Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Nơi tụ hội ánh sáng

Nơi tụ hội ánh sáng
(Đọc tập thơ “Cánh trăng” của 
Đinh Trần Phương, Nxb Hội Nhà văn, 2014)
Một chiều mùa đông cách đây hai năm, tôi nhận được “Cánh trăng”, tập thơ đầu tay của tác giả Đinh Trần Phương. Nhớ lúc ấy tôi đã mở hé từng trang, tựa như người đọc “chạc” trong hiệu sách để giữ cho cuốn sách luôn mới. Một cảm giác thanh tịnh, tinh khôi đã ùa vào tâm trí tôi. Tựa như người trong căn phòng mùa đông luôn được sưởi ấm, tôi bất ngờ mở cửa sổ. Ngoài kia là khí xuân mát lành, tiếng chim, suối chảy, ánh trăng, mưa lất phất, gió nhẹ...
Tôi giữ mãi cách đọc “mở hé từng trang” tập thơ “Cánh trăng” đến tận bây giờ. Mỗi lần tôi thường mở khoảng mươi trang, đọc vài ba chục bài rồi khép lại, bởi thấy thế là vừa đủ cho một ngày, một nỗi niềm, cho tâm trạng tôi khi ấy. Cách đọc tập thơ này cho tôi liên tưởng mình đi qua một chiếc cửa tự động xoay tròn. Nếu coi mỗi trang của “Cánh trăng” là một cánh cửa tự động, thì tùy thuộc vào cảm nhận của người đọc. Bạn có thể lật mở bất kỳ trang thơ nào, tới khi có được cảm giác mình đã bước qua được “khung cửa” ấy. Đôi khi, vô tình gặp một bài thơ, tựa như chỉ cần chạm tay là cánh cửa đã nhẹ nhàng bật mở:
Nỗi buồn của chiếc lá khô
tôi mở xem
ánh trăng
(trang 84)
Mỗi câu của bài thơ trên tựa một mặt của ngọn tháp có ba mặt, một công trình kiến trúc hoàn chỉnh. Trong chiếc lá khô kia cất giấu những “bí mật của khoảnh khắc” (chữ của Lê Hồ Quang), như nỗi buồn, bàn tay người mở xem, ánh trăng cùng vô vàn hình tướng mà người đọc mặc sức tưởng tượng. Ba câu thơ liên tiếp tạo thành hơi thở chánh niệm, nhiếp phục lại tâm ý, giúp ta cảm nhận được sự mầu nhiệm của giây phút hiện tại. Ánh trăng nằm trong chiếc lá khô chờ người mở xem. Nỗi buồn của chiếc lá khô lại là ánh trăng. Tôi thấy được sự huyền nhiệm của đời sống này khi biết “mở xem” một chiếc lá khô. Ba câu thơ tựa ba vật dụng tối giản, ba viên đá cuội để tôi tự do xoay đảo, nhìn phía nào cũng đẹp, vi diệu.
Tiếp theo, tôi lật lại trang 14 của cuốn sách, gặp bài thơ này:
Mỏi rã rời
cành cấy ấy
bông hoa đầu đời
Bài thơ cho thấy trọn vẹn sứ mệnh một cái cây. Nó bắt đầu một chu trình từ lúc được ươm mầm, lớn lên, vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời tiết, đến khi trổ “bông hoa đầu đời”. Câu thơ đầu tiên - Mỏi rã rời - đã khai mở một hành trình cho cây. Trạng thái “mỏi” của nó làm người đọc liên tưởng tới phận người, phận đời hơn là phận cây. Cánh cửa ấy đủ rộng để bạn đọc bước vào một mê lộ, mà ở đó họ tự chiêm nghiệm, biết yên lặng để thức nhận bản thân, và cũng tự lựa chọn lối rẽ để đi tiếp.
Và lần thứ 3, trong bài viết nhỏ này, bạn đọc hãy cùng tôi đến bên cánh cửa xoay kia để nó tự động mở ra trong một thời điểm khác:
Chiếc bút chì gãy
rơi trong hốc tường
màu ruột đỏ thắm
Vật dụng này có thể đã nằm ở hốc tường kia từ rất lâu mà ai đó đã bỏ quên. Ai và khi nào? Điều ấy lại không quan trọng nữa. Điều lạ ở đây là nhà thơ đã nhìn thấy ruột của chiếc bút chì ấy có màu đỏ thắm. Loại màu này, tất nhiên bình đẳng với những màu khác trong một hộp bút với đủ màu sắc. Nhưng ở đây, nó “thắm” lên khi “cánh cửa” thơ của Đinh Trần Phương hé mở. Trong ánh xạ của màu thắm đỏ này, nhà thơ đã để cho chiếc bút chì trong trạng thái bị gãy, giống như một trái cam, trái dưa hấu vừa được bổ ra cho bạn đọc thấy được từng lớp vỏ mỏng, nhân hạt, nước quả ngọt còn chảy ròng trên lưỡi dao sắc.
Tôi vừa lật mở “Cánh trăng” gặp ba bài thơ, tựa ba lần chạm tay vào cánh cửa trong ba thời khắc, tưởng tượng những vần thơ của Đinh Trần Phương đang xoay quanh trụ một chiếc cửa tự động. Chiếc trụ của cánh cửa ấy, giờ đây, chính là cái gáy sách vuông vắn trong lòng tay tôi đang lưu giữ những ẩn mật của cõi nhân sinh, những nhiệm màu của thiên nhiên, vũ trụ chờ được giải mã. Đó là những bông hoa thủy tiên màu trắng đang trôi theo dòng suối nhỏ chạm được vào bóng trăng. Hay làn gió làm lay động rèm cửa mùa xuân cho ta nhìn thấy ánh sáng trong đó.
Mưa xiên xiên
đọng trên cánh lá
từng giọt rơi
(trang 27)
Nắng đi vào trong hoa
rồi quay trở lại
hoàng hôn
(trang 29)
Mưa trong suốt
nhanh hơn thường ngày
hoa anh đào rơi
(trang 30)
Cầm lên cánh hoa
thả rơi
thêm một lần nữa
(trang 35)
Thơ Đinh Trần Phương giải mã thế giới bằng những ám thị, ảo giác, dựa vào những xung động cá nhân - tiểu vũ trụ, để thấy được sự chuyển dịch mang tính biện chứng của thiên nhiên, hài hòa trong đại vũ trụ. Thủ pháp này đã rút ngắn khoảng cách giữa các vật thể trong một không gian lớn:
Chân tay tôi dài ra
chạm tới đầm vô hình
tiếng ếch
(trang 41)
Gấp sách
đường chân trời
hai màu xanh lơ
(trang 113)
Nhà thơ thường kết hợp sự khao khát của bản ngã với những điều bình dị thường xảy ra trong đời sống hàng ngày, nhằm mang đến cho bạn đọc nhận thức mới về một cá thể và thế giới:
Sóng
mang các chàng trai lên bờ
gần bên cô gái ngồi đọc sách
(trang 68)
Đêm đông
tôi nằm úp xuống
tiếng lá bàng rụng
(trang 106)
Một số bài trong tập thơ diễn tả những cung bậc tình cảm con người, tình yêu, gia đình, lẽ sống… bằng bút pháp xây dựng hình ảnh độc đáo, điêu luyện. “Ánh trăng” trong bài thơ sau đây cho ta thấy được vẻ đẹp thuần khiết, vẹn nguyên của tình yêu đôi lứa thấm đẫm Phật tính:
Người yêu
cắt móng tay cho tôi
dưới ánh trăng
(trang 141)
Hoặc:
Đêm
tiếng thạch sùng
hai người nằm bên nhau
(trang 143)
Hai người nằm bên nhau trong đêm bỗng vang lên tiếng thạch sùng là hình ảnh hiếm có, rất đẹp trong tập thơ này. Có thể họ đã nghe thấy tiếng thạch sùng ấy, hoặc đã ngủ say không biết có âm thanh đó. Nhưng nó cho bạn đọc thấy từng tiếng động nhỏ, những tín hiệu bí ẩn của tạo hóa. Tiếng thạch sùng trong bài thơ này là mối hàn kín giữa cá thể với cá thể, hòa họ vào nhau, làm họ tan loãng.
Trong “Cánh trăng”, tác giả chuyển hóa những khái niệm thuộc lĩnh vực tâm lý, tâm trạng khó nắm bắt thành những hình tượng cụ thể để bạn đọc có thể hình dung, ước đoán được chúng bằng cảm xúc thơ. Sự cô đơn trong bài thơ sau đây cho thấy tác giả đã tạo ra một “dụng cụ” kỳ lạ để đo lường những điều tưởng chừng mơ hồ, bất khả:
Không ngồi trên cây nữa
mang theo
sự cô đơn
(trang 160)
Đặc biệt:
Tôi ngồi vào
chiếc ghế trống
và tôi trống không
(trang 118)
Nhà văn Nhật Chiêu đã giải mã sâu sắc và rất tinh tế bài thơ này: “Nhìn thấy chiếc ghế trống. Định lấp đầy nó bằng cái đầy của mình. Không. Tất cả đều trống. Trống không, cả cái ghế và tôi. Đọc bài thơ mà rùng mình. Tôi rơi. Đúng là rơi. Rơi vào cái trống không của chính tôi. Và cứ thế mà rơi vào hư vô. Sắc – Không đã đi vào thơ ca của Đinh Trần Phương như thế. Rất tự nhiên. Và như thế là TUYỆT” (Và tôi trống không, trang 9).
Trong “Cánh trăng”, theo tôi có một bài thơ phá cách khá mạnh mẽ so với những bài thơ khác trong tập:
Cơ thể em nước xanh
cửa sổ buồng tắm mở, cỏ non
hoa cúc trắng
(trang 130)
Chuỗi hình ảnh (cơ thể em, nước xanh, cửa sổ buồng tắm, cỏ non, hoa cúc trắng) trong bài thơ chuyển động phức hợp trong một không gian mở. Ở những bài thơ khác, thơ Đinh Trần Phương thường tiết chế hình ảnh. Có lúc bài thơ chỉ có một hoặc hai hình ảnh chuyển dịch đơn tuyến. Ví dụ: Cơn mưa/ trở nên tươi mới/ chiếc lá sắp rơi (trang 83). Trong bài thơ trên (trang 130), “Cơ thể em nước xanh” là hình ảnh tượng trưng ít gặp trong tập thơ này. “Cửa sổ buồng tắm mở”, và “cỏ non” bất ngờ xuất hiện ở đây đã mở ra trước mắt bạn đọc khoảng không thênh rỗng trong tiết thay mùa. Hình ảnh “hoa cúc trắng” xuất hiện trong câu thứ ba đem đến cảm giác thanh khiết, tinh tuyền. Nó đưa bạn đọc đến nơi, mà nhà thơ được yêu và cảm nhận đủ đầy tình yêu đã chế ngự trái tim anh ấy.
“Cánh trăng” được Đinh Trần Phương ghi trên bìa sách là thơ haiku. Tôi cũng từng làm nhiều bài thơ với thể thức gần giống thơ haiku của Nhật Bản. Mỗi bài thơ của tôi gồm ba dòng, và có đặt tên bài. Theo cá nhân tôi, phần lớn những bài trong tập thơ này của Đinh Trần Phương là thơ ba câu tự do, với ý tưởng gợi mở, không bắt buộc phải có từ chỉ mùa (kigo – quý ngữ). Như vậy, thơ ba câu tự do không cần tuân thủ niêm luật chặt chẽ như thơ haiku cổ điển. Vậy có nên gọi đó là thơ haiku? Do vậy, tôi muốn gọi những bài thơ trong “Cánh trăng” là thơ ba câu không đề, hoặc gọi đây là bài thơ liên khúc, có tên “Cánh trăng”.
Tập thơ đã khai mở thế giới thơ Đinh Trần Phương, nói chính xác hơn, những bài thơ ngắn và tối giản đã đánh dấu buổi “trình làng” ấn tượng, thành công của tác giả. Với nội lực sáng tạo mạnh mẽ cùng cảm xúc tươi mới tràn đầy, bạn yêu thơ cũng như tôi mong đợi thơ Đinh Trần Phương sớm được khai phá thêm những miền đất mới với đa dạng thủ pháp, và thể loại thơ khác. Nếu coi thơ ngắn, tối giản là “đoản kiếm”, thì thơ-văn-xuôi, thơ tự do, theo tôi, có thể ví như “trường kiếm”. Trong kiếm đạo Nhật bản, trường và đoản kiếm đi liền nhau, gọi là bộ kiếm đôi, biểu tượng cho tác phong và danh dự của một võ sĩ. Sự đa dạng trong sáng tạo của một nhà thơ tựa như một võ sĩ hoàn hảo, có thể công-thủ trong mọi tình huống.
Thơ ba câu, theo tôi dễ làm, hiện nhiều người làm, nhưng khó hay. Điều cốt tử ở đây, dù viết ngắn hay dài thì trước hết phải là thơ. Tác giả của nó phải khai mở được những huyệt đạo trong tâm trí, cảm xúc của bạn đọc, để họ thấy được vẻ đẹp bí ẩn, màu nhiệm của thiên nhiên, vũ trụ, trong chính con người họ thông qua nghệ thuật thi ca. Ngoài những khái niệm chung về thi pháp như các thể thơ khác, thơ ba câu còn có những đặc thù riêng.
Nhịp đi trong thơ ba câu gần với quán niệm hơi thở trong thiền định. Cách khai mở và đón bắt hình tượng, tứ thơ trong thể thơ này cũng giống như những đường kiếm dũng mãnh, dứt khoát trong kiếm đạo, và, có cả sự tinh tế, thanh cao của trà đạo. Những tinh hoa của thể thơ tối giản, gợi mở này, các nhà thơ và bạn đọc chúng ta học được nhiều từ các nhà thơ lớn của Nhật bản, được gọi là Tứ trụ haiku:Matsuo Basho (1644 - 1694), Kobayashi Issa (1763 - 1827), Yosa Buson (1716 - 1784) and Masaoka Shiki (1867-1902).
Tập thơ “Cánh trăng” của Đinh Trần Phương đã góp phần làm phong phú, giàu có thêm thơ Việt đương đại. Nó khước từ sự cô tịch, trầm mặc, bi ai trong thơ haiku cổ điển để đến với sự thanh thoát, nhẹ nhàng, hiện đại. Đặc biệt, nó không cố ý ghìm nén biểu lộ cảm xúc mà chủ ý biểu đạt sự lãng mạn, tươi non, mở cho bạn đọc một thế giới thơ mới mẻ, trẻ trung, tràn đầy ánh sáng. Xin trích đoạn trong Lời kết tập thơ của Đinh Trần Phương, với tôi, đây là bài thơ văn xuôi khơi mở và giàu phức điệu, là độ mở của cánh cửa xoay, độ tương phản sáng tối của màn hình để những bài thơ trong “Cánh trăng” được sáng ý, rõ nét hơn. Tôi trở về nhà, đến ngồi với ông bà nhìn ra cửa sổ. Phía trước có một cái cây tán rộng. Tôi hỏi, ông bảo đó là cây hoàng quyên. Một con chim hoàng quyên bay qua bay lại rất vui vẻ. Tôi đoán con chim là linh hồn của cái cây kia, hoặc cũng có thể ngược lại, cái cây là linh hồn của con chim.
Hải Phòng, 20/10/2017
Mai Văn Phấn
Theo http://maivanphan.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...