Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Mùa thu quyến rũ anh rồi

Mùa thu quyến rũ anh rồi

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn khi còn trẻ 
(trái) và Từ Linh - Hình: Internet
Ở cửa sổ phòng ăn nhà tôi nhìn ra, có một hàng cây maple trồng trên vỉa hè, Từ Điển tiếng Việt gọi là cây thích (tôi không thích tên này vì...nôm na quá.) Ừ, tại sao lại là thích nhỉ? Mỗi năm, khi bắt đầu vào mùa Hè, các chú Mễ lại bắc thang leo lên cưa những ngọn thừa để chuẩn bị cho mùa mưa có gió mạnh sắp tới. Cây bị cắt, cành cụt ngủn, lờm chởm trông như những cây củi, thật vô duyên. Đến giữa Hè, cây bắt đầu sống lại. Lá mọc ra và xanh tươi. Hình như cây maple chỉ tươi tốt trong không khí nóng như mùa Hè. Những cây maples có lá hình ngôi sao năm cánh. Rồi đến mùa Thu, lá lại đổi sang màu vàng, vàng hết cả không gian. Tôi ngắm nhìn say sưa. Đẹp quá.
Tử vi nói tuổi tôi không hợp với sao, dù là sao gì. Có nó thì không có tôi hay ngược lại, nhưng nhiều thì được, càng nhiều càng tốt. Rõ thật “khổ”.
Anh mong chờ mùa Thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ.                                        
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa 
Bên những bông hồng đẹp xinh.
Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi…
Mưa rơi làm rung lá vàng
Duyên ta từ đây lỡ làng
Còn đâu những chiều dệt cung đàn yêu.
Thu nay vì đâu nhớ nhiều
Thu nay vì đâu tiếc nhiều
Đêm đêm nhìn cây trút lá
Lòng thấy rộn ràng ngỡ bóng ai về.
Anh mong chờ mùa Thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Mầu áo xanh là màu anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ…

THU QUYẾN RŨ -- Đoàn Chuẩn & Từ Linh - YouTube

Đó là lời bài hát Thu Quyến Rũ (hay Tà Áo Xanh) của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Mùa Thu có sức quyến rũ kỳ lạ, làm con tim ta bồi hồi, làm lòng ta ngất ngây. Tôi yêu nhạc Đoàn Chuẩn & Từ-Linh khi còn nhỏ. Ngày nay, chẳng mấy người là không “nghêu ngao” nhạc của ông, có khi chỉ một câu, vì không thuộc hết cả bài, và có khi cũng không cần biết Tác giả là ai. Nhạc của ông viết về mùa Thu giản dị, mộc mạc.Từ ngữ như từ trong tim đi ra, không có gì là gọt dũa, chùi mài, nhưng chính điều đó đã làm ta nhớ mãi, không thể nào quên. Hình như ông viết dễ dàng, không mấy khuôn sáo như nhiều người khác.
Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi…
Hát đến đó, ta phác thảo trong đầu hình ảnh một mùa Thu với “anh mong chờ mùa Thu, trời đất kia ngả mầu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh. Và anh mong chờ mùa Thu, dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai, và cánh chim ngập ngừng không muốn bay, mùa Thu quyến rũ anh rồi…
Nhớ mùa Thu cách đây mấy năm, chúng tôi rủ nhau đi chụp lá vàng ở Utah. Đứng giữa, bốn bên được vây bọc bởi những rừng cây aspen (người Việt gọi bằng danh từ hơi dài là cây dương lá rung hay cây dương), tôi thực sự bị cuốn hút lạ lùng. Tất cả đều như nhuộm một màu vàng. Chỗ nào cũng vàng. Lá rung rinh, xôn xao trong gió, như nhảy nhót trước mắt.
Ánh Trăng Mùa Thu (1947) là Ca khúc đầu tiên của Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói về mùa Thu. Ngày nay, người ta tính Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, chỉ chừng hai mươi bàn nhạc, nhưng hầu hết bản nào cũng về mùa Thu.
Trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu và Đông, tôi thích mùa Thu nhất, vì trời mát, không gian ảm đạm.
Sinh năm 1924, Đoàn Chuẩn được mọi người biết đến như một Nhạc sĩ biểu diễn đàn lục huyền cầm Hạ Uy Di (Hawaii), nhưng ông còn là một Nhạc sĩ viết về mùa Thu rất nổi tiếng. Cứ nói đến Đoàn Chuẩn là người ta nghĩ đến mùa Thu hay ngược lại.
Ngày tôi còn bé, đã nghe tên Đoàn Chuẩn & Từ Linh, nhưng không tìm hiểu về ông hay nói đúng ra, không cần biết ông là ai. Thấy nhạc của ông, chỉ biết đàn hát, chứ cần gì biết ông. Các ca khúc của ông đều mang tên Đoàn Chuẩn &Từ Linh, nhưng trên thực tế, Từ Linh (tên thật là Hà Đình Thâu) lại là một Nhiếp Ảnh Gia. Từ Linh không sáng tác nhạc, nhưng với tư cách “cố vấn”, chỉ góp ý kiến cho Đoàn Chuẩn. Từ Linh đã mất năm 1992.
Năm 2001, Đoàn Chuẩn bị tai biến mạch máu não và từ giã chúng ta.
Theo Đoàn Đính, con trai của Nhạc sĩ, Đoàn Chuẩn có cách sống phong lưu và tiêu tiền “như nước” giống công tử Bạc Liêu ở miền nam Việt Nam bấy giờ. Ngoài ra, ông còn là người rất đa tình.
Đoàn Chuẩn không chú tâm vào việc sáng tác. Ông chỉ sáng tác khi nào tự cảm thấy rung cảm thật sự. Các sáng tác của ông không nhiều (khoảng 20 bài), nhưng hầu như đều là những tác phẩm về mùa Thu. Ông tự nhận mình chỉ là “tài tử” trong sáng tác. Nhiều ca sĩ hát nhạc Đoàn Chuẩn & Từ-Linh thành công như Anh Ngọc, Ánh Tuyết, Ngọc Long, Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly...
Con trai Đoàn Chuẩn (Đoàn Đính) (Hình: Internet)
Gần đây, thêm một nhạc phẩm nữa của ông lại được tìm thấy là Thuở Trâm Cài được ký bút hiệu Việt Tử. Ca khúc này được Đoàn Chuẩn viết vào thập kỷ sáu mươi, là gạch nối giữa hai giai đoạn sáng tác (1947-1956 và 1988-1989) của ông. Trong việc đi tìm nhạc của Đoàn Chuẩn, cô cháu gái nhạc sĩ đã tìm được ca khúc Hoa Thơm Bướm Lượn do Đoàn Chuẩn và Tạ Tấn hòa tấu năm 1960.
Chi tiết về đàn Hawaiian Guitar (hay Guitar Hawaii):
Đàn Hawaiian Guitar có 6 dây (trong khi đàn Ukelele, viết tắt là uke, xuất phát ở Hawaii chỉ có 4 dây, có phím) như đàn Guitar thông thường, nhưng không có phím, khi chơi phải để lên lòng (Lap Steel Guitar) hay để ngang vì nặng. Người đàn, dùng một miếng kim loại (chẳng hạn, bằng đồng...) đặt trên cần đàn để tạo nên âm thanh trên các phím. Độ dài ngắn của đoạn dây đàn bị chặn lại sẽ tạo ra các âm thanh (độ cao). Hawaiian Guitar có nhiều bồi âm (còn gọi là bội âm, hài âm hoặc họa âm) là những âm có tần số cao hơn tần số chính một âm, vì độ dài dây đàn có thể thay đổi được. Các bồi âm ấy du dương, thánh thót hơn tiếng guitar thường. Khi lên dây, phải theo hợp âm (do, mi, sol; mi, sol, si hay la, do, mi...)
Tay phải gẩy (quạt chả) có 1 bộ 4 móng (tương-tự chơi đàn tranh) lắp vào 4 ngón: cái, trỏ, giữa, và áp út.
Dây của đàn Hawaiian Guitar trơn, không có vỏ bọc. Sáu dây này được tăng hay giảm theo hợp âm (do, mi, sol; mi, sol, si hay la, do, mi...)
Ở Việt Nam, có ít nhạc sĩ chơi Hawaiian Guitar, người nổi tiếng là Đoàn Chuẩn, Từ Linh.
Như định nghĩa trên, đàn Vienne và Hawaiinan Guitars giống nhau. Đàn Guitar Acoustic là đàn Guitar thường, thùng bằng gỗ; đàn Electric Guitar là Guitar Điện.
Nhà Văn Văn Quang viết về Đoàn Chuẩn như sau:
“...Hôm nay thì tôi ngồi nghe lại cả một cuốn CD nhạc Đoàn Chuẩn khi nghe tin anh mất. Từ Hà Nội một người bạn tôi điện thoại cho biết tin này đầu tiên, trước khi những tờ báo ở Sài Gòn loan đôi dòng về tin buồn này. Người bạn tôi đã có từng có thời gian ở Hải Phòng vào những năm 1952-1953 và cũng đã có một số kỷ-niệm với anh Đoàn Chuẩn. Tôi cũng có một vài kỷ niệm nhưng là rất nhỏ, trước hết là nó nhỏ với một nghệ sĩ lớn tuổi như Đoàn Chuẩn, có lẽ đến sau này anh chẳng còn nhớ tôi là "thằng nhóc" nào. Bởi anh hơn tôi đến gần 10 tuổi. (Anh sinh ngày 15-6-1924, tôi sinh năm 1933). Tuổi 19-20 với tuổi 30 khác nhau nhiều lắm. Còn hơn thế, hồi đó anh đã là một nghệ sĩ có tên tuổi, còn tôi chỉ là một anh "nhí", đang là một "mầm non văn nghệ".
Đoàn Chuẩn và nhóm văn nghệ Hoa Niên.
Nhóm Văn nghệ Hoa Niên của Hải Phòng thành hình vào khoảng năm 1952 do họa sĩ Trọng Thường thành lập. Thời kỳ của những thành phố mới hồi sinh sau giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp. Cả thành phố Cảng của miền Bắc dường như chỉ có một nhóm văn nghệ duy nhất đó thôi. Người trưởng thành nhất là họa sĩ Trọng Thường, anh đã từng tham gia trong một vài đoàn văn công kháng chiến rồi trở về "thành", hồi ấy người ta gọi là "dinh tê". Nhóm văn nghệ gồm khoảng chừng trên 10 người, những ca sĩ hạng nhất như Ngọc Quang, Tường Vi và những ca nhạc sĩ mới ra lò như Hoài An, Huyền Linh, Phó Quốc Thăng, Thu Huyền, Lương Thảo, Trần Hải. Sở dĩ tôi được gia nhập nhóm này vào cái tuổi 19-20 vì thỉnh thoảng đi chơi với Lương Thảo, Trần Hải và cũng đã có vài bài viết lách trên mấy tờ báo ở tận Hà Nội như Cải Tạo, Tia Sáng. Thời đó, Hải Phòng chưa hề có một tờ báo nào.
Vì thế nhóm văn nghệ "tài tử" này được dư luận chú ý. Khoảng giữa năm 1952, chúng tôi chuẩn bị tổ chức một buổi trình diễn thi ca nhạc kịch tại nhà hát lớn thành phố. Một tờ chương trình được in rất xôm, bài thơ của tôi đã "được đăng" trên nhật báo Tia Sáng cũng xuất hiện trên trang 2 của tờ chương trình này.
Trước buổi trình diễn thi ca nhạc kịch chừng một tuần lễ, anh Đoàn Chuẩn đến thăm. Trụ sở của chúng tôi là căn nhà ngoài của anh em ca sĩ Ngọc Quang, trên con đường nhỏ gọi là Ngõ Nghè. Anh Đoàn Chuẩn lúc đó đã đạo mạo lắm rồi. Dáng người khỏe mạnh, bảnh bao nhưng rất hiền lành. Anh hỏi thăm về đêm trình diễn và dĩ nhiên anh Trọng Thường không bỏ qua dịp may mời anh Đoàn Chuẩn trình diễn một bản guitare Hawaienne (thực ra là Hawaiian Guitar) vốn là thứ đàn mà anh Đoàn Chuẩn rất thành thạo. Anh nhã nhặn từ chối, lấy cớ bận đi Hà Nội. Anh chỉ hứa sẵn sàng cho mượn một cái mangétophone để thu lại toàn bộ chương trình hôm đó. Vào thời này có được cái máy như thế không phải là chuyện nhỏ. Không những phải là con nhà giàu mà còn phải là tay biết chơi mới gửi mua thứ này tận bên Tây. Nhưng rồi đến đêm trình diễn, chuyên viên thu thanh đã làm cháy cái máy ghi âm đó của anh.
Cũng vì chuyện này mà sau đó vài tuần tôi còn được gặp lại anh Đoàn Chuẩn. Anh hỏi thăm anh Trọng Thường để lấy lại chiếc mangétophone. Anh Đoàn Chuẩn cho tôi leo lên chiếc xe hơi, đó là chiếc xe Buick kềnh càng, láng coóng. Hồi đó cả miền Bắc chỉ có hai chiếc xe Buick nên anh Đoàn Chuẩn rất tự hào về điều này. Nếu không có vụ này chắc chẳng bao giờ tôi được ngồi trên chiếc xe đó. Tôi đưa anh đến nhà anh Trọng Thường ở phố Cầu Đất lấy lại chiếc máy dù nó đã bị cháy. Anh nhận lại máy mà không hề phàn nàn một tiếng. Tôi lo ngại theo dõi từng thái độ của anh và tôi lễ phép nói: "Cả nhóm lo lắm, anh Trọng Thường rất ân hận, phải trốn anh đấy. Không biết lấy gì mà đền anh đây". Anh lắc đầu: "Anh sẽ gửi đi sửa, có ai muốn làm cháy đâu." Tôi kính phục cử chỉ đó của anh.
Hồi đó anh được tiếng là công tử thành phố cảng. Một thành phố có hoa phượng đỏ trên cao, có lá me bay vàng đường và có những tàn lá bàng che rợp những mái hiên, nhưng không có những hàng sấu như Hà Nội. Gia đình anh nổi tiếng, hầu như khắp thành phố này không ai không biết tên. Hãng nước mắm Vạn Vân không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà là ở cả Đông Dương. Nhà anh gồm bốn năm gian rộng trên đường vào Chợ Sắt. Thỉnh thoảng có dịp đi qua trước cửa nhà anh, tôi thường lén nhìn vào, cũng chẳng biết để làm gì.
Trong óc tưởng tượng của tôi, đôi khi tôi nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được thấy chị Đoàn Chuẩn. Qua những bản nhạc của anh, qua cung cách sống của anh, tôi hình dung ra một thiếu phụ rất hiền rất đẹp, da trắng như trứng gà bóc, vận chiếc áo dài bằng nhung xanh (màu xanh vốn là màu của Đoàn Chuẩn), cổ đeo chiếc khuyên vàng, chân đi đôi hài thêu, đầu vấn tóc trần, có đôi mắt bồ câu đen lánh. Nhưng quả là tôi chưa thấy bao giờ, cho nên đến bây giờ hình ảnh ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Sau năm 1954, anh ở lại miền Bắc, tôi ở miền Nam. Tôi có nhiều dịp để tìm hiểu về anh và những nghệ sĩ còn ở lại miền Bắc. Nhưng về anh thì tuyệt vô âm tín. Những nghệ sĩ như Văn Cao, Tô Vũ còn thấy sáng tác, còn tham gia hoạt động ở một số cơ quan. Song Đoàn Chuẩn thì vẫn yên lặng. Thỉnh thoảng nghe lại những bản nhạc của anh, tôi thực sự thấy lòng nao nao. Gửi gió cho mây ngàn bay, Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Tình nghệ sĩ... đều là những tác phẩm bất hủ.
Tôi phát biểu ở đây một nhận định rất riêng tư, một so sánh đầy cảm tính. Nếu nhạc của cố nhạc sĩ Văn Cao có vẻ "thanh cao", lời lẽ rất văn hoa, bay như cánh chim trong khung trời hoa thơm cỏ lạ đến tận Thiên Thai thì nhạc của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lời lẽ bình dị, không bay bổng nhưng thấm sâu, rất sâu, hầu như bài nào cũng là nỗi nuối tiếc, đau đớn của con người thật đang sống. Có cảm tưởng như nỗi đau ở trước mặt, có thể sờ thấy, có thể cảm nhận, nó quanh quẩn đâu đó như một phần cơ thể của chính mình. Có lẽ tôi không cần phải kể ra đây những lời ca ấy. Nó gần gũi với người nghe lắm, như một lời tâm tình giản dị mang xuyên suốt một tình yêu tuyệt vọng với hình bóng thân thuộc của quá khứ đã tàn rồi nhưng không bao giờ phai...”
Có nhiều người nói nhạc của Đoàn Chuẩn & Từ Linh không theo một quy luật nào về sáng tác cả. Trong một bản nhạc, các câu nhạc (membe de phrase) khi dài hay khi ngắn, không theo Luật Cân Phương (carrure) để cho cân đối, vững chắc. Nhưng chính vì vậy, nhạc của Đoàn Chuẩn & Từ Linh về mùa Thu mới khắc khoải, lạ lùng. Ta thấy hình như Đoàn Chuẩn & Từ Linh dễ soạn lời bản nhạc, tạo thành những tác phẩm có lời ca (musique de chant) hấp dẫn.
Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ anh rồi…
Nhưng thật ra, ông đã sửa chữa, gọt dũa từng chi tiết nhỏ, để gửi gấm ngôn ngữ của tình cảm (langage du sentiment) đến cho chúng ta. Đến nay, đã khoảng bảy mươi mùa Thu đi qua, nhạc của ông vẫn bay bổng trong lòng chúng ta, dù là bất cứ ai, và ở bất cứ nơi nào.
 Mùa Thu 2014
Hà Việt Hùng
Theo http://langhue.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...