Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Trên những nẻo đường Tây Bắc: Vượt đèo Ô Qui Hồ

Trên những nẻo đường Tây Bắc: 
Vượt đèo Ô Qui Hồ
Tây Bắc mộng mơ. Ảnh; HM
Đây là entry cuối trong loạt bài về Tây Bắc, cảm ơn bác Vũ Đại Dương đã tài trợ cho Hiệu Minh Blog, các bác trong đoàn và bà con đã gặp ở Sơn La, Điện Biên, Sa Pa, vì chuyến đi bốn ngày với gần 1500km thật mỹ mãn. Đối với tác giả HM Blog, “Đi một đàng học một sàng khôn” rất đúng trên những nẻo đường Tây Bắc.
Vất vả tìm đường đi
Rời Điện Biên theo hướng Tuần Giáo (Lai Châu) đoàn tiếp tục đi theo quốc lộ 276 hướng về Sa Pa. Bác “phượt” kinh nghiệm bảo lái xe chạy theo con đường ít người đi.
Vòng vèo một hồi đi qua cầu Pa Uôn, gần như là thượng nguồn sông Đà, hiện ra một hồ nước rộng mênh mông. Những chiếc thuyền đánh cá bồng bềnh, phía trên là núi non cao dựng đứng. Thấp thoáng người trên nương bé tí, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ, cảnh vật thật thanh bình. Có lẽ chiến tranh chẳng bao giờ tới đây.
Vượt qua Pa Uôn, nghĩ là nhầm đường. Đã cách Điện Biên được 50 km, khó có thể quay lại. Vừa đi, vừa hỏi đường. Đến cầu Cáp Na hẻo lánh, vẫn băn khoăn không hiểu đi đúng chưa. Vớ vẩn đi sang Trung Quốc hay Lào lại thành dân di tản ngoài ý muốn.
Cầu Pa Uôn. Ảnh: HM
Đường đi khá xấu. Lái xe Hùng bắt đầu lầu bầu, đường kia không đi lại đi lối này. Mình lên tiếng (lần đầu góp ý), cả đoàn đã chọn đường lạ, nhiệm vụ của bạn là đi theo. Vấn đề không phải là tìm lỗi của ai mà mục đích chung của đoàn là tới được Sa Pa trong chiều nay.
Mấy chục km đường mới làm năm ngoái nay đã nát bét, lồi lõm, có chỗ bị lún, bùn lầy, may mà vẫn qua được hết. Cuối cùng đường về Lai Châu đã hiện ra, cả hội mừng húm, tìm chỗ ăn.
Bác già nói, cố về Than Uyên có đồ ăn ngon. “Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” nói lên sự khắc nghiệt của vùng đất. Nhưng từ khi có thủy điện, mọi thứ đã thay đổi. Thị trấn nhỏ trù phú hơn. Người Kinh lên lập nghiệp, người dân tộc xuống núi, khá nhộn nhịp.
Vào nhà hàng Hưng Lan chuyên lợn mẹt của hai vợ chồng khá trẻ, mấy đứa con chạy bàn. Gia đình từ Nam Định lên đây lập nghiệp, chị từng là giáo viên, theo chồng buôn bán, bỏ cả nghề dạy chữ. Hôm đó cửa hàng của anh chị khá đông.
Nhà hàng ở Than Uyên. Ảnh: HM
Chờ một chút, mẹt đựng thịt lợn cắp nách (5-6kg) được bưng ra trước các vị khách đói ngấu suốt từ 6:30 sáng đến 1 giờ chiều. Nào là luộc, quay, rán, lòng, đi cùng rau thơm. Món ăn khá ngon và ấn tượng giữa vùng gió nóng của Lai Châu.
Từ Than Uyên đi qua đồi chè Tân Uyên rộng mênh mông, xa tít chân trời là những dãy núi cao. Giữa trưa, không một bóng người, xa xa hai cây đứng cạnh nhau. Chợt nghĩ, nắng nôi thế này mà “chúng còn ôm nhau”, tình yêu mãnh liệt thật. Vội chụp được bức ảnh.
Búp chè xanh. Ảnh: HM
Phố phường Tân Uyên chẳng khác dưới xuôi là mấy, xanh đỏ lòe loẹt, khẩu hiệu, cờ quạt, nhà hình ống cao thấp dù đất ở đây có hiếm đâu thế mà chen nhau ra mặt đường. Vào trạm bán xăng tưởng như đâu đó bên miền Tây nước Mỹ hoang dã giữa sa mạc.
Đèo Ô Qui Hồ - Kỷ niệm mối tình không thành
Đến đường quốc lộ 4D hướng phía Lào Cai, xe cài số thấp, bắt đầu leo dốc dựng đứng. Phía dưới, mây trắng lững lờ, du khách tưởng mình lên thăm Ngọc Hoàng. Bác trưởng đoàn thông báo sắp đến đèo Ô Qui Hồ, một trong tứ đại đèo hùng vĩ nhất của Tây Bắc, dài tới 50 km. Đèo Pha Đin chỉ có 32 km.
Có nhiều truyền thuyết về con đèo cao 2000m so với mặt biển này. Dân du lịch gọi là đèo Mây vì quanh năm mây phủ, hoặc đèo Hoàng Liên vì nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn. Nhưng dân ở đây mê tích liên quan đến tình yêu. Nếu Pha Đin là nơi hò hẹn của đôi trai gái thì Ô Qui Hồ là tiếng chim kêu như bài ca thổn thức về mối tình không thành. Chả hiểu sao, cứ “đèo” lại liên quan đến trai gái, lạ thật.
Ngày xưa ít người qua lại do thú dữ nhiều, nay quốc lộ 4D hai làn từ Lai Châu được mở rộng và nhiều người chọn đi Tây Bắc theo hướng đấy thách thức, nhất là dân phượt ưa mạo hiểm. Lái xe phải vững tay lái, quen cua hình chữ Z hay A, sơ sảy có thể tai nạn lao xuống vực như chơi. Tuy nguy hiểm như thế nhưng thấy dân chúng phóng xe máy ào ào, lên xuống đèo như xiếc.
Đỉnh đèo Ô Qui Hồ. Ảnh: HM
Nhớ lần đi Lào Cai (2003), nghe chuyện một anh Hmong mua được “con Min khơ” (xe máy Minsk) ở Sa Pa. Vui quá, anh cưỡi về Lai Châu, đi cả tuần mới tới nhà. Hỏi tại sao, hóa ra anh chỉ cài số một, thấy không phải đi bộ là may lắm rồi.
Hôm đoàn tới, gió hun hút trên đỉnh đèo, đứng không cẩn thận dễ bị bay đi. Trời lành lạnh, nhưng du lịch khá đông. Các cháu thi nhau “tự sướng” bằng smart phone nhưng mặt quay về iPhone thì tóc bị gió thổi che mất mặt thành ra ảnh trông như ma đèo Ô Qui Hồ.
Nghe nói đứng ở đỉnh đèo chụp ảnh có thể đứng dạng chân một bên Sa Pa (Lào Cai), một bên Tam Đường (Lai Châu.) Một bên chân lạnh, một bên chân nóng, “làm tình” kiểu lạ. Dãy Hoàng Liên cao chắn gió thổi từ hai phía, một từ Lào, một từ biển Đông. Vì thế hai phía có khí hậu khác nhau.
Du khách trẻ trên đỉnh đèo Ô Qui Hồ. Ảnh: HM
Mùa đông sang Tam Đường tránh rét, nhất là lúc tuyết rơi ở Sa Pa. Mưa mát mẻ bên Sa Pa, bên Tam Đường lại nắng hanh khô nóng ran cả người. Về mùa tuyết, dân phượt hay lên đỉnh đèo để ngắm cảnh hùng vĩ của hai phía, một bên trắng, một bên xanh, hiếm nơi nào trên thế giới được thiên nhiên ban tặng như thế.
Sa Pa đã…phôi pha
Đi thêm chút km thấy thác Bạc cao vút tới 200m. Ngửa cổ áp gáy mới thấy đỉnh thác phun trắng xóa, hùng vĩ, nên thơ. Dân du lịch đông như kiến tranh nhau chụp ảnh. Phía thung lũng Sa Pa sâu hút, những biệt thự thấp thoáng, ruộng bậc thang xanh mát mắt.
Cuối thế kỷ 19, người Pháp tìm ra Sa Pa, một làng cheo leo, cảnh quan tuyệt vời, khí hậu trong lành, như họ đã tìm ra Đà Lạt hay Tam Đảo. Người Pháp xây dựng 300 biệt thự rất khó pha trộn trên thế giới. Theo kiến trúc sư Đặng Tri Hiền, người giúp xây nhà ở Trích Sài, villa Pháp chỉ có người Pháp thiết kế được.
Sa Pa hôm nay. Ảnh: HM
Sa Pa có mấy chục biệt thự bị nổ mìn trong tiêu thổ kháng chiến giống như Việt Minh đã làm với Tam Đảo. Tháng 2-1979, Sa Pa tiếp tục bị phía Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập hầu hết những villa đẹp nhất còn lại. Mấy cuộc chiến và xây dựng không qui hoạch đã khiến thị trấn núi rừng đẹp như thiên đường đã mất dần chất lãng mạn kiến trúc Pháp. Đà Lạt bị kiến trúc nhôm nhoam sau hòa bình xóa đi vẻ mờ ảo của sương mù mơ mộng từng đi vào thi ca.
Đoàn tới khách sạn nhỏ, may quá có chỗ ở, hai cụ một phòng. Mình ở với cụ già nhất, cách nhau gần một giáp, được cụ kể lịch sử tên Sa Pa như mình đọc trên Wiki. Tên gọi này có nguồn từ tiếng Quan Thoại là Sa Pả là bãi cát vì ngày xưa có bãi cát ở đây cho dân họp chợ. Dân mũi lõ mắt xanh đọc thành Sa Pa nhưng viết là Cha Pa, mãi sau này mới có tên chính thức là Sa Pa cho một thị trấn với khoảng chục ngàn dân của 6 dân tộc khác nhau như Kinh, H’Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó.
Chân dài và cellphone. Ảnh: HM
Người Trung Quốc có cách phiên âm từ tiếng tây cũng thú vị. Câu lạc bộ (cơ lam bua) được gọi là nơi lạc thú, nhưng đó là từ Club trong tiếng Anh. Từ Sa Pa thành Cha Pa là chiều ngược lại từ tiếng Trung sang Pháp ngữ.
Đến Sa Pa năm 2003 trong tư cách anh chàng IT lắp đặt máy tính, trợ giúp kỹ thuật cho Hội nghị các nhà tài trợ do World Bank tổ chức. Đoàn ở khách sạn Victoria, chúng tôi ấn tượng với ông chủ Pháp phóng xe Minsk rất giản dị. Thị trấn êm đềm, người dân tộc bán hàng lẻ tẻ, đâu đó người say rượu nằm ngủ trên bãi cỏ. Họ đi chợ, có tiền, mua rượu say sưa tối ngày rồi ngủ luôn trong phố, vài ngày mới về nhà. Trẻ em cởi truồng dù trời khá lạnh, trông rất thương. Nhưng Sa Pa lúc đó vẫn còn là Sa Pa đôi chút của ngày xưa.
Góc phố Sa Pa. Ảnh: HM
Lần này thị trấn yên bình đã khác xưa. Phố xá tưng bừng. Người đông đúc. Hàng quán khắp nơi. Nhà cửa lộn xộn. Sa Pa đã phôi pha đi rất nhiều, không còn là Sa Pa trong tâm trí của người từng biết hơn 10 năm trước. Người dân tộc đã biết làm ăn, trẻ 5-6 tuổi kiếm tiền bằng cách địu em vài tháng tuổi đi bán hàng rong từ túi thổ cẩm đến chai nước. Nhiều mẹ trẻ khoảng 15-16 tuổi mang con đỏ hỏn, ngủ lay lắt trên lưng, đi kiếm ăn. Trông vẻ mặt của họ đáng thương, khách vừa mua vừa cho tiền.
Gặp một cháu trai tóc vàng bế em vài tháng tuổi, có vẻ con lai. Người qua lại hỏi han, người cho hai chục, người dăm chục. Vẻ ngây thơ của hai đứa kiếm tiền nhiều hơn anh Cua viết báo cho VNN. Theo một cháu địu bé sau khi mua của cháu cái túi thổ cẩm giá 30 ngàn, nhưng cháu bảo không có tiền lẻ, tôi đưa cả 50 ngàn có ý ngầm giúp. Bé đi một lúc lại bán được cái túi khác, giá cũng thế. Khoảng 30 phút sau có một người lớn có vẻ là bà mẹ đến, hai người thì thầm gì đó, bé gái dúi cho người lớn kia nắm tiền.
Họ làm ăn khéo hơn cả người Kinh. Thương mại hóa ngành du lịch đã len lỏi vào người dân tộc vốn hiền hòa và thật như đếm. Các bà các chị ngồi bán hàng đều có cell phone nhưng họ giấu kín, chỉ dùng khi cần thiết, lúc nói cũng che khăn, cố giữ vẻ ngây ngô của người miền núi.
Trẻ em và bé thơ cùng làm du lịch. Ảnh: HM
Chuyện kiếm tiền ở đâu trên thế giới này cũng vậy, Mỹ hay Trung Quốc, Nga, tới nước nghèo như Đông Timor hay PNG, người nghèo đều có mánh lới moi tiền du khách lớ ngớ. Nhưng, dùng trẻ em vài tháng tuổi trên Sa Pa cho mục đích đó thì quả là lo ngại. Sự phôi pha của Sa Pa sẽ làm tan biến đi một tên tuổi đã nổi khắp thế giới.
Sa Pa đã phôi pha đi rất nhiều. Ảnh: HM
Vài lời với du lịch Tây Bắc
Sau bốn ngày đi từ Hà Nội qua ngả Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai, vượt trên ngàn km, cảm nhận của tôi về miền Tây Bắc rất tốt đẹp. Đất nước hùng vĩ, cảnh thiên nhiên mê mẩn, quyến luyến, chẳng ai muốn rời. Con người hiền hòa, mến khách, nhiều nơi vẫn giữ được sự chất phác vốn có. Tôi tin cách đây 100 năm Tây Bắc là vùng đất tuyệt mỹ như tranh thủy mạc.
Không phải bỗng nhiên người Pháp khám phá và xây dựng tuyến đường vòng quanh. Ngày nay đường quốc lộ được mở rộng, đi lại dễ dàng hơn, không còn cảm giác sợ hãi ban đầu khi xe lăn bánh từ Hà Nội về phía Hòa Bình.
Ở Mỹ 11 năm, tôi thăm hơn chục bang, du học Ba Lan 7 năm, sống ở Bulgaria 4 năm. Trong thời gian công tác tới vài chục quốc gia khác nhau. Tôi thấy cảnh thiên nhiên nước người rất tuyệt được bàn tay con người yêu thiên nhiên chăm chút, ngày càng đẹp hơn.
Phong cảnh hữu tình. Ảnh: HM
Tuy nhiên, cảnh núi rừng đẹp như tranh vẽ của Tây Bắc dễ dàng cạnh tranh và thu hút khách. Đất nước mình đẹp không thua kém bất kỳ ai.
Nếu được khai thác tốt, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn, quảng bá tốt, có những điểm dừng để du khách ngắm cảnh, chụp ảnh kỷ niệm, ai thích mạo hiểm có thể ngủ qua đêm trên những lán trại trên đỉnh đèo hay vào làng bản cùng sống với dân làng, ngành du lịch không khói của Tây Bắc sẽ hái ra tiền mà không cần phá rừng lấy đất làm nương.
Những điểm nhấn như nhà tù Sơn La, đèo Pha Đin, chiến trường Điện Biên, đèo Ô Qui Hồ, thậm chí leo lên đỉnh Fansipan “nóc nhà của Đông Dương”, chợ tình Sa Pa, là những địa danh mà bất kỳ ai cũng muốn dừng chân. Tiền ở đó mà ra.
Về dài hạn, chỉ cần quản lý môi trường thật tốt, cấm phá rừng, người Kinh không dùng đồ gỗ quí trong nhà mà thay bằng vật liệu tái chế như phương Tây, thì với khí hậu nhiệt đới, vài chục năm nữa, mầu xanh sẽ trở lại phủ hết đồi trọc, muông thú sẽ lại về.
Nhìn những ruộng bậc thang do các nghệ sỹ nhiếp ảnh chụp đẹp tới nao lòng, nhưng đằng sau lại ẩn chứa sự mất cân bằng sinh thái, cây xanh bị hủy hoại, thiên tai xảy ra là đương nhiên. Nếu cây xanh mọc lên như xưa, ảnh núi rừng có vẻ đẹp khác, và an toàn cho nhân loại hơn nhiều.
Phía sau vẻ đẹp của ruộng bậc thang là sự 
mất cân đối môi sinh, thiên tai đe dọa và nghèo đói, Ảnh: HM
Lo cho người dân vùng núi có công ăn việc làm để họ không vào rừng khai thác bừa bãi. Mỗi du khách hãy bảo vệ môi trường, không ăn thịt thú rừng khi vào nhà hàng, không mua bán những sản vật của núi rừng, Tây Bắc sẽ lại như nàng tiên trong cổ tích.
Vĩ thanh
Mấy tuần trước, tôi thăm họa sỹ Đỗ Đức chuyên vẽ ngựa và miền núi, xem tranh thấy miền núi thơ mộng. Phải có tình yêu nào đó thật mãnh liệt, cành cọ mới vẽ được như thế. Đi thăm Tây Bắc tôi hiểu tranh của anh hơn. Ngồi trên xe hơi, sau kính, tôi mải mê chụp ảnh bằng cái máy point and shoot, cốt giữ lại những khoảnh khắc thần tiên của kẻ lãng du.
Phòng tranh của họa sỹ Đỗ Đức 
chuyên về ngựa và vùng cao. Ảnh: HM
Bốn ngày giúp người viết hiểu thêm đất nước, yêu Tây Bắc thêm bốn lần như thơ ca tôi từng học. Đất nước rừng vàng biển bạc là có thật. Và giúp một người viết nghiệp dư như tôi phải cẩn trọng bốn lần khi cầm bút trên thế giới ảo.
Người tình miền Tây trên đồi chè Tân Uyên. Ảnh: HM
Xuôi theo cao tốc Lào Cai - Nội Bài, vài tiếng đã ở Hà Nội, du khách vẫn quyến luyến, nặng lòng yêu vùng đất hoang dã, không muốn rời người tình miền Tây trong mộng để về chốn thị thành ồn ã và bon chen.
Núi rừng đẹp như tranh. Ảnh: HM 
Chỉ còn đồi trọc. Ảnh: HM 
IT đã về Pa Uôn. Ảnh: HM 
Gia đình vùng cao. Ảnh: HM
Đại gia giữa núi rừng. Ảnh: HM
Lợn mẹt ở Than Uyên. Ảnh: HM
Trạm xăng. Ảnh: HM
Lên đỉnh Ô Qui Hồ. Ảnh: HM
Vượt đèo bằng xe máy. Ảnh: HM
Tự sướng trên đỉnh đèo. Ảnh: HM
Đàn lợn cũng vượt đèo. Ảnh: HM
Thác bạc. Ảnh: HM
Nhốn nháo Sa Pa. Ảnh: HM
Mẹ con về phố thị. Ảnh: HM
Tiếp thị vùng cao. Ảnh: HM
Bán hàng cho tây. Ảnh: HM
Cụ già cũng ra chợ. Ảnh: HM
Bươn chải. Ảnh: HM
Đặc sản Sa Pa. Ảnh: HM
Theo mẹ lên phố. Ảnh: HM
Mưu sinh cùng trẻ thơ. Ảnh: HM
Hai chị em. Ảnh: HM
Một mình bé thơ giữa chốn đông người. Ảnh: HM
Mái tóc vùng cao. Ảnh: HM
Nụ cười trẻ thơ. Ảnh: HM
Nỗi niềm nhiếp ảnh gia. Ảnh: HM
Tạm biệt “người tình” miền Tây Bắc. Ảnh: HM
Hẹn gặp lại. Ảnh: HM
Tây Bắc hữu tình. Ảnh: HM
 8/5/2015
Du ký Tây Bắc
 Hiệu Minh
Theo https://hieuminh.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...