Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Hồ Tịnh Văn trong veo “Như giọt sương khát nhớ” - Tiến sĩ Hà Thanh Vân

Hồ Tịnh Văn trong veo “Như giọt sương khát nhớ” - Tiến sĩ Hà Thanh Vân
Trong lành, tinh khiết tựa như những giọt sương, ngọt ngào như mật, đó là ấn tượng ban đầu mà giọng thơ của Hồ Tịnh Văn mang lại cho người đọc.
Làm thơ đăng lên mạng xã hội Facebook sau đó xuất bản bằng nhưng tập thơ in giấy và được rất nhiều bạn đọc đón nhận là chuyện không lạ ở Việt Nam. Nói đến hiện tượng này không phải kể đến các tác giả như Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố… Đúng vào ngày Thơ Việt Nam (Rằm tháng giêng) tới đây, cô giáo, nhà thơ cũng là Facebooker nổi tiếng Hồ Tịnh Văn cho ra mắt tập thơ “Như giọt sương khát nhớ” tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ văn học Hà Thị Thanh Vân có bài giới thiệu về hiện tượng thơ rất lạ này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà thơ Hồ Tịnh Văn
Trong lành, tinh khiết tựa như những giọt sương, ngọt ngào như mật, đó là ấn tượng ban đầu mà giọng thơ của Hồ Tịnh Văn mang lại cho người đọc.
Xuất thân là một cô giáo dạy học ở thành phố Biên Hòa, Hồ Tịnh Văn ngoài công việc giảng dạy trồng người, còn là một Facebooker nổi tiếng. Sự nổi tiếng này là do những bài thơ của Hồ Tịnh Văn mang lại. Cô dùng Facebook làm hình thức chuyển tải thơ mình đến với người đọc và có số lượng đông đảo người đọc theo dõi. Tập thơ đầu tay “Như giọt sương khát nhớ” của Hồ Tịnh Văn là tập thơ tuyển những bài thơ đã ra mắt trên báo chí, Facebook, và cũng là thành quả nhiều năm làm thơ của cô.
Là con người của núi Hồng Lĩnh, sông Lam, tinh hoa của vùng đất này đã thấm nhuần vào thơ Hồ Tịnh Văn, mang lại cho thơ của cô một sắc thái riêng biệt, đó là giọng thơ trong trẻo, dịu dàng, hồn hậu, nhìn cuộc đời và con người với cái nhìn yêu thương, say đắm.
Những bài thơ về tình yêu là những bài thơ mà Hồ Tịnh Văn như rút lòng ra để viết. Có nhiều sắc thái tình yêu trong thơ của cô. Đó là giọng yêu nồng nàn cháy bỏng:
Anh yêu!
hạnh phúc nào xa ngái gì đâu?
nó ở ngay khóe mắt cười
và bờ môi nói lời đường mật.
Giữa cuộc đời đầy bon chen được mất
em có màng chi danh lợi thiệt hơn.
Em chỉ muốn anh
nhìn em bằng đôi mắt to, tròn
hun hút cháy!
Giấc mơ hạnh phúc một đời em ước ấy,
mãi ở trong em đi hết cuộc đời này!

(Hạnh phúc của em)

Người yêu thơ lên tặng hoa cho Nhà thơ Hồ Tịnh Văn
Cũng có khi là tình yêu là những nỗi đau, nhưng là những nỗi đau ngọt ngào, nỗi đau từ sâu thẳm trái tim:
Vẫn biết chỉ là mơ thôi
Sao tôi lại vấn vương
nhớ nhung quắt quay người trong mộng
trái tim đau thắt lồng ngực
bóp chặt những đam mê của kẻ dại khờ.

(Vẫn biết chỉ là mơ)
Dù hạnh phúc hay khổ đau, tình yêu trong thơ Hồ Tịnh Văn không chỉ đơn giản là tình yêu nam nữ, gái trai, mà đó chính là lẽ sống ở đời, là sợi dây gắn kết con người với con người. Vì vậy, tình yêu trong thơ của cô như là một tôn giáo thiêng liêng và thần thánh: tôn giáo chỉ có hai người, chỉ có anh và em.

Người trăm năm tơ tóc của Nhà thơ Hồ Tịnh Văn lên tặng hoa cho cô
Tình yêu là chủ đề chính trong thơ Hồ Tịnh Văn, nhưng thơ của cô không chỉ bàng bạc tình yêu, mà còn bàng bạc trong đó “nghiệp trồng người”. Viết về mái trường, về đàn em thân yêu, về những mùa hạ cuối cũng là những chủ đề trong thơ Hồ Tịnh Văn và ở phương diện này cô cũng gặt hái được nhiều thành quả với nhiều bài thơ được phổ nhạc. Viết về mái trường, giọng thơ Hồ Tịnh Văn vẫn giữ cho mình một sắc thái ngọt ngào, rung cảm. Mùa hạ và hoa phượng đỏ là những hình ảnh thường xuyên lặp đi lặp lại trong thơ cô.
Trang vở ngày nào chép vội những vần thơ
Cánh phượng hồng ép thành cánh bướm
Ánh mắt ai cháy hoài mộng tưởng
Kyê niệm ơi! góp nhặt đốt lửa lòng

(Nhớ mùa hạ cuối)
Và không thể thiếu trong thơ Hồ Tịnh Văn là những mối tình của tuổi học trò trong sáng. Những rung động đầu đời ấy sẽ đi theo mỗi người trong chúng ta đến cuối con đường.

Các nhà báo đưa tinh cho đêm thơ “Như giọt sương khát nhớ”
Nếu tình yêu, ngôi trường là những chủ đề quen thuộc của thơ Hồ Tịnh Văn, thì tuy ít được nhắc đến hơn, nhưng quê hương núi Hồng sông Lam đi vào thơ cô như những gì dịu dàng, đằm thắm nhất của quê hương. Mảnh đất miền Trung bao đời nắng gió, mảnh đất của những con người nghị lực vượt lên trên số phận, mảnh đất của những danh nhân tên tuổi, và trên tất cả là mảnh đất của những phận người hiền hòa như đất, sống với tình yêu thương và vì tình yêu thương mà sống.
Xa quê Hồng Lĩnh nửa đời rồi
Mà nhắc tới sao cõi lòng bối rối
Nhớ mối tình đầu tâm hồn tôi vời vợi
Tuổi hẹn hò và những ước mơ xa…

(Nhớ)
Đọc thơ của Hồ Tịnh Văn, có thể thấy cô dùng nỗi lòng của mình thay cho việc trau chuốt từng dòng thơ. Đây có lẽ là phong cách riêng của nhà thơ, với quan niệm thơ cần nhất là ý là tình. Vì vậy đa phần thơ của cô là thể tự do. Chỉ có thể thơ tự do mới chuyển tải được những mênh mông cảm xúc, mà không bị khuôn đúc, giới hạn vào vần điệu. Song khi cần, Hồ Tịnh Văn cũng tỏ ra rất lão luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ. Tuy xuất hiện không nhiều, nhưng những bài thơ lục bát gieo vần trau chuốt của Hồ Tịnh Văn cho thấy cô cũng là một “tài nữ” trong ngôn từ thơ.






Sương khuya
buông đậu thuyền nan
vương lên mắt ngọc tóc đan đêm dài
Một lần
vào cõi thiên thai
một đời khao khát trang đài, dáng xưa…

(Cõi thiên thai)
Mở từng trang của tập thơ “Như giọt sương khát nhớ”, cũng là mở ra một phong cách thơ êm đềm và ngọt dịu của Hồ Tịnh Văn. Không quá vận dụng sự bay bổng của ngôn từ, không quá khoa trương trong từng dòng viết, chỉ có tình cảm và cảm xúc, thơ của Hồ Tịnh Văn có thể nói là những giọt sương trong veo, mát lành rơi nhẹ vào lòng người đọc và ở lại đó mãi. Số lượng 45 bài thơ tinh tuyển của Hồ Tịnh Văn là ít ỏi so với số lượng lớn những bài thơ cô đã làm. Vì vậy, nhìn vào tập thơ này, chúng ta có quyền mong chờ và hy vọng ở những tập thơ tiếp theo của Hồ Tịnh Văn.
Vương Chi Lan
Theo http://netvietnet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...