Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Dòng sữa ngọt cho các tác phẩm khí nhạc Việt Nam

Dòng sữa ngọt cho các 
tác phẩm khí nhạc Việt Nam
Kho tàng âm nhạc dân gian của các dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam với các làn điệu dân ca là sự lắng đọng những nét tinh tế trong cuộc sống, trong tâm hồn, trong tình cảm từ bao đời nay của người dân nước Việt cũng chính là nguồn chất liệu dồi dào cho sáng tạo của các nhạc sĩ. Mỗi nét dân ca có thể gợi mở một cảm xúc sâu sắc, một khung cảnh quen thuộc nào đó, nhờ vậy mà các tác phẩm khí nhạc trở nên gần gũi hơn với người nghe.
Các nhạc sĩ chuyên nghiệp đã khai thác nguồn chất liệu dân ca nào và như thế nào để đem lại sự thành công trong những tác phẩm tiêu biểu của họ?
1. Giai điệu dân ca
Nhạc sĩ Hoàng Dương đã khai thác làn điệu Lới lơ vừa diễn tả tâm trạng bất ổn, lo lắng lại vừa có cái chất làm duyên rất "con gái" của nhân vật Xúy Vân trong vở chèo cổ Kim Nham để xây dựng nên chủ đề chính bản capriccio Khát vọng viết cho violoncelle và piano. Cái tính "đỏng đảnh" đặc sắc của làn điệu trở thành cốt lõi để kết hợp với nét chuyển động lắt léo đặc trưng của đàn violoncello đã tạo nên được một chủ đề âm nhạc hấp dẫn nhưng cũng đầy cá tính.
Từ giai điệu trữ tình man mác của làn điệu dân ca Nam bộ Lý con sáo sang sông, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã bằng lối biến tấu mà nhào nặn nên chủ đề chính của bản tứ tấu Âm thanh đồng bằng. 
Lối khai thác dân ca như trên cũng gặp trong chủ đề phụ của bản sonate Lời thề với Người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. . .
2. Tiết tấu đặc trưng
Giai điệu và tiết tấu là 2 nhân tố cơ bản, ví như "xương", như "thịt" tạo nên vóc dáng hình hài của một tác phẩm âm nhạc.

Tiết tấu vừa là cái khung của đường nét giai điệu, vừa có ý nghĩa độc lập. Tiết tấu có mối liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ, với hơi thở cũng như các hoạt động sinh lý của con người. Trong một số trường hợp, chỉ riêng tiết tấu cũng đủ khả năng thể hiện một thông điệp nào đó. Chẳng hạn như tiết tấu trống múa lân gây phấn chấn không chỉ đối với trẻ em. Tiết tấu trống chèo lôi cuốn đến độ "nghe tiếng trống chèo bế bụng đi xem". Tiết tấu trống ngũ liên hối thúc người người mau chung tay cứu nạn...
Tiết tấu đã thoát khỏi những liên kết về cao độ, âm điệu, nên nó mang tính gợi mở rất lớn nếu so sánh với giai điệu. Vì vậy khai thác tiết tấu đặc trưng của một làn điệu, hay một thể loại âm nhạc dân gian là phương pháp rất có hiệu quả để tạo nên tính dân tộc cho một tác phẩm khí nhạc. 
Chủ đề phụ - andante cantabile - bản ballade Huyền thoại Mẹ viết cho piano, violon và basson của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung đã được khai thác từ tiết tấu đều đặn của thể loại hò huê tình. Sự hòa quyện của bè giai điệu và bè đệm đã gợi nên tính chất man mác, êm đềm của sông nước Nam bộ.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại thay đổi vị trí 2 nhân tố tiết tấu nhóm chiêng Khớc trong dàn chiêng Knah của người Ê-đê để dựng nên cái khung cho chủ đề chương Tiễn biệt của bản tứ tấu Tây Nguyên...
3. Thang âm, điệu thức dân tộc
Âm nhạc dân gian luôn có những âm hưởng đặc trưng xuất phát từ mối liên hệ khăng khít với ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Mối quan hệ ấy thể hiện qua thang âm, điệu thức trong âm nhạc dân gian. Khai thác thang âm, điệu thức là phương pháp rất hiệu quả tạo nên tính dân tộc trong tác phẩm. So với lối khai thác âm hình tiết tấu hoặc khai thác giai điệu dân ca, thì vận dụng thang âm điệu thức dân tộc làm chất liệu xây dựng chủ đề đã mở ra khả năng mới cho những sáng tạo của các nhạc sĩ. Chủ đề âm nhạc không còn bị ràng buộc bởi khung giai điệu, tiết tấu nên có tính độc lập hơn, và dấu ấn sáng tạo của nhạc sĩ nhờ đó cũng rõ nét hơn. Thang 5 âm được nhiều nhạc sĩ dùng để xây dựng chủ đề âm nhạc. Để thành phần âm phong phú hơn, cũng là phù hợp với tư duy khí nhạc hơn, nên các nhạc sĩ thường kết hợp một số điệu thức lại với nhau theo những phương thức rất linh hoạt.
Chủ đề phụ bản tứ tấu Âm thanh đồng bằng của nhạc sĩ Ca Lê Thuần có hàng âm thanh là sự đan xen giữa điệu la oán với điệu la bắc rồi lại trở về la oán. 
Trong chủ đề phụ bản Tứ tấu dây nhạc sĩ Phạm Minh Khang lại dùng lối lồng ghép hai điệu thức có cùng chủ âm. Điệu pha nam được lồng với điệu pha xuân làm thành hàng âm thanh để xây dựng nên chủ đề âm nhạc có sắc thái nhẹ nhàng mờ ảo...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam lại dùng phương thức vừa chuyển tiếp vừa lồng ghép các điệu thức si bắc với si oán và si nam, điệu thức la xuân với pha thăng nam và pha thăng xuân làm chất liệu xây dựng các chủ để trong tác phẩm sonate cho piano.
Những cách thức đa dạng khi kết hợp các điệu thức 5 âm này có ý nghĩa tăng cường sức diễn cảm của chủ đề âm nhạc qua những biến đổi tinh tế trong màu sắc giai điệu âm. Đồng thời cách thức này cũng có ý nghĩa "khí nhạc hóa giai điệu dân ca" cho phù hợp với tư duy khí nhạc.
Ta có thể thấy nguồn chất liệu để xây dựng chủ đề âm nhạc cho tác phẩm là rất phong phú: Giai điệu dân ca, tiết tấu, quãng đặc trưng, thang âm điệu thức dân tộc... được các nhạc sĩ sử dụng với những phương thức sáng tạo và linh hoạt đã góp phần làm cho các tác phẩm khí nhạc trở nên dễ thưởng thức, dễ cảm nhận hơn đối với đa số người Việt Nam. Đó là hướng đi đúng đắn của nền khí nhạc Việt Nam để có thể mở rộng phạm vi thưởng thức âm nhạc tới công chúng.
Mai Anh
 Theo http://vnmusic.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chê vợ – Truyện ngắn Chinh Văn 8 Tháng Mười Hai, 2023 Lê từng bước nặng nhọc trên đường, Sen đi như kẻ mộng du. Ngày trước, đi trên co...