Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Truyện Kiều trong cảm hứng thơ của người đời sau

Truyện Kiều trong 
cảm hứng thơ của người đời sau
Truyện Kiều còn đi vào đời sống con người dưới các hình thức sáng tác dân gian như: Nhại Kiều, đố Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều..v.v... Truyện Kiều còn trở thành một yếu tố tâm linh dười hình thức "bói Kiều" vào các ngày lễ tết, rằm, lúc gia đình có những việc đại sự, quan trọng. Tầng lớp tri thức lại tiếp nhận Truyên Kiều một cách bác học hơn như phê bình, đánh giá theo tư tưởng đạo đức nho giáo, đi sâu phân tích nội tâm của từng nhân vật, tìm hiểu sự tác động của Truyện Kiều đối với đời sống con người...Trong suốt hai thế kỷ qua, Truyện Kiều và Nguyễn Du luôn là nguồn cảm hứng của nhiều thế hệ. Thật hiếm có tác giả và tác phẩm nào ngấm vào máu thịt của người Việt Nam mà có sức sống lâu bền đến vậy. Truyện Kiều và Nguyễn Du đi vào thơ ca quen thuộc như bờ ao, lũy tre, ruộng vườn, trăng sao, hoa lá, bầu trời Việt Nam... và trở thành bao điều trăn trở của các nhà thơ. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong đời sống tâm hồn của con người Việt Nam. Truyện được xem là một tài sản về mặt tinh thần của tất cả mọi người. Những người dân bình thường giản dị tiếp nhận Truyện Kiều bằng cách đọc hoặc nghe người khác kể lại. Sự thích thú của họ đối với Truyện thể hiện ở việc ai cũng thuộc một vài câu Kiều trong số 3254 câu thơ. Họ đã không giữ  những câu thơ đó cho riêng mình mà kể lại thiên truyện cho những người khác cùng cảm nhận.
Bên cạnh đó, Truyện Kiều là  một nguồn cảm hứng khơi mào cho hành loạt các tác phẩm thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật khác nhau như: Kịch, tuồng, thơ ca, phim ảnh, hội họa, âm nhạc, cải lương... đặc biệt là lĩnh vực thơ ca. Mỗi nhà thơ đi tìm cảm hứng cho riêng mình ngay trong thiên truyện. Cảm hứng xuất phát từ số phận cho đến tình duyên, từ những nỗi đau đến nỗi cô đơn ngự trị trong nhân vật Thúy Kiều. Họ thay nàng nói những lời sâu kín nhất. Nhà thơ còn viết về Nguyễn Du tác giả của Truyện Kiều. Những tình cảm của họ đối với Nguyễn Du chan chứa tình yêu, tình thương, đồng cảm và hơn hết đó là lòng thành kính của mỗi người đối với đại thi hào. Vậy những bài thơ viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du xuất phát từ những nguồn cảm hứng nào?
Trước hết, phải nói đến cảm hứng của người đời sau xuất phát từ sự đồng cảm với nhân vật Thúy Kiều. Truyện Kiều được xem là một đề tài hấp dẫn được nhiều người đi sâu tìm hiểu và bày tỏ những cảm xúc trong các đề tài, luận văn, thơ ca. Thúy Kiều là nhân vật chính. Nàng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người trong đó có cả những nhà thơ, nhà văn đương thời. Họ hiểu Kiều như chính con người mình, thương cho một kiếp hồng nhan nhưng bạc phận. Mỗi nhà thơ có cách viết riêng nhưng tất cả đều bày tỏ sự đồng cảm, xót thương và chia sẻ với những khổ đau mà Kiều từng trải. Đoạn trường mười lăm năm phiêu dạt của nàng Kiều là những tủi nhục, cô đơn và đau khổ. Kẻ gây ra tội ác đó cho nàng Kiều không ai khác đó là một xã hội phong kiến suy tàn, mục nát, thối tha, bọn buôn thịt bán người vô nhân tính. Cảm nhận được điều đó, mỗi nhà thơ đều dành những tình cảm chân thành nhất cho Thúy Kiều. Họ bày tỏ sự đồng cảm, xót thương đối với nàng thông qua những vần thơ chân thành mà sâu sắc.
Kiều trở nên gần gũi với công chúng, có sức hút mãnh liệt, trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tác của các nhà thơ và những người dân bình thường trong xã hội. Mỗi vần thơ của họ đều là những dòng tâm sự tận đáy lòng, những khát khao thể hiện tình yêu đến cháy bỏng. Trong thế giới thi ca, các nhà thơ đã không ngần ngại nói ra những cảm xúc của mình mà không hề dấu diếm. Những cảm xúc đó có thể được nói ra một cách trực tiếp thắng thắn, cũng có thể khéo léo, tinh tế, nhẹ nhàng tùy theo vấn đề và tính cách mỗi cá nhân. Các sáng tác hướng tới Thúy Kiều nhiều khi có chung một cảm xúc nhưng mỗi người lại có những cách thể hiện riêng của mình.
Đêm nghe gà gáy bên sông
Lời như sương mỏng bồng bềnh tương tư
Dáng Kiều đâu đó hình như
Lẫn trong tiếng pháo gầm gừ niềm tin.
(Đọc lại Truyện Kiều - Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc)
Nàng Kiều đi vào trong tâm hồn, cuộc sống của người dân một cách tự nhiên. Kiều đã trở về trong những đêm khuya văng vẳng tiếng gà, lẫn trong những giọt sương đêm mỏng manh, hòa mình vào tiếng pháo cất dấu những niềm tin thắng lợi. Kiều còn khơi gợi trong lòng tác giả những cảm xúc khó tả đó là lời bộc bạch của tác giả Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc. Đọc từng dòng Kiều trong đêm khuya cùng với một tâm hồn đa cảm của mình, tác giả thấy đau cho một kiếp người hồng nhan nhưng bạc phận, thấy tiếc cho một tình yêu trong sáng, trinh nguyên. Chính tác giả đã cảm nhận được nỗi đau giằng xé của nàng:
Dẫn theo Kiều tặng cho đời
Tiết trinh tơi tả, rã rời tình yêu
Đi trong bóng ngả xế chiều
Lạnh đôi giọt lệ em Kiều là đây
Đọc và hiểu đoạn trường mà nàng đã trải qua nhưng với tác giả Kiều vẫn là một cô gái vẹn nguyên, trinh trắng, nhẫn nhịn, cam chịu nỗi đau của mình, "Mây tần, mưa sở bao đêm/ chữ trinh nguyên vẹn dù em lỡ làng/ nghiến răng không một tiếng than/ bốn bề máu chảy bàn hoàn bàn chân". Đoàn Tuấn - Lê Minh Quốc càng thêm yêu Kiều và dành cho Kiều một tình cảm chân thành nhất, tình cảm đó đã được thể hiện trong từng câu thơ gần cuối bài "vẫn trong như ngọc trắng ngần/ tình em thắp sáng trăng rằm Angkor".
Nhà thơ Tố Hữu chỉ thốt lên một câu "Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều" cũng làm cho chúng ta thấy một tấm lòng thương người cao cả, sâu sắc của ông. Đọc từng dòng thơ lục bát hay, sâu sắc và đi theo sát dấu chân đại thi hào nhưng Tố Hữu chỉ cảm thấy một sự thật tàn khốc "máu chảy ở trên ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy" như hòa trong từng chữ, từng câu thơ xé ruột. Bức tranh về cuộc đời nàng hiện diện trước mắt ông, lấy đi của tác giả một nỗi đau xé lòng.
Sau bảy nổi ba chìm chín long đong
Kiều tủi thân  xót phận nhảy xuống dòng
Giác Duyên nghe động tâm bồ tát
Cởi áo cà sa nhảy xuống bồng.
Nước Tiền Đường có rửa sạch Kiều không?
Câu kinh nệ có xoa Kiều dịu nỗi?
(Khi đọc Truyện Kiều - Hà Nguyên Dũng)
Hà Nguyên Dũng sau khi lần theo bóng dáng Thúy Kiều trong mười lăm năm lưu lạc, ông đã có một cái nhìn tổng thể về cuộc đời nàng: "sau bảy nổi ba chìm chín long đong". Ông mang trong mình một nỗi lòng trăn trở, liệu nước Tiền Đường có cuốn trôi những mảnh màu đen tối trong cuộc đời nàng? Liệu những câu kinh kệ có ru nhẹ nỗi đau của nàng? Liệu nàng có thanh thản, tĩnh lặng với sông Tiền Đường, câu kinh kệ hay không? Sau đó ông nhẹ nhõm khi biết "Kiều chẳng được ai thương, nghĩ tới/  nếu cuối cùng nàng không gặp Nguyễn Du". Phải chăng những trăn trở này của tác giả xuất phát từ một sự đồng cảm của ông đối với số phận Thúy kiều.
Cũng là đồng cảm, xót thương nhưng Hoài Yên lại có một cách thể hiện khác đối với Kiều, ông thể hiện tình cảm nội tâm đau thương, nuối tiếc của mình ẩn sau những câu thơ như biện bạch, như đang hỏi nhưng ngẫm ra lại là một lời khiến trách sâu xa.
Trần Huy Liệu cũng chỉ là một người bình thường trong số đó. Ông giãi bày tâm sự của mình qua bài khóc Kiều với 8 câu ngắn gọn. Với ông, kiếp nạn Thúy Kiều sao tránh khỏi long đong lận đận với đời. Ông cảm thông cho số phận một đời con gái, sống trôi dạt vào tay biết bao người: "Bạc phận hồng nhan chán vạn người/ đoạn trường số ấy có tên ai/ phòng loan cung cấm đà bao thuở/ mày trắng lầu xanh mấy độ rồi/.... chỉ vì chưa gặp người tri kỷ/  mà luống long đong suốt cả đời".
Lê Thu Yến trong bài Duyên nợ với Kiều, bằng sự đồng cảm khi cũng là phận nữ tác giả vừa cảm thông vừa kính trọng yêu thương con người tài ba nhưng bạc phận ấy. Cảm nhận của cô trong mỗi trang Kiều vừa lướt qua là một một nỗi xót xa, cay đắng lẫn yêu thương: "Lần đầu tôi giờ trang Kiều/ thấy cay, thấy đắng, thấy nhiều xót xa/... Thúy Kiều tính hiểu ai bì/ mà đời ganh ghét, khinh khi phũ phàng/ phải chi tôi gặp được nàng/cảm thông một chút đôi hàng thơ rơi". Cô như đang sống trong Kiều cùng nàng gắng đỡ cuộc đời gian truân, vất vả. Và chúng ta càng thấy rõ trong những câu thơ trên là một cảm giác không yên lòng của cô về những con người mệnh bạc, về số phận đa đoan của những kiếp hồng nhan.
Những câu thơ của Thai Sắc:
Thúy Kiều ơi, chiều nay ta đưa nàng qua bến Cô Giang
Vẫy cánh buồm đơn khóc hờn ngoài bể thẳm
...  Thúy Kiều ơi, nàng là mảnh gương long lanh dễ vỡ
Ta làm sao gìn giữ giữa lòng tay
.... Về cùng ta đi em chiều nay, chiều nay trên bến cũ
Đừng một cõi mong manh giữa dâu bể vô bờ
(Với Thúy Kiều - Thai Sắc)
Thai Sắc đã mang trong mình một tâm trạng khắc khoái khó nói nên lời. ông dùng tiếng gọi "Thúy Kiều ơi" sao nghe mà da diết. Ông gọi trong lòng hay gọi cho chính Kiều nghe cũng nào ai biết được. Nhưng ta nhận ra rằng, ông đã dùng tấm lòng, ngưỡng vọng của mình để nhìn Kiều với cái nhìn đầy trân trọng, cảm thông và ước mơ có thể chia sẻ cùng nàng những thăng trầm của cuộc sống khó khăn.
Với nhà thơ Tố Hữu, ông mượn đôi lời gửi tới cụ Nguyễn Du để thể hiện tình cảm với nàng Kiều phận mỏng. Trong bài Kính gửi cụ Nguyễn Du, ông đã bày tỏ nỗi lòng thương cảm của mình với số phận lênh đênh bất định như cánh hoa lục bình của người con gái tài sắc vẹn toàn: "Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều/ hỡi lòng tê tái thương yêu/ giữa dòng trong đục cánh bèo lênh đênh/... Trải qua gió dập sóng dồi/ tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha/ đau đớn thay thân phận đàn bà/ hỡi ôi, thân ấy biết là mấy thân..."
Nếu như Xuân Diệu với bài Xuân đầu, Mai Quốc Liên Bất chợt Tiền Đường, Nguyễn Tài Đại Đời Kiều qua bốn lần đánh đàn, Tạ Hữu Yên bài Với Kiều và rất nhiều các tác phẩm khác đều bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho một cô gái tuyệt sắc nhưng bất hạnh từ đường đời cho đến đường tình duyên, sống trôi nổi như cây tầm gửi giữa cuộc đời, Thì Tế Hanh với bài Bình luận về Kiều có một góc nhìn táo bạo và mới mẻ hơn khi cho rằng người anh hùng đứng vị trí đầu tiên xuyên suốt trong toàn tác phẩm đó là tài nữ Thúy Kiều: "Người anh hùng trong Truyện Kiều là Kiều/ một cô gái chịu đựng bao gian khổ". Ông cho là như vậy bởi nàng là phận gái liễu yếu đào tơ nhưng một mình dũng cảm vượt qua bao nhiêu khổ đau, bất công, vô lý‎ của xã hội. Với ông, nàng giống như một đóa sen sống trong bùn mà vẫn tỏa hương, nàng vẫn trắng trong cho một chữ hiếu, chữ tình, vẫn vẹn nguyên một tâm hồn cao thượng. Mạch cảm hứng về Truyện Kiều không bao giờ cạn, bởi con người ai mà chẳng có trái tim, ai không đau cho một con người bất hạnh, không giận, không hờn khi chia rẽ hai người yêu nhau.
Từ sự đồng cảm của người sau, Truyện Kiều có tác động không nhỏ đối với người dân Việt Nam. Truyện Kiều tồn tại theo dòng chảy của thời gian, đi vào trong tâm hồn của mỗi con người, làm thổn thức biết bao nhiêu là thế hệ. Truyện không chỉ có trong thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Khuyến... mà còn đi vào trong chiến trận, trong lao động và trong cả thế giới trẻ thơ. Với Chế Lan Viên, Truyện Kiều đi sâu vào trong cuộc sống con người. Với ông, truyện đã đến với cô gái yêu thơ trong những tháng ngày bom đạn điên cuồng. Ông gặp lại Kiều trên đất khách từ lớp học vọng ra. Ông nghe tiếng ngâm Kiều vang lên trên dòng sông thanh vắng.
... Em có yên tâm để đọc Truyện Kiều
Buổi trăng lửa chếch soi tiền tuyến?
... Gặp Nguyễn nơi đây trên đất Quảng Bình
Đất hỏa tuyến những chàng trai lớp bảy
Lại ngâm Kiều sau một cuộc giao tranh.
... Đêm thắng giặc Bảo Ninh, mẹ Suốt ngâm Kiều
Mẹ dám đâu quên cái thuở khổ nghèo
... Câu thơ Nguyễn cũng góp phần đánh Mỹ
Một mái chèo trong lửa đạn xông pha.
(Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ - Chế Lan Viên)
Nhà thơ Vĩnh Mai cũng viết về Truyện Kiều ở trong thời tranh đấu ác liệt. Trong bài Tiếng ngâm Kiều trên sông Nhật Lệ, truyện đi vào trong lòng mẹ Suốt, làm khơi dậy bao nhiêu cảm xúc của người mẹ anh hùng. Tác giả đang tự hỏi mẹ đã nghĩ gì khi nghe những câu Kiều vọng lại trong đêm? Có phải truyện đã khiến mẹ quên đi hiểm nguy, quên khó nhọc, vung tay chèo đi lên phía trước, băng qua lửa đạn đến tiền phương: "...Mẹ ngồi im lưng tựa mạn thuyền/ một giọng ngâm Kiều ấm áp vọng lên/...mẹ đã nghĩ gì giây phút ấy/ mà bỗng quên tất cả nhọc nhằn/ quên phút hiểm nghèo đạn réo bom gần/ tay chèo mẹ vung lên phía trước/...chân l‎ý sáng ngời cầm chắc trong tay/ nghe ngâm Kiều mẹ có thấy đêm nay/ trăng Đồng Hới thêm xanh thêm mát/ nước Nhật Lệ rì rào trong tiếng hát/ và lòng già lấp lạnh những đêm trăng".
Trong thế giới học đường, Truyện Kiều được người thầy cảm nhận bằng tình yêu, bằng trái tim thổn thức đầy nhiệt huyết. Nhưng đứng trên bục giảng, người thầy mới thấy khó khăn khi giảng những điều xưa ấy cho đám học trò thơ ngây. Thầy luôn trăn trở làm sao để các em hiểu được mọi điều với một tâm hồn còn hồn nhiên vô lo, vô nghĩ. Nhưng người thầy cũng luôn tin chắc chắn một ngày không xa các em cũng sẽ hiểu hết được giá trị mỗi trang Kiều.
Nước mắt Nguyễn Du thẩm đẫm mỗi trang Kiều
Tôi thổn thức trước đèn soạn từng trang giáo án
Mà sáng nay ngập ngừng trên bục giảng
Sao tôi nói được tiếng tim mình
...Gương mặt ai cũng rạng rỡ tươi hồng
Xa xôi quá với nét Kiều ủ dột
Soi cho các em cảm thụ những trang  Kiều
(Giảng Kiều ở Vũng Tàu - Hoàng Trung Thủy)
Với bài Cảm ơn cô giáo dạy văn, Trần Dzạ Lữ đã công nhận công lao to lớn của những người giáo viên trong việc giữ lửa hồng truyền lại cho thế hệ mai sau. Những người thầy người cô đó vẫn truyền tải đến học sinh hồn thơ vẹn nguyên của đại thi hào, làm cho Kiều qua năm tháng vẫn luôn tồn tại, dành lấy một trái tim nhân hậu của con người: "Cảm ơn đời còn có em/ bao nhiêu năm vẫn bên trường lớp xưa/... cái tâm ấy đến bây giờ/ vẫn nguyên vẹn bóng nguyễn Du hiện về".
Như một nơi giữ lửa, thầy cô sẽ là những người tiếp nhận số mệnh đưa hồn thơ của Nguyễn Du vào thế hệ mai sau, cho học sinh biết thêm về cuộc đời về số phận của những con người ngày xưa ấy.
Đối với cuộc sống của người dân, Truyện Kiều là chiếc gối của mẹ mỗi đêm thâu, Phan Cung Việt cho như vậy cũng là vì:
Truyện Kiều bên mẹ ngày đêm
Về già mẹ lại năng xem truyện Kiều
Cuốn thơ nằm, đến là yêu
Chông chênh như chiếc gối nghèo mẹ là đây
.... Chông chênh làm chiếc gối nghèo
Truyện Kiều bên mẹ chống chèo giấc mơ.
(Chiếc gối - Phan Cung Việt)
Truyện Kiều trở thành người bầu bạn tâm giao, là câu hát ru cho mẹ những đêm khó ngủ. Nàng về thăm mẹ những đêm khuya, nhận được của người một tình yêu sâu sắc. Mọi người yêu thích truyện kiều đến nôi ngay cả lúc nghỉ ngươi họ vẫn thích đọc kiều. Bởi vì họ cảm thấy đồng cảm, thương yêu cho số phận của người phụ nữ bị chà đạp phải chịu nhiều bất hạnh trong  thơ.
Bài thơ Đọc Kiều của Nguyễn Khắc Kình kể lại tuổi thơ của ông gắn với những câu chuyện Kiều mẹ kể. Khi lớn lên từ cảm xúc ngày xưa ấy, ông tìm đến với Kiều mới hiểu thế nào kiếp khổ của cô gái hồng nhan: "Tuổi thơ, nghe mẹ kể Truyện Kiều/ thương cảm tiếng tỳ bà nức nở/ thương tình phận cô kiều dở dang/... lớn lên tôi đọc Truyện Kiều/ vẫn thơ ngọt chứa bao điều chua chát/...mẹ thường dạy con cháu về đạo lí/ mẹ chẳng quên nhắc số phận cô Kiều...".   
Truyện Kiều là một kiệt tác của văn học Việt Nam, tự hào đứng cùng những tác phẩm bất hủ của thế giới. Tác phẩm được bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến. Tác phẩm còn trở thành món ăn tinh thần gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam. Đặc biệt hơn, khi Truyện Kiều còn đi vào thế giới tâm linh trở thành nơi để con người gửi gắm niềm tin về vận mệnh của mình. Truyện Kiều biến thành một hình thức dân gian mang đậm tính chất tâm linh. Truyện Kiều và Nguyễn Du là niềm tự hào của ngời dân Việt Nam,
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Thu Yến. Nguyễn Du và Truyện Kiều trong cảm hứng thơ của người đời sau: từ 1930 đến nay. NXB Giáo dục, 2002.
[2] Trịnh Bá Đĩnh. Nguyễn Du về tác giả tác phẩm. NXB Giáo Dục, 2000.
[3] Tham khảo Google.com.vn:
- Đề tài Thúy Kiều,Thúy Vân trong cảm hứng sáng tác của thơ ca...
- Nguyễn Du - Cuộc đời và sự nghiệp - VnSharing - VnSharing
- Nguyễn Du - Danh Nhân Văn hóa Thế Giới Nguyễn Du- My Opera
- Nguyễn Du - Wikipedia tiếng Việt.
SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG CỦA NGUYỄN DU - nguyendu.vn.
- Thơ - Wikipedia tiếng Việt.
Theo http://ppe.htu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...