Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Đi suốt đời chưa hết niềm say

Đi suốt đời chưa hết niềm say
Đàm Chu Văn viết: ”Đi suốt đời chưa hết niềm say”, hẳn người đọc sẽ tự hỏi, những nỗi niềm làm anh say  đến suốt đời là gì? và điều gì làm nên hạnh phúc của anh trong thơ?
“Đi bên những hàng cây
Thấy hồn xanh trời đất. 
Đi bên những cánh đồng
Nhịp mùa màng tất bật
Đi bên những dòng sông 
Sông nâng đời dào dạt 
Đi bên những con người
Tình reo niềm chân chất
Ta như cây, như đồng
Ta như sông, như biển
Lòng tràn đầy thương mến
Với cuộc đời nâng niu”
(Đi Bên Những Hàng Cây)
Đàm Chu Văn mang hồn thơ ấy ngắm nhìn quê hương, đất nước. Đâu anh cũng thấy rạng rỡ những sinh sôi đang từng ngày từng giờ vươn tới xa sau
Trời đã cao thêm đất sáng thêm
Nguy nga công nghiệp gọi trăm miền
Hương vườn vấn vít lùa cao ốc
Lối cũ người thương mỏi mắt nhìn
(Nhơn Trạch )
Mỗi giây phút tươi ròng sinh nở
Ngàn suối trăm sông dồn tụ mỡ màu
Ngẩng mặt Thái Bình Dương lồng lộng
Xanh vô cùng vô tận xa sau
(Mũi Cà Mau)
Anh ngạc nhiên khi về thăm quê, một quê hương “tường cao cổng kín giăng đầy”. Đứng trên đỉnh Lang Bian, tâm hồn anh chất ngất niềm say: ”phố xá, ngàn thông, sông hồ… như tranh vẽ/ đất nước muôn trùng ghì riết lòng yêu”. Cảm thức về quê hương đất nước của anh đã gọi tới nghìn xưa và xa tới ngàn sau, đâu đây câu thơ có cái hào sảng của thi nhân xưa đắm mình cùng non xanh nước biếc cẩm tú.
Nhưng ĐCV là con người của thực tại, của hôm nay. Nhìn dấu tích xưa ở thành nội Huế, anh chỉ thấy rêu phong: ”Ông hoàng bà chúa giờ đâu/ Bơ vơ chỉ thấy một màu rêu phong”. Nụ cười hiền từ của Phật ở Bay-on (Angkor Thom) như một giải thoát, anh chỉ thấy đó là “nụ cười đá” mà kiếp người mãi là kiếp khổ. Anh trở về với Hội Gióng, để  âm vang hùng tráng của  lịch sử  theo với Gióng bay mãi lên “Nước mấy nghìn năm nghìn lần giặc giã/ giáo gươm rèn lẫn với cuốc cày../Bao thế hệ nối nhau ra trận /Tự trong nôi đã nghe giục lên đường”. Kết bài thơ là một tứ rất hay và mới
Giặc tan rồi ngựa sắt khuất ngàn mây
Dường như sắc lửa còn vương lại
Thắm hoa đào hớn hở trĩu trên tay”
Cái say đất nước tươi đẹp hùng vĩ chất ngất bao nhiêu thì cái bi thương trĩu lòng trước những đồng đội hy sinh lại níu chặt lấy trái tim anh bấy nhiêu. Đó cũng là một cảm thức say, say nghĩa say tình. Bài Viếng Bạn Ở Nghĩa Trang Biên Giới Tây Nam là một bài làm chếnh choáng nỗi đau nơi tâm hồn người đọc về những người lính trẻ chết trận. Câu thơ vừa có chiều rất sâu của lòng yêu thương vừa có những tứ thơ ánh lên sự tài hoa:
Anh em về hết cả rồi
Bạn còn nằm lại với nơi đất này
Hai mươi năm lọt kẽ tay
Mẹ cha đã khuất bóng mây cuối chiều
Còn lời hò hẹn người yêu
Vẫn lơ lửng tựa trăng treo trước rừng
Nước non nợ đã trả xong
Bạn nằm ngủ giữa hương đồng mà đau
Bao người lính trẻ quê đâu
Máu xương gửi lại điạ đầu Tây Ninh
Bốn bề trời đất lặng thinh
Ngỡ như chẳng có chiến tranh ngày nào…
Bên dưới cái đẹp của cảnh, cái đẹp của câu chữ; bên dưới sự bình yên “như chẳng có chiến tranh ngày nào“ là nỗi đau thấm thía lắm. Nếu đọc bài thơ thật chậm và lắng lòng ta theo từng con chữ, bất giác ta phải đưa tay ôm lấy ngực, vì nỗi bi thương cứ nhói vào tim,  không sao yên tâm được. “Bạn nằm ngủ giữa hương đồng mà đau”. Câu thơ đẹp đến nỗi không thể đẹp hơn và thấm thía không thể thấm thía hơn một tấm lòng với đồng đội. Những bài Vô Danh, Tìm Cậu, Suối Săn Máu cũng đẹp, mênh mang nghĩa tình và niềm đau như thế.
Tình cảm với cha, với mẹ cũng làm say  hồn thơ Đàm Chu Văn. Anh viết về cha, mẹ, về người thân mà tâm hồn như có cánh bay. Anh viết kính tặng cha:
Ở Bắc nhớ cháu nhớ con
Vào Nam, để lại mảnh hồn ngoài quê
Mây lành vươn bóng chở che
Phân thân hai nửa đi về chiêm bao
(Hai Nửa)
Anh nói với mẹ bằng một giọng trẻ thơ rất đỗi chân thành và cảm động:
Mẹ ơi!/ con sắp thành người đàn ông năm mươi tuổi mang nặng buồn vui của quá nửa đời người thế mà mỗi khi nhớ về mẹ mình vẫn khóc (Mẹ)
Anh chia sẻ với chị những thao thức hao mòn không gian thời gian
Gia tài chỉ một bức thư
Một lời hẹn ước gửi từ Trường Sơn
Thế mà mấy chục năm trường
Chị thao thức với đêm mòn trăng sao
Tuổi xuân anh gửi chiến hào
Tuổi xuân chị gửi dầu hao bấc gầy
Những đêm về lạnh mưa bay
Chăn đơn gối chiếc vơi đầy tâm tư
Giật mình quờ một tiếng ru
Giật mình mình lại vừa mơ thấy mình…
Bài thơ có những câu  hay đến kinh ngạc. Nó diễn tả được tâm tình thủy chung, cuộc sống đằng đẵng cô độc, và những khao khát cháy lòng của chị. Tình thương tác giả dành cho chị ẩn kín sau những mỏi mòn gầy hao lạnh buốt. Tứ thơ thấp thoáng phong vị sang trọng cuả câu thơ Kiều, óng ánh thân tình ca dao, nhưng được dệt bằng chất liệu hiện đại. Bài thơ vừa là tình cảnh riêng của chị, nhưng cũng là cảnh đời chung của bao nhiêu chị có chồng hy sinh ở Trường Sơn. Vì thế sức lan tỏa cảm xúc thật mạnh mẽ. Đã có mấy nhà thơ viết được những câu thơ xúc động về những người vợ trẻ như thế.
Hồn thơ dạt dào yêu thương và nhân hậu của Đàm Chu văn cũng ôm ấp những thân phận, những cảnh ngộ đầy vơi nỗi buồn: những đứa trẻ đánh giày, em bé lang thang dưới mưa, không biết về đâu, những công nhân cạo mủ cao su, những công nhân Long Bình ”kíp ca cuốn lốc nhịp đời/ nhớ thương gửi ở đầy vơi nỗi niềm“; “bữa cơm trưa vội vã /tháng hai kỳ lĩnh lương chớp lóa/ tính sao cho đủ mọi bề..”những lưng trần quần cụt” dưới ruộng đồng…
Giữa mênh mông dạt dào
Tưởng nghe thấy mùi bùn tanh nơi đồng ruộng
Những áo nâu áo xám mặn mòi
Những lưng trần quần cụt
Một đời ta còn nợ mồ hôi…
…có nỗi buồn ướp nắng
Bay theo
(Tản mạn ở nhà sáng tác Nha Trang)
Cảm thức về quê hương, đất nước, lịch sử cao rộng, cảm thức về những nghĩa tình sâu nặng, cảm thức về thời đại tuy phơi phới niềm tin nhưng còn nhiều nỗi buồn; tất cả ướp trong một trái tim giàu lòng yêu người yêu đời; đó là căn cốt hồn thơ Đàm Chu Văn. Trong cuộc sống đời thường, bao nhiều nhà thơ bị quay quắt, bị vong thân trong dòng xoáy của đời sống công nghiệp, của những nhập nhòa  sáng tối rác rưởi chỗ này chỗ kia, của những tha hóa nhầy nhụa, thì Đàm Chu Văn vẫn giữ được hồn thơ trong trẻo, tinh khôi và hồn hậu, đó là cá tính sáng tạo riêng của anh.
Cá tính sáng tạo này đặc sắc tài hoa trong những bài thơ tình viết bằng lục bát. Xin đọc Bỗng Nhiên Nhớ
Tưởng bâng quơ ấy là thôi
Bỗng nhiên lại nhớ một người đẩu đâu
Phải duyên sao chẳng tình đầu
Nợ nần sao chẳng kiếp sau đợi chờ
Thản nhiên người bước vào thơ
Làm xao xác cả cõi bờ nhân gian
Ta đi nhặt tiếng ve tàn
Ai xui cho hạ nắng tràn lên xanh
Ta về nhặt nỗi mong manh
Nhặt câu Kiều lẩy ghép thành ca dao
Nhặt hoa quỳnh ướp chiêm bao
Đợi trăng nghiêng xuống cõi nào vân vi
Mới tiếp cận bài thơ, người đọc gặp một bóng dáng quen quen trong Tương Tư của Nguyễn Bính. Cũng là ca dao điệu nói, cũng là tâm trạng dằn vặt nhớ nhung giãi bày. Câu thơ cũng được dệt bằng chất liệu của bút pháp lãng mạn thời Nguyễn Bính, thế nhưng những tứ thơ lạ bỗng sáng lóa lên, đến ngỡ ngàng:
Ta đi nhặt tiếng ve tàn
Ai xui cho hạ nắng tràn lên xanh
Tương tư mà hồn thơ tươi xanh quá. Tiếng ve tàn nhưng mùa hạ vẫn rực rỡ đến chói chan. Một ngày óng chuốt dịu dàng và một đêm quý phái thơm nức hương hoa
Nhặt hoa quỳnh ướp chiêm bao
Đợi trăng nghiêng xuống cõi nào vân vi
Những bài Ai Đem Thương Nhớ, Bao Giờ Cho Đến Sớm Mai, Mắt Đen, Ru Em, Bâng Quơ Lục Bát đều có chất tài hoa của “giống đa tình“ làm thơ. Tôi rất thích những bài như thế bởi vì nó bộc lộ chất thi sĩ cuả Đàm Chu Văn.
Nhà thơ phải có phẩm chất thi sĩ. Không có phẩm chất thi sĩ thì thơ chỉ là văn xuôi bắt thành vần. Nhất là khi viết lục bát, người không có tư chất thi sĩ thì chỉ có thể viết những bài ca, bài vè. Lục bát là thể thơ thách đố phẩm chất thi sĩ căng thẳng nhất. Muốn vượt qua được những thách đố ấy người làm thơ phải có tài năng sáng tạo ngôn ngữ, phải có tư duy nghệ thuật riêng cùng với tố chất của giống đa tình. Đàm Chu Văn chưa đạt tới kiểu tư duy nghệ thuật mới, song anh có nhiều tứ thơ mới, đủ làm nên thơ hay, đủ tạc nên một khuôn mặt có đường nét cạnh sắc dễ nhận ra giữa nhiều nhà thơ.
Đó là một khuôn mặt  sáng tươi trẻ thơ, đầy ắp niềm vui. ”Mười lăm mười bảy tươi xinh/ Ước gì giữ mãi tuổi mình bấy nhiêu”, dù có những vụng dại, khuôn mặt ấy vẫn trong. “Mối tình đầu vụng dại/Nỗi đắng đót trong ngần” (Hoa Tầm Xuân), và cái nhìn rất xanh. ”Vịn vào nắng mai/ Mắt xanh sức trẻ/ Lòng như chớm hé/ bao nhiêu hẹn hò”(Ru) “Ta về ta nhớ muà xuân/ Ta về ta nhớ trắng ngần màu trăng“
Khuôn mặt ấy cũng thoáng  có nét buồn riêng, ẩn hiện những nét nhăn thế sự dày vò (Nhiều Khi), Tuy vậy, nỗi buồn ấy qua nhanh vì cuốc sống chảy đi cuồn cuộn “Chẳng kịp buồn dai/ buồn trang sức/ phố hối hả vào đêm căng nức/dòng Đồng Nai sôi réo những con đường “(Chiều Biên Hòa. Thơ anh lấp lánh sắc màu, dạt dào hân hoan. Thơ anh vượt lên nỗi đau, vượt lên những cực nhọc đời thường. Thơ anh nói được cái đẹp cao cả và phát hiện cái đẹp mong manh. Cả cái rác, cái dơ, cái sex cũng thăng hoa trong thơ anh thành cái đẹp (in đọc Thời Đại, Thiếu Nữ, Chiều Biên Hòa, Những Câu Thơ Đã Tặng)
Cái thú vị khi đọc thơ Đàm Chu Văn là những tứ thơ mới lạ, ẩn mật và vụt lớn lên có thể làm ta ngây ngất. xin đọc:
Mãi không về những người trai khiêng kiệu
Giặc tan rồi ngựa sắt khuất ngàn mây
Dường như sắc lửa còn vương lại
Thắm hoa đào hớn hở trĩu trên tay
(Hội Gióng)
Thời gian xô về hai phía
Riêng ta tha thẩn bước dừng
Quê hương bé thơ chập chững
Đã ùn mây trắng sau lưng
(Thăm Quê)
Muốn quên thì giục nhớ
Quảy càn khôn lên ngàn
(Nhiều Khi)
Ngược miền xanh xưa
Gặt về nuối tiếc
Vẫn còn phía trước
Gió đầy hai vai

(Ru)
Đàm Chu Văn vẫn sáng tác bằng thi pháp thơ truyền thống, đôi khi sự sáng tạo không vượt xa được con đường cũ. Anh cũng không thành công trong thể loại Tứ Tuyệt hiện đại, có lẽ vì anh chưa khai thác được những đặc trưng thi pháp của Tứ Tuyệt truyền thống. Thơ anh là cây đời xanh tươi, anh chưa vươn tới kiểu thơ tư tưởng. Thực ra tư tưởng trong thơ anh là cái nhìn cuộc đời tươi xanh, là tấm lòng nhân hậu và lý tưởng thẩm mỹ giàu chất nhân văn. Tôi tin rằng với tư chất tài hoa, anh sẽ còn viết được nhiều bài thơ hay, vì anh vẫn còn rong ruổi giữa Hai Phía Thời Gian với tấm lòng rộng mở và hồn thơ trong trẻo reo vui.
Tháng 9/2009
Bùi Công Thuấn
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...