Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Sợ hãi chỉ còn là quá khứ

Sợ hãi chỉ còn là quá khứ
Nếu người nào đó hỏi bạn: “Bạn sợ hãi điều gì nhất?” Bạn sẽ im lặng hay trả lời?
Có lẽ bạn sợ một chú sâu nhỏ bé, một loài bọ sát dễ thương, hay một thế giới vô hình mà bạn chưa hề thấy! Cũng có thể bạn sợ chết, sợ bệnh, sợ khổ, sợ cô đơn, sợ phản bội, sợ chia ly, sợ nơi hoang vu vắng lặng... Nhưng tôi biết một điều chắc chắn là bạn sẽ chẳng bao giờ dám trả lời thật lòng câu hỏi đó. Chỉ vì, bạn sợ! Bạn sợ không chỉ những điều mình đang sợ, mà còn sợ mọi người biết sẽ trêu chọc; sợ bị bẽ mặt vì xấu hổ; sợ luôn nụ cười hàm tiếu của những người lấy sự sợ hãi của bạn làm niềm vui. Vì vậy, bạn lại cố che giấu, giữ kín trong lòng. Vậy tại sao bạn không thử đối diện với sự sợ hãi của chính mình để vượt qua nó, thay vì mãi tránh né để suốt đời phải sống với sợ hãi? Sẽ có nhiều nguyên nhân đưa đến sợ hãi và cũng có nhiều cách thức để điều phục, chuyển hóa nó. Bạn có muốn vượt qua sự sợ hãi của mình không? Nếu có, bạn hãy cùng tôi đi chinh phục sự sợ hãi nhé. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nào! Ta cùng lên đường.
Hồi còn bé, tôi rất sợ một con vật mà khi kể ra chắc ai cũng tức cười. Đối với mọi người có lẽ nó đáng yêu, hiền lành chẳng làm hại ai. Nhưng với tôi là cả một nỗi ảm ảnh của ký ức tuổi thơ cho đến tận bây giờ.
Quê hương với tuổi thơ
Trước khi kể về sự sợ hãi của bản thân và phương pháp để chuyển hóa nó, tôi sẽ đưa bạn về với dòng sông ký ức tuổi thơ, nơi đã chôn giấu biết bao kỷ niệm của một thời đã trôi về dĩ vãng.
Nhớ lúc nhỏ, ba hay nhờ tôi vào rẫy để canh trộm, vì sắp đến ngày mùa có nhiều người quanh năm không gieo trồng mà vẫn thích đi thu hoạch trước và canh cả những đàn trâu, bò không cho chúng vào vườn dẫm đạp. Căn chòi nằm ngay giữa cánh đồng, nên rất thích hợp để đưa mắt quan sát mọi thứ chung quanh. Chiếc chòi được ba tôi lợp bằng lá, dựng trên một gò đất cao, rất thoáng mát, giống như một căn nhà lá được dựng bên một bãi biển nên thơ, lãng mạn, phóng mắt ra là thấy cả một biển trời mênh mông. Còn căn chòi của tôi, cũng không thua kém gì: nhìn ra là thấy cả một thảm màu xanh của những cánh đồng ngô kéo dài đến chân trời, nơi có các dãy núi trùng trùng điệp điệp; những cánh đồng lúa bạt ngàn đã ngả màu vàng chờ ngày gặt hái; những con đường làng quanh co, khúc khuỷu uốn mình trong những rặng tre; những chú bò đang vẫy đuôi hăng say gặm cỏ; những chú chim tự do cất tiếng hót yêu đời, múa lượn trên bầu trời bình yên; những làn khói lam từ bếp cơm chiều, bốc lên, len lỏi qua mái nhà tranh, uốn lượn, tạo nên dải lụa kết nối đất trời. Còn có những cơn gió chiều mang theo mùi hương ẩm ướt của lá cây, ủ mình trong đồng ruộng, pha lẫn mùi của cỏ dại, hoa rừng. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp nên thơ, mộng mị khiến chàng thi sĩ phải say mê quên cả lối về, và chú mục đồng có được phút giây an nhiên ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo, ngâm thơ. Đấy là quê hương tôi, thật thanh bình, yên ả.
Vào những ngày trong mùa thu hoạch, cũng thường rơi vào thời gian tôi được nghỉ hè. Nên từ sáng sớm, tôi và những đứa bạn cùng trang lứa, cùng nhau thi hành nhiệm vụ ba mẹ đã giao phó cho. Chúng tôi như những người chiến sĩ canh vườn. Vũ khí chúng tôi mang theo là một cái chằng ná dây thun, đeo bên mình một chai nước và camen cơm, lương thực cho buổi trưa. Đây là khoảng thời gian những đứa trẻ như tôi thích nhất, vì không phải nghĩ đến bài vở mà suốt ngày rong chơi. Mấy đứa chúng tôi xúm lại chơi đủ các trò dân gian như kéo co, cướp cờ, bắn bi, rồng rắn lên mây, ô ăn quan, trốn tìm... Cuộc chơi nào cũng có kẻ thắng người thua, lẽ dĩ nhiên là có luôn những cuộc cãi vã; chúng rượt nhau chạy tán loạn; đứa mạnh cười ngạo nghễ khi đánh thắng, đứa yếu khóc om sòm đòi về méc anh. Ấy thế mà ngày mai lại quên hết, vẫn vui vẻ tìm nhau cùng chơi tiếp. Khi chơi chán, mỗi đứa tự tìm về vương quốc riêng; cái chòi bây giờ lại trở thành một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi. Tôi nằm trên chiếc võng đu đưa, ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên và lắng tai nghe những thanh âm du dương của tiếng gió, thổi từng cơn ào ạt, lùa qua căn chòi làm cho nó rung rinh tạo nên âm thanh cót két; tiếng những chú ve kêu inh ỏi gọi hè; tiếng bé chim sâu ríu rít tìm mồi; tiếng ếch nhái kêu rôm rả dưới mương nước... mọi thứ như đang hòa quyện với nhau để tạo nên một bản nhạc giao hưởng đồng quê tuyệt vời.
Nếu người nào đó hỏi bạn: “Bạn sợ hãi điều gì nhất?” Bạn sẽ im lặng hay trả lời?
Bí mật sự sợ hãi trong tôi
Mọi thứ đang ở trong một quỹ đạo bình yên, êm đềm, xinh đẹp. Bỗng trên mái chòi, xuất hiện một con “quái vật”, nó biết chuyển đổi màu da, từ đen sang xám chuyển dần qua trắng. Cứ thế nó thay đổi sắc màu liên tục. Khi nhìn kỹ, tôi thấy ngón chân nó có màu đỏ như máu, cái đuôi ve vẩy, đôi mắt thì đang nhìn tôi chằm chằm. Người ta thường nói khi ở một mình, mà nơi ấy lại yên tĩnh quá, rất dễ suy nghĩ lung tung và bao trùm cả sợ hãi. Thú thật, trong tôi lúc đó hơi sợ; đang để mắt đề phòng con “quái vật”, bất ngờ nó lại nhảy xuống vồ lấy tôi. Một cảm giác hoảng sợ tột cùng, tôi vùng vẫy, đẩy nó ra khỏi người và cố gắng bật dậy chạy thật nhanh về nhà. Về đến nhà, mặt mày tôi tái mét, hốt hoảng, sợ sệt. Thấy thế, ba tôi vội vàng hỏi:
- Chuyện gì vậy con?
Tôi vừa khóc, vừa nấc, nghẹn ngào nói không ra tiếng.
Ba tôi thấy thế lo lắng lại hỏi dồn:
- Chuyện gì bình tĩnh kể ba nghe nào?
- Dạ...dạ...! Nãy... con... con ở trong chòi nghỉ trưa, con bị một con gì đó tấn công, nó vồ lấy con muốn ăn thịt. Kể đến đây tôi lại khóc thét lên. Vì sợ!
Ba ngồi xuống ôm tôi, xuống giọng hỏi tiếp:
- Thế nó ở đâu? Nó hình dáng như thế nào?
- Dạ nó ghê lắm. Nó cứ đổi màu da liên tục. Nó ở trên mái chòi. Nó có bốn chân, giống như con khủng long trong truyện tranh bữa ba mua cho con á.
- Thế nó lớn không con?
- Dạ nó không lớn lắm, bằng ngón tay cái của con thôi.
Chẳng biết khi ấy, ba tôi nghĩ gì mà chỉ mỉm cười, rồi nói:
- Thôi con vào tắm rửa rồi ăn cơm. Để ba vào rẫy đuổi con “khủng long” ấy đi cho con.
 Đứa em trai tôi, nãy giờ ngồi nghe kể. Nghe đến đoạn con khủng long to bằng ngón tay, nó ôm bụng cười sặc sụa: “Haha..ha... anh hai bị khủng long tấn công, mà khủng long chỉ bằng ngón tay cái, chắc là con thằn lằn rồi”. Điệu bộ nó vừa cười vừa lải nhải: “Anh hai sợ con thằn lằn, anh hai sợ con thằn lằn...em biết rồi nha!”, làm tôi tức điếng người. Mẹ phải nói ngăn: “Không trêu anh nữa, để anh đi tắm, ăn cơm”. Khi ấy, nó mới chịu thôi không nói nữa, nhưng ánh lên khuôn mặt nó là một nụ cười nham hiểm. Sau bữa hôm đó, tôi mới biết mình có đứa em “ngoan” khủng khiếp. Mỗi lần nó sai phạm gì, hay không chịu học bài, rất sợ tôi méc với mẹ; nhưng bây giờ nó không còn sợ tôi như lúc trước nữa. Nó ung dung, tự đắc nói: “Anh hai có sợ con thằn lằn không? Anh có muốn em bắt một con cho anh chơi chứ?” Trong túi nó luôn thủ sẵn một cái hộp và nuôi hẳn một con thằn lằn. Nó xem đó bảo bối để đối trị tôi. Chính vì thế, ký ức tuổi thơ tôi đã vẽ ra một trang mới, luôn là kẻ yếu thế với nỗi sợ hãi. (Tôi nghĩ khi đọc đến đây, bạn đang cười. Mà không sao, khi ấy tôi chỉ là đứa trẻ chín, mười tuổi nên không có gì là ngại cả. Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó đâu... ).
Khi lớn lên, tôi nghĩ theo ngày tháng sẽ không còn sợ nữa, vì đó chỉ là suy nghĩ dại khờ của một thời trẻ con. Nhưng không! Khi đã xuất gia, ở trong chùa tôi lại bị một phen chết khiếp với con vật ấy. Ngoài có đứa em hồi nhỏ rất “thương” tôi, nay vào chùa tôi lại có thêm một sư huynh còn tuyệt vời hơn. Có bao giờ sư huynh ấy tặng tôi thứ gì đâu. Thế mà đêm hôm ấy, sư huynh rộng rãi đem cho tôi một món quà. Sư huynh bước vào phòng tôi với nụ cười thân thiện:
- Sư huynh tặng đệ món quà này nè!
- Chà... hôm nay nhân duyên gì mà sư huynh tặng đồ cho đệ vậy?
- Không có gì hết, huynh nghĩ món này hợp với đệ, nên tặng đệ làm kỷ niệm.
Nói vừa xong, sư huynh nhét cái túi nylon vào tay tôi.
- Đệ mở ra xem ngay đi.
- Dạ! để lát đệ xem. Cám ơn sư huynh nha!
Tôi cũng tò mò không biết là thứ gì nên mở ra xem. Món quà được gói trong hộp rất đẹp, xé từng lớp giấy ra, một lớp, hai lớp, đến lớp thứ ba tôi mới mở nắp hộp ra được. Bất ngờ một thứ gì đó phóng lên tay tôi, một cảm giác mềm mềm, ướt ướt. Khi nhìn lại, cha mẹ ơi...! Lại là nó: “một con thằn lằn”. Tôi hét toáng lên, khiến cả khu Tăng xá đều nghe. (Tăng xá là nơi ở của những người xuất gia). Mấy huynh đệ phòng bên tưởng có chuyện gì, chạy qua xem. Khi biết chuyện, mọi người như đi dự tiệc về, được một trận cười no cả bụng. Có lẽ người cười lớn nhất vẫn là sư huynh chủ nhân của món quà kia! Ghét thật!
Khi dám trải lòng mình ra, để kể cho mọi người nghe điều bí mật về sự sợ hãi của mình, tôi đã có chút ít thay đổi trong suy nghĩ, nhưng không dám mạnh miệng nói là không còn sợ nó nữa. Tôi nói như thế là lừa dối chính mình và bạn cũng chẳng bao giờ tin điều đó. Mỗi người đều có tâm lo sợ nhiều hoặc ít; có người sợ chết; có người sợ cô đơn; có người sợ ma; có người lại sợ cả những con côn trùng như sâu, bọ, rắn, rết... Khi chúng ta đứng trước hoàn cảnh nguy hiểm hoặc biết trước sẽ xảy ra một biến cố, tai nạn nào đó, tâm lý sinh ra bất an, lo lắng dẫn đến lo sợ.
Nếu người nào đó hỏi bạn: “Bạn sợ hãi điều gì nhất?” Bạn sẽ im lặng hay trả lời?
Phương pháp chuyển hóa sợ hãi.
Vậy chúng ta làm thế nào để tiêu trừ nỗi sợ hãi? Có các nguyên nhân đưa đến sợ hãi và cách thức chuyển hóa sau:
1. Nếu trong tâm niệm ta suy nghĩ mình đến thế giới này, không phải để tìm cầu điều gì mà đến để giúp đỡ, che chở, bảo bọc, thương yêu, chia sẻ cho tất cả chúng sinh. Ta hãy tập mở rộng lòng mình ra để cảm hóa những người chung quanh. Khi chúng ta đi ban đêm thường rất sợ ma, liền niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc theo dõi hơi thở. Ta sẽ thấy tâm bình an, không còn lo sợ nữa. Hằng ngày, nhất cử, nhất động khi có mảy may công đức phước báu nào, ta hãy hồi hướng cho những người quanh ta và thầm nguyện: Tôi với bạn đã có mối lương duyên từ nhiều kiếp, nay mới có duyên để gặp lại, dù duyên ấy là thiện hay ác, thuận hay nghịch hãy để nó ngủ yên trong quá khứ. Nay tôi đã biết đến Phật pháp. Bạn hãy cùng tôi giúp đỡ lẫn nhau để tiến tu trong con đường học đạo. “Với hận diệt hận thù, đời này không có được. Không hận diệt hận thù, là định luật ngàn thu” (PC 05). Dù là loài hữu hình hay vô hình nhưng khi nghe những tâm niệm của ta như thế, họ sẽ từ từ cảm hóa và thay đổi. Khi ấy, nỗi sợ hãi trong ta sẽ vơi dần.
2. Thương yêu là chất liệu làm cho cuộc sống trở nên muôn màu. Khi ta nấu bữa cơm thương yêu, hãy thêm chút gia vị của sự lắng nghe, hiểu biết. Ta sẽ có ngay một mâm cơm ngon để chiêu đãi gia đình, bạn bè. Bữa cơm ấy sẽ tràn đầy hạnh phúc, sẽ không có mùi vị đắng chát, chua cay của hận thù và sợ hãi. Sợ hãi sẽ vắng bóng nếu ta biết nuôi dưỡng trái tim yêu thương và hiểu biết. Ví như ta rất sợ con bọ cạp. Nhưng một lần tình cờ, do trời mưa lớn, nước ngập cả cái gò mối, nơi tổ ấm của gia đình bọ cạp, ta thấy một con bò cạp mẹ cõng trên lưng là con bọ cạp con đang chạy trốn những dòng nước tử thần. Dùng tâm từ bi để quán tưởng, ta thấy được rằng: À... Thì ra con bọ cạp cũng đáng yêu đến thế. Nó chỉ là một loài bọ sát, mà tình mẫu tử quá thiêng liêng và cao đẹp. Nó dám hi sinh, chấp nhận sự vất vả, hiểm nguy để bảo vệ những đứa con được an toàn. Nó cũng ham sống sợ chết, như bao chúng sinh khác, thì cớ gì ta lại sát hại, hay sợ hãi chúng. Nó sẽ đáng yêu, dễ thương trong đôi mắt, suy nghĩ của những người luôn biết trải tâm từ bi. Khi ấy, sợ hãi một loài động vật, côn trùng, bọ sát, hay những vật có tánh linh chỉ còn là quá khứ. Mà ngự trị trong trái tim ta lúc này là một tình thương đến khắp muôn loài chúng sinh.
3. Kinh Đại Bát Niết Bàn, có nêu năm lợi ích của việc giữ giới. Trong đó, lợi ích thứ ba có nói người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát-đế-lợi, hoặc Bà-la-môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa-môn, người ấy vào với tâm không sợ hãi, không bối rối. Ví như một cư sĩ tại gia, khi giữ giới không sát sinh, sẽ không lo sợ bị báo thù, bệnh tật, tâm trí tán loạn khi lâm chung. Người giữ giới không lấy của người khác chưa cho sẽ không lo sợ bị cảnh sát bắt, chịu cảnh tù đầy, mất tài sản, vì theo vòng nhân quả khi trộm cướp của người sẽ bị người trộm cướp lại, gây bao oán thù đau khổ. Người giữ giới không tà hạnh trong các dục, sẽ không lo sợ tan vỡ hạnh phúc gia đình, sự phản bội. Người giữ giới không nói sai sự thật, sẽ không lo sợ mất đi niềm tin của mọi người dành cho mình, bị mọi người nói xấu hay xa lánh. Người giữ giới không dùng các chất say nghiện sẽ không lo sợ mất tự chủ đưa đến những việc làm sai trái; kiếp sau trí tuệ mê mờ, thiếu sáng suốt...
Trong kinh Tăng Chi, chương Năm Pháp, phẩm Nam Cư Sĩ, phần Sợ Hãi Hận Thù. Đức Phật có dạy: “Này Gia chủ, do duyên con người tạo ra các duyên: sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói sai sự thật, sử dụng các chất gây nghiện, hiện tại sinh khởi sợ hãi hận thù, đời sau sinh khởi sợ hãi hận thù, tâm cảm thọ khổ ưu. Người nào từ bỏ: sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói sai sự thật, sử dụng các chất gây nghiện, hiện tại không sinh khởi sợ hãi hận thù, đời sau không sinh khởi sợ hãi hận thù, tâm không cảm thọ khổ ưu”.
Vì vậy, việc giữ giới thanh tịnh sẽ góp phần cho ta sự tự tin, không phải lo sợ trước quần chúng, không sợ hãi hận thù và không phải trả quả báo xấu ở tương lai.
4. Kinh Tăng Chi, chương Bốn Pháp, phẩm Sợ Hãi, đức Phật có dạy:
“Này các Tỳ-kheo, vì sao sợ hãi là đồng nghĩa với các dục?Này các Tỳ-kheo, say đắm bởi tham dục, bị trói buộc bởi các tham ước muốn, ngay trong hiện tại không thoát khỏi sợ hãi, đời sau cũng không thoát khỏi sợ hãi. Do vậy, sợ hãi là đồng nghĩa với các dục”.
Con người do tâm tham muốn vô độ, không biết điểm dừng sẽ tạo ra cho mình những điều sợ hãi. Khi chưa có những thứ mình mong muốn sợ thua kém mọi người, sợ bị người chê bai, sợ bị người xem thường. Và khi đã có đầy đủ những gì ta cần có lại sợ mất mát do trộm cướp, sợ tổn hao do thiên nhiên bởi ông hỏa bà thủy, sợ con cháu tiêu xài phung phí... Người nào có đời sống giản đơn, ít muốn, biết đủ sẽ luôn có được sự an lạc của nội tâm, không bị tác động bởi ngoại cảnh và sợ hãi sẽ không còn cơ hội phát khởi. Như lời giáo huấn của đức Phật trong kinh Di Giáo: “Các thầy Tỳ-kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều, thì vì nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều. Còn ít ham muốn thì không cầu hồ, không dục vọng, nên không có cái họa đó. Chỉ có như thế mà thôi, sự ít ham muốn cũng đã phải thực tập, huống chi sự ấy còn đem lại đủ các công đức. Người ít ham muốn thì không dua nịnh quanh co để cầu được lòng người, cũng không bị các giác quan lôi kéo. Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thãi, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn”.
5. Kinh Trung Bộ tập 1, bài số 4 Sợ Hãi Và Khiếp Đảm. Đức Phật có dạy: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, thân, khẩu ý, tham dục, có ái dục cường liệt, có tâm sân hận ác ý, bị hôn trầm thụy miên chi phối, tâm không an tịnh, nghiệp không thanh tịnh, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, thân, khẩu, ý, tham dục, có ái dục cường liệt, có tâm sân hận ác ý, bị hôn trầm thụy miên chi phối, tâm không an tịnh, nghiệp không thanh tịnh, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên”.
Lại nữa, ta suy nghĩ như sau: “Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào nghi hoặc, do dự, hay khen mình chê người, sống tại các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước nghi hoặc, do dự, khen mình chê người những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên...”.
Thông qua bài kinh, đức Phật muốn nhắn nhủ đến hàng đệ tử, khi chưa chứng đắc quả vị A-la-hán thì không nên tin vào tâm của mình. Vì một người phiền não chưa dứt, nghiệp của thân khẩu ý chưa thanh tịnh, vẫn bị các tham dục chi phối, biếng nhác kém tinh tấn... thì người này tâm vẫn còn sợ hãi. Mỗi khi sợ hãi nổi lên, ta không cần phải tránh né, mà cần phải đối diện để chuyển hóa nó. Ở một yên tĩnh, vắng vẻ, hoang vu sẽ phù hợp với những người tinh tấn, ham tu, trau dồi giới đức. Nhưng ngược lại, sẽ là nơi đầy rẫy sự sợ hãi với những người lòng đầy tham dục, nghiệp xấu chưa đoạn trừ.
6. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật cũng chỉ ra những nguyên nhân đưa đến sự sợ hãi và phương pháp chuyển hóa:
Do ái sinh sầu ưu,
Do ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?"

Tham ái sinh sầu ưu,
Tham ái sinh sợ hãi.
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi.
(PC 212, 216)
Người xưa có câu: “Ái bất trọng bất sinh Ta-bà”, con người do lòng ái dục quá nặng nên đã bao phen chìm đắm trong biển khổ luân hồi. Nếu ta xa lìa được lòng tham ái, sẽ chẳng còn sợ hãi nào tồn tại, cũng không còn đau khổ. Hướng ta đến một đời sống an lạc, thảnh thơi, tạo tiền đề cho con đường giác ngộ, giải thoát trong tương lai.
7. Sinh diệt là lẽ thường nhiên vận động tương tục trong vòng xoay của tạo hóa. Vạn sự vạn vật, từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình đến vô hình không thể nào tồn tại mãi được mà do nhân duyên hợp thành, chỉ mang tính giả tạm. Khi nhân duyên hội tụ thì nó thành, khi nhân duyên hết thì nó tan rã. Thân người có được cũng do nhiều nhân duyên hợp thành, và đến một ngày nào đó nó sẽ tan ra, cát bụi lại trở về với cát bụi. Vì thân người giả tạm thì hà cớ gì ta phải sợ chết, sợ bệnh. Do cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia cũng diệt, nên sợ hãi cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Vì sợ hãi có là do nhiều duyên mà thành, khi duyên không còn, sợ hãi cũng tự biến mất. Khi dùng tâm quán sát được như vậy, ta sẽ chuyển hóa được sự sợ hãi của chính mình.
Nếu người nào đó hỏi bạn: “Bạn sợ hãi điều gì nhất?” Bạn sẽ im lặng hay trả lời?
Lợi ích của sợ hãi đến sự tu tập.
Ở một khía cạnh khác, sợ hãi không chỉ là một trạng thái tâm lý hoàn toàn xấu. Khi nhận diện được nỗi sợ hãi một cách rốt ráo, chân thật sẽ giúp ta phát khởi tâm Bồ-đề, củng cố đạo tâm, thấu suốt các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã... Vì vậy, khi ta ở một góc nhìn tích cực, sợ hãi cũng đem đến những giá trị lợi ích cho quá trình tu học.
Chúng ta sợ nhân bất thiện, sợ quả báo xấu, sẽ là bờ rào ngăn ngừa các nghiệp ác, để đưa ta đến con đường thánh thiện. Nếu người không biết sợ các pháp bất thiện, thì việc xấu nào cũng dám làm, nhân xấu nào cũng dám gieo và cuối cùng đưa đến quả xấu trong tương lai. Sợ hãi để biết hổ thẹn với chính mình. Như trong kinh Di Giáo, đức Phật đã dạy: “Các thầy Tỳ-kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ, dầu chỉ tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn không khác gì cầm thú”.
Chúng ta sợ sinh tử luân hồi, để nhận thức đời sống vô thường, thân người giả tạm, ngắn ngủi, một hơi thở vào mà không thở ra sẽ đi tái sinh kiếp khác. Cái chết như một bản án tử hình mà ai trong chúng ta cũng phải trải qua, không ai có thể tránh khỏi. Sợ cái khổ sinh tử như một đề mục giúp ta nỗ lực, tinh tấn, hành trì tu tập để thoát khỏi luân hồi, chấm dứt đau khổ, viên mãn Niết-bàn.
Lời kết: Sợ hãi chỉ còn là quá khứ.
Bạn đã cùng tôi đi một đoạn đường khá dài để hiểu về sợ hãi. Giờ này, chúng ta phải chia tay, để mỗi người tự đi trên con đường chuyển hóa sợ hãi của chính mình. Chúng ta không cần phải lẩn tránh, trốn chạy sợ hãi nữa, hãy đối diện để vỗ về, nâng niu, xoa dịu, ngọt ngào với nó. Không có gì đáng sợ, khi bản thân ta có đủ năng lực vượt qua tất cả sợ hãi. Tôi đã làm được. Tôi tin bạn cũng vượt qua được.
Trên bờ tường có hai con thằn lằn đang đùa giỡn với nhau. Chị thằn lằn nói nhỏ với anh thằn lằn: “Anh ôm em một cái được không nào?”. Anh thằn lằn yếu lòng nghe theo, dùng cả bốn chân để ôm chị vào lòng. Nhưng chưa ôm được, anh ta đã té lăn cù trên bàn tôi. Tôi không chạy, không la toáng như xưa nữa, mà chỉ nhìn, mỉm cười và nói với nó: “Có đau lắm không, sao mà dại thế, ôm cả bốn chân té là phải rồi”. Nó gật đầu trông mà tội nghiệp. “Thôi lên với vợ mày đi!”.  Nó thè lưỡi, vẫy đuôi chào tôi, chạy một mạch lên tường. Ôi! Sao mà đáng yêu đến thế...
Cao Tâm
Theo  http://www.chuahoangphap.com.vn/  


1 nhận xét:

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...