Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Đỉnh LangBiang

Đỉnh LangBiang
Cowboy (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Từ chợ Đà Lạt đi LangBiang theo đường Phan Đình Phùng tiếp Sô Viết Nghệ Tĩnh rồi Nguyễn Siêu (khoảng 8km). Mới 8 giờ sáng, tại khu bán vé đã có mấy đoàn khách. Nhân viên "bảo vệ" hướng dẫn tôi gửi xe máy 5 nghìn đồng, vô cổng 10 nghìn, xe lên đỉnh 50,000/người. Tôi hỏi mua 2 vé thì phòng vé trả lời "chờ đã, đủ 6 người một xe mới bán.” Một chuyến xe 300 nghìn, nếu đi ngay thì phải trả đủ. Tôi đành lanh quanh chờ thêm người.
Trên đỉnh LangBiang (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Khu vực đón khách rất rộng, mấy chục xe "Uoat" (Jeep Nga), xe đoàn liên tục đến, xe nào cũng từ 50 người trở lên. Trong lúc chờ lấy vé, khách vào các hàng bán đồ lưu niệm, hàng ăn hoặc mua các thứ linh tinh bánh kẹo. Trời mưa lâm râm, tôi hỏi mua cái dù trẻ con để che máy chụp hình, cái dù rộng chừng 50cm, chỉ dùng một lần rồi vứt (như áo mưa giấy) mà cô hàng hét giá những 80 nghìn đồng!
Đã hơn nửa giờ rồi, khách lẻ vẫn chỉ hai người chúng tôi, thế này không khéo đợi suốt ngày cũng chẳng có thêm ai, một lối làm ăn "quốc doanh" coi "thượng đế" chẳng ra gì. Chợt có chiếc xe Van vừa vào, khách chừng hơn mươi người, có lẽ gia đình thuê đi riêng, tôi chạy ra gặp bác tài đề nghị cho tôi góp 100 nghìn mua vé đi chung. Không ngờ mọi việc giải quyết nhanh chóng, ai nấy vui vẻ lên hai xe. Như vầy gọi là thuê bao 2 xe, mỗi xe có thể 4 người hoặc 8 người, không nhất thiết 6 người. Thế là anh lái xe được 100 nghìn bỏ túi. Thảo nào anh rất tử tế dặn dò giờ về, dặn nhớ số xe để khỏi lạc.

Xe đưa khách (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Khi nghe loa gọi số xe 1 và 27 rời bến, hai anh tài của công ty nổ máy vọt ngay. Phải nói họ đúng là tay lái lão luyện. Từ chân núi lên đến đỉnh LangBiang, chỉ một nấc ga, không tăng không giảm, xe cứ vùn vụt, vận tốc trên 40 miles. Trên xe có nhiều tiếng hít hà tỏ vẻ sợ, bởi đường đèo quành qua quẹo lại liên tục kiểu rắn bò chứ có đoạn nào thẳng đâu.
Hàng quần áo (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Tôi ngồi phía sau xe, gờm máy để chụp những khúc quanh rừng thông sương mờ khá đẹp. Nhưng, vừa mới đưa máy chưa kịp bấm, xe đã đổi hướng. Tôi có cảm tưởng như xe không người lái, hoặc tài xế là người máy. Xe lên đèo một mạch không thay đổi nhịp điệu chậm nhanh. Do vậy mà họ cấm xe tư nhân chạy. Xuống xe, mọi người thở phào, tôi hỏi anh tài xe Van, anh bảo "Họ thuộc lòng đường và chạy đều như mình thở, chẳng việc gì hồi hộp." A bác tài này cũng văn vẻ ra phết!
Đỉnh LangBiang tương đối bằng phẳng khá rộng. Một bãi xe trước tòa nhà hai tầng, cơ sở chính, nối từ hông tòa nhà ra là hàng quán, món ăn thức uống rất nhiều thứ. Đa số là món nướng, đặc biệt có trứng đà điểu. Thời gian cho phép vui chơi chỉ 45 phút, tôi nhanh chân đi tìm những cảnh đặc biệt của LangBiang.



Khu chụp ảnh (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Trời mưa và sương mù nên không nhìn được vẻ đẹp dưới thung lũng nơi có dòng sông Đa Nhim (nhánh đầu nguồn sông Đồng Nai) uốn khúc len qua núi đồi, không thấy những khu nhà mái ngói ẩn hiện trong rừng thông. LangBiang hôm nay ẩm ướt và sương mù. Đối với khách đi tìm vẻ rực rỡ của thiên nhiên thì không mấy hài lòng, nhưng với những ai muốn có cái "mood" âm u se lạnh của non cao vắng lặng, lại pha chút mộng mơ bồng bềnh, thì không có gì than phiền, thích là đằng khác.
Tượng tình yêu (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Cuối bãi đậu xe, xuống mấy bậc tam cấp là một hoa viên nhỏ, chạy theo vòng cung đỉnh LangBiang. Gọi là hoa viên nhưng đơn giản mấy chiếc ghế sắt sơn đen, hai tượng người sắc tộc đóng khố mang gùi, một con ngựa đang gặm cỏ... Tưởng là cảnh cho khách xem hoặc chụp ảnh, nhưng vừa bấm máy là có người đến chìa tay đòi 5,000 đồng. Ai thắc mắc thì người thu tiền chỉ cho cái bảng nhỏ bằng hai bàn tay treo tòn ten nơi chân ghế: "chụp ảnh 5,000."
Đi vòng cánh trái ra sau tòa nhà, khu này rộn rịp hơn, nhiều hạng mục màu sắc hơn, nhiều sạp hàng bán quần áo, giỏ xách phụ nữ, có xe ngựa để khách ngồi, có ngựa cho khách cỡi chụp hình. Lại có cả tượng Phật cho khách lễ, vài tiểu cảnh trưng bày những xe Jeep Mỹ thời chiến...mọi thứ có giá cho khách chụp ảnh. Nửa vòng đỉnh LangBiang chỉ có thế.
Nói tóm lại, không có gì đặc biệt, đặc trưng trên đỉnh LangBiang, ngoại trừ cảnh mưa bay và mù sương dành cho người đi tìm chút dư ảnh của Đà Lạt ngày xưa. Đây, hình bóng một bông hồng mờ ảo trong sương, kia đôi tình nhân ngập ngừng chân bước bên pho tượng huyền thoại tình yêu LangBiang... Một vài nét chấm phá thế thôi. Trình độ con người còn lè tè dưới chân núi mà bỗng chốc "vươn lên tầm cao" thì đòi hỏi hơn cũng khó. Những ai thích ăn uống thì còn la cà trong nhà hàng, ngoài ra, 45 phút để ngắm cảnh là quá đủ.
Nhiều người đã ra xe, hai anh tài cũng nôn điểm đủ khách để xuống núi. Xuống cũng như lên, xe vẫn một vận tốc phoong phoong như chạy trên freeway.

Xe lên Langbiang (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Trạm khởi hành bây giờ khách càng đông, cảnh ở đây xem ra thu hút khách hơn. Mấy con ngựa vằn khá đắt hàng. Các em bé rất thích cỡi làm Cowboy chụp ảnh.
Đi cho biết mặt mũi LangBiang, không đi cũng chẳng thiệt thòi gì. Chuyện du lịch VN đã có nhiều ý kiến phản ảnh, nhiều góp ý nọ kia, nhưng, đất lề quê thói, "đường ta ta cứ đi." Có chi thì cũng hòa cả làng.
Ghi chú: LangBiang có nhiều tài liệu viết khác nhau: LangBian, Lang Biang, LangBiang trong bài là dựa theo cách viết chính thức tại khu du lịch LangBiang. Về địa danh, tên người không phải Việt ngữ thường hay bị viết tùy tiện theo trình độ văn hóa của "quan chức báo chí" địa phương, nên truy nguồn gốc như thế nào thì không đơn giản. "Giăng Bôn Xác Tơ Rơ," "Giăng Mác," là ai? "Bó tay."
Đường lên LangBiang (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
(1) Những danh thắng nổi tiếng ở VN thường được gắn liền với những chuyện tình huyền thoại lứa đôi. Nhất là các sắc tộc ở miền cao (trai Nùng gái Dáy trong "Chợ tình Khâu Vai" trang 95 QHQOK tập 9) cũng như chuyện tình của đôi trai gái sắc tộc Tây Nguyên mà các tài liệu mô tả sau đây:
"Câu chuyện tình về chàng K'lang (dân tộc Lát) và người con gái tên Hơbiang (dân tộc Chil) đã tạo ra huyền thoại LangBiang: Nhà K'lang và Hơbiang đều ở dưới chân núi, họ tình cờ gặp nhau trong một lần lên rừng đi hái quả. Hơbiang cùng dân làng của mình gặp nạn và chàng K'lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ.
Một lần gặp gỡ nhưng cả hai người đã cảm mến, rồi họ đem lòng yêu nhau. Song do lời nguyền giữa hai dòng tộc, Hơbiang không thể lấy Klang làm chồng. Vượt qua tục lệ lễ giáo khắt khe của hai bộ tộc, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Họ trở thành chồng vợ rồi bỏ đến một nơi trên đỉnh núi cao ngất để sinh sống.
Khi Hơbiang bị bệnh, K'lang tìm mọi cách để chữa nhưng không khỏi. Chàng đành quay về báo cho buôn làng để tìm cách cứu nàng. Kết thúc câu chuyện, Hơbiang bị chết do nàng đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm bắn K'lang. Đau buồn khôn xiết, K'lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là Dankia (Suối Vàng).
Sau cái chết của hai người, cha của Biang đã rất hối hận, đứng ra nhận việc thống nhất các bộ tộc thành một dân tộc có tên là K'ho. Từ đó các đôi nam nữ trong làng dễ dàng đến với nhau. Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K'lang và nàng Hơbiang chết lúc bấy giờ được đặt lên là LangBiang, tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ đến hai người và tình yêu thủy chung của họ.

Trần Công Nhung
Theo http://nguoithamquan.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...