Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Giai điệu thời gian

Giai điệu thời gian
Không biết, Hương thích nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh từ lúc nào. Chỉ nhớ, hồi Hương còn nhỏ xíu, đã theo anh Nhân đi “tham gia văn nghệ” khắp nơi. Nói “tham gia” cho oai thôi, chứ thật ra là Hương chỉ được đứng sau cánh gà, nhìn anh Nhân cùng bạn bè ra sân khấu trình diễn. Thôi thì đủ tiết mục, nhạc kịch, ngâm thơ, hợp ca, đơn ca… gặp bài nào nghe thích, Hương thường lẩm bẩm hát theo đến thuộc lòng.
Anh Nhân hơn Hương cả chục tuổi, cách Hương còn hai người em nữa, nhưng anh chỉ thương mỗi mình Hương. Anh nói : “Hai đứa bây cù lần quá, chỉ Bé Hương là có tâm hồn nghệ sĩ giống anh” rồi lim dim mắt, nghiêng nghiêng đầu, hát say sưa: “Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, chóng tàn vì vương muôn ý thơ…” Có lần Hương bắt chước anh, mơ màng nhìn ra cửa sổ: “…Nhưng thôi tiếc làm chi, chim rồi bay, anh rồi đi…” liền bị anh kí vào đầu: “Con nít không được hát bài này.”
Anh Nhân đi du học, nhóm văn nghệ tan rã, nhưng trong tâm hồn Hương vẫn còn dư âm những giai điệu êm đềm thời thơ ấu … và những lời nhạc đẹp như thơ ca ngợi mùa thu của người nhạc sĩ tài hoa ấy đã theo Hương bước vào tuổi dậy thì. Lần đầu gặp Vinh trong buổi tiệc sinh nhật người bạn thân, nghe Vinh hát: “Anh mong chờ mùa thu, tà áo xanh nào về với giấc mơ, mầu áo xanh là mầu anh trót yêu, mùa thu quyến rũ anh rồi…” giọng hát truyền cảm của anh đã chạm đến trái tim Hương. Tiếng vỗ tay vang dội. Cô em gái Vinh –chủ nhân buổi tiệc đứng dậy: “Các bạn ơi, các bạn có biết tại sao anh Vinh hát bài Thu Quyến Rũ không? Tại vì bạn Hương của chúng ta hôm nay mặc áo lụa xanh đó.” Tiếng vỗ tay lại vang lên lần nữa, kéo dài, hòa cùng tiếng la ó vang dội khiến Hương đỏ mặt cúi đầu, đến khi lấy hết can đảm ngước nhìn lên, trái tim Hương lại đập hụt một nhịp khi bắt gặp ánh nhìn say đắm của Vinh. Họ quen nhau từ đó, thương nhau, yêu nhau, rồi xa nhau…Mộng nữa cũng là không, ta quen nhau mùa thu, ta thương nhau mùa đông, ta yêu nhau mùa xuân, để rồi tàn theo mùa xuân, người về lặng lẽ sao đành…”
Lên đại học, Hương mang theo bóng hình Vinh vào giảng đường, vào phòng thí nghiệm, vào những trang ghi chép từng đêm miệt mài bên đèn sách. Một ngày của Hương thật đơn điệu và buồn tẻ. Từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà, không có ai cùng Hương chia sẻ buồn vui nên mùa thu xứ Huế trời nhiều mây vương và mùa đông xứ Huế càng mưa dầm gió bấc… Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi, thuyền rời xa bến vắng người ơi, hướng dương tàn tạ trong đêm tối, còn nhớ phương nào hoa đã rơi…
 Học hành căng thẳng quá, nên một chiều cuối tuần, Hương nhận lời mời tham gia buổi party của người bạn cùng khóa. Bạn bè tụ họp trong phòng khách ấm cúng, có hoa, có bánh và có cả ban nhạc sinh viên chơi đàn rất chuyên nghiệp. Và đêm đó, Hương đã gửi đến cho mọi người bài hát của một thời yêu nhau: “Mây bay về đây cuối trời, mưa rơi làm rung lá vàng, duyên ta từ đây lỡ làng, còn đâu những chiều dệt cung đàn yêu…  
Tiếng vỗ tay nồng nhiệt, những ánh mắt thân thiện hướng về Hương. Hương được tặng rất nhiều hoa. Cảm giác lâng lâng êm ái theo Hương về nhà, ru Hương vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng dịu ngọt, để ngày hôm sau, một ngày không như mọi ngày, Hương ra vườn nghe tâm hồn phơi phới, cảm nhận chung quanh mình, vạn vật đang thay áo mới vào xuân… tường vi hồng thắm, tỉ muội trắng ngần, hải đường rực lửa… và cây hoàng mai đầu ngõ nhà Hương cũng vừa nhú những nụ non tơ.
Đường đến trường lung linh hoa nắng, giảng đường rộng thênh thang không còn cho Hương cảm giác cô đơn nữa. Sau ngày xa Vinh, chưa bao giờ Hương thấy yêu đời như lúc này. Càng vui hơn nữa vì hôm nay thầy trả bài Hóa Hữu Cơ, Hương được 16,5 điểm, cao nhất lớp. Nhỏ bạn ngồi bên sờ vào mũi Hương: “Coi thử nó nở ra mấy centimet khối rồi hè.”
Hình như có ai đang đi theo Hương ra khỏi cổng trường, băng qua đường đến trạm xe buýt. Trời hôm nay mát mẻ, gió hiền hòa rung nhẹ hàng phượng vĩ bên đường. Hương quyết định thả bộ qua cầu Tràng Tiền để ngắm nhìn giòng sông mang tên mình trôi lặng lẽ, xuôi theo đám lục bình tím ngát phiêu giạt từ phía nguồn xa. Vẫn những bước chân theo sau. Hương đứng lại, vịn tay vào lan can cầu, lòng hồi hộp bất an. Bước chân cũng dừng theo, rồi một tiếng nói rất khẽ: “Chào Hương.” Hương quay người, nhận ra anh –một thành viên chơi đàn trong ban nhạc tối hôm qua. “Hương có nhớ tôi không?” Hương gật đầu: “Có, nhưng… Hương không biết tên.” Anh cười rất hiền: “Tôi là Phước, học MPC năm cuối. Chúng ta có thể cùng về phố không?” “Dạ… cũng được.” Lề cầu dành cho người đi bộ rất hẹp, nên dù nói là đi chung nhưng vẫn kẻ trước người sau. Xuống dốc cầu, anh bước song đôi bên Hương: “Tôi có thể đưa Hương về nhà được không?” “Dạ… xin lỗi… Hương phải vào chợ mua đồ ăn. Chào anh.” “Khoan đã… tôi muốn gửi cho Hương cái này.” Anh lấy trong túi ra tấm thiệp Giáng sinh: “Hương nhớ đọc rồi cho ý kiến nhé.” Hương hơi ngạc nhiên, ý kiến gì với một tấm thiệp chúc mừng? Nhưng không tiện hỏi, Hương chỉ nói cám ơn rồi từ giã anh.
Không phải thiệp chúc mừng, mà là một bài thơ - bài thơ viết tặng Hương. 
TIẾNG HÁT                                             
Em đứng đó nghiêng nghiêng chiều tắt nắng
Dáng u hoài dịu vợi khóe thu ba
Tim ngừng đập, hồn anh vào xa vắng
Nghe mơ hồ âm hưởng giọng em ca.
Tiếng suối reo hay liễu buông niềm nhớ?
Thông rì rào hay tiếng dẫm nai tơ?
Giấc cô miên hay mộng đời đã lỡ?
Khúc phượng cầu lạc lõng đến bơ vơ.
Thu quyến rũ sầu vương về tiếc nuối
Man man buồn xào xạc lá vàng rơi
Giọt mưa thu nghe tâm tình bối rối
Gọi mây về, đừng giăng nữa người ơi!
Em đứng đó nghiêng nghiêng chiều tắt nắng
Một cung trầm vụt tắt ánh sao băng….
Những ngày sau đó, Hương thường nghĩ về Phước như một người tài hoa, biết làm thơ, biết đàn hát… nhưng vẫn chưa nhận lời quen Phước dù rất nhiều lần anh đến trường tìm Hương. Hương thích sống khép kín nên viện rất nhiều lý do để từ chối lời mời đi chơi cùng anh ... Cho đến một buổi chiều cận tết, Hương theo bạn bè lên trường tham dự đêm văn nghệ tất niên. Không khí thật rộn ràng với những bài hát đón xuân tưng bừng sôi động, nhưng sao lòng Hương không vui lắm khi thấy vắng Phước trong dàn nhạc sinh viên. Người dẫn chương trình tiếp tục giới thiệu: “Để thay đổi không khí, mời các bạn thưởng thức một bài hát về mùa thu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn –Từ Linh…” Và thật bất ngờ, Phước bước lên sân khấu với chiếc guitare mộc trong tay: “Tôi xin hát bài Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay tặng các bạn… và cũng riêng tặng một người… Với bao tà áo xanh đây mùa thu, hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ…”Trái tim Hương bỗng xao xuyến khi thấy ánh mắt anh say đắm nhìn về Hương … Gửi gió cho mây ngàn bay, gửi phím tơ đồng tìm duyên, gửi thêm lá thư, màu xanh ái ân về đôi mắt như hồ thu…
Dù đang phân vân giữa ranh giới tình yêu –tình bạn, nhưng Hương đã trải lòng ra đón nhận Phước. Không gian dành cho hai người là những con đường rợp mát bóng cây, những quán cà phê vườn thơm hương hoa trái… cùng những đêm nhạc tình ca trong ánh nến ngọt ngào … Bên anh, Hương thấy đời đẹp lên và có ý nghĩa hơn nhiều. Ngày Phước ra trường, Hương nhận lời đi chơi xa cùng anh. Hôm đó trời đẹp nhưng đường dẫn đến lăng Minh Mạng bị ảnh hưởng trận mưa đêm trước nên bùn đất lầy lội, Phước suýt ngã xe mấy lần nhưng không vì thế mà nụ cười trên môi anh kém phần rạng rỡ làm Hương cũng vui theo. Trầy trật mãi, đến lăng thì trời đã trưa. Nắng dịu dàng trải dài trên đồi núi chập chùng, nhuộm vàng những mái ngói rêu phong cổ kính, soi sáng từng cánh cửa lá sách mở ra dãy hành lang hun hút… Đẹp nhất là thảm cỏ xanh còn lóng lánh sương mai tràn khắp và những cây hoa trắng, cao hơn đầu người rải rác trong khuôn viên lăng. Hương nhìn lên: “Hoa đẹp và lạ quá, không biết tên chi.” Phước đến gần Hương: “Hương đã thấy “cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa”…chưa?” “Thiệt hả? Đây là hoa lê sao?” Anh nhón lên ngắt một cành hoa hàm tiếu: “Tặng em.” Hương thoáng bối rối, đây có phải là lời tỏ tình không? Hương cầm hoa, im lặng. Phước cũng không nói gì, chỉ hỏi: “Hương có thích thơ Kiều không?” “Dạ có, nhưng Hương thích Chinh Phụ Ngâm hơn.”
Phước được giữ lại trường làm phụ giảng, công việc bộn bề. Hương qua năm dự bị, bài vở càng lúc càng nhiều, không còn thời gian bay nhảy như trước. Tuy vậy, Hương vẫn thường gặp Phước, khi trong phòng thí nghiệm, khi tại giảng đường… ranh giới giữa tình bạn –tình yêu dần thu hẹp nhưng chưa phá vỡ. Lòng Hương còn do dự. Phước cảm nhận được điều đó nên không dám ngỏ lời. Anh đợi ngày Hương tốt nghiệp.
Hương tốt nghiệp với thứ hạng cao. Ba mẹ thưởng Hương một chuyến du lịch và Hương đã chọn Đà Lạt. Một mình thư giãn. Một mình rong chơi. Buổi sáng thả bộ trên đồi ngắm ánh bình minh, buổi chiều dạo qua những khu vườn hoa tươi rực rỡ… và điều kỳ diệu đã xảy ra: Hương gặp lại Vinh. Anh vẫn như xưa, dáng cao gầy, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ và trái tim vẫn đầy ắp bóng hình Hương. Trong quán cà phê ấm cúng giữa thành phố sương mù, Vinh cầm tay Hương: “Mình cưới nhau nhé.” Gió đã cuốn theo mây, trời cao xanh ngắt, trần gian bỗng đẹp lạ thường… Gửi gió cho mây ngàn bay, gửi bướm muôn mầu về hoa, gửi thêm ánh trăng, mầu xanh ái ân, về đây với thu trần gian…
 Hương nói với Phước: “Cho Hương xin lỗi”. Phước cười –vẫn nụ cười thật hiền: “Chúc Hương hạnh phúc.”… anh quay về đây đốt tờ thư quên đi niềm ân ái ngàn xưa, ái ân theo tháng năm tàn, ái ân theo tháng năm vàng, tình người nghệ sĩ phai rồi…
Nhưng đời không đẹp như mơ. Cơn lốc thời cuộc đã cuốn Vinh và Hương vào đời sống nhọc nhằn bươn chải, lên thác xuống ghềnh. Khi bước vào tuổi hoàng hôn, các con đã yên bề gia thất, hai người mới có những phút giây thả hồn về kỷ niệm, cùng hát cho nhau nghe những giai điệu êm đềm thuở yêu nhau… Ngày vui thường qua mau. Gần bốn mươi năm, Vinh luôn là bóng mát chở che gia đình, rồi anh ra đi cũng thật bất ngờ, ngay trên tay Hương, không kịp nói lời nào. Bạn bè an ủi, đời người ai cũng một lần chết. Vinh mất nhanh như vậy, không đớn đau bệnh tật, cũng tốt cho Vinh. Nhưng Hương vẫn buồn, ân hận nhất là Hương chưa có một ngày được chăm sóc Vinh…Thuyền anh mai ra đi rời bến, mình anh lênh đênh nơi trời sóng, tìm hướng cho lòng chuyển bến mơ, từ nay xa cách rồi bến xưa…
Bây giờ, Hương đã là một bà lão nhưng chưa đến nỗi quá già, vì mỗi lần đi gội đầu rửa mặt, đám thợ nhỏ thuộc hàng con cháu thường khen: “Da bác đẹp quá, chưa có một nếp nhăn.” “Thôi đừng có nịnh” “Thiệt mà bác, tóc bác cũng ít bạc nữa.” “Nhuộm đó, chớ muối tiêu lâu rồi cháu ơi.”
Thời gian xoa dịu nỗi buồn đau, thời gian không xóa mờ niềm đam mê cũ. Hương vẫn thích đi cà phê, nghe nhạc và ca hát như hồi còn Vinh. Bên Hương, có anh chị em, bạn bè, học sinh cũ… đã thay Vinh đến với Hương. Tâm hồn Hương trẻ lại giữa không gian và thời gian này, nhưng các con của Hương đang ở nước ngoài đã làm giấy tờ bảo lãnh, ngày đêm dục mẹ qua. Hương phải ra đi thôi. Giòng đời đã đến chặn hoàng hôn vẫn còn bị xáo trộn, bước ngoặt này lớn quá, thay đổi biết bao suy nghĩ, dự định của Hương.
Trong thời gian hoang mang lo lắng, Hương gặp Đạt thật tình cờ nhân dịp anh bạn học cùng lớp ngày xưa từ Mỹ về thăm nhà tổ chức họp mặt. Đến phần văn nghệ, anh bạn đứng lên: “Hơn bốn mươi năm rồi mình vẫn còn nhớ tiếng hát của Hương, Hương có thể tặng mình một bài hát được không?” Tiếng vỗ tay khích lệ, tiếng la hét nhiệt tình của đám bạn cũ từ lâu  không gặp khiến Hương khó thể chối từ. Vẫn là bài hát kỷ niệm một thời… Anh mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả mầu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh…tà áo xanh nào về với giấc mơ, mầu áo xanh là mầu anh trót yêu, người mơ không đến bao giờ …
Một người không quen bước đến, trên tay cầm nhánh hoa hồng trao Hương. Anh nói nhỏ: “Chị hát hay quá.” Hương cầm hoa rồi ngại ngần đưa micrô cho anh. Không khí trong phòng chợt lắng xuống… khúc nhạc dạo đầu bay bổng chơi vơi… và anh hát… Thấy hối tiếc nhiều, thuyền đã sang bờ đường về không lối, giòng đời trôi đã về chiều, mà lòng mến còn nhiều, đập gương xưa tìm bóng… Trông anh lớn tuổi hơn các bạn của Hương nhiều, nhưng tiếng hát của anh thì rất trẻ, nhất là giọng rung cuối câu…Thời gian xóa nhòa bao ký ức, nhưng dòng nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh giây phút nào cũng làm xao động trái tim Hương.
Buổi sáng, Hương đang ngồi viết mail cho con thì bất ngờ, anh xuất hiện: “Nhà chị khó tìm quá.” “Sao anh không gọi điện vào?” Anh cười: “Cuối cùng tôi cũng tìm được mà.” Anh ngồi chơi không lâu, mục đích đến lần này là tặng Hương chiếc CD anh vừa hoàn thành với lời đề tặng thân mật. Nhìn list in ngoài dĩa, Hương reo nhỏ: “Hay quá, toàn những bài tôi thích.” “Chị thích bài nào nhất?” “Tình Nghệ Sĩ.” “Bài này tôi cũng rất thích –Anh hát nho nhỏ…Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, chóng tàn vì vương muôn ý thơ… Hương lại nghĩ đến anh Nhân tuổi già sức yếu, giờ không còn hơi để hát nữa. Đạt cùng trang lứa với anh nhưng trông khỏe mạnh hơn nhiều.
Lần thứ hai, Đạt ghé tặng Hương tập thơ của anh cùng nhiều tác giả khác, in bằng vi tính, không ấn tượng lắm nhưng Hương cũng chọn một bài thơ của anh đăng trong tập san của trường nhân ngày 20 tháng 11. Anh và Hương có những điểm tương đồng là ngày xưa đi dạy, bây giờ bên cạnh vẫn còn những bạn bè đồng nghiệp và những học sinh cũ cùng yêu thích văn nghệ, nên mỗi lần đi nghe nhạc, uống cà phê, hát với nhau… đều rất đông vui.
Một lần, anh gọi điện mời Hương: “Chị đến nhà hát Karaoke cho vui nhé. Tôi có gọi vài em học sinh nữa.” Hương đến thấy Đạt ngồi một mình nơi phòng khách, trên bàn có dĩa trái cây và bánh ngọt, dàn máy Karaoke đã sẳn sàng. “Ủa, các em chưa tới sao?” “Giờ chót, chúng nó bận rồi chị ạ.” Anh bước vào trong đem ra hai ly nước chanh, rồi ngồi xuống bên Hương, ân cần: “Mời chị.”. Một lát, anh cầm remote: “Chị hát bài gì?” “Bài gì cũng được.” “Tôi chọn nhé.” Hương gật đầu.
Một người bạn nhận xét về Hương: “Người ta ghiền cà phê thuốc lá, ghiền rượu, ghiền cờ bạc, ghiền xì ke, còn bà Hương thì ghiền… Karaoke” Mà quả đúng vậy. Khi tiếng nhạc vang lên, Hương không còn biết trời trăng gì nữa, thế là cứ hát, bài này qua bài khác… Anh Cho Em Mùa Xuân, Chiều Vàng, Em Tôi, Ô Mê Ly, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Bản Tình Cuối, Tưởng Rằng Đã Quên… cho đến khi khan cả cổ, nói không ra hơi: “Tôi hát hết nổi rồi.” “Vậy tôi hát nhé.” Đến lượt Đạt thả hồn theo những bản tình ca Em Đến Thăm Em Một Chiều Mưa, Chiều, Nỗi Lòng, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Hương Xưa, Hoài Cảm…..
Tiễn Hương về, Đạt nói nhỏ: “Cám ơn chị. Đến tuổi này, tôi mới gặp được tri kỷ.” Từ đó,  Hương nghĩ hoài đến câu nói của anh. Cùng một đam mê ca hát, cùng một sở thích những bài tình ca kinh điển… như vậy đã gọi là tri kỷ được chưa? Chỉ thấy lòng vui vui khi nhớ lại hôm nào, Hương hát chỉ có Đạt nghe và Đạt hát chỉ có Hương nghe. Hạnh phúc của nhà văn là tác phẩm mình có người đọc, của nhà thơ là thơ mình có người ngâm, của diễn viên là phim mình có người xem, của ca sĩ là giọng hát mình có người thưởng thức … giây phút thăng hoa chỉ trong khoảnh khắc nhưng sẽ nhớ mãi, dù trên dòng đời, con thuyền sắp vào bến cuối. Bến cuối của đời Hương là một xứ sở rất xa. Ở đó, Hương sẽ tìm thấy niềm vui bên con cháu, đồng thời cũng bâng khuâng lưu luyến về bạn bè, kỷ niệm cùng những hồi ức êm đềm thuở hoa niên…
Đạt thường hỏi Hương: “Bao giờ chị đi?” Bạn bè cũng hỏi: “Bao giờ Hương đi?” Đã có giấy mời phỏng vấn của NVC, nhưng Hương vẫn không thể trả lời. Một cảm giác phân vân khó tả luôn xao động tâm hồn, chi phối nếp sống thường nhật khiến Hương thao thức biết bao đêm. Buổi tiệc nào cũng đến lúc tàn, ngày vui rồi sẽ qua mau... Nhưng thôi tiếc làm chi, chim rồi bay, anh rồi đi. Đường trần quên lối cũ, người đời xa cách mãi, tình trần không hàn gắn thương lòng…
Sáng nay, trời se lạnh. Hương nhận được tấm thiệp Noel của người bạn cũ, với những dòng định nghĩa từ “Ấm Áp”: Ấm áp không phải khi ngồi bên đống lửa, mà là bên cạnh người bạn thương yêu. Ấm áp không phải khi bạn mặc một lúc hai, ba áo, mà là khi bạn đứng trước gió lạnh, từ phía sau đến có ai đó khoác lên bạn một tấm áo. Ấm áp không phải khi bạn nói “ấm quá”, mà là khi có người thì thầm với bạn: “Có lạnh không?” Ấm áp không phải khi bạn dùng hai tay xuýt xoa, mà là khi tay ai kia khẽ nắm lấy bàn tay bạn. Ấm áp không phải khi bạn đội chiếc mũ len, mà là khi đầu bạn dựa vào một bờ vai tin cậy. Chúc quí bạn tôi quen, đều ấm áp! Mùa Noel đã tới! chúc quí bạn GIÁNG SINH an lành hạnh phúc.
Chưa bao giờ Hương cảm thấy cô đơn như lúc này. Có đôi khi, cô đơn cũng là niềm hạnh phúc. Ngày mai Hương đi, bỏ lại sau lưng hình bóng quê nhà và nỗi nhớ…
Thùy An
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...