Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Suối nguồn

Suối nguồn
Có lẽ tìm hiểu về Bùi Giáng là điều "dễ dàng" nhất, vì mọi chuyện đều được tự ông bộc bạch rõ ràng qua tác phẩm của mình, không cần phải đi sưu tầm, phỏng vấn, tra cứu ở đâu xa. Nhưng điều khó khăn nhất là chúng ta có thật sự “đọc” được tác phẩm của Bùi Giáng hay không.
Ông không hề giấu giếm chúng ta điều gì huyết mạch. Ông đã nói cặn kẽ, nói bằng nhiều cách khác nhau, nói từ nhiều góc độ khác nhau, nói vào những thời điểm khác nhau, nói nghiêm trang cũng có mà bông đùa cũng có. Tác phẩm của ông nổi tiếng là phong phú về chất lượng và dồi dào về số lượng. Sức mạnh sáng tạo thiên phú ấy phát tiết từ vô số những mạch nguồn của cuộc đời ông, tuôn chảy ra lai láng, tựu thành một trường giang sung mãn, mang theo đủ loại hình thức nghệ thuật: thơ, hội họa, bình giảng văn học, luận đề tư tưởng, dịch thuật.
Dọc theo chiều dài dường như bất tận của một trường giang, không ai có thể đếm được có bao nhiêu dòng suối ngọt đã trút nước vào, có bao nhiêu ngọn tiểu khê đã ban nước cho, có bao nhiêu trận mưa nguồn đã tuôn nước xuống, có bao nhiêu mùa nắng ấm mời gọi tiếng chim vang, có bao nhiêu trăng sao đã giăng thành mộng ước, có bao nhiêu cành lá chếch bóng trên đôi bờ, có bao nhiêu vách đá nghiêng mình soi bóng nước, có bao nhiêu tác phẩm đã được góp nhặt in ấn, còn bao nhiêu bài thơ nữa vẫn bị bỏ quên. Không thể nào biết đích xác. 
Hồn nhiên từ sơ sinh cho tới tuổi già. Lúc nào cũng viết, ngồi nằm ở đâu cũng gợi nguồn cảm hứng, bất cứ cái gì cũng có thể biến thành gió để thả thơ bay vào, gặp ai chià giấy bút cũng sẵn sàng làm thơ để tặng… Tất cả, cuộc đời và những công trình sáng tạo đồ sộ của ông, hòa quyện với nhau, cấu thành một bức chân dung lộng lẫy mà đã được nhiều người cố gắng phác họa từng phần - từng phần của toàn bộ thắng cảnh mang tên Bùi Giáng. 
Thiên nhiên đây, suối thác kỳ diệu phơi bày ra đó, trước mắt ta. Mỗi du khách khi ngoạn cảnh, có thể tùy nghi thưởng thức bằng trái tim và khối óc riêng biệt của mình, có thể mô tả nó bằng cặp mắt chủ quan. Do đó, sẽ là rất tự nhiên khi mỗi người phác họa vẻ đẹp của nó theo mỗi thể điệu khác nhau, và có khi chúng khích bác nhau nữa. Những tương đồng và dị biết ấy, đáo cùng, chẳng hề làm xấu xí đi một thắng cảnh, mà chỉ làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng vui-nhộn-thê-thảm mà thôi.
Có thể nhân cơ hội du xuân ấy, những kẻ đui mù hoàn toàn có thể có cơ may sáng được một mắt, và những kẻ vốn chột một mắt nay có thể nhìn vạn vật bằng cả hai mắt toàn nhiên sáng ngời. Dòng sông mang tên ông quá quảng đại, rất sẵn lòng vui dạ mời đón các anh chị em nam nữ ngồi dọc đôi bờ, để ca vui với chim muôn trong nắng sớm, hoặc có thể thả hồn với mây vàng trong nắng chiều, hoặc để mỉa mai rửa ráy tay chân, hoặc để cười đùa trêu ghẹo văn chương ông cũng đều được. Mặc ai tùy tiện dại khôn đối đãi. Còn dòng sông, nó vẫn lặng lẽ xuôi dòng muôn thuở.
Bùi Giáng bình sinh vốn chẳng nặng lời “trách móc” ai, dù ai ai có nặng lời chê bai chỉ trích. Ông giữ im lặng ngậm ngùi, bởi cái lẽ đớn đau vui vẻ sau đây:
“… Nếu phải bo bo lưu ý tới để cải chính thì suốt đời phải bo bo theo dõi để cải chính cho tới bao giờ mới thôi? Cái sự ngộ nhận mọi mặt, cái tuyệt trù Malentendu ấy từ thiên thu đi về với thảm họa Calvaire, Jésus Christ: “Ils ne savent pas ce qu’ils font”. Cái đó chẳng lẽ bây giờ cách hai ngàn năm, anh em buộc một “Bùi Giáng” phải giải thích cải chính biện minh? Toàn thể từ uyên nguyên đã đi vào cộng đồng khốc liệt đó, toàn thể những biệt nghiệp thiết tha thiết yếu, cái đó anh em thử hỏi lại Phật, Chúa,…, lại Khổng, lại Gandhi…”
Khởi sự xuôi ngược trên chiếc thuyền con, thật vui vẻ biết bao nếu các bạn có ý định nhập cuộc, cho thuyền chúng ta được rộn ràng đón thêm bạn đồng hành. Vì trường giang vốn rộng mênh mông, sâu thăm thẳm, và dài vô tận, nên cố nhiên, trong dịp này, chúng ta chỉ có thể đi lướt trên mặt nước nhấp nhô, gọi là du xuân ngoạn cảnh, kể như vậy cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Ai giết 

Nước bỏ bờ ruộng khô

Từ ngày chim chết hết

Cành cây thôi líu lo

Em hay là ai giết?

(Bùi Giáng)
Bùi Giáng là một trong số những người làm văn nghệ nhiệt huyết lúc bấy giờ. Thấy ruộng đồng văn chương khô hạn, anh thương tiếc vô cùng, anh cặm cụi chạy xuống suối khe múc nước văn chương đem lên. Thấy cỏ cây nhân thế ưu phiền, anh lấy làm xót dạ vô biên, anh cần mẫn góp nhặt những bài thơ xứ lạ đem về khuyến khích. Nhưng ai, chẳng biết là ai, đã vô tình hữu ý chối bỏ quà tặng văn học công phu của anh, và cười ha hả cái việc phù phiếm anh làm. Ai kia vô tình, cho rằng bờ khô ruộng cỗi ấy mới thật tươi mát phì nhiêu, rằng cành khô lá úa nọ mới thật là đủ đầy hương sắc. Và ai kia ấy còn chế diễu những người điên này nọ sao hoài công “dẫn thủy nhập điền”.
Bất hạnh thay! Vì vậy mà ruộng đồng văn chương thêm khô hạn, cây cối thiếu dần dưỡng chất, cành lá héo khô, chim chóc không nơi múa hát, tạo cơ hội cho gió cát sa mạc lớn dần. 
Tuy nhiên, cũng may, bất hạnh đó vẫn còn là điều may mắn. May mắn vì những cành khô điếc đặc không thể nhận ra tiếng chim lảnh lót. Nghĩa là không thể tập tành giả bộ líu lo. Nghĩa là không thể nhận ra sắc màu lung linh của hoa của bướm. Nghĩa là không thể chạm đến được cõi bờ mênh mông ruộng lúa từng đã lộng gió suy tư. Chứ nếu không, gió cát sa mạc vốn đã cằn cỗi, sẽ làm khô cháy mọi dấu vết của đời sống ruộng đồng.
Thưa em đời mộng đang chìm
Người trao người giữ người tìm chưa ra
Giật mình lá cỏ tháng ba
Nghe mùa động đậy bên hoa một hàng
Đứa tìm ngõ chạy lang thang
Người trao đã chết theo tràng giang đi
(Bùi Giáng)
Ôi tràng giang đại hải cổ kim một cuộc tùm lum nước mắt. Cái đẹp xa xôi rồi. Cái thiện cũng chìm theo làn sóng dữ. Đó đây có kẻ xót xa ít nhiều, thương tiếc những vì sao trên cao. Mây xám ảm đạm bầu trời. Nghe trong đêm, tiếng ruồi muỗi vo ve đông đảo. Nhìn ra ngoài trời, gió mưa rả rích buồn thiu. Thấy ếch nhái nhảy nhót lung tung. Nhớ rất nhiều cố nhân, không biết người ở đâu, người đang thủ đắc cái gì. Kẻ chốn nào, kẻ lang thang tìm kiếm cái thứ chi. Người một nơi, kẻ một nẻo, lạc mất nhau giữa mịt mù sương gió. Người chẳng giấu giếm thứ gì, mở toang cửa ngõ giữa thanh thiên bạch nhật. Vậy mà đứa đi tìm vẫn không thấy cái mình định tìm, vẫn hì hục vất vả lùng sục ngày đêm. Vì sao nên nỗi đoạn trường như vậy vì sao. Vì chăng chẳng phải hay chăng, học trò nhà nghèo, thơ dại, quần áo chẳng lành. Mới vừa bước đi vài bước, đã bị ruồi muỗi châm chích. Vì mới vừa vỡ lòng, đã nghe những nhà nho hương nguyện đón đường thuyết giảng. Vì mới vừa khai tâm, đã được lão bối huynh đệ học giả rủ rê, xôn xao khuyên bảo trao truyền giáo khoa từ chương lê thê trường trại.
Hỡi ôi, lòng tuổi trẻ vẫn khao khát lên đường tìm kiếm, nhưng hoang mang chẳng biết phương hướng nào khởi bước, chẳng biết chọn phương hướng nào giữa muôn phương vạn hướng trăm năm.
Người không ở vì chờ mong đã mỏi
Người đã đi cùng tuổi trẻ tôi đi
(Bùi Giáng)
Đi đâu? Đi tìm đời mộng mà mình mộng ước mộng mơ thơ dại. Nhưng vì thấy đời mộng đang chìm khuất oan uổng, nên thảng thốt kêu khóc. Kêu khóc ra sao? Kêu khóc bằng hàng ngàn trang phượng kiệt tác để lại cho cuộc đời ngàn sau vậy.
Em có khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn...
Em có khóc? Ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi dòng nghìn thu hận tan đi
(Bùi Giáng)
Đó là cuộc đời của một văn nhân, miệt mài góp nhặt cảo thơm xây dựng cho một nền văn học. Đó là cuộc đời của một nông dân, cặm cụi chăm bón cho ruộng đồng còn sắc hương tươm tất dưới bầu trời. Đó là những dòng tự sự, mình nói với mình, ta nói với ta. Là “dừng chân đứng lại trời non nước, một mảnh tình riêng ta với ta”.

NGUYỄN QUANG THANH
Theo http://www.nguyenquangthanh.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...