Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Hạnh phúc cuối con đường

Hạnh phúc cuối con đường
Trời nhá nhem tối. Từng bước chân vội vã đang cuốn theo dòng đời tất bật. Nhưng khác lạ thay, cũng đôi chân như bao nhiêu người, đang bước đi cho trọn kiếp con người, họ lại có được sự an nhiên, thảnh thơi như một chuyến dạo chơi: đến để rồi đi, không vướng bận điều gì. Vậy họ là ai? Và họ đã sống như thế nào để có được thành quả ấy? Hãy nghe những lời tâm sự của những người tôi sắp kể...
Câu chuyện ở hiện tại:
- Trời gần tối rồi, em lên xe anh chở về cho lẹ.
- Thôi anh ra trước đi, em đi bộ theo sau cũng được.
Giọng người đàn ông nhỏ nhẹ như năn nỉ:
- Lên xe anh chở nào.
- Đang leo dốc kìa, anh sẽ mệt đấy.
- Ừm... không sao đâu, anh chở em cả đời rồi, nay mệt chút ít, anh chịu được mà.
- Đường về nhà còn xa, anh để dành sức, lát về anh than mệt em không chở được đâu nha.
- Vậy em chịu khó đi bộ tí nha, anh ra trước sẽ chờ em ngoài cổng.
Tình cờ nghe được cuộc trò chuyện thật thân mật của hai người, tôi tò mò lén quay người lại xem ai cho biết. Vì trong tôi, thật ngưỡng mộ họ. Ở cái thời mà những cuộc trò chuyện luôn hiển thị trên màn hình chiếc iphone, ipad, smartphone... là những dòng tin nhắn cụt ngủn không đầu đuôi, hay những sticker, những ký hiệu của ngôn ngữ tuổi teen, thật khó để hiểu họ đang diễn đạt và nói với nhau điều gì? Nhưng vẫn còn đây, những lời nói, tiếng cười được thể hiện một cách chân thực bởi những người đang sống thật với chính mình. Tuy nghe những lời ấy hơi sến nhưng dễ thương đến lạ thường.
Thật bất ngờ, hiện ra trước mắt tôi, là một đôi bạn già. Chính họ đã nói lên những lời đầy ắp yêu thương đó. Ông chậm rãi dẫn chiếc xe đạp cũ kĩ, còn bà một tay phụ đẩy xe một tay xách chiếc giỏ trong ấy lộ ra hai cuốn kinh Phật và tấm áo tràng. Một hình ảnh thật đẹp, trong một buổi chiều tà, làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc - hạnh phúc vì thấy tình người ấm áp biết bao.
Tôi mỉm cười cúi chào họ và hỏi thăm:
- Dạ thưa hai bác! Hai bác đi chùa về ạ?
Hai ông bà nhìn nhau, ánh mắt của bà như hối thúc ông trả lời câu hỏi của tôi. Còn ông cứ thung thăng như kẻ nho sĩ vừa hớp ngụm trà vừa gật gù cái đầu, không gì khiến ông phải vội vàng:
- Mô Phật, thưa thầy, hai vợ chồng tôi nay vào chùa tu một ngày, giờ tranh thủ về kẻo trời tối không thấy đường.
- Thế hai bác đi chùa đã lâu chưa?
- Vợ chồng tôi đi được chín, mười năm rồi. Từ khi con cái trưởng thành, nó đi lấy chồng lấy vợ. Trong nhà chỉ còn mỗi hai vợ chồng, mỗi ngày ra đồng kiếm bó rau, con cá về cũng đủ hai bữa cơm canh đạm bạc, không phụ thuộc vào con cháu, vì chúng nó còn nghèo lắm thầy ạ. Vợ chồng tôi nghĩ, mình còn sức khỏe, không nên làm gánh nặng cho con cháu. Và nhờ thế mà vợ chồng tôi mới rảnh rỗi đi chùa thầy ạ!
- Dạ con thấy hai bác thật hạnh phúc. Nay con cái đã trưởng thành, không phải bận tâm nhiều, lại còn biết đến chùa tu tập, quả thật là một phước duyên lớn.
- Đi chùa là vợ tôi dụ tôi đi đó thầy ơi. Tôi đâu có muốn đi, nhưng do vợ không biết đi xe, nên tôi phải nai lưng ra làm tài xế không lương đó chứ. (Ông vừa nói vừa nhìn sang bà mỉm cười). Nhưng đi tu được vài lần, tôi ghiền luôn. Hễ chùa có khóa tu, lễ sám hối, hay những ngày lễ lớn là tôi và vợ đều tham dự.
Nãy giờ bà im lặng chỉ nghe ông nói. Nhưng khi ông chồng vừa dứt câu nói trên thì bà vỗ nhẹ vai ông: “Ơ... nhờ em dụ nên có người mới bỏ được rượu chè, anh không biết cám ơn, lại còn nói xấu! Em cũng đâu cần anh chở, do anh tình nguyện mà”.
Ông bật cười sang sảng.
- “Ừ, thì anh cám ơn em!”
Tạm khép lại nụ cười, ông quay lại nhìn thôi nói tiếp:
- Thôi, vợ chồng tôi xin phép thầy đi về kẻo muộn. Xin chào thầy.
- Dạ hai bác về thong thả. Con chào hai bác!
Cuộc trò chuyện qua lại chỉ mấy câu, nhưng đã để lại cho tôi bao dư âm để chiêm nghiệm về giá trị của cuộc đời. Gió chiều lồng lộng thổi qua mọi ngõ ngách của con đường. Nắng đã tắt từ lâu. Hai vợ chồng già từng bước ra khỏi cổng. Tôi dõi mắt nhìn theo bóng dáng hai người đang nhỏ dần nhỏ dần và mất hút trong những tia nắng còn sót lại của buổi hoàng hôn. Họ đã ấp ủ một niềm hạnh phúc, mà nơi gần cuối đường đời mới gặp nhau. Đó là biết đến chùa học đạo, chuyển hóa thân tâm, hướng đến một tương lai tươi sáng.
Hình ảnh đôi vợ chồng già cùng đến chùa tu tập, làm tôi gợi nhớ đến một câu chuyện thuở quá khứ, thời đức Phật Dìpankara cách đây khoảng chừng bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Câu chuyện này được đức Phật Thích-ca kể lại:
Thuở ấy, có một chàng thanh niên Sumedha xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn danh vọng, cao quý, đầy quyền lực và tiền của. Bẩm tính thông minh, nên ngay khi còn tầm bé chàng đã vượt trội hơn mọi người. Khi trưởng thành, chàng là một người khôi ngô tuấn tú, sở học uyên bác, thông tuệ các giáo lý. Vì vậy, Sumedha luôn trở thành tầm ngắm của biết bao thiếu nữ say mê, muốn chiếm hữu. Nhưng chàng lại cự tuyệt tất cả những thú vui của thế gian. Sau khi cha mẹ qua đời, chàng đã thực hiện cuộc cách mạng để thay đổi cuộc đời mình. Chàng đã bố thí tất cả tài sản cha mẹ để lại cho những người nghèo khổ, cần sự giúp đỡ. Chàng đã thể hiện một sự viễn ly vĩ đại, để trở thành đạo sĩ bần hàn, an cư nơi núi rừng tịch tĩnh. Tuy cuộc sống cơ hàn, khát uống nước suối, đói ăn trái cây rừng, nhưng nhờ tinh thần tu tập tinh chuyên, đạo sĩ đã đắc bát định và ngũ thông sau những tháng năm ròng rã cần khổ. Tuy nhiên, cái sở tu mà đạo sĩ đạt được vẫn là một dấu chấm hỏi, vì nó chưa thể giải ra bài toán phiền não, đau khổ mà chàng đang gút mắc.
Một hôm, khi xuống núi để hành đạo, chàng đạo sĩ Sumedha đến thành phố Rammavàti thấy dân chúng ở đây náo nhiệt, xôn xao hơn mọi ngày. Hỏi ra mới biết, mọi người đang háo hức đón tiếp đức Phật và chư vị thánh Tăng. Nghe đến danh từ Phật, tâm chàng như bừng tỉnh, chấn động đến mãnh liệt, như có động lực nào đó thôi thúc chàng phải tìm về với Ngài cho bằng được. Chàng nghĩ: “Chỉ có đức Phật mới làm cho ta sáng tỏ những ẩn số mà mình còn vướng mắc trên tiến trình tu học”. Ngày mà đức Phật ghé thăm thành phố, dân chúng tập trung hai bên đường rất đông để đón chào Ngài. Để thể hiện lòng cung kính dâng lên đức Phật, dân chúng có người thì tung hoa; có người dùng những vải, lụa sang trọng để lót đường Ngài đi; có người lại chuẩn bị những vật thực nào là những mâm trái cây, những nắm cơm vắt trắng ngần nóng hổi để dâng lên cho Ngài thọ trai...
Nhìn chung quanh, thấy ai cũng có lễ vật để dâng lên cho Phật, chàng suy nghĩ: “Lần đầu tiên đến gặp thỉnh giáo với Ngài ta chẳng lẽ đến tay không!”, chàng đưa mắt để tìm kiếm trong dòng người đang đổ về thành phố mỗi lúc một đông, xem có thứ gì mà chàng có thể dâng cúng cho đức Phật. Trong đám đông ấy, chàng chợt nhìn thấy một thiếu nữ Bà-la-môn trên tay đang cầm tám bông hoa sen. Để đáp lại ánh mắt của chàng đạo sĩ, cô gái xinh đẹp, diễm lệ cũng đưa mắt nhìn chàng say đắm. Hai ánh mắt mãi nhìn nhau, như hai tinh minh đang hút lấy nhau, như thế giới này đang nhỏ dần lại, như không gian này chỉ dành riêng cho hai người! Cô gái tên là Sumittà, với cái nhìn đầu tiên về chàng đạo sĩ, đã cảm mến ngay. Con tim của nàng lúc này không chịu sự kiểm soát của lý trí nữa, nó tự làm cái việc riêng của nó mà không hỏi ý kiến ai, cứ vẫy vùng, nhảy múa rạo rực.
Chàng đạo sĩ cố giữ lại sự điềm tĩnh và ngỏ lời với cô gái:
- Chào nàng, ta là đạo sĩ Sumedha. Hôm nay đến đảnh lễ đức Thế Tôn, ta muốn học đạo giải thoát của Ngài, nhưng không có gì để dâng lên cho bậc giác ngộ. Ta thấy trên tay nàng có những bông hoa sen, không biết nàng có thể nhường cho ta năm bông được không. Nếu được, ta sẽ rất mang ơn nàng suốt đời và ta hứa sẽ làm tất cả những gì nàng sai bảo xem như trả ơn.
Sumittà cúi đầu im lặng hồi lâu, cuối cùng nàng cũng lên tiếng:
- Chàng ơi, không biết vì duyên nợ nào của tiền kiếp mà ngay từ ánh mắt đầu tiên, thiếp đã cảm mến chàng ngay. Chàng không cao sang, lộng lẫy như những người đàn ông trước đây thiếp đã gặp. Trên người chàng chỉ khoác lên mình chiếc áo từ vỏ cây kết lại, nhưng lại toát lên khí chất của một người đầy kiêu hãnh và thanh cao như thách đố mọi đức hạnh của trời đất, như xem thường tất cả tối tăm và xấu ác của thế gian. Và thiếp đã rung động trước chàng. Thiếp muốn tặng những bông hoa này cho chàng, nhưng với một điều kiện...
Sumedha im lặng như đang dõi theo những gì nàng nói.
- Nếu chàng hứa với thiếp là trong kiếp này và những kiếp ở tương lai thiếp được làm vợ của chàng mãi mãi thì thiếp sẽ tặng chàng năm bông hoa để chàng dâng cúng bậc giác ngộ.
Nói xong, đôi má của Sumittà ửng nắng hồng trong e thẹn. Chàng đạo sĩ chần chừ hồi lâu rồi lên tiếng:
- Nàng là cô gái rất dễ thương và chân thật. Mới gặp lần đầu, ta đã cảm mến nàng ngay. Nhưng ta là người có chí hướng đến đời sống giải thoát, làm sao có thể sánh đôi cùng nàng được đây? Và khi có vợ ta sẽ bị ràng buộc, làm sao có thể tự do đi tìm đạo được?
Nàng Sumittà nói tiếp:
- Chàng cứ hứa với thiếp đi. Thiếp nguyện với lòng rằng mỗi khi chàng muốn ra đi tìm đạo, thiếp sẽ không ngăn cản, trái lại sẽ toàn tâm toàn ý giúp đỡ để chàng sớm được thành tựu.
Nghe Sumittà nói như thế, chàng đạo sĩ Sumedha mỉm cười, vui vẻ đồng ý.
Cô gái đưa cho chàng đạo sĩ năm bông hoa, cả hai cùng nắm tay nhau đi đến dâng cúng đức Phật. Khi những bông hoa được dâng cúng cho đấng giác ngộ xong, chàng đạo sĩ chắp tay trang nghiêm phát nguyện: “Xin nguyện công đức lành của ngày hôm nay, mai sau con sẽ đắc thành quả vị Chánh Đẳng Giác và sẽ đem lợi ích an vui đến cho mình, cho chư thiên và loài người”. Nàng Sumittà đứng nép sau lưng chàng cũng thầm cầu nguyện: “Con nguyện đời đời kiếp kiếp luôn ở bên chàng, luôn đồng cam cộng khổ, luôn ủng hộ, giúp đỡ cho chàng sớm thành tựa đạo quả”.
Kể đến đây, đức Phật hướng tâm nhìn về công nương Yasodharà. Giờ đây Yasodharà cũng trở thành một Tỳ-kheo Ni mẫu mực trong hàng đệ tử của Như Lai. Đức Phật nói tiếp:
- Nàng Sumittà trong quá khứ chính là Yasodharà, còn chàng đạo sĩ Sumedha chính là Như Lai đây. Không những ở những kiếp quá khứ, mà Yasodharà ngày nay cũng luôn âm thầm giúp đỡ Ta hoàn thành sở nguyện. Ngay trong đêm Ta rời bỏ kinh thành, nàng đã tinh ý biết tất cả mọi ý định của ta. Nàng đã nằm ngủ. Nhưng Như Lai biết, nàng chỉ giả vờ nằm thôi, vì Yasodharà chưa bao giờ ngủ mê đến đỗi không hay biết gì cả! Chính nhờ đức hạnh hy sinh, luôn âm thầm giúp đỡ của Yasodharà mà ta mới sớm thành tựu đạo quả như ngày nay. Ta thật biết ơn Yasodharà. Nàng là một bậc thiện tri thức của Ta. Kể đến đây, đức Phật lại mỉm cười nhìn về Yasodharà ánh mắt đầy trìu mến.
Công nương Yasodharà cũng mỉm cười, xen lẫn dòng nước mắt tuôn ra vì hạnh phúc: “Không có gì giấu được Ngài, xưa vẫn vậy và nay vẫn thế”.
Ở đời, tiền bạc và danh vọng không phải là những thứ quý giá nhất trên đời. Tiền bạc và danh vọng có thể sáng vào cửa trước, tối ra cửa sau, vội đến vội đi không bền vững. Nhưng sự hiểu biết và lòng thương yêu mới thực sự quý nhất trên đời. Nếu có được hai chất liệu ấy, thì con người sẽ luôn sống trong hạnh phúc. Chàng Sumedha và nàng Sumità đã sống hạnh phúc với nhau trong nhiều đời nhiều kiếp là nhờ hai người có được sự hiểu biết và lòng thương yêu. Hai người luôn bên nhau, cùng thương yêu hiểu biết và cùng giúp đỡ tiến tu trên con đường giải thoát. Quả thật hai người như một tấm gương sáng cho thế nhân học tập; là một đôi bạn đồng tu cùng giúp nhau thăng hoa trên lộ trình giải thoát, khiến chúng sanh phải cúi đầu quy kính.
Quay lại hiện tại, hình ảnh đôi bạn già tìm được niềm hạnh phúc khi cùng đến chùa tu tập. Họ đã may mắn hơn rất nhiều người. Bởi con người từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt, buông tay cứ mãi lo toan, bận rộn đủ bề. Lúc còn bé lo học hành, lớn lên xây dựng sự nghiệp, lập gia đình lại trở ngăn vì vợ vì con. Cả quãng đời thanh xuân họ đã hy sinh cho con cái, ngỡ tưởng mai này chúng lớn lên sẽ có được phút giây thảnh thơi, an lạc. Nhưng không! Hết con rồi lại cháu, họ vẫn bộn bề, ràng buộc bởi đồng công mối nợ. Thử hỏi có bao nhiêu người thức tỉnh để tìm lại với chính mình? Chúng ta hãy chính là hóa thân của nàng Sumittà, cùng giúp đỡ, ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho những người quanh ta được bén duyên với Phật pháp, được đến chùa tu học. Ta không nên tạo ra mọi chướng duyên, nghịch cảnh để cản bước người tìm cầu chân lý giải thoát. Chúng ta đã không thể đồng hành cùng những người thân yêu tu sửa thân tâm, vun bồi phước đức, thì đừng nên làm cho hạt giống bồ đề của họ khô héo, úa tàn.
Đã qua cái thời với quan niệm sai lầm “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Ông bà, cha mẹ hãy là chiếc cầu nối để con trẻ biết đến Phật pháp. Vì đến chùa học đạo không chỉ dành riêng cho người lớn, mà cho tất cả mọi tầng lớp, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo, chủng tộc... Hãy cùng nhau dìu bước để mở toang cách cửa Phật pháp. Đúng như tinh thần “tự lợi – lợi tha”, đem lợi ích đến cho mình và cho tất cả chúng sanh. “Tre già măng mọc”, nếu những người đi trước không hướng dẫn, đưa lối chỉ đường cho con trẻ, thì khi tre già ngã xuống, búp măng kia sẽ trở nên chơi vơi, lạc lõng giữa dòng đời.
Viễn cảnh ở tương lai, vào một ngày nào đó, nơi cuối con đường mang tên hạnh phúc, hình ảnh hai ông bà nắm tay nhau đến chùa, đứa cháu nhỏ chạy lẽo đẽo theo sau: “Ông ơi, bà ơi! Chờ cháu với, cháu muốn đến chùa để cúng dường Phật mấy viên kẹo và xem Phật mỉm cười với con!”.
(Tâm Lực)
Lời chấp bút của “Tiểu Đồng Kính Đức”:
Khi tác giả đưa tôi xem qua bài viết này, anh nhờ tôi có ý gì cần bổ sung hay sửa đổi thì cứ việc. Tôi đọc một lượt qua bài viết và trầm ngâm suy nghĩ: không có gì để thêm, để bớt hay để sửa, bởi tự thân ý tứ của bài tản văn đã quá đầy đủ cho chúng ta những suy nghiệm đầy giá trị giữa cuộc đời. Tôi chỉ mạo muội chấp bút đôi lời để nói lên cảm nghĩ của mình: Những dòng tư tưởng lan man, nhưng đôi khi chính nó là bài học giác ngộ cho ai đó.
Trong vô lượng kiếp tử sinh, ai cũng đã từng yêu rất nhiều lần, từng thề non hẹn biển với rất nhiều người. Và ngay trong kiếp sống này, chúng ta dù ít dù nhiều cũng đã từng phải lòng một bóng dáng thiên thần nào đó. Khi yêu, trong mắt và tim của người này chỉ có hình ảnh, giọng nói, tiếng cười của người kia. Có những người đang yêu quên đi thế giới xung quanh, quên gia đình, bè bạn, sẵn sàng sống chết để có thể “đọa đày chung thân” với một người.
Xuân Diệu, một nhà thơ tình nổi tiếng của Việt Nam đã từng thốt lên rằng: “Yêu là chết trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Phải “chết” trong lòng một ít mới đáng được gọi là một mối tình hay sao? Hay đó chỉ là tham ái và vô minh đang ẩn tàng dưới định nghĩa “tình yêu”.
Vậy mà, lắm kẻ trên đời này khi đã đến được với nhau thì một năm, hai năm, năm năm hay mười năm sau, người ta lại xem người mình từng yêu như oan gia trái chủ. Liệu có mấy người “giữ lửa tình nồng” như giây phút ban đầu. Ngày mới yêu nhau, “trong đối mắt anh em là tất cả”, “anh là vầng dương soi sáng suốt đời em”. Nhưng khi “ván đã đóng thuyền rồi” thì cơm, áo, gạo, tiền,... sẽ là những tác nhân chi phối, “mụ vợ” lúc này dễ trở thành “la sát” và “thằng chồng” sớm biến thành “kẻ bất lương”. Chưa kể, những bất đồng tư tưởng và quan điểm cá nhân sẽ chen vào cuộc tình, đó chính là mồi nổ cho những cuộc cãi vã, tranh chấp, hờn giận,... cuối cùng đưa đến ly tan, đổ nát.
Do đó, khi tôi đọc câu chuyện đầu tiên và biết rằng đây là câu chuyện có thật, thì trong lòng tôi ngưỡng một hai ông bà vô cùng. Đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà người ta còn dành cho nhau trọn cái tình, ân nghĩa, sự tương kính, đức hy sinh, lòng độ lượng bao dung và tình yêu thương trìu mến. Trong đầu tôi lúc đó là hình ảnh nụ cười hiền lành của bà cụ, dáng vẻ từ hòa của ông cụ, và còn cả sự quan tâm mà hai người đã trao trọn cho nhau.
Tôi thèm được chạy đến hai người đó mà ôm chầm lấy họ, vì họ sống sao mà đẹp quá! Tôi cũng biết rằng, sóng gió trên đường đời đôi lúc cũng đẩy ông bà vào những trầm luân khổ ải, có đôi khi họ cũng xích mích với nhau, nhưng chính tình thương và hiểu biết đã giúp hai người vượt qua bao gian khó. Đó là bài học chung cho giới trẻ bây giờ.
Những lời nói đầu môi êm ái ngọt ngào, vẻ bề ngoài xinh đẹp, những phụ kiện đi cùng là vật chất cao sang, đó chỉ là cái chớp nhoáng ngay trước mắt. Người ta thường bị “ấn tượng” bởi cái nhìn đầu tiên, ngoại hình giúp cuốn hút người khác về phía mình, nhưng những thứ còn lại “sau cơn mưa” mới chính là nội hàm bên trong của mỗi con người. Bạn gái có thật sự nhu hòa, đằm thắm, ngoan hiền, nết na, thùy mỵ, đảm đang; bạn trai có rộng lượng, bao dung, cương trực, thẳng thắng, hiền lành, gan dạ, dũng cảm; cả hai người có hàm chứa những chất liệu từ bi và trí tuệ hay không, chính những điều này mới là hành trang vững chắc cho một hôn nhân bền vững. Đó là phần chìm của tảng băng trôi níu giữ bước chân người viễn xứ. Khi một trong hai đã thiếu đi những đức tính đó, trong khi người còn lại thì dư dả cái mà đối tượng kia cần, thì một trong hai người đành phải nói lời từ biệt, vì đơn giản một điều: vạn hữu trên cuộc đời này đều cần một đặc tính chung là “hòa hợp”.
Tôi lại trầm mình trong muôn vàn tư tưởng khi đến với câu chuyện thứ hai. Ồ, cái “duyên” đưa chúng sinh vào muôn trùng sinh tử. Khi đã có duyên thì thế nào cũng gặp lại. Có nhiều cô gái xinh đẹp, ngoan hiền lấy phải một ông chồng bặm trợn, vũ phu, ham chơi hơn ham làm, cờ bạc rượu chè, ăn chơi trác táng. Có những chàng trai học rộng hiểu nhiều, uyên bác quảng lãm, nhưng “rinh” phải một cô vợ không ra gì, thích trang điểm hơn dạy con, từ sáng sớm đến chiều tối nàng ngồi lê đối mách nhà hàng xóm, tâm của cô như một nồi lẩu thập cẩm dung chứa những gì tệ hại nhất: chanh chua, xảo trá, điêu ngoa, lọc lừa, gian dối,... Trên đời này không thiếu những đôi đũa lệch như thế. Ấy vậy mà, những ông chồng hay bà vợ đáng thương kia vẫn phải sống lầm lũi cả một đời trong chốn địa ngục trần gian do chính mình gây tạo, một phút sa chân mà hối hận ngàn đời. Phải chăng, mối lương duyên của họ đã từng được gắn kết từ vô lượng kiếp tử sinh, để rồi khi gặp lại trong cái chớp mắt này, người ta “bỗng dưng” vừa lòng nhau và từ đó đọa đày chung thân viễn mộng? Tôi bỗng rùng mình ớn lạnh: “Không biết trong một kiếp xa xôi nào đó, có bao giờ mình kết duyên với một người mang trong tâm đầy những chủng tử dạ xoa?” Nguyện cho con đừng bao giờ “nối lại tình xưa” với những người như thế.
Lại một suy tư nữa, một người học Phật khi đã nhận thức được bản chất của cuộc đời là vô thường, vô ngã, duyên sinh. Nếu “lỡ” yêu nhau thì hãy cùng người ấy dựng xây nên những điều tốt đẹp, mai này có gặp lại người kia trên vạn nẻo đường trần, thì cùng bước chân trên lộ trình giải thoát. Đừng dắt tay nhau vào bể khổ trầm luân, đừng cùng gây tạo ác nghiệp để rồi gồng gánh nhau trong những thân phận đọa đày. Gặp nhau là một chữ duyên, vậy tạo sao không đồng hành để tạo ra duyên tốt? Người ta thề thốt rằng muôn kiếp nguyện có nhau, nhưng có bao nhiêu người biết cách gắn kết yêu thương và tạo thuận duyên để được cùng nhân cùng quả.
Lời kết là tâm sự của một người sắp được đặt chân lên con đường xuất thế. Người xuất gia cũng đang xây đắp cho mình một cuộc tình, chắc hẳn những ai từng có lương duyên với đạo thì kiếp này mới được khoác chiếc áo nâu sòng. Và mối lương duyên tốt đẹp ấy là nhân để hành giả đặt chân vào lộ trình giải thoát. Ngày chúng ta đến với đạo, đó là cái chớp nhoáng của “tiếng sét ái tình”, người đời mến nhau vì ánh mắt, còn người sơ tâm mến đạo vì tiếng kệ lời kinh; người đời quý nhau vì nụ cười, còn người sơ tâm quý đạo vì tấm y vàng hay bóng dáng một vị thầy khả kính. Sau cuộc trùng phùng tương duyên ấy, ta đến chùa học đạo và phát nguyện xuất gia. Ngày cạo tóc chính là “buổi lễ tân hôn” giữa mình với đạo. Sự ví von ấy nghe sao trần tục quá! Nhưng thực chất đó lại là một sự thật rất hiển nhiên, vì những nét tương đồng không thể khác.
Người xuất gia khi đã yêu đạo thì phải biết “chết trong lòng một ít” , bỏ cái tôi của mình đi, quăng cái bản ngã ngàn đời cứ ù lì chi phối chúng ta vào sọt rác. Từ đó, mình mới có thể yên thân ở trong đại chúng để tu hành, nghe lời thầy dạy bảo và khép mình vào giới luật oai nghi. Người xuất gia có “chung tình” với đạo thì mới có thể đi trọn kiếp người trên bước đường tu học.
Nếu “Có những phút em rong chơi trên cuộc đời hư ảo, một bóng hồng xao xuyến trái tim ai”, thì hãy “chợt giật mình nhớ tình thầy cao vợi, nghĩa đệ huynh đẹp tựa áng mây hồng”. Ân thầy cao như núi, tình huynh đệ đẹp hơn tranh. Tam Bảo chính là nơi nương tựa trong một kiếp phù vân cho những tấm thân trôi dạt nghìn trùng. Còn lỡ như không chịu nổi dục tình mà đã “lén phén” với một ai, thì phải làm cuộc ly hôn, không thể nào “đồng sàng dị mộng”, ôm người này lại nhớ bóng hình kia. Khi đã đi xa nhưng lại muốn trở về, hãy cứ vất bỏ gánh đời mà quỳ bên chân Phật để “gắn kết ân tình cũ”.
Còn nữa, ta đến với đạo trong tâm thế người sơ cơ chỉ như một “người dưng” có cảm tình với một “người dưng”. Muốn vun bồi tâm bồ đề để thành tựu sự nghiệp thì chí nguyện chính là ngọn đèn sáng soi dẫn lối. Trí tuệ, từ bi, kiên trì, nhẫn nại, chân thật, tinh tấn là những yếu tố cần có để dựng xây một đời sống tốt đẹp thanh cao.
Ngoài đời, khi hai người lấy nhau sẽ có những lúc xích mích; trong đạo, một người tu cũng có những lúc buông lung, phóng túng, thất niệm, tán tâm. Người đời giải quyết bất hòa bằng tâm yêu thương và thông cảm, còn người tu giải quyết phiền não bằng chánh niệm và tỉnh giác. Hoa trái của tình yêu là một chúng sanh bụ bẫm ra đời, còn hoa trái của con đường giác ngộ là Niết Bàn giải thoát.
Nhưng đây là điểm không tương đồng giữa đời và đạo. Đứa con là biểu tượng cho sự tiếp nối, duy trì nòi giống, kế tục mai sau, đó cũng chính là mở đầu cho vòng luân hồi luẩn quẩn, là đầu mối của sự tái sinh trong muôn nghìn kiếp. Bản chất của đứa con đem đến sự khó khăn về kinh tế, bất hòa trong gia đình, vì con cái đầu thai là đến đòi món nợ đời từ muôn kiếp trước, chúng là nguyên nhân “làm bạc mái đầu xanh”. Còn Niết Bàn là biểu tượng cho sự giải thoát khỏi khỏi luân hồi, không còn khổ đau trong cõi trần bi lụy, đó là sự viễn ly, đoạn trừ, xa lìa, cắt đứt phiền não, chấm dứt sinh tử, khước từ mọi khởi duyên, là an lạc hạnh phúc, an vui, tự tại... Hai thứ đó chúng khác nhau nhiều quá. Và hữu duyên thay cho những ai nhìn thấy con đường đạo đẹp thênh thang.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, chẳng ai giống ai trong một pháp giới trùng trùng duyên khởi. Nhưng dù chúng ta đi con đường nào thì cũng phải dựng xây, cũng nên cố gắng. Dẫu có sướng, khổ, vui, buồn thì mình cũng phải bước đi cho đến cuối con đường. Người khôn lựa đường ít người đi, tuy có khó khăn nhưng không nhiều vướng bận; người ít khôn hơn thì thấy đường nào đông vui là chạy theo người để hái hoa bắt bướm. Đến khi sứ giả báo tin buồn thì khóc hận đến ngàn thu.
Kính Đức
Theo  http://www.chuahoangphap.com.vn/  





1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến T...