Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Mấy cảm nhận về tập thơ "Mưa dắt ngang chiều" của Lâm Bằng

Mấy cảm nhận về tập thơ 
"Mưa dắt ngang chiều" của Lâm Bằng
Tôi có cảm giác tập thơ này Lâm Bằng muốn thể nghiệm cách viết của mình về cả nội dung và hình thức thể hiện. Về nội dung, anh không tập trung cho một chủ đề nào. Cảm hứng vấn đề gì thì viết vấn đề ấy. Hình thức cũng vậy, ngắt câu, ngắt chữ, xuống dòng không chỉ với thể thơ tự do mà với cả thể thơ lục bát. Điều này không mới, đã nhiều người làm nhưng Lâm Bằng sử dụng nhiều hơn, tập trung hơn trong tập Mưa dắt ngang chiều. Tôi cũng có cảm giác, tập Mưa dắt ngang chiều của Lâm Bằng hình như có hai cách viết: Một cách viết theo cảm hứng thi ca của một người làm thơ có tay nghề, có vốn sống, có nhãn quan của một nghệ sỹ từng trải; còn một cách viết theo kiểu phóng túng (hoặc bực dọc một điều gì đó rồi mượn thơ để giải tỏa), ít tính tu từ không chiếm được cảm tình của người đọc.
Tôi xin đề cập đến cách viết thứ nhất của Lâm Bằng. Cách này chiếm chủ đạo trong tập thơ Mưa dắt ngang chiều. Mở đầu cách viết này là bài Say:
Trăng
rớt ngọc
ảo huyền núi biếc
Cây lả lơi
chiều thắm gieo mùa
Thiêm thiếp đồng làng
cày gối vụ
Cây nhú mầm
say
lướt khướt sau mưa.

Bài thơ có mười dòng nhưng thực ra chỉ có bốn câu: Trăng rớt ngọc ảo huyền núi biếc/ Cây lả lơi chiều thắm gieo mùa/ Thiêm thiếp đồng làng cày gối vụ/ Cây nhú mầm say lướt khướt sau mưa. Bài thơ chỉ tả cảnh mà người đọc vẫn nhận ra niềm vui mãn nguyện của con người về bức tranh tuyệt đẹp của quê hương. Có điều ấy là do ba từ “say lướt khướt” được nhân cách hóa một cách hợp lý.
Cũng cách ngắt nhịp, xuống dòng ấy Trăng kinh thành lại nói về tâm trạng cô đơn, lạnh lẽo của người thiếu nữ nơi cung cấm ngày xưa:
Trăng kinh thành
Buông lạnh ngai xanh
Nơi viễn xứ
Chàng ơi...
Cô quạnh quá
Đêm hoàng cung
Giọt trăng
rơi

chã
Bệ ngọc đêm dài
thiếp
lạnh
giấc
nữ vương

Đối lập với Trăng kinh thành là bài Trăng nói về cách sống buông thả của những thiếu nữ nhẹ dạ thời kinh tế thị trường:
Mảnh hờ hững buông lơi khách trọ
Níu mà chi, Trăng thỏ thẻ tuổi rằm
Trăng mới nhú đã chật căng niềm ước
Khát khao
ngày
Tuột nút gia phong.
Không đợi tuổi
Sông nghiêng đến lạ
Bến chòng chành
Ngây ngất xiêm mao.
Muốn bung cả...
Mặc lời neo lễ giáo
Thế gian ngưng, lảo đảo cả trời sao.

Những con chữ, những dòng thơ như những giọt nước mắt đau xót của người lương thiện chảy ra, không giữ được người con gái ngây thơ, nhẹ dạ. Viết về tình yêu đôi lứa, về trai gái xuân thì, ngòi bút Lâm Bằng tỏ ra linh hoạt và có duyên:
Có đôi chút tình si bên mái lá
Nợ ríu ran cho suốt một mùa yêu
Hồn vía hỡi thẩn thơ về với hỡi
Có một tôi ngơ ngẩn với một chiều.

(Có một chút tình si)
Sông Hương chầm chậm cây say sóng
Cỏ giả lên môi nước ngược dòng
Em giận, lòng tôi thêm ẩn dật
Sóng về bên ấy có tôi không.

(Sông Hương đêm)
Tôi tạ lỗi dòng trôi biêng biếc nước
Tôi ngẩn ngơ khi tà thắm lướt ngang
Thì cũng đủ chiều ơi mong ngóng đợi
Nào ai hay đến gió cũng mơ màng...

(Chút ngẩn ngơ)
Chiều thả khói phải chi em cứ đợi
Cho lòng say cứ ngây ngất giao mùa
Cho tím biếc lòng thung hoa diếp dại
Em mơn man trong ngọn gió nô đùa.

(Giao mùa)
Kìa trăng ảo ảnh
Mơn man sóng
Kìa gió đông về lả lơi bay
Kìa mây hờn dỗi
Buông trễ nải
Tôi...
Với một tôi
Ngất nghểu ngày.

(Kìa trăng)
Giá cứ hẹn... cho xôn xao bến hẹn
Cho ngày xanh và lá cũng xanh hơn
Nắng cũng ngợp và cây... và cỏ lá
Cũng mơn man trong gió biếc ngỡ ngàng.

(Thì cứ hẹn)

Lãng đãng xuân thì men vừa dậy
Ửng hồng đôi má tuổi đương nhen
Vườn ai thấp thoáng đôi mi ướt
Ai bảo nhành xuân chẳng biết ghen.

(Lãng đãng xuân)
Phần thứ hai trong bài viết này tôi muốn nói về cách viết tự nhiên, ít tính tu từ trong tập Mưa dắt ngang chiều của tác giả Lâm Bằng. Đó là những bài: Làng tôi dựng lại ngôi đình, Cách đây hai ngày, Ngày, Dạ ký Noel 2010. Ở những bài này tác giả chưa dụng công lắm trong việc dùng từ. Nói cách khác, tác giả hơi dễ dãi, phóng bút. Cùng với sự dễ dãi này ở một số bài tác giả còn dùng từ Hán Việt làm cho câu thơ trở nên cầu kỳ, khó hiểu. Xin dẫn mấy câu:
- Thị giác nông phu (1) rờ rỡ
- Nước đồng ràn rụa hẽm sâu nước mắt nông phu

(Hoan ca đồng tháng mười)
- Cơ bắp nông phu bất chợt rệu rã
(Đồng sau bão)
- Ngư phu (2) túa ra
Chài, lưới, vó bè, vó tay... quờ quạng lòng sông như bầy  
kiến bâu vào vệt mỡ
- Cánh đồng làng tôi ngọn lúa loi ngoi mặt nước
ngư phu hớn hở
Chuyện tép tôm...

(Cánh đồng làng tôi mùa lũ)
Có bài đã dùng “Tự phu” lại còn mở ngoặc đơn ( ): Người - đẽo - chữ. Vậy sao không dùng luôn “Người đẽo chữ” và thay (Phu một) bằng người thứ nhất; (Phu hai) bằng người thứ hai; (Phu ba) bằng người thứ ba là những cụm từ thuần Việt cho dễ đọc, dễ hiểu.
Trong tập thơ này có những bài tôi không hiểu tác giả nói gì, như bài Những kẻ lang thang chẳng hạn. Phần Kẻ lang thang II tác giả viết: 
Mọi khôn ngoan đều là sự chạy trốn chính mình
Lời hoa mỹ vẽ son vương miện
Kẻ ba hoa mang nặng nợ
Người hành khất hiên ngang đi đòi nợ thế gian
Vua chúa và anh hùng
Những vương giả, quận công... những con nợ không cùng.

Phần “Vĩ thanh” của bài thơ còn khó hiểu hơn: 
Trút hoàng bào
Vua cũng như dân
Mỗi mảnh đời đều là kẻ lang thang.

Bài Tự phu (Người đẽo chữ) tác giả cũng viết kiểu như vậy. Xin chép nguyên văn:
Tự phu
(Người - đẽo - chữ)
(Phu một)
Lữ thứ
Gạch nối muộn mằn
Bạc phếch thời gian
Nhọc nhằn con chữ chạy đua sám hối.

(Phu hai)
Câu chữ nguệch ngoạc
Ngôn ngữ tha hương
Vãng nhân hý hửng lên đồng
Tự mãn bồng bềnh
hoan lạc.
(Phu ba)
Hiệu ứng bầy đàn
Xướng nhân tạp ngôn
Xướng nhân thoa son
Mỹ tự ông ổng thoát thai
Ngỗng, ốc... vểnh tai...

Có lẽ tác giả ấm ức, bực dọc về chuyện gì đó nên dùng thơ để giải tỏa chăng? Nếu đúng như vậy thì hoàn toàn không nên. Vì nó như những hạt sạn trong một bát cơm ngon.
Tuy nhiên, có những bài bình thường cả về tứ, về văn nhưng lại có những câu chiếm được cảm tình của người đọc:
Đời mẹ như nắng liêu xiêu
Dặm trưa chưa tới bóng chiều đã buông

(Mẹ tôi)
Hoặc nói về sự nhọc nhằn, vất vả của người cha đối với việc nuôi dạy con cái khi người mẹ của con đã qua đời, Lâm Bằng vận dụng rất thành công thành ngữ, tục ngữ người Việt:
Chát lòng vả, đỏ lòng sung
Đắm lòng cá chuối (3), dửng dưng bến người...
Lẻ buồm cha ngược dốc đời
Cau xanh một bóng nồng vôi thay trầu.

(Cha)
Hoặc nói về vẻ đẹp quyến rũ, sức sống mãnh liệt của phái nữ, thơ đề ảnh của Lâm Bằng có sức gợi nhưng không dung tục, thái quá:
Cây
Thắp lửa
Gió nhen xào xạc lá
Nợ nần chi nhành cháy đỏ tương tư
Chơm chớm nhú
chồi xuân
Rừng rực tuổi
Lãng nhân
Tình
Thờ thẫn
Bước
phiêu du

(Chồi xuân)
Tập Mưa dắt ngang chiều có nhiều bài khá, bài hay nhưng cũng có bài chưa thuyết phục được người đọc vì ẩn ý của người viết hoặc vì ngôn ngữ của bài thơ. Tôi tin rằng Lâm Bằng đủ sức vượt qua được những điều bạn đọc chưa thật đồng tình với tác giả trong tập này để những tập tiếp theo của anh sẽ hoàn mỹ hơn trong lòng bạn đọc.
(1) Nông phu: Nông dân.
(2) Ngư phu: Người đánh bắt cá, tôm tép.
(3) Tục ngữ Việt Nam có câu: Cá chuối đắm đuối vì con.
Tháng 6-2015
TRỌNG MIỄN
Theo http://tapchixuthanh.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cô nhỏ Trúc quan âm

Cô nhỏ Trúc quan âm Cách nhà tôi nửa cây số, về phía trái, là một trường tiểu học. Cách trường tiểu học này chừng trăm thước lại có trường...