Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Damyang - Nơi cuộc sống là câu chuyện cổ tích kéo dài

Damyang - Nơi cuộc sống 
là câu chuyện cổ tích kéo dài
Damyang là mảnh đất của những dòng nước trong lành, ánh mặt trời ấm áp và những cơn gió thổi vi vu qua các cánh rừng tre. Đây là nơi mà chúng ta có thể thấy tre được trồng trên sân sau của nhà và người ta thường chặt lấy thân cây đan thành những chiếc giỏ hoặc làm thành chiếc bàn rồi gửi cho con gái trước khi về nhà chồng như một vật hồi môn. Damyang còn được người ta biết đến như một mảnh đất với rất nhiều căn vọng lâu. Tìm đến đây, chúng ta như cảm nhận được phần nào tinh thần của những vị học sĩ thời xưa khi xây dựng những căn vọng lâu này dọc theo đường đi của những cơn gió, xuyên qua các thung lũng, với mục đích để những trăn trở trong cuộc sống của con người có thể tạm dừng chân và nghỉ ngơi.
  Trong những năm tháng khó khăn, vất vả của cuộc sống, tôi đã thả bộ dọc theo con đường quê ở Damyang. Những thân cây già cỗi to lớn hàng trăm năm tuổi tỏa bóng râm mát, trao cho tôi niềm tin rằng mình phải biết thử thách, chiến đấu để đạt được giấc mơ dù bản thân đang ở những ngã rẽ của cuộc đời. Khi tôi nhìn vào những căn vọng lâu trong ngôi làng và khu vườn Soswaewon bên cạnh, tôi đã nhận ra rằng giấc mộng nguyên sơ nhất của cuộc sống nhân loại chính là thiên nhiên. Thiên nhiên chính là người bạn thân thiết của cuộc sống mà chúng ta không thể ghét bỏ dù chỉ trong giây lát. Bước trên con đường ở Damyang tôi đã nhận ra rằng cuộc sống hiện thực chính là phần tiếp nối của những câu chuyện cổ tích.
   Có những khoảnh khắc chúng ta bắt buộc phải lựa chọn vận mệnh cho chính mình khi đang đứng giữa ngả rẽ của cuộc đời.
   Vào một ngày mùa xuân năm 1989, tôi rời khỏi ngôi trường mà mình đã dạy trong suốt hơn bảy năm qua và quyết định sẽ dành trọn 24 giờ của một ngày chỉ để làm thơ. Thực ra tôi vẫn có thể vừa sáng tác thơ vừa làm công việc giảng dạy nhưng đó không phải là con đường chuyên nghiệp của một thi sĩ. Tôi gói ghém số tiền tiết kiệm được trong quãng thời gian qua cùng vài đồng lương hưu ít ỏi đưa cho vợ mình và nói: “Em hãy cho anh đúng ba năm!” và tôi đã cảm thấy vô cùng biết ơn vì cô ấy đã chấp nhận lời đề nghị này. Vợ tôi cũng là người phụ nữ chỉ biết quanh quẩn ở nhà nội trợ. Chúng tôi, với hai bàn tay trắng đã quyết định quăng mình ra khỏi thế giới mà không cần biết điều gì sẽ xảy ra.

   Tôi và vợ sống vô lo được khoảng dăm ba tháng. Chúng tôi đã cùng nhau du lịch tới Dunhuang và Loulan, một vùng sa mạc thuộc miền Tây Trung Quốc, và nếu chỉ nhìn bề ngoài thì dường như vợ chồng tôi đang sống một cuộc sống vô công rỗi nghề rất xa hoa. Tuy nhiên chỉ nửa năm sau đó mọi thứ bắt đầu thay đổi, số tiền tiết kiệm ngày một giảm dần và thời hạn hợp đồng thuê nhà chỉ còn lại chưa tới một năm. Trước đây tôi đã từng xuất bản bốn tập thơ, nhưng trong một năm, số bài thơ chính thức được phát hành chỉ là năm bài, bởi vậy nên số tiền nhuận bút tôi nhận được chỉ khoảng 200 nghìn won. Với số tiền đó thì không ở bất cứ đâu trên thế giới này có thể đủ sống trong vòng một năm cho cả một gia đình gồm ba thành viên. Sự tự tin lúc tôi rời bỏ ngôi trường mình đang dạy đã dần bị thay thế bằng cảm giác tuyệt vọng khi tôi đã không thể làm gì để có thể thay đổi được điều này.
   Lúc này, tôi lại bắt đầu đi bộ. Quê hương Gwangju nơi tôi sống trước kia vốn là thành phố được bao quanh bởi nhiều ngọn núi. Tôi thích leo lên những tuyến xe buýt nội thành, đi xuống tới tận điểm cuối cùng của thành phố và thả bộ trên những ngôi làng vùng ngoại ô. Lúc này tôi có thể lắng nghe tiếng gió thổi, ngắm nhìn những bông hoa nở và những hạt mưa bay bay. Thói quen ấy dần dần hình thành nên một dòng chảy cảm xúc nhẹ nhàng trong tôi. Tôi như thấy mình được ngồi trên bờ sông, khoan thai sáng tác thơ, đọc một cuốn sách mang theo hay là nghe một vài ca khúc trong máy nghe nhạc. Một ngày cứ như vậy êm đềm trôi qua, tôi trở về nhà khi trời đã tối muộn.
Bóng cây của cuộc đời
  Một ngày nọ, khi tôi đi bộ dọc ngôi làng nhỏ Hanjae thuộc Damyang thì tình cờ phát hiện ra ngôi trường tiểu học bé nhỏ nằm giữa những ngọn núi to lớn như tấm bình phong. Tiếng chuông trường vang lên nghe rất đỗi thanh bình, khiến những bước chân tôi tự dẫn lối vào trong sân vận động của trường. Tôi thẫn thờ đứng nhìn tụi trẻ đang vui vẻ đá bóng, nhảy dây và ánh mắt tôi đột nhiên dừng lại ở một góc sân. Khoảng hơn mười đứa trẻ đang nắm tay nhau thành vòng tròn đứng xung quanh một thân cây và cười nói rộn ràng. Nhìn hình ảnh đó, đột nhiên tôi cũng muốn chạy lại, nhập hội cùng chúng để cũng được ôm cái cây này.
   Tụi trẻ quay lại lớp học, bỏ tôi một mình với cái cây. Đó là một cây sồi khoảng hơn 600 năm tuổi, được trồng kỉ niệm trên sân mang số hiệu 284, với chiều cao 26 mét và đường kính thân cây là 8,31 mét. Đó quả thực là một cái cây rất đẹp. Khoảnh khắc tôi dang rộng hai tay ôm lấy thân cây, một cảm giác bình an đến lạ lùng ngập tràn trong lòng. Sau này, mỗi khi trong lòng có chuyện gì u buồn, tôi lại tìm về với cái cây. Một ngày, tôi được một vị bô lão trong làng kể lại câu chuyện truyền thuyết về chính cái cây này. Thái tổ Seong-gye, vị vua đầu tiên của triều đại Joseon, khi đang cầu nguyện để tìm ra một vùng đất linh thiêng tràn đầy sinh khí để lập quốc thì tình cờ nghe có tiếng nói vọng lại rằng, sau khi cầu trời khấn Phật xong ông phải trồng một cái cây trên núi Samin đằng sau ngôi làng, và đó chính là cái cây sồi này.
   Câu chuyện gieo một giấc mơ vào trong trái tim của những người nghe được nó. Và nó cũng đã đi sâu vào trong lòng tôi. Nơi đây một con người đã tu tâm với giấc mơ kiến quốc vĩ đại. Tôi có cảm giác rằng giấc mơ chỉ sống bằng việc viết thơ tưởng chừng như không thể của tôi dường như đâu đó cũng giống với câu chuyện của vị vua trong truyền thuyết này.
   Ba năm chỉ sống bằng việc viết lách, số dư tài khoản của tôi đã chạm đáy. Mùa xuân tới, muôn hoa đua nở và những cơn gió thổi mang theo hương thơm của hoa trái bay khắp mọi nơi. Vào một buổi trời nhá nhem tối, tôi lại tìm đến gốc cây sồi. Khi tôi đứng yên dang hai tay ôm lấy nó, tôi bỗng nghe thấy tiếng nói của người mẹ đã không còn trên cõi đời này. Mẹ kể cho tôi nghe câu chuyện của bà ngoại. Ngoại có tất cả 12 người con và mẹ tôi là con thứ bảy. Trong thời kì sôi sục của chiến tranh thế giới lần thứ hai, để tránh bị bắt vào quân đội Nhật, tất cả các người con của bà đã bị chia cắt. Bà ngoại ngày ngày thức dậy từ sớm để cầu nguyện. Ở lưng chừng dốc núi đằng sau ngôi làng có một cái giếng nhỏ, hàng ngày bà tới đó từ sáng sớm đem một gánh nước giếng về, tưới cho cây sồi trong làng với ước nguyện điều đó đem lại sự bình an cho những đứa con bà.
   Một buổi sáng nọ, khi bà đang đi lấy nước thì ở phía bên kia rừng bỗng lóe lên hai tia sáng chói lòa. Hóa ra đó là một con hổ. Bà đã không cảm thấy sợ hãi chút nào mà ngược lại còn từ từ tiến tới phía con hổ và thầm cầu nguyện trong lòng: “Thần núi ơi, làm ơn hãy che chở bảo vệ cho những đứa con của tôi”. Và như chưa từng có chuyện gì xảy ra, bà quay trở lại gốc cây sồi tiếp tục cầu nguyện như mọi ngày. Khi làm bất cứ việc gì chỉ cần dốc hết tấm lòng thành của mình thì điều kì diệu sẽ xảy ra. Đó là câu mẹ đã nói với tôi lúc tôi ở trường tiểu học, khi kể cho tôi nghe về câu chuyện về bà ngoại.
Ngày hôm ấy, tôi bắt đầu viết về những câu chuyện thiếu nhi
  Câu chuyện đầu tiên là về một chú chim sẻ nhỏ khi lớn lên đã đánh đuổi được mọi kẻ thù và lập nên vương quốc riêng cho loài chim sẻ. Sự thành lập vương quốc chim sẻ được tôi bắt chước từ câu chuyện lập quốc của Yi Seong-gye, và cây sồi to lớn bằng vàng được tôi lấy làm biểu tượng cho vương quốc này. Tôi đã viết xong câu chuyện chỉ trong vòng hai tuần và gửi ngay bản thảo đến nhà xuất bản.
   Trong hoàn cảnh không còn lấy một xu dính túi, đứa con thứ hai của chúng tôi chào đời, và cùng lúc đó thì cuốn truyện mang tên “Chim sẻ nhỏ Chiku” ra mắt độc giả. Cổ tích hay kì tích thì đều giống với cuộc sống, hoặc không biết chừng nó chính là giấc mơ của cuộc sống hiện thực. Cuốn sách đã được tái bản và với số tiền lợi nhuận từ việc in sách, tôi đã có thể mua được một căn hộ. Vượt qua được nỗi sợ hãi ban đầu, giờ đây tôi có thể tiếp tục cuộc sống với con đường sáng tác chuyên nghiệp. Và tất cả điều này đều được thực hiện ngay sau khi tôi gặp cây sồi đó.
   Dọc hai bên đường dẫn vào ấp Damyang từ Hanjae xuyên qua ngôi làng Subok là hai hàng cây metasequoia (cây thủy san) um tùm, rậm rạp. Con đường thủy san đó chính là biểu tượng của Damyang. Cùng thuộc loại cây lá rộng, hình dạng của cây thủy san nhìn gần giống với cây linh sam mọc ở chân núi Himalaya, có điều khác là lá của nó rụng vào mùa đông và mọc lại vào mùa xuân. Khi mùa thu tới, lá cây chuyển sang màu vàng. Người người tìm tới con đường lá vàng này để chụp hình, một số thả bộ thong dong, chầm chậm như những chú ốc sên, một số đôi yêu nhau cùng nhau đi dạo bằng xe đạp đôi.
   Con đường rừng dọc theo bờ suối chảy xuyên qua ấp Damyang được gọi là Gwanbang Jerim. Có nhiều người cho rằng đây là một trong những con đường rừng có khung cảnh đẹp nhất tại Hàn Quốc. Ở đây có khoảng 400 cây cổ thụ có tuổi thọ từ 200 năm tới 400 năm tuổi. Khu rừng với nhiều cây cổ thụ mà trong đó mỗi cây đều có thể trở thành vị thần bảo vệ cho ngôi làng đã làm cho hình ảnh thế giới con người đang sống trở nên thật tươi đẹp và ấm áp. Vào năm 1648, phủ sứ Damyang lúc bấy giờ là người trồng những cây đầu tiên, và vào năm 1854 người kế nhiệm tiếp tục trồng hàng cây thứ hai tại đây.
   Hình ảnh cây sồi, cây sếu, cây cơm nguội trải dọc hai bên đường với từng chiếc lá rụng bay bay trong gió đã trở thành hình ảnh nghệ thuật điển hình của Hàn Quốc. Nếu bạn có dịp du lịch tới Hàn Quốc và muốn ngắm nhìn khung cảnh nơi con người sống hoà mình cùng thiên nhiên thì có lẽ khu rừng Gwangbang Jerim của Damyang là nơi đầu tiên bạn cần tìm đến.
Tiếng gió thổi và những bông tuyết rơi trên rừng tre
  Dọc theo con suối phía trước cánh rừng là một rừng tre nhỏ có tên gọi Jungnowon, tức “Vườn tre xanh”. Từ thời xa xưa người dân Damyang đã có thói quen trồng những khóm tre nhỏ ở phía sau sân nhà mình. Họ gọi những cây tre này là “thần cây”. Thanh âm của gió xuyên qua lá tre khiến cho lòng người bỗng trở nên thanh khiết, đặc biệt vào những ngày tuyết rơi thì âm thanh của những bông tuyết vọng về từ trong rừng tre được ví như những khúc tình thơ. Nếu bạn là người nghe được âm thanh của tiếng mưa rơi lộp độp trên lá cây thì cũng có thể bạn sẽ nghe được âm thanh giống như vậy của những bông tuyết rơi trên lá tre. Người dân nơi đây trải qua mùa đông lạnh lẽo bằng việc vừa ngồi đan những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày từ tre vừa lắng nghe tiếng những bông tuyết rơi như vậy. Không sai chút nào khi người ta cho rằng hầu hết các sản phẩm gia công từ tre, trúc của Hàn Quốc từ khoảng ba bốn chục năm trước đều được sản xuất từ mảnh đất Damyang này.
   Dân làng Damyang còn rất thích ăn cơm từ gạo được hấp trong các ống tre gọi là daetongbap và họ còn ngâm một loại rượu daetongsul đựng trong ống tre để có thể lấy được hương thơm từ tre. Tôi cũng đã được thưởng thức món măng tre nấu với ốc, được nêm nếm cùng tiêu đỏ và dấm tại đây khi mùa xuân tới. Vào tháng 9 năm 2015 sẽ có một Lễ hội tre thế giới được tổ chức tại Damyang. Đây là lễ hội trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ được làm từ tre trên toàn thế giới.
  Tôi muốn lưu ý với các bạn một điểm khá thú vị, đó là khi đang đi bộ trong khu rừng Gwanbang Jerim và rừng tre Jungnowon mà đột nhiên bạn cảm thấy đói bụng thì hãy ghé vào con hẻm nằm ở một phía cánh rừng để thưởng thức một tô mì nóng hổi. Đây là món ăn dân dã mà người Hàn Quốc nào cũng ưa thích. Hương vị của những sợi mì được nấu với nước dùng của cá cơm mà không cần nêm nếm bất kì loại gia vị nào trừ một loại nước tương Chosun đặc biệt quả thật là đậm đà khó quên. Thưởng thức xong tô mì, nhấp một ly rượu tre rồi tản bộ một cách thong dong dọc theo con đường cây thủy san ngay trước mặt có thể được xem như là một điểm sáng giá khi du lịch tại Hàn Quốc.
   Jichim-ri, trung tâm của Damyang trước đây có tên gọi là Hyoja-ri. Ngày xưa, trong làng có người con gái dòng họ Han được gả cho chàng trai mang họ Jeong. Trước khi đứa con của họ ra đời thì người chồng đột nhiên qua đời, người vợ một mình vừa quần quật làm việc vừa  nuôi nấng, chăm bẵm con trai. Đứa trẻ nay đã trưởng thành, và vào một buổi sớm nó tình cờ nhìn thấy mẹ mình đang phải sấy khô chiếc váy hay mặc ở trong phòng bếp. Đêm hôm sau, khi mẹ vừa đi khỏi thì người con trai cũng bí mật đi theo chân mẹ. Cậu nhìn thấy mẹ mình gặp một thầy giáo đã goá vợ của làng bên và khi bà đi qua cánh rừng trở về nhà vào buổi sáng thì chân váy bị ướt do những giọt sương sớm. Ngày hôm sau, người con trai bèn cắt gọn đám cỏ trên con đường rừng mà mẹ vẫn hay đi qua để váy bà không còn bị ướt nữa, rồi thu xếp để mẹ và người thầy giáo đó về sống chung cùng nhau. Người dân trong làng nghe được câu chuyện cảm động đó và quyết định lấy tên Hyoja-ri để đặt cho ngôi làng, với ý nghĩa là “ngôi làng của người con hiếu thảo”.
   Samjinae là nơi được biết đến với tên gọi “Slow city” (Thành phố sống chậm). Đối với những du khách khi ghé thăm nơi này chỉ vì tò mò bởi cái tên sẽ cảm thấy đôi chút thất vọng. Ngoại trừ bức tường đá nối liền với con đường làng thì khó có thể hiểu được sự liên quan gì giữa ngôi làng này với ý nghĩa cái tên “Slow city” của nó. Các ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc được xây dựng lên rất nhiều, trông hơi hỗn độn, các ngôi nhà trọ và quán ăn nơi đây cũng có vẻ ít ỏi do cuộc sống yên tĩnh và chậm chạp này. Nếu như ngôi làng không bị đặt cho cái tên “Slow city” và vẫn duy trì lối sống như trước đây thì có lẽ nó cũng sẽ là một nơi tuyệt vời để dừng chân và ở qua đêm.
Căn vọng lâu nằm giữa những con suối trong xanh
  Jigok-ri là một ngôi làng nằm tận cùng phía nam của huyện Damyang. Với tên gọi thân thương từ thời xưa là Jisil, ngôi làng nằm ngay chân núi Mudeung. Nằm rải rác bên con suối với dòng nước trong lành chảy róc rách như những bản nhạc là các căn vọng lâu đẹp và thi vị như chúng ta vẫn thấy trong truyện cổ tích. Hình ảnh những căn vọng lâu như Hwanbyeogdang, Deoksujeong, Chuigajeong, Sigyeongjeong... hòa cùng với căn vọng lâu liền kề ngôi làng như Songgangjeong, Myeonangjeong vào buổi sáng yên lành trông giống như thiên đường huyền thoại Shangri-La. Vào lúc tôi rời bỏ ngôi trường mình đang dạy và chưa tìm được công việc nào hết, tôi hay tìm đến những căn vọng lâu này, vừa nằm lắng nghe tiếng ve kêu vừa lim dim ngủ. Tôi cũng có thể vừa ngắm nhìn những cánh bướm bay dập dìu trước mắt và sáng tác ngay được vài câu thơ.
   Trong số những căn vọng lâu ở đây thì nơi làm tôi thích nhất ngay từ lần đầu tiên tìm đến là Sigyeongjeong. Đây là nơi để những chiếc bóng nghỉ ngơi. Tất cả mọi người đều mang bên mình một chiếc bóng. Trong trường hợp không có ánh sáng hay không sự sống thì chiếc bóng cũng không tồn tại. Chủ nhân của căn vọng lâu này muốn giúp cho những khát vọng, những ước mơ không thể thực hiện và sự tồn tại của bản thân trên cõi đời tạm dừng chân nghỉ ngơi nơi đây. Tên gọi Sigyeongjeong phản chiếu một sự thật từ thời kì Joseon, đó là việc các vị học sĩ bị đẩy khỏi chốn triều chính, phải lui về ở ẩn sâu bên trong núi với những con suối trong lành và họ không còn việc gì khác ngoài viết thơ và làm bạn cùng thiên nhiên. Vào những ngày tôi quyết định chỉ sống bằng việc viết thơ, có thể tôi cũng đã muốn giấc mơ đó của mình tạm nghỉ giống như cái bóng của cuộc đời vậy.

  Vào giữa thời Joseon, có một người vừa là nhà văn vừa là chính khách tên Jeong Cheol (1536-1593), sau khi bị đày ải đã về sống ở ngay ngôi làng Byeolmoe. Nơi đây ông đã sáng tác nên nhiều ca khúc tuyệt vời với lời hát đầy thi vị, như “Tư mỹ nhân khúc” (Sa miin gok), “Tịnh Sơn biệt khúc” (Seongsan byeolgok). Đó là ca khúc nói về nỗi mong nhớ vị vua đã bỏ rơi mình, hay miêu tả nội tâm chất chứa nhiều nỗi phiền muộn của tác giả khi đứng trong khung cảnh tươi đẹp của ngọn núi Tịnh Sơn.
   Giờ đây bạn hãy hướng bước chân của mình tới khu vườn nổi tiếng Soswaewon. Giả sử chúng ta có di chuyển chậm chạp như một chú ốc sên thì cũng sẽ không mất quá một tiếng để đi bộ từ Sigyeongjeong tới Soswaewon. Soswaewon được vị học giả Yang San-bo (1503-1557) xây dựng nên vào giữa thời Joseon. Dòng nước chảy xuôi theo sườn núi, đi qua khu vườn đã chia tách lâm viên này thành hai khu vực với hai khối kiến trúc khác nhau. Một bên là Jewoldang, nơi ở dành cho chủ, mang ý nghĩa “trăng sáng sau cơn mưa” và Gwangpunggak, nơi ở dành cho khách, mang ý nghĩa “gió thổi dưới ánh mặt trời”. Dòng nước suối đã chảy vào bên trong giấc mơ của cả chủ và khách. 15 năm trước, với sự khuyến khích từ một hậu duệ của Yang San-bo, tôi đã có dịp được tận hưởng nguyên một đêm tại Gwangpunggak cùng tiểu thuyết gia Park Wan-seo (1931-2011). Ánh trăng trên cao rọi chiếu cả đêm và tiếng gió thổi xuyên qua cánh rừng tre nghe thật dịu dàng và tinh khôi. Nhưng phải nói rằng tuyệt vời nhất vẫn là âm thanh của dòng nước suối đang chảy róc rách ngoài kia. Tôi thức dậy thì thấy Park đã dậy từ trước và đang lặng yên say mê lắng nghe tiếng chim hót. Tôi đã hỏi Park “Bà ngủ ngon chứ?” và bà ấy đã trả lời rằng âm thanh tuyệt vời của con suối khiến bà thức suốt đêm và chỉ có thể chợp mắt được một chút khi trời gần sáng. Bây giờ Park đã không còn nữa. Và không biết chừng bà cũng đã hóa thân thành những vì sao trên bầu trời kia, trong lòng vẫn không nguôi nhớ về cái đêm tại khu vườn Soswaewon ngày xưa.

   Có một loài hoa mọc bên dòng suối mang tên “Bách nhật hồng” thường nở rộ vào đầu hè và tàn khi thu tới. Hình ảnh sắc xanh và sắc đỏ hòa cùng vào nhau trông thật giống với những bông hoa nở trong khu vườn thần tiên. Jeong Cheol gọi dòng suối chảy qua thung lũng này là Jamitan, có nghĩa là “dòng suối của hoa bách nhật hồng”. Ở phần cuối cùng trên con đường đi bộ của Damyang, chẳng phải sẽ cảm thấy huyền bí hơn nếu bạn nghĩ rằng từng cánh hoa đang bay phấp phới trước mặt kia là bài hát huyền bí có từ thời Joseon cách đây hàng trăm năm.
   Trong những năm tháng khó khăn, vất vả của cuộc sống, tôi đã thả bộ dọc theo con đường quê ở Damyang. Những thân cây già cỗi to lớn hàng trăm năm tuổi tỏa bóng râm mát, trao cho tôi niềm tin rằng mình phải biết thử thách, chiến đấu để đạt được giấc mơ dù bản thân đang ở những ngã rẽ của cuộc đời. Khi tôi nhìn vào những căn vọng lâu trong ngôi làng và khu vườn Soswaewon bên cạnh, tôi đã nhận ra rằng giấc mộng nguyên sơ nhất của cuộc sống nhân loại chính là thiên nhiên. Thiên nhiên chính là người bạn thân thiết của cuộc sống mà chúng ta không thể ghét bỏ dù chỉ trong giây lát. Bước trên con đường ở Damyang tôi đã nhận ra rằng cuộc sống hiện thực chính là phần tiếp nối của những câu chuyện cổ tích.
Gawk Jae-gu (Nhà thơ)
  Ảnh Lee Han-koo
  Trần Huyền Trang dịch
Theo http://vi.kf.or.kr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...