Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Về Như Xuân tắm thác Cổng Trời

Về Như Xuân tắm thác Cổng Trời
Nhờ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong đó có thác Cổng Trời, những năm qua, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) luôn thu hút được nhiều du khách đến tham quan và cảm nhận vẻ đẹp của núi rừng nơi đây.
Thác Cổng Trời nằm trên địa bàn huyện Như Xuân.
Từ thị trấn Yên Cát đi theo hướng Tây Nam trên con đường liên xã khoảng 10km là đến thác Cổng Trời. Thác nằm ở núi Bù Mùn, thuộc xã Xuân Qùy, huyện Như Xuân, dưới chân núi là nơi sinh sống của đồng bào 4 dân tộc: Thái, Mường, Thổ, Kinh với bản làng trù phú.
Đến với thác Cổng Trời, du khách có thể di chuyển bằng xe ô tô vào tận chân thác nên rất thuận tiện.
Hành trình khám phá thác Cổng Trời được bắt đầu từ bản Chuối, men theo con đường mòn xung quanh là cánh rừng tái sinh xanh mát đến tận chân thác. Cuộc hành trình vượt thác khám phá những điều bí ẩn của núi cao, rừng xanh và thưởng ngoạn cảnh đẹp của thác Cổng Trời thật thú vị. Từ chân thác ngược lên chừng 200m là một tầng thác đặc biệt mà nhân dân địa phương thường gọi là thác Mẹ. Thác này gắn liền với câu chuyện lập bản của người Thái trong tín ngưỡng cổ truyền là phong tục thờ thần nước, tức là thờ Mẹ. Tín ngưỡng thờ cúng thần nước vẫn còn bảo tồn trong đời sống của đồng bào Thái nơi đây đến ngày nay. Thác có độ cao hơn 10m, tạo thành vụng nước dưới chân có độ sâu khoảng 3m, chiều dài 20m, rộng khoảng 10m, là nơi du khách có thể bơi lội, tắm mát, tận hưởng sự mát mẻ, trong lành đến tận cùng.
Thác Cổng Trời được khởi nguồn từ những khe suối lớn nhỏ thuộc dãy núi Bù Mùn đổ vào và chảy về địa phận làng Chuối. Thác nước này cùng với những dãy núi đá, thảm thực vật xanh ngát bốn mùa đã hợp  thành một vùng thắng tích có vẻ đẹp hoang sơ, thêm một chút lãng mạn của quang cảnh rừng núi. Cái tên Cổng Trời là do người Thái ở đây đặt, có lẽ xuất phát từ độ cao của thác.
Thác Cổng Trời chảy thành ba dòng: một dòng chảy về Hóa Quỳ tạo nên thác Đồng Quan; một dòng chảy về Thanh Lâm (dòng chảy nhỏ hơn) hình thành nên thác Thanh Lâm và dòng chảy chính về xã Xuân Quỳ gọi là thác Cổng Trời. Những thác nước này đã hình thành nên một vùng cảnh quan hết sức đặc sắc.
Thác Cổng Trời ngày càng thu hút nhiều du khách.
Xung quanh khu vực thác còn lưu giữ được thảm thực vật phong phú với hàng trăm loài thực vật, trong đó có những loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Các loài thực vật quý hiếm ở đây gồm pơ mu, sau mu, sao hải nam và lim xanh cùng hàng trăm loài cây dược liệu như hà thủ ô, thổ phục linh, quế, ba kích, hoài sơn… các loài cây lấy gỗ như trầm hương, mùn, chò, sao… cùng gần 100 loài rau và cây ăn quả.
Động vật ở đây cũng rất phong phú và đa dạng, có hàng chục loài thú, bò sát, hàng trăm loài chim, loài lưỡng thể, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm như báo gấu, sơn dương, vọoc, vượn đen, gấu chó… các loài chim quý như trĩ sao, gà lôi, gà tiêu.
Nhờ thực thi tốt chính sách bảo vệ rừng nên những cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn nguyên vẹn, các loài thú cũng có điều kiện quần tụ, phát triển trở lại như: hoẵng, lợn rừng, cầy hương, khỉ, nhím,…
Thác Cổng Trời mùa nào cũng có nước, vào mùa hè, du khách được tận hưởng dòng nước mát trong lành, được thỏa mình vùng vẫy. Vào mùa mưa, chúng ta được nhìn thấy một bức rèm nước khổng lồ, trắng muốt chảy giữa chốn rừng xanh giống như dải lụa trắng trên nền xanh của cây cối. Hiện có khoảng 160 hộ ở bản Chuối lấy nước trên thác về sử dụng bằng hệ thống đường ống dẫn nước. Ngoài nước sinh hoạt, bà con nơi đây còn dẫn nước từ thác về từng chân ruộng để sản xuất.
Đến với Như Xuân, du khách được cảm nhận và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ba tầng thác mà thiên nhiên ban tặng: Thác Mẹ, thác Tiên và thác Cổng Trời. Đặc biệt hơn, chúng ta có thể một lần nữa được ngắm nhìn từ trên cao toàn cảnh thác Cổng Trời, như một dải lụa giữa rừng già. Cũng từ đây, chúng ta thả hồn mình phóng tầm mắt về bốn hướng để thấy được cả đất trời, rừng núi Như Xuân thật hùng vĩ, nên thơ. Và từ trong sâu thẳm của núi rừng, du khách được thưởng thức tiếng nước chảy, tiếng chim kêu, tiếng xào xạc của lá rừng,... tất cả những điều đó gợi cảm giác thân thuộc.
Sau khi thoải mái ngắm cảnh, du khách còn được thưởng thức những bữa cơm của người dân bản địa nơi đây, với những món ăn mang đậm phong vị núi rừng. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc như các phong tục tập quán, làn điệu dân ca dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn…
Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Sau khi thác Cổng Trời được công nhận Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2016, địa phương đã và đang kêu gọi nguồn xã hội hóa, sự hỗ trợ của huyện, huy động đóng góp ngày công của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để làm đường đi, nạo vét lòng thác, kéo điện thắp sáng, kè bờ xây dựng bể chứa nước phía trên thác để duy trì dòng nước thường xuyên, làm cầu, ngăn đập tạo dòng thác, trồng hoa dọc lối đi... Dự kiến ngày 10/8 tới đây, Du lịch thác Cổng Trời chính thức khai trương, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách xa gần, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Hiện, để phục vụ người dân trong vùng và khách tham quan, bà con làng Chuối đã dựng một số chòi, lán ngay cạnh chân thác để phát triển các dịch vụ đi kèm.
Như Quỳnh
Theo http://kinhtenongthon.com.vn/


1 nhận xét:

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...