Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Tâm sự Nguyễn Du qua bài thơ “Thăng Long Cầm Giả Ca”

Tâm sự Nguyễn Du qua bài thơ 
“Thăng Long Cầm Giả Ca”
Nguyễn Du viết bài thơ này năm 1813 trong dịp ông từ Huế ra Thăng Long trên đường đi sứ sang Trung quốc cầu phong cho vua Gia Long. Bài thơ này được xếp đầu tiên trong tập Bắc Hành Tạp Lục gồm 131 bài, trong tập này chỉ có bài thơ này cùng với bài Ngô Đệ Cựu Ca Cơ và hai bài thơ ngắn Thăng Long I và II là viết về việc và người nước Việt, còn những bài khác toàn viết về những điều tai nghe mắt thấy trên đường sang Trung quốc.
Bài này được viết theo thể thơ cổ ca và hành, gọi chung là ca hành gồm tất cả 50 câu, ba câu mở đầu ngắn gọn chỉ có 4 và 5 từ, còn hầu hết là câu thất ngôn, thỉnh thoảng có xen kẽ 8 câu 9 từ và một câu 11 từ. Thể ca hành thường dài, không hạn chế số câu, số từ, không cần niêm, đối chặt chẽ và thường có tính cách tự sự và trữ tình. Một bài khác của Nguyễn Du, Sở Kiến Hành cũng được viết theo thể ca hành này.
Từ trước tới nay đã có nhiều bản in bài thơ này và vì không có bản viết tay của Nguyễn Du nên có hiện tượng tam sao thất bản. Tuy nhiên ta có thể lấy 4 bản có uy tín nhất, so sánh và chọn lựa rồi đúc kết thành một bản tổng hợp để từ đó phân tích tâm sự Nguyễn Du qua bài thơ này mà được hậu thế coi là bài thơ chữ Hán dài nhất và hay nhất của Nguyễn Du trong tổng số 249 bài, không thua gì bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị với nội dung tương tự. Trong 4 bản đó thì 3 bản của Đào Duy Anh – Thơ Chữ Hán: Nguyễn Du, của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính – Nguyễn Du: Cuộc Đời và Tác Phẩm, của Quách Tấn – Tố Như Thi rất giống nhau, chỉ khác vài tiểu tiết và là bản mà hầu hết chúng ta đều biết, còn bản của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Hán Văn Tinh Túy có nhiều từ khác, có lẽ dựa trên bài dịch của Học Canh là người dịch bài thơ này trước tiên dưới tựa đề Cầm Giả Dẫn vào cuối Thế Kỷ IXX nhưng rất ít người biết tới.
Bài thơ còn có lời Tiểu Dẫn của tác giả giống như bài Tỳ Bà Hành.
LONG THÀNH CẦM GIẢ CA
Dưới đây là bài thơ do Tri Vũ sao lại từ thư viện Paris gửi cho Quách Tấn, giống như bản của Đào Duy Anh. Quách Tấn chỉ dịch bài thơ ra văn xuôi nên rất sát ý của nguyên tác.
Bài Ca về Người Gảy Đàn đất Long Thành
(Làm trong lúc mệnh phụ đi sứ)
TIỂU DẪN
Người gảy đàn đất Long Thành ấy, tên họ gì không rõ. Nghe nói lúc nhỏ nàng học đàn Nguyễn nơi đội nữ nhạc trong cung vua Lê. Binh Tây Sơn dấy lên, các đội nhạc cũ lớp chết lớp bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ, ôm đàn gảy dạo. Những bản đàn nàng gảy là những khúc trong cung phụng gảy cho vua nghe, người ngoài không ai biết. Cho nên tài danh nàng lừng lẫy một thời.
Thiếu thời, đến kinh đô thăm anh, tôi trọ gần Giám Hồ. Cạnh đó, các quan Tây Sơn tập hội nữ nhạc, danh cơ không dưới vài chục. Nàng ăn đứt mọi người với cây đàn Nguyễn, lại hát hay và khéo nói khôi hài. Cử tọa đều say mê điên đảo, đua nhau ban thưởng. Những chén rượu thưởng to lớn, nàng nhận uống cạn. Tiền thưởng nhiều vô số. Vàng lụa chồng chất đầy cả đất. Lúc bấy giờ tôi núp trong bóng tối, trông thấy nàng không rõ lắm. Sau gặp lại tại nhà anh tôi. Nàng người thấp nhỏ, má bầu, trán giô, mặt gẫy. Không đẹp lắm, nhưng làn do trắng trẻo, khéo trng điểm, mày thanh, má phấn, áo màu hồng, quần cánh chả, hơn hớn có bề phong tao. Tánh lại hay rượu, ưa hài hước. Đôi mắt long lanh không để ai vào tròng. Khi ở nhà anh tôi, mỗi lần uống rượu, nàng uống say vùi, nôn mửa tứ tung, nằm lăn trên sàn, bạn bè chê trách không quan tâm.
Sau đó vài năm, tôi dời vô Nam, ngót mấy năm liền không trở lại Long Thành. Muà xuân năm nay, phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, tôi đi ngang qua Long Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi tại dinh Tuyên Phủ, có gọi vài chục nữ nhạc, tôi đều không quen mặt biết tên. Tiệc khởi múa hát. Kế tiếng đàn trỗi lên, nghe trong trẻo khác thường, không chút giống thời khúc. Lòng tôi kinh dị. Nhìn người gảy đàn thì thấy thân gầy, thần khô, mặt đen, sắc trông như qủy, áo quần toàn vải thô, bạc màu lại vá nhiều mảnh trắng, ngồi im lìm ở cuối chiếu, không nói cũng không cười, hình trang thật khó coi. Tôi không biết là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như quen quen, nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi thăm thì hoá ra là người trước kia đã gặp.
Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế này? Cúi ngửa bồi hồi, nghĩ đến cảnh cổ kim, lòng tôi cảm kích vô hạn. Đời người trăm năm, những cảnh vinh nhục, vui buồn thật khôn lường. Sau khi từ biệt, trên đường đi sứ, cảm thương khôn nén, nên soạn bài ca để gởi hứng:
Long thành Giai nhân
Tính thị bất ký thanh
Độc thiện Nguyễn cầm
Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
Học đắc tiền triều cung trung “Cung Phụng Khúc”
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh
Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
Kỳ thời tam thất chánh phương niên
Hồng trang yểm ánh đào hoa diện
Đà nhan hàm thái tối nghi nhân
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
Hoãn như sơ phong độ tùng lâm
Thanh như song hạc minh tại âm
Liệt như Tiến Phuc bi đầu toái tích lịch
Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm.
Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện
Tiện thị Trung Hoà đại nội âm.
Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri bão
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
Hào hoa ý khí lăng vương hầu
Ngũ Lăng niên thiếu bất túc đạo
Tính tương tam thập lục cung xuân
Hoạt tố Trường An vô giá bảo.
Thử tịch hồi đầu nhị thập niên
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
Chỉ xích Long Thành bất phục kiến
Hà huống thành trung ca vũ diên
Tuyên Phủ sứ quân vị dư trung mãi tiếu
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu
Tịch mạy nhất nhân phát bán hoa
Nha sấu thần khô hình lược tiểu
Lang tạ tàn mi bất sức trang
Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu?
Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy
Nhĩ trung tình thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
Giám Hồ tịch trung tằng kiến chi
Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ xứ tang điền biến thương hải?
Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong
Ca vũ không di nhất nhân tại.
Thuấn tức bách niên năng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y
Nam hà qui lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri!
Người đẹp đất Long Thành
Không nghe gọi tên họ
Riêng thạo đàn Nguyễn
Người trong thành bèn lấy chữ Cầm đặt tên
Nàng học được khúc “Cung Phụng” trong cung tiền triều
Đó là những khúc đàn hay nhất trời đất
Tôi nhớ lúc thiếu thời đã gặp một lần
Bên bờ Hồ Giám trong một cuộc dạ yến
Lúc đó nàng khoảng hăm mốt tuổi
Áo hồng ánh lên mặt hoa đào
Má hừng rươu, vẻ ngây thơ, rất dễ thương
Năm cung réo rắt theo ngón tay đổi điệu
Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông
Tiếng trong như đôi hạc kêu trên cao thẳm
Tiếng mạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc
Tiếng buồn như Trang Tích lúc bệnh ngâm tiếng Việt.
Người nghe say sưa không biết mỏi
Đúng thật khúc đàn trong đại nội Trung Hoà
Các quan Tây Sơn đều say mê điên đảo
Mải vui thâu đêm không biết chán
Bên tả bên hữu tranh nhau vãi thưởng
Tiền bạc coi rẻ như đất bùn
Ý khí hào hoa át cả vương hầu
Đám thiếu niên Ngũ Lăng không đáng kể
Tưởng chừng băm sáu cung xuân
Chung đúc một vật báu vô giá đất Trường An
Từ bữa tiệc ấy đến nay đã hai chục năm
Sau khi Tây Sơn bại vong, tôi vô Nam
Long Thành trong gang tấc không thấy lại
Huống hồ tiệc múa hát trong thành
Quan Tuyên Phủ vì tôi bày cuộc mua cười
Trong tiệc, đám ca kỹ đều trẻ tuổi
Duy cuối chiếu có một nàng tóc hoa râm
Mặt gầy, thần khô, thân hìng bé nhỏ
Đôi mày phờ phạc không điểm tô
Ai biết đó là người trước kia nổi danh tài hoa đệ nhất một thời
Khúc xưa đàn lên, tôi tuôn nước mắt ngầm
Tai lắng nghe mà lòng chua xót
Bỗng nhớ lại chuyện hai mươi năm xưa
Đã từng thấy trong chiếu tiệc Hồ Giám
Thành quách suy dời, việc người đổi
Bao nương dâu đã biến thành biển xanh
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch
Trong làng múa hát còn sót lại một người
Trăm năm thấm thoắt một hơi thở hay nháy mắt
Cảm thương việc cũ lệ thấm áo
Từ Nam trở về, đầu tôi bạc trắng
Trách chi người đẹp nhan sắc suy tàn
Hai mắt trừng trừng luống tưởng lại chuyện cũ
Khá thương giáp mặt mà không nhận được nhau!.
CHÚ THÍCH:
- Long Thành: Thành Thăng Long từ thời nhà Lý, Long có nghĩa là Rồng nhưng tới thời Gia Long, thì Long đổi ra từ có nghĩa là Thịnh vì nhà vua muốn xóa bỏ hết các dấu vết của các triều đại cũ. Nguyễn Du vẫn dùng từ có nghĩa là rồng trong Long Thành, chứng tỏ ông là một kẻ sĩ chân chính và can cường. Về sau, Thăng Long tới thời Minh Mạng, năm 1831 thì cải danh là Hà Nội.
- Đàn Nguyễn: Trần Văn Khê nói đàn này có tên Nguyễn là do người sáng chế ra đàn này tên là Nguyễn Hàm, đời Tấn bên Trung quốc. Theo ông đàn này không dính dáng gì tới đàn nguyệt mà thuộc loại đàn Nguyễn Tỳ Bà tuy khung đàn cũng hình tròn.
- Cung Phụng Khúc: Khúc Cung Phụng đã được Dương Qúy Phi trình tấu cho Đường Minh Hoàng, và đã được Dương Thận, đời nhà Minh, nhắc lại trong bài thơ Ôn Tuyền:
...Ca vũ thanh lưu Cung Phụng khúc
Bội hoàn hồn đoạn thuộc xa trần
Đại ý là dù hồn Dương Qúy Phi đã bay theo bụi xe trên đường chạy loạn An Lộc Sơn nhưng tiếng hát và điệu muá Cung Phụng vẫn còn âm vang trong cung điện.
- Tiền triều: Nhà Lê.
- Giám Hồ: Hồ này nằm trước Văn Miếu hiện nay, diện tích khoảng 10,900m2, tên chữ là hồ Minh Đường hay hồ Văn nhưng dân gian quen gọi là hồ Giám vì trước thời nhà Nguyễn, Văn Miếu còn là Quốc Tử Giám luôn. Tuy Gia Long cho dời Quốc Tử Giám vào Huế nhưng Nguyễn Du vẫn lấy tên hồ Giám, tương tự như vẫn dùng chữ Long với nghĩa là rồng.
- Bia Tiến Phúc: Bia chùa Tiến Phúc, thuộc tỉnh Giang Tây, có thư pháp rất đẹp, khiến nhiều văn nhân tới chiêm ngưỡng. Tương truyền Phạm Trọng Yêm, quan nhà Tống được một người học trò nghèo tặng một bài thơ quá hay, bèn cho rập 1,000 bản sao bài văn viết trên bia để bán lấy tiền giúp người học trò nhưng chưa rập xong thì một đêm, bia bị sét đánh tan tành. Điển tích này dẫn ra đây có lẽ là Nguyễn Du muốn nói văn chương và kẻ sĩ không phải là đồ mua bán, trái với lẽ trời nên bị trời phạt.
- Trang Tích: Tích là người nước Việt nhưng làm quan cho nước Sở. Vua hỏi triều thần làm sao biết được lòng Tích còn vọng hướng nước Việt hay không thì có người trình rằng, “ Phàm người nhớ nước khi bệnh thường rên bằng tiếng mẹ đẻ.” Sở Vương cho người nghe lén khi Tích bệnh thì nghe thấy Tích rên la bằng tiếng Việt. Nguyễn Du, một lần nữa muốn nói người ta không bao giờ có thể quên tiếng mẹ đẻ. Thời Quang Trung, chữ nôm được coi là quốc ngữ trong khi Gia Long lên ngôi thì cấm dùng chữ Nôm và tất cả các văn bản về triều chính đều phải viết bằng tiếng Hán hết.
- Triền đầu: Vua Đường đãi yến thường thưởng cho các ca kỹ gấm vóc để làm khăn quấn đầu, về sau các tiền thưởng cho các ca kỹ đều gọi là triền đầu.
- Ngũ Lăng: Nơi có lăng tẩm 5 vua Hán, sau còn là nơi cư trú của các bậc vương hầu hay hào hoa, phú qúy, nằm phía tây thành Trường An.
Bạch Cư Dị trong Tỳ Bà Hành đã dùng điển tích này qua hai câu, “Ngũ Lăng niên thiếu tranh triền đầu/ Nhất khúc hồng tiêu bất tri số” mà Phan Huy Thực dịch là, “Ngũ Lăng chàng trẻ ganh đua/ Biết bao the thắm chuốc mua tiếng đàn.”
Lý Bạch, trong bài thơ Thiếu Niên Hành cũng dùng cụm từ này, và Lê Nguyễn Lưu dịch như sau:
Ngũ Lăng niên thiếu Kim thị đông
Ngân yên bạch mã độ xuân phong
Lạc hoa đạp tận du hà xứ?
Tiếu nhập Hồ cơ tửu tứ trung.
Ngũ Lăng bọn trẻ chợ Kim gần
Ngựa trắng yên vàng lướt gió xuân
Giẫm nát hoa rơi, đâu chỗ tới?
Cười đuà vào quán rượu giai nhân.
Một nhà thơ Việt, J. Leiba tức Lê Văn Bái cũng mượn ý tương tự viết bài thơ Ngũ Lăng Niên Thiếu rất đặc sắc để mô tả lối ăn chơi của các công tử hay thiếu gia.(Phụ bản III) BS Nguyễn Văn Bảo và Nguyễn Đương Tịnh cũng đã dịch bài thơ này và kể lại chuyện dịch thơ khó khăn như thế nào.(Phụ bản II)
- Quan Tuyên Phủ: Quan Tổng Trấn. Tổng trấn Bắc Thành lúc đó là Nguyễn Huỳnh Đức với phó là Lê Chất. Các tham tri phụ tá gồm Nguyễn văn Khiêm, Phạm Văn Đăng và Đặng Trần Thường. Thường là người đã giết Ngô Thời Nhiệm sau cuộc đối thoại còn lưu trong sử sách khi quân nhà Nguyễn bắt được các tướng tá Tây Sơn.. Nguyên trước kia, Thường nhờ Nhiệm tiến cử với Tây Sơn nhưng Nhiệm thấy tư cách Thường có vẻ hèn hạ, thích luồn cúi nên từ chối, sau Thường ra phò tá Nguyễn Ánh và được cử chức Tham Tri Tào Binh lúc Nguyễn Du đi sứ. Thường sau gặp lại Nhiệm lúc đang là tù binh, hống hách hỏi, có ý nhắc lại chuyện cũ:
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?
Ngô Thời Nhiệm tức thời đáp lại:
Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!
Vua Gia Long lúc đó đang muốn chiêu dụ các sĩ phu Bắc Hà nên hầu hết các quan tướng Tây Sơn chỉ bị phạt roi, riêng Nhiệm thì Thường ngấm ngầm cho roi tẩm thuốc độc nên chỉ có mình Nhiệm bị chết sau hình phạt. Về sau, chính Đặng Trần Thường lại bị Lê Chất, vốn có hiềm khích với Thường từ trước, tố cáo tội tham nhũng và bị Gia Long xử trảm. Tuy nhiên với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thì Gia Long cho quật mồ lên, nghiến nát thân cùng với Nguyễn Quang Toản rồi nhồi vào đạn đại bác bắn cho tan xác, còn ba cái sọ thì nhét vào ba cái vò đem giam tại Phú Xuân. Ba cái vò này, dân gian gọi là Ông Vò, được lưu giữ tới khi chiến tranh chống Pháp 1946 thì nghe nói được dời khỏi Huế rồi mất dạng luôn.
- Thành quách suy di: Gia Long cho lấp hết các cung vua Lê và phủ chúa Trịnh cùng các dinh thự trong thành cũ có từ đời Lý, Trần và biến thành đường xá, đồng thời xây thành mới tại chỗ khác, khởi đầu 1805, hoàn thành 1812.
- Quan tướng Tây Sơn: Các quan tướng Tây Sơn lúc đó về võ có thể là đô đốc Lộc, tướng Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, đô đốc Tuyết, đô đốc Đặng Tiến Đông, nội hầu Lân, đô đốc Bảo, đô đốc Long, còn về văn gồm tiến sĩ Nguyễn Nễ, anh của Nguyễn Du, tiến sĩ Đoàn Nguyên Tuấn, anh vợ Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhiệm với các danh sĩ trong Ngô Văn Gia Phái, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn vv... là những người đã góp tài sức trong chiến thắng Đống Đa, và san định các văn bản bằng tiếng Nôm, dịch các sách Hán văn ra tiêng Nôm, lập ra Viện Quốc Âm Sùng Chính. Nguyễn Du đã ca tụng họ công khai trong bài thơ như Ý khí hào hoa át vương hầu/ Bọn trẻ Ngũ Lăng không sánh nổi rồi trọng nghĩa khí, xem tiền bạc như bùn đất. Nguyễn Du tất nhiên không dám nêu tính danh của họ, đồng thờ đổi danh Tổng Trấn thành Tuyên Phủ và Thăng Long thành Trường An.
TÂM SỰ NGUYỄN DU QUA BÀI THƠ
Đây là bài thơ dài nhất và đặc sắc nhất của Nguyễn Du trong tổng số 249 bài thơ chữ Hán của ông được tìm ra tới nay. Bài thơ này còn được chính tác giả viết lời tiểu dẫn nữa mà bài tiểu dẫn lại có ý và lời gần giống như bài thơ. Nguyễn Du viết thêm lời tiểu dẫn, dài dòng văn tự như vậy chắc cũng có ý tứ gì chứ? Tôi thiển nghĩ có lẽ là Nguyễn Du muốn chúng ta đọc đi đọc lại để mà suy nghĩ, để mà tìm hiểu tiên sinh cũng như tiên sinh đã tìm hiểu nàng Tiểu Thanh trong bài Độc Tiểu Thanh Ký.
Đọc lời tiểu dẫn, tôi thắc mắc là tại sao ông lại nói,“ Lúc bấy giờ, tôi núp trong bóng tối” trong khi anh ông, Nguyễn Nễ và Đoàn Nguyên Tuấn đều là quan tướng có chức vị cao trong triều Tây Sơn thì ông phải là tân khách đàng hoàng chứ? Ông không muốn lộ mặt ra có lẽ vì từng biết Gia Long đã hãm hại nhiều công thần nên áp dụng lời khuyên của cổ nhân tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Tâm sự Nguyễn Du đối với triều Nguyễn
Qua phần chú thích bên trên, chúng ta thấy Nguyễn Du không có vẻ cảm phục Gia Long và triều Nguyễn.
Theo gia phả thì Nguyễn Du tự nguyện ra làm quan cùng nhà Nguyễn và ông đã đón đường vua Gia Long trên đường Bắc tiến tại huyện Phù Dung, Hưng Yên và được vua bổ nhiệm ngay làm tri huyện sở tại. Tất nhiên gia phả không dám viết khác dù Nguyễn Du có tự nguyện ra phò tá Nguyễn Ánh hay không. Nhưng Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện lại chép, “Đến khi có lệnh gọi, ông không thể từ chối và bất đắc dĩ phải ra thôi.” Thêm nữa, nếu ta căn cứ trên bài thơ Ký Hữu/ Thanh Hiên Thi Tập viết cho bạn khi nhận quan chức có đoạn:
Thái phác bất toàn chân diện mục
Nhất châu hà sự tiểu công danh
Hữu sinh ất đái công hầu cốt
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh
Ngọc phác khôn gìn nguyên diện mục
Thân đời khéo buộc nẻo công danh
Công hầu cốt ấy đâu sanh sẵn
Hươu vượn duyên kia quyết để dành
Giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng cho rằng, “Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn lúc thế cùng, lực kiệt:thì đúng là có phần miễn cưỡng trong việc ra làm quan cho nhà Nguyễn.
...Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm, sinh kế, lưỡng mang nhiên
TẠP THI
Đại ý:
...Tráng sĩ đầu bạc buồn mà ngửa trông trời
Hùng tâm và sinh kế, cả hai đều mờ mịt.
đành ra làm quan ở Phù Dung, Hưng Yên rồi Quảng Trị, nhưng ông đã thấy rõ bộ mặt thật của bọn sai nha vô loại, đầu trâu mặt ngưạ...”
Nguyễn Du làm quan với nhà Nguyễn hai chục năm, bước đường hoạn lộ tương đối hanh thông, nhưng ông chỉ làm nhiệm vụ một cách tiêu cực tới nỗi nhà vua phải quở, “ Nhà Nước dùng người, ai giỏi thì trọng dụng, không hề phân biệt Nam Bắc. Khanh với Ngô Vị đã được trẫm biết tài mà bổ dụng, làm quan tới chức Tham Tri, biết gì thì cứ nói để làm hết phận sự của mình, sao lại cứ rụt rè, sợ sệt, chỉ dạ dạ vâng vâng thôi sao?”
Sự bất mãn của Nguyễn Du lúc làm quan với triều Nguyễn có nhiều lý do:
- Gia Long sau khi lên ngôi đã vin vào các cớ mơ hồ để hãm hại công thần, điển hình như vụ Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành và Binh bộ thượng thư Đặng Trần Thường.
- Các đình thần hùa vào nhau, kết tội lẫn nhau để tranh giành quyền lợi, xảy ra khắp Bắc, Trung, Nam chẳng hạn như vụ Lê Chất và Đặng Trần Thường.
- Giáo sư Trần Ngọc Ninh viết, “Trong cái xã hội xưa, nhất là ở các nhà quan, quan ông thì xuất môn giai úy đồ (Ninh Minh Giang Chu Hành), ra khỏi cửa thì phải lo vỗ về lông cánh để đối phó những xúc xiểm đồng liêu trong triều, còn các quan bà - 8 bà vợ của Tể tướng Xuân Quận Công - thì giành giựt nhau tình yêu của một ông chồng già đã mệt mỏi lúc về nhà.”
- Nạn kỳ thị Đàng Trong với Đàng Ngoài: người thuộc Đàng Trong hầu hết giữ những chức vụ trọng yếu trong khi Nguyễn Du bị coi là thuộc Đàng Ngoài. ĐNCBLT chép, “ Khi làm quan, ông thường bị quan trên quở trách nên lấy làm uất ức, phẫn chí. Chẳng những bị quan trên quở trách mà còn bị bọn nha lại khinh khi nữa...”
- Gia Long đã cho phá phách hết kinh thành Thăng Long cũ, là nơi mà Nguyễn Du đã sinh trưởng nên rất yêu mến không kém gì quê hương Hà Tĩnh. Ông đã than thở về việc này qua hai bài thơ ngắn khi ông trở lại Thăng Long trên đường đi sứ:
...Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến cô thành một cố cung...
Thăng Long I
Ngàn năm cự thất thành quan lộ
Một giải tân thành lấp cố cung...
Quách Tấn dịch
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích
Quan huyền nhất biến tạp tân
Thăng Long II
Thành mới, trăng xưa chiếu tỏ mờ
Thăng Long nghìn trước, chốn kinh đô
Dấu xưa khuất lấp đường xe ngựa
Điệu mới xô bồ nhịp trúc tơ
Quách Tấn dịch
Chẳng phải chỉ mình Nguyễn Du than thở về cảnh đời dâu biển này mà Bà Huyện Thanh Quan cũng tức cảnh, viết ra bài thơ Thăng Long Hoài Cổ trong đó có câu tương tự:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
- Về tinh thần đã phẫn uất, về vật chất ông thường bị cảnh đau ốm mà lương bổng chỉ đủ chi dùng trong việc thuốc thang nên gia đình gồm nhiều thê thiếp, đông con cháu nên thường phải chịu cảnh cơ hàn nên chán nản quan trường, đã ba lần xin cáo lui mà không được:
Thử thân dĩ tác phàn lung vật
Hà xứ trùng tầm hãn mạn du
Mạch hướng thiên nhai thán luân lạc
Hà nam kim thị đế vương châu...
đại ý là:
“Tấm thân không mong thoát khỏi chậu lồng, mà dù có toát khỏi đi nữa thì đâu lại chẳng phải là đất vua, cho nên đành ráng chịu đựng cho qua ngày tháng.”
Những lý do trên khiến ông luôn luôn giữ một thái độ tiêu cực cho tới lúc bị bệnh dịch tả (theo sự dẫn chứng của BS Bùi Minh Đức), ông có vẻ không còn lưu luyến cuộc sống nên từ chối uống thuốc, tới khi hấp hối bảo người nhà sờ tay chân và khi người nhà thưa, “ Lạnh rồi...”, ông chỉ nói, “ Được rồi” và tắt thở.
Qua bài thơ, ta thấy Nguyễn Du , sống giữa ngã ba thời đại lịch sử: Lê, Tây Sơn, Nguyễn, đã không có vẻ nồng mặn với triều Nguyễn, xin cáo lui không được thì tìm đường khác để thoát khỏi những trói buộc tại cõi hồng trần.
Tâm sự Nguyễn Du đối với triều Lê
Các sách vở cổ điển xưa nay vẫn cho rằng Nguyễn Du có tâm sự hoài Lê.
Người đứng đầu chủ thuyết này là Đào Duy Anh, cũng là người đã phát giác ra hai câu cuối trong bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du, không có ghi chép trong gia phả mà chỉ nói là khẩu chiếm của Nguyễn Du trước khi lià đời thôi.
Sau đó các nhà khảo cứu khác như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim cũng đồng quan điểm và căn cứ vào bài Độc Tiểu Thanh Ký với hai câu cuối “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” mà suy ra rằng tuy tiên sinh ra làm quan với triều Nguyễn nhưng cả đời đã ôm một mối hận lòng vì đã làm trái với luân thường đạo lý là tôi trung không được thờ hai vua, nên tự cho mình không có phẩm hạnh bằng nàng Tiểu Thanh dù chết cũng nhất định giữ lòng trung trinh với một chồng và tiên sinh tự hỏi mình hiểu lòng nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước, nhưng sau mình ba trăm năm thì biết có ai hiểu lòng mình chăng? Do các sách của các tác giả trên được dùng giảng dậy trong các trường học nên nhiều thế hệ sau đó đều theo quan điểm hoài Lê này.
Giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng bênh vực lập luận Nguyễn Du hoài Lê vì khi ra làm quan dưới triều Nguyễn, Nguyễn Du đã bất mãn, phẫn chí bởi những lý do đã nêu trên. Giáo sư cũng nói tuy Nguyễn Du và nhiều sĩ phu Bắc Hà đã rời bỏ giấc mộng phục Lê nhưng lòng vẫn còn nặng với nhà Lê và tiên sinh hận đã không làm được như Khuất Nguyên thà trầm mình xuống sông Tương còn hơn là nhìn cảnh nước mất nhà tan qua các câu thơ:
...Liệt nữ tòng lai bất nhị phu
Hà đắc thê thê tướng cửu châu
Vị tất cố nhân tri hữu ngã
Nhãn trung Tương thủy không du du.
(Biện Giá)
Đại ý nói, “Người đàn bà trinh liệt xưa nay không có hai chồng/ Hà tất phải đi chín châu kiếm thờ vua khác?/ Chưa chắc gì người xưa biết có ta? Trước mắt ta, dòng sông Tương dằng dặc trôi không ngừng.
Tấm lòng trung trinh này cuả Nguyễn Du đối với nhà Lê đã được bày tỏ trong các câu thơ sau do Quách Tấn dịch:
...Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh Trăng trong lòng giếng cổ
Tỉnh thủy vô ba đào... Nước giếng không ba đào...
Và:
...Trạm trạm nhất phiến tâm Vằng vặc một mảnh lòng
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy... Giếng trong trăng rọi bóng...
Vẫn theo giáo sư, “ Trong nền văn hóa Đông phương thuở xưa, chữ Trinh đối với người con gái cũng như chữ Trung đối với người con trai. Nguyễn Du không được chết vì vua, vì nước nên hổ thẹn với chính mình:
...Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm
Tiêu điều lữ muộn đối thời ca.
(Tạp Ngâm)
Đại ý là
Hùng tâm lạc lõng làm cùn cây kiếm ngắn/ Nỗi buồn lữ thứ tiêu điều khi nghe những bài hát thời nay.
Giáo sư còn cho rằng Hồ Xuân Hương đã nói rõ cho Nguyễn Du biết là cô chỉ có một lòng thờ nhà Lê qua bài thơ Bánh Trôi:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn/Nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Quan điểm hoài Lê nay bị các tác giả lớp sau như Hoài Thanh, Trương Chính, Mai Quốc Liên vv... bác bỏ nhưng cũng không có các chứng liệu vững chắc mà chỉ là suy đoán. Quách Tấn, dựa theo bài tham luận của Trương Chính cũng cho rằng nếu lấy thơ văn làm bằng chứng thì Nguyễn Du không có tâm sự hoài Lê. Ngoài ra, trong bài Á Phủ Mộ, Nguyễn Du còn chê những kẻ không biết lẽ vô thường, cảnh thay đổi triều đại cũng là thường tình, đâu cứ khăng khăng nhất tâm trung sở sự được? Cũng theo Quách Tấn, kẻ phải sáng suốt nhận định thời cuộc khi vua Lê chỉ còn ngồi trên ngôi làm vì khiến vận nước đã mạt từ lâu rồi.
Trong tạp chí Truyền Thông, Lê Phụng tuy cùng biên tập với giáo sư Trần Ngọc Ninh nhưng có quan điểm khác là qua thơ văn của Nguyễn Du, tác giả không thấy bài thơ nào chứng tỏ Nguyễn Du hoài Lê.
Tâm sự Nguyễn Du đối với nhà Tây Sơn
Chúng ta hãy trở lại từ đầu bài thơ về cô Cầm, người ca kỹ Long Thành.
Trước hết là Danh từ Long Thành, dù Gia Long đã bắt viết chữ Long có nghĩa là Thịnh, Nguyễn Du vẫn dùng chữ Long có nghiã là rồng.
Thứ hai, nàng Cầm là một giai nhân nổi tiếng tài hoa như thế mà trong thành lại không ai biết tên họ? Chuyện đó thật có vẻ khó tin. Rồi lại cây đàn nàng sử dụng, cũng lại gọi một cách mơ hồ là đàn Nguyễn, cái tên đàn lạ hoắc đối với người Việt Nam. Để giải thích cái tên này, nhạc sĩ Trần Văn Khê phải bới các đống sách về nhạc Tàu, kiếm ra tên một người tên Nguyễn Hàm, đời Tấn rồi gán vào và kết luận đàn Nguyễn là do tên Nguyễn Hàm mà ra và đây là loại Nguyễn Tỳ Bà có hộp đàn hình tròn. Tuy nhiên ta có thấy người Việt nào chơi đàn gọi là đàn Nguyễn Tỳ Bà đâu, hay tên đàn này chỉ thấy có một lần độc nhất trong bài thơ này thôi.
Một số học giả khác lại giải thích đó là đàn Nguyệt. Nếu vậy, tại sao Nguyễn Du lai không gọi thẳng ra là đàn Nguyệt?
Tôi thiển nghĩ có thể Nguyễn Du đã ám chỉ cây đàn Nguyễn và nàng Cầm chính là hình ảnh tượng trưng cho triều Nguyễn Tây Sơn. Lúc nàng Cầm gảy đàn cho quan tướng Tây Sơn thưởng thức chính là thời Tây Sơn đang lừng lẫy, chiến thắng cả trong Nam lẫn ngoài bắc, thống nhất giang sơn về một mối, còn khúc đàn Cung Phụng hay như tự trời xuống chính là bản Khải Hoàn Ca với chiến thắng oanh liệt chưa từng có tại gò Đống Đa, trong một trận phá tan hơn 200,000 quân bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Qúy Châu và Vân Nam.Tất cả những ấn tượng này đều được Nguyễn Du gói ghém kín đáo trong những lời tiểu dẫn cũng như trong bài thơ:
- Người gảy đàn Long Thành ấy, tên họ gì không rõ. Vì nàng Cầm chính là biểu tượng cho nhà Tây Sơn mà Nguyễn Du không dám nói rõ ra.
- Tài danh nàng lừng lẫy một thời. Nhà Tây Sơn cũng một thời lừng lẫy do các chiến công.
- Nàng ăn đứt mọi người với cây đàn Nguyễn. Nhà Tây Sơn lúc đó là vô địch.
- Lúc bấy giờ tôi đứng trong bóng tối. Khi đó tôi chưa nhận biết ra triều Tây Sơn một cách rõ ràng, chưa hiểu họ xấu tốt thế nào hay họ phất cờ khởi nghĩa có chính đáng hay không.
- Áo hồng phản ánh mặt hoa đào: Cô Cầm đã hiện ra như một ánh hào quang rực rỡ khiến cho mọi người đều mê say ngây ngất. Nàng không đẹp lắm, nàng không phải là một mỹ nhân nhưng nàng có phong cách phóng khoáng, có tiếng đàn tuyệt diệu và tư cách đường hoàng, chững chạc, coi thường hết mọi người rất xứng đáng tên gọi giai nhân, một vật báu của Trường An. Cô Cầm đang lên đỉnh cao nghệ thuật cũng như Tây Sơn đang lên cao chót vót trong thời cuộc.
- Ba mươi sáu cung xuân hun đúc thành bảo vật Trường An ám chỉ không ai hết ngoài vua Quang Trung.
- Nguyễn Du còn công khai ca ngợi các quan tướng Tây Sơn có ý khí hào hoa át vương hầu/ Bọn trẻ Ngũ Lăng không sánh nổi. Tả hữu thi nhau ban giải thưởng /Tiền bạc coi khinh như bùn đất.
- Nếu trong bài Độc Tiểu Thanh Ký, Nguyễn Du đã gửi gấm tâm sự trong hai câu cuối, thì trong bài này cũng vậy, qua hai câu thơ:
...Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri
gợi ý là bây giờ ông đã rõ triều Nguyễn Tây Sơn có một thời lẫy lừng, oanh liệt đến thế mà than ôi ông cũng phải giả ngây không dám một lời ca tụng, coi như không hề biết tới vậy.
Sử gia Trần Trọng Kim đã công khai nhìn nhận nhà Tây Sơn và gọi họ là triều Nguyễn Tây Sơn, đồng thời đã ca tụng hết lời trong bộ Việt Nam Sử Lược khi nói Quang Trung có sự nghiệp hiển hách không khác gì Đinh Tiên Hoang và Lê Thái Tổ. Tôi cũng nghĩ nếu mà Nguyễn Du sống lại bây giờ thì bài thơ Long Thành Cầm Giả Ca sẽ được viết lại khác hẳn đi.
Linh mục Giáo sư Thanh Lãng trong Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam viết:
“...Từ xưa người ta cứ cho rằng Nguyễn Du u uất vì mang mối tình với nhà lê, nhưng trong suốt sự nghiệp thơ văn chữ Hán của ông không có một nét nào cho thấy ông ghét Nguyễn, thương Lê cả. Ngay đến nhà Tây Sơn, Nguyễn Du còn chẳng tỏ vẻ gì thù ghét, mà còn đi ăn yến, dự tiệc với các quan Tây Sơn như ông đã mô tả trong Long Thành Cầm Giả Ca. Hơn thế nữa, khi Tây Sơn thất bai, Nguyễn Du còn cảm thấy đau đớn, tiếc thương, nhất là khi nhìn thấy tất cả cái cơ nghiệp vĩ đại cuả nhà Tây Sơn chỉ còn lại một cô ca sĩ già khiến nhà thơ phải đau lòng để nước mắt rơi ướt áo...”
Từ Điển Văn Học, bộ mới xuất bản 2004, nêu ý tương tự:
“…LTCGC là tác phẩm viết về một con người tài hoa một thời, bây giờ nhan sắc tiều tụy khiến nhà thơ tỏ lòng ngậm ngùi thương xót và nghĩ tới cuộc đời dâu bể...Tuy nhiên nó có một khía cạnh đáng chú ý là trong bài này, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, Nguyễn Du nhắc đến nhà Tây Sơn. Bài thơ không có tí gì gọi là thù địch với Tây Sơn, mà trái lại, trong khi thương xót cho số phận người ca nữ, nhà thơ lại có vẻ như ngậm ngùi cho sự sụp đổ của họ. Phải chăng đến giai đoạn này, sau khi ra làm quan với nhà Nguyễn do đó có nhiều thể nghiệm về cuộc sống, cho nên cách nhìn nhận của nhà thơ đối với các triều đại có thay đổi gần với chân lý hơn?...”
Nguyễn Huệ Chi, trong Nguyễn Du và Thế Giới Nhân Vật của Ông trong Thơ Chữ Hán cũng viết, “Nguyễn Du không hề lộ ra một thái độ hằn học nào đối với triều đại Tây Sơn. Hình ảnh quan tướng Tây Sơn bắt gặp thoáng qua trong một lần ông ghé thăm người anh ruột ở Thăng Long vào khoảng 1792-1793 được vẽ lên rất mực hào hoa phong nhã, nếu không nói là còn ẩn giấu một phần thiện cảm...Và như Hoài Thanh đã nhận xét, sau này khi Tây Sơn bị lật đổ, ta lại thấy Nguyễn Du có cái tiếng thở dài rất đỗi bùi ngùi...Như vậy có phải thực tế cuộc đời trong bao nhiêu năm làm qaun buồn tẻ dưới triều nhà Nguyễn, đã lay chuyển dần tiềm thức của Nguyễn Du, làm cho ông có một cái nhìn phần nào khác trước đối với Nguyễn Huệ?”
Nguyễn Du khi lập thân đã đứng trước một ngã ba thời đại: ba nhà Lê - Nguyễn - Tây Sơn, đầy kịch tính vì những biến cố dồn dập, mãnh liệt, chớp nhoáng khiến những chứng nhân của giai đoạn lịch sử này hầu như đều bị choáng váng và cảm thấy rất khó khăn trong việc chọn lựa chỗ đứng, con đường lập thân chứ không riêng gì Nguyễn Du cho nên ông cũng bị ảnh hưởng bởi cơn lốc chính trị đành phải tuỳ cơ ứng biến.
Giai đoạn đầu, khi ông còn làm võ quan tại Thái Nguyên dưới quyền Nguyễn Đăng Tiến thì Tây Sơn tiến quân ra Bắc lần thứ nhất và ông đã quyết chí phù Lê, chống lại Tây Sơn nhưng thất bại. Tuy vậy ông vẫn tìm đường sang Trung quốc để gặp Lê Chiêu Thống nhưng chưa tới Bắc Kinh thì vua Lê đã bị nhà Thanh đánh lừa, dụ gọt đầu để tóc như người Mãn Thanh và chia cách vua tôi ra mỗi người một nẻo nên ông cùng Nguyễn Đăng Tiến chán nản không tìm đi theo vua Lê nữa.
Khi trở lại quê hương, ông nằm tại quê vợ, chờ thời thế tới khi Gia Long tiến ra Bắc năm 1802 thống nhất sơn hà thì vua Quang Trung đã băng hà trước đó cả 10 năm nên ông cũng không còn con đường sự nghiệp nào khác là ra làm quan với nhà Nguyễn, với một thái độ miễn cưỡng nhưng vẫn ôm một chút hoài vọng là mình có thể đem tài năng ra cứu dân, cứu nước. Sau đó qua trải nghiệm suốt hai chục năm trên quan lộ, ông thấy thất vọng, chán nản chỉ muốn cáo lui về quê sống một cách thoải mái, tự do nhưng lại không được.
Trong thời kỳ bi quan, tiêu cực này ông nhìn lại mới thâý nhà Tây Sơn chính là triều đại lẽ ra ông nên ra phò tá nhưng số mệnh đã an bài rồi.
Trong bài Dạ Hành ông cất tiếng than:
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu
Đại ý:
Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người
Đêm tối mù mịt không biết bao giờ mới sáng
Và thở dài ngao ngán:
Nhất sinh u tứ vị tằng khai
Nghiã là:
Trọn kiếp mối u sầu chưa hề gỡ ra
Ông không thiết sống nữa, bệnh không chịu uống thuốc, chọn con đường tự giải thoát khỏi các bi ai, phẫn uất, bất đắc chí của cuộc đời đầy sóng gió.
Nếu người nào đã đọc bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị thì sẽ nhận ra ngay giữa hai bài thơ có nhiều sự tương đồng:
Về hình thức cả hai bài đều viết theo một thể cổ phong là ca hành.
Cả hai bài đều có lời Tiểu Dẫn
Về nội dung, cả hai bài đều diễn tả thân phận của một ca kỹ với ngón đàn tuyệt diệu và khúc hát chỉ dành cho bậc hào hoa hay công hầu. Ngón đàn với nhịp điệu thay đổi đều được mô tả kỹ càng. Cả hai nàng đều đã trải qua một thời huy hoàng, tiến lên đỉnh cao của nghệ thật, nhan sắc diễm lệ để rồi cùng tàn tạ với thời gian cả về tài lẫn sắc.
Tuy nhiên giữa hai bài vẫn có sự khác biệt:
Bạch Cư Dị chỉ gặp nàng ca kỹ có một lần, trên bến Tầm Dương rồi nghe nàng kể chuyện về đời mình, khi luống tuổi phải lấy một khách thương mà người này trọng tiền bạc hơn là vợ nên thường vắng nhà vì công việc làm ăn trong khi Nguyễn Du đã gặp nàng Cầm hai lần cách nhau hai chục năm, đều trong một dạ tiệc nhưng thời thế đã thay đổi - nhà Nguyễn đã thay thế cho Tây Sơn - và nàng khi luống tuổi phải ôm đàn hát dạo để kiếm kế sinh nhai.
Điểm khác biệt căn bản của hai bài thơ là trong khi Bạch Cư Dị thấy mình cũng rơi vào hoàn cảnh giống như người ca kỹ vì đang bị biếm chức đi làm Tư mã Giang Châu, nên ngậm ngùi cho số phận của người ca kỹ và của chính mình mà cảm hứng viết ra thơ còn Nguyễn Du thì không những thương xót cho thân phận nàng Cầm nhưng cho cả cuộc đời bể dâu trong đó có sự suy sụp mau chóng của triều đại Tây Sơn với nỗi niềm luyến tiếc.
Có nhà phê bình văn học đã nói, “Giả sử Nguyễn Du không viết Truyên Kiều thì riêng bài thơ Long Thành Cầm Giả Ca cũng đủ để lưu danh ông với hậu thế.”
Bài thơ vưà tự sự, vưà trữ tình, đã nói lên một cách trung thực nỗi niềm thương xót cho chính cuộc đời ông, cho cô Cầm, cho cả một triều đại cùng bị chi phối khắc nghiệt bởi số mệnh, từ hưng xuống vong, từ thành tới bại, từ huy hoàng xuống tăm tối, từ vui tươi xuống u buồn, từ trẻ đẹp xuống già xấu trong đó tài năng và sắc đẹp càng dễ bị hủy diệt một cách mau chóng hơn.
Đúng là:
Trăm năm một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
PHỤ BẢN I: Bài thơ dịch của Hoàng Xuân Thảo
Theo thể lục bát
Long Thành nức tiếng giai nhân
Mà nào ai biết tính danh của nàng?
Đàn cầm luyện ngón đã sành
Cả thành quen miệng gọi luôn là Cầm.
“Cung Phụng” xưa học trong cung
Khúc đàn tuyệt diệu, từ vùng Thiên Thai
Gặp nàng nhớ buổi thiếu thời
Môt đêm hồ Giám tiệc vui tưng bừng.
Nàng chừng hăm mốt xuân xanh
Mặt hoa đào phản ánh hồng áo tung
Men tô cặp má ửng hồng
Tay ngà nhẹ lướt nhịp nhàng năm cung.
Khoan như gió thoảng rừng tùng
Trong như đôi hạc cõi không mịt mùng
Mạnh như sét đánh bia tan
Buồn như khi bệnh tiếng ngâm đầu đời.
Người nghe quên cả mệt nhoài
Trung Hoà xưa cũng khúc này chẳng sai
Tây Sơn quan tướng đều say
Truy hoan tới sáng vẫn đòi nghe thêm.
Tranh nhau ban thưởng liên miên
Coi như bùn đất, bạc tiền vãi vung
Hào hoa át cả vương tôn
Còn như bọn trẻ Ngũ Lăng sao bằng?
Dường như băm sáu cung xuân
Đúc thành vật báu Trường An người này
Tiệc xưa hai chục năm rồi
Tây Sơn sau bại, tôi dời vô Nam.
Long Thành gang tấc chẳng màng
Huống chi ca múa trong thành thiết chi
Tiệc Tuyên Phủ tiễn tôi đi
Mời nhiều ca kỹ đang thì tuổi xuân.
Chiếu cùng riêng có một nàng
Tóc hoa râm, mặt võ vàng héo hon
Mày thô chẳng thiết điểm trang
.Từng là đệ nhất tài danh, ai ngờ?
Chợt đâu nổi khúc nhạc xưa
Tai nghe, lòng chạnh xót xa khóc thầm
Nhớ bên hồ Giám gặp nàng
Mà nay hai chục năm trường đã trôi.
Bao lần dâu biển tơi bời
Thành siêu, quách đổ, việc đời đổi nhanh
Tây Sơn cơ nghiệp tan tành
Mà riêng ca vũ một nàng sót đây!
Trăm năm một chớp mắt thôi
Cảm thương chuyện cũ lệ rơi chan hoà
Nam ra, tôi tóc bạc phơ
Trách chi người đẹp phai mờ dung nhan.
Trừng trừng hai mắt ngỡ ngàng
Thương thay, đối mặt tưởng chừng chẳng quen!
Phụ Bản II: Nguyễn Văn Bảo và Nguyễn Đương Tịnh dịch thơ Lý Bạch (Thiếu Niên Hành) và bàn chuyện dịch thơ.
Lý Bạch Thiếu Niên Hành Kỳ II
Ngũ Lăng niên thiếu Kim thị đông
Ngân yên bạch mã độ xuân phong
Lạc hoa đạp tận du hà xư?
Tiếu nhập Hồ cơ tửu tứ trung.
Chợ Kim, thằng nhóc từ hướng đông
Trên yên ngựa trắng lướt xuân phong
Đạp hoa nát bấy chơi đâu thế?
Cười cợt nhào vô quán rượu nồng.
Nguyễn Văn Bảo
Bầy qủy Ngũ Lăng phía chợ đông
Ghìm cương bạch mã vượt băng đồng
Vó câu đạp nát hoa lầy đất
Cợt nhả nhào vô quán rượu nồng.
Nguyễn Đương Tịnh
LỜI BÀN của
Nguyễn Đương Tịnh:
Ba chúng tôi chỉ gặp nhau trên Diễn Đàn, thấy bài thơ này hay qúa, từng đã dịch lâu rồi, hôm nay nhân đọc câu chuyện bàn về dịch thơ giữa hai anh Nguyễn Văn Bảo và Hoàng Ngọc Khôi nên nổi hứng dịch lại bài thơ. Dịch lại thế mà vẫn không dịch được ý chợ Kim và gió xuân. Dịch thơ Đường qủa thật là khó!
Nguyễn Văn Bảo:
Bài thất ngôn tứ tuyệt này chứa một kỷ niệm khó quên giữa Con Cò và Hoàng Xuân Thảo. Ngay từ đầu, Cò đã thích cái mùi vị trào phúng của bài thơ. Họ Lý tả một nhãi con cưỡi ngựa trắng, yên bạc từ phía đông chợ Kim đi du xuân, đạp nát hoa rồi cuối cùng cười cợt bước vào quán rượu ả Hồ. Cò dịch xong bèn vội vã gửi cho HXT xem, bài dịch thoạt đầu như sau:
Ngũ Lăng niên thiếu từ hướng đông
Trên yên ngựa trắng lướt gió xuân
Đạp hoa nát bấy, đi đâu thế?
Quán rượu cười duyên, bước vào trong.
HXT không bình phẩm lời nào, chỉ nhắn lại, “ Thầy Cò nên thận trọng. Bài thơ này đã được nhiều học giả uyên thâm Hán học dịch mà chưa có bài dịch nào đáng lưu giữ. Người thì dịch quá nghiêm túc, không mô tả được nét trào phúng, người thì cương quá độ làm cho ý bài dịch khác xa nguyên tác. Riêng hai từ Tiếu Nhập đã có tới bốn lối dịch khác nhau, riêng tôi nghĩ hai từ Nhào Vô là sát ý nhất.”
Cò hiểu ngay những gì HXT cho là chưa tới trong bài dịch của mình. Câu đầu thiếu chữ Chợ Kim.(Nếu không đủ chỗ cho cả Ngũ Lăng lẫn Chợ Kim thà hi sinh Ngũ Lăng chứ không nên bỏ Chợ Kim.) Câu 2 chữ gió phạm luật bằng trắc. Câu chót chỉ tạm được thôi, cũng phạm luật bằng trắc mà vẫn không diễn tả được cáí ý muốn ve gái.
Cò bèn thay Ngũ Lăng bằng Chợ Kim, niên thiếu bằng thằng nhóc, mượn từ nhào vô của HXT, đưa hai chữ cợt nhả vào để vạch mặt thằng nhóc lộ vẻ khoái trá mà nham nhở, riêng từ xuân phong để nguyên vì nó đã Việt hoá, ai ai cũng hiểu.
Thế là bài dịch hoàn tất, HXT tỏ vẻ thích thú và bàn sau khi đọc bài mới, “ Tuy rằng dịch thơ Đường phải cực kỳ nghiêm chỉnh nhưng chữ thằng nhóc rất đắc địa trong bài thơ trào phúng này.”
Hoàng Xuân Thảo:
Ta hãy đọc tiếp hai bài dịch nữa:
Bên chợ Kim, chàng trẻ Ngũ Lăng
Cưỡi con ngựa trắng qua gió xuân
Hoa rơi giẫm hết, đi đâu tá?
Cười vào trong quán rượu cô nàng.
Trần Trọng San
Ngũ Lăng, những gã thiếu niên
Phía đông Kim Thị bước liền vó câu
Đạp hoa vội vã chơi đâu?
Cười mừng vào xóm ả đào, tiệm chơi.
Trần Trọng Kim
Đọc thoáng qua ba bài thơ của ba học giả Lê Nguyễn Lưu, Trần Trọng San, Trần Trọng Kim ta thấy ngay không có bài dịch nào lột tả được hết ý của bài thơ nguyên tác, chưa nói thêm là khi đọc lên ta có cảm tưởng gượng gạo và lời thơ có vẻ ngây ngô, không thể gọi là một bài thơ hay.
Trong bài dịch của Lê Nguyễn Lưu, thiếu sót chữ đông mà Kim Thị đông mới là chỗ ở của các bậc vương hầu hay đại gia; ông đổi yên bạc ra yên vàng, rất hiếm có trong thực tế, ông dùng danh từ giai nhân để thay cho Hồ cơ - mà Trần Trọng Kim gọi là ả đào – thì có phần hơi quá đáng.
Trong bài dịch của Trần Trọng San, cũng bỏ chữ hướng đông, bỏ cả yên bạc ngụ ý đây là bọn công tử nhà giầu, tuy ông dịch tiếu nhập là cười vào rất đúng nghĩa nhưng không lột tả được cái cử chỉ phàm phu tục tử khi bước vào quán rượu để ve gái, và ông cũng dịch Hồ cơ là cô nàng rất gượng ép.
Trong bài của Trần Trọng Kim, ông không tả ngựa trắng với yên bạc là nhữ ng vật biểu trưng cho bọn công tử nhà giầu, lại không có gió xuân để nói bọn trẻ đi du xuân để tìm rượu và gái, còn câu cuối tựa như vẽ chân thêm cho rắn chứ không đúng ý của nguyên tác.
Phân tích như vậy để thấy rằng lời bàn của BS Nguyễn Đương Tịnh là rất chí lý, dịch thơ Đường quả thật là khó. Tuy nhiên nếu so sánh ba bài thơ này với hai bài cuả hai BS Tịnh và Bảo thì tôi nghĩ rằng hai bài của hai anh tới hơn, đắc ý và lời hơn, có vẻ là một bài thơ Việt hơn mặc dầu hai anh cũng đã tự nêu lên những khiếm khuyết trong bài thơ dịch của mình.
Hoàng Xuân Thảo
Theo http://kieuhoc.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn

Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang ngồi đọc lại những tra...