Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Vẻ đẹp bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh

 Vẻ đẹp bài thơ "Chiều" của Hồ Dzếnh
Đọc “Chiều” của Hồ Dzếnh, lại thương những chiều êm dịu trong ca dao, chiều tiễn đưa vời xa, quan san cách trở giữa Kiều và Thúc; chiều hoài vọng về kinh thành tráng lệ trong thơ Bà huyện Thanh Quan; những chiều nào thơ mới trần mặc, cô đơn. “Lòng nghe trọn mối sầu vạn cổ. Hồn thi nhân vương vấn mãi không thôi...”.
“Trên đường về nhớ đầy ...
Chiều chậm đưa chân ngày,
Tiếng buồn vang trong mây ...
Nhó nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây ...”.

Lối cũ ta về. Có phải vì đã chán những cảnh phù hoa giả dối, những đoạn đời nổi trôi, phiêu bạt, có phải con người cần một nơi bình yên để rửa sạch mọi u sầu nhân thế, nhà thơ tìm về chốn cũ. Không phải cái kiêu bạc Lý Bạch lúc cuối đời vẫn muốn ôm cả vầng trăng mà chết. Cũng không phải chốn đô phồn cát bụi, Đỗ Phủ giã từ về nơi an bằng. Sự trở về chiều ấy sao quyến luyến, sao thương, sao nặng tình làm vậy? “Trên đường về nhớ đầy”. Con đường gợi nhắc chuyện cũ đó chăng? Hay chạnh lòng thương vời cố hương xa?.
Chỉ biết có nỗi nhớ cứ như đầy mãi, ngân mãi mà thành thơ, thành niềm thương cảm. Con người ấy đã trở về, sẽ gặp lại những gì thân yêu. Một người mẹ sương nắng bạc đầu? Một vợ hiền tảo tần hôm sớm?. Đàn con thơ ríu rít quây quần? Vì sao mà nhớ, mà thương nhiều?. Nghe nằng nặng tiếng bước chân hoài vọng từ thời nào xưa cũ. Nguyễn Trãi từ bỏ danh lợi để về Côn Sơn vui thú sơn thuỷ. Nguyễn Bỉnh Khiêm về chốn non bồng nước nhược, xa lánh thị thành bon chen. Bà huyện Thanh Quan hay Nguyễn Khuyến - cha ông cùng nặng nợ thi nhân trong chiều nhớ?.
Cái buồn trong thơ mới, cái buồn của lớp thế hệ bị bỏ rơi, cô đơn trong những ước vọng cao vời. Thấy như hồn Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đồng hiện trong tiếng thơ Hồ Dzếnh. Phải chăng nỗi nhớ đã như là cây cầu tâm linh đưa về miền quá vãng?. Đọc câu thơ đầu tiên, nặng nợ thi nhân với cuộc đời. Dấu ba chấm như phút lặng ngừng, ta nghĩ suy về nỗi nhớ, niềm thương. Bao nhiêu tâm trạng gửi trọn vẹn trong những điều tưởng như bình thường ấy. Thương vẫn thương và nhớ vẫn mênh mang trong lòng.

“Chiều chậm đưa chân ngày,
Tiếng buồn vang trong mây ...”

Chiều hòa những mảng sáng, mảng tối. Một ngày lại qua đi. Trong dáng chiều lặng lặng, mây trôi về xa, hay cánh chim chiều bạt gió tìm về tổ ấm. Có dáng ai vội vã, cần một nơi nào ấm áp khi đêm về. Chỉ biết trong chiều u tịch, âm thanh vang lên chỉ một tiếng buồn. Như là vang trong mây, từ nghìn thước cao, từ bao la rộng, hay cả vũ trụ, đất trời đều hòa trong tiếng buồn. Thế mới biết nỗi nhớ đong đầy, thế mới hiểu hơn nỗi buồn sâu thẳm, tha thiết một nỗi niềm. Nếu chẳng phải là Hồ Dzếnh, thì làm sao nghe được âm thanh, như của thế giới siêu linh, siêu hình, mà lại như hiện hữu, như quấn quít, gần gũi. Những âm mở như là đưa mãi, đẩy mãi, đàn mãi nỗi nhớ, tiếng buồn ra cả không gian.
Hình như một tâm trạng, một nỗi niềm khiến cho chiều đi không bình lặng, chiều chầm chậm, nặng nề, ngân vang. Không hiểu sao đôi lúc trong chiều yên lặng, tôi cứ thoảng nghe như không phải tiếng rên xiết, thở than, mà hình như lại là thở than, là tâm tình, tiếng buồn của muôn thời, hay của một thời nào đó vọng về từ sâu thẳm?.
Nỗi buồn chiếm lĩnh vũ trụ, như nơi nào cũng có tiếng buồn, cũng nhớ. Và vì thế mà ở đâu có nỗi buồn, lại thấy một con người đi gom nhặt sợi hồn buồn, tơ hồn buồn đem về thả cả trong thơ. Mới chỉ ba câu thơ, đã động thấu tiếng vọng của bao nhiêu những ngày quá khứ. Có phải chỉ buồn chiều ấy, hay là buồn từ xa xưa, từ thời cô gái nhớ quê, thương mẹ “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”, từ thời “Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc”, Nguyễn Du thương đời Kiều máu chảy, thời Nguyễn Khuyến chán nản với thế cuộc đỏ đen. “Chiều” có một hương sắc riêng chính là vì đằng sau câu chữ, ta nặng lòng với một thời tưởng như đã quên lãng tự bao giờ.
Dòng thời gian cứ đi mãi. Chiều tan trên cánh chim bay. Cái sự quên, nhớ vào thời điểm này dường động thấu những rung cảm tha thiết, trở trăn. Nếu cứ mãi là ...
“Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?”

Nặng một cánh chim. Nhưng nếu đã từng thương cánh cò “phân vân”, ngập ngừng không bay vì còn mang những xao động trong hồn Xuân Diệu, sẽ thấy cánh chim này sống trong một chiều tâm trạng khác, bay trong một chiều cảm xúc khác. Hay vì nỗi nhớ, vì tiếng buồn làm cho chim rừng chợt quên, cứ ở lại mãi với mặt đất, với chiều mà không về với bao la sông núi?. Giữa không gian vang động chỉ âm thanh buồn cũng làm cho thiên nhiên biến đổi. Điều tưởng như hợp quy luật chim về tổ lại không hợp với quy luật tâm lý. Tưởng là vô tình, nhưng thực ra thiên nhiên cũng mang nặng tâm trạng. Thế nên có con chim quên về với bầy đàn. Và gió thổi nhưng trong trạng thái “say tình ngây ngây”.
Say chiều mà vậy, hay vì say trong cái say của lòng người. Hai chữ “ngây ngây” nói được rất nhiều, không chỉ là trạng thái cảm xúc, mà còn là hình bóng của con người ẩn hiện. Cánh chim vương mang, cơn gió vương mang nỗi buồn, cơn say nửa tỉnh nửa mê, chập chờn thức ngủ. Chắc là gió đi qua bao ngày mê mải qua bao thế hệ thi nhân, mà đến chiều ấy thì không còn là gió tự nhiên nữa, thành gió mang tâm trạng mất rồi.
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?

Cái sầu binh loạn chiến tranh?. Cái sầu tơ duyên giữa đường đứt gánh?. Cái sầu cô đơn lẻ bóng?. Hay sầu vương mang của những nhà thơ với cuộc đời?. Không biết buồn ấy, sầu ấy có tự bao giờ, chỉ biết qua lớp sử biên niên, vẫn không phai phôi, vẫn còn thao thức, trăn trở. Gửi vào chiều hồn của muôn thời, đời của muôn người, những số phận bi lụy, khổ đau. Xúy Vân, Cúc Hoa, Tiểu Thanh, Thúy Kiều cùng bao cô gái khác đang khóc ở miền nào không còn gặp, mà gửi chất buồn về, làm thành sầu vạn cổ?. Những ai đã khuất, những ai bây giờ còn lụy vương hai chữ quá vãng. Cứ tiếc, cứ nhớ và thương những điều xa vời. Cố hương còn ở xa, chiều về trong hiu quạnh, thế sự cô đơn cô độc những nỗi niềm cô đơn. Đáng buồn chăng và đáng tiếc chăng?. Để thành sầu vạn cổ, thành buồn trăm năm. Cứ thấp thoáng bóng dáng những kinh thành hoa lệ, vàng son, mà lớp thời gian đã phủ bụi quên lãng, Đau đáu hoài vọng trong thơ Bà huyện Thanh Quan:
“Lối xưa, xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Bóng chiều trùm lấp, rêu phong chốn vàng son, danh giá ấy. Chỉ biết tiếc nhớ, thế nên sầu ...
Vì chiều vắng lặng quá, cũng vì tràng giang mênh mang sông nước, dài rộng đất trời, mà con người cô đơn, nhỏ bé:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả ...”

Huy Cận buồn theo từng lớp sóng. Còn Hồ Dzếnh, buồn nặng theo từng cánh chim, từng cơn gió say tình.
Ai đó nói thi nhân là những người khóc mướn, thương vay. Nếu chẳng phải một tâm hồn nặng nợ với văn chương, thơ phú thì làm sao cảm nhận được trong mây cao có tiếng buồn vẳng đưa, trong hoàng hôn quên một cánh chim rừng, trong gió như lả lả theo tình say, tình nồng?. Và cũng chỉ Hồ Dzếnh, nhà thơ ấy trải cái buồn trong âm điệu mênh mang của vần “ây”. Cứ dài thêm, và sâu hơn nữa nỗi buồn, nỗi sầu. Câu thơ mới đọc thấy như vút cao lên, nhưng dường như lại nhẹ nhàng lơ lửng giữa bao la không gian, thời gian. Hai chiều không gian tâm trạng, thời gian tâm trạng đồng hiện trong chỉ ba từ “sầu vạn cổ”. Như thế mới thật kì diệu là bút lực của con người.
Sống cho hết phần đời của mình, đã gặp đủ chuyện buồn. Thi sĩ còn sống phần trời đất dành tặng, lòng không thể không trở trăn, nghĩ suy. Hồ Dzếnh vì thế chăng, ngỡ “Lòng mình là Rừng. Ngỡ hồn mình là Mây”. Để sống, để thương, để vương mang sầu cuộc đời.
“Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là Rừng
Ngỡ hồn mình là Mây”

Trải qua bao sương gió trong đời, người lữ khách - con của trời đất - Hồ Dzếnh không thể không nao lòng trong một chiều trở lại. “Mầu chiều” là màu sắc thực, hay là sự ánh xạ từ tâm trạng của con người?. Có giống với “Tương tư, chiều” của Xuân Diệu chăng?.
... “Không gì buồn bằng những buổi chiều êm
Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối
Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ ...”

Có thể không gian vắng, sầu uất kia là màu chiều? Hay là nắng? là gió? Hay cả những êm ái, ngẩn ngơ?.
“Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn”.
Một người mang nặng tình yêu với đời như Xuân Diệu, hồn nào khác một dây tơ xúc cảm hứng trọn lấy vang động của chiều, dù chỉ là những thoáng xao động của không gian, của thời gian, của tâm hồn. “Nghe ra ý vị và thơ ngây”, thương quá, cứ tự hỏi bao nhiêu mầu chiều, sắc chiều có thể làm vơi đi tâm sự đang chứa chất trong lòng nhà thơ. Là Rừng, là Mây, là rộng dài không gian, là cao vời thời gian, là thực, là mơ, là màu lại là bạc, là mặt đất cũng lại là vũ trụ, là đời thực mà cũng lãng mạn quá. Không thể rõ ràng ranh giới ảo ảnh và chiều. Trong cái bâng khuâng, phân vân, nặng lòng của cảm xúc, thì những điều không rõ ràng ấy nói được rất nhiều tâm trạng của con người.
Những điều ngỡ như, lại thêm một lần hòa vào những điều không rõ ràng của các câu thơ trước. Không chỉ thấy bao nhiêu quãng thời gian sống lại, mà cả thi nhân cũng sống lại rất nhiều với mình. Chiều trở về, lòng chất chứa niềm u cảm, sầu đến từ mây cao, từ vạn cổ. Lòng là Rừng, hồn là Mây để bay lên với không gian tâm tưởng bao la. Trong say say trời đất, làm sao con người có thể hoàn toàn rành mạch, tỉnh táo?. Thấy cả trời đất và con người đều say cuộc thế sự chung, nỗi buồn, nỗi sầu cho những điều tốt đẹp đã qua đi, đã chỉ còn là mộng ảo.
Không biết điều gì đã làm tôi chợt liên tưởng màu chiều trong thơ Hồ Dzếnh với màu thời gian trong thơ Đoàn Phú Tứ. Có phải vì cái ranh giới mỏng manh của thực tại và quá khứ, vì những rung động tinh tế của tâm hồn con người, vì những vương vấn của số phận con người.
“Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn vương
Hương thời gian thanh thanh
Mầu thời gian tím ngắt”.

Cũng có thể, màu tím thời nào kia, đã từng ẩn hiện sau màu chiều mang đầy tâm sự của con người. Làm sao không thương nhớ, làm sao không băn khoăn, trăn trở, khi hôm nay ta, người lữ khách, trở về?.
Ngỡ mình là tất cả không gian, ngỡ nỗi buồn ngoại cảnh và tâm cảnh hòa điệu thành vạn cổ sầu ... Sau bao nhiêu những mộng mơ, những phiêu lưu vào thế giới u huyền, con người tìm về với những dòng tâm sự:
“Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây”

Có nhớ, có sầu, có say, có tĩnh, những cảm xúc ấy vì đâu mà tha thiết, mà rung động? Vì nỗi nhớ nhà cứ ngập hồn mình, ngập hồn chiều mà tràn ra đầu ngọn bút. Hành động châm điếu thuốc, như một cây cầu bắc lại thế giới thực, ảo tưởng như đã bị hòa trộn, phá vỡ mọi ranh giới. Bình thường vậy, mà thành “khói huyền bay lên cây”.
Hồ Dzếnh đã từng viết “Khói xanh bay lên cây”. Nếu thay từ huyền bằng từ xanh ấy, có khác nào dẫm nát tòa lâu đài lung linh trong đêm ả Rập cổ tích? Dẫu có trở về với cảm xúc thực, thì màu thời gian ấy, vẫn vương vấn, vẫn ẩn hiện những điều huyền diệu, tinh tế.
Không chỉ là thứ khói của thuốc, mà còn là màu chiều, còn là hồn chiều, còn là sương chiều, là tất cả buổi chiều dồn tụ lại. Lấy ý từ hai câu thơ cuối này, tác giả đã từng đặt tên bài thơ là “Màu cây trong khói”. Chiều buồn, chiều sâu, nhưng không sâu nặng, không ý nghĩa. Chỉ là màu chiều, mầu huyền thôi sao?.
“Chiều” - Một từ ấy thôi mà nghe bao nhiêu tâm trạng, cảm xúc, và cả những huyền diệu trong trời đất thiên nhiên. Còn rung cảm, còn vang ngân. Chiều trở về trong nỗi nhớ đầy vơi. Nghe nằng nặng giọt nước mắt thầm khóc trong lòng. Trải bao vất vả ngược xuôi, có thể trên đầu đã hai thứ tóc, mới hiểu hết giá trị quê hương, mới thấm thía những bình yên trong ngôi nhà hạnh phúc của mình?. Dấu ba chấm đã hoàn chỉnh một chỉnh thể nghệ thuật, nhưng đủ sức gợi một tâm sự lớn.
Còn bao nhiêu điều đáng thương mến, bao điều nhớ nhung? Còn bao chiều đã từng mong ước trở về? Lữ khách Hồ Dzếnh trút bỏ bộ cánh phong trần, thuần hậu và trong trẻo một nỗi nhớ quê nhà thiêng liêng và da diết.
Chiều đến mỗi ngày như khách lạ. Gặp mỗi hồn người đều để lại những dấu ấn cảm xúc riêng. “Thơ phát khởi từ lòng người ta” nên dẫu là chiều, dẫu vẫn hoàng hôn, vẫn cánh chim bay về tổ, vẫn đám mây, thì đến thơ của mỗi người mỗi khác. Trước và sau Hồ Dzếnh, chiều đã in bóng không biết bao nhiêu trên mỗi khúc ly tan, mỗi dòng tâm trạng. Bài thơ “Chiều” của Hồ Dzếnh ngân vang một điệu sầu.
Không phải cái sầu mênh mang trong thơ Huy Cận. Cũng không phải cái sầu ý nhị, tinh tế, thoảng nhẹ trong thơ tình Xuân Diệu. Là cả niềm vạn cổ sầu theo bao lớp thời gian dồn tụ lại, bao tâm sự của ông ẩn hiện sau tâm sự một người. Bài thơ nhỏ nhưng âm vang của nó, tuy không làm “động trời đất” cũng làm vương vấn mãi tâm hồn người đọc. Có thứ hương thơm chỉ thoáng trong phút chốc, nhưng có thứ hương thơm chỉ quấn quít mãi thời gian. “Chiều” không rộn ràng, không ảo não, chiều thơm mãi thứ hương của hoa nhài, hoa huệ, thơm lâu, đằm sâu.
Trăm năm vô biên. Trăm năm khát vọng. Hóa đời mình vào thơ, Hồ Dzếnh đi về với cõi sinh tử luân hồi. Có con sóng nào ngoài biển lớn, gửi lòng nhà thơ trăn trở mãi với cuộc đời?. Trăm năm thời gian, một phần thơ cho thi nhân, cho “Chiều”. Không ước mình làm cơn bão lớn, Hồ Dzếnh chỉ nguyện làm con sóng nhỏ xô bờ tâm tư. Phải chăng?.

Theo https://baikiemtra.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...