Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Đà Lạt và tôi

Đà Lạt và tôi
1- Mù sương
Nhiều lần đến với Đà Lạt, nhiều lần hồn tôi chơi vơi - có lẽ thi sĩ Hàn Mặc Tử là người đã có cách cảm nhận tinh tế nhất, trúng nhất vẻ đẹp huyền ảo thơ mộng xứ sở ngàn thông reo:
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
(Đà Lạt trăng mờ)
Đà Lạt cao nguyên mù sương gần như đồng nhất với tình yêu - trèo lên đỉnh Lang Biang nghe một câu chuyện tình thủy chung - Ôi! chàng K’lang và nàng H'biang “chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa” - qua thăm hồ Than Thở gặp một khúc bi ai “đồi thông hai mộ”. - Du khách ra về lòng dạ cũng đầy những mù sương…
Tôi chọn một chỗ ngồi ngoài sân Café thủy tạ nhìn sang phía đồi Cù- đường sá Đà Lạt loanh quanh tầng thấp, tầng cao buông xõa như suối tóc tình nhân - hình ảnh cỗ xe ngựa lóc cóc cuối chiều kéo thành một vệt mầu lam trên nền tranh sơn dầu rưng rức chi lạ - nhà thấp thoáng trong cây, phố thấp thoáng trong rừng - Nhìn toàn cảnh có thể nói đặt giá vẽ bất cứ góc cạnh nào ta cũng đều ghi được nét quyến rũ làm say lòng viễn khách. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1932-1973) tự bao giờ đã thả vào sương khói Đà Lạt giai điệu vời vợi mênh mang khúc ru tình bất tận:
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người ngại ngần, rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
 
(Ai lên xứ hoa đào)
“Màu hoa trên má ai”…- Stephen Leacock nói: ”Biết bao người đàn ông chỉ vì yêu một má lúm đồng tiền mà dại dột cưới nguyên cả một người con gái”- chắc tôi cũng vậy chỉ vì cái rám hồng màu hoa đào trên má ai mà chủ động “cưới “ luôn một trời Đà Lạt?
2- Hoa khôn – Hoa dại
ĐàLạt khí hậu ôn hòa dịu mát - hệ thực vật cỏ cây, hoa lá căng mọng, hăng sực chất trẻ... - Hoa khôn, mỗi “nàng“ một vẻ đài các kiêu sa làm đắm say lòng nhân thế. Trước hồng, ly, lay ơn, tulip, anh đào, cẩm tú cầu ….Tôi xin phép thay mặt loài người vô cùng cám ơn tạo hóa đã sản sinh, đã ban tặng, đã bỏ vào quả đất này những báu vật tuyệt vời.- Và sắc, và hương, và dáng vẻ hình hài, và sức hút kỳ diệu…, từ thuở khai thiên lập địa, các bạn đã trang điểm cho cuộc sống, đã “xui khiến” mọi người thêm yêu cái cõi bụi bặm này. Hoa dại khép nép, rụt rè bên đường, mồ côi trên những mái nhà, thu mình trong kẽ nứt của đá, nằm lặng lẽ dưới tán rừng thông như thể thoáng chút mặc cảm tự ti “Em là gái trời bắt hèn mọn”. Hoa dại ven lối đi - đồng thảo, dã quỳ, fortget me not, địa lan, me đất, bồ công anh, trinh nữ, mắt nai, bìm bìm, sim, mua, cúc nút áo, sen cạn…- vương víu chân ai, ngóng theo bóng người với ý nghĩ thầm: - em biết …?:
“Em biết lời yêu còn ở trong anh
Như ốc đảo xanh nằm trong sa mạc
Nhưng trước em,anh lặng im như cát
Chính điều này làm em yêu anh.” 

(Không đề - Lâm Thị Mỹ Dạ).
Hoa dại không lộng lẫy kiêu sa, nhưng thần thái, sắc màu hiền dịu của hoa có thể làm sáng rực một con đường, một khu phố... hay thậm chí một ngôi nhà cổ bỏ hoang. Như một niềm khát khao mãnh liệt, những sợi dây hoa khỏe khoắn vươn mãi, vươn mãi bao trùm không gian tràn đầy sinh lực..
Nhìn sâu vẻ hồn hậu của loài hoa dại, tôi chợt như bắt gặp góc khuất tâm hồn của chính mình còn bị thất lạc đâu đó bởi nhịp sống hối hả, bởi những toan tính bon chen đời thường - Hãy ngồi xuống đây, chạm tay nâng niu cánh hoa mong manh, thanh thản lòng mình hòa tan cùng thiên nhiên tạo vật.
3- Gặp hoàng hôn chiều cuối năm
Có một sự trùng hợp đặc biệt dịp cận tết Kỷ Sửu (2009), vừa nhận quyết định nghỉ hưu, tất niên chia tay đồng nghiệp THPT Gia Định hôm trước, hôm sau tôi đi chơi Đà Lạt. Trút gánh trần gian, người nhẹ như bóng bay - quy luật tuổi tác phải dừng thôi, dẫu là thánh cũng phải có thời 60! - Vẫn biết vậy song chiều cuối năm bỗng dưng diện kiến hoàng hôn của chính mình nơi núi rừng mù sương, lòng tôi se sắt…- Khóm Cẩm tú cầu trong sân chùa Tàu nhận tia nắng xiên xiên cuối chiều buồn bã nhìn tôi như thầm chia sẻ. Con dốc xoai xoải từ phía trên cổng Tam quan Thiên Vương Cổ Sát trút xuống lối vào dưới chân Đồi Rồng - lần bước trở ra xe, con đường với các bậc tam cấp nghiêng nghiêng đổ, thúc nhịp chân tôi tuôn nhanh...về phía năm cùng tháng cạn.
Đà lạt
thì thầm
chiều cuối năm như vực sâu hun hút
gã lãng du
dừng gót phiêu lưu
bên đồi xanh
tán lá kim
xa vời vợi
gió phóng khoáng
dưới lòng thung hú gọi
Đà lạt
chiều cuối năm bềnh bồng
tra gươm vào vỏ mênh mông cõi ngoài
Đà lạt
chiều cuối năm
tựa mây trôi lang thang
khắc câu thơ vào núi.
Langbiang - hoàng hôn lênh láng…
(PVT)
Nhiều lần lên thăm Đà Lạt, nhiều lần ra về tôi phải ghi “sổ nợ”…- mối tơ vương màu hoa đào.
Thông xanh đứng thẳng quanh tôi
Mặc sương gió dội trên đồi reo vang!.
Tháng Giêng  2009
PHAN VĂN THẠNH
Theo http://www.luanhoan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm 31 Tháng Bảy, 2023 Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tô...