Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

“Bến My Lăng” cảm tác

Bến My Lăng” cảm tác
Bến My Lăng - gợi lên hình ảnh phần kí ức bị thế giới hiện tại lãng quên trong sự thờ ơ vô cảm nhưng vẫn đọng lại âm hưởng nhẹ nhàng trong sâu thẳm của mỗi con người.
Xuyên suốt bài thơ là nhịp điệu từ từ chậm rãi, ngôn từ mộc mạc hiện lên một bức tranh của dòng sông bến nước có ông lái đò trên chiếc thuyền đơn sơ đang chìm đắm trong khung cảnh tịch liêu về đêm của riêng mình.
BẾN MY LĂNG - YẾN LAN
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Ông không muốn run người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.
Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng trăng,
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…

Mở đầu bài thơ là hình ảnh một chuyến đò đậu bờ bên kia trên bến My Lăng đang chờ đợi hành khách quá vãng để tiếp tục cuộc hành trình riêng của mỗi người.
Chèo đò - cái nghề bình dị, suốt ngày lênh đênh trên mặt nước làm cho ta hình dung một cuộc sống khó khăn và kham khổ. Thế nhưng, ông lão lái đò của Yến Lan lại cho ta cảm nhận được phong thái nhàn hạ và có cả sự biếng nhác, yên phận nhưng thêm phần sâu kín thảnh thơi. Thú vui của người xưa là lấy sách vở bầu bạn cùng chén rượu giao cảm đến trăng sao đối ẩm đàm thơ hay đơn giản là một mình uống rượu dưới trăng, trầm ngâm về cuộc sống sinh động trong nét điềm tĩnh ung dung. Ông lão cùng rượu và trăng gợi lên hình ảnh Lý Bạch thời xa xưa một mình một chén “ngẩng cầu nhìn trăng” trong Tĩnh Dạ Tứ và liên tưởng ngay đến khung cảnh “Cỏ hoa một bầu rượu, mà chẳng uống cùng ai. Nâng chén mời trăng sáng, soi bóng đủ tam hài” trong Nguyệt Hạ Độc Chước Kỳ Nhất.
Thế nhưng, Yến Lan thì lại “Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu. Trăng đầy vơi rơi vàng trên mặt sách. Ông lái buồn để gió lén mơn râu”.
Lý Bạch, một thân một chén, một trăng soi mình, nổi bật giữa trời đêm hoa mỹ mà cô quạnh dưới vầng trăng sáng, Trong khi Ông lão chèo đò thì thôi mặc, chẳng để ý gì đến rượu mồi cho thế sự hồng bôi. Ông như hoà quyện giữa đất trời, hoà quyện cùng dòng sông bến nước con đò cùng cảnh sắc đìu hiu đơn sơ của buổi đêm, nhưng hình dáng ông chẳng nhạt nhoà trong khung cảnh bao la. Cạnh ông còn đó là cuốn sách để mở được ánh vàng nhuộm màu theo vầng trăng đầy khuyết. Ông ngồi một mình như thế hẳn có điểm thú vị riêng, mà theo cách tâm thái thông thường, ông lái đò như đang chứa đựng nỗi ưu tư nào đó bên cạnh trang sách đong đầy năm tháng cuộc đời. Hình ảnh ông lão làm gợn lên nỗi cảm thông nên tự nhiên đã gửi làn gió phơ phất đùa nghịch chòm râu lốm đốm như an ủi, nhưng cũng có lẽ rằng gió lay lay chòm râu như để nhắn đến ông, mình đồng cảm với sự trầm ngâm của ông?
Trải qua năm tháng khuyết bồi, con người đa phần sẽ quý trọng tháng ngày nhàn nhã đang có của giây phút thực tại mà hầu như chẳng muốn điều gì quấy nhiễu cuộc sống êm ả để trầm ngâm trong thế giới riêng mình. Thế nhưng, công việc ông lựa chọn là đưa khách sang sông thì tránh sao khỏi sự văng vẳng bất chợt xen vào khung cảnh bình yên. Điều mâu thuẫn này được Yến Lan xây dựng để ẩn ý điều gì chăng? Ông lái có phải đã cạn bầu rượu và mang chút uể oải vì trải qua mưa nắng phù vân, cho nên ông:
“Tận cùng dài ngắn khi là
Ông trời sẵn sắp cho ta cả rồi
Sinh tử một chén rồi thôi
Làm sao hiểu thấu sự đời gian nan”
(“Cùng thông dữ tu đoản, tạo hoá túc sơ bẩm. Nhất tôn tề tử sinh, vạn sự cố nan thẩm.” - Đoàn Thẩm)
Nếu như vậy, ông lão có phải là đang chờ hay không? Hay ông đây giống với Khương Tử Nha thả câu trên dòng sông Vị? Hay là ông đã “Tam bôi thông tuế nguyệt, Nhất đấu hợp tự nhiên”, vì thế, trong mắt ông, phần còn lại của thế giới khi gần khi xa, còn ông cạn bầu rượu rồi “bay tận vầng trăng cao” (thả tu ẩm mỹ tửu, thừa nguyệt tuý cao đài). Có lẽ vậy. Cho nên, ông lão mới chẳng cần buông câu mà đắm chìm trong thế giới tịch nhiên nơi vầng trăng, nơi đầy vơi vĩnh cửu thường hằng của chân lý thực tại.
Bến My Lăng mang dáng dấp hoang sơ vắng vẻ, dưới ánh trăng vàng bị lớp mây trắng mỏng mờ che phủ lại càng toát lên nét buồn bã, đìu hiu, lại thêm phần lạnh lẽo khi những cánh lá vàng của những tán cây ven bờ theo gió rơi rụng trôi dập dìu quanh chiếc thuyền đang chớm mộng. Khi ánh mặt trời lắp mình đằng sau rặng núi, nhường lại cảnh sắc cho ánh chiều tà đang lăn đến trời đêm dần về khuya trong sương lạnh giá, một hình ảnh của chuỗi thời gian cùng không gian ngày càng như mở rộng đến vô biên dưới ánh trăng mờ ảo tưởng chừng như vô tận, dải tơ vàng từ phương xa sâu thẳm nối liền với nhân gian tựa như sợi mỏng manh đang vương vấn, cố níu kéo lại chút gì đó của thời đã qua. Từng sợi, từng sợi tơ vương tầng trời đang tìm kiếm nhưng lại tìm trong vô vọng bởi trừ bỏ trăng ra, bầu trời cũng chỉ có vầng trăng treo lơ lửng, chẳng gợn một vì sao, chẳng gợi một nét ý trả lời.
Buồn ư? Có lẽ. Nhưng cảm giác buồn chỉ đến khi con người đã lỡ làng và nuối tiếc nhưng khởi đầu vẫn là bất ngờ đầy hốt hoảng vì lỡ trôi qua lại chợt nhận ra một bến bờ chia cắt mà con người khi sinh ra tất phải trải qua để hoàn thành tiến trình khi khởi.
My Lăng. Đến đây, tôi chợt ngẫm lại rằng, My Lăng mà Yến Lan đang nói đến, một bến bờ trong tâm ý tác giả, tác giả đã dùng cách chơi chữ cả đồng âm lẫn luyến lái cùng nghĩa hán việt để ẩn nét cho My Lăng của mình. My Lăng – măng ly. Măng trong cổ ngữ tiếng Hán nghĩa là mộng mà ly là rời bỏ, ly tán, ly khai. Hay một cách khác, My đồng âm với mi, là ngươi, nhưng mi Hán ngữ còn có nghĩa là nơi cỏ rập ven bờ, sự ràng buộc, sự chia ly. Còn lăng là trải qua, vượt qua.
Đúng vậy. Hai cách tôi nạn phép giải nghĩa một lần nữa đã làm sáng tỏ toàn bộ bài thơ, một lần nữa khẳng định lại giả thuyết ông lái đò điềm nhiên thế sự, im lặng chờ đợi trong sự mặc nhiên vốn dĩ. Vậy thì Bến My Lăng là nơi con người nhân thế phải trải qua phần ly khai ảo mộng nơi phồn hoa phố hội mà tiếp bước cuộc hành trình kế tiếp trong chu trình vĩ lộ tự nhiên định hướng. Và ông lão lái đò đang chờ đợi để đưa những con người của thời điểm ngã rẽ nhân duyên.
Trong cảnh sắc trời yên tĩnh mịch mà thi vị của đêm trăng thanh vắng, bỗng có một chàng kỵ mã chớm độ làm máy động cảnh nhàn thư. Chàng trai khoác lên mình chiếc áo đã được tô điểm như nhúng cả mành trăng đẫm sắc óng ánh tựa màu ngọc lưu ly. Cả con người chàng toát lên dáng vẻ trong sáng, kiên định, vừa đến bến đò chuyển tiếp đang chờ ông lão quá chuyến sang ngang. Không chắc rằng chàng trai đi để cầu tìm hay là sự ly khai để trở về. Thế nhưng tâm trạng của chàng hằn lên trong tiếng gọi đò hối hả vì sợ rằng vầng trăng vội rơi khuất bóng thì làm sao tỏ lối đường chàng mong tiếp bước. Vậy hẳn là chàng ra đi để kiếm tìm, tìm cho chàng một con đường đến nơi vùng đất mờ xa nên cần một ánh trăng võ vàng dẫn lối. Rõ ràng chàng khao khác như vậy, cầu mong đến gấp gáp như vậy mà ông lão lái đò, lại hoàn toàn trái ngược, vẫn tiếp tục “say trăng, đầu gối sách”, vẫn yên tĩnh bàng quang mà thả hồn tắm tận ánh ngàn trên bến trăng cao, bỏ mặc chàng trai vang tiếng gọi như nhờ vả van lơn rồi dần dần đến oán trách vì sự trễ nãi con đường trăng lối, làm trễ nãi khác khao của chàng kỵ mã khoác mảnh lưu ly lần theo bóng trăng. Có lẽ rằng, nếu như chàng trai thư thả thong dong cất bước, ông lão hẳn đã sẵn sàng chờ đợi chàng ở Bến My Lăng và đưa chàng đến với con đường trăng tỏ.
Chờ mãi, mong hoài mà khách kỳ duyên chưa thấy đến để làm sinh động lại Bến My Lăng. Thế nhưng, ông lái đò vẫn điềm tĩnh chờ khách suốt bao trăng…
Khung trời một bến một mình ta
Một chuyến đò ngang đến chợt là
Ai – người sang bước đường my tỏ
Để gió cùng trăng vui với ta…
Ẩn Hạc
Theo http://bookhunterclub.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...