Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Nguyễn Trọng Tạo - Yêu và ghét, đối lập và song hành

Nguyễn Trọng Tạo - Yêu và ghét, 
đối lập và song hành
Khi cảm thấy cô đơn, buồn bã, Nguyễn Trọng Tạo thường trốn vào tình yêu và rượu. Anh sống như một người thái quá. Yêu không chừng mực. Rượu không chừng mực. Khi gặp người yêu, anh yêu quên trời đất. Khi gặp bạn bè, anh rượu tràn cung mây. Nghe nói đã có lần anh “lập kỷ lục” uống rượu liên tục 25 giờ, bạn bè phải thay phiên nhau cụng chén cùng anh. Có những đêm khuya, sau cuộc rượu, bạn về mỗi người mỗi ngả, anh cảm thấy cô đơn đến nỗi: Tôi còn cái xác không hồn/ Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai(Chia). Câu thơ đọc lên ta thấy thương anh, tưởng như anh đang giơ cánh tay chới với gọi bạn quay lại với mình: Rồi một khuya nào rượu ngà say/ Bạn bè mỗi đứa mỗi ban ngày/ Nhớ nhau cười nói vang đêm vắng/ Trái đất như là giọt rượu bay (Đà Nẵng không đề).  Và anh chia cả “đời say” với tình si mê và tâm bồ đề cho người yêu: Chia cho em một đời say/ Một cây si/ với/ một cây bồ đề/ Tôi còn đâu nữa đam mê/ Trời chang chang nắng tôi về héo khô.
Hồi tôi còn làm việc ở báo Văn Nghệ 17 Trần Quốc Toản, Tạo thỉnh thoảng ghé phòng tôi. Hình như anh ghé vào sau những tiệc rượu với bạn bè đâu đó, nhưng tan tiệc bạn bè về mất rồi; anh ghé tôi để trút bầu tâm sự. Mặt anh cười tươi nhưng giọng nói có vẻ khó khăn. Anh nói nhiều, nói chuyện này sang chuyện khác, vừa nói vừa đọc thơ. Tôi chỉ ngồi cười. Thấy tôi cười, anh càng nói, càng đọc. Dường như lúc này anh mới được sống thật lòng anh. Tôi chợt nhớ câu thơ của Yến Lan “Lời say thường nói thật”. Tiềm thức như được bật sáng một cách mạnh mẽ khiến mạch thơ trong anh tuôn trào hối hả. Anh đọc những câu thơ chỉ nghe một lần là nhớ. Nhiều câu thơ về tình bạn tưng tửng mà buồn: Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chục đứa kinh (Bạn bè ở Huế); Bạn bè ơi nếu mà không các bạn/ Những lúc lang thang ta về đâu/ Không nơi để nhớ nghèo biết mấy/ Ta như sao lạc giữa ban ngày (Cõi nhớ)… Những câu thơ về tình yêu đầy khao khát: Cây không tiếng chim/ lá cành tẻ nhạt/ Đời không có em/ mùa xuân phiêu dạt(Không đề); Tiếng mèo kêu hoang ướt đầm mái ngói/ Hồn bỏ xác anh đi theo tiếng gọi (Người đang yêu)… Có lúc anh giật mình, tỉnh táo, đọc những câu thơ tình thật dễ thương: Nào biết em ra đi mùa thu hay mùa hạ/ Chỉ biết khi em đến một ngày xuân/ hoa nở bừng, trời đất ngạc nhiên/ Những ngọn gió nhập vào em vũ hội/ Cỏ bên đường ngỡ ngàng thay áo mới/ Đá vỡ tan thành ríu rít tiếng chim/ Cho tôi đánh mất mình khi em đến/ Để được nhận ra mình mới mẻ lúc yêu em (Bài thơ khác)…
Những lúc lắng lại, anh thường nói nhiều về nỗi buồn, cho rằng con người biết buồn là con người hướng thiện. Với anh, buồn chính là người bạn tri kỷ của nhà thơ nên có lúc anh đã “xin gọi tên em là Buồn” để rồi phải kêu lên: Buồn đừng đi! Buồn đừng tan/ Mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi (Xon-nê Buồn).  Và có lúc nỗi buồn gần như tuyệt vọng khi không thể níu lại được vẻ đẹp cứ tàn phai: Giật mình tôi gọi ơi đào/ Dang tay níu lại thuở nào thắm tươi/ Nhưng nàng chẳng chịu nghe lời/ Lặng im trút xuống quanh tôi phai tàn (Đào phai). Thì ra cái con người nhân văn thi sĩ luôn tiềm ẩn trong anh. Và anh luôn cày xới những nghịch lý cuộc đời để đưa ra những bài học về cay đắng, xót đau: Có câu trả lời biến thành câu hỏi/ Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới (Đồng dao cho người lớn). Đó là những vần thơ được bố trí sinh động như một màn hoạt cảnh:
Tôi hỏi công chúa: Thạch Sanh đi đâu?
Công chúa lầu bầu trả lời: Không biết!
Tôi hỏi Nguyệt Nga: Vân Tiên đi đâu?
Nguyệt Nga âu sầu: Hình như đã chết!
Tôi hỏi cave. Cave cười ngất…
Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông.
(Trong quán Lý Thông)
Những gì lắng đọng trong đáy tiềm thức từ xa lắc xa lơ buổi thiếu thời cũng được gạn dậy trong lúc ngấm men say. Đó là tiềm thức về một vùng quê bên sông Bùng (Diễn Châu) chiêm khê mùa thối nắng hạn gió lào, nhưng lại là nơi đáng yêu nhất của anh. Phải yêu quê đến da diết cồn cào, anh mới phát hiện được những chi tiết thật đắt cho mảng văn xuôi hồi ức tuổi thơ: Mương máng khô khốc, đất bùn dưới lòng mương nứt nẻ, quăn lên như vỏ bào (…) Trời như một chiếc dù xanh bay mãi lên cao. Các hồ nước quanh làng như mỗi lúc một sâu hơn. Nó không còn là hồ nước nữa, nó là cái giếng không đáy, và ta có thể nhìn thấy bầu trời bên kia trái đất (…) Hòa nhập vào hạnh phúc lớn lao của người khác, bản thân ta sẽ trở thành hạnh phúc. Hoà nhập với cánh đồng, tôi có niềm vui của lúa chín vàng (…) Mùa thu. Hồn tôi hoá thành chiếc sáo trúc nâng ngang môi chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, và mùa thu thổi vang lên những âm thanh xao động đồng quê (Miền quê thơ ấu). Trong giây lát, ta ngỡ ngàng sống lại tuổi lên chín lên mười, cùng cậu bé Nguyễn Trọng Tạo dắt tay nhau tung tăng trên đồng làng, rồi đứng tựa vai vào cây bạch đàn, nghe tiếng gỗ thì thầm những điều thầm kín của mùa thu (MQTÂ), rồi nằm ngập cỏ non ngập hương trinh trời đất/ tiếng sáo xanh ve vuốt tinh mơ chưa hiện rõ mặt người/ lưỡi mùa xuân liếm nhẹ thịt da tôi (Tinh mơ).
Cảm xúc sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo từ làng quê yêu dấu luôn được mở rộng ra mọi vùng đất nước, và xa hơn nữa, như những vòng sóng ba động không ngừng nghỉ. Anh cảm nhận được sự sống đang “mọc lại mùa xuân” trên những cặp nhung hươu vừa bị cưa cụt. Anh phát hiện những cô gái Tuyên Quang “môi đỏ như ớt vừa ngọt vừa cay”. Anh nhìn thấy cố đô Huế “vàng son in bóng đền đài hoa khôi”. Anh hòa vào đêm nhạc múa Tây Nguyên “bùng nổ bí mật núi rừng/ kho châu báu trong lâu đài thân thể”. Anh nghe “tuyết hát trong đầu tôi” tận nước Mỹ xa xôi. Anh bè bạn với tháp Eiffel “chiếc váy đầm sắt thép”. Anh phát hiện ra tượng Cu Đái ở Bruxeller mỗi năm một ngày “đái toàn bia Bỉ đắt tiền/ Mùi bia say toàn thế giới/ Sâu bia sâu rượu ngả nghiêng”. Và giã biệt sông Visla của đất nước Ba Lan anh viết: Mây bỗng hoá đàn cừu bị gió trời xô đuổi/ Dưới trần gian trái đất cứ quay vòng/ Người cứ đuổi theo người hết đèn xanh đèn đỏ/ Sông cứ trôi ra biển tận đời sông… Cuộc sống bất cứ nơi nào anh đến cũng dậy men nồng như tiếp sức cho sáng tạo của anh, và chính sự sáng tạo đó luôn làm say bỏng lòng người.
Yêu và ghét là hai mặt đối lập của cuộc sống, nhưng luôn song hành trong cuộc sống. Đó cũng là quan niệm sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo như một biện chứng không thay đổi. Anh luôn nắm bắt quy luật hai mặt đó trong tư duy sáng tạo và cố gắng đẩy tới những đỉnh điểm nhằm mang lại những cảm xúc và nhận thức mới. Nhiều bài thơ của anh minh chứng cho quan niệm đó: Tôi yêu em tôi tìm điều dễ ghét/ Ở trong em. Em đừng vội giận hờn/ Em yêu tôi em tìm điều đáng ghét/ Ở trong tôi. Và em hiểu tôi hơn/ Những ngọn gió chẳng hề mang tư tưởng/ Cũng thổi dịu mùa hè, thổi buốt mùa đông/ Cái ngọn lửa con người tìm ra nó/ Biết bao điều thiện ác cháy bên trong… (Cuộc sống). Và nhiều lần anh tỉnh táo cảnh báo: Khi đang đắm yêu có tin được bao giờ/ Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ/ Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ/ Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn (Tản mạn thời tôi sống). Những hình ảnh mang tính biểu tượng cao thường lấp lánh trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, nó mở ra nhiều tầng nghĩa, tạo nên tính hàm súc cho thơ anh: Lá không phải là anh/ lá không phải là tôi/ lá đã hát/ đã đau/ đã khóc/ lá đông vui đơn độc/ và lá đã rơi nặng như một xác người (Lá). Đó là những câu thơ anh viết về lá hay viết về người? Dù lá hay người thì đấy đều là những câu thơ nặng trĩu tấm lòng tác giả. Nguyễn Trọng Tạo luôn có một tấm lòng trĩu nặng như vậy, và những câu thơ của anh luôn xoáy vào lòng người đọc bởi những hình ảnh gần gũi và đột biến: Thời gian mòn cối giã vừng/ Lòng tay mòn nhẵn qua từng nắm cơm/ Vai mòn đòn gánh bóng trơn/ Người rao cơm nắm bước mòn tuổi xanh (Món quê).
Như trên tôi đã trình bày, có lúc Nguyễn Trọng Tạo phác ra một hoạt cảnh bằng thơ gây ấn tượng bất ngờ: Không còn Thạch Sanh nữa! Không còn Vân Tiên nữa! Công Chúa và Nguyệt Nga cũng không còn quan tâm đến Thạch Sanh và Vân Tiên, những người đã cứu mình. Chỉ còn cô Cave cười ngất, chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông!!! Đó là tiếng cười mỉa mai cái nghịch lý đang tồn tại trơ trẽn trong cuộc sống. Một tiếng cười thâm thúy kiểu dân gian. Nhưng đã đến lúc không cần dùng tiếng cười đả kích kín đáo nữa, Nguyễn Trọng Tạo hơn một lần đã đau xót chỉ thẳng vào tội phạm: Đến Trường Sơn nhớ Trường Sơn/ Đạn bom thuở ấy gian thương bây giờ… Và ngơ ngác khi đứng giữa đại ngàn mà không còn rừng: Rừng đâu? Chỉ gốc cây khô/ Ta già mượn lệ trẻ thơ khóc rừng! (Khóc rừng). Nỗi đau của thi nhân làm động lòng cả vật vô tri: Vỏ ốc khô ứa lệ khóc nhà văn (Tưởng nhớ). Đến sông suối cũng bàng hoàng hoài nghi cả chính mình: Con sông nửa thực nửa mơ/ Nửa mong Lý Bạch nửa chờ Khuất Nguyên (Con sông huyền thoại). Nỗi đau và hoài nghi luôn hiển hiện như những câu hỏi cấp bách đặt ra trước xã hội hiện thời. Nhưng đấy là những nỗi đau và hoài nghi không tuyệt vọng. Đúng như con người mang trách nhiệm công dân, ba mươi năm trước anh từng viết:
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!
Cuộc sống luôn “Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình” như Nguyễn Du đã từng chỉ ra. “Tính tình” của người cầm bút Nguyễn Trọng Tạo chính là trái tim yêu say cuộc sống, luôn hy vọng và tin tưởng ở con người mà chính anh đã từng thổ lộ: Nhưng tôi người cầm bút, than ôi/ Không thể không tin gì mà viết (Tin thì tin không tin thì thôi), và anh cũng đã từng nhận ra quy luật tất yếu của “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” dù gió mưa vùi dập. Cũng như anh hằng tin và hy vọng vào thơ: Vậy mà sau lớp bụi mờ/ Cứ tin có một câu thơ đợi mình…  
Cứ tưởng với Nguyễn Trọng Tạo, chỉ rượu và yêu là nguồn say bất tận, nhưng đọc thơ văn và nghe nhạc của anh nữa (Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Chèo thuyền trên sông Bùng…), ta luôn nhận ra trong đó một con người giàu nhiệt huyết sáng tạo, đầy tài hoa và trách nhiệm trước cuộc đời nhiều ba động khôn lường. Và tôi lại mong Tạo đến để đọc lên những câu thơ tình yêu trong chếnh choáng men say…   
Hà Nội, 5.2010
Võ Văn Trực
Nguồn: nguyentrongtao.org
Theo http://bichkhe.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...