Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Yên Thế bản hùng ca bất tử

Yên Thế bản hùng ca bất tử

Yên Thế là vùng đất gắn bó với Bắc Giang từ thuở sơ khai lập quốc. Trải qua thăng trầm lịch sử, Yên Thế càng được khẳng định bởi tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm. Câu ca “Trai Cầu Vồng Yên Thế” không biết có tự bao giờ nhưng đã được cả nước biết đến và cảm phục. Truyền thống thượng võ được kết tinh cao nhất bằng cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài suốt ba mươi năm với hình ảnh người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám:
“Ba mươi năm khắp núi rừng
Danh ông Đề Thám vang lừng núi sông”
Thời Lý, Yên Thế nằm trong đất Lạng Châu. Thời Trần, Yên Thế mang tên Yên Viễn thuộc lộ Như Nguyệt Giang. Đến thời Hồ chuyển sang phủ Lạng Giang và khi nhà Minh thống trị đổi là huyện Thanh Yên. Tên huyện Yên Thế được chính thức gọi vào thời Lê. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (từ 1884 đến 1913) là một phong trào đấu tranh võ trang chống lại sự xâm lược của Thực dân Pháp với mục đích bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước đã nhanh chóng chuyển hoá thành phong trào giải phóng dân tộc được đông đảo nhân dân lao động hưởng ứng nhằm đánh đổ ách thống trị của bè lũ cướp nước và tay sai. Nó được bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần thượng võ, sự gắn bó sâu sắc với truyền thống lịch sử và phong tục tập quán của cha ông không biết cúi mình khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Khởi nghĩa Yên Thế và vị lãnh tụ áo nâu Đề Thám đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Và hôm nay, Yên Thế anh hùng đang từng ngày vươn dậy trong công cuộc đổi mới.

Nhà yêu nước Phan Bội Châu đã ca ngợi vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám thông qua bài thơ “Khóc chân tướng quân” (lưu tại Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế) với những câu thơ hào sảng: “Giống sài lang chật đầy đất nước/ Chỉ mình tướng quân, chống lại quân thù/ Hai mươi năm giữ khí thiêng đất nước/ Thày trò cùng nhau đánh hơn trăm trận/ Thế nước có lắng xuống mà tướng quân vẫn nổi lên/ Đầu tướng quân chưa đứt, quân giặc còn kinh hoàng/ Khí phách anh hùng còn hiện ra đến cùng/ Ở xa ngàn dặm còn nghe tiếng hổ gầm”.
Nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn của quần chúng cần lao đã có mấy chục năm sống ở đất Tân Yên, Yên Thế, và chính vùng đất giàu chất liệu lịch sử này đã khơi nguồn cảm xúc cho ông viết bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế”. Bài thơ “Hoàng Hoa Thám quê xưa” của ông là nguồn cảm xúc dâng tràn, tha thiết mà hùng tráng: “... Hoàng Hoa Thám quê xưa/ Đất gái đi cày, trai mắt xếch/ Đồi sỏi vỡ hoang, cấy lúa ba giăng, móng tay tím chết/ Làm củi đi than/ Lội suối luồn rừng/ Cuốc đất vượt tre/ Dựng lên từng bếp từng nhà/ Từng thôn ấp/ Ngạc Hai, Cầu Gồ, Đá Ong, Giếng Mật/ Dĩnh Thép, dốc Đỏ, suối Lửa, Na Lương…/ Dựng lên Yên Thế/ Đường son trời rộng đồng xanh…”

Những câu thơ đầy hình ảnh của nhà văn Nguyên Hồng đã vẽ nên bức tranh thật sinh động, nhiều màu sắc về Yên Thế buổi ban đầu dựng làng, lập ấp mà ở đó con người chiếm vị trí trung tâm. Chính những người con trai, con gái ấy đã chinh phục thiên nhiên bằng sức mạnh của lòng dũng cảm,  làm nên dáng hình của quê hương đất nước: “... Hoàng Hoa Thám quê xưa/ Yên Thế ơi bất tử/ Đất nước ngọt sao như sữa/ Đất nước êm sao như hát/ Bao canh khuya nghe kể chuyện Hoàng Hoa...”
Núi rừng Yên Thế đã trở thành trận địa vững chắc cho nghĩa quân Đề Thám nuôi chí đánh đuổi Thực dân. Ngay cả đối với các quan Pháp, sự xuất hiện của Đề Thám cũng khiến chúng phải nhiều phen bạt vía, kinh hồn. Ông được mệnh danh là “ông vua vùng núi Yên Thế” hay “hùm thiêng Yên Thế”. Nhà thơ Tạ Hữu Yên, chỉ một lần về Yên Thế  đã dâng trào cảm xúc cảm để viết nên những câu thơ nhất mực thân thương:  “... Nơi đây đẹp thế một thời/ Dấu chân cụ Thám nói lời sắt son/ Nơi đây dấu tích mãi còn/ Ven rừng, bên suối lối mòn nghĩa quân/ Nơi đây sáng chói lòng dân/ Lửa từ thời ấy âm thầm vẫn nhen/ Đường về Yên Thế đường quen/ Vẳng nghe trống trận người chen chân người” (Đường về Yên Thế).
Sử sách ghi lại: mùa xuân năm 1886, tướng Đề Nắm tổ chức việc xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh tại khu rừng Hữu Thượng, trong một vùng thấp trũng được phủ kín cây cối, bạt ngàn chuối dại, nằm sát suối Gồ (hay còn gọi là ngòi Sặt) để xây dựng đồn chính mang tên là đồn Hố Chuối. Để có đất đắp đồn, Đề Nắm đã cho san bạt một quả gò và hạ nền đồn chìm hẳn xuống để hạn chế bớt tầm cao của đồn, tránh các luồng đạn của pháo binh. Theo tính toán của một số sĩ quan công binh Pháp, muốn xây dựng đồn Hố Chuối, nghĩa quân phải huy động khoảng 2 vạn ngày công, nghĩa là đều đặn mỗi ngày có tới 100 người làm thì cũng phải làm trong hàng năm trời. Đồn Hố Chuối thực sự trở thành nỗi sợ hãi của chính quyền Pháp. Chúng hạ quyết tâm đánh đồn. Nhưng Đề Thám đã tính toán rất khoa học, thể hiện một trí óc và tài năng quân sự rất phi thường. Ông đã cho rải trên nền đồn một lớp cát mịn, dày hàng thước. Cách làm này đã hạn chế hiệu quả của đạn pháo giặc và làm giảm rất nhiều sức công phá của nó.

Yên Thế đã trở thành vùng đất mang đầy huyền thoại, đầy chất thơ, gợi nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các thi sĩ. Mỗi nhà thơ đã khắc họa Yên Thế với những khía cạnh khác nhau, nhưng tựu chung lại các tác giả đều muốn bày tỏ tấm lòng thành kính, cảm phục trước đất và người Yên Thế. Nhà thơ Vũ Từ Trang lấy cảm hứng từ đêm trăng trên quê hương Yên Thế để viết nên bài thơ “Trăng Phồn Xương” đầy xúc động: “Ấy là đêm trăng thành Phồn Xương/ đồi tung bụi lốc cây ngả nghiêng/ giáo mác lập loè dựng bên suối/ mây trời vần vụ, trăng đỏ ối/ mặt trăng như một bát máu thề/ nghĩa sĩ uống chung, nguyện giết giặc…/ Đêm nay, đêm nay trăng Phồn Xương/ Tiếng trẻ làng đồi hát ca vang/ Những bàn tay nhỏ múa đoàn kết/ Những bím tóc thơ bồng đuôi sóc/ Xóm làng bình yên như câu hát.”
Những thủ lĩnh như Đề Năm, Đề Thám chính là hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, là sức mạnh tiềm tàng của tinh thần đoàn kết, nơi lòng dân đồng thuận, một niềm hướng về vị thủ lĩnh áo nâu như hướng về mặt trời chính nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế vì thế mà trở nên bất diệt trong lòng dân tộc và bạn bè khắp năm châu. Yên Thế càng sáng đẹp, lấp lánh hơn qua những trang thơ để ngày càng bồi đắp cho chúng ta lòng tự hào về quê hương Hoàng Hoa Thám. 
Vân Hồng
Theo https://stttt.bacgiang.gov.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...