Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Nhà thơ Lê Thị Kim: “Kẻ lữ hành đi ngược chiều gió thổi”

Nhà thơ Lê Thị Kim: “Kẻ lữ hành 
đi ngược chiều gió thổi”
“… Khi làm thơ, tôi vẫn cảm thấy như mình đang lạc vào chốn nào đó, một cõi riêng mình, nghe lại chính giọng nói của mình và đôi khi còn như một kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió thổi…” (Lê Thị Kim). Làm thơ đối với chị như là một nhu cầu tự thân. Nhà thơ ký gửi vào đấy những nỗi niềm sâu kín của lòng mình, những suy ngẫm về con người và cuộc đời. Lê Thị Kim cho rằng: “Có thể với người khác, khi mệt mỏi với công việc sẽ hoài nghi về sự tồn tại của thơ ca, xem đó như một vật cản cho cuộc sống. Nhưng với tôi, lúc rơi vào tâm trạng như vậy, tôi thà rũ bỏ những công việc khác để cho mình thanh thản để trở lại với thơ. Thơ là “một khoảng sân sau” cho tâm hồn mình trú ngụ và quay về”. Nhà thơ tự ví mình là “kẻ lữ hành đang đi ngược chiều gió thổi”.
Lê Thị Kim vừa là nhà thơ, họa sĩ, doanh nhân. Ở lĩnh vực nào Lê Thị Kim cũng là người để lại những ấn tượng đặc biệt. Chị là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Nhà văn (1990), Hội viên Hội Mỹ thuật TP. HCM (1996).
Chị đã trình làng các tập thơ: Vòm me mùa hạ (in chung, 1985), Thành phố tháng Tư (in chung, 1986), Khi tình yêu đến (1988), Đóa quỳ hư ảo (1991), Sương bụi tình yêu (1997), Nguyên đán tình yêu (in chung, 2003), Thơ Lê Thị Kim (2010).
Với những đóng góp đặc biệt của chị, năm 1990, Lê Thị Kim được nhận danh hiệu người phụ nữ tài năng. Chị là một trong 20 gương mặt được biểu dương Văn học trẻ TP.HCM 20 năm (1995), 30 năm Văn học TP.HCM (2005).
Thơ Lê Thị Kim dịu dàng, đằm sâu, giàu nữ tính. Chị được mệnh danh là nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu.
Thơ Lê Thị Kim trong sáng lắm bởi nó được viết bằng cả nhiệt huyết, bằng tình yêu hết mình cho tuổi trẻ, tình yêu con người và cuộc đời. Thơ chị được gạn lọc và tinh khiết qua nhiều nỗi đau. Những biến cố, bất hạnh của cuộc sống ập đến bất ngờ, luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với Lê Thị Kim. Bằng nghị lực, niềm tin, trí tuệ, tinh thần nhân văn nhân ái, chị luôn cố giấu nỗi đau riêng vào lòng, tự khẳng định mình và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Vì rằng, dù nỗi buồn có lớn đến cỡ nào cũng không thể dập tắt đi niềm hi vọng và ước mơ của chị. Có lẽ do có cái nhìn biện chứng như vậy nên người ta gọi Lê Thị Kim là nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ và tình yêu là những vấn đề lớn mà thời đại nào cũng cần phải quan tâm.
Nữ sĩ Lê Thị Kim (ảnh thanhnien.vn)
Điều đặc biệt, thơ Lê Thị Kim có rất nhiều bài đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Đến nay đã có gần 100 ca khúc được phổ nhạc từ thơ chị. Đây là một trường hợp hiếm có đối với thơ nữ Việt Nam. Có lẽ, do chất giọng đằm thắm, dịu dàng; lời thơ giàu tính nhạc, dễ đi vào lòng người mà thơ chị có sức lan tỏa. Những ca khúc: Đừng nhìn em như thế, Gần lắm Trường Sa ơi, Sắc màu tình yêu… được rất nhiều người yêu mến.
Tổ ấm là nguồn thơ vô tận của Lê Thị Kim. Nơi ấy, tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc được thể hiện rõ nhất. Nó là một khối sức mạnh tinh thần - vật chất giúp con người vượt qua mọi sự gian khó trong cuộc đời. Lê Thị Kim cũng đã từng sống trong một tổ ấm hạnh phúc. Dù đôi lúc, gia đình cũng gặp những điều không như ý muốn nhưng bên cạnh chị, luôn có người đàn ông gánh vác, lo toan. Chồng chính là chỗ dựa vững chắc và an toàn nhất cuộc đời chị. Chính anh cũng là người hậu thuẫn, tiếp sức cho chị tham gia sáng tạo nghệ thuật. Vậy mà, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chồng chị - anh Nguyễn Trọng Châu (nhà văn Đông Quân) lại đột ngột ra đi năm 1998. Lê Thị Kim hẫng hụt, bàng hoàng trước sự thật chua chát ấy. Chị nghiệm ra rằng: Hạnh phúc là thứ có thật trong cuộc đời nhưng nó cũng vô cùng chông chênh, không bao giờ như ý con người ta. Đến rồi đi bất chợt, nhiều lúc không thể ngờ, để lại trong lòng người bao hụt hẫng, mất mát và xót xa. Đặc biệt với một người phụ nữ có trái tim đa cảm và dễ tổn thương như chị thì khi gặp phải những bất trắc, nỗi đau ấy lại tăng lên gấp bội phần.
Lê Thị Kim cảm thấy hoang mang khi phải đối diện với thực tế đầy ảm đạm của chính gia đình mình: Em mong manh, em chỉ như chiếc lá/ Biết nhặt tia sáng nào khi mặt trời lên 
Về sự nghiệp thì Lê Thị Kim là người khá thành công. Nhưng về đời tư, chị lại mang nhiều nỗi đau, sự hụt hẫng lớn. Đó là những vết thương lòng khó lành theo năm tháng. Nỗi đau cứ âm ỉ, triền miên, giày vò trong chị. Người chồng đột ngột ra đi, chị như bị ném dưới vực sâu. Đó là nỗi bàng hoàng, chông chênh, chới với, mất phương hướng với một người phụ nữ lâu nay việc gì cũng chồng lo giúp. Giờ phải đối diện với một sự thật phũ phàng, sống trong cảnh mẹ góa, con côi. Trong khi đứa con trai thứ hai bị thiểu năng vận động không đi được. Chị biết làm sao bây giờ? Biết san sẻ nỗi đau này cùng ai? Lê Thị Kim vốn là một người mẹ thương con, một người vợ rất mực yêu chồng nên chị cố giấu nỗi đau ấy vào lòng.
Em vẫn nhìn anh/ Mênh mông là nhớ/ Chảy quanh lệ buồn/ Đành thôi/ Giấu tận đáy hồn/ Cho con khỏi xót/ Vở còn cầm tay/ Vì con/ Đi hết đường này/ Thôi đành số phận/ Cát bay lá mòn/ Mẹ như một cánh lá non/ Khi cha bặt vắng mẹ còn hư vô/ Vì con mẹ phải tự ru/ Thôi thì ráng nốt kiếp hư vô này.
Vì chị nghĩ, giờ đây cứ đau khổ, khóc lóc, yếu mềm thì cũng chẳng được tích sự gì, rồi ai là chỗ dựa cho các con? Và không khéo lại làm cho các con tổn thương về mặt tinh thần nữa thì lại càng đau hơn. Chị đành nuốt ngược nước mắt vào trong, một tay đảm đang lo toan mọi thứ…
Khi cuộc đời đã trải qua những khổ đau, Lê Thị Kim tìm đến thơ và họa như để gửi gắm nỗi niềm và lấp đầy khoảng trống hư vô… Với chị, làm thơ và vẽ tranh chính là cách để chị nương náu an toàn, bình yên và trong trẻo nhất.
Thực tế cuộc sống và những trải nghiệm của bản thân, nhà thơ Lê Thị Kim nhận thấy mọi thứ trong cuộc đời này đều là có thật, kể cả hạnh phúc và khổ đau.
Tôi áp hai cọng cỏ trong lòng bàn tay/ Chúng yêu nhau quấn quýt giãi bày/ Tôi tách rời hai tay không níu gọi/ Chúng buông nhau tàn úa rã rời.
Ngẫu nhiên và khách quan là những điều có thực/ Chúng tạo cho ta hội ngộ tương phùng/ Nhưng chúng cũng là điều có thực/ Gây tan lòng gây những cuộc chia ly
Cũng như xuân cứ đến lại đi/ Như hạnh phúc có ai ghì lại được/ Như ta đây cứ ngỡ ta là điều có thực/ Cái phẩy tay của trời ta đã hóa hư vô.
(Điều có thực)
Dù biết rằng đó như là quy luật tất yếu của tự nhiên nhưng nhà thơ Lê Thị Kim vẫn đau đáu một nỗi niềm sợ hãi về sự trôi chảy của thời gian, về những tai ương, bất hạnh có thể ập đến khi có “cái phẩy tay của trời”.
Như ta đây cứ ngỡ là điều có thực/ Cái phẩy tay của trời ta đã hóa hư vô
Bài thơ đặt ra nhiều vấn đề, nhiều những câu hỏi cho tất cả chúng ta, những người đang sống và đang từng ngày từng giờ đối diện với bao thực tế vui - buồn, hạnh phúc - khổ đau ở cõi đời này. Chúng ta phải chấp nhận những điều có thực ấy và cố gắng vượt qua, sống thật sự có ích, có ý nghĩa, sống trọn vẹn, tha thiết với tình yêu và cuộc đời.
Khao khát được sống và yêu khiến nhà thơ Lê Thị Kim có ý thức tận hưởng niềm hạnh phúc đó. Bởi Lê Thị Kim linh cảm rằng: Hạnh phúc - tình yêu đến rồi đi một cách chóng vánh, nó như là sự thách đố, trêu ngươi con người ta. Để rồi như “tôi” bây giờ cũng đang cô đơn lẻ bóng, một thực tế buồn đến nao lòng.
Tình xuân như chiếc cầu vồng/ Thoắt bồng bềnh hiện, thoắt bồng bềnh trôi/ Hạnh phúc/ Hạnh phúc như chiếc lá trời/ Thích trêu ngươi trước cuộc đời lặng trông
Mặc người ngóng cổ chờ mong/ Mặc người đón đợi, lá vòng vèo bay/ Thích ai/ Thích ai lá rớt vào tay/ Chợt nhiên không thích, lá bay về trời/ Như giờ/ Như giờ… tôi… chỉ mình tôi (Lá trời).
Khảo sát thơ của Lê Thị Kim, phần lớn chị sáng tác theo thể thơ tự do và thơ 5 chữ.
Thơ tự do của Lê Thị Kim viết theo một lối riêng và rất hiện đại. Dưới ngòi bút tài hoa của chị, thể thơ này có sự giãn nở về biên độ phản ánh và cấu trúc hóa nhạc điệu câu thơ. Hình thức thơ biến hóa linh hoạt, câu thơ uốn lượn một cách thoải mái theo cơn bão của cảm xúc tâm hồn, nhịp đập của trái tim.
Em đã buông rồi/ Nhưng tất cả không rơi/ Kỷ niệm vẫn bồng bềnh như sóng biển/ Sân trường cũ ... và ngày xưa hoa tím/Thoáng mưa buồn ... vài giọt thả long lanh 
Giọt nào anh/ Giọt nào em/ Giọt nào bão tố/ Giọt nào nụ hoa/ Giọt nào tình mộng/ Giọt nào tình xa 
Nước mắt vỡ òa/ Tan cơn mộng cũ/ Trời mưa thủ thỉ/ Em - về - với - Em.
Thơ 5 chữ phù hợp với việc giãi bày tâm trạng của con người, thường có tính chất tự sự. Nói cách khác, thơ 5 chữ thường kết hợp tự sự với trữ tình. Với thể thơ 5 chữ, nó có khả năng diễn tả đầy đủ dòng cảm xúc dạt dào của nhà thơ khi nhớ về những kỷ niệm của quá khứ, khi nghĩ về hiện tại và cả những dự cảm về tương lai. Ở thể thơ này, Lê Thị Kim đã tạo nên những vần thơ độc đáo mang đậm dấu ấn của một phong cách thơ riêng: phong cách thơ Lê Thị Kim. Như vậy, cùng với những vần thơ tự do diễn đạt tận cùng, linh hoạt các cung bậc cảm xúc, thơ 5 chữ đã trở thành thể thơ đặc trưng của Lê Thị Kim.
Những bài thơ 5 chữ của chị cấu tứ hết sức tự nhiên, hình ảnh, cảm xúc đến dễ dàng. Chuyện thơ đơn giản, hình ảnh thơ giản dị nhưng những vần thơ 5 chữ của thi sĩ Lê Thị Kim gây được hứng thú bởi nhạc điệu trữ tình. Cảm xúc, sự rung động tinh tế của tâm hồn làm cho hồn thơ Lê Thị Kim có dáng vẻ riêng, tự nhiên, thỏa mái nhưng không sa đà, giản dị nhưng không thô kệch; bởi tất cả những gì chị phản ánh đều có từ cuộc sống, có ý nghĩa với cuộc sống. Nhà thơ có sự kết hợp hài hòa cân xứng trong những câu thơ và toàn bộ bài thơ để diễn tả một cách sinh động, hiệu quả những cung bậc tình cảm.
Đôi cánh mày bé bỏng/ Sao mang nổi bầu trời/ Nhỡ mà kỳ giông bão/ Núp đâu chuồn kim ơi/ Luống cà sang luống bắp/ Với con chuồn chuồn kim/ Cũng xa bằng hai nước/ Biết đâu mà bay lên.
Chuồn kim ơi đừng sợ/ Những chú bé bắt mày/ Bởi thân mày quá nhỏ/ Bắt làm sao lọt tay/ Con chuồn kim màu chỉ/ Lặng lẽ khâu tháng ngày/ Vườn tôi đang rộng mở/ Tha hồ chuồn kim bay (Viết cho chuồn chuồn kim).
Ở thể thơ 5 chữ thường là sự dồn nén ở khổ thơ đầu và đến cuối bài thơ kết thúc một cách bất ngờ, vỡ tung sự dồn nén đôi khi táo bạo, và chủ đề của bài thơ vụt sáng. Kết cấu này xuất hiện nhiều trong thơ Lê Thị Kim. Chẳng hạn ở bài Xa mà gần là một ví dụ.
Ở khổ đầu: Ấm nóng giọt lệ tình/ Đậm hương mà trong vắt/ Vẫn giọt lệ nguyên tinh/ Không không mà sắc sắc.
Đến khổ cuối, kết thúc khá bất ngờ: Chỉ cỏ cây mới biết/ Mình trú ngụ nơi đâu/ Chỉ đất trời mới biết/ Tình mình thiên thu sâu.
Lê Thị Kim có nhiều bài thơ 5 chữ qua thời gian đọng lại trong tâm trí của người đọc như: Đừng nhìn em như thế, Khi tình yêu đến, Tình yêu không là gió, Anh có là mùa thu, Dốc vàng hoa quỳ nở, Khi chúng mình yêu nhau, Trái tim chỏng trơ, Viết cho chuồn chuồn kim, Ai níu mùa xuân đấy, Cùng tôi đi dạo, Nỗi nhớ sương đêm…
Lê Thị Kim đưa vào thơ của mình những hình ảnh so sánh, ẩn dụ mới lạ, độc đáo. Chị luôn nhìn tình yêu trong trạng thái luôn vận động. Có buồn - vui, khổ đau - hạnh phúc, bình yên - giông bão…
Tình yêu không là gió/ Chợt gần rồi chợt xa/ Tình yêu không là cỏ/ Mọc lan man thềm nhà 
Em có một tình yêu/ Mỏng manh như nhánh lá/ Em có một tình yêu/ Như sóng ngầm biển cả
(Khi tình yêu đến).
Bao con đường rộng mở/ Tình yêu làm cỏ may/ Đi qua là mắc nợ/ Gỡ ra xong lại đầy
(Cùng tôi đi dạo)
Ta như người làm xiếc/ Đi trên một sợi dây/ Mỏng manh
Hai bên là bờ vực/ Một hạnh phúc, một khổ đau/ Một rã đói/ Một đủ đầy
Ta chọn điều gì/ Giữa hai bờ vực ấy?!!!
Với những liên tưởng thú vị, đem đến cho người đọc bao cung bậc, sắc màu đa dạng của tình yêu, hạnh phúc và khổ đau.
Ấn tượng về thơ Lê Thị Kim đó là giọng đằm thắm,dịu dàng, buồn man mác khi chia sẻ nỗi lòng của mình. Thơ chị là những suy nghĩ, trăn trở trước cuộc sống và tình yêu. Nhà thơ Trần Hữu Dũng khi đọc thơ Lê Thị Kim đã có nhận xét đầy ấn tượng: “Thơ Kim như một cô gái cúi xuống vòm đời nâng một bông hồng tình yêu”.
Đọc thơ chị và lời nhận xét của Trần Hữu Dũng, tôi nghĩ rằng bạn đọc rất tinh ý và có lý khi gọi chị là nhà thơ của tuổi trẻ và tình yêu; với một nghệ sĩ đa tài như Lê Thị Kim thì tuổi trẻ và tình yêu sẽ theo suốt cả cuộc đời. Tuổi trẻ và tình yêu được hiện thực hóa bằng những đứa con tinh thần và cả trong đời sống thường nhật.
Nguyễn Văn Hòa
Theo http://vanhocquenha.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...