Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Mùa xuân trong văn chương xưa và nay

Mùa xuân trong văn chương xưa và nay
Mùa xuân vốn dĩ đã là một đối tượng thẩm mĩ của văn chương. Nhưng để trở thành một trường thẩm mĩ thực sự với tư cách là thước đo của thời gian, hạn định của không gian và niềm hy vọng vào viễn cảnh tươi sáng của con người thì là cả một hành trình dài. Trên con đường ấy ta đã gặp biết bao tác phẩm được kí thác lại từ những tận cảm, đồng điệu của văn nhân xưa và nay trong thời khắc xuân sang.
Mùa xuân, ngày Tết với những cảm tác trong thơ xưa
Lâu nay, người đọc hay bị ám ảnh bởi quan niệm về thời gian tuần hoàn trong văn chương trung đại. Bởi lẽ, khi chạm đến những câu thơ như “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non” (Khuyết danh) hay “mấy chum trước dậu hoa năm ngoái” cảm giác về bước đi của thời gian mờ nhạt nên khó lòng nhận ra những bừng thức của thi nhân khi đất trời chuyển giao. Nhưng kì thực, đọc những bài thơ Nôm đậm đà thi vị mới thấy mùa xuân và ngày Tết vẫn có nhiều sắc thái khác nhau. Trong những câu thơ quốc âm, Nguyễn Trãi đã có cảm nhận về mùa xuân với sinh khí mới tựa như đã thấm vào dòng nhựa âm thầm mà kín đáo thổi bùng lên sức xuân:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
(Ba tiêu - Quốc âm thi tập)
Đến các nhà thơ thời đại sau, mùa xuân ấy đã nhuốm màu thế sự. Dẫu là bậc khanh tướng hay hàn nho thì cũng một niềm suy cảm ấy nhưng được lí giải bằng nhiều sự cắt nghĩa khác nhau. Với giọng ngang tàng của một bậc văn nhân “ngất ngưởng”, Nguyễn Công Trứ đã vượt ra ngoài thế giới quan trung đại để lí giải về sự thảng thốt, hờn oán của đời người trước những mùa xuân bào mòn tuổi tác:
Ngẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật 
Đã sinh người lại hạn lấy năm 
Kể chi thằng lên bẩy, đứa lên năm 
Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc? 
Lại mang lấy lợi danh, vinh nhục
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan 
E đến khi hoa rữa trăng tàn 
Xuân một khắc, dễ nghìn vàng đổi chác? 
(Chơi xuân kẻo hết - Nguyễn Công Trứ)
Cái giá “nghìn vàng” đổi “một khắc” xuân ấy đã trở thành nỗi ám ảnh sau này của các nhà Thơ mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh của xã hội phong kiến với ý thức hệ Nho giáo đã suy thoái, ý thức hệ tư sản chưa kịp bắt rễ vào đời sống tinh thần của các trí thức dân tộc thì mỗi cái Tết đến với các nhà Nho lại là dịp để tự trào và bộc lộ khí tiết của mình một cách kín đáo.
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu 
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy 
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu 
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy 
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu 
Thôi thế thì thôi, đành tết khác 
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo!
(Cảm Tết - Trần Tế Xương)
Vẫn một phong cách cao ngạo, kiêu bạc của những khi “Tiền dẫu hết, hết rồi lại có” hay “Chỉn e rầy gió mai mưa/ Lấy gì đi sớm về trưa với tình”. Cũng giống như khi cụ Tam nguyên Yên Đổ đón khách đến chơi nhà, cụ Tú Xương viện đủ mọi cái lí để giấu đi cái đạm bạc, thiếu thốn. Nào là thói kiêu, biếng của nhà buôn, nào là sự khắc nghiệt của cái Tết khác thường nóng nực, ngột ngạt… Tất thảy gợi cuộc sống bấp bênh, bon chen của nhà Nho ở phường phố. Nhưng dường như mọi “lộng” ấy cũng chỉ là cách để khoe một thứ “chân” ấy là một cái tình nồng nàn dẫu có nghèo cũng vẫn không rẻ rúm, nhếch nhác như kẻ phàm phu:
Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết, 
Kiết cú như ai cũng rượu chè!
(Năm mới - Trần Tế Xương)
Ngày Tết với các nhà Nho khi bước vào những năm đầu thế kỷ XX đâu chỉ là sự thu mình, giữ mình để tiết tháo mà còn cả sự trải lòng cảm thương hướng cái nhìn ra với cộng đồng. Giữa thời mà công danh sự nghiệp lạc bước khi rơi vào cái cảnh “ú ớ u ơ ngọn bút chì” của văn minh phương Tây, của chữ quốc ngữ, là lúc hàng ngày chứng kiến nghịch cảnh “Công đức tu hành sư có lọng/ Xu hào rủng rỉnh mán ngồi xe” thì những thương cảm ấy vẫn đậm chất nhân văn:
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày.
(Mồng hai Tết viếng cô ký)
Trong khi ấy, nơi làng quê của bậc đại khoa quy ẩn như Nguyễn Khuyến lại ấm cúng bởi không khí Tết của đời sống nông nghiệp:
Năm ngoái, năm kia đói muốn chết, 
Năm nay phong lưu đã ra phết! 
Thóc mùa, thóc chiêm hãy còn nhiều 
Tiền nợ, tiền công chưa trả hết. 
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng, Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt. 
Ta ước gì được mãi như thế, 
Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!
(Cảnh Tết)
Bài thơ mộc mạc và chân phác từ chính những lời kể rất thành thật của tác giả. Tết vẫn còn đó những lo toan của năm cũ chưa trả hết (tiền nợ, tiền công chưa trả hết) nhưng cứ hãy vui với không khí đón năm mới ở nơi thôn ổ ít bị tác động bởi mưa Âu, gió Mỹ, it nhiều vẫn giữ được nét đẹp của nề nếp xưa (gói bánh chưng, cung thịt). Cũng chính bởi thế mà vị danh Nho có thể tĩnh tâm trước thời cuộc mà thảnh thơi khai bút đầu xuân:
Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén, 
Bút mới xô tay thử một hàng
(Khai bút - Nguyễn Khuyến)
Chính từ những mảng ghép ấy, có thể giúp chúng ta hình dung được không khí Tết của nhiều thế kỉ trước khi nếp sống nông nghiệp còn đậm nét trên khắp các vùng quê Việt Nam cho đến khi những mới - cũ đan cài và chuyển dần sang xã hội hiện đại.
Mùa xuân ngọn gió thời gian và Tết nay
Trước khi nói về Tết trong thơ hiện đại, trước hết phải là chuyện của cảm quan mùa xuân với các nhà văn. Gần như nỗi ám ảnh thời gian tuyến tính (một đi không trở lại) đã trở thành một mẫu số chung với các nhà văn. Nếu Xuân Diệu “vội vàng” thốt lên như sợ rồi chính sự thảng thốt của mình cũng cũ “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua” cũng đồng điệu với “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” của Hàn Mặc Tử, là “hồn” của những người “muôn năm cũ” với Vũ Đình Liên... Nhưng nỗi ám ảnh ấy không đẩy họ đến với những bi lụy, chán chường mà được nâng lên bằng một tầm vóc khác. Ấy là sự trân trọng và nâng niu các giá trị sống của cuộc đời. Nguyễn Bính đã nhận ra những gì là vẻ đẹp muôn đời của ngày Tết: “Gậy trúc giắt bà già tóc bạc/ Lần lần tràng hạt miệng nam mô” (Xuân về). Là sự nhượng bộ chung sống giữa phố phường mới mẻ và dấu ấn quá khứ vàng son (bày mực tàu giấy đỏ/ bên phố đông người qua).
Qua bao nhiêu biến thiên của thời đại, sau bao lần lên ngôi của các trường phái sáng tác, cảm xúc về ngày Tết của các tác giả hiện đại luôn mang đậm giá trị nhân văn ở cả sự trân trọng các giá trị sống và những thân phận con người lỡ dở, cô lẻ trong không khí ấm cùng ấy. Nguyễn Duy là người rốt ráo với những thân phận nhỏ bé: “Có một người nạng gỗ/ Ngồi bên sông nhớ nhà” (Pháo Tết); “Lụt trắng đồng mà không trắng lòng/ bạn cùng tôi chung chén rượu nồng/ be tết không đầy nhưng không nhạt/ uống rồi nghe có bão bên trong... (Tết ở vùng quê lụt); Là tình yêu nồng nàn, say đắm của những tâm hồn trẻ:
Muốn ôm em thật lâu 
Giữa Nhà Ga Trái Đất 
Anh định nói một câu 
Bỗng tự dưng quên mất. 

Và Mùa Xuân Thứ Nhất 
Và Nụ Hôn Đầu Tiên 
Hoa Đào chia đều tất 
Cho anh và cho em.
(Lời chúc hoa đào - Hoàng Nhuận Cầm)
Hay, Tết là khi chiêm nghiệm lại năm tháng cuộc đời với những buồn vui:
Mười năm đi xa 
Mỗi năm một lần về quê ăn Tết 
Người già nói ta còn trẻ 
Cô gái trẻ cười ta mau già 
Thử luồn tay vào tóc 
Sợi bạc không che kín ngón 
(Về quê đón Tết - Nguyễn Khoa Điềm)
Là cái Tết tha hương của bao người trong một xã hội hiện đại:
Nắng chang chang cũng thịt mỡ dưa hành 
cũng có một mùa đông trong tủ lạnh 
quạt máy xua khói nhang bay đỏng đảnh 
thiếu cái gì mà tết cũng như chưa?...
(Tết Nam nhớ Bắc - Nguyễn Duy)
Phải chăng, với mỗi chặng đường thi ca, mùa xuân và những cái Tết để lại dấu ấn khác nhau. Nhưng tựu chung lại vẫn là hồn dân tộc, vẫn là sức sống của mùa xuân và sự cảm thông, chia sẻ, trân trọng những thân phận, kiếp người. Mùa xuân ấy, niềm vui ấy như khởi phát tự lòng người.
Bùi Việt Phương
Theo http://vanhocquenha.vn/

1 nhận xét:

  Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đ...