Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Bảo tàng Quang Trung

Bảo tàng Quang Trung
Đã mấy năm, nay tôi mới trở lại Qui Nhơn, điểm chính là thăm bảo tàng Quang Trung ở xã Tây Sơn huyện Phú Phong, ngay trên nền nhà xưa của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ.
Trang sử Quang Trung Nguyễn Huệ được viết đã nhiều và nhiều người viết, nhưng, di tích của một anh hùng hơn 200 năm còn nguyên tại chỗ thì phải một lần đến cho biết.
Bốn giờ sáng, thành phố Qui Nhơn còn mê ngủ, chưa có sinh hoạt gì ngoài một vài người đi bộ. Ngang qua bùng binh trung tâm, tôi hỏi một người đường ra QL1A, ông ta nói "ông cứ đi thẳng đường Trần Hưng Đạo là gặp.”

Cổng bảo tàng (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Rẽ phải QL ra hướng Bắc, chạy chừng 15 phút thấy có người nhóm lửa quán bên đường, hỏi bảo tàng Quang Trung, câu trả lời khá rõ ràng: "Ông bỏ ngã tư đèn đỏ thứ nhất, qua đèn đỏ thứ hai, ngay cầu Bà Di có quốc lộ 19 lên Tây Sơn khoảng 30km.”
"Tôi nghe nói 50 km."
"Đó là tính từ Qui Nhơn, 45 cây thôi.”
Trời đã sáng, QL19 tốt, dọc đường thấy trụ km ghi An Khê rồi Gia Lai trăm mấy chục cây, tự nhiên lại muốn đổi hướng lên Tây Nguyên, nhưng ra đảo Lý Sơn cũng hấp dẫn không kém nên tôi cứ theo lộ trình đã vạch.
Cảnh ngoại ô thành phố nào cũng từa tựa nhau, buôn bán lặt vặt, ăn nhậu ca hát là chính. Vừa chạy xe vừa đảo mắt xem có gì lạ để lấy hình thì trước mặt, xuất hiện một đoàn xe tải mấy chục chiếc nối đuôi. Phải cẩn thận, nguyên nhân tai họa thường do mấy ông này mà ra. Có lẽ đây là trục lộ chính các tỉnh Tây Nguyên về miền duyên hải nên xe mới dồn đặc như vầy.

Nhà Rông Hbana (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Một hình ảnh đau thương chợt về trong nháy mắt, hình ảnh hàng vạn người di tản từ Daklak về Nha Trang cuối tháng Ba năm 75. Thoáng cái đã 40 năm, 40 năm vết thương đất nước chưa lành, lòng nham hiểm chưa nguội, tình người còn chia cắt... Ngày 29 tháng 3 - 75, tôi còn đứng cầm máy ảnh ở ngã sáu rạp cine' Tân Quang (Nha Trang) đón chụp hình đoàn quân từ Buôn Ma Thuột rút về, những chiếc xe Jeep chất người từng đống, phủ đầy đất đỏ. Tôi bị mắng một câu đích đáng "Sung sướng gì mà chụp hình?” Thực tình có phải sung suớng mà chụp hình đâu, nó là "nghiệp dĩ" trời sinh, cũng như những ngày này, cơm bụi cơm bờ lang thang tìm niềm vui mây nước trong tuổi xế chiều.
Đến thị trấn Phú Phong, ngã ba đường không biết hướng nào về Tây Sơn. Lại hỏi, một em bé chỉ cho "Ông đi đường Trần Quang Diệu, qua cầu Kiên Mỹ, rẽ trái đường Nguyễn Huệ là lên bảo tàng.”
Thoạt trông cổng bảo tàng đã thấy nể, lối kiến trúc đơn giản mộc mạc, không hoa lá cành mà vạm vỡ chắc nịch. Cửa giữa kiểu vọng lâu cách điệu cao rộng gấp mấy lần cửa hông. Tôi lại liên tưởng đến vóc dáng vua Quang Trung đã nhiều nơi dựng tượng, điện thờ, nhưng chắc chắn ngay đây, quê nhà của dòng họ Tây Sơn hẵn là có nhiều điểm độc đáo.
Cổng bên mở, tôi vào tự nhiên, cả khu bảo tàng rộng bao la vắng tanh. Một người đang hí hoáy trong trong nhà “bảo vệ” cạnh cổng, tôi lên tiếng:
- Đã bán vé chưa anh?
- Dạ, 7 rưỡi mới có người mở cửa. Không vé vào xem cũng được.(1)
Tôi quay xe ra, tìm cái gì điểm tâm trong thời gian chờ đợi. Trước mặt bảo tàng là bãi trống nhìn ra sông Kôn. Lên phía trên một đoạn mới có nhà và hàng quán bán ké bên chợ chồm hổm. Quà sáng ở thôn quê nơi nào cũng giản dị đạm bạc. Bún cháo, bánh đúc, bánh căng, xôi, khoai, sắn bắp. Tôi nhìn qua một lượt rồi ngồi vào hàng bún. Người qua lại cứ nhìn chúng tôi như có gì đó khác thường, có lẽ khách ăn hàng ngày là bà con quanh xóm, nay lại có khách lạ phương xa, hành trang bao bị nên họ dòm ngó trầm trồ. Hai bát bún 20 nghìn, tôi đưa thêm 5 nghìn. Chị bán bánh ướt ngồi cạnh, cười nói, “Bún nay cũng có tiền bo he.”

Khuôn viên bảo tàng (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Bảy giờ hơn bảo tàng vẫn im lìm. Nắng lên, cảnh càng thêm bắt mắt. Ngay trong cổng tam quan là bãi sân lát gạch bát tràng, rộng có thể làm nơi meeting cho hàng nghìn người. Vào sâu mấy chục mét mới có trồng cây trang trí hai bên, lối đi còn chừng 10m. Thấy tôi mang máy lui tới anh “bảo vệ” gợi ý, “Chú chạy xe tới chỗ cầu, tham quan trước bên ngoài, lát mở cửa bảo tàng rồi vô coi.”
Ý hay, tôi đi ngay. Trước khi qua cầu vào bảo tàng, có nhiều ghế đá đặt dưới gốc cây dọc theo con suối nhỏ, một hai người đàn bà quét lá rụng trên lối đi. Vòng qua phía trái, bên kia chiếc cầu xây, lan can giả gỗ, có ngôi nhà rông (2) khá lớn của đồng bào sắc tộc (Bahnar) Gia Lai tặng bảo tàng. Nhà Rông của đồng bào Thượng hao hao dáng đền chùa Thái Lan, hai mái cao vút, cao gấp mấy lần thân nhà, trông mảnh mai nhẹ nhàng. Điều hơi lạ là lối trổ cửa lên nhà sàn. Người Tây Bắc (H'Mong, Giáy, Tày...cửa lên bên hông, mặt tiền chỉ để cửa sổ. Người Tây Nguyên như ngôi nhà của tộc Hbanar cửa lên cả hai bên, cầu thang kiểu độc mộc (một cây gỗ lớn khấc thành bậc thang).

Tượng Quang Trung (Huế) (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Trở lại qua cầu chính vào bảo tàng, vừa lúc có đôi thanh niên nam nữ mở cửa quét dọn. Trước sân bảo tàng là pho tượng Hoàng Đế Quang Trung cao to sừng sững. Báo chí đã ca tụng bức tượng đại ý:
Bảo tàng Quang Trung được xây dựng năm 1978, trên nền nhà cũ của anh em nhà Tây Sơn sau một thời gian hàng thế kỷ phải núp dưới cái tên "đền Kiên Mỹ" vì sợ nhà Nguyễn trả thù. Theo lời kể, hồi đó tới Bảo tàng Quang Trung, du khách thấy ngay pho tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ, tay vung kiếm, dáng rất oai phong lẫm liệt đã mấy chục năm qua. Đến năm 1998 tỉnh Bình Định mở cuộc thi vẽ tượng Quang Trung. Nhiều nhà điêu khắc tham dự và có hàng chục bức tượng về Quang Trung, cuối cùng tỉnh chọn được bức tượng của Lê Đình Bảo.
Ông bà Nguyễn Chấn - Trần Thị Hường, Chủ tịch Công ty Hoàn Cầu - người con của quê hương Bình Định đã bỏ ra trên 6 tỉ đồng để tài trợ làm bức tượng này.
Pho tượng được xem là tượng Hoàng Đế Quang Trung "chuẩn" nhất.
Báo chí (hay ban giám khảo) cũng đã ca ngợi: "Một tay cầm đốc kiếm, tay kia xòe ra phía trước, trông rất đĩnh đạc và khoan thai. Đặc biệt khuôn mặt có thần với đôi mắt rất sáng. Đó là một khuôn mặt đoan chính, vừa quyết đoán nhưng cũng thật sự cởi lòng để lắng nghe bá tánh."(3) Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định lý thì giải về sự hiện diện của tượng đài Quang Trung mới, như sau: "Nguyễn Huệ lên ngôi vua năm ông 36 tuổi, ba năm sau thì băng hà. Vì vậy, tượng ở bảo tàng Quang Trung phải là tượng của vua Quang Trung chứ không thể "tượng Nguyễn Huệ" được. Tượng lâu nay tọa lạc tại đây quá "trẻ" so với Hoàng Đế Quang Trung. Đó là một trong những lý do vì sao tỉnh Bình Định phải thay tượng tại bảo tàng Quang Trung vào những ngày cuối năm vừa qua.”
Bức tượng cũ hiện nay đã được chuyển lên thị xã An Khê tỉnh Gia Lai. Đây là vùng "Tây Sơn thượng đạo,” nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dấy binh khởi nghĩa.

Tòa nhà chính viện bảo tàng (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Phải 2 ngày đêm để chuyển bức tượng cao 10,4 mét với 18 tấn đồng từ Hà Nội vào Qui Nhơn lên tận Phú Phong - quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ, đúng dịp lễ hội Tây Sơn - Đống Đa ngày mùng 5 Tết (1999)!
Trong khi đôi thanh niên nam nữ quét dọn bảo tàng, tôi qua tòa nhà bên phải, Tây Sơn Điện, nơi thờ 3 anh em Tây Sơn. Tòa điện thờ dựng trên nền nhà cũ, nơi ở của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ngày còn thơ ấu.
Theo sử liệu, Tây Sơn Điện trước đây là đình Kiên Mỹ, được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX để bí mật thờ ba anh em Tây Sơn. Đình Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn - nay là khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Tượng Quang Trung Tây Sơn) (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Kiên Mỹ là quê hương thứ hai của dòng họ Nguyễn Tây Sơn ở Đàng Trong. Từ khi về đây, ông nội Nguyễn Huệ là cụ Hồ Phi Tiển(4) đã cùng nhân dân địa phương tạo dựng làng Kiên Mỹ thành nơi chuyên nghề thủ công truyền thống, kết hợp làm nông và buôn bán. Nghề buôn trầu cau là chính, có bến Trường trầu bên bờ sông Kôn, đưa trầu cau từ Tây Sơn về xuôi. Nguyễn Nhạc cũng có thời gian nối nghiệp cha buôn bán trầu nên nhân dân thường gọi là anh Hai Trầu. Ông từng giao du buôn bán khắp miền xuôi, miền ngược theo dòng sông Kôn, nhờ vậy có điều kiện chiêu hiền, đãi sĩ đề xướng phong trào Tây Sơn khởi nghĩa.
(1) "Không mua vé" là trường hợp hy hữu, một bảng nội qui to tướng ghi rõ: vé cá nhân, vé tập thể, phí gửi xe...Ngoài Bắc, chẳng có bảo tàng nào cho coi không, đền Cửa Ông (Quảng Ninh) vào lễ còn phải mua vé nữa là...
(2) Nhà "Rông" không hiểu viết theo âm đọc của người Bahnar hay có nghĩa gì khác.
(3) Tôi thấy sự mô tả tượng ở đây hơi "văn vẻ cường điệu,” thực tâm mà nói, tôi chẳng thấy "khuôn mặt đoan chính, vừa quyết đoán nhưng cũng thật sự cởi lòng để lắng nghe bá tánh.” Nhiều nơi đã dựng tượng Quang Trung Nguyễn Huệ: Gò Đống Đa (Hà Nội) - Núi Bân (Huế) - Tây Sơn (Bình Định), đó là những pho tượng tầm cỡ tiêu biểu, tôi đã được chiêm ngưỡng và vô cùng thán phục tài nghệ của các nhà điêu khắc-đắp tượng. Nhưng, theo chủ quan, tôi thấy tượng QT ở bảo tàng Tây Sơn, nét mặt thiếu cương quyết, hao hao nét sắc tộc, thần sắc lờ đờ. Mắt nhìn xuống một cách vô tư vô sự. Anh hùng cái thế - Vị tướng tài bách chiến bách thắng thể hiện chỗ nào? Bàn tay phải đưa lưng chừng, dáng ngập ngừng, nhất là mấy ngón tay xòe kiểu nữ diễn viên múa. Tay trái nắm đốc kiếm như sẵn sàng tuốt gươm, Quang Trung múa kiếm tay trái à? Thường các nhà dựng tượng khác cho tay trái tựa chuôi kiếm, khi hữu sự, tay phải kịp tuốt gươm. Riêng Hoàng bào thì khá tỉ mỉ, đẹp. Nếu tượng đặt trong Điện thờ có lẽ hợp lý hơn.
(4) Ông cố của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long (vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn,(An Nhơn) cưới vợ họ Đinh, sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, có vợ là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó đổi họ con cái từ họ Hồ sang họ Nguyễn. Người con Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu. Cũng có tài liệu cho rằng họ Hồ đã đổi theo họ chúa Nguyễn ngay từ khi mới vào Nam.
Nguyễn Phi Phúc sinh 8 người con, ba người con trai: Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1753. Ông còn có tên là Quang Bình Văn Huệ hay Hồ Thơm. Sau này, người dân địa phương thường gọi ông là Đức ông Bình hoặc Đức ông Tám. Như vậy Nguyễn Huệ phải là em Nguyễn Lữ.
Bộ sưu tập vũ khí thời Tây Sơn, 18 loại binh khí thô sơ. Gồm các loại súng thần công nhỏ, không có thần công lớn như vào thời Nguyễn sau này. Một loại thần công đơn, một ống sắt như ống tre dài hơn mét rưỡi tìm thấy ở thành Thiên Phúc nơi tập kết của quân Tây Sơn năm 1877. Kiếm sắt dài chừng 1 mét, gọi kiếm nhưng dường như không bao, mũi bằng nhỏ bản chừng 5 phân hoặc hơn tí. Kiếm nhiều cỡ dài ngắn khác nhau. Đạn pháo có nhiều cỡ lớn nhỏ, là những quả cầu sắt. Khiên chống đỡ gần 20 cỡ lớn nhỏ treo trên tường cùng với những mũi thương, đao dài nhọn hoắt. Với vũ khí thô sơ như vậy nhưng nghĩa quân Tây Sơn đã chiến thắng 20 vạn quân Thanh ở gò Đống Đa, hạ thành Quy Nhơn và thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút.
Tượng Quang Trung (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Đến thăm bảo tàng trong các dịp lễ lớn du khách còn được xem võ thuật và trống trận Quang Trung. Đây là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến Phi Quyền, Độc Lư Thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng Kê Quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Bình Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào các cuộc hành quân để khích lệ và thúc quân sĩ chiến đấu. Lối trống trận này còn truyền lại ngày nay với tên "trống trận Quang Trung."(3)
Đội biểu diễn nhạc, võ, đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quang Trung, và bao giờ cũng là mục kết thúc bất ngờ và kỳ thú đối với du khách. Nơi đây, người ta sẽ khám phá ra nhạc và võ chỉ là một. Những người biểu diễn quyền cước, binh khí và kèn trống, khó phân biệt ai là nghệ sĩ, ai là võ sĩ, chứng tỏ võ thuật ở tầm cao thượng thừa, đó là văn hóa - nghệ thuật. Hai yếu tính này cần phải song hành để lập nên kỳ tích cho non sông, đất nước. Mà, chính người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ, bậc đại trí, đại dũng, đại nhân là biểu tượng ngời sáng trong lịch sử dân tộc. Một biểu tượng tài trí văn võ song toàn đích thực chứ không do phe nhóm tô vẽ tôn vinh, không là huyền thoại.

Tượng Quang Trung (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Danh Vũ Hoàng vẫn cùng mặt trăng mặt trời mà sáng
Ân Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng núi Tượng mà cao.
Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng:
Non Tây áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.
Việt Nam Cộng Hòa tiết trong Xuân năm Tân Sửu 1961 nhân dân quận Bình Khe.
(Trích bản văn ca ngợi Hoàng Đế Quang Trung)
Lúc qua xem nhà biểu diễn trống trận Quang Trung, một nhân viên trực ở đây cho tôi biết, "Chỉ trong các dịp lễ hội chính thức mới có biểu diễn trống trận. Tay trống khá điêu luyện trước đây là bà Võ Thị Thuận, một nghệ sĩ từng làm khách xem say mê với dàn trống trận 12 chiếc tại Bảo tàng Quang Trung. Bà là người nối nghiệp của một gia đình 9 đời chuyên đánh trống trận Tây Sơn. Nay do lớn tuổi bà đã nghỉ, nhưng cũng đã tìm được người kế nghiệp là chị Phan Thị Mai."
Trống trận (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Có thể nói, nếu không có Bảo tàng Quang Trung, rất có thể di sản trống trận Tây Sơn đã bị tuyệt tích. Đó là di sản có một không hai, theo như một nhạc sĩ nghiên cứu về loại nhạc độc đáo này thì nó hoàn toàn xứng đáng được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Bảo tàng Quang Trung là bảo tàng duy nhất ở nước ta có một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, chuyên biểu diễn võ - nhạc.
Nắng đã lên cao, tôi ra về mà lòng còn nóng hổi hào khí thắng trận của Quang Trung Đại Đế, nguồn cảm xúc này sẽ là một trợ lực lớn giúp tôi vượt qua chặng đường hơn 200 cây số về Quảng Ngãi để mai ra đảo Lý Sơn.
(3) Trong dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 2004, tôi đã có dịp thưởng thức biểu diễn "trống trận" Quang Trung (trích Sài Gòn giỗ tổ trang 11 QHQOK tập 9):
Thoạt tiên, ba hồi trống đại nổi lên như dạo khúc mở đầu... Tiếng trống nhịp ba... nhịp năm, càng lúc càng mạnh...rồi đổ hồi, âm vang từng đợt truyền qua rừng cây quanh Đền.... rồi bỗng tiếng trống đại ầm ầm như sấm dậy. Tiếp theo là tiếng trống “vừa” phụ họa, tiếng đàn đá như than, âm thanh thở dài của tù và, tiếng trống đồng thật ấm rền rền dư âm vang vọng của những trang sử oai hùng mấy nghìn năm trước...Tất cả hòa tấu nên khúc nhạc tế lễ thật đặc biệt.

Súng Thần công đơn (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Các nghệ nhân luôn trong thế “trung bình tấn” của nhà võ, hai dùi trống trên tay múa liên tục khi nhặt khi khoan. Đặc biệt anh trống đại diễn tấu trong nhiều thế khác nhau tùy nhịp, tùy cường độ, lúc anh dạng hai chân, lúc chân sau chân trước, có lúc quì hẳn xuống, hai tay anh múa dùi thật nguyễn, tiếng trống của anh khiến người nghe vừa hồi hộp vừa hăng say như người lính xông trận, tiếng trống sôi sục dồn dập, thôi thúc hùng tráng...rồi trở lại êm đềm bình thường như trời sau cơn dông...Tôi mơ hồ cảm nhận trong tiếng trống như có lời kể lễ ta thán, có lời trình tấu van xin, tiếng trống đắng cay của nhân gian gióng lên Thiên Đình...

Thương (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Bài trống tiếp tục luân chuyển nhịp điệu và cường độ, có lúc ầm vang như tiếng hò reo của ba quân ngoài trận địa. Người nghe tưởng chừng bị cuốn theo, tâm can như trào dâng hùng khí. Trong khoảnh khắc hào hùng ấy nếu có một tiếng hô, tôi tin mọi người sẽ tiến lên...Cả một không gian đang rền vang âm thanh của các loại trống, trống đồng tuy chỉ một nhưng người nghe vẫn nhận ra âm sắc đằm thắm chững chạc ngân xa. Tiếng đàn gõ, tiếng tù và phụ họa tạo nên bản hùng ca bi tráng...
Rồi bổng cả “bầu trời sấm sét” dịu dần dịu dần, tiếng trống bây giờ êm êm và đều đều như tiếng kinh cầu, mọi người đang bừng bừng khí thế sực tỉnh quay lại mình. Ai nấy như trầm ngâm trong phút tưởng nhớ tiền nhân, những anh hùng đã xã thân vì tổ quốc, những oan khiên bao lớp người đi trước phải gánh chịu cho quê hương sống còn.
Tôi không nhớ bài trống kéo dài bao lâu nhưng bấy nhiêu âm thanh không lời mà có sức thu hút kỳ lạ. Không những thế tiếng trống đã thực sự dẫn dắt người nghe vượt qua quãng thời gian dài 4000 năm lịch sử để ngậm ngùi, để hưng phấn, để xót thương, để tự hào về đất nước mình. Và, điều rõ nét là tiếng trống giỗ tổ hôm nay đã truyền cho mọi người niềm tin bất diệt, niềm tin dân tộc Việt vẫn tràn đầy khí phách, đất Việt sẽ lớn mạnh và trường tồn.
Tôi không còn thấy những màu sắc hào nhoáng của lễ hội, tôi không nghe không nhớ gì ngoài tiếng trống, tiếng trống đã cuốn chìm tôi trong nguồn cảm xúc lạ lùng. Cảm ơn các nghệ sĩ trong buổi lễ hôm nay.

Án thờ Nguyễn Nhạc (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Đao kiếm (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Súng Thần công nhỏ (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Chiêng còng (Trần Công Nhung/Viễn Đông)
Trần Công Nhung

Theo http://nguoithamquan.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...