Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Cảm nhận về ca khúc “Trăng sáng một mình”

Cảm nhận về ca khúc 
Trăng sáng một mình
Nhạc sĩ An Thuyên ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong công chúng yêu âm nhạc. Xúc động trước sự ra đi đột ngột của người thầy đáng kính, ca sĩ  Phạm Phương Thảo, một trong những học trò xuất sắc của nhạc sĩ An Thuyên đã sáng tác ca khúc "Trăng sáng một mình" như một lời tâm tình tiễn biệt nhạc sĩ An Thuyên.
Sáng tác của Phạm Phương Thảo da diết, nghẹn ngào và chất chứa nỗi buồn chia ly. Với ca sĩ Phương Thảo, nhạc sĩ An Thuyên vừa là người thầy, vừa là người cha, người bạn lớn trong đời.
Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về Nhạc sĩ An Thuyên. Nhưng khi được nghe ca khúc Trăng sáng một mình của ca sĩ Phương Thảo, tôi đã vô cùng xúc động. Nếu ai đã từng nghe ca sĩ Phương Thảo hát ca khúc đó chắc hẳn không thể cầm lòng. Nội dung ca từ và giai điệu sâu lắng chứa đựng tình cảm sâu sắc, sự ngưỡng mộ của tác giả dành cho nhạc sĩ An Thuyên.
Lời bài hát:
Trăng sáng một mình
Phương Thảo
Em, đò em chơi vơi nỏ bến,
Anh, vầng trăng lang thang ở đâu?
Mà để buồn, buồn câu thơ em viết đong đầy
Về đi, muốn bẻ, muốn chặt đôi tùy người.
Đừng xa nhau, nơi đó có chi vui mà đi cho bằng được
Đứt tình ta một kiếp người ơi!
Sao vô tâm bỏ em ở lại?
Nhớ thương này biết gửi về nơi mô? 
Ai ở nơi kia đang chờ mà vội.
Sao chẳng nói một lời với nhau.
Người chặt đôi vầng trăng mỗi người mỗi nửa.
Biết còn có bao giờ tròn trăng ơi?
Trôi về nơi đâu, cao vời vằng vặc
Em, đò em neo chờ trăng trôi.
Này hỡi người ơi đâu rồi ước hẹn.
Ước, nguyện ước một ngày bằng mấy trăm năm.
À ơi….Trăng giờ có chờ bến không?
Đò đầy, đò vẫn đợi trăng về… với sao.
Cả bài hát nổi bật hình ảnh ánh trăng, con đò thật quen thuộc và gần gũi. Câu mở đầu: “Em, đò em chơi vơi nỏ bến…” và câu kết bài: “Đò đầy, đò vẫn đợi trăng về …mới sang” thể hiện tình cảm đẹp và trong sáng. Tác giả mượn hình ảnh  “ánh trăng” là “Người ra đi”,“con đò, bến sông” thay cho  “Người ở lại”. Người ra đi   như “Vầng trăng lang thang ở đâu?” khiến cho người ở lại là “Đò em chơi vơi nỏ bến,… để buồn câu thơ em viết đong đầy”. Đó là nỗi nhớ thương, day dứt khôn nguôi; sự luyến tiếc, đau xót đến tột cùng, dường như muốn níu kéo “Người ra đi” trở lại:
“… Đừng xa nhau, nơi đó có chi vui mà đi cho bằng được.
Đứt tình ta một kiếp người ơi!
 Sao vô tâm bỏ em ở lại?
Nhớ thương này biết gửi về nơi mô?
An Thuyên đã đi xa nhưng những ca từ, những nhạc điệu mà nhạc sĩ để lại cho đời đã neo chặt trong lòng công chúng yêu âm nhạc, đặc biệt nó đã kết thành nỗi nhớ da diết trong trái tim của ca sĩ Phương Thảo. Nhớ về nhạc sĩ An Thuyên, nhớ tới những sáng tác của người Thầy đáng kính, Phương Thảo đã thốt lên:
“Về đi, muốn bẻ, muốn chặt đôi tùy người
Đừng xa nhau, nơi đó có chi vui mà đi cho bằng được
Đứt tình ta một kiếp người ơi!”…
Lời của bài thơ không chỉ có khả năng gợi liên tưởng, dẫn người đọc về với ca khúc Câu ca dao em và tôi của Nhạc sĩ An Thuyên mà còn thể hiện được sự ngưỡng mộ, nhung nhớ đến tột cùng của ca sĩ Phương Thảo. Những ca từ: “Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng. Đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu” trong ca khúc Câu ca dao em và tôi vang lên, in sâu trong tâm trí của Phương Thảo. Ngưỡng mộ và liên tưởng tới bài Câu ca dao em và tôi, trong ca khúcTrăng sáng một mình, Phương Thảo đã viết: “Về đi, muốn bẻ, muốn chặt đôi tùy người”… Tác giả thật tinh tế khi sử dụng những ca từ tuy ngắn nhưng rất có ý nghĩa. Chỉ có sự đồng cảm trong tâm hồn của người nghệ sĩ mới nói lên được những điều mà không ai có thể nói hay hơn thế.
Đoạn đầu, bốn câu hát với giai điệu ở âm vực thấp, tiết tấu ngắn gọn kết hợp nội dung lời ca mang tính tự sự ẩn chứa tâm trạng của tác giả.
Bằng hai câu hỏi: “Sao vô tâm bỏ em ở lại? Nhớ thương này biết gửi về nơi mô?”, chúng ta như thấy lời giận trách nhưng lại thương xót vô cùng.
Ai ở nơi kia đang chờ mà vội.
Sao chẳng nói một lời với nhau.
Nỡ chặt đôi vầng trăng mỗi người mỗi nửa.
Biết còn có bao giờ tròn trăng ơi?
Trôi về nơi đâu, cao vời vằng vặc
Em, đò em neo chờ trăng trôi.
Này hỡi người ơi đâu rồi ước hẹn.
Ước, nguyện ước một ngày bằng mấy trăm năm.
Ở đoạn này, chúng ta thấy giai điệu của bài hát ở âm vực cao, tiết tấu chậm, dàn trải  thể hiện mức độ tình cảm tăng dần, càng thêm da diết, cháy bỏng.
Hai câu cuối bài, bắt đầu bằng hai tiếng “À ơi…” giai điệu nghe quen thuộc ngọt ngào, dịu êm như tiếng ru đưa Người trở về bình yên trên đất mẹ.
Dẫu biết trăng cứ trôi, cứ trôi mãi mãi, cũng như “Người ra đi” không bao giờ trở lại. Vậy mà người ở lại vẫn còn hy vọng, mong chờ …
“Trăng giờ có chờ bến không?
Đò đầy, đò vẫn đợi trăng về… mới sang”. Với giai điệu mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh gắn với những ca từ chứa đựng hình ảnh gần gũi, sống động như“bến, đò đầy”, tác giả đã gieo vào lòng người nghe, người thưởng thức nỗi niềm khắc khoải, ...
Ca khúc Trăng sáng một mình của ca sĩ Phạm Phương Thảo tuy chưa được phổ biến rộng rãi nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Lời bài hát cùng với giai điệu trữ tình, thay cho lời ly biệt nhạc sĩ An Thuyên đã làm xúc động biết bao trái tim. Đó không chỉ là tình cảm riêng của tác giả mà của những người thân, và tất cả những người yêu âm nhạc An Thuyên. Chúng ta rất tự hào vì quê hương Nghệ Tĩnh có người nghệ sĩ tài hoa. Nhạc sĩ An Thuyên tuy không còn nữa nhưng tên tuổi và các tác phẩm của ông sẽ sống mãi  cùng năm tháng.
Cảm ơn Ca sĩ Phương Thảo và ca khúc Trăng sáng một mình đã nói hộ chúng ta những tình cảm đẹp đẽ nhất dành cho cố nhạc sĩ An Thuyên.
Trăng sáng một mình
 Đặng Thị Hà
Theo http://ppe.htu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...