều nhớ quê hương bèn từ biệt các tiên nữ ra về. Về đến nơi, anh em bà con đã phiêu bạt đi đâu, nhà cửa cũng không còn. Hỏi thì không ai nhận ra họ vì họ đã có con cháu đến 7 đời.
Ngay câu đầu bài nhạc, Văn Cao đã nhắc đến sự tích này:
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào nguyên...

Hoàn cảnh ra đời

Văn Cao viết Thiên Thai từ ám ảnh sông Hương xứ Huế mà ông có dịp tới thăm mùa thu năm 1940 và ấn tượng khi đi thuyền trên sông Phi Liệt (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và nghe ca trù năm 1941[1]. Năm 1944, Văn Cao đã viết lời tựa cho bài Thiên Thai: "... Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi..."
Khe cây, lối đá nhận đường vào
Hoa cỏ không vương mảy bụi nào......
Nhìn bóng dáng mây quên việc trước
Trông chiều cây nước ngỡ chiêm bao
Muốn biết về đâu, non nước ấy
Hỏi thăm, nên tới suối Hoa Đào...

Nhận xét:
Người Sông Ngự/Văn Cao đã thú nhận rằng mình bị ảnh hưởng sông nước của hai truyện Đào nguyên, Thiên Thai cho nên đã soạn ra một bài hát. Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh.
Nếu hình thức ca khúc trong Tân Nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó... thì Thiên Thai của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu...
Đây là cõi riêng của Người Sông Ngự.
Nhưng ta lại được tự do tuyệt đối để nghe lên toàn thể tiếng đàn, tiếng hát vút lên từ đầu tới cuối của trường khúc Thiên Thai, tiếng đàn hát mà tôi cho là của Trương Chi trong truyện cổ và Văn Cao đã cho Thiên Thai mượn tạm. Tôi kết luận: Thiên Thai là cõi riêng của Văn Cao. Trương Chi mới là tiếng hát của Văn Cao.

Bài hát Thiên Thai là một bài hát hiếm hoi của Việt Nam sử dụng đến ba loại ngũ cung trong cùng một bài hát: ngũ cung Việt Nam, ngũ cung Trung Hoa và ngũ cung dân tộc Tây Nguyên.
Các nhà phê bình cho rằng, Thiên Thai tuy được viết vào thời kỳ tân nhạc Việt Nam còn phôi thai, nhưng cho đến nay, hình như cũng chưa có một ca khúc nào khác vượt qua được, về cả hai phương diện giai điệu và lời ca. Biến đổi tiết tấu và thang âm của ca khúc, hiện tại, nghe lại vẫn thấy mới. Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn nữa.

Thiên Thai - Văn Cao
Hà Thanh - V. Diệp
Phượng Nga
Nguồn: http://vi.wikipedia.org/
Theo http://kynangsong.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...