Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Đầu xuân đi chùa Hương với Nguyễn Bính

Đầu xuân đi chùa Hương với Nguyễn Bính 
Chùa Hương xa lắm
Chùa Hương xa lắm, em ơi!
Đò giang cách trở... chịu thôi cô mình!
Câu này anh nói thực tình.
Anh đi thì phải cho anh mượn tiền.
Chùa Hương ví độ đường liền,
Anh xin điểm chỉ một nghìn ngón tay.
Để dành tấm áo mẹ may,
Để dành, em ạ! Đến ngày đôi ta.
Nguyễn Bính
Thi sĩ Nguyễn Bính (1918-1966) là nhà thơ chân quê. Thơ Nguyễn Bính và hình ảnh của ông đã đi qua và ở lại trong lòng bạn đọc với nhiều tình cảm tốt đẹp.
Khác với chuyến đi chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp được thể hiện là "Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa". Nhân vật chính (người xưng em trong tác phẩm) chép lại bằng thơ câu chuyện đi trẩy hội chùa Hương của mình. Câu chuyện được ghi lại theo thời gian, từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc chuyến đi. Bố cục "Thiên ký sự" giản dị, tự nhiên như không hề có sự sắp xếp bày đặt nào. Ta rất dễ hình dung: Từ sáng sớm, khi "hoa cỏ mờ hơi sương" thì em đã trở dậy cùng với thầy me để "vấn đầu soi gương" chuẩn bị cho chuyến đi. Gia đình em có ba người đi trẩy hội: Em đi cùng với me/ Me em ngồi cáng tre/ Thầy theo sau cưỡi ngựa/ Thắt lưng dài đỏ hoe… thì chuyến đi chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Bính kể ở đây lại là một chuyến đi không thành. Chuyến đi chùa Hương không thành ấy mà lại thành thơ, lại có chuyện? Thì thế mới là Nguyễn Bính.
Chuyện rằng, độ ấy là những năm 1940-1941, nhà thơ “hương đồng gió nội” của chúng ta chỉ mới khoảng ngoài 20 tuổi, nghĩa là còn khá trong trắng và khá điển trai. Thơ lại hay. Danh đã nổi. Phải mỗi cái tội… nghèo!
Có một tiểu thư Hà thành, tuổi cũng độ trăng tròn, yêu thơ chàng và đem lòng yêu trộm nhớ chàng. Tuổi nữ sinh đầy lãng mạn, nàng ước ao được sống trong hoàn cảnh của “Cô bé mười lăm” trong chuyến đi chùa Hương như thơ Nguyễn Nhược Pháp kể. Có điều nàng lắm tiền hơn, mạnh dạn hơn - giống như các “fan hâm mộ”  người nổi tiếng bây giờ - cô đã tìm cơ hội làm quen với nhà thơ.
Vào dịp đầu xuân năm ấy, nhân được mẹ mới may cho tấm áo nhung dài, mặc Tết, nàng muốn “diện” với chàng, với các bạn nam thanh nữ tú, bèn ngỏ ý mời chàng đi hội chùa Hương.
Vui mừng cảm động, nhà thơ trẻ đã toan nhận lời. Nhưng ngẫm nghĩ, chàng thấy ra: sánh vai trẩy hội với người đẹp thế ấy, sang trọng thế ấy, mà mình thì bộ cánh cho ra hồn thì chẳng có, lại chẳng có một đồng xu, thì đi thế nào!
Cuối cùng, ý thức tự trọng, lòng kiêu hãnh của tuổi trẻ cùng với tính bỡn cợt, hóm hỉnh rất Nguyễn Bính nhà thơ quyết định từ chối chuyến đi bằng “vốn tự có”, tức tài thơ, làm ngay bài thơ Chùa Hương xa lắm, để tạ từ.
Bài thơ đọc lại càng thấy thấm cái vị hài, vị hóm, sự thực lòng, chẳng chút màu mè và có hơi “ác khẩu” tí chút. Thế thì mới là Nguyễn Bính mà!
Bảo đâu bài thơ Chùa Hương xa lắm, Nguyễn Bính viết ra rồi, còn cứ giấu mãi, e nàng đọc sẽ giận, sẽ… “khinh” nghèo. Nhưng không. Bài thơ rồi cũng đến tay nàng. Đọc rồi nàng càng cảm mến nhà thơ trẻ tài hoa và kiêu hãnh. Như chúng ta đã biết, những mối tình đầu ấy của Nguyễn Bính chỉ là chuyện “không tiền khoáng hậu”, chẳng đi đến đâu, cũng chẳng còn gì. Nhưng phải chăng chính vì thế mà mãi còn Nguyễn Bính, mãi còn thơ!.
Nguyễn Văn Thanh
Theo http://tapchixuthanh.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...