Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Biển Hồ có tiếng thông reo

Biển Hồ có tiếng thông reo
Là người Pleiku, mỗi khi có bạn bè, người thân đến thăm, dường như ai cũng luôn tự hào giới thiệu và đưa đến tham quan Biển Hồ, một thắng cảnh đẹp của Pleiku. Và không ít người Pleiku có thể giải thích được rằng Biển Hồ hôm nay được hình thành từ miệng núi lửa, có thể kể về truyền thuyết của Biển Hồ (hồ T’nưng), thông thạo hơn có thể giới thiệu về địa lý, về diện tích…
Tuy nhiên, hầu như không mấy ai để ý và giới thiệu về rừng thông cao vút, xanh thẳm lãng mạn không kém, là một phần như thể đương nhiên, không thể thiếu của thắng cảnh Biển Hồ. Vậy rừng thông Biển Hồ có tự bao giờ? Ai trồng?.
Thông xanh hai bên đường xuống Biển Hồ. Ảnh: Doãn Vinh
Hẳn nhiều người còn nhớ, xung quanh Biển Hồ trước năm 1990 còn là một vùng hoang trọc. Tỉnh đã có kế hoạch đầu tư và nhiều lần giao cho các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp (nay là Sở Nông nghiệp và PTNT) cùng xã Biển Hồ trồng đi trồng lại nhiều lần, khi thì trồng thông, khi thì bạch đàn, keo… nhưng đều không thành công. Nguyên nhân là do thời tiết khô nóng gây cháy, độ dốc cao khiến cây khó sinh trưởng, nhưng nan giải nhất là chuyện cây bị trâu bò giẫm phá... Cho đến khi có Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15-9-1992 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc thì một dự án phủ xanh khu vực xung quanh Biển Hồ mới được xây dựng.
Tuy nhiên, ai sẽ trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng cây? Vấn đề chỉ được giải đáp khi lãnh đạo tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 thống nhất giao cho Sở Nông nghiệp và Sư đoàn 320 phối hợp hiệp đồng thực hiện dự án “phủ xanh xung quanh Biển Hồ”. Trong đó, việc đầu tư vốn và hỗ trợ kỹ thuật do tỉnh và các cơ quan chuyên môn đảm nhận, còn Sư đoàn 320 có trách nhiệm trồng, chăm sóc và canh giữ liên tục suốt nhiều năm liền. Thời điểm đó, thông trồng xung quanh Biển Hồ là thông di thực (đã trồng trước đó ở vườn ươm vài năm chứ không phải là thông non).

Theo Đại tá Nguyễn Đình Thiện-nguyên Phó Trung đoàn trưởng Chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320), những năm 1994-1995, sau khi ký kết với tỉnh về việc trồng thông phủ xanh Biển Hồ, Chỉ huy Sư đoàn 320 đã giao cho Trung đoàn (TĐ) 48 và TĐ 52, TĐ 64 trực tiếp trồng, chăm sóc và bảo vệ. Theo đó, TĐ 64 và 52 làm lán trại canh giữ 24/24 giờ.  Riêng TĐ 48 là đơn vị sẵn sàng các phương án ứng chiến như chữa cháy, hay ngăn chặn trâu bò và những kẻ chặt phá... Trong các năm thực hiện dự án, các cán bộ chiến sĩ của TĐ 48 đã không ít lần phải dừng bữa để đi chữa cháy rừng thông kịp thời.
Bây giờ, những cán bộ chiến sĩ từng tham gia trồng thông năm nào, người còn, người đã ra đi… nhưng tiếng thông reo, màu thẳm xanh của thông và nước Biển Hồ quyện vào nhau đã thành màu của sức sống bất diệt. “Gắn bó với mảnh đất Gia Lai hầu hết đời binh nghiệp, tôi có rất nhiều kỷ niệm… Riêng bức hình khổ lớn toàn cảnh về thắng cảnh Biển Hồ- trong đó có rừng thông xanh thẳm, có công trình thủy điện Biển Hồ, nơi chúng tôi cùng Sư đoàn chung tay gầy dựng-được tôi trân trọng treo nơi phòng khách, để tỏ niềm tự hào về những đóng góp vào mảnh đất từng nuôi dưỡng, nâng bước cho những người chiến sĩ Sư đoàn 320 chúng tôi”- Đại tá Nguyễn Đình Thiện chia sẻ.
Quốc Ninh
Theo http://www.baogialai.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...