Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Biên giới một khúc tình ca

Biên giới một khúc tình ca
Từ ngàn xưa, trong quá trình mở cõi và gìn giữ giang san, cha ông ta đã đặc biệt chú trọng đến biên cương của đất nước. Và như một lẽ hiển nhiên, biên giới được coi là phạm trù thiêng liêng trong tâm thức mọi con dân đất Việt. Một số làn điệu ca trù, chèo, vọng cổ... từ xa xưa cũng đã dựng các tuồng tích đề cập đến vấn đề biên giới, về tình nghĩa giữa hậu phương và người đi trấn thủ chốn địa đầu. Những năm đầu thế kỉ XX, khi “tân nhạc” ra đời, cùng với những ca khúc tiền chiến mang vẻ đẹp thuần khiết thì nhiều nhạc sĩ đã có tư tưởng hướng về biên giới. Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xác định được bài hát nào là tác phẩm đầu tiên viết về biên giới, nhưng theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết thì từ năm 1947, nhạc sĩ Phạm Duy - một trong những đại diện đầu tiên của “tân nhạc” - đã đi thực tế tại thị xã Lào Cai và sáng tác ca khúc Bên cầu biên giới.
Khi xuất hiện, ca khúc này đã được công chúng mến mộ nhiệt thành bởi giai điệu đẹp và ca từ miêu tả hình ảnh biên giới ấn tượng. Điều đáng trân trọng khác là giữa lúc cuộc kháng chiến cứu quốc đang vào giai đoạn cam go nhất, thì ca khúc thể hiện nỗi buồn của tuổi trẻ trước tình cảnh quê hương bị giặc tàn phá, nước nhà trong cảnh lầm than và những hoài bão của tuổi trẻ bị tan vỡ đã có sức lay động rất lớn đến giới trẻ cả nước, thúc đẩy tinh thần yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc: “Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ. Cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu. Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời. Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa...”. Sau này, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác thêm một ca khúc nữa được phổ từ bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của cố nhà thơ Quang Dũng.
Một bản hợp xướng đã tồn tại suốt 55 năm qua và vẫn được yêu thích cho đến tận hôm nay là bản hợp xướng Tiếng hát biên thùy gồm bốn chương của nhạc sĩ Tô Hải. Nó ra đời cùng năm với sự thành lập của lực lượng Công an vũ trang nhân dân, nay là Bộ đội Biên phòng. Bản giao hưởng đầy hùng tráng, thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của những người lính làm nhiệm vụ nơi địa đầu vừa ra mắt đã tạo nên một sự chấn động trong giới làm nghề cũng như giới trẻ của thời kì ấy. Khi được thu âm, bản giao hưởng đặc sắc này đã được Nhà xuất bản Supraphon của Tiệp Khắc in riêng một đĩa 45 vòng/phút và trong một tuần đã bán hết năm nghìn đĩa.

Giai đoạn cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỉ trước được xác định là thời kì các ca khúc viết về biên giới ra đời nhiều hơn cả. Dễ nhận thấy các ca khúc này có một điểm chung là vẻ đẹp của núi rừng biên ải luôn khiến lòng người rung động. Nhạc sĩ Trần Chung và nhà thơ Lò Ngân Sủn mang đến một vẻ đẹp nên thơ, làm nao lòng người trong Chiều biên giới: “Em ơi, có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay...”. Biên cương trong Gửi em ở cuối sông Hồng của nhạc sĩ Thuận Yến (phổ thơ Dương Soái) lại êm đềm và tràn chảy nỗi nhớ hậu phương: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ...”. Còn trong Hoa sim biên giới của nhạc sĩ Minh Quang lại gợi lên những âm hưởng da diết, lãng mạn và chan chứa tình cảm: “Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa, hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong...”. Ca khúc tựa như một lời tâm tình với người bạn gái hậu phương đã được rất nhiều thế hệ những người lính nơi biên giới, hải đảo yêu thích. Giai đoạn này, khi tình hình biên giới cả hai tuyến phía Bắc và Tây Nam có nhiều bất ổn, các đoàn quân tiến về tiền phương trong khí thế khẩn trương, quyết tâm giữ vững chủ quyền trên biên giới, hầu hết các nhạc sĩ tên tuổi của nước ta đã đồng hành cùng những người lính bằng hàng chục ca khúc tràn đầy nhuệ khí và tinh thần yêu nước. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có Chiến đấu vì độc lập tự do, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối ghi tên trong dòng nhạc “biên giới” với Lời tạm biệt lúc lên đường, nhạc sĩ Trần Tiến với hình ảnh đôi mắt của những người già và trẻ em đang khóc nơi biên giới đã làm nên ca khúc Những đôi mắt mang hình viên đạn, nhạc sĩ Thế Hiển có Hát về anh đề cập trực tiếp tới những hi sinh thầm lặng của người lính biên phòng, nhạc sĩ Thanh Trúc có Ngày mai anh lên đường, nhạc sĩ Vũ Hoàng có Gửi lại em, nhạc sĩ Thế Song có Nơi đảo xa, nhạc sĩ Trần Hoàn có Tình ca mùa xuân (phổ thơ Nguyễn Loan), nhạc sĩ Hoàng Hiệp có Chút thư tình người lính biển (phổ thơ Trần Đăng Khoa), nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền có Cánh hoa lưu ly, cố nhạc sĩ Xuân Hồng có Mùa xuân bên cửa sổ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có Hãy yên lòng mẹ ơi(phổ thơ Lê Giang)... Trong bản đại hòa ca đó, Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận của nhạc sĩ Hồng Đăng được coi là một điểm nhấn ấn tượng với ca từ hừng hực khí thế chiến đấu, quyết tâm bảo vệ quê hương: “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận. Hát tiếp bài ca chống giặc ngoại xâm...
Một dải non sông tha thiết yêu thương. Một tiếng nói chung, chỉ một con đường. Lịch sử gọi ta xông lên phía trước. Sẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước...”. Cùng với Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận còn có Hoa hồng trên điểm tựa và Hát trên miền biên giới với giai điệu trầm hùng của nhạc sĩ Hồ Bắc: “Chúng tôi đi lên miền Tây, nơi biên cương đang giục giã... Chúng tôi đi trong rừng sâu nghe mênh mang hồn đất nước. Chúng tôi đi ven biển khơi nghe sóng hát tình quê hương. Biên giới bao yêu thương”. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đã sáng tác bài hát Em ở nông trường, em ra biên giới vào năm 1981 để tưởng nhớ 20 cô gái thanh niên xung phong ông tình cờ gặp mặt, sau đó, họ đều đã hi sinh ở biên giới Tây Nam.
Nhạc sĩ Thế Song dù nay tuổi đã cao, nhưng vẫn rất sôi nổi khi kể lại hoàn cảnh ra đời của khúc hát Nơi đảo xa. Khi ấy, vào tháng 4/1979, ông cùng nhạc sĩ Phạm Tịnh đi thực tế sáng tác, ngược đường ra vùng Đông Bắc của Tổ quốc, đến các đồn biên phòng trên suốt dải biên cương Quảng Ninh. Khi trở về, hai nhạc sĩ dừng chân tại một trạm sửa chữa tàu biển của hải quân và được các chiến sĩ nơi đây kể về công việc của mình ngoài đảo. Chợt có một chiến sĩ đề nghị: “Anh viết cho chúng em một bài hát về những người chiến sĩ ở ngoài đảo xa...”. Lời đề nghị ấy được nhạc sĩ coi như một lời “đặt hàng” đáng yêu, nó đã hối thúc và giúp ông sáng tác thành công ca khúc đã trở thành niềm tự hào của những chiến sĩ hải quân nói riêng và những người lính biển nói chung.
Sinh thời, thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình có nhận định rằng, một trong những yếu tố khiến dòng nhạc viết về biên giới có sức lay động lớn và trường tồn lâu bền là hầu hết các ca khúc đều đậm chất trữ tình, chan chứa tình cảm yêu thương gia đình, đôi lứa, đồng đội. Nếu như nhạc thời chiến tranh chống Mỹ đậm chất hùng tráng, có tính cổ vũ chiến đấu cao thì những khúc ca biên giới mềm mại và trữ tình hơn hẳn.
Một điều rất thú vị là trong số lượng đồ sộ các tác phẩm viết về biên giới thì có đến bốn bài hát được đặt tên là Chiều biên giới. Ca khúc của nhạc sĩ Trần Chung (phổ thơ Lò Ngân Sủn) là tác phẩm đầu tiên được đặt tên này. Tiếp đó là Chiều biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: “Chiều nay đứng nơi đây trên vùng biên giới. Này em thấy cả trời quê hương mến thương...
Chiều biên giới mây bay cuối chân trời trắng xóa. Trên chiến hào này lại vang dội khúc hành quân xa...”. Ca khúc này ông sáng tác khi trực tiếp tham gia chiến đấu tại vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Một sáng tác về biên giới của nhạc sĩ Đức Miêng có tên Lời thương ta ngỏ cùng nhau với giai điệu mang âm hưởng dân ca “Chiều biên giới anh thầm nhớ về, nơi em đó bộn bề, bao nỗi nhớ tha thiết. Hỡi anh có biết những lời em thương” lại được thính giả lấy luôn ba âm tiết đầu tiên của ca khúc để làm tên gọi và thường xuyên yêu cầu được nghe qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, vào năm 1999, một người lính biên phòng là thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình đã góp thêm một Chiều biên giới thứ tư mà hầu hết những chiến sĩ biên phòng hiện nay đều thuộc.

Nhạc sĩ Văn Dung tâm sự: “Qua mỗi lần đi thực tế, điều chúng tôi cảm nhận và đưa vào sáng tác của mình chính là thế đứng kiêu hãnh của người lính biên phòng trước núi non trùng điệp, biển cả bao la và tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ. Đặc biệt là những tâm tư, tình cảm ấy luôn luôn hướng về quê hương, đất nước. Chính vì nghĩ đến quê hương nên với họ gian khổ có hề chi. Tôi đã viết những câu trong ca khúc Em và sắc trời biên giới như thế này: “Chiến sĩ ghìm cương ngựa, vuốt đẫm mồ hôi. Cất cao đầu ngựa hí giữa núi non lưng trời. Nghe tiếng ngựa về qua, bản làng lòng hân hoan. Vui đón mùa xuân sang đồi nương tràn nắng ấm. Tiếng ai hát ru từ những bản làng...”. Nghe thế tưởng rằng, đây là một đội quân hoành tráng, nhưng thực ra đâu có phải vậy, gian khổ lắm, vất vả lắm. Người chiến sĩ tôi gặp trong chuyến đi ấy vừa trở về sau một chặng đường dài tuần tra vất vả trên lưng ngựa. Tôi vẫn quan niệm rằng, nghệ thuật khi chúng ta chạm tay được tới thật vô cùng khó khăn và cũng vô cùng hạnh phúc”. Nhạc sĩ Văn Dung là tác giả của nhiều ca khúc hay về đề tài biên giới, trong đó tiêu biểu là Mùa xuân cho em phổ thơ của nhà thơ Dương Kiềm. 
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đang sở hữu một số lượng ca khúc viết về chính những người lính biên phòng nhiều đến mức tất cả các quân binh chủng khác phải “ghen tị”. Có lẽ hình ảnh người lính quân hàm xanh “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, đứng chân nơi hiểm địa, gian khó trăm bề... đã khiến lòng người và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật luôn hướng đến. Dường như không một nhạc sĩ tên tuổi nào lại không có một sáng tác về đề tài biên giới và người lính biên phòng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có Đêm trên Cha Lo, nhạc sĩ Huy Thục có Người đẹp và anh lính biên phòng, nhạc sĩ Đoàn Bổng có Nhớ lắm anh bộ đội biên phòng ơi, nhạc sĩ Thế Hiển có Hát về anh, Nhánh lan rừng, nhạc sĩ Xuân Hồng có Nhớ anh, nhạc sĩ Phạm Tịnh có Tình đồng đội của chúng tôi, nhạc sĩ An Thuyên có Thơ tình của núi, nhạc sĩ Văn Dung có Mùa xuân cho em, nhạc sĩ Xuân Giao có Bài ca biên giới, nhạc sĩ Trần Chung có Tình đồng đội, nhạc sĩ Đức Trịnh có hợp xướng 55 năm mùa xuân biên phòng...
 Ngay trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, đội ngũ các nhạc sĩ, nghệ sĩ đông đảo, có tài năng cũng đã cống hiến cho màu áo mà mình đang mang những ca khúc hết sức ấn tượng. Chúng ta có Hành khúc người chiến sĩ biên phòng của Hoàng Long, Hành khúc biên phòng của Trần Danh, Giữ cho em mùa hoa đào, Gương mặt tuổi trẻ biên phòng của Bảo Chung... Thế hệ kế tiếp góp mặt với Dương Nhâm và Tiếng hát giữa rừng biên cương, Vũ Hiệp Bình với Khúc hát lính biên phòng, Vũ Đức Tạo với Hội biên phòng toàn dân, Tuấn Anh với Mái ấm biên cương...
“Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu từ độ ấy. Em đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sương. Và anh lại ra đi, vui như ngày hội. Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa...”. Bình dị và lãng mạn thay tình yêu của người lính trong mùa xuân của đất trời, của tình yêu đôi lứa. Trải suốt nhiều thập kỉ, những khúc ca biên giới ấy đã theo chân các nghệ sĩ vang lên khắp các nẻo biên cương, làm ấm lòng dân bản trăm miền và ấm lòng những người lính đang canh giữ sự yên bình nơi biên viễn.  
Phạm Văn Anh 
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Anh, một bài toán khó – Chùm thơ Nguyên Thu 27 Tháng Sáu, 2023 Nhưng/ có bao giờ được ta sống/ trọn vẹn với ước mơ/ khao khát mãi tron...