Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Sang thu - Khoảnh khắc giao mùa mang hồn xứ sở

Sang thu - Khoảnh khắc 
giao mùa mang hồn xứ sở
Gió may nổi bờ tre buồn xao xác. Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây. Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác. Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay...
Sang Thu
Anh Thơ
Gió may nổi bờ tre buồn xao xác
Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.
Trên đê cỏ dựt diều sa đứt sợi,
Gã mục đồng chán nản lắng tai nghe
Trong thôn xóm hóa vàng nghi ngút khói
Gió vang âm tiếng trống cúng ra hè.
Bên bến nước đò ngang chưa ghé tới,
Khói lam chiều đã thoảng tiếng chuông vương.
Bọn chờ thuyền nhìn nhau đang sợ tối
Bỗng rùng mình như cảm thấy hơi sương.
Từ những năm ba mươi, thế kỷ trước trong làng văn chương đất Việt, đã xuất hiện một gương mặt lạ “Nữ sĩ áo trắng” đến từ “Bến sông Thương”, đó là nữ sĩ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh ngày  25-1-1921 và mất 14-3-2005 tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, quê quán thị xã Bắc Giang (nay là TP. Bắc Giang), tỉnh Bắc Giang.
Thơ ca Việt Nam xưa nay, đã có không biết bao nhiêu bài thơ viết về mùa thu, nhưng có lẽ sẽ chẳng ai biết mà lại quên được khoảnh khắc giao mùa trong bài thơ “Sang Thu “ của nữ sĩ Anh Thơ - một mùa thu nhẹ nhàng, nữ tính, trông qua như một cô thôn nữ mộc mạc mà sao lại đằm thắm khó quên!
Thiên nhiên vốn rất được ngưỡng vọng trong thơ cổ. Khi vào thơ mới nó có vẻ bị phôi pha một ít hào quang song dường như có thêm sức sống và đẹp hơn. Trong mối quan tâm của các nhà thơ hiện đại, cái cao cả đã đổi vị trí cho cái bình thường và do đó cái đẹp tượng trưng cũng đành nhường chỗ cho đời thực.
Điều nói trên đúng với  tất cả các nhà thơ lãng mạn 1932-1945 khi họ cảm thụ và diễn đạt về thiên nhiên. Riêng Anh Thơ, năng khiếu quan sát tinh tường đặc biệt cùng với những cảnh vật giản dị chốn thôn quê đã giúp bà dệt bao bức tranh giản phác, chân thực đầy gợi cảm.
Đọc thơ bà, người ta thực sự ngạc nhiên bởi những phát hiện có vẻ như chẳng có gì mới mẻ về bao sự vật quen thuộc quanh ta. Bài Sang thu này cũng vậy. Ngổn ngang bao nhiêu chi tiết tưởng như chẳng thể thành thơ được: “bờ tre”, “hoa mướp”, “chuồn chuồn”, diều “đứt sợi “, “gã mục đồng”, “bọn thợ thuyền”... Đó là chưa kể nào “tiếng trống”, “tiếng chuông”, cảnh “ thôn xóm hóa vàng nghi ngút khói”... vốn là của văn xuôi. Vậy mà khi đất trời mới chớm thu, tất cả bỗng phơi mở đời sống nội tâm đầy  bí ảnh của mình. Mà thực chất là nhà thơ đã khảm vào cánh chuồn kia một ít ngẩn ngơ vì “nhớ nắng”, khảm vào bờ tre kia cái nỗi “buồn xao xác” bởi trời nổi gió heo may, vào gã mục đồng một ít “chán nản”, vào bọn thợ thuyền một ít “rùng mình”, vào trong gió tiếng trống vang âm, vào trong khói tiếng chuông chiều… để tất cả, trong khoảnh khắc giao mùa mong manh, tơ mỏng của đất trời được bộc lộ những nỗi niềm thiết tha tội nghiệp. Ai gắn bó nhiều với thôn quê, đều có thể cảm nhận được cái hồn xứ sở rất đổi thân thương trong đó.
Nguyễn Văn Thanh
Theo http://www.baodaknong.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không khí se lạnh đầy xao xuyến, t...