Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Lào - Viêng Chăn có gì vui không em

Lào - Viêng Chăn có gì vui không em?
LÀO_P1, TRUY TÌM CHIẾC ÁO NGỰC THỂ THAO MÀU HỒNG
Từ biên giới Stung Treng của Campuchia đi qua nước láng giềng, tôi mất $2 tiền đóng dấu và phí dịch vụ cho hải quan mỗi nước. Tòa nhà chỗ cửa khẩu của Lào và Campuchia được xây dựng khá khang trang. Càng tiến sâu vào lãnh thổ đất nước này, nếu so sánh với bên Campuchia xác xơ tiêu điều mà tôi đạp muốn rơi rụng tinh thần trong sáng hôm nay thì Lào đúng là gã láng giềng giàu có. Có lẽ tiền của khách du lịch đã giúp Lào thay da đổi thịt. Du khách tấp nập phía cửa khẩu Lào rồi mới đổ xô về Angkor nên họ thường đi xe buýt ngay từ cửa khẩu về thẳng Siêm Riệp để tránh đoạn đường buồn tẻ mà chúng tôi đã đạp.
Tiến vào thị trấn, việc đầu tiên cần làm là kiếm ngay cây ATM rút tiền. Vài ánh mắt hiếu kỳ nhìn hai người khách lạ cưỡi xe đạp. 15.000 Kip/ người +5.000 Kip cho xe đạp để lên tàu xuống Don Det, một hòn đảo nhỏ nằm trong Si Phan Don – tiếng Lào nghĩa là 4,000 đảo. Ngồi trên thuyền thư giãn sau một ngày đạp xe mệt mỏi, lướt đi trên mặt nước bồng bềnh khiến tâm hồn tôi bỗng chốc lâng lâng. Sau khi xách xe chạy loanh quanh một hồi, hai đứa cũng kiếm được một bungalows chỉ có một phòng nhỏ mà chiếc giường chiễm chệ chiếm hết diện tích và một nhà vệ sinh bé xíu. Muỗi “khổng lồ” thật sự làm tôi phát khiếp. Trong khi tôi đang rón rén rượt chúng trong nhà vệ sinh thì nghe tiếng “bụp, bụp” ngay tấm ván phòng bên. “Come on- thôi mà”, tiếng cô gái vọng sang còn anh bồ thì rên rỉ “Anh đang giết muỗi”. Tôi cầm vòi nước xịt tứ tung hy vọng nó ướt cánh bao lảo đảo xuống để tôi có thể đập cho nó một phát nhớ đời, nhưng chả được con nào.
Bình yên ở Don Det
Simon rất thích hòn đảo nhỏ này, anh nói có thể ở cả tuần trong khi chỉ ba ngày là tôi phát ngán. Chỉ lên núi xa, tôi nói nó giống ở Tràng An Ninh Bình, còn xung quanh chỉ làm em gợi nhớ dòng sông tuổi thơ ở Gia Lai. Khác văn hóa và xứ sở nên anh mới bị Si Phan Don quyến rũ thế này chứ nơi đây thua xa Việt Nam.
Tôi sẽ nhớ mãi ngôi làng này, nó đã từng là nơi bình yên với tiếng gà gáy sau lũy tre làng và cơn gió mát rười rượi từ lòng sông thổi vào. Tôi yêu khoảnh khắc hai đứa nắm tay dạo bước trên con đường nhỏ khám phá mọi thứ quá đỗi thanh bình, nằm dài lên chiếu trải trên nền cát ngắm hoàng hôn buông trong tiếng nhạc xập xình hân hoan cùng những du khách khác cũng đang lười biếng tận hưởng cuộc sống bằng cách nằm thườn ra đó hay nhảy nhót trên đôi chân trần. Anh chàng chủ hay nhân viên phục vụ tôi không rõ, khuôn mặt nam tính da ngăm ngăm với đôi mắt đầy đăm chiêu nhìn vào hư không. Bên cạnh anh là hai đứa bé vô tư nghịch đùa trên cát. Rồi bóng tối đổ về. Trăng len lỏi qua đám mây soi bóng mình xuống lòng sông. Tôi ngồi nhâm nhi pad Thái, tranh thủ ăn thêm miếng cơm nếp của anh. Lũ muỗi và tất cả loài có cánh bị ánh sáng cám dỗ lao vào cạm bẫy mà chủ nhà giăng ra. Chúng chọn một cái chết nhẹ nhàng không đau đớn hay kêu ca.Tôi quay lại nhìn ly nước ép cà rốt trộn lạc xay của mình đã bị lũ muỗi con ngu ngốc lao vào tắm táp chết đuối. Uống đi em cho có protein. Liếc sang ly bia của anh cũng bị lũ đồng bọn chết chìm nên tôi đành tặc lưỡi hút lấy hút để.
Trên đường từ Campuchia về Lào
Trước khi đóng cửa bungalows ngủ tôi hỏi anh có mang giày vào cất không. Anh nói chẳng sao cứ để bên ngoài này đi. Sáng mở mắt nhìn dây phơi đồ tôi thấy một chỗ trống bèn hỏi anh đã lấy thứ gì mặc hả.
- Không.
Có cái gì lạ lắm trên dây phơi đồ… , tôi không nhớ nỗi nhưng kỳ kỳ sao ấy.
- Ôi trời cái áo ngực thể thao của em.
Tôi muốn rú lên một tràng dài như chó sói hay kêu như lũ gà sát vách đánh thức mình sáng nay. Đứa nào đêm qua rón rén từng bước lại gần ăn trộm cái áo đẹp nhất trên dây phơi lại còn kéo khóa lục túi đồ xe đạp. Tôi lầm bầm với anh lạ nhỉ, người bản địa thì mặc áo ngực, Tây lại thả rông thế đứa quái nào lại lấy cái áo thể thao màu hồng xinh đẹp của em?
- Chắc đêm qua gã nào uống xỉn đi ngang tiện tay vớ cái áo ngực hồng của em rồi haha, anh cười chọc ghẹo tôi.
Tiên sư nó chớ sao không ăn trộm giày của chồng tui để cho anh biết là nghe lời vợ thì chỉ có đúng mà thôi.
Hận kẻ trộm cướp tôi quyết định thả rông. Gió mát hiu hiu. Không gian yên ắng chỉ có tiếng Lào - Anh - Pháp kèm tiếng động cơ thuyền chở khách dưới lòng sông khiến mọi thứ trở nên sống động. Quán vắng. Cặp đôi bên cạnh trò chuyện sôi nổi. Tôi thì thào nói thứ tiếng mà chắc chỉ mỗi anh hiểu .
- Mình nói tiếng Việt đi anh chứ mấy con ếch kia ồn quá.
Ý tôi là người Pháp đấy, ai bảo ăn thịt ếch nhiều chi. Khi họ chìm vào giấc ngủ thì cũng là lúc tôi xách mông ra đi, phí cả buổi lùng nơi có wifi làm việc cuối cùng máy tính lại hết pin.
Tôi sẽ vẫn yêu ngôi làng nhỏ bé bình yên nhưng nếu lát nữa tôi trở về mà thiếu vắng thêm bất kỳ thứ gì trên cái dây phơi đồ, thì cả làng sẽ biết tay tôi. Tôi thề sẽ viết lên blog bằng tiếng Anh và nhiệt tình PR cho người ta biết là Cái áo ngực thể thao màu hồng của một người phụ nữ Việt Nam rất đẹp nên đã bị trộm. Free size nên ai xài cũng được kể cả đàn ông.
Hoàng hôn ở Don Det
Ngày hôm sau chúng tôi dạo bước khám phá hòn đảo. 80% là dành cho khách du lịch với đủ các hàng quán từ Lào, Ấn, Pháp. Nhà hàng, quán bar, nhà trọ đủ cả chẳng thiếu thứ gì. Đi sâu vào trong làng nơi vắng bóng du khách là cánh động rộng lớn đã thu hoạch, vài chú bé đang trèo cây rung me rụng xuống gần chùa. Từ lúc cái áo ngực thể thao màu hồng bị mất, tôi bỗng dở chứng ngắm phụ nữ qua đường. Những bộ ngực nảy nở của khách Tây không mặc áo ngực, hay mặc đồ tắm mới từ dưới sông lên khiến tôi nhức cả mắt. Khó khăn lắm mới thấy một cô nàng nào có ngực lép. Ngắm mãi mà chẳng thấy ai mặc áo ngực hồng của tôi cả. Tự dưng tôi nghĩ đến nếu có thể mình sẽ chụp họ lại để làm một album ảnh “Thời trang phượt của gái Tây”  chắc sẽ thú vị đây, vì gu thẩm mỹ của họ khá đẹp nhưng lại đơn giản, thoải mái và cá tính. Hiếm khi thấy một cô nàng nào điệu đà, trang điểm như đi diễn thời trang cả.
Buổi chiều chập choạng, chúng tôi ngồi bên nhau ngắm hoàng hôn buông xuống dòng Mêkong. Cảnh sắc thật thanh bình. Ánh nắng dát vàng tỏa lung linh xuống sông. Một số cặp đôi Tây đang đứng giữa lòng sông đón hoàng hôn, tôi hận mình không biết bơi nên chẳng thể ra giữa sông như họ mà xây lâu đài cát, đành ngồi đây cho muỗi xơi. Khi bóng đêm ùa tới, hai đứa vội vã đi kiếm đồ ăn lót bụng trong một nhà hàng do đầu bếp Lào nấu nhưng chủ kiêm người phục vụ lại là một bác da trắng.
Thảnh thơi dạo bước giữa Don Det
Buổi sáng nhàn nhã, chúng tôi dậy khi lũ gà đã réo inh ỏi, ăn bánh mì mua từ tối hôm trước và lục đục kéo nhau ra bến. Mãi 8 giờ sáng thuyền mới vào đất liền mà chúng tôi lại có 96km cần phải đạp trong ngày hôm nay. Du khách tấp nập chen chân trên bờ cát chờ tới lượt lên thuyền.  Cơn gió thổi khiến những cánh hoa màu hồng của một cây cổ thụ sát bờ sông bay lả tả xuống cát và phủ lên mặt nước như tấm lụa mềm mại. Màu hồng của hoa nhợt nhạt hơn màu áo ngực của tôi. Ôi, Don Det, tôi sẽ nhớ tới sự mất mát đầu tiên của chuyến đi này, ngay trên đất Lào. Nhưng ai biết được, chiếc áo màu hồng ấy sẽ đi về đâu, nó có may mắn được đi vòng quanh thế giới hay đang trên đường trở lại Việt Nam, dưới đôi gò bồng đảo của một cô gái Tây xinh đẹp nào đó thay vì tôi. Vậy, tôi chúc mừng cho nó đã may mắn có một số phận mới hạnh phúc hơn là đi với mình.
LÀO_P2_VIÊNG CHĂN, CÓ GÌ VUI KHÔNG EM?
Chiếc thuyền nhỏ xíu mà bề ngang chỉ đủ hai người ngồi còn chiều dài cũng khoảng hơn 2m lặng lẽ chở hành khách rời đảo Don Det. Thuyền không trang bị áo phao cho khách nên tôi hơi ngần ngại khi nhìn nó chạy băng băng trên mặt nước vì nếu tôi té lộn cổ xuống lòng Mekong thì chỉ có nước chết đuối mà thôi. Bước lên bờ khi cái nắng đã táp vào da thịt, chúng tôi mải miết đạp về hướng Pakse. Đoạn đường 96km ngày hôm đó may mắn thay không hề khó khăn. Đường không quá dốc mà gió lại cùng chiều như đẩy người lẫn xe lao về phía trước. Chỉ mới khoảng 5 giờ chiều hai đứa đã tới nơi có nhà nghỉ ngay sát đường lớn. Sau khi tắm táp xong, chúng tôi cuốc bộ ngược lại đoạn đường đã đạp đến nhà nghỉ để tìm quán ăn. Lúc cậu con trai ra tính tiền, chúng tôi biết mình đã bị “cắt cổ”. Chai nước 1,5l giá 5,000kip và chai nhỏ thường chỉ 3,000kip nhưng mẹ cậu đã đòi 5,000kip cho cái chai bé xíu kia. Đã chuẩn bị sẵn tâm lý về giá cả bên Lào khá mắc nếu so với các nước khác nhưng nhiều khi chúng tôi phải cẩn thận để không bị hớ khi họ nhìn thấy người nước ngoài.
Cô gái Lào bên dòng Mekong ở Pakse
Ngày tiếp theo đoạn đường về Pakse chỉ còn khoảng 48km nhưng sau 3 đêm ở Don Det và hôm qua đạp 96km thì cơ thể bắt đầu cảm thấy đau nhức, tinh thần xuống dốc khiến việc đạp xe trở thành một cực hình. Đi sâu vào bên trong nước Lào, tôi có cảm giác như Lào là một cô gái được trang điểm quá kỹ lưỡng nhưng nếu khám phá kỹ bạn sẽ nhận ra đằng sau làn da trắng trẻo xinh đẹp kia là lớp tàn nhang đã được che đậy kỹ. Những ngôi nhà theo kiểu biệt thự phương Tây nhỏ xinh đẹp, thi thoảng kết hợp nhà sàn cùng kiến trúc Tây sang trọng đã nhường lại cho các ngôi nhà sàn lụp xụp. May sau mới 11h hai đứa đã tới khách sạn. Simon đặt từ trước để không phải chạy loanh quanh tìm nơi ngủ vì anh có lớp dạy tiếng Anh qua Skype vào lúc 1.30 chiều.
Pakse không hề có gì thu hút ngoài một vẻ đẹp duy nhất là hình ảnh mặt trời bị nuốt chửng vào lòng sông Mekong và người chèo thuyền mải miết với cuộc sống mưu sinh khi hoàng hôn buông. Rác rưởi bốc mùi hôi thối khủng khiếp ven bờ sông. Chúng tôi quyết định ở lại một đêm ngày hôm sau sẽ đón xe buýt về Viêng Chăn. Có hai sự lựa chọn: Một là đi xe khách VIP chạy lúc 8h tối ngủ qua đêm là sáng tới Viêng Chăn, giá 170.000kip/người + 40.000kip/xe đạp (nhiều hãng phí cho xe đạp là 50 hoặc 70.000kip nên phải hỏi nhiều nơi để được giá rẻ) và bến ngay trong thành phố. Hai là đi xe buýt địa phương cách trung tâm thành phố khoảng 8km, chạy ban ngày có thể quan sát cảnh quan từ Pakse đi Viêng Chăn nhưng nửa đêm mới tới thành phố như thế rất bất lợi trong việc tìm khách sạn. Vậy là chúng tôi chọn xe VIP.
12h trả phòng khách sạn. Chúng tôi giận nhau vì lý do lãng nhách mà đáng lẽ có thể xử lý nếu cả hai chịu khó trao đổi kỹ và “bớt” nhường nhau theo kiểu con nít. Hai đứa đạp xe dưới cái nắng gay gắt đi tìm quán ăn. Tôi đề nghị tạt vào quán ăn Huế của người Việt Nam. Hai người đang nổi điên, gặp thêm ông chủ quán người Huế tỏ vẻ không thèm quan tâm khách hàng vì có lẽ phần lớn khách đến là những người Lào mặc quân phục. Tôi bỏ ra ngoài, dắt xe lên một đoạn dốc rồi quyết định đường ai nấy đi, đến tối hãy gặp lại ở bến xe buýt.  
Gần 1 giờ chiều mà vẫn loanh quanh tìm thức ăn, tôi tấp vào một quán nhìn bảng giá khá mắc nên quyết định sang quán đối diện giá rẻ gấp 2 lần. Khi tôi hỏi giá tiền một tô bún thì bà chủ có vẻ tần ngần (tôi đoán bà đang do dự chém được thêm đồng nào hay đồng đó) thì một anh chàng khách hàng trả lời thay, vậy là tôi được ăn giá bình dân của người địa phương. Sau đó tôi lang thang vào chùa, ngồi dưới gốc cây ngủ ngà ngủ gật mãi cho tới tới 2 giờ chiều mới chạy ra bờ sông Mekong. Lựa một nơi không có mùi hôi lẫn dù rác rưởi ngập mặt, nền bằng xi măng có bóng mát cây che, tôi trải tấm lót để ngủ trong lều cho êm rồi nằm xuống. Bên tay trái tôi là dòng Mekong, xa xa chiếc cầu chạy qua bên đảo có bức tượng Phật thật lớn, phía bên kia đường là quán cắt tóc của hai cô gái Việt. Tôi ngồi đếm có bao nhiêu người đàn ông đã vào cắt tóc, ngoáy tai ở quán của hai cô gái trẻ trung ấy. Bản nhạc Việt cất lên, tôi cố gắng không chợp mắt vì đã ngủ ngồi vật vờ dưới gốc cây trong chùa, nên chỉ nằm cho lưng đỡ đau để giành giấc ngủ cho tối nay. Một người đàn ông lang thang lại gần rồi ngồi thụp xuống nơi vợ chồng người sửa xe đang làm cách tôi khoảng 20m, tôi đoán thế nào anh ta cũng qua chỗ mình nên bèn ngồi dậy. Nhanh hơn tôi nghĩ, anh ta tiến lại phía tôi khi tôi chưa kịp đeo giầy vào. Đầu tóc rối bù, một mắt híp lại như bị tật, anh nói gì tôi không hiểu nên tôi chỉ đáp No, với giọng rõ to và mạnh, may mà tôi đeo kính râm nên đố anh ta nhìn thấy gì đang hiện ra trong mắt mình. Anh ta quan sát tôi, rờ lên chiếc xe đạp rồi bỏ đi. Tôi chờ anh ta đi khuất sau vài chiếc ô tô đỗ sát mình rồi lại ung dung nằm xuống. Nhưng lần này đề phòng, tôi xoay người lại về hướng anh ta bỏ đi rồi mới nằm xuống. Sau khoảng 5 phút sau anh ta lại xuất hiện, trên môi là điếu thuốc cháy dở. Ngay lập tức, tôi ngồi dậy, vội đeo giầy vào, cuốn tấm lót lại và dắt xe bỏ đi. Anh ta nhặt một cây gậy thật lớn được vuốt đầu nhọn nằm ngay dưới chỗ tôi để xe ban nãy. Tôi nhủ thầm lần sau phải cẩn thận, nếu nơi này vắng vẻ mà anh ta nhặt cây gậy đó lên trước khi tôi kịp nhận ra thì tôi toi là cái chắc. Thời gian vẫn còn khá lâu mới tới giờ xe chạy nhưng tôi không thể chạy qua cầu đến chỗ tượng Phật xem vì tôi đoán thế nào Simon cũng đi hướng đó. Thế nên tôi cứ loanh quanh mãi trên con đường dọc bờ sông, đạp xe nhàn nhã rồi lại tạt vào vỉa hè ngắm hoàng hôn đồng thời tránh mấy cậu choai choai nẹt pô ầm ĩ trên đường.
Đạp xe đi khám phá “hồ” ở Viêng Chăn
Mới có gần 6 giờ, tôi đã đi ăn tối ngay trước bến xe để thuận tiện cho việc ra xe. Đợi mãi tới 7 giờ mới thấy Simon xuất hiện. Nhìn bộ dạng kia tôi biết là anh hối hận lắm rồi. Anh nhìn tôi rồi hỏi: buổi chiều của em thế nào, tôi trả lời nhát gừng bằng cách ậm ừ. Sau đó tôi buông một câu: anh thấy thế nào? Tụi mình tách ra như vậy để mỗi người tự thỏa mãn với quyết định của mình. Thật sự để đi cùng nhau rất khó nếu một trong hai người không chịu hạ cái tôi của mình xuống. Tôi đã cảnh báo trước khi thực hiện chuyến đi lần này là tôi sẽ không “nhịn, câm lặng” như chuyến Việt Nam-Paris đâu.  Cả chuyến đi 10 tháng năm đó mà anh nào có biết những “tổn thương tinh thần” tôi phải hứng chịu, nên lần này cứ liệu hồn.
Trong khi đợi xe chạy, hai đứa cố gắng xoa dịu cái tôi của mình xuống. Mau giận mà cũng mau hết, khi lên xe, anh thơm lên trán tôi. Vậy là mọi thứ lại trở về nguyên trạng. Chiếc xe buýt lao vào màn đêm. Tôi mở điện thoại lên nghe một bài giảng văn học của trường Yale tải offline từ Youtube rồi chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ chập chờn, chiếc điện thoại chẳng may rớt xuống khe giường. Tôi đành chờ xe tới bến để lấy điện thoại và cố nhịn cơn buồn tiểu suốt cả 10 tiếng đồng hồ trên xe.
Ngu sao, khi xuống xe tôi mới biết trên xe có nhà vệ sinh. Khách đã xuống hết. Simon vật lộn với hai chiếc xe đạp cùng mấy cái túi đồ, trong khi tôi vẫn đứng trên xe nổi điên lên với hai cậu phụ tài và tài xế vì họ không có ý định giúp đỡ tôi lấy lại điện thoại. Người tài xế cầm bánh lái bắt đầu cho xe chạy. Tôi vội lao từ hành lang xe xuống ngay chỗ tài xế, đứng chắn ngay trước mặt không cho anh ta lái xe đi. Một mình tôi trên xe với ba người đàn ông và hàng tá giường nằm nên tôi khá hoảng sợ.  Tiếng Anh của họ kém vì thế mà chúng tôi khó giao tiếp với nhau. Người tài xế tỏ thái độ bực tức. Simon chạy lại ngay cửa sổ của cabin xe. Lúc này tôi mới yên tâm, vì bọn họ nhìn thấy Simon thì chắc chắn sẽ không dám làm gì tôi. Cuối cùng một cậu chạy tới dắt xe đạp nhét lại vào gầm xe buýt. Chúng tôi hiểu là họ phải cho xe ra khỏi bến, chạy thêm vài cây số nữa tới nhà dừng của xe để gỡ giường cho tôi tìm điện thoại. Giường là mấy thanh sắt đã hàn dính vào xe, sau khi gỡ tấm lót lên, chúng tôi bất lực không thể dùng tay hay dụng cụ nào để thò xuống kiếm điện thoại. Đã từng đi biết bao nhiêu chiếc xe giường nằm nhưng cả tôi và Simon đều chưa từng thấy xe nào có cấu tạo “dở” như loại này.  Hai đứa đành nói cảm ơn vì họ đã giúp đỡ và lúc này họ lên tiếng xin lỗi. Viêng Chăn chào đón tôi bằng hình ảnh chiếc xe đạp lóc cóc chạy trên mặt đường tràn ngập xe hơi. Cũng may chiếc điện thoại Samsung tôi mua từ hai năm trước đã cũ kỹ nên mất mát không đáng gì ngoài chút tiếc nuối đó là chiếc điện thoại đã đồng hành cùng tôi trong hành trình đạp xe hai năm về trước.
Còn quá sớm để đi tìm nhà nghỉ nên chúng tôi chạy tới chùa That Luong dát vàng, biểu tượng của nước Lào như bông hoa chuối nở giữa ánh mặt trời lấp lánh. Bánh mì+ tôm khô+ thịt heo làm ruốc là món ăn sáng trong suốt hành trình Việt Nam- Campuchia- Lào. Simon rất khoái món này, anh tỏ vẻ tiếc nuối nếu hết rồi mình lấy gì ăn sáng. Bánh mì và mứt như chuyến đạp xe lần trước, tôi nhắc. Simon ngồi trông xe cho tôi đi tham quan. Người ta đang tu sửa chùa nên giăng kín mọi thứ khiến cảnh quan trông xấu kinh lên. Hai đứa đã quá chán với chùa chiền từ lúc thăm Angkor Wat nên tôi chỉ đi vòng quanh khu chùa chụp hình rồi đạp vào thành phố tìm nhà nghỉ.
Vientine, Viêng Chăn hay Vạn Tượng có gì vui? Ngoài vài ngôi chùa, khải hoàn môn Patuxai lấy cảm hứng từ Khải hoàn môn ở Paris, khu phố Tây và dòng Mekong?
Chọn nhà nghỉ Mixay của người Việt ở hai đêm, nếu ở thêm chắc tôi chán chết mất vì Viêng Chăn thật buồn tẻ. Simon từng nói ở châu Á khi một người phụ nữ bản địa đi cùng người đàn ông da trắng, cô gái đó thường nhận phải sự “coi thường” của chính đồng bào mình. Tôi quá hiểu điều đó khi ra quầy tiếp tân nói cô gái Việt đưa chìa khóa phòng. Thay vì đưa cho tôi, cô ấy không thèm nhìn mặt tôi mà đưa thẳng chìa khóa cho Simon đứng cách xa một đoạn dù tôi mới là đứa cất tiếng nói. Tôi không nói tiếng Việt vì để xem thái độ cô ấy sẽ đối xử với mình như thế nào. Không một ánh mặt nhìn trực diện hay nụ cười với khách. Tôi cảm thấy xấu hổ khi có một người đồng hương trên đất Lào như vậy.
3.000kip/ người để leo lên Patuxai ngắm thành phố. Khải hoàn môn được xây dựng để tưởng niệm những chiến sĩ Lào đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Các hình trang trí mô tả văn hóa của người Lào là nét thu hút trên những bức tường ở khải hoàn môn như tượng nửa người nửa chim của Kinari, phù điêu miêu tả trường ca Ram, còn bên trong là những gian hàng bán quần áo, đồ trang sức… Đứng trên Patuxai tôi nhớ đến Paris, nhớ khải hoàn môn giữa thành phố mà năm đó chỉ vì cái tên Paris tôi đã đạp từ Việt Nam cho đến tận thành phố nghệ thuật. Xe hơi chạy khá đông trên đường phố gợi cho tôi cảm giác đất nước này trông giàu có hơn Việt Nam. Vỉa hè sạch sẽ và ít bị lấn chiếm như Việt Nam, có lẽ vì xe hơi không đỗ được trên vỉa hè.
Ở Viêng Chăn, chùa của người Lào, Việt và Trung có khá nhiều. Hai chúng tôi đang đi ngoài đường bắt gặp chùa Bàng Long nên tò mò ghé thăm rồi chụp vội vài tấm hình trước khi trời tối. Không khí Tết âm lịch của người Việt vẫn còn phảng phất ở ngôi chùa này.
Các vị sư ở Viêng Chăn
Kính cận bị gãy gọng từ Don Det vì thế mà lên Viêng Chăn tôi mới đi tìm nơi thay gọng. Cửa hàng kính chỉ tìm được một cái duy nhất phù hợp giá 200.000kip. Simon bảo đâu có mắc nên em mua đi. Không, tôi nhất quyết đi tìm nơi giá rẻ cơ. Khi đi dạo trên bờ sông Mekong, phía bên kia là Thái Lan, tôi xuống chợ đêm tìm mua gọng kính. Tôi lang thang một lúc cũng tìm được cái gọng giá 35.000kip nhưng hoàng hôn đã biến mất. Người đông đúc chen lấn trong chợ đêm và trên bờ sông tập thể dục, dạo bộ lẫn nhảy nhót theo nhạc. Tôi cũng ùa vào nhảy với họ, kệ đi, chỉ có “ông già” của tôi ngồi đó ôm đồ cho mình.
Khải hoàn môn
Hôm sau chúng tôi đạp xe đi ngắm “hồ” mà tôi thấy trên bản đồ chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 6km. Loanh quanh mãi cuối cùng tới nơi trong sự thất vọng tràn trề, ngoại ô Viêng Chăn xấu kinh khủng. Đó là nơi đang thực hiện dự án kinh tế với các tòa nhà cao lớn nằm chình ình sát ngay đầm lầy ngập nước, nhìn không khác gì bên quận 2 ở Sài Gòn.
Chiều sâm sẩm tối, chúng tôi lại lang thang ra bờ sông ngắm hoàng hôn lặn xuống lòng Mekong và ánh điện nhấp nháy bên nước Thái. Đôi chân trần dẫm trên nền cát, chúng tôi ngồi bệt xuống cát nhìn vào bóng chiều tà và bàn bạc về tương lai. Một cuộc tình có bền lâu hay không ấy là khi cả hai cùng có đam mê và nhìn về một hướng. Cuộc đời là một hành trình, dẫu biết rằng có nhiều biến cố bất ngờ xảy ra nhưng chúng tôi phải cùng nhau thiết kế chuyến đi ấy như hai người bạn đường.
Tạm biệt Viêng Chăn buồn chán, tôi chưa biết có trở lại hay không nhưng chắc chắn là tôi đang háo hức đến Luang Prabang, dĩ nhiên có người muốn trở lại Vang Viêng.
Hy vọng cố đô Luang Prabang sẽ cứu vớt được cảm xúc thờ ơ của tôi với mảnh đất mang tên Lào.
LÀO, P3_VANG VIÊNG, TRẢI NGHIỆM ĐẦU TIÊN CÙNG KAYAKING
Chúng tôi mất hai ngày để đạp từ Viêng Chăn về Vang Viêng. Hai chiếc xe cứ lầm lũi tiến về phía trước qua những con đường bằng phẳng, rồi những con dốc cao thăm thẳm và những khúc cua quanh co. Trời đã chuyển về chiều, nắng bắt đầu buông mình uể oải xuống mặt đường.Tới lưng chừng một con dốc cao mà bên trên là một khúc ngoặt nguy hiểm, Simon đứng đối diện một miếu nhỏ chờ tôi. Đó là một nơi kỳ lạ – một tảng đá to khổng lồ có mái che, bên cạnh là một nhà vệ sinh nhỏ, rồi một miếu nhỏ có các tượng thờ và hai người bên trong đang khấn vái. Mỗi khi có bất kỳ chiếc xe nào đi ngang qua thì hai kẻ lữ thứ lại được phen mắt tròn mắt dẹt. Tài xế bấm còi, một tay thả còn tay kia cầm lái. Có bác tài xe tải lại khiến tôi hoảng hốt vì thả cả hai tay khi đi ngang qua miếu thờ. Chúng tôi đứng đó tầm vài phút nhìn các bác tài xế Lào chợt nhận ra vị trí mình đang đứng quá nguy hiểm, chỉ sợ họ lạc tay lái sẽ gây ra tai nạn nên vội vã bỏ đi. Qua được thêm con dốc nữa tôi phải xuống dắt bộ vì không thể đạp nổi do đường quá dốc. Simon chạy xuống dắt hộ xe, hóa ra bánh trước đã quá non hơi nên tôi phải dùng quá nhiều sức khiến phần thắt lưng đau chịu không nổi. Trời ạ, đỉnh đèo chỉ cách nơi tôi phải xuống dắt bộ có khoảng 100m. Chúng tôi đổ đèo trong bóng chiều đang rầm rập bủa vây lấy những ngôi làng nhỏ.
Đường về Vang Viêng
Chúng tôi ở trọ tại một nhà nghỉ của người Hoa, giá 70.000 kip/phòng. Trời se lạnh tỏa ra không khí man mát ở miền núi. Tôi khoác thêm áo cho ấm người, đi băng qua dòng sông để tiến vào làng. Cây cầu gỗ với các thanh chắn khá rộng mà tôi dám chắc là mình có thể bị lọt xuống bất kỳ lúc nào. Phía bên kia, cây cầu mới được xây bằng bê tông xi măng cốt thép do Nhật Bản hỗ trợ đã thay thế cây cầu gỗ này trên con đường huyết mạch từ thủ đô về thị trấn Vang Viêng.
Miếu thờ kỳ lạ
Một cặp người Mỹ lại gọi món ăn. Cô gái dáng người nhỏ nhắn, có nụ cười rất dễ thương. Còn anh chàng kia to cao vạm vỡ, xăm trổ khắp người, tai đeo khuyên loại đặc biệt mà tôi không rõ phải mất bao nhiêu năm để chiếc vòng thật lớn kia có thể nằm lọt trong lỗ tai đã biến dạng. Simon và anh này trò chuyện cùng nhau còn tôi chỉ lắng nghe. Simon tưởng mình nhầm nên phải hỏi lại lần hai: Anh làm gì bên Mỹ? Hóa ra anh ấy trồng marijuana, loại cây dùng làm chất kích thích. Simon đùa tôi, nếu em dắt một anh con rể về cho bố mà giới thiệu anh ấy làm nông bên Mỹ chắc bố em sẽ hài lòng. Rồi bố hỏi, thế con trồng gì? Dạ, con trồng cây cần sa. Chắc bố em sẽ phát hoảng lên cho mà coi.
Bà chủ quán chừng 35 tuổi, khuôn mặt ưa nhìn, thân thiện và luôn miệng cười tươi rói. Hai cô gái trẻ thay nhau phục vụ khi các anh khách hàng người Hoa tới. Cô gái có dung nhan đẹp hơn được ngồi tiếp khách chơi bài, còn cô gái kia thì phải đi lặt rau. Sau khi có thêm khách vào phòng trong, cô gái xinh đẹp được bà chủ hối phải đi vào tiếp. Trong hai cô gái kia, thật ra cô có nhan sắc kém hơn lại có nụ cười dễ thương và hiền lành hơn cô xinh đẹp nhưng có vẻ hơi “quỷ quyệt”. Cô này luôn miệng cười với khách nam nhưng lúc dẫn tôi lên xem phòng chỉ trừng mắt nhìn mà không buồn mở miệng hay mỉm cười. Phụ nữ thường dễ nhận ra bản chất của nhau hơn là cánh nam giới bị nữ giới “lường gạt”. Nơi tôi ở bao gồm nhà nghỉ, nhà hàng và một phòng nhỏ để gội đầu. Ở một ngôi làng bé xíu mà có đầy đủ dịch vụ và hai em xinh đẹp thế này thật thỏa mãn cho cánh đàn ông Trung Quốc phải xa quê hương qua Lào làm việc ở các dự án điện lực.
Khá mệt sau một ngày đạp, tôi lăn ra ngủ lúc mới 8 giờ còn Simon xem bóng đá trên laptop. Tầm nửa đêm, tôi tỉnh giấc. Cho đến 1 giờ sáng, tiếng động ồn ào của cặp đôi trên lầu say sưa làm tình, tiếng nói cười rộn ràng từ nhà hàng từ bên dưới vọng lên, hai thứ tạp âm đó khuấy động bóng đêm. Tôi muốn phát điên lên vì không thể ngủ lại. Lăn qua lăn lại trên giường cuối cùng tôi chìm vào giấc ngủ chập chờn. Tới khoảng 4 giờ sáng, cặp nam nữ trên đầu tôi lại thức và gây ra những tiếng động kèm tiếng bước chân đi huỳnh huỵch. Đến 6 giờ sáng thì tôi phát điên không còn kiềm chế được nữa nên gào lên bằng hai thứ tiếng Anh-Trung lẫn lộn: Leave me in peace! Bia zuo ai! Để tao yên! Đừng có làm tình nữa!
Cả tôi và họ đều hơi vô duyên, nhưng ít ra cũng làm ơn tôn trọng người khác với chớ. Sáng sớm mà tôi mở nhạc là Simon sẽ nhắc nhở, em nhỏ thôi để người ta ngủ. Thế mà có ai thèm quan tâm đến người khác như Simon đâu.
Ngày hôm sau chúng tôi lên đường khi thị trấn mới tỉnh khỏi giấc nồng. Dựng xe ngay chân cầu, tôi chạy vội lên chụp vài bức hình một người đàn ông thả lưới dưới lòng sông,  vài nhà sư đi khất thực chỉ dừng lại chân cầu rồi quay ngược lại vào trong làng khiến tôi đứng chờ “hụt” với mong muốn chụp được một tấm ảnh về họ.
Thị trấn Vang Viêng bên dòng Nam Song đón chúng tôi khi chiều vẫn còn nắng gay gắt. Loanh quanh hồi lâu, chúng tôi quyết định ở một nhà nghỉ cách trung tâm thành phố vài km, giá phòng 100.000 kip/đêm. Nhà nghỉ gồm 10 phòng, có khu vực sân vườn rộng lớn và chỗ cho khách phơi đồ, bên ngoài mỗi phòng có khu vực bàn ghế cho khách thưởng thức trà, cà phê miễn phí. Sau khi tắm táp giũ bỏ bụi đường, hai đứa cuốc bộ vào trong thị trấn. Băng qua dòng Nam Song, chúng tôi đi theo con đường mòn ven bờ sông ngắm thị trấn du lịch với những vị khách Âu lẫn Á ngồi ven hai bờ sông thư giãn bên những chai bia Lào, nhâm nhi đồ nướng. Dòng sông cạn lững lờ trôi khá thích hợp cho du khách chèo thuyền Kayaking và tubing, loại lốp xe hơi bơm căng và bạn chỉ việc nằm vào trong mặc kệ nó trôi. Con đường mòn ven sông, cỏ dại mọc um tùm, có nơi chúng còn cao hơn cả tôi. Khinh khí cầu bay lơ lửng trên bầu trời. Dòng Nam Song vẫn chảy lờ đờ trong bóng chiều trùm lên những dãy núi xanh thẫm uốn lượn.
Chúng tôi băng qua cầu gỗ vào lại thị trấn, lang thang trên những con đường tràn ngập du khách phương Tây và Hàn Quốc, các cửa hàng bán đồ đặc biệt các loại tụi chống thấm, và hàng hà sa số quán ăn từ Đông sang Tây. Simon luôn miệng kể cho tôi nghe sự khác biệt của Vang Viêng hơn 10 năm trước so với bây giờ, ngày đó chỉ như một ngôi làng nhỏ xíu thế mà giờ…
Chèo thuyền Kayaking trên dòng Nam Song
Buổi chiều khi rời nhà nghỉ, chúng tôi đã ghé một ngôi chùa gần nhà chiêm ngưỡng bức tượng một vị thần cao phải gần 10m lấp lánh dưới ánh nắng nhưng trông khuôn mặt quá dữ tợn. Vang Viêng vẫn còn vài ngôi chùa khác nhưng hai đứa gần như đã bị bội thực chùa chiền nên bây giờ chỉ đi ngang qua, đứng lại ngắm một chút mà không buồn đi vào xem chùa nữa.  Ẩm thực Lào không phong phú, đó là cảm nhận của riêng tôi- một đứa không mê ăn uống cho lắm, nên tôi ít quan tâm đến đề tài này dù thông qua đó tôi có thể cảm nhận văn hóa một dân tộc. Chúng tôi dừng lại ở một quán ăn Hàn Quốc, thưởng thức đồ nướng kèm lẩu đi cùng khá ngon miệng. Buổi tối Vang Viêng se lạnh, hai đứa đi dạo ngắm phố phường và suy nghĩ xem ngày mai mình sẽ làm gì. Sau một hồi đi các nơi bán dịch vụ du lịch, chúng tôi quyết định sẽ trả 240.000kip/người cho một ngày khám phá Vang Viêng gồm xe tuk tuk đón tận nhà nghỉ, thăm hai cái hang, ăn trưa, chèo thuyền kayaking và đi chơi blue lagoon.
Sáng đúng hẹn 8h30, người dẫn đường đã đến gõ cửa phòng nhà nghỉ. Trời lạnh nên tôi nghĩ mãi chẳng biết mặc cái gì, chắc chắn hôm nay người sẽ ướt mẹp nhưng không thể mặc đồ tắm ngay bây giờ nên đành mặc đồ tắm bên trong và đồ thường bên ngoài. Xe chạy loanh quanh trong thị trấn để đi đón thêm người. Tổng cộng 10 người toàn Hàn Quốc, còn lại là Việt Nam, Scotland, thêm một người Anh và cô bạn gái Thái. Xe chạy vù vù ra khỏi thị trấn, cái lạnh như muốn táp vào da thịt. Cô gái Hàn có đôi môi đỏ au và làn da trắng muốt vô cùng nhí nhảnh, thân thiện dễ kết bạn với mọi người. Sau một hồi trò chuyện mới vỡ lẽ ra cô bé này học trường mà Simon từng dạy bên Hàn và có biết đồng nghiệp cũ của anh. Trái đất quả là tròn. Vang Viêng ngập tràn du khách Hàn thay vì Trung khiến tôi tò mò. Cậu Hàn trả lời, vì trên facebook của bạn bè thấy Vang Viêng nên họ kéo nhau qua đây. Lẽ nào lý do lại đơn giản như thế cho sự vượt trội của người Hàn ở mảnh đất nhỏ bé bình yên này.
Xe chuyển hướng đi vào con đường mòn bụi tung mù mịt. Cả đoàn dừng lại, mỗi người được phát một túi chống thấm rồi rồng rắn qua cầu tiến về tham quan hang. Hang đầu tiên nằm lộ thiên, được khoét nông vào núi có mấy bức tượng phật. Sau đó, chúng tôi đi thêm một đoạn băng qua làng và các thuở ruộng đã gặt trơ gốc rạ để đến điểm tập kết. Anh hướng dẫn viên phát đèn pin đeo vào đầu cho mọi người. Lần này thì bất chấp cái lạnh tôi chỉ mặc đồ tắm kèm một áo gió mỏng leo lên tubing rồi bám dây chui vào hang. Cảm giác vào bên trong mới đầu hơi hoảng nhưng sau đó thật thích thú. Vừa nằm trong tubing, tay dùng sức kéo dây đi vào trong. Cả đoàn người nằm trên tubing, tiếng nước quẫy đập và tiếng người hú vang mới nhộn nhịp làm sao. Tubing dừng lại xếp lên phía trước hang để mọi người vào bên trong. Hang khá nhỏ, vô số đá xếp chồng lên nhau do bàn tay con người. Sau đó chúng tôi đi, ngồi, bò để ra khỏi hang và hành trình bằng tubing quay ngược lại thế giới bên ngoài.
Bị kẹt tubing! Đoàn người vào hang phải ngừng lại để cho đoàn ra kéo dây- do dây được thiết kế y như cái chạc ba súng ná. Sau một hồi còn vật lộn để kéo dây, khi gần ra tới cửa hang, tôi thả lỏng tay gối lên đầu nằm ngắm xung quanh hang còn chân quặp lấy tubing của Simon để anh đẩy tôi ra bên ngoài. Chậm thôi! Tôi hét lên, sợ anh đi nhanh thì mất cảm giác sung sướng đang tận hưởng. Anh ra sức đẩy tôi ra nhưng tôi bám chặt quá. Cái tubing của tôi cuối cùng cũng chui tọt ra ngoài hang, nước chỉ ngập cỡ đầu gối. Tôi cứ nằm ì ra đó cho tubing trôi đến điểm tập kết. Anh hướng dẫn viên sợ tôi không xuống được bèn lại giúp đỡ mà nào có biết là anh đã phá hỏng cảm giác lười biếng sung sướng của tôi.
Đoàn lục tục kéo nhau ra về. Tôi và cô gái Thái đi sau cùng. Một nhóm Hàn Quốc đang chuẩn bị vào chơi trò tubing, trong nhóm có một bác lớn tuổi chặn tôi lại hỏi rồi ngớ người khi biết tôi không phải người Hàn. Cô gái Thái toét miệng cười, nói trông tôi giống Hàn Quốc. Lúc lên xe tôi nói với anh bạn trai của cô gái Thái kia: Làm sao mà họ có thể nghĩ em là người Hàn chứ? Làm gì có đứa con gái Hàn nào mà da như em (vừa đen, vừa mụn), phải trắng trẻo mới là gái Hàn. Họ chăm sóc da kỹ lắm. Anh chàng cười ngất, dặn tôi nói nhỏ lại chứ các cô gái Hàn ở đây nghe đó.
Blue Lagoon ở Vang Viêng
Xe tuk tuk chạy xốc lên xốc xuống. Anh hướng dẫn viên giúp tôi hong cái áo gió lúc mặc vào hang bị ướt vì sợ lạnh. Áo tung bay phần phật chỉ một loáng đã khô. Mọi người chui vào lều ăn trưa gồm phần cơm chiên, bánh mì kèm hai thanh thịt, củ nướng. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn cách chèo, ai không biết chèo sẽ có người ngồi sau kèm. Đây là lần đầu tiên tôi chèo kayaking nên tâm trạng khá phấn khích. Simon phải hướng dẫn tôi cách chèo như thế nào: Trái, phải. Hai trái, hai phải. Tôi nghe thấy hai cậu Hàn cũng đang đồng thanh hô vang để cùng chèo, thế mà thuyền họ bị lật nhào tới hai lần. Các anh hướng dẫn viên khá vui tính, có lúc dùng mái chèo tung nước hất khiến chúng tôi ướt mẹp, có khi lại rung thuyền khiến cô gái Hàn sợ méo mặt ré lên. Thích nhất là trò tung nước, dường như lúc đó chẳng còn ngôn ngữ hay tuổi tác, quốc tịch gì hết, chỉ có tiếng hét chen lẫn tiếng cười. Con thuyền lững lờ trôi trên dòng Nam Song, sau một hồi tập chèo tôi đâm ra lười biếng mặc kệ Simon chèo còn mình tranh thủ chụp hình mọi người. Ba cô gái Tây bận đồ tắm hai mảnh nằm trên tubing mỉm cười nhìn chúng tôi.
Tôi muốn bức hình ấy quá.
Một cô thốt lên sau khi tôi chụp tấm hình cô.
Hãy tìm chúng tôi.
Chúng tôi cười chào nhau, tubing đành chịu thua Kayaking về tốc độ.
Tạm biệt các anh hướng dẫn viên vui tính, tuk tuk chở chúng tôi đến địa điểm chơi Blue Lagoon. Mọi người có hai tiếng chơi riêng lẻ. Simon đứng trông đồ để tôi nhào xuống nước trước, dĩ nhiên tôi phải mang phao. Nước lạnh cóng. Mọi người vừa bơi, đu dây, nhảy từ trên cao xuống ầm ầm. Mấy trò này tôi sợ méo mặt. Sau khi Simon tắm xong, chúng tôi ra nằm phơi nắng cho ấm người. Cái nắng liếm lên người một lúc là thấy hơi ran rát nhưng chỉ cần chui vào bóng râm là cơ thể lại lạnh. Ngồi quan sát Tây-Đông tắm nắng mà trái ngược hẳn nhau. Tôi trùm hai cái khăn nên chỉ hở chút xíu phía sau lưng, các cô gái Hàn Quốc thuê chiếu trải nằm lăn ra ngủ. Điểm chung của các cô gái Á là mặc đồ tắm mà đố ai nhìn được gì. Còn Tây thì khiến người khác mắt tròn mắt dẹt. Hai cô gái nằm ngay trước mặt tôi mặc bộ đồ bikini tam giác mỏng dính. Khi một cô đứng dậy đi mua kem ăn thì hỡi ôi, tôi ngỡ cô không mặc quần khi có thể nhìn thấy cặp mông tròn lẳn lắc qua lắc lại. Chính quyền địa phương có nguyên một tấm bảng thật lớn trên đường phố năn nỉ “làm ơn mặc đồ nghiêm túc để tôn trọng văn hóa địa phương khi đi lại trên đường phố”. Thế nhưng trên đường phố Vang Viêng, những chiếc bikini vẫn lượn lờ khắp nơi. Một cô gái Hàn chơi tubing ướt mẹp nên ngượng ngùng dùng khăn che ngực khi đi trên đường phố Vang Viêng cùng bạn trai. Ấy thế mà một gã đàn ông bản địa nhìn chằm chằm với ánh mắt thèm thuồng lướt qua cơ thể cô gái Hàn. Không hiểu nỗi, gã này có còn giữ nỗi bình tĩnh khi nhìn gái Tây gần như khỏa thân tung tẩy ở Vang Viêng náo nhiệt.
Chúng tôi về nhà tắm rửa rồi mới dạo bộ lại vào trong thị trấn. Chọn một bàn nhỏ trong nhà hàng nằm gần sông, từ đó có thể nhìn hoàng hôn đang dần buông, những dãy núi chuyển màu đen thẫm mà tôi có thể nhìn ra như đầu một nam và nữ đang kề bên nhau. Những chiếc đèn lồng bay lên trời cao rồi tắt lịm vào bóng đêm.
Vang Viêng ngủ im giữa bốn bề núi non và dòng Nam Song yên ả. Tạm biệt Vang Viêng, nơi tôi đã gửi lại một chút kỷ niệm của tuổi thanh xuân.
LÀO_P4, VƯỢT NÚI VỀ CỐ ĐÔ LUANG PRABANG
Núi đồi miền Bắc Lào là nỗi khiếp đảm nhưng cũng nhờ thế mà sức quyến rũ của vùng đất này lại có dấu ấn đặc biệt với du khách. Chúng tôi có bốn ngày thử sức mình từ Vang Viêng về cố đô Luang Prabang.
Ngày đầu tiên chặng đường chỉ vọn vẹn có 50km.
Rời Vang Viêng khi mặt trăng to như cái bánh đa vẫn còn lơ lửng trên bầu trời, hai đứa cứ thế đạp trong cái lạnh miền núi táp vào da thịt. Con đường rời thị trấn khá bằng phẳng và yên tĩnh khi mọi thứ vẫn còn ngái ngủ. Tôi phải lắp thêm đèn pin để có thể soi rõ đường và có tín hiệu nhấp nháy báo hiệu cho phương tiện di chuyển khác. Lác đác vài chiếc xe máy phóng ngang qua.
Thiên nhiên trở mình đẹp lên qua những loài hoa trắng nở ven đường. Nắng thắp màu lên các cánh đồng và bản làng. Các em học sinh cấp 1 và 2 rộn rã đạp xe tới trường. Không như các em nhỏ bên Campuchia chào Hello, người Lào chỉ nói Sawadi- xin chào. Tôi còng lưng đạp nhưng bỗng cảm thấy mình bất lực trước một vài con dốc thẳng đứng, tự hỏi lẽ nào mình yếu thế hay sao. Simon phải chạy xuống phụ tôi dắt xe lên đỉnh dốc. Buổi trưa mới tầm 11 giờ chúng tôi đã hoàn thành 50km để đi tìm nhà trọ. Nơi đầu tiên giá 80.000kip/phòng nhưng không có wifi nên chúng tôi đạp thêm một đoạn nữa thì quyết định dừng chân tại nhà nghỉ rẻ hơn được 10.000kip mà nhìn có vẻ như việc kinh doanh đã đi xuống. Bên ngoài tấm biển quảng cáo: nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke, tại sao không? Nhưng bên trong mọi thứ trở nên hoang phế và đôi chỗ xập xệ.
Lũ nhóc bám theo chúng tôi ra sông chơi
Hôm nay là ngày Lễ tình nhân, chúng tôi chẳng có gì tặng nhau ngoài một bữa cơm nếp của người Lào. Từ cửa sổ quán ăn nhìn xuống, ba cậu nhóc cởi chuồng đang hì hục bắt cá dưới lòng sông khô cạn. Giữa cái nắng lúc 12 giờ trưa mà chúng vẫn hồn nhiên say sưa với việc khám phá thiên nhiên của mình. Sau khi đạp xe trở lại phòng trọ từ quán ăn, tôi lăn ra ngủ vì quá mệt còn Simon dạy học qua mạng. Nhưng 3G của anh quá yếu đành hủy dạy. Vậy là chúng tôi đã bỏ phí mất một buổi chiều. Ngủ dậy lúc khoảng 4 giờ, tôi rút hết đồ khô phơi ở dây bên ngoài mang vào phòng cất rồi hai đứa dạo bộ xuống ngôi làng gần đó. Chúng tôi đi theo con đường chính vào trong thẳng trong làng, vài căn nhà xây theo kiến trúc biệt thự Pháp, còn lại là nhà sàn, một số nằm vắt vẻo bám vào mép đồi với các chân gỗ mục mà tôi không biết khi nào sẽ sập. Dân làng khá tò mò nhìn người lạ nhưng chỉ có lũ con nít là chạy theo khi chúng tôi ra tới bờ sông. Lũ nhóc mới đầu bẽn lẽn khi tôi giơ máy lên chụp hình nhưng chỉ một lát chúng đã vui vẻ lội ra giữa dòng sông cạn tạo dáng. Sau đó chúng khiến tôi ngạc nhiên hết sức khi chìa tay xin, tôi đoán chúng xin tiền. Giá như có kẹo thì tôi sẽ chia cho chúng ngay nhưng tiền thì không vì như thế dễ làm hư hỏng bọn nhỏ. Buổi tối trời khá lạnh. Hai đứa lấy xe đạp chạy ngược xuống ngôi làng mà ban ngày đã đạp qua để ăn tối. Món bún thịt bò của người Lào khá hấp dẫn, thêm rau, sốt đậu phụng vậy mà tôi thấy ngon hơn cả phở của Việt Nam. Sau khi mua một ít bánh ngọt để ngày mai vừa đạp vừa ăn lấy năng lượng, chúng tôi quyết định đi qua một cửa hàng tạp hóa nhỏ để mua nước uống vì thấy một cặp vợ chồng già ngồi co ro trong cái lạnh miền sơn cước. Simon nói đi du lịch bằng xe đạp như tụi mình mới là giúp người địa phương, chi phí cho việc ăn uống ngủ nghỉ được trả cho các hộ gia đình khác nhau. Ngày lễ tình nhân hai đứa chẳng có quà gì tặng đối phương ngoài việc lấy cao hổ trắng xoa bóp cho nhau để ngày mai chân cẳng bớt đau mà đạp tiếp.
Ngày thứ 2 và hành trình 50km
Đạp khoảng 10km đường nhấp nhô chút xíu thì tới thị trấn đầu tiên. Tôi lấy làm áy náy nguyên do hôm qua lúc hơn 11h trưa nói với Simon là em đạp không nổi để vào thị trấn này đâu vì sợ núi đồi, hóa ra đường khá bằng phẳng. Một cô gái tóc vàng đang xách bịch bánh mì sandwich mua từ chợ chạy tới chỗ bạn trai đang đứng đợi. Hai chúng tôi lập tức dừng xe trò chuyện với cặp đôi người Pháp. Myriam mới tốt nghiệp ngành tiếng Trung-Anh còn Julien dạy tiếng Pháp ở Đài Loan.Vậy là bốn đứa nhập hội để đạp về Luang Prabang. Việc có bạn đường khiến mọi người thêm phấn chấn. Nhiều lúc tôi muốn đứng lại nghỉ vì mỗi lần như thế Simon sẽ đấm lưng, xoa bóp cho mình nhưng hôm nay có người đạp cùng vậy là tôi không dám mè nheo anh chút nào. Myriam và tôi đạp yếu hơn hai người đàn ông kia nên chúng tôi toàn đi sau cùng. Núi đồi cứ uốn lượn, mới được xổ đèo lại phải hì hục leo lên. Ánh nắng tỏa xuống núi tạo thành một vệt mỏng thật lớn trùm lên màu xanh thẫm. Đến 12 giờ trưa chúng tôi không tìm được một nhà hàng nào ven đường để có thể khỏa lấp cơn đói cồn cào. Con đường hiểm trở chạy về cố đô Luang Prabang đi ngang qua các bản làng nằm cheo leo trên núi nên người đồng bào hầu như chẳng kinh doanh gì. Cái bụng đã réo rắt vì đói nếu đạp thêm nữa chắc tôi kiệt sức. May sao có một tiệm tạp hóa nhỏ ven đường. Người chồng đang say sưa bù khú với bạn, bên cạnh một đống vỏ bia Lào lăn lông lốc. Myriam chạy vào lựa bốn gói mì tôm, nhờ người vợ đun nước sôi. Vậy là bốn người có một bữa trưa qua loa chỉ gồm mì tôm và vơ vét tất cả bánh trái có được đem ra chia nhau ăn. Hàng ngày chúng tôi nghỉ hơn 1 tiếng sau giờ ăn trưa để tránh nắng và cho tôi ngủ, thế nên tôi là đứa xách xe chạy đi trước tìm bóng râm. Simon thường đùa tôi có kỹ năng tìm chỗ ngủ tốt, mà hình như vậy.
Đang chạy xe nhưng mắt tôi đảo rất lẹ xác định vị trí nào có thể ngả lưng được. Đường đèo một bên là vách núi, bên kia vực thẳm nên rất khó khăn trong việc tìm được nơi dừng chân. Mỗi lần đi tìm chỗ ngủ là tôi đạp khỏe hẳn ra nên cuối cùng tôi cũng phát hiện được một nơi dừng chân dưới tán cây, bên dưới toàn đá nằm sát vực thẳm. Nhưng đây là nơi có vẻ tạm ổn nhất trên con đường đèo mà nãy giờ tôi đã đạp qua. Tôi đừng lại hỏi ý kiến mọi người và ai ấy đều nhất loạt đồng ý. Chỉ chờ có thế, ngay lập tức tôi trải bạt và tấm lót trên nền đá rồi lăn ra ngủ. Ba người kia không ai ngủ được, cứ ngồi đó lấy kindle đọc sách.
Chỗ nào tôi nằm cũng được nên tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ thật sâu. Sau khi tỉnh giấc tôi cảm thấy mình như được hồi phục năng lượng. Simon nói cho tôi biết trong lúc cả bốn đứa mải ăn trưa thì lũ nhóc người dân tộc đã trộm mất chiếc máy nghe nhạc Mp3 của Myriam gắn ngay trên xe đạp.Trời ạ, chúng tôi cứ ngỡ lũ nhóc ngây thơ nên dựng xe vào góc tường khuất tầm nhìn mà chẳng đề phòng gì.
Dừng chân ven đường
Buổi chiều nắng gay gắt như đổ lửa xuống mặt đường. Chúng tôi cứ thế đạp hết sức để lên quả núi cao vời vợi. Mồ hôi túa ra đầm đìa. Cơ đùi, bắp chân căng ra đau điếng khi phải dồn sức đạp. Việc tìm được chỗ đi vệ sinh quả là duyên may rủi. Tôi ì ạch lết sau cùng, mãi tới khi kiếm được một con suối nhỏ khuất bóng giải quyết nỗi buồn thì tôi mới có thể đạp tiếp. Những chiếc xe tải vượt qua chúng tôi lao về phía trước rồi mất hút sau những khúc cua. Một chiếc container dài nằm vắt vẻo trên triền núi. Bốn người sửng sốt nhìn vì không rõ chiếc container này bị tai nạn hay do đã hết thời mà bị hắt hủi một cách vô tình như thế, nó đang nằm ở tư thế như chực rơi xuống núi. Tới chiều tối, cặp người Pháp dừng lại ở khu cắm trại còn chúng tôi đạp thêm 1km nữa vào thị trấn tìm nhà trọ. Trời rất lạnh nên tôi không dám ngủ lều. Túi ngủ, quần áo chúng tôi mang theo đều không phù hợp với thời tiết quá lạnh ở đây. Nơi nào có người Hoa thì tôi nhận nhiệm vụ đi hỏi phòng còn người Lào thì tới lượt Simon. Tôi chọn phòng giá 70.000kip, không có máy điều hòa nhiệt độ của người Hoa. Trên đỉnh núi cao lạnh tê tái vậy mà chẳng có nhà nghỉ nào lắp máy lạnh cả. Vừa tắm tôi vừa rên lạnh cứ như muốn nhảy tưng tưng khi chui ra khỏi phòng. Xui xẻo thay hôm nay tới phiên tôi giặt đồ. Phòng khá nhỏ chỉ đủ một chiếc giường, một bàn nhỏ nên tôi đành phơi đồ trong nhà tắm cho ráo nước. Tôi mặc một áo len nhỏ, một áo sơ mi, một áo sweater  thế mà bước ra ngoài vẫn rúm ró vì lạnh. Thị trấn nằm trên lưng chừng núi như một ngả ba mà đường leo núi là về Luang Prabang còn đường xổ dốc xuống rẽ về vùng khác. Cái lạnh muốn nuốt chửng lấy tôi. Những người bán hàng vẫn đang mong có khách tới mua trái cây, rau củ, thịt,cá nướng trước khi họ dọn hàng vì bóng tối sắp sửa tràn về vùng cao. Những ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi trông mỏng manh đáng thương như chỉ chực một cơn gió mạnh thổi qua cuốn phăng đi mọi thứ. Đi được hơn 10 phút thì chẳng còn gì xem nên hai đứa đành quay ngược lại con đường về nhà nghỉ. Tôi kỳ kèo với anh chủ người Hoa cuối cùng được giảm giá đồ ăn. Lào mà, ai bảo thứ gì cũng mắc chi.
Ngày thứ 3 và thử thách 50km
Chúng tôi hẹn cặp người Pháp sẽ gặp nhau vào lúc 7.30 trước nhà nghỉ của mình nhưng mãi 8 giờ họ mới tới. Hàng ngày 7h sáng họ mới ngủ dậy trong khi hai đứa tôi có khi 5 hoặc 6 giờ sáng đã tỉnh. Vài km đầu chúng tôi phải leo núi nhưng khoảng hơn 10km sau thì xổ dốc vô cùng sung sướng. Tôi mặc tất cả áo tối qua dạo chơi trong thị trấn vào người để tránh cái lạnh miền cao khi xổ dốc. Đạp lên núi khi mặt trời bắt đầu gắt, chúng tôi dừng ven đường nơi quầy bán hàng đã bị bỏ hoang ngồi uống trà nóng mà buổi sáng Myriam và Julien đã chuẩn bị sẵn.  Hoa rừng đỏ au một góc. Hoa đào khoe sắc cuối xuân. Những em bé gái mặc váy hoa với miệng cười chúm chím. Cái nghèo tương phản với nụ cười ấm áp trìu mến của người vùng cao. Chúng tôi gặp một cặp người Anh lớn tuổi mới đạp từ Thành Đô Trung Quốc qua Lào, họ vô cùng háo hức khi biết phía trước sẽ là một quả núi tha hồ mà leo. Tôi chán núi đồi lắm rồi nhưng khi gặp họ bỗng dưng thấy mình thật là yếu đuối. Hôm nay biết rõ sẽ khó tìm nhà hàng nên buổi trưa chúng tôi dừng mua mì tôm, bốn quả trứng, hai hộp sữa đậu nành, ít bánh rồi đạp thêm vài km đi tìm nơi dừng chân. Trong các cửa hàng thường thấy rất nhiều hàng hóa từ Việt Nam như mì tôm, bánh kẹo cho tới cả cục pin. Tôi phóng xe đi trước, chọn được một bãi đất khá rộng sát đường, an toàn tránh xe cộ nhưng ít bóng râm. Trời nhiều mây nên ngồi ngay bãi đất không có cái cây nào che trông cũng khá ổn. Simon và Myriam  đun nước nấu mì tôm trứng còn tôi đi phơi đồ. Bắc sợi dây ngang qua hai thân cây vậy là tôi có thể giăng đồ đêm qua giặt phơi trong nhà tắm vẫn chưa ráo hết nước. Bốn người ngồi quây quần trên tấm bạt cùng nhau ăn, bụng đói meo nên ai cũng tấm tắc khen ngon. Sau đó tôi chọn nơi có chút bóng râm nằm ngủ, bên trên là dây phơi đồ treo lơ lửng, cách chỗ mình nằm khoảng 4m sẽ là vực thẳm và rừng xanh. Đang thiu thiu ngủ chợt tiếng ồn vang lên. Vài người địa phương đi làm chạy ngang qua chỗ cặp người Pháp đang ngồi để lên núi.Tôi ngồi dậy nhìn họ xem có an toàn không rồi lại nằm xuống ngủ. Mây trên trời trốn đi đâu hết. Nắng phủ xuống nơi chúng tôi đang ngả lưng. Nắng chiếu lên người xuyên qua quần áo rát cả da thịt. Tôi chịu không nổi cái rát nên lăn qua lăn lại trên tấm bạt trải trên nền dốc nghiêng. Myriam và Julien cắm mặt đọc tiểu thuyết trong kindle dưới cái nắng vì nơi họ ngồi chẳng có một cành cây nào che bóng mát ngoài chiếc xe đạp tôi dựng sát đó để Myriam có thể lấy tấm lót ngủ trong lều che cho có bóng râm. Tôi nghĩ thầm làm sao mà họ giỏi chịu nắng thế chứ, nếu là mình thì tôi đã lủi vào nơi có bóng mát chỗ xe đạp của Julien nằm rồi. 2 giờ rưỡi chiều, cả bọn lại lục tục kéo nhau lên đường.
Bữa trưa dọc đường
Việc đạp lên núi nhanh hay chậm, khỏe hay yếu là do suy nghĩ của cái đầu chứ không phải đôi chân. Nhiều lúc bắp chân, cơ đùi đau điếng nhưng chỉ cần tôi cố gắng thay đổi suy nghĩ để cho nó biết cái đầu mới là chủ, bắt chân cẳng nghe lời là y như rằng xe đạp lại bon bon chạy. Một tốp nam đang chơi trò ném bi. Những hòn bi bằng đá hay sắt tôi không nhớ rõ nhưng có thể đặt vừa khít vào lòng bàn tay tôi. Tôi nói với Julien trò này từng nhìn thấy người Pháp chơi ở Paris, vậy người Lào hay Pháp bắt chước nhau. Julien mỉm cười không trả lời. Xe đạp của hai người Pháp không chất lượng bằng xe chúng tôi nên họ đi chậm hơn. Myriam mượn xe của mẹ còn Julien mua lại xe cũ cùng hãng với bạn gái với giá có 90 euro. Vậy mà họ đã đi gần 10 tháng và còn 5 tháng nữa thôi sẽ hoàn thành chuyến đi. Khi leo núi mà có người lạ thật đúng là không còn gì bằng. Nhiều lúc tôi muốn dừng lắm nhưng không dám vì sợ họ cười người Việt sao yếu thế. Simon thì càng mừng hơn vì biết tỏng ý đồ của tôi. Mới hơn 4 giờ chiều cả bọn đã đến thị trấn, tìm được nhà trọ 70.000kip/phòng nhưng dùng chung nhà vệ sinh. Chúng tôi ra sau nhà ngắm hoàng hôn buông trên những dãy núi trập trùng. Họ uống bia còn tôi đành ngậm ngùi uống nước lọc vì đã bỏ bia nhiều năm. Thời tiết đỡ lạnh hơn hôm qua nhưng tôi vẫn phải ngồi ngoài nắng cho ấm người. Khi mặt trời dần lặn vào lòng núi mang theo sắc màu đỏ-cam bí ẩn để nhường lại cho những gam màu đen-xanh thẫm ngự trị, tôi đã hiểu vì sao Lào có sức mê hoặc với du khách thập phương đến thế. Ai đó ngẩn ngơ lặng người ngắm hoàng hôn Lào đẹp ma mị.
Cùng nhau ngắm hoàng hôn buông xuống núi
Bốn người rảo bước quanh thị trấn với những ngôi nhà phơi mình ra đường, đi hai nhà hàng so sánh giá cả rồi tới một quán gọi rau xào thập cẩm, cơm nếp và thịt heo xào gừng. Cặp người Pháp ăn chay nên chúng tôi đánh vật với dĩa thịt heo thật lớn. Bà chủ hỏi lại “mọi người đạp xe hả?” để chắc chắn về phần ăn cho chúng tôi. Cơm nếp mang ra bốn phần mà cứ như cho 8 người ăn. Chẳng ai ăn hết nổi phần của mình bèn gói mang về làm đồ ăn sáng. Simon và tôi đi mua chuối ở gian hàng nhỏ bên kia đường, cậu bé chừng hơn 10 tuổi ngồi ngẩn ngơ nhìn khách mà chẳng trả lời. Một người phụ nữ bước ra, áng chừng hơn 40 tuổi ra hiệu như cố giải thích cậu bé kia không hiểu được gì đâu. Lúc thanh toán, Simon lắc đầu không nhận lại tiền thừa. Chỉ một hành động nhỏ của anh thôi cũng khiến tôi cảm thấy ấm áp. Hành động không lấy tiền thừa từ người phụ nữ lớn tuổi khắc khổ với khuôn mặt có nét của người bị bệnh Downs và cậu bé mắc bệnh kia của Simon thật trái ngược với mỗi khi anh mua hàng phản ứng dữ dội khi bị người bản xứ “chém”. Hai người này thật đáng thương chứ không như chủ nhà nghỉ giàu có vừa kinh doanh nhà nghỉ, quán ăn lẫn tạp hóa tham lam bán thứ gì cũng mắc. Vậy mà khi một chiếc xe tải nhỏ trườn tới, người vợ chạy ra quỳ mọp dưới bức tượng được chở trên xe đưa tiền cho một người đàn bà thân hình đẫy đà để lấy một sợi dây nhỏ đeo vào tay. Tôi tôn trọng niềm tin tín ngưỡng của họ nhưng giá như họ bớt tham lam đi và giúp đỡ những người hàng xóm nghèo khổ thì tốt hơn. Khi Myriam và tôi đang đứng cạnh nhau, một cậu thanh niên Lào lại gần làm quen với cô. Myriam trả lời rồi giới thiệu tôi tới từ Việt Nam. Tôi quay lại mỉm cười chào nhưng cậu ta chẳng buồn liếc mắt hay muốn làm quen với tôi. Vậy là tôi bỏ đi. Anh chàng này cũng giống như những người Việt Nam khác tôi từng gặp, khi họ muốn tập ngôn ngữ thì họ chỉ muốn nói với người da trắng thôi còn da vàng đứng bên cạnh thì bị phớt lờ. Chúng tôi sẽ vào Luang Prabang ngay ngày hôm sau nhưng cặp người Pháp chỉ đạp 60km để sáng ngày tiếp theo mới vào thành phố. Vậy là chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp lại ở Luang Prabang.
Ngày thứ 4 thử sức với 80km
Hôm nay là ngày cuối cùng và cũng vất vả nhất: 80km để vào được thành phố. 6 giờ sáng chúng tôi đã thức dậy. Ăn cơm nếp tối hôm qua còn dư mang về từ nhà hàng rồi bắt đầu dắt xe ra đường. Nắng phủ lên bản làng thật sớm. Mặt trời chiếu rọi thẳng vào mặt nên tôi phải đeo kính râm để tránh nắng mà tập trung vào việc điều khiển xe đạp. Đi đường bẳng phẳng đầu óc tôi có thể ở trên mây xanh nhưng khi đạp ở vùng đồi núi tôi luôn phải cẩn thận tập trung cao độ. Ban đầu đạp lên dốc khoảng vài cây số, sau đó chúng tôi có 15km chỉ xổ xuống. Cái lạnh mới thật kinh khủng. Những ngón tay run lên vì lạnh tê tái. Các em nhỏ ngược hướng đang hì hục leo dốc để tới trường. Xe cứ vù vù chạy rất đỡ mệt người nhưng cái lạnh thấm vào da thịt. Mây bồng bềnh trôi hay sương mờ ôm lấy núi non khiến mọi thứ trở nên kỳ ảo. Tôi đành dừng xe, lấy đèn pin nhấp nháy lắp vào xe để xuyên qua màn sương. Đến lúc dừng lại chụp bức hình ngôi làng mờ ảo trong màn sương bên cạnh dòng suối thì tôi mới ngớ người, hóa ra mình đeo kính râm che nắng khi xuyên sương mờ nên trông mọi thứ tối thui. Thiệt là dại quá. Chỉ vì cái tội lười đổi kính. Con đường hạnh phúc nhanh chóng kết thúc sau 1 tiếng đồng hồ thì hành trình leo núi lại bắt đầu. Chúng tôi cứ thế đi, xuyên qua những con đường lặng lẽ, những khúc quanh co dốc ngược, miệng tôi thở phì phò và không ngừng rên rỉ. Tôi dừng chân ven đường tới cả chục lần để rên với Simon, đứng đó duỗi cẳng chân và ăn bánh ngọt lấy sức.
Ngôi làng chìm vào màn sương
Nhờ có việc đạp qua đoạn đường núi đồi từ Vang Viêng về Luang Prabang mà tôi mới hiểu được cách người Lào làm chổi. Chủ yếu là phụ nữ men theo vách đá hái cây sao đó họ đập cho rơi hạt rồi phơi trên mặt đường. Nhìn họ vất vả hái từng cọng nằm trong mép đá rồi còng người đập hạt dưới cái nắng gay gắt mới thấy cây chổi quý giá như thế nào. Ấy vậy mà nó rẻ tiền quá so với công sức người lao động bỏ ra.
Đoạn đường mỗi ngày đều được 
kiểm tra trước xem núi đồi như thế nào
Tôi không ngừng hỏi anh đỉnh núi ở đâu sao mãi không thấy. Thật là hạnh phúc vì cặp người Pháp không đạp cùng hôm nay chứ họ cười tôi chết mất. Một bác người Đức đạp xe dừng lại trò chuyện và cho biết đỉnh không còn xa lắm khiến tôi khấp khởi mừng. Đi mãi cuối cùng gần 12h trưa cũng lên được đỉnh. Tôi đói bụng quá nhưng Simon nói bây giờ chỉ còn xổ dốc xuống nữa thôi là tới thị trấn sẽ có đồ ăn. Việc kiểm tra đường đi bằng ứng dụng https://ridewithgps.com thật tiện ích vì bạn biết rõ đoạn đường mình đi nhấp nhô như thế nào. Leo lên núi hay xổ dốc xuống thì xe ai nấy lo, cẳng ai nấy đạp. Simon chạy tút lút chẳng thấy dấu vết đâu. Cuối cùng chúng tôi cũng dừng lại được ở một nhà hàng ven sông. Sau khi ăn trưa xong, tôi chạy xuống nhà hàng nằm thẳng cẳng trên chiếu trong tiếng nhạc Lào lẫn gió từ sông Nam Khan thổi vào mơn chớn giấc ngủ. Trong khi đó Simon phải ngồi dạy tiếng Anh bù hôm trước hủy một buổi vì không có mạng. Anh đang mong chờ kết thúc khóa học này lắm rồi vì đôi khi thật bất tiện trong việc di chuyển. 2 giờ chiều chúng tôi lại đạp tiếp 30km về thành phố Luang Prabang. Một đoạn trải nhựa đường khiến chúng bám hết cả vào xe. Hai đứa dừng lại lấy lá cây ven đường chà giày, xe nhưng bất lực nhìn chúng bám đen kịt. Còn vài con dốc nhấp nhô nữa thôi nhưng tôi vẫn không thôi gào lên với anh: Hết dốc chưa?
Sắp rồi, còn một con dốc nữa thôi.
Trời ơi, em mệt muốn xỉu rồi.
Đỉnh đèo, nơi kết thúc chặng đường đau khổ
Cuối cùng Luang Prabang cũng chào đón chúng tôi trong ánh chiều vẫn đương gay gắt. Cố đô của Lào khiến lòng tôi ấm áp khi được đón tiếp nồng nhiệt ở khách sạn Moon’s House của chị Hằng, người mà tôi chỉ từng một lần gặp thoáng qua trong đời cách đây vài năm.
LÀO_P5, GHÉ THĂM THÀNH PHỐ DI SẢN LUANG PRABANG
Từng là cố đô của nước Lào cho đến năm 1975, Luang Prabang có nhiều tên gọi trước đó nhưng được đổi như hiện nay nhờ vào món quà – bức tượng Phật Pra Bang- mà vua Khmer của đế quốc Angkor (Campuchia) trao tặng cho con rể, vua Fa Ngum của vương quốc Lan Xang (Lào). Luang Prabang có nghĩa là “Hình ảnh đức phật hoàng gia”.
Cố đô Luang Prbang với những thông tin tìm kiếm trên mạng có vẻ như là điểm hấp dẫn nhất trong hành trình khám phá trên đất Lào nên tôi quyết định sẽ ghé qua với tổng thời gian là 3 đêm, 2 ngày. Thật là may mắn cho chúng tôi được ở khách sạn Moon’s House của chị Hằng miễn phí ngay khu trung tâm thành phố. Tới Luang Prabang mới khoảng 5h chiều, nắng vẫn còn khá gay gắt. Chị Hằng chào đón chúng tôi rất nhiệt tình, sau đó lấy bản đồ ra hướng dẫn cụ thể nơi nào nên đi tham quan. Từ khách sạn của chị tỏa ra các địa điểm quan trọng của thành phố khá gần. Sau khi tắm rửa sạch sẽ hai đứa đi dạo phố đêm. Chợ đêm nằm trên một con đường chia làm hai lối đi, bày bán những sản phẩm đặc trưng của Lào từ quần áo, trà, đồ thủ công mỹ nghệ…. Tôi hết sức tò mò vì sao thành phố này lại thu hút khách du lịch đến vậy. Ngay góc chợ có quầy bán buffet chỉ 10.000kip/ người chủ yếu các món ăn chay và đông nghẹt khách, chủ yếu người phương Tây. Đêm Luang Prabang hơi se lạnh. Dòng Mekong và Nam Khan ôm lấy cố đô với những ngôi chùa ẩn hiện và các tòa nhà thuộc địa kiến trúc Pháp, nhà sàn Lào kết hợp với biệt thự Pháp chìm vào ánh sáng nhợt nhạt của bóng đêm lẫn đèn đường.
Một thoáng cố đô
Con đường chợ đêm vào ban ngày lột xác đến bất ngờ. Dạo bước trên chính con đường ấy không hiểu sao tôi lại có cảm giác như mình đang lang thang ở Hội An, dù ở quê nhà không gian phố cổ chật hẹp hơn. Một cô gái bán hàng ngủ gục ngay trước quầy bán vòng đeo tay. Một cụ già ngồi chợp mắt ngay gian hàng bán các thứ đồ linh tinh. Người bản xứ hững hờ nhìn dòng người trôi ngang qua, tôi chẳng biết họ nghĩ gì. Phải chăng gánh nặng mưu sinh khiến khuôn mặt họ suy tư đến lạ. Chỉ có du khách như tôi là lòng hân hoan rạo rực mà thôi.
Giấc ngủ trưa
Nếu đến Campuchia tôi hào hứng khám phá Angkor Wat thì ở Lào tôi cảm thấy hụt hẫng khi không thể tìm được một nơi giúp mình tìm lại lịch sử dân tộc này. Bảo tàng quốc gia chẳng phải là nơi giúp tôi khám phá lịch sử mà chỉ trưng bày những gì thuộc về hoàng gia nên tôi không bỏ ra 30.000kip để mua vé vào tham quan, chỉ đi ngang qua nhìn kiến trúc tòa nhà. Lang thang qua những con dốc ngập tràn khách du lịch và các ngôi nhà xinh đẹp, chúng tôi leo lên đỉnh Phousi chót vót trên núi cao có thể nhìn xuống một phần thành phố. Chiếc cầu gỗ bắc ngang dòng Nam Khan lờ đờ nước chảy nối những ngôi nhà theo kiến trúc Pháp với bờ đối diện mang dáng vẻ thôn quê. Hai đứa đi một vòng quanh dòng sông Nam Khan rồi đến bên Mekong vào một nhà hàng ngay bờ sông gọi hai tô bún. Trái dừa 10.000 kip to hơn cả đầu tôi. Tôi nhâm nhi nước dừa vừa ngắm những con thuyền xuôi ngược ngược xuôi trên dòng Mêkong. Kế sát bên cạnh tôi là hai anh chàng người Việt đang bóc tôm ăn và trò chuyện sôi nổi khiến một kẻ lạ không muốn cũng phải nghe hóng tai lên trong tiếng gió vi vu.
Một thoáng Lào trong các tác phẩm nghệ thuật
Luang Prabang là sự kết hợp kiến trúc của những ngôi nhà từ thế kỷ 19, 20 như biệt thự phương Tây quyện vào kiểu nhà sàn truyền thống của người Lào. Vì thế tôi thấy cố đô có nét cổ kính, thoáng chút phương Tây giữa Đông phương yên ả giữa hai dòng sông. Đây là thành phố của những ngôi chùa, tiêu biểu như Wat Xieng Thong với mái ngói uốn cong  nhiều lớp nổi bật. Đến Luang Prabang ngắm chùa chiền, những ngôi nhà, các cây cầu gỗ bắc ngang Mekong và Nam Khan, nhìn các vị sư đi khất thực cũng đủ khiến lòng tôi bồi hồi.
Buổi chiều hai đứa  đi dạo qua những con đường vắng du khách để hiểu hơn về đời sống của người bản địa. Những ngôi nhà sàn, nhà xây đều trông bình dị và không có sức cuốn hút về mặt kiến trúc như ở khu vực mặt tiền hấp dẫn khách du lịch.
Kiến trúc Pháp còn sót lại ở một nước thuộc địa
Ngày cuối cùng chúng tôi quyết định mỗi người tự khám phá Luang Prabang theo cách riêng của mình. Buổi trưa tôi đi ra chợ thì gặp Simon đang tung tăng xách bịch quýt về vậy là tôi kéo anh theo mình ra chợ mua đồ về nấu ăn trưa. Cơm nếp mua sẵn ở chợ đã nấu, tôi chỉ mua thêm rau muống về luộc và rau cải xào. Chị Hằng mời chúng tôi qua ăn cùng nhưng cả chủ lẫn người làm đã quá đông nên tôi từ chối. Chiều hôm ấy tôi xách xe đạp chạy vòng vèo khám phá Luang Prabang lần cuối. Tôi chọn hướng không có du khách để tham quan. Bước vào một ngôi chùa, những vị sư nhìn tôi một cách ý tứ vì có lẽ một đứa con gái châu Á dắt xe đạp lạ lẫm trong chùa khác với một số du khách Tây đi theo đoàn đang vãn cảnh chùa.  Chạy qua những con đường nhỏ dốc lên dốc xuống, vài khách sạn đang xây dở. Một ngôi trường hai tầng do bí thư Việt Nam hỗ trợ xây dựng khá khang trang, khác hẳn những ngôi trường nhỏ bé trong suốt hành trình mà tôi từng thấy. Tôi chạy về lại hướng tượng đài chủ tịch Souphanouvong rồi dừng chân tại một ngôi chùa trước khi vòng xuống sông Nam Khan. Trong chùa có tổ chức sự kiện gì tôi không rõ nên vẫn còn một vài gian hàng bán đồ ăn, bày trò chơi. Một vài vị sư đang ngồi trong những gian nhỏ được kê bàn ghế và cây chuối dựng lại như rạp. Tôi tò mò dừng xe nhìn mọi người đang vây quanh xem trò ném phi tiêu quay số. Có ba ô, mỗi ô là ba con số để khách đặt tiền vào, sau đó người chơi ném phi tiêu lên bảng số mà người chủ quay. Chỉ có duy nhất một vị khách nam dáng người mảnh khảnh chơi. Tôi không rõ anh ta đã ngồi đây bao lâu và thua bao nhiêu tiền nhưng thái độ của kẻ thua tiền hiển hiện rõ trên khuôn mặt hậm hực kia. Khi bảng số vừa dừng lại, người chơi và ông chủ cùng nhanh tay chụp tiền trên bàn. Ông chủ may mắn lẹ tay hơn nên kịp lấy tiền đưa cho cô gái đang một tay cầm cục tiền. Lần tiếp theo thì người chơi lẹ tay hơn nên dù thua vẫn chụp lại được tiền. Tôi cố nhịn cười vì sợ bị anh ta nổi điên quay sang đánh mình. Ông chủ tỏ ý không muốn tiếp tục trò chơi nhưng người thua vẫn không chấp nhận. Tôi đành bỏ đi trước khi có chuyện gì không hay xảy ra. Không hiểu chùa chiền gì mà lại cho dân chúng chơi trò đỏ đen như thế.
Khu phố đẹp nhất của cố đô
Dòng xe ô tô đỗ chiếm hết cả cây số dài, tôi xách xe đạp len lỏi vào giữa kẽ hở của các xe ô tô nối đuôi nhau rồi dựng con chiến mã trên vỉa hè. Tôi đứng đó ngắm dòng sông Nam Khan lững lờ trôi và cây cầu gỗ bất chợt trở thành một điểm nhấn tuyệt đẹp. Nhởn nha đạp ngắm nghía các ngôi nhà cổ lẫn khách bộ hành cho đến 6 giờ tôi mới trở về gặp lại Simon. Tối 7h15 chúng tôi vội vã đi gặp Myriam và Julien, hai người đồng hành đạp cùng chúng tôi qua chặng đường khó khăn nhất vượt núi theo hướng từ Vang Viêng về Luang Prabang. Xuyên qua khu chợ đêm lúc nào cũng tấp nập du khách, bốn chúng tôi gặp nhau ngay tại khách sạn của họ. Myriam ngạc nhiên hết sức khi nhìn Simon. Sau khi nộp xin visa điện tử về Myanmar, tôi nói Simon nên cạo râu tóc đi chứ trông ghê quá mà lại khác hình trên hộ chiếu biết đâu bị hải quan cửa khẩu làm khó dễ nên anh đi cạo nhẵn nhụi, đến tôi còn nhận không ra nói gì Myriam.
Lữ khách
Bốn người kéo vào một nhà hàng cách đó không xa, trò chuyện từ 7 rưỡi đến tận 10 giờ đêm. Bao nhiêu thứ cần nói mà hai hôm đi cùng nhưng lo đạp chứ không có sức trò chuyện. Họ chia sẻ khi qua Myanmar chắc tôi sẽ vô cùng hứng thú, vì có nơi  cấm không cho nữ giới vào, và ở quốc gia này nữ quyền chẳng có tí gì sất. Cả hai chia sẻ về lộ trình họ đã đi ở Myanmar và Thái Lan cho chúng tôi.  Tôi phàn nàn tại sao bốn phần cơm nếp cùng giá tiền mà của tôi lại bé nhất, chẳng lẽ nhìn tôi là phụ nữ châu Á nên nghĩ tôi ăn ít hơn à. Tôi không chấp nhận với cách đối xử phụ nữ như thế. Phục vụ trong nhà hàng toàn là nam giới. Chúng tôi hẹn giữ liên lạc, biết đâu đấy có thể bốn người lại đạp cùng nhau ở chặng đường xuyên châu Mỹ trong một ngày không xa. Đợi Trump bị đá bay khỏi nhà trắng đã. Tôi thốt lên.  Cả bọn phá lên cười với lời hẹn xa xôi.
Bên dòng Nam Khan
Đêm trở mình lạnh thêm. Chúng tôi tính toán số tiền cần dùng cho hai ngày còn lại ở Lào để đi ra cây ATM rút. Tối nay phòng dom đã ngập tràn khách, thay vì hai đêm trước chỉ có duy nhất hai đứa chúng tôi. Tôi chui vào phòng nằm đọc sách trong khi Simon ngồi dưới nhà với cái laptop vừa nhâm nhi bia Lào. Trong phòng chỉ có ba người nhưng ai cũng lặng lẽ cố gắng phát ra ít tiếng động nhất. Giọng Đức của một anh chàng phòng bên vang sang chói tai gần cả tiếng đồng hồ. Tôi chỉ muốn đập tường đề nghị nói chuyện nhỏ lại nhưng không dám bèn lấy headphone ra nghe nhạc và đọc nốt cuốn sách Đại gia Gatbsy mượn ở kệ sách dưới phòng tiếp tân. Sau đó, cô gái sát giường tôi trở về, leo lên giường nằm ngủ. Đớn đau thay, chỉ một lát sau tiếng ngáy nhè nhẹ của cô vang lên. Rồi tôi cũng chìm vào giấc ngủ chập chờn nhưng vẫn biết khi nào Simon trở lại giường. Tiếng động ồn ào vang lên, ánh đèn pin le lói, ba người cùng phòng trở về lúc hơn 1.30 sáng. 11 con người trong một căn phòng im ắng, chỉ có tiếng ngáy của cô gái kia vẫn vang lên đều đều. Vậy là từ đây hai con mắt tôi mở thao láo mong trời chuyển sang 6 giờ sáng để chuẩn bị lên đường.
LÀO_P6_HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ DÒNG MÊKONG
Đúng 6 giờ sáng đồng hồ báo thức của Simon vang lên. Tôi lôi hết hành lý ra ngoài hành lang để không làm phiền mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ ở phòng dom. Đủ thứ ngổn ngang được sắp xếp lại, rồi vệ sinh cá nhân cũng tốn mất 30 phút.  Các vị sư đi khất thực đứng bên ngoài nhưng khách sạn chỉ mới he hé cánh cổng và chẳng ai ra khi họ lầm bầm cầu khấn nên chỉ một lát sau bóng họ đã khuất. Tùy theo mức độ sùng tín ngưỡng mà mọi người đứng, hay thả dép ra rồi quỳ xuống khi gặp các vị sư khất thực. Cậu em họ chị Hằng chủ khách sạn Hang Moon năn nỉ làm bữa sáng cho hai đứa. Cậu quá nhiệt tình nên chúng tôi không nỡ từ chối. Trong khi chờ cậu làm pancake, Simon pha cà phê nhưng chỉ uống được vài hớp thì đã 7 giờ sáng. Chúng tôi đành phải lên đường vội vã như thể trốn chạy, chỉ kịp cám ơn cậu mà tôi quên cả hỏi tên. Thật tiếc khi không thể chờ chị Hằng ngủ dậy để nói lời từ biệt và cảm ơn. Nhưng chúng tôi đã quá quen với việc tới nhà ai đó ở rồi lúc ra đi có thể không gặp chủ nhà do hành trình khẩn trương của mình.
Hôm trước chúng tôi đi loanh quanh trong thành phố Luang Prabang tìm nơi mua vé tàu để ra biên giới Lào-Thái Lan nhưng người bán ở một đại lý du lịch cho biết giá tới 180.000kip/ người, do đó nếu muốn rẻ thì ra bến tàu, vì anh cũng không rõ giá tiền cho cả xe đạp. Anh lấy bản đồ giấy ra chỉ địa điểm bến tàu nhưng không biết vị trí cụ thể mà chỉ áng chừng. Bởi thế, chúng tôi vội vã rời khách sạn để đi tìm bến tàu, nhẩm tính hơn 10km thì phải đạp tầm 45 phút. Buổi sáng nhưng thành phố đã không còn ngái ngủ. 7h sáng mà nắng đã phủ đầy không gian. Chạy qua cây cầu sắt cũ kỹ để qua bờ bên kia nghèo nàn của Luang Prabang, chúng tôi mải miết đạp men theo con đường đất ven sông. Đi mãi, phải tới 10km rồi mà vẫn không thấy bến đò đâu khiến tôi hoang mang sợ nhỡ tàu. Sau một hồi quanh co, cuối cùng chúng tôi đã tới được bến đò, mua vé 105.000kip/ người và  25.000kip/xe đạp. Tôi giở bản đồ MapsMe ra thấy địa điểm bến đò nằm chình ình trên đó. Simon thở dài, lần sau không tin người địa phương nữa mà tự lên bản đồ kiểm tra cho nhanh.
Trên dòng Mekong
 Vội vã ra bến tàu, 6 giờ đã lục tục chuẩn bị lên đường vậy mà 9 giờ kém 15 tàu mới rời bến. Chiếc tàu gỗ dài cỡ hơn 20m, bên trong là các ghế xe hơi cũ được gỡ xuống làm ghế ngồi. Khoảng 40 vị khách toàn Tây, chỉ có tôi và hai cậu khác trông mặt mũi châu Á nằm trong nhóm khách du lịch ngồi ghế. Còn một nhóm người Lào thì ngồi quây quần cùng nhau ngay sau người hoa tiêu. Món pancake của tôi trông khá hấp dẫn nên hai cô người Đức hỏi mua ở đâu. Đây là lần thứ 3 Simon đi con tàu khám phá dòng Mekong theo lộ trình từ Thái xuống Luang Prabang. Với tôi một lần là đủ, cho đi thêm lần nữa chắc tôi sẽ phải suy nghĩ rất kỹ dù cảnh quan hai bên bờ sông khá đẹp.
Con thuyền lướt mặt sông lấp lánh ánh bạc. Những khu rừng thưa xuất hiện với đủ mảng màu sắc của thiên nhiên. Tôi đọc ebook trong điện thoại rồi lại lôi máy tính ra viết lách nhằm giết thời gian trôi. Buổi sáng lặng lẽ bị dòng Mekong nuốt chửng. 5 tiếng đầu ngồi thuyền cảm giác thật thích thú nhìn ngắm mọi thứ lướt ngang qua và mình lười biếng tận hưởng một cuộc đời phiêu bạt vô lo. Thế nhưng về chiều, những khúc quanh co và sóng mạnh xuất hiện. Tôi bắt đầu có cảm giác buồn nôn. Tôi liên tục phải đứng lên duỗi chân cho đỡ mỏi và thò đầu ra hít không khí mát lành.
Một cảm giác thân thương khi mọi người vẫy tay chào nhau
Đến khoảng gần 6 giờ tối thì tàu cập bến ở Pakbeng. Đó là một ngôi làng nhỏ xíu ngập tràn du khách. Chúng tôi còng lưng đạp lên con dốc cao, tìm kiếm nhà trọ. Người ta hét 100.000 kip, cuối cùng Simon cũng tìm và trả giá được một căn phòng khá đẹp giá 70.000kip/ đêm. Dạo quanh thị trấn, chúng tôi mang theo cả áo khoác mỏng đề phòng trời lạnh nhưng không khí se se man mát. Vòng quanh mua ít đồ để ngày mai lên tàu ăn, chúng tôi đi tìm quán gọi pad thái và tô mì cho bữa đêm. Một người đàn ông lang thang ăn mặt rách rưới đi ngang qua quán tôi ngồi hai ba lần chắp tay lẩm bẩm nhưng tôi chịu không hiểu ông ta nói gì, chỉ đoán ông xin tiền hoặc thức ăn. Khách tây đi qua lại đông vui tấp nập. Nếu không có họ thì cái làng này sẽ sống bằng gì, tôi không biết nữa, chỉ có kinh doanh mới giúp con người ta làm giàu thôi “phi thương bất phú” mà. Trên đường vòng lại khách sạn, tôi nhìn thấy người đàn ông ăn xin ban nãy.
Gặp quá nhiều người như vậy nên dù có mủi lòng thì tôi cũng không thể cho tiền khi ngân sách chuyến đi của mình có hạn. Tôi chạy ngược trở lại con dốc, tay cầm quả táo nhưng người đàn ông đó quay lại nhìn tôi rồi xoay người bước đi không thèm lấy quả táo. Tôi bị chưng hửng thất thểu đi về hướng Simon, anh xoa đầu tôi an ủi “chắc ông ta muốn tiền chứ không muốn quả táo”. Lẽ nào ăn xin cao cấp hay sao?
Sáng hôm sau 7.30 chúng tôi ôm đồ chuẩn bị ra bến tàu. Simon qua cửa hàng đối diện mua cà phê mang đi, anh có sẵn cốc nên chỉ việc đổ cà phê vào thôi. Chủ khách sạn chỗ tôi có mở thêm quầy nhỏ bán bánh mì ăn sáng, chị niềm nở tươi cười mời nhưng tôi cảm ơn mà không mua. Khi Simon tới xin một bao bóng để đựng tách cà phê, thái độ thân thiện và nụ cười tươi roi rói tối hôm qua của chị bỗng dưng được thay thế bằng một khuôn mặt lạnh như băng. Đạp xe xổ xuống dốc chạy ra bến tàu, tôi nhìn người đàn ông lang thang tối qua chê quả táo của mình bằng đôi mắt dửng dưng. Cũng là một kiếp người mà sao thân phận lại quá khác nhau. Tôi không biết vì sao ông lại có hoàn cảnh đáng thương như vậy nhưng ông đã vô tình khắc thêm một vết cứa vào tình cảm tôi dành cho nước Lào. Đây là đất nước mà tôi đã mất mát quá nhiều thứ: bị trộm một chiếc áo ngực thể thao màu hồng trên đảo Don Det, mất điện thoại trên chuyến xe buýt từ Pakse về Viêng Chăn, mất mặt dây chuyền ngọc màu xanh của thổ dân Maori mà em tôi đã mang về từ New Zeland làm kỷ niệm, mất chiếc nhẫn cưới ( hai cái này là lỗi của tôi khi sợi dây chuyền bị lỏng với nút thắt khó hiểu, sau khi mặt dây chuyền bị rớt tôi thay bằng chiếc nhẫn cưới đeo thì cũng rơi nốt), mất một đôi vớ kèm với một nỗi chưng hửng bị người đàn ông lang thang chê quả táo chỉ muốn tiền.
Vị sư đi khất thực ở Pakpeng
Lào không có lịch sử oai hùng, quá khứ của họ là sự cai trị của người Thái, người Campuchia và sự giúp đỡ của người Việt mới đánh bại được thực dân Pháp. Cảnh quan thiên nhiên lại khá giống Việt Nam nữa nên tôi không có tình cảm sâu đậm dành cho đất nước này. Kỷ niệm đẹp nhất ở Lào chính là khoảnh khắc ngắm hoàng hôn buông xuống trên dãy núi ở chặng đường từ Vang Viêng về Luang Prabang và những phút giây thảnh thơi bình yên ngồi thuyền trên dòng Mekong.
Sáng hơn 8 giờ tàu mới rời bến nhưng sương mờ giăng phủ. Lần này chúng tôi mua vé ngay tại tàu. Tàu từ từ rời bến, lần này chúng tôi được đi con tàu sang trọng hơn. Một chiếc bàn nhỏ nằm ở giữa hai dãy ghế. Phần lớn những vị khách hôm nay là người đi cùng chuyến tàu ngày hôm qua. Họ sẽ qua Thái, sau đó nhiều người về Việt Nam. Tôi ngoái đầu nhìn về phía đuôi tàu, ở hướng ấy một con tàu đang chuẩn bị đi vào góc cua như thể bị núi rừng nuốt chửng trong màn sương lơ lửng ôm trùm lấy mặt nước lẫn không gian. Mọi thứ cứ y hệt như một cảnh phim trong Cướp biển vùng Caribbe. Sương mù bảng lảng trôi, tôi mặc thêm một chiếc áo gió màu vàng nhưng vẫn run rẩy vì lạnh. Một cô người Đức khoảng 50 tuổi mà tôi gặp hôm qua cho biết khách sạn cô ở giá 50. Simon hỏi lại 50.000kip hả, hai đứa đều ngạc nhiên khi cô kiếm được giá rẻ thế. 50$ Mỹ đấy. Cô trả lời. Trời ơi. Chúng tôi đồng thanh thốt lên. Phòng của hai đứa chỉ khoảng 9$ mà đẹp lắm rồi. Cô đặt phòng trước khi đến nên mới có một cái giá mắc đến vậy. Ngôi làng này là địa điểm tập kết cho du khách từ Thái đổ về Luang Prabang hoặc theo hướng ngược lại nên nếu xui xẻo có khi bạn chẳng có phòng mà ngủ. Chúng tôi mang sẵn lều và túi ngủ vì thế chẳng sợ việc không có phòng.
Mờ ảo dòng Mekong
Con thuyền lại lướt sóng bạc trôi đi. Hôm nay sóng mạnh hơn ngày hôm qua. Tôi đang há miệng ra nói thì bị sóng dạt đánh chui thẳng vào miệng. Những cánh đồng trồng chuối trôi qua, một vài nhà máy ven sông thả khói trắng trôi vào mây, lũ trâu lông đen lẫn bạch tạng vẫn nhởn nhơ trên bãi cát. Thi thoảng lũ bò lượn lờ gần mép nước, còn bọn dê trèo lên các tảng đá. Buổi chiều lướt đi vội vã. Bờ bên phải là nước Lào còn bên trái là Thái Lan. Dòng Mekong chia sẻ nước và tài nguyên của mình với rất nhiều quốc gia. Chính phủ Lào sẽ xây dựng thủy điện trên dòng Mekong cách không xa Pakbeng nơi chúng tôi ở đêm qua với sự trợ giúp của Trung Quốc, Thái Lan và dĩ nhiên điện cũng được bán cho họ. Chẳng biết bao lâu nữa nhưng sớm thôi sẽ chẳng còn chuyến tàu nào xuôi dòng Mekong như tôi đang ngồi nữa. Khi dòng nước bị chặn lại, có bao nhiêu gia đình tan nát vì không biết lấy gì mưu sinh. Ngôi làng tôi ở đêm qua sẽ bị chôn vùi trên bản đồ du lịch. Vùng hạ lưu Lào, Campuchia và đồng bằng Cửu Long của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Khi đó Việt Nam sẽ chẳng còn là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo. Tôi không muốn nghĩ thêm viễn cảnh cho quê nhà, nhưng chỉ cần đến năm 2100 với tình hình biến đổi khí hậu mà các nhà khoa học đã dự đoán thì rất có thể những bộ phim của Hollywood về thảm họa của Trái Đất sẽ thành hiện thực. Hai ven bờ sông Lào-Thái là sự tương phản hẳn nhau. Phía bên đất Lào với những ngôi làng nghèo, không có bờ kè chắn sụt lở còn bên phía Thái Lan, những ngôi nhà khang trang và một số nơi được kè đá chắn cẩn thận. Một vài em bé ngồi trên chiếc phao làm từ bánh xe đang trôi mình trên dòng sông cười đùa ầm ĩ khi thuyền chúng tôi lướt ngang qua. Có bao giờ lũ trẻ Lào đứng bên bờ sông quê nhà và nhìn về hướng Thái Lan để hy vọng một tương lai giàu sang hơn? Mặt sông lấp lánh ánh bạc khi nắng chiều buông xuống. Con thuyền cứ thế lướt đi. Chỉ một đêm nữa thôi, tôi sẽ nói lời chào Sawadee Thái Lan.
Nguyễn Kim Ngân
Theo https://kimngannguyen.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên

Gió mùa - Tạp bút Phương Uyên Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không khí se lạnh đầy xao xuyến, t...