Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Thơ Nguyễn Trãi viết về giai nhân

Thơ Nguyễn Trãi viết về giai nhân
Nguyễn Trãi (1380 - 1442), hiệu Ức Trai, là nhân vật lịch sử vĩ đại, là tinh hoa, khí phách và anh hùng dân tộc ở TK XV, một danh nhân văn hóa thế giới. Trong sự nghiệp cứu nước, Nguyễn Trãi là công thần bình Ngô khai quốc. Trong sự nghiệp xây dựng vương triều, giang sơn, ông là một trung thần có phẩm cách kiên trinh và tâm hồn trong sáng. Trong lịch sử văn học dân tộc, ông là một tác gia văn học lớn, kết tinh truyền thống, thành tựu của văn học Lý Trần, mở đầu cho nền văn học cổ điển Việt Nam.
Nguyễn Trãi là người viết nên áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo, viết nên Quân trung từ mệnh tập có “sức mạnh như mười vạn quân”. Ông cũng là người viết nhiều thơ, cả thơ Hán và thơ Nôm. Ức Trai thi tập gồm 105 bài thơ chữ Hán, nằm trong dòng thơ luật Đường truyền thống (với các thể thất ngôn bát cú, ngũ ngôn bát cú và thất ngôn tứ tuyệt). Quốc âm thi tập, gồm 254 bài, có nhiều đóng góp, cách tân ngôn ngữ, thể thơ cũng như cảm quan nghệ thuật về thiên nhiên, cuộc sống, khởi đầu một dòng chảy mới cho thơ ca tiếng Việt. Hai tập thơ, hai sắc thái nhưng chứa đựng một tâm tình, xây nên hình tượng nhà thơ trữ tình sâu sắc. Thơ ông viết, là suy nghiệm của một con người mang tình yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên. Trong đó, thơ viết về giai nhân chứa đựng vẻ đẹp lạ thường.
Nhan sắc phụ nữ là giá trị nổi bật, dễ cảm nhận, có sức lôi cuốn, hấp dẫn, từng được thể hiện trong nhiều áng văn chương đông tây, kim cổ. Trong văn học trung đại Việt Nam, trước Nguyễn Trãi, thi thoảng trong thơ chữ Hán thời Lý Trần có gặp những vần thơ vịnh trăng, vịnh mai… của Trần Nhân Tông, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức, hay Phạm Nhữ Dực… Vịnh về hình tượng thiên nhiên, các tác giả lại liên tưởng đến nhan sắc của Hằng Nga, công chúa Hàm Dương, thần núi Cô Xạ hay giai nhân vườn Kim Cốc. Đó là nét tư duy thẩm mỹ và cảm hứng phổ biến thời trung đại.
Sử sách ghi chép, từ thời Trần đã có một phong trào dùng chữ Nôm sáng tác thơ văn với tên tuổi các tác gia như Nguyễn Thuyên (thường gọi Hàn Thuyên), Nguyễn Sĩ Cố, Chu An, Trần Nhân Tông, Hồ Quý Ly… Rất tiếc hiện không có văn bản thơ Nôm TK XIII được truyền lại, ngoài bài thơ tương truyền của Điểm Bích. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt xen lục ngôn này được ghi lại trong sách của nhà chùa, có liên quan đến Huyền Quang (1254 - 1334) - một nhà sư đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng thời Trần (1). Thơ Huyền Quang đậm chất trữ tình. Các nhà phê bình đời trước như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều khen "ý tinh tế, cao siêu", "lời bay bướm phóng khoáng". Có người nói thơ ông không có khẩu khí nhà chùa. Một con người tâm định cõi niết bàn, tài đức cảm động được trời đất mà lòng vẫn băn khoăn, xốn xang trước cảnh hữu tình trần thế, khiến cho người đời dị nghị, làm lưu truyền nhiều giai thoại hấp dẫn.
Thiên Tổ gia thực lục (trong sách Tam tổ thực lục) chép việc vua Trần Anh Tông sai Thị Bích lên Yên Tử, thử thách sự trì giới của Huyền Quang. Truyện viết, vì không thể lay chuyển được uy nghi thiền sư, Thị Bích đã bịa ra câu chuyện thương tâm của cha mình để cầu xin nhà chùa bố thí tiền của. Được vàng, nàng bái biệt xin về. Đến kinh đô, Thị Bích dâng lên vua số vàng và mấy vần thơ quốc âm:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình
Nói là của Huyền Quang, làm bằng chứng về sự sa ngã của thiền sư trước nhan sắc của nàng. Bài thơ có nội dung trữ tình đằm thắm, vừa thể hiện sự giác ngộ đến cao sâu về đạo, vừa thể hiện khát vọng yêu đương tha thiết. Nó như một lời độc thoại, thể hiện chân thực nỗi niềm ẩn dấu của chủ thể trữ tình. Lòng xốn xang, rạo rực trước cảnh thiên nhiên và vẻ đẹp con người, khiến lý trí không còn tìm được câu trả lời cho đạo và đời:
Mâu Thích ca nào thuở hữu tình
Nỗi bâng khuâng lựa chọn giữa chân lý Phật pháp và sự hấp dẫn của tình yêu với đời, với người khiến bài thơ có một sức khơi dậy đặc biệt, gây nên sự hiểu lầm về Huyền Quang. Sự phân tâm của kẻ tu hành lại là sự ngợi ca, ngưỡng mộ về cái đẹp, về sức sống và sức lôi cuốn hấp dẫn của người phụ nữ. Đó là cội nguồn của tình yêu, hạnh phúc của con người. Nhưng đó cũng có thể sẽ là cội nguồn của những lầm lỗi, của những hành vi lệch chuẩn bởi những nhân cách không ổn định.
Bốn vần thơ đã được gán ghép là sự khám phá của một người khác giới, hơn nữa lại là một nhà sư. Sự chuyển đổi chủ thể sáng tạo đã muốn khách quan hóa nhận thức, cảm xúc về người phụ nữ. Nhưng không thể quên một điều, tác giả bài thơ quốc âm này, theo tương truyền là phụ nữ. Hình tượng trữ tình trong thi phẩm cũng là phụ nữ. Đó là sự tự giác nhận thức của người phụ nữ về giá trị của chính mình: hình tượng đẹp, đầy sức sống của tạo hóa.. Sách Tam tổ thực lục chép truyện này là nhằm minh oan cho Huyền Quang, hơn nữa để ca ngợi phẩm hạnh của thiền sư, thực hiện chức năng tác phẩm tôn giáo. Song, cùng với câu chuyện, bài thơ duy nhất - tương truyền của Điểm Bích - là tác phẩm thơ Nôm còn sót lại của đời Trần đã được ghi lại chăng? Như vậy, nó sẽ giữ vị trí cột mốc số 1 trong tiến trình của thơ Nôm Đường luật và cũng là một trong những sáng tác đầu tiên của văn học trung đại viết về người phụ nữ.
Trong thơ ca Việt Nam, với 14 bài (2 Hán, 12 Nôm), có thể nói Nguyễn Trãi là người đầu tiên có nhiều thơ về giai nhân. Những bài thơ Nôm phần nhiều cũng viết theo cách thức thơ ca trung đại. Mục Hoa mộc môn, trong Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi viết về hoa mai, lão mai, mẫu đơn, mạt lỵ (hoa nhài), hoa Trường Yên…
Hoa nảy, cây nên, thở dốc sương
Chẳng tàn, chẳng cỗi, hãy phong quang
Cách song khác ngỡ hồn Cô Dịch (2)
Quáng bóng in nên mặt Thọ Dương (3)…
Lão mai
Ấy chẳng Tây Thi (4) thì Thái Chân (5)
Trời cho tốt lạ mười phân…
Trường Yên hoa
Nét chung của những bài thơ Nôm vịnh về các loài hoa là cái đẹp của thiên nhiên tạo liên tưởng tới nhan sắc phụ nữ. Vẻ đẹp tinh khôi của hoa mai, hay vẻ rực rỡ rạng ngời tươi tắn của hoa mẫu đơn, hoa Trường Yên là những nét đặc trưng, ấn tượng khiến hồn thơ Nguyễn Trãi xao động như đứng trước dung nhan và chuyện đời của những giai nhân: Tây Thi, Dương Quý Phi, công chúa Thọ Dương, thần núi Cô Dịch hay nàng tiên trong truyện Mẫu đơn đình. Nguyễn Trãi còn là người đầu tiên viết trong thơ Nôm về vấn đề hồng nhan bạc phận. Viết về hoa nhài, thi nhân thể hiện sự đồng cảm, trân trọng giá trị và thương xót cuộc đời kẻ môi son má phấn:
Mai son bén phấn dây dây
Đêm nguyệt đưa hương một nguyệt hay
Mấy kẻ hồng nhan thi bạc phận
Hồng nhan kia chớ cậy mình thay
Kết luận bài thơ là lời nhắn nhủ một phương châm xử thế cho kẻ hồng nhan hay cũng tự nhủ mình trước quy luật định mệnh: chữ tài liền với chữ tai một vần (Nguyễn Du) hay tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân.
Trong chùm thơ Tích cảnh (gồm 13 bài tứ tuyệt), Nguyễn Trãi đã từng viết, vì tiếc xuân mà chẳng ngại cầm đuốc chơi đêm, và càng chơi xuân lòng thơ càng vấn vít. Vì thế, không có gì lạ, khi mùa hạ đến, thi nhân họ Nguyễn đã viết bài Hạ cảnh tuyệt cú:
Vì ai cho cái đỗ quyên kêu
Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu
Lại có hòe hoa chen bóng lục
Thức xuân một điểm não lòng nhau
Cái mới của tứ thơ là đề cập đến cảm xúc và tâm tư thiếu nữ. Giữa khung cảnh hè về, trong vang vọng của tiếng chim cuốc gọi mùa và màu xanh biếc của những tán hòe, cô gái trẻ tiếp nhận được một điểm xuân còn sót lại. Băn khoăn tìm câu trả lời cho sự vận động của đất trời, tạo vật. Nỗi tiếc xuân trào dâng đến nao lòng, khiến tay ngọc dùng dằng đường kim mũi chỉ. Bài thơ chứa đựng sự đồng điệu tâm hồn - yêu đời và yêu xuân, giữa thi nhân và mỹ nhân.
Đọc chùm thơ, không thể bỏ qua bài số 10:
Loàn đơn ướm hỏi khách lầu hồng
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng
Ngoài ấy dù còn áo lẻ
Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng
Bốn câu của bài tứ tuyệt như một lời bày tỏ nỗi nhớ nhung, tâm trạng cô đơn tới khách lầu hồng. Lời ướm hỏi rụt rè đượm chút hờn trách mượn áo để đắp lấy hơi mang ước nguyện gắn bó, giao hòa. Tấm áo giai nhân, hơi ấm tình yêu sẽ làm người đơn chiếc bớt lạnh lùng. Thơ của Ức Trai viết về tình yêu, hơn nữa lại là tình yêu lứa đôi mang phong vị ca dao thật tình tứ, thiết tha.
Nét riêng khác trong hai bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi là sự xuất hiện hình ảnh mái tóc thiếu nữ buông xõa, mềm mại soi trước những tấm gương lớn. Thực ra, đây là hai bài thơ viết về phong cảnh những vùng cửa biển, non nước nên thơ, trữ tình: Vân Đồn, Dục Thúy sơn. Cho đến nửa đầu TK XV, trong các tác gia trung đại có lẽ chưa có ai viết nhiều về thiên nhiên và có nhiều thơ hay về thiên nhiên như tác giả Ức Trai di tập. Với thơ chữ Hán, ông viết về thiên nhiên là danh thắng đất nước: Bạch Đằng, Thần Phù, Long Đại, Vọng Doanh, Vân Đồn, Dục Thúy, Côn Sơn, Yên Tử… Tập thơ đã bao quát một không gian thiên nhiên rộng lớn, từ di tích lịch sử đến danh lam thắng cảnh, từ vẻ kỳ vĩ hùng tráng đến vẻ mỹ lệ nên thơ. Thơ Ức Trai đem đến sức cuốn hút của một thiên nhiên hùng tráng: nơi cửa biển Thần Phù, núi rừng Lam Sơn, cửa biển Bạch Đằng - những địa điểm liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Trần, thời Lê. Khí tượng sông núi, vẻ hùng vĩ của thiên nhiên kỳ tích được mô tả với bút pháp và phép liên tưởng truyền thống của thơ ca trung đại:
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Bạch Đằng hải khẩu
Cá voi, cá sấu là hình ảnh tượng trưng cho giặc lớn, giặc dữ. Giáo chìm gươm gãy là hình ảnh về dấu vết còn lại của chiến trận. Núi đá trùng điệp, bờ lau lớp lớp vừa như thực, vừa như hư ảo đã tái hiện lại cảnh chiến trường xưa oanh liệt. Trong niềm hoài cổ, thi nhân đã luận về nguyên nhân của những chiến công trong lịch sử. Sông núi hiểm trở là sự kiến tạo của trời đất, nhưng con người - những “anh hùng, hào kiệt” là yếu tố quan trọng, đã dựa vào thiên nhiên để làm nên chiến thắng.
Cửa biển Thần Phù dưới ánh trăng trong, nghìn chỏm nhô ra sát bờ trông như măng ngọc, một dòng nước quanh queo ở giữa như rắn xanh. Đến một cửa biển khác, trong đêm, Nguyễn Trãi thấy sắc xuân tràn trước mắt mà lòng bừng bừng say sưa, nghe tiếng thủy triều bên gối mà thấy lạnh lẽo trong giấc chiêm bao. Đậu thuyền thơ, thi nhân ngắm trăng soi xuống đáy nước mênh mông, khói lồng cửa song thấp thoáng. Tình thơ và phong cảnh nhập thành bức họa. Ông từng viết bằng thơ rằng, với sự nhạy cảm của tâm hồn, thi nhân sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng nghệ thuật từ mọi góc độ của cuộc sống, sẽ phát hiện cái đẹp mà người bình thường khó thấy. Cảnh trí đời thường quen thuộc, hiển nhiên, nhưng với nhà thơ nó là nguồn thi liệu phong phú. Đó là hạnh phúc của người sáng tạo nghệ thuật:
Nhãn để nhất thời thi liệu phú
Ngâm ông thùy dữ thế nhân đa
Hý đề
Sự thật, trong thơ Ức Trai, cảnh trí tự nhiên trở nên đẹp đẽ mang những nét tả tinh tế, độc đáo, tân kỳ bởi một hồn thơ nhạy cảm, trẻ trung và cởi mở.
Trong thơ Ức Trai, đường vào Vân Đồn núi tiếp núi. Đó là kỳ quan do trời đất dựng nên. Vũng biển là tấm gương khổng lồ xanh biếc soi bóng các hòn đảo nhấp nhô có cây lá xanh tươi như những mái tóc xanh thiếu nữ buông xõa:
Lộ nhập Vân Đồn san phục san
Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan
Nhất bàn lam bích trừng minh kính
Vạn hộc nha thanh đọa thúy hoàn…
Hình ảnh mái tóc biếc cài trâm thanh ngọc, soi bóng trên ánh sóng nơi cửa biển còn trở lại trong bài Dục Thúy sơn (6). Thời Trần, Trương Hán Siêu đã có thơ về địa danh này. Từ câu thơ trung lưu quang ảnh tháp (giữa dòng ngời bóng tháp) của thi sĩ đời Trần, đến thơ Nguyễn Trãi là cả sự biến đổi về nghệ thuật:
Liên hoa phù thủy thượng
Tiên cảnh trụy trần gian
Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn
Với Ức Trai, từ xa, Dục Thúy sơn như một bông sen nổi trên mặt nước, đẹp như cảnh tiên rơi xuống trần gian. Gần hơn, bóng tháp như chiếc trâm ngọc xanh cài trên mái tóc biếc - những cây lá tươi tốt trên núi. Đứng trước núi đảo, cửa biển hay ngọn núi có bia, tháp, tâm hồn thơ nhạy cảm, tươi trẻ và đôi mắt phong tình của Ức Trai đã phát hiện vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên bằng vẻ đẹp hình thể nữ nhân. Một cái gì đó rất lãng mạn và mới mẻ.
Ở khía cạnh khác, cần nói đến bài thơ mang đề mục Giới sắc. Nếu những bài thơ trong mục Hoa mộc môn, Nguyễn Trãi đã vịnh thiên nhiên mà mường tượng đến nhan sắc giai nhân với thái độ trân trọng của người nghệ sĩ, thì ở bài thơ này, ông lại đứng ở góc độ nhà nho, nhà đạo đức phong kiến để cảnh báo răn đe về nguy cơ tiềm ẩn hậu quả mất quốc gia, lìa thiên hạ, bại tan gia thất, tổn hại tinh thần của nữ sắc:
Sắc là giặc đam làm chi
Thuở trọng còn phòng có khi suy
Trụ mất quốc gia vì Đát Kỷ (7)
Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi (8)
Bại tan gia thất đời từng thấy
Tổn hại tinh thần sự ích chi
Phu phụ đạo thường chăng được chớ
Nối tông họa phải một đôi khi
Giới sắc chuyển tải một quan niệm vừa mang khuynh hướng tư tưởng của nhiều triết học, tôn giáo, vừa mang sự nhận thức từ thực tế, lịch sử về sự mê hoặc của cám dỗ nữ sắc, dục vọng, với mong muốn hướng con người tới sự sáng suốt của đạo đức và luân lý. Giới sắc đặt trong hệ thống những bài Giới nộ, Huấn nam tử, Bảo kính cảnh giới cùng những bài thơ tả cảnh ngụ tình thể hiện tập trung những bài học rèn luyện phẩm chất và xây dựng lý tưởng sống. Những vần thơ đạo lý nhưng thấm đẫm tình người.
Lịch sử văn học trung đại Việt Nam trải qua mười thế kỷ (trong đó văn học Nôm có quá trình phát triển gần bảy thế kỷ). Phụ nữ là một đề tài mang tính nhân văn sâu sắc, được quan tâm thể hiện với nhiều hệ thống thể loại. Thơ Nguyễn Trãi viết về giai nhân là những tác phẩm thơ trữ tình sớm nhất viết về phụ nữ. Từng thi phẩm có quy mô nhỏ (của bài thơ Đường luật) nhưng đã bước đầu đề cập được những vấn đề liên quan đến giá trị, phẩm chất, số phận của phụ nữ và bài học đạo lý có ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Ghi chú:
1. Ông tên thật là Lý Đạo Tái, người làng Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh, xuất gia từ năm 19 tuổi, sau trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tác phẩm của Huyền Quang hiện còn bài phú Nôm Vịnh chùa Vân Yên và vài chục bài thơ chữ Hán.
2. Hồn Cô Dịch: Theo Trang Tử trong thiên Tiêu dao du (Nam Hoa kinh), thần núi Cô Dịch (Sơn Tây - Trung Quốc) có nước da trắng như tuyết, yểu điệu như cô gái thoát tục.
3. Thọ Dương: con gái Tống Vũ Đế (Trung Quốc) thích hoa mai, dung đồ trang sức kiểu hoa mai, do đó thành điển. Ý nói mai già nhưng vẫn có hoa đẹp.
4. Tây Thi là người con gái rất đẹp thời Xuân Thu, đứng đầu trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Tây Thi có nhan sắc làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước (trầm ngư)
5. Thái Chân, đạo hiệu của Dương Quý Phi, được xếp vào một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc.
6. Ngọn núi thuộc xã Đại Đăng (nay thuộc huyện Yên Khánh), Ninh Bình, vốn có tên là núi Sơn Thủy. Sau Trương Hán Siêu đổi là Dục Thúy sơn, có thơ vịnh và bài văn bia về tháp Linh Tế. Ngày nay, có tên là núi Non nước.
7. Đắc Kỷ: vua Trụ nhà Ân - Thương vì mê Đắc Kỷ nên Vũ vương nhà Chu có cớ lật đổ Trụ để cướp ngôi.
8. Ngô vương Phù Sai quá mê Tây Thi (do Việt Vương Câu Tiễn cài vào), lơi lỏng việc nước, bỏ bê chính sự nên bị mất ngôi về tay Câu Tiễn.
Đinh Thị Khang
Nguồn: Tạp chí VHNT 
số 333, tháng 3/2012
Theo http://vhnt.org.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...