Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Tấm lòng của thương nhân họ Thúc và một cuộc tình đẫm nước mắt

Tấm lòng của thương nhân họ Thúc 
và một cuộc tình đẫm nước mắt
Quãng đời 15 năm “mây trôi bèo nổi” đầy bi kịch xót xa của nàng Vương Thúy Kiều, trong tác phẩm Truyện Kiều (1) của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, cũng có lần nhờ vào một trái tim si mê nhan sắc và một tấm lòng nặng nghĩa, nặng tình mà nàng đã thoát được cảnh sống ô nhục khi ở lầu xanh. Người ấy chính là thương nhân họ Thúc, tên là Kỳ Tâm, quê ở “huyện Tích, châu Thường”.
Thúc Kỳ Tâm là một chàng trai “cũng nòi thư hương”, có theo đòi đèn sách văn chương, sau theo nghiêm đường tới Lâm Tri mở một ngôi hàng buôn bán. Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, người đẹp từ xưa tiếng đồn như vị tướng tài ba. Thúy Kiều là một tuyệt thế giai nhân, khi ấy nàng đang phải sống những tháng ngày ê chề, nhục nhã ở nơi lầu xanh, với “cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm”, với biết bao khách làng chơi “dập dìu”, như lũ bướm ong lả lơi tìm đến để hút nhụy hoa, kiếm chút nhan sắc trên thân thể nàng. Đau đớn và tủi nhục, nàng cảm thương cho chính thân phận bất hạnh của mình:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa…
Giữa những ngày đau khổ đó, Thúc Kỳ Tâm đã đến với nàng. Lúc đầu, cũng chỉ là chuyện “gió trăng” như bao khách làng chơi khác, nhưng rồi không chỉ say mê nhan sắc của Thúy Kiều, mà vốn là kẻ có học, am hiểu văn chương, chàng làm thơ, chơi đàn… cùng nàng trở thành tri âm tri kỷ:
Khi gió gác, khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.
Vào một ngày đầu hạ, “quyên đã gọi hè”, hoa lựu “lập lòe đâm bông”, mụ Tú bà muốn moi nhiều tiền của Thúc sinh nên đã cho chàng chiêm ngưỡng thân thể ngọc ngà của Kiều khi nàng tắm thoát y:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Với vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” ấy, Thúc sinh hồn thơ thăng hoa, chàng đã “thảo một thiên luật Đường” để ngợi khen, mà nàng cho rằng đó là một áng thơ hay, “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”. Nhân đây, Thúc sinh ngỏ ý muốn lấy nàng làm vợ lẽ. Sau bao tính toán đắn đo, nào là “Thiếp như hoa đã lìa cành/ Chàng như con bướm lượn vành mà chơi”, nào là “Cúi đầu luồn xuống mái nhà/ Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”, sau cùng nàng đặt cả niềm tin vào tấm lòng chàng, người có thể đưa nàng “thoát vòng trần ai” ô nhục này:
Thương sao cho vẹn thì thương,
Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng.
Thúc sinh đã ném tiền, rất nhiều tiền cho Tú bà để vớt Kiều ra khỏi cửa lầu xanh, với ý chí “đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều”! Để rồi, từ hành vi và tấm lòng ấy mà kết cục chàng và nàng đã có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau:
Hương càng đượm lửa càng nồng,
Càng xôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.
Đồng tiền của Thúc sinh, tấm lòng của Thúc sinh đã đem đến cho Kiều thoát khỏi cuộc sống nơi lầu xanh. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn. Thúc ông biết chuyện, nổi giận và đưa nàng ra công đường, muốn trả nàng về nơi lầu xanh! Thúc sinh đau khổ, đẫm nước mắt khóc thương nàng:
Khóc rằng:- “Oan khổ vì ta,
Có nghe lời trước, chẳng đà lụy sau…”
Những giọt nước mắt “sụt sùi” của Thúc sinh rõ ràng bật ra từ một tấm lòng yêu thương đích thực của nghĩa tình vợ chồng. Chàng đã nhận về mình tất cả tội lỗi, “để nàng cho đến nỗi này, vì tôi”, là do chàng mà Kiều phải hứng chịu cơn thịnh nộ của cha, rồi phải ra nơi công đường tủi hổ, bẽ bàng… Nếu đồng tiền của Thúc sinh trước đó là phương tiện để đưa nàng ra khỏi chốn lầu xanh, thì giờ đây tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của chàng đã có sức thuyết phục người cha và viên quan sử kiện “mặt sắt đen sì” kia “dẹp nỗi bất bình”, “dẹp lời phong ba” để cho nàng được trở về đoàn tụ với gia đình. Bởi vì, với Thúc Kỳ Tâm và Thúy Kiều giờ đây “họ đã thành tình duyên thật sự, tình duyên chính thống rồi” (2), và đó là “tình thật” (3), tình ấy đâu phải tình bướm ong, là nghĩa tình không giả dối của chàng thương nhân họ Thúc…
Với tình cảm chân thành và đầy yêu thương ấy của Thúc sinh đối với Thúy Kiều, đổi lại họ đã có một năm sống hạnh phúc bên nhau. Song, vốn là một người thông minh, nhạy cảm, không vì “vui rượu sớm cờ trưa” mà quên chuyện phải trái trong nhà, Kiều đã chủ động khuyên Thúc sinh về quê xin phép người vợ cả là Hoạn Thư để cho nàng được làm vợ lẽ, với nghĩ suy “sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Xã hội phong kiến trước đây cho phép người đàn ông đa thê, song trong phạm vi gia đình cũng cần có sự minh bạch. Một cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến của nghĩa tình chồng vợ đằm thắm đã diễn ra, được thi sỹ thiên tài Nguyễn Du miêu tả qua 8 dòng thơ lục bát, mà nhiều người đã cho đó là một trong số những đoạn thơ hay nhất trong tác phẩm truyện Kiều:
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Thúc sinh đã đi xa rồi mà Kiều vẫn còn đứng đó “trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh”. Rồi đêm đến, vầng trăng trên trời cao giường như chia “xẻ làm đôi”, để “nửa in gối chiếc” đơn lẻ của nàng Kiều và “nửa soi dặm trường” trên con đường xa muôn dặm của chàng Thúc… Phải là một cuộc “tình thật” và đẹp lắm lắm thì tâm hồn và ngòi bút của nhà thi sỹ mới có những dòng thơ tuyệt vời như vậy!
Nhưng sự đời thật trái ngang, chàng Thúc về quê đã không tính hết được sự trừng phạt đòn ghen của Hoạn Thư, (“vốn dòng họ Hoạn danh gia”, là “con quan Lại bộ”) mưu gian, kế hiểm, lập cách hành hạ đánh ghen hai người với ý định “làm cho nhìn chẳng được nhau, làm cho đầy đọa cất đầu chẳng nên”. Một mặt, Hoạn Thư “vả miệng bẻ răng” những kẻ “thêu dệt thị phi” mách bảo nàng về chuyện “thêm hoa” của chồng để tâng công, nhằm giữ thể diện cho mình và để thực hiện mưu kế “cho người thăm ván bán thuyền biết tay”. Mặt khác, Hoạn Thư cho lũ “ác nhân” Ưng, Khuyển tới bắt cóc Kiều ở Lâm Tri đem về quê hành hạ, đánh đập nàng đến mức “thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh”, rồi cho xuống làm Hoa nô ở cùng với bọn thị tỳ, kẻ dưới. Thúc sinh trở lại Lâm Tri thì một “cảnh tượng bi thương” do Hoạn Thư sắp đặt đã hiện ra. Chàng cho rằng Kiều đã chết! Đau khổ, Thúc sinh lại một lần nữa:
Gieo mình vật vã khóc than:
- “Con người thế ấy, thác oan thế này!”
Trước sự đột ngột “thác oan” của Kiều, lòng dạ chàng Thúc đau đớn tột cùng:
Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau,
Dễ ai rấp thảm quạt sầu cho khuây.
Nghĩa tình chồng vợ, tấm lòng của Thúc sinh đối với Thúy Kiều như thế khó có ai nói là không đậm sâu!
Trở lại quê lần sau, một tấn bi kịch mà kịch bản do Hoạn Thư soạn ra, khi Thúc sinh biết Kiều đã trở thành “con ở” cho nhà mình, làm cho chàng “ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời”, thêm một lần nữa đầm đìa nước mắt:
Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa.
Và khi bữa tiệc tẩy trần diễn ra, lòng Thúc sinh càng thêm tê tái:
Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi.
Rồi khi tiếng đàn “bốn dây như khóc như than” của Thúy Kiều gẩy lên, Thúc sinh càng “tan nát lòng”, càng như héo hon hơn! Đêm ấy, Thúy Kiều cũng đau khổ tột cùng, “đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh”!
Ngay cả khi Kiều được Hoạn Thư cho “áo xanh đổi lấy cà sa”, giam hãm ngồi chép kinh ở chùa Quan Âm, có cơ hội vụng trộm gặp lại nàng, Thúc sinh cũng “giọt châu tầm tã”, “ngậm thở ngùi than” với Kiều về sự “thấp cơ thua trí đàn bà” của mình! Rồi chàng khuyên Kiều trốn khỏi nơi “giông tố phũ phàng”, nơi hang hùm nọc rắn này:
Liệu mà xa chạy cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi!
Đây đúng là một cuộc tình đẫm nước mắt của cả hai người…
Bình luận về tính cách của nhân vật Thúc sinh, nhiều người thường phê phán chàng, nào là người “hời hợt, bạc nhược, yếu đuối”, nào là “Thúc sinh yêu Kiều, nhưng đó là tình yêu của một kẻ lắm tiền, nhiều của, vị kỷ và hưởng lạc” (4), hay “Thúc sinh là một anh chàng hèn nhát” (5)…Trên Nam Phong tạp chí (6) trước đây, Nguyễn Đôn Phục trong bài “Văn chương và nhân vật trong Truyện Thúy Kiều” (NPTC, số 58, tr 302-315) cũng cho rằng: “Chàng Thúc sinh không có thế lực, bao bọc lấy một người ái thiếp mà bất túc”; còn Trực viên Phạm Văn Nghị lại có những dòng thơ vịnh về hình ảnh chàng Thúc sinh như sau:
Cao bay xa chạy còn khuyên hão,
Một án bạc tình chối được chăng?
(NPTC, số 145, tr 625)
Có lẽ khó mà bao biện cho những nhận xét về tính cách chàng Thúc mà người đọc truyện Kiều xưa nay đã lên án chàng. Song, nói cho công bằng, một số ý kiến trên cũng quá nặng lời. Bởi cuộc sống trong xã hội phong kiến vốn trọng kẻ sỹ cũng có con đường riêng của nó. Thúc sinh là một thương nhân, dù giàu có vẫn bị lép vế. Chàng kết duyên với Hoạn Thư, con Thượng thư, dường như là nhằm để nâng cao vị thế của mình. Và chính cuộc hôn nhân này đã làm cho tính cách của chàng trở nên yếu đuối, bất lực, không có quyền uy trong xử lý chuyện vợ chồng… Thêm nữa, Thúc sinh cũng là người có lỗi, vì đã lập lờ, cố tình bưng bít chuyện “thêm hoa”, để rồi chàng và Thúy Kiều phải nhận về những hành vi trừng phạt ghê gớm của người đàn bà quý tộc! Tuy nhiên, điều khả thủ đáng ghi nhận về tính cách của Thúc sinh là ở chỗ, dù trong cảnh ngộ nào thì chàng cũng vẫn là người có một tấm lòng rất mực yêu thương Thúy Kiều, và những giọt nước mắt lâm ly của chàng trong mối tình này cũng đã làm cho hình ảnh của chàng không hẳn là con người quá tệ bạc! Dường như trong sâu thẳm tình cảm của nhà thi sỹ thiên tài Nguyễn Du, về nhân cách, chàng Thúc sinh vẫn là một con người thành thật!.
CHÚ THÍCH
Nguyễn Du, Truyện Kiều, văn bản cơ sở và chú giải Đào Duy Anh, NXB Văn học, Hà Nội, 1979.
Xuân Diệu, “Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều”, trong sách “Nguyễn Du, Truyện Kiều, văn bản cơ sở và chú giải Đào Duy Anh”, Sđd, tr 35.
Hoài Thanh, “Nghìn thu vọng mãi”, trong sách “Nguyễn Du, Truyện Kiều, văn bản cơ sở và chú giải Đào Duy Anh”, Sđd, tr 58.
Nguyễn Lộc, “Nghệ thuật điển hình hóa”, trong sách Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều, NXB Giáo dục, 2005, tr 1329.
Hoài Thanh, “Nghìn thu vọng mãi”, trong sách “Nguyễn Du, Truyện Kiều, văn bản cơ sở và chú giải Đào Duy Anh”, Sđd, tr 58.
Nam Phong tạp chí,Văn học Khoa học Tạp chí, Đông kinh ấn quán (Imprimerie Tonkinoise), từ tháng 7/1917 đến tháng 12/1934.
An Hưng thự viên, tháng 9 năm 2017
Nguyễn Đức Thuận
Theo http://kieuhoc.com/


1 nhận xét:

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thành công của một vở diễn...