Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Hồ Dzếnh - Đằm thắm một hồn thơ

Hồ Dzếnh - Đằm thắm một hồn thơ
Nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh, sinh năm 1916 ở Quảng Xương, Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn VN, từ năm 1957, mất năm 1991. Ông được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007.
Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991)
Trước cách mạng tháng tám, Hồ Dzếnh học trung học tại Hà Nội rồi làm gia sư, làm thơ, viết truyện ngắn, năm 1954 tham gia Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT VN khóa I. Đã in 8 tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch. Hồ Dzếnh được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007. Trước cách mạng tháng tám, Hồ Dzếnh học trung học tại Hà Nội rồi làm gia sư, làm thơ, viết truyện ngắn, năm 1954 tham gia Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT VN khóa I. Đã in 8 tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch. Hồ Dzếnh được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007. 
THƠ HỒ DZẾNH
MÀU CÂY TRONG KHÓI
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây...
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc 

Khói huyền bay lên cây...
(Bài thơ còn có tên là Chiều, và đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành bài hát Chiều).
CHUYẾN TÀU ĐỜI
(Bài thơ bỏ quên) 
Nhiều lần tôi nghĩ bao la:
Ðời là quán khách, tôi là giấc mơ
Trao duyên rất đỗi tình cờ
Không mong ước hẹn, không ngờ gặp nhau.
Tôi sinh cách mấy ngàn sau,
Vẫn bền thiên luật: lên tàu xuống ga
Ðường đời bóng núi sông qua
Nay đang nắng mới, mai là cảnh xưa
Có tôi, tàu vẫn đông thừa
Không tôi, tàu vẫn chẳng thưa vẫn người
Mất còn có nghĩa gì đâu
Tôi là chút ít của đời chút không
Dặm trần bụi cuốn, may dong
Tôi đem số phận gửi trong má đào
Từng phen gió lạnh bay vào:
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?
CỖ BÀI TAM CÚC
Ngày Tết mải chơi tam cúc
Không hay anh tới sau lưng
Ghé lại gần em mách nước
Kết luôn xe pháo mã hồng
Ồ ván bài em đỏ quá
Đỏ như đôi má ngày xuân
Em có ăn trầu đâu nhỉ
Mà sao người thấy bâng khuâng?
Nắng mới rọi vào song cửa
Rung rinh bóng lá cành doi
Năm ấy em mười sáu tuổi
Trăng tròn – anh chẵn đôi mươi
Từ đó mỗi mùa đào nở
Pháo xe lại rộn cây bài
Có độ anh về, có độ
Vắng anh, em nhớ mong hoài
Mấy chục mùa xuân thấm thoát
Nhớ thương hờn giận chen nhau
Một bức tranh thơ bát ngát
Quý thay cái thuở ban đầu!
Nay tóc đời ta điểm bạc
Bể đâu thời thế phôi pha
Em ạ, cỗ bài tam cúc
Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta.
HOA MẪU ĐƠN
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
Em ạ, quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió dạo lời kinh tỏa vấn vương
Con gái nhà Chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn cpn gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em
Tôi nhớ từng viên đá lát thềm
Từng hàng ngói nhỏ mái nhà êm
Cây doi đứng cạnh hòn non bộ
Tỏa mát đường đi gạch lát nem
Ôi vật vô tri cũng có hồn
Những ngày nắng mới những hoàng hôn
Tình yêu sau trước đều như vậy
Những thoáng vui xen những nét buồn
Chủ Nhật tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến bây giờ
Đêm Giáng Sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau.
TU LÀ CỘI PHÚC
Gửi một lòng em gái phương xa
Ðược biết em vừa thí phát
Thời trang đổi lấy cà sa
Một sớm đi vào cõi Phật
Bụi trần một sớm lìa xa...
Ôi nếu đúng vì Chân lý
Xin mừng em bước sang sông
Phơi phới cánh buồm thoát tục
Xuôi dòng thuận gió lâng lâng.
Nhưng nếu tâm cơ định khác
Dây oan muốn dứt duyên tình
Chim tự lao vào gai sắc
Tiếng ca mình đẫm máu mình!
Em ạ, đời thơ cũng vậy
Ðau thương - sự nghiệp vinh quanh
Gạn chất bùn đen tự đáy
Trăm năm luyện được chút vàng!
Chỉ tiếc đầu xanh một mái
Từng thơm trang sách năm xưa
Nay bỗng vắng niềm ưu ái
Hồn thơ chợt thấy hoang vu!
RẰM THÁNG GIÊNG
Ngày xưa còn nhỏ... ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:
- "Lòng thành lễ vật đầu niên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan, ngoài mái chị ngồi
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
Quẻ thần, thánh mách mà khôn:
- Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều!
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hằng năm, tôi đi lễ chùa
Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm, tháng thời xưa trở về
NGẬP NGỪNG
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
(Bài thơ này đã được Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành bài hát Chuyện hẹn hò, nhạc sĩ Anh Bằng thành bài hát Anh cứ hẹn, và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm thành bài hát cùng tên).
SÁNG NAY MÙA THU
Trời không nắng cũng không mưa,
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung.
Em còn nhớ đến quê không,
Bãi dâu vẫn đợi, con sông vẫn chờ.
Bâng khuâng câu chuyện tình cờ,
Không mong nên hẹn, không ngờ thành thân.
Rất xa bỗng hoá rất gần,
Dù chưa gặp mặt một lần, lạ chưa!
Sáng nay Hà Nội giao mùa,
Hồ Thu. Tóc liễu. Tháp Rùa lung linh.
Nước non đây nghĩa đây tình,
Đọc thơ em sẽ thấy mình trong thơ.
NÚI VỌNG PHU
Nghe nói ngày xưa biển ở đây
Biển đi để lại núi non này
Mưa nguồn chớp bể chia hai ngả
Hòn vọng phu thương vọng hải đài.
Thuở nhỏ tôi thường hay hỏi mẹ
Vì sao đỉnh núi mọc hình người.
- Đợi chồng lâu quá nên thành đá
Hòn vọng phu kia đứng với đời.
Tôi lớn dần lên đá vẫn chờ
Khi xa heo hút giữa sương mờ.
Khi gần sừng sững chiều biên giới
Như bức phù diêu nét chửa khô.
Không chỉ quê tôi núi đợi chồng
Còn nhiều nơi khác cảnh chờ mong
Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt
Tạc giữa trời cao dáng thủy chung.
Ôi nhớ rêu phong hồn cẩm thạch
Mối tình vời vợi giữa không gian
Bốn nghìn năm ấy bao sương gió
Mà vẫn đinh ninh thiếp đợi chàng.
RỦ EM ĐI CHỢ ĐỒNG XUÂN
Rủ em đi chợ Đồng Xuân
Tưởng như đi giữa bâng khuâng, thuở nào...
Nắng hanh rám má bưởi đào
Chợt nghe hương vị thấm vào tâm tư
Đồng Xuân này lối năm xưa
Anh chưa lấy vợ, em chưa lấy chồng
Nhưng thôi, chuyện cũ - chuyện lòng
Nhắc chi húng Láng, cốm Vòng hỡi em
Hồ Tây dẫu muộn mùa sen
Vẫn còn một đoá y nguyên buổi đầu
Như ngày ta mới quen nhau
Thư đưa hồi hộp, tay trao ngượng ngùng
Nhớ em nhớ đến khôn cùng
Hương sen càng mát, nỗi lòng càng đau.
MÀU CỜ
Sắc biếc chen lừng dáng huyết tươi,
Lênh lang tuôn ánh thái dương cười,
Dưới cờ, hồn nhỏ tràn như biển,
Trí rộng muôn sông, chấp vạn người.
Sức mạnh nào ngăn ý chí ta,
Gươm thần khi ngứa máu xông pha?
Một đi - cái chết nghìn thu nhẹ,
Hát trước câu: "Không trở lại nhà."
Giang sơn một thuở lầm tro bụi,
Kiếp sống vinh gì nợ hắc nô?
Kiếp sống vinh gì, khi thế hội
Đã xoay nghiêng ngửa móng cơ đồ?
Ngựa không thèm nhớ đồng xanh cũ,
Ta há mơ gì chút gió quê?
Cờ tuôn ra bao máu đỏ
Ghi câu non biển: Chết không về!
ĐỜI THƠ
Phút linh cầu mãi không về
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen
Khói trầm bén giấc mơ tiên
Bâng khuâng trăng giãi qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam
Rạc rời vó ngựa quá quan
Cờ treo ý cũ mây giàn mộng xưa
Biển chiều vang tiếng nhân ngư
Non xanh tha thiết trời thu rượi sầu
Nhớ thương bạc nửa mái đầu
Lòng nương quán khách nghe màu tà huân
Buồn Tư Mã nhớ Chiêu Quân
Nét hoa thấp thoáng ý thần đê mê
Phút linh cầu mãi không về
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen.
CẢM XÚC
Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già
Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi
Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ
Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
BÀI THƠ TẶNG VỢ
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!
QUÊ HƯƠNG
Ngày xưa tôi sống vui êm
Trong khu làng nhỏ kề bên sông đào
Chị tôi giặt lụa cầu ao
Trời trong, nắng ửng, má đào ghẹo duyên
Tôi say nước thắm mây huyền
Nước mơ dáng cũ, mây truyền tiếng xưa...
Đời lành: nắng nhạt mưa thưa
Sầu hôm nối sáng, buồn trưa tiếp chiều
Có lần tôi thấy tôi yêu
Mắt nhung, cô bé khăn điều cuối thôn
Lâu rồi, tôi đã... hơi khôn
Biết cô hàng xóm có còn nhớ nhau?
HỒ DZẾNH - ĐẰM THẮM MỘT GIỌNG THƠ
Hồ Dzếnh (1916-1991), tên thật là Hà Triệu Anh, người Thanh Hóa, quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc). Ông là thi sĩ đã nổi tiếng từ kháng chiến chống Pháp với các tập thơ: Quê ngoại (1942), Hoa xuân đất Việt (1946) và viết truyện (ký bút danh Lưu Thị Hạnh) và kịch: 
+ Truyện ngắn: Chân trời cũ (1943); 
+ Truyện vừa: Dĩ vãng (1940), Cô gái Bình Xuyên (1946);
+ Truyện dài: Những vành khăn trắng (1942), Tiếng kêu trong máu (1942), Một chuyện tình 15 năm về trước (1943); 
+ Tiểu thuyết (tự truyện): Cuốn sách không tên (xuất bản sau khi mất): Kịch: 
+ Người cứu thương Trung Hoa (1946), Đi hay ở (1955). Hồ Dzếnh là thi sĩ có những vần thơ duyên dáng, ngọt ngào và những bài hay được các nhạc sĩ phổ thành ca khúc: Dương Thiệu Tước (Chiều), Anh Bằng (Ngập ngừng, đổi tựa thành: Anh cứ hẹn) … Ngoài các bài đánh giá tích cực của giáo sư, nhà văn, nhà thơ về sự nghiệp văn chương của Hồ Dzếnh, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007).
Nhà thơ gốc người Minh hương: Hồ Dzếnh, hai tiếng đọc theo giọng Quảng Đông từ chữ tắt Hà Anh ( -  -) của tên Hà Triệu Anh (- - -) mà ra. Thân phụ nhà thơ là Hà Kiến Huân, gốc Quảng Đông, sang sinh sống ở Việt Nam từ đầu thập niên cuối thế kỷ 19. Mẹ ông là bà Đặng Thị Vân, người Việt làm nghề chèo đò, quê ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Thuở nhỏ, cậu bé Hà Triệu Anh học ở trường Tiểu học Quảng Xương. Sau khi đậu bằng tiểu học Pháp Việt (1930), tiếp tục học tư tại Thanh Hóa, Hà Triệu Anh ra Hà Nội (1931), vừa học tiếp bậc Thành chung vừa đi dạy tư thêm để kiếm sống. Gần cuối năm 1937, Hà Triệu Anh bắt đầu lao vào mặt trận văn bút với truyện ngắn đầu tiên Lòng mẹ, đồng thời có thơ in trên Trung Bắc chủ nhật (của Nguyễn Doãn Vượng) và Tiểu thuyết thứ bảy (của Vũ Đình Long). Gặt hái tốt ở thể loại truyện đã viết mở đầu, những truyện ngắn sau đó lại tiếp nối ra đời: Chị dâu tôi (1938), Chị Yến (1939) và nhiều truyện ngắn khác: Ngày gặp gỡ, Trong bóng rừng, Em Dìn, Chú Nhì, Sáng trăng suông, Người anh xấu số, Nhà nhiều con…(1940-1943). Và cũng trong thời gian này, Hà Triệu Anh cũng tiếp tục làm thơ. Giai đoạn 1940-1942 được coi là tác giả tập trung viết nhiều: Dịch 30 bài thơ Baudelaire ( ), xuất bản tiểu thuyết Dĩ vãng, Chân trời cũ, Một chuyện tình 15 năm về trước…Năm 1945, Hồ Dzếnh tham gia cách mạng tại Hà Nội. Sau đó (1948), về lại Thanh Hóa, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Huyền Nhân, một cán bộ hoạt động cách mạng từ năm 1942. Nhưng năm 1950, bà Huyền Nhân mất, để lại cho Hồ Dzếnh một đứa con trai mới được 4 tháng tuổi. Trong hoàn cảnh chiến tranh lọan lạc, thiếu sữa, người cha cảnh gà trống nuôi con, phải khổ sở địu đứa bé chạy giặc và đi khắp khu tư tìm người cho con bú thép.  Ba năm sau, nhà thơ được chính quyền cấp giấy phép về Hà Nội chữa bệnh cho con. Sau đó, Hồ Dzếnh tục huyền với bà Nguyễn Thị Hồng Nhựt (bà Bình Minh), vợ góa của cố thi sĩ Trần Trung Phương rồi vào Sài Gòn viết phóng sự cho báo Thần chung. Nhưng tháng 10 năm 1954, Hồ Dzếnh lại trở ra Hà Nội. Năm 1957, dự Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần 2, đọc tham luận “Một vài ý nghĩ về sáng tác”. Nhà thơ đã tham gia Hội Nhà văn Việt Nam từ lúc mới thành lập. Hồ Dzếnh cũng tham gia các đợt đi thực tế của văn nghệ sĩ tại khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp tại Hà Nội. Giai đoạn 1965-1975, tại Sài Gòn có tái bản một số tác phẩm của Hồ Dzếnh. Một số tạp chí Văn nghệ tại đây cũng ra đặc san về Hồ Dzếnh: Giai phẩm Văn (02/1973), Văn học, giai phẩm đặc biệt: Hồ Dzếnh với người phụ nữ Việt Nam. Nhà thơ dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3(1983), và lần thứ 4 (1989). Năm 1988, tại Hà Nội xuất bản Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc (Nhà xuất bản Văn học). Tập truyện ngắn Chân trời cũ được trích tuyển trong Tuyển tập Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945 (tập 7).
Về chân dung Hồ Dzếnh, theo các bạn văn quen biết, từng gần gũi với ông thì nhà thơ vẫn có nét riêng của mình. Không có vẻ bay bướm với mái tóc bồng lãng mạn như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, hoặc lè phè như nhà thi sĩ chân quê Nguyễn Bính, lấy năm ngón tay làm lược chải đầu: Tóc anh từ độ rối sầu/ Soi gương nước giếng chải đầu ngón tay. Nói đến một văn nghệ sĩ, người ta mường tượng ngay đến một kiểu người lập dị tóc bù xủ như tổ quạ, tay cắp sách vở, đi phệu phạo giữa đường, mắt thường nhìn vu vơ không đâu… Bấy nhiêu nét đặc trưng ấy đều không tìm thấy ở con người Hố Dzếnh, mặc dù ông là nhà nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo. Với gia đình và tổ quốc, dù có gặp chuyện không may trong cuộc sống, Hồ Dzếnh vẫn không có điều gì đáng dị nghị.  Với bạn bè thân tình như Thanh Tịnh, Thạch Lam… Hồ Dzếnh đã thể hiện những tình cảm kín đáo mà rất thắm thiết, đậm đà: Đời xếp anh, tôi và Thạch Lam/ Ngồi chung một chiếu hội Văn đàn/ Chao ôi, chiếu đã hai lần lạnh/ Còn lại mình tôi với thế gian! …(Nhớ tiếc Thanh Tịnh). Vẫn giọng thơ đằm thắm rất dễ thương, tiết tấu nhạc thơ uyển chuyển du dương, thiết tưởng người đọc chưa nhìn tên tác giả bên dưới, cũng dễ dàng nhận ngay được là thơ Hồ Dzếnh. Hồ Dzếnh làm thơ, sáng tác truyện rồi lại lấn sân sang viết kịch. Chưa nói đến kịch, ở hai lĩnh vực thơ và truyện, Hồ Dzếnh đã sỡ hữu được một phong cách đặc biệt của một ngòi bút thiên bẩm khó nhầm với bất cứ nhà văn nào cùng thế hệ với ông. Nhất là thơ Hồ Dzếnh.
Qua thi tập: Quê ngoại và Hoa xuân đất Việt và một số bài thơ đăng rải rác trên báo, ta nhận thấy nhà thơ mang hai dòng máu Hoa - Việt này thường sử dụng thể thơ mới: bảy chữ, sáu chữ, tám chữ, năm chữ…để diễn đạt ý thơ với từ ngữ dung dị nhuần nhuyễn một cách đằm thắm, nhẹ nhàng. Vì theo cha chạy loạn, bỏ đất tổ Trung Hoa sang Việt Nam, gắn bó trọn vẹn cuộc đời với đất Mẹ, Hồ Dzếnh đã phơi trải một cách thầm kín trong lòng mình một nỗi niềm nhớ thương về quê nội nơi phía Bắc dù có mơ hồ nhưng vẫn mênh mang không dứt: Mây ơi, có tạt về phương Bắc/ Chầm chậm cho ta gửi mấy lời/ Từ thuở ly hương, ta vẫn nhớ/ Nhưng tình xa lắm gió mây ơi! (Tư hương). Sinh ra ở quê mẹ, từ bé đến lớn sống ở đất Việt, nhà thơ vẫn canh cánh trong tâm khảm một nỗi hoài hương, lúc nào cũng mong mỏi được về trông lại khung trời nguồn cội: Ta nhớ màu quê, khát gió quê/ Mây ơi ngừng cánh, đợi ta về/ Cho ta trông lại tầng xanh thắm/ Ngâm lại bài thơ “Phương thảo thê”. Vẫn lối thơ bảy chữ sở trường giàu thanh điệu và dù chất liệu có phần ước lệ, Hồ Dzếnh luôn gợi nhớ lại một nước Tàu bao la đậm màu trong cổ tích: Liễu Động Đình thơm chuyện hảo cầu/ Tóc thề che mướt gái Tô Châu/ Bâng khuâng trăng sáng trời Viên Hán/ Một dải Giang Nam, nước rợn màu. Đọc thơ Hồ Dzếnh, đôi khi chưa nắm được ý nghĩa của toàn câu, những giai điệu của các từ ngữ chắt lọc cổ kính, đầy hình tượng, dễ lôi cuốn người đọc vào ma trận của ngữ điệu, thanh âm. Nhà thơ buồn vì nỗi ly hương biết được từ đời người cha vì huyết thống nhưng không rõ nét. Nhưng tình cảm của nhà thơ với quê Mẹ Việt Nam lúc nào cũng sâu đậm thiết tha và triền miên vô tận. Trong  Quê ngoại, Hồ Dzếnh có một bài thơ được nhiều người thuộc và dư luận đánh giá cao.
Đó là bài Chiều, 13 câu, làm theo thể ngũ ngôn, diễn tả tâm trạng người lữ khách trong một buổi chiều, hồn người hòa quyện cùng cây lá, thiên nhiên, vũ trụ. Ở đây, ta thấy tình cảm nhà thơ có phần nào gần gũi với một Xuân Diệu: Hôm nay, trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…/ Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả hiu hiu sẻ buồn (Chiều - Xuân Diệu) hoặc một Huy Cận: Lớp lớp mây cao, đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa/ Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Tràng giang - Huy Cận). Cũng buồn, nhưng nồng độ nỗi buồn khi hoàng hôn đến ở Hồ Dzếnh có vẻ mênh mang, vô tận mà cô đặc khôn cùng - một nỗi sầu vạn cổ làm chết được lòng thi nhân: Có phải sầu vạn cổ/ Chết trong hồn chiều nay. Hoặc ở một bài thơ khác của tác giả Quê ngoại : Chiều buồn như mối sâu chung/ Lòng im nghe thoảng tơ chùng chốn xa/ Đâu hình tàu chậm quên ga/ Bâng khuâng gió nhớ, về qua lá dày (Màu thu năm ngoái). Cùng một chủ đề, những câu thơ đã thể hiện nỗi da diết, lung linh hơn cả tình cảm trong thơ Thôi Hiệu ( ), đời Đường: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử  nhân sầu ”(Hoàng Hạc lâu) - Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai (Tản Đà dịch) và cũng man mác hơn một Lamartine ( ) của văn học Pháp: Dưới bóng cội sên già, rừng núi thẳm/ Ngồi buồn nghe rũ rượi dưới hoàng hôn/ Đưa mắt nhìn những đồng ruộng mênh mông, Như bức họa dưới chân mình đổi sắc (Solitude - Cô đơn, Nguyễn Thanh dịch thơ). Sau bài Chiều nổi tiếng, người ta cũng hay nhắc đến bài thơ Ngập ngừng làm theo thể thơ mới 8 chữ (loại alexandrin) của Hồ Dzếnh, một tác phẩm trước đây cũng từng được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc và được trình bày bởi các ca sĩ hàng đầu ở miền Nam như: Minh Trang, Hà Thanh, Mai Hương …trên sân khấu ca nhạc cũng như nơi các phòng trà. Cái đặc biệt ở nội dung bài thơ này là lời hẹn hò lập lờ, lơ lửng… với người yêu rất ư là lãng mạn theo một mốt riêng của Hồ Dzếnh: Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé/ Để lòng buồn, tôi dạo khắp trong sân…Bài thơ Ngập ngừng, có 18 câu mà có đế ba câu giống in như thế được bắt đầu ở mỗi khổ, khiến người đọc không khỏi băn khoăn, nếu mình là đối tượng được lọt vào mắt xanh của thi nhân, thì sẽ có cảm nghĩ thế nào. Thực là một đối cực trong quan điểm yêu đương, trái hẵn với nhà thơ Xuân Diệu luôn hăm hở, vồ vập, khát khao, luôn mong được gần gũi: Có một dạo, em ngồi xa anh quá/ Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn/ Em xích gần hơn một chút, anh hờn/ Em ngoan ngoãn xích gần hơn chút nữa (Xa cách - Xuân Diệu). Không biết có phải nhà thơ đã theo  chủ nghĩa hoài nghi để chấp nhận một thú nhớ nhung: Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở/ Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ/ Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa, giống như nhà thơ đa tình Lưu Trọng Lư đã từng hạnh phúc trong khắc khoải một “thú đau thương”! (theo Vũ Ngọc Phan). Dù theo mô hình nào, tình yêu đôi lứa thể hiện trong thơ Hồ Dzếnh vẫn chứa chan, nồng nàn nhưng biểu hiện luôn đằm thắm, dịu dàng, không giục giã, vội vàng: Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung (Hà Nội sang thu) không như trong thơ của các thi sĩ khác cùng thời nhất là Xuân Diệu. Phong cách thơ đặc biệt này của Hồ Dzếnh luôn thể hiện  nhất quán ở cả hai tập Quê ngoại và Hoa xuân đất Việt và các bài thơ khác của tác giả viết về tình cảm, phong cảnh thiên nhiên, thời tiết, sinh hoạt, thắng cảnh, lễ hội …ở ngay giữa lòng quê mẹ của mình. Từ lũy tre xanh Nam Việt quen thuộc làm nghề tằm tơ nhưng âm thịnh dương suy nên chồng nào cũng hai vợ: Trong làng lắm gái thưa trai/ Nên thường có luật chồng hai vợ liền (Lũy tre xanh), đến cảnh phố huyện đìu hiu một màu buồn tẻ với vài mái tranh nghèo san sát kề nhau: Vài nhà tranh yếu vai kề sát nhau/ Phố tôi trông dáng buồn rầu (Phố huyện).    
Nhưng trên tất cả là tấm lòng son sắt thủy chung với dân tộc, quê hương của Hồ Dzếnh. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ sau cách mạng Tháng Tám, cũng như bao văn nghệ sĩ yêu nước khác: Nguyễn Bính ( ), Thẩm Thệ Hà ( ), Sơn Nam ( ), Kiên Giang (), Hoài Sơn ( ),… Hồ Dzếnh ý thức rõ nhiệm vụ của kẻ làm trai khi tổ quốc lâm nguy. Nhà thơ hăng hái đoạn tuyệt với văn chương ca ngợi ái tình ủy mị, thiên nhiên vô tri giác: Ta trả lại cho đàn, cung nhớ tiếc/ Cho mùa thu, những xác lá vàng rơi,  đem ngòi bút sáng trong, mạnh mẽ của mình, mài thành loại vũ khí sắc bén giết giặc trên mặt trận văn nghệ. Nhà thơ kêu gọi thế hệ thanh niên đứng lên phá tan xích xiềng nô lệ: Thiếu niên hỡi, hỡi hồn trai đất Việt/ Đứng lên đi, vì Tổ quốc vinh quang. Hồ Dzếnh lạc quan, nhìn về chân trời mới của quê hương, với muôn lòng người trai sôi sục, quyết tâm xây dựng lại cuộc đời: Ta nghiêng kính trước xuân hồng đất nước/ Lửa yêu đời thiêu cháy chuyện ngàn xưa. Đẹp đẽ và kiêu hùng thay hình ảnh những chàng trai ra đi đầu không ngoảnh lại, sau khi nốc cạn chén rượu non sông: Đây là lúc ánh gươm linh bén chớp/ Ta màng chi mày liễu cuốn phong ba/ Nếu rượu mạnh lên đường ta cạn hớp/ Để say sưa nghe dội tiếng sơn hà. Nhà thơ mong Tổ quốc sớm vinh quang:…Bừng sáng mau lên xuân/ Cho vinh quang quét sạch hết phong trần/ Cho non nước sáng tươi này trẻ mãi. Trong giai đoạn đất nước chuyển mình, những vần thơ Hồ Dzếnh long lanh, bùng lên vẻ đẹp đáng yêu, thể hiện một tâm hồn thiết tha sống, rực lửa đấu tranh vì đại nghĩa trong chiếc nôi Quê ngoại.  
Tình cảm cao đẹp của Hồ Dzếnh còn tỏa ra trong các truyện ông sáng tác tập trung trước hết ở tác phẩm tiêu biểu: Chân trời cũ. Ở tập truyện ngắn gần như là tự truyện này, tác giả đã thể hiện đầy đủ chân dung trong sáng, tấm lòng đôn hậu của mình với những người trong gia đình người Việt gốc Hoa hoặc họ hàng thân tộc của tác giả. Bằng lối văn nhẹ nhàng, âm hưởng uyển chuyển, giọng buồn man mác, thể hiện trong lòng người viết một nỗi u hoài mang mang khôn nguôi của người xa xứ, bằng những chi tiết, ý tình chắt lọc rất cảm động.
Hồ Dzếnh chân tình bộc bạch về cuộc đời buồn khổ của mình ngay từ thuở ấu thơ qua các truyện trong Chân trời cũ: “Đó là những tiếng khóc lần đầu tiên tôi biết, tiếng khóc sau này, khi tắt đi, còn vẳng lại một điệu thở dài chua xót trên ngày tháng bơ vơ của tôi” (Con ngựa trắng của ba tôi), “Tôi là người biết cảm sầu rất sớm, nên người đàn bà xa lìa quê hương ấy là cái để cho tôi khóc bằng thơ để làm hoen ố cả một buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp” (Người chị dâu tôi,)… Hồ Dzếnh còn nói về cha,  về người chị : Chị Yên , về em (Em Dìn), về Tổ quốc: “Dải đất cần lao, cái dải đất thoát được ra ngoài sự lọc lừa phản trắc, cái dải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ” (Sáng trăng suông)…  Nhiều lúc, tác giả ca ngợi người mẹ, người chị, những người xưa yêu thương và mảnh đất Việt Nam quê mẹ của mình với những luống cày còn ngấy thơm mùi đất: “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng của Người, vì tôi đã thề yêu người…Trên dải đất súc tích của tinh hoa văn chương, những công trạng lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu, và trong số những người này, chị Yên tôi là một”.
 Nhận định về Hồ Dzếnh, một khuôn mặt văn học đặc biệt, viết hay ở nhiều thể loại, dù cuộc đời có lận đận, ta thấy ông vẫn gắn bó với văn chương nước nhà và không xa rời cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc. Hồ Dzếnh là nhà văn, nhà thơ có vị trí xứng đáng trong làng văn nhưng không được Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh và Hoài Chân nhắc đến trong tác phẩm phê bình văn học, nhưng nhiều trí thức, giáo sư, văn nghệ sĩ và nhân dân đã dành cho ông một lòng trân trọng và sự ngưỡng mộ. “Hồ Dzếnh là một hồn thơ đẹp” (Trần Hữu Tá). Nhà thơ Vũ Quần Phương, trong Lời giới thiệu “Tuyển tập Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc” (Nhà xuất bản Văn học -1988) đã có ý kiến xác đáng: “Với bản chất trầm lặng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình là người mới bắt đầu bước vào nghề viết. Tuy nhiên, với hai tập văn thơ Chân trời cũ và Quê ngoại, Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà văn, nhà thơ có chân tài”.
Nguyễn Thanh
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...