Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Nàng thơ đẹp

Nàng thơ đẹp
Khi thơ đẹp tới chín tầng
Thì Nàng Thơ bỗng sượng sần cả ra
Tha hồ thằng 
quỷ con ma
Tới gùn ghè gạ gẫm mà hóa điên
Thưa rằng đại thánh tề thiên
Nghìn xưa âu cũng chỉ điên ngần này

(Bùi Giáng, Nàng Thơ Đẹp)

Bài thơ trên, khi mới đọc qua lần đầu, nghe tưởng như là bài thơ vui. Nhưng thật ra là bài thơ buồn đứt ruột. Tuy buồn, nhưng nói theo giọng hài hước cho đỡ buồn. Thật vậy, thật vậy.

Ai đã gặp Bùi Giáng đôi lần, đều biết ông rất giản dị, không cầu kỳ trịnh trọng, lúc nào cũng sẵn sàng vui vẻ bông đùa, bỡn cợt. Không phải tính cách ấy chỉ xuất hiện trong đời sống giao tiếp hằng ngày không thôi, mà ngay cả trong đời sống sáng tác, ông cũng lắm khi pha trộn lộn lèo giọng hài hước tràn lan. 

Dù ông không cố ý bông đùa cũng như không cố ý trịnh trọng, mà tự nhiên, mỗi lần nói ra cái sự thật trớ trêu như đùa, thì bên trong cái đùa giỡn nó vẫn hàm chứa những nhiều ý nghĩa có thật hơn đùa. Thí dụ, có lần Bùi Giáng tự nêu ra một vấn đề rất nghiêm trọng, nhưng thoạt nghe có vẻ xuề xòa thiếu nghiêm trang:
- Vì sao người ta thường thích thơ dở hơn thơ hay?
Rồi ông tự trả lời rất nghiêm trang, rốt ráo, dứt khoát, nhưng thoạt nghe có vẻ như bỡn cợt, bông đùa:
- Bởi vì thơ dở có vẻ hay hơn thơ hay.
Càng ngẫm nghĩ, và đối chiếu với sự thật, càng thấy câu trả lời ngắn gọn ấy mới xác đáng làm sao! Ông thanh thản bông đùa, tưởng như chỉ qua quẹt bên lề sự việc, nhưng thật ra là đã thọc sâu vào lãnh địa của cõi văn nghệ trần gian bê bối tự ngàn xưa. Tại công viên thơ mộng đó, người ta thấy đông đảo những người làm dáng thông thái thường lui tới, trong số đó có những gương mặt mà ông thường đùa cợt ví von là trẻ sơ sinh “đầu chưa ráo máu”. 
Một lần khác, muốn chọc ghẹo những kẻ háo danh cầu kỳ, thích màu mè lòe loẹt, thích phô trương học vị rùm beng, ông chỉ đơn sơ bỡn cợt một cách chính xác về tiểu sử của mình - một tiểu sử bình thường, chẳng có gì lớn lao quan trọng cả, y như bao tiểu sử khác:
Hỏi Bùi Giáng về tiểu sử của ông thì ông trả lời: ”Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ, và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gay cấn”. 
Lại một nơi khác, ông bất ngờ “tấn công” Đức Phật, người đáng kính bậc nhất, người mà chính ông biết rất rõ là đối tượng bất khả lay chuyển. Nói bất khả lay chuyển, vì, cho dù có chế diễu bao nhiêu, Phật cũng không hề hấn gì, cho dù có bêu xấu bao nhiêu Phật cũng không xấu xí thêm, cho dù có tô điểm bao nhiêu Phật cũng không vì thế mà thêm đẹp. Nó, Chính Đạo, cái giá trị bất-cấu-bất-tịnh-bất-tăng-bất-giảm ấy vậy:
Thưa rằng Phật thật là tài
Thấy mà chẳng thấy từ ngoài vào trong
Câu thơ ấy của ông mới nghe có vẻ như ngạo mạn, nhưng thật ra là chẳng ngạo mạn. Ngạo mạn là vô minh. Chấp trách ngạo mạn cũng là vô minh. Khi đã tĩnh tọa dưới gốc bồ đề, thì tâm bồ đề chẳng thấy cái ngạo mạn, chẳng trách kẻ ngạo mạn, chẳng quan tâm trách kẻ ngạo mạn, chẳng “thấy” có hay không có cái kẻ ngạo mạn để mà trách móc hay chẳng trách móc. Cho nên Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận.”
Linh hồn bài thơ trên, mô tả một cảnh giới của cõi tịnh độ, một thái độ ứng xử vi vu nhẹ nhàng của một vị đại bồ tát bên trên những tảng băng khổng lồ của lý luận truyền thống. Ông làm một Nam Hải Điếu Đồ, kỳ tâm tịch tĩnh, trụ vô ngại xứ, để tâm du hư không, để hằng hằng tham dự vạn tượng giữa đời. Bùi Giáng nhẹ nhàng vui cười, thổi vào trung tâm lý luận một làn gió mát, làm cho bầu không khí thôi nặng nề, thôi kiểu cách, thôi lý luận trịnh trọng theo cách lý luận truyền thống, kiểu lý luận mà có thể đã làm cho tình trạng vốn đã khó hiểu càng khó hiểu thêm, rối rắm thêm, mỗi khi đứng giữa hai bờ đối đãi, đôi bờ phân biệt. "Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc... Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh diệc vô vô minh tận". 
"Thấy mà chẳng thấy từ ngoài vào trong" là vô phân biệt, là bất nhị. Là tẩy rửa vô minh cho tới tận cùng. Vô vô minh diệc vô vô vinh tận.
Bất nhị là không hai, là vô phân biệt. Không hai là đồng nhất có một. Một ấy là vắng lặng tịch nhiên vô sở trụ. Vô sở trụ là không tọa lập yên nghỉ vào luận cứ cố định nào, là không căn cứ vào “hệ qui chiếu” nào để phán đoán một giá trị khác, hoặc một sở trụ nào đó. 
Bài thơ Phật Và Tiên nói trên diễn giải về bước chân “viên dung vô ngại” của Phật, của các vị giác ngộ, cũng như của Nguyễn Du Nam Hải Điếu Đồ mà được Bùi Giáng diễn tả sau đây:
Nam Hải Điếu Đồ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Trụ vô ngại xứ
Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần
Đó là những bước ngao du an nhiên không vướng bận giữa cõi đời, những bước đi lại tự tại thần kỳ giữa xuất thế và nhập thế. Vì trụ tại nơi chốn vô sở trụ nên tâm không bị khuấy động. Tâm không bị khuấy động nên du hành vô ngại trên mọi nẻo đường. Khi thì như hư không xuất thế, lúc thì như nhập thế tham gia. Vì tâm tịch tĩnh như hư không, vì trụ vô ngại xứ, trụ vô sở trụ, nên vạn tượng thế gian được tự nhiên bao hàm mà không phải hì hục tích góp. Vì tâm tịch tĩnh như hư không, vì trụ vô ngại xứ, trụ vô sở trụ, nên tham dự vạn tượng của trần gian mà vẫn không bị bụi trần khuấy động, níu kéo, lây nhiễm.
Hermamn Hesse, trong cuốn Câu Chuyện Dòng Sông (Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch) đã mô tả chi tiết những nẻo đường hành đạo “viên dung vô ngại” ấy, qua đời sống hành đạo của nhân vật Tất Đạt. Tất Đạt cũng như Nam Hải Điếu Đồ, cũng trụ tại vô ngại xứ, cũng để tâm mình tịch nhiên thanh tịnh, cho nên, dù họ xuất thế, xa lìa trần thế, mà vẫn không xa lìa vạn tượng trần thế; cho nên dù họ nhập thế, tham dự mọi lễ hội hồng trần mà vẫn vĩnh ly đoạn tuyệt cát bụi hồng trần.
Nam Hải Điếu Đồ
Kỳ tâm tịch tĩnh
Trụ vô ngại xứ
Du như hư không nhi bao hàm vạn tượng
Hằng hằng tham dự nhi vĩnh tuyệt hồng trần
Đó là đỉnh cao trí tuệ Bát Nhã. Đó là khi Nàng Thơ đẹp tới chin tầng:
Khi thơ đẹp tới chin tầng
Thì Nàng Thơ bỗng sượng sần cả ra
Tha hồ thằng quỷ con ma
Tới gùn ghè gạ gẫm mà hóa điên
Thưa rằng đại thánh tề thiên
Nghìn xưa âu cũng chỉ điên ngần này
Thằng quỷ con ma tới gùn ghè gạ gẫm Nàng Thơ vào lúc thơ đẹp tới chin tầng ngất ngưởng! Thằng quỷ đội lốt văn nghệ, con ma núp bóng văn học, nó vo tròn, nó bóp méo, nó thêu dệt, nó lấy nàng thơ làm phương tiện trang điểm cho tham vọng vô tư của nó, hoặc nó đem nàng thơ ra kinh doanh mua bán, hoặc nó bêu rêu bôi nhọ xuyên tạc bởi những mục đích yêu tinh không mục đích của nó. 
Từ bao lâu rồi đã rối beng như thế, một cõi đời thiện ác ngổn ngang, chân giả lẫn lộn, chánh tà chung chạ, phải trái đan chen. Những bậc chân nhân kim cổ đã không ngớt kêu gào, nhưng tình thế có vẻ không thay đổi theo xu hướng sáng sủa hơn. 
Không phải nêu lên sự việc Nàng Thơ Đẹp với mục đích để bêu xấu ai, mà chỉ là để báo thức những tâm hồn xuân sắc có thể vô tình lầm lỡ trở thành nạn nhân của bốn bề cạm bẫy hư không. 
Đôi khi, vì tập quán gần xa đeo bám lâu đời, mỗi khi nêu ra sự việc, không thể nói toạc tất cả mặt trái mặt phải cho tất cả mọi loại lỗ tai đều nghe. Cho nên, khi đề cập về những lẽ chân thật, các bậc tiền bối hoặc là phát biểu bóng gió xa xôi, hoặc là chỉ nói ỡm ờ bỡn cợt nửa đùa nửa thật. Và mong đợi ai ai những thức tỉnh bất ngờ. 

NGUYỄN QUANG THANH
Theo http://www.nguyenquangthanh.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...