Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Về miền Tây mùa nước nổi

Về miền Tây mùa nước nổi
Miền Tây Nam bộ hay còn gọi là miền Tây gồm 12 tỉnh và 1 thành phố. Đây là vùng đồng bằng Sông Cửu Long và vùng cực Nam của Tổ quốc. Miền Tây còn gọi là vùng đồng bằng sông Mê Kông, vùng đồng bằng Nam Bộ. Nơi đây hình thành nên văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn. Hàng năm, miền Tây có một hiện tượng lũ lụt tự nhiên đặc trưng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long gọi là "mùa nước nổi".
Tháng 11 năm 2017, đoàn văn nghệ sĩ Hải Dương chúng tôi đi thâm nhập thực tế vùng này, đã có những khám phá, trải nghiệm, cảm xúc mới mẻ đặc biệt về mùa nước nổi. 
1. Chúng tôi đến Tây Nam Bộ may mắn vào dịp mùa nước nổi, là một trong hai mùa đẹp nhất trong năm. Mùa nước nổi miền Tây trước đây vào khoảng tháng 7, 8, 9 (dương lịch). Tuy nhiên những năm gần đây do mùa mưa đến chậm hơn nên mùa nước nổi thường bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 11. Đến đây, mới cảm nhận rõ nhất vẻ đẹp vùng sông nước và con người nơi đây và thưởng thức những đặc sản mỗi năm chỉ có một lần.
Có đi đến đây mới tận mắt nhìn thấy miền Tây, bàn tay chạm vào miền Tây. Sông nước là đặc trưng của miền Tây . Ngoài hai con sông lớn là nhánh của sông Mê Kông chảy vào Việt Nam là sông Tiền Giang (sông Tiền) và sông Hậu Giang (sông Hậu), miền Tây còn có hàng ngàn dòng sông, cửa sông đan xen như mạng nhện. Xe chúng tôi đi qua vô số những cây cầu lớn nhỏ dọc đường quốc lộ. Ngoài cây cầu lớn là cầu dây văng Cần Thơ bắc qua sông Hậu, còn có 8 cây cầu lớn nữa bắc qua sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Cửa Lớn. Những cây cầu này không chỉ mang tính lịch sử, góp phần thuận lợi cho người dân đi lại mà còn làm nên nét đẹp riêng cho vùng sông nước mênh mông của Tổ quốc, có thể xem là biểu tượng của các tỉnh thành, là điểm tham quan thu hút đông du khách ghé thăm.
Miền Tây sông nước còn có rất nhiều những cây cầu nhỏ, cầu khỉ. Đặc biệt ấn tượng với du khách là những cây cầu khỉ - nét đặc trưng không lẫn vào đâu của người dân sông nước miền Tây. Đó là những cây cầu với những thân tre hay thân gỗ có tay vịn, nhìn người đi cầu giống như những chú khỉ sang sông và cầu gắn với những hoạt động thường nhật của người dân.
Do điều kiện tự nhiên như vậy, người miền Tây ảnh hưởng sâu đậm văn hóa sông nước hay còn gọi là tính sông nước. Họ có thói quen di chuyển bằng thuyền, đặc biệt là vùng Cà Mau. Ở Cà Mau xuồng ghe ngày đêm không ngớt. Có một thứ âm thanh rất đặc biệt mà chỉ khi về miền Tây bạn có thể nghe thấy được, đó là tiếng máy ghe nổ lạch bạch trên những con sông, kênh, len lỏi qua từng xóm ấp của người dân.
Nhà cửa của cư dân nơi đây gần kênh rạch. Người miền Tây thích sống gần sông nước. Dọc đường đi bạn sẽ gặp rất nhiều những căn nhà sàn (nhà nổi) ven sông, rạch như những chiếc lều, quây bằng vài tấm tôn hoặc ván, dựng trên mươi cái cọc gỗ hoặc bê tông cốt thép, mái lợp tôn hay dừa nước. Những túp lều rệu rã, sơ sài, nghèo nàn gợi cho người nhìn ngắm có chút se lòng ... Dân miền Tây nghèo, hay người miền Tây đa số chỉ lo làm ăn, ít lo nghĩ sâu xa như dân các miền khác?
Nguồn thực phẩm hàng ngày của người miền Tây cũng mang "tính sông nước". Đó là nguồn thủy sản như: cá, tôm, cua, lươn, ốc… Hôm đầu tiên của hành trình từ thành phố Hồ Chí Minh đi Long Xuyên (An Giang), cô bạn người Sài Gòn bảo tôi: "xuống miền Tây ăn ngon lắm". Quả như vậy, suốt 6 ngày ở miền Tây, chúng tôi được ăn đủ các món từ thủy sản, hải sản như: luộc, kho, chiên, nướng, nấu chua, nấu ngọt, làm gỏi, làm chả ...Nhưng có lẽ thích nhất là "cơm niêu" với cá kho tộ hoặc canh chua. Ăn hai món này với cơm nấu bằng "gạo trắng Cần Thơ" thì … "tốn" cơm lắm.
Những tháng cuối năm là thời điểm đẹp nhất ở miền Tây khi con nước tràn về. Về miền Tây mùa nước nổi, đi qua sông Tiền, sông Hậu và các dòng sông lớn nhỏ khác, bạn sẽ thấy dòng sông mênh mông hơn và no đầy phù sa, màu nước đỏ quạch hoặc đục ngầu bởi phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Rồi nước dâng tràn trề vào các kênh, rạch, ruộng đồng, miệt vườn… Cả một vùng đồng bằng của đất "Chín Rồng" nước mênh mông.
Mùa nước nổi khiến cho người dân bao long đong vất vả nhưng bù lại như một sự tạ lỗi, mùa nước nổi cũng đem đến cho mọi người bao sản vật tự nhiên, cho đất sai phù sa màu mỡ.
Mùa nước nổi là mùa của chim trời, cá nước. Mùa này từng đàn cá từ thượng nguồn đổ về: cá kình, cá lóc, cá rô, cá trê, lươn, rùa, rắn, chuột đồng. Những khoang ghe, lòng xuồng đầy ắp cá tôm, cũng như những tay lưới bung tròn trên sông, đó là hình ảnh đẹp của mùa nước nổi. Rồi bông điên điển, bông súng đồng, bông so đũa, những miệt vườn trĩu sai quả ngọt… Bạn kể tôi nghe ở Đồng Tháp mùa nước nổi chim bay ngập trời. Chim cò không biết từ đâu kéo về nhiều vô kể. Buổi chiều khung cảnh thật tuyệt diệu khi hàng ngàn cánh chim trở về bay kín cả bầu trời. Nghe bạn kể tôi sự nhớ đến "Đảo cò Chi Lăng Nam" ở Thanh Miện- Hải Dương quê tôi. Mùa nước nổi cũng là lúc những đồng sen ở Đồng Tháp nở rộ khắp nơi. Hương sen thoang thoảng trong gió khiến lòng người thật thư thái bình yên. Mùa nước nổi đúng là mùa ngập tràn sức sống.
2. Nhưng nếu bảo nơi nào điển hình nhất cho mùa nước nổi miền Tây thì có lẽ rừng tràm Trà Sư sẽ được nhớ hơn cả. Ngày thứ hai của hành trình khám phá miền Tây Nam Bộ chúng tôi đến rừng tràm Trà Sư ở xã Văn Giác, huyện Tịnh Biên, tỉnh Kiên Giang. Là một khu rừng sinh thái, rừng quốc gia nổi tiếng nhất đồng bằng sông Cửu Long, rừng tràm Trà Sư là một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá miệt vườn sông nước mùa nước nổi.
Được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt với 845 ha rừng tràm xanh mướt, Trà Sư là ngôi nhà chung của 140 loài thực vật, 11 loài thú, 23 loài cá và 70 loài chim, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm được đưa vào danh sách cần bảo tồn.
Rừng tràm Trà Sư có hệ sinh thái điển hình của rừng ngập nước ngọt phía Tây sông Hậu và đẹp nhất vào mùa nước nổi. Mùa này toàn bộ khu rừng phủ một màu xanh mướt đến ngỡ ngàng. Mặt nước ken đặc bèo tây, khi đó du khách sẽ được đi tắc ráng (xuồng máy) trên "những con đường màu xanh" phủ kín bởi thảm bèo dày đặc, mềm mại giữa mênh mông rừng tràm. Những cây tràm đứng ngang hàng, thẳng lối như đang dang tay đón chào quý khách Không gian yên tĩnh, văng vẳng tiếng chim hót líu lo đâu đây. Xa xa, đầm sen lấp ló những bông sen hồng nở rực rỡ. Du khách hít thở bầu không khí trong lành, khỏa tay vào dòng nước mát lạnh, thả mình vào không gian cổ tích hoang sơ.
Tới bến thuyền nhỏ hơn nằm sâu trong rừng du khách sẽ được chuyển sang đi ghe chèo tay để tránh gây ồn ào, ảnh hưởng các loài động vật, loài chim đang trú ngụ và thuận lợi cho việc len qua những con đường bèo quanh co. Đây chính là vùng lõi trung tâm đẹp nhất của rừng tràm.
Trong màu xanh mướt của rừng tràm, của thảm bèo còn điểm xuyết màu thiên thanh của những chiếc áo bà ba của những cô gái miền Tây chèo đò. Dáng thon thả lưng ong, nón trắng dịu dàng, khỏa mái chèo nhịp nhàng… các cô thật đẹp giữa bức tranh của rừng cây, sông nước và tất cả hài hòa với nhau tạo nên bức tranh miền Tây tươi mát, "bữa tiệc màu xanh" mùa nước nổi.
Trà Sư một khung cảnh điển hình cho vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi tươi đẹp dịu dàng, hiền hòa, mộc mạc, khác hẳn với vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của vùng núi phía Bắc.
3. Thiên nhiên là thế, ngay cả nhịp sống của người miền Tây mùa nước nổi cũng sôi động hơn hẳn với chợ nổi khắp nơi, tiêu biểu là chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Vùng đất "Chín Rồng" này chi chít sông ngòi kênh rạch, có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi, có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông. Hình ảnh đó từ ngàn xưa, hôm nay cũng vậy. Trên sông ngòi kênh rạch với những phương tiện vận tải thủy, người ta sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa, tựu trung lại tất cả những cảnh mua bán (mà người từ xa đến thấy ngộ nghĩnh) diễn ra trên sông, người ta gọi là chợ nổi.
Ngày thứ 5 của hành trình khám phá miền Tây, chúng tôi về Cần Thơ "gạo trắng nước trong", được thiên nhiên ưu đãi lắm trái ngọt, cây lành, cá tôm phong phú… và đi chợ nổi Cái Răng - một trong ba chợ nổi lớn nhất của miền Tây. Đây là một điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Cần Thơ.
Từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng dài 8km. Chợ Cái Răng họp từ sáng sớm đến khoảng 10 giờ thì vãn. Để tranh thủ thời gian, tiếp tục cuộc hành trình chúng tôi đi chợ từ rất sớm, khi trời còn se lạnh, sương giăng bảng lảng trên mặt sông. Tuy nhiên ghe thuyền trên sông đã ngược xuôi tấp nập, những ánh đèn lấp lóa từ những con thuyền trông thật vui mắt. Trời vừa hửng sáng, trong tiếng máy nổ phành phạch rẽ đôi làn nước, du khách vẫn kịp nhận ra tiếng nói cười rộn rã của khách đi chợ xen lẫn tiếng mời gọi của người bán hàng. Những chiếc xuồng chở đầy hoa quả, nông sản áp sát xuồng của du khách chào mời. Và thật lạ, ghe thuyền nhiều thế nhưng những chiếc xuồng con len lỏi thật khéo léo, không có va quệt xảy ra.
Chúng tôi đã thưởng thức cái thú vị đi chợ trên sông mà mình chưa trải nghiệm bao giờ. Trước hết là "thưởng thức" tiếng ồn ào đặc trưng của chợ nổi, tiếng tành tạch của ghe thuyền đang rẽ sóng, tiếng mặc cả, tiếng chào mời, í ới gọi nhau hối hả. Có lẽ qua bao đời nay, các chợ nổi Nam Bộ vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng này. Rồi chiếc xuồng máy sẽ đưa bạn đi khắp chợ mua món này, món kia, hoặc người bán chủ động tới giới thiệu chào mời. Bạn có thể ngồi đó ngắm nghía, khảo giá… hít hà hương nắng mới, tận hưởng cảm giác thú vị khi được bồng bềnh trôi trên mỗi khúc sông.
Cuối cùng, mỗi chúng tôi đều mua cho mình một vài thứ để "kỷ niệm đi chợ nổi Cái Răng". Riêng tôi, tôi đã mua chục chiếc lược gỗ dừa - một sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công từ chất liệu gỗ dừa lâu năm. Hy vọng chiếc lược bằng gỗ dừa xinh xắn này sẽ là món quà tặng độc lạ mà dễ thương cho bạn bè người thân của mình.
4. Về miền Tây không thể không đến Cà Mau. Người ta thường nói: Nếu chưa đến Cà Mau là chưa thật đến với miền Tây sông nước. Hơn nữa, Cà Mau còn có Đất Mũi, mảnh đất cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày thứ 3 của hành trình khám phá miền Tây, đoàn chúng tôi về Cà Mau. Từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi khoảng hơn 100km. Du khách đi đường 1A nối thẳng với thị trấn Năm Căn, để rồi từ đó bắt ca nô đi nốt đến xóm Đất Mũi. Khoảng cách từ bến phà Năm Căn ra Đất Mũi khoảng 50km đường sông chằng chịt kênh rạch. Những con sóng nơi cửa sông gần biển cả dữ dằn chẳng khác nào sóng lớn ngoài khơi. Người ngồi trên ca nô có cảm giác đang tham gia vào một cuộc đuổi bắt ngoạn mục giữa chiếc ca nô với vô vàn đợt sóng từ biển xô vào và những dòng nước từ lạch chảy ra. Khi chưa quen người ngồi trên ca nô đôi chút e sợ, nhưng chỉ qua vài phút sẽ thấy thích thú vô cùng. Dọc sông Cửa Lớn đến Đất Mũi qua mênh mông rừng đước, rừng tràm, dừa nước. Đây cũng chính là hình ảnh tiêu biểu của vẻ đẹp sông nước Cà Mau.
Do kênh rạch chằng chịt, dân Cà Mau có lẽ ít cần đường ô tô. Họ đi bằng sông rạch, họ lái xuồng siêu như lái xe đua trên sông. Là dân sông nước, quanh năm bám biển nên với người dân nơi đây chiếc thuyền là "đầu cơ nghiệp", là sự sống của mọi gia đình. Cho nên du khách không lấy làm lạ: tại sao ở đây ghe xuồng nhiều đến thế.
Đặc trưng của Cà Mau là nhà dân sống ven theo hoặc bao quanh hệ thống sông lạch chằng chịt và huyện Ngọc Hiển chính là mảnh đất điển hình cho cuộc sống đó. Nơi đây vẫn còn nguyên nét hoang sơ khi tất cả các hoạt động giao thông, liên lạc, đi lại, làm ăn đều trên chiếc ghe và thuyền vỏ lãi.
Men theo kênh rạch dần vào đất Mũi là những ngôi nhà nổi chênh vênh trên sóng. Những "ngôi nhà" cũng sơ sài, nghèo nàn đến mức người nhìn phải se lòng. Từ đây, hình thành những xóm ấp với người dân sinh hoạt, làm ăn không khác chi mấy trên bờ.
Sau khoảng một giờ lênh đênh, ca nô cập bến đưa chúng tôi đặt chân lên Đất Mũi (thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Trong khi miền Bắc đang chìm trong cái lạnh co ro vì rét đậm rét hại thì ở đây vùng đất liền được cho gần xích đạo nhất của Tổ quốc lại ngập tràn ánh nắng, thứ ánh nắng vàng rực rỡ, trong veo.
Đất Mũi đây!
Đã từng đến đỉnh trời Lũng Cú( Mèo Vạc- Hà Giang), đến Sa Vĩ (Móng Cái, Quảng Ninh) và giờ đây là Đất Mũi, một cuộc hành hương lớn trong đời, tôi như vỡ òa trong niềm xúc động.
Trong tâm niệm mỗi người Việt Nam, hiển nhiên ai cũng muốn được một lần đến thăm Đất Mũi, nơi đánh dấu chủ quyền thiêng liêng, điểm cực Nam của Tổ quốc. Về Đất Mũi là cuộc hành hương trong tâm thức người Việt Nam từ bao đời nay nhưng không phải ai cũng thực hiện được và chúng tôi là những người may mắn.
Đất Mũi hoang sơ và nghèo nàn. Đất Mẹ muôn vàn thân yêu thật ấm mềm, sáng nay đón nhận cái chạm chân đầu tiên của bước chân những người con từ đất Bắc xa xôi đến thăm. Một cảm giác mãn nguyện dâng đầy trong tim, muốn hít thở thật sâu…
Chỉ có mấy tiếng đồng hồ trên mỏm cực Nam này, chúng tôi cố gắng đi, nhìn, nghe, hỏi (và cả ghi chép, chụp ảnh) để có thật nhiều trải nghiệm và xúc cảm. Bởi chúng tôi hiểu rất khó có dịp trở lại mảnh đất thiêng liêng, vô vàn yêu thương này một lần nữa.
Tại Đất Mũi trong khuôn viên khu du lịch Cà Mau, có 2 công trình đánh dấu vị trí của Đất Mũi là mốc tọa độ quốc gia và biểu tượng mũi Cà Mau. Cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0) được xây dựng vào tháng 11 năm 1995. Đây là cột mốc được xây dựng rất đẹp, có hình ngôi sao 6 cánh, ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc. Cách xa một quãng là biểu tượng mũi Cà Mau với tượng đài hình con tàu no gió vươn ra biển. Trên cánh buồn của con tàu có ghi tọa độ 8037'30" độ vĩ Bắc và 104043' độ kinh Đông. Trên đỉnh cột buồm, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Đến đây chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: "Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau". Đến đây, ai cũng có cho riêng mình một tấm hình kỷ niệm với cột mốc và con tàu biểu tượng. Tôi đã ngồi rất lâu, từ xa ngắm con tàu biểu tượng cho Đất Mũi và nghĩ miên man...Con tàu biểu tượng đó thật nhỏ bé, bình dị nhưng gợi cho người nhìn ngắm bao suy tưởng lớn lao về Tổ quốc.
Đến đây, để có tầm nhìn rộng hơn bạn hãy trèo lên lên Đài quan sát. Đài cao 21m với 54 bậc thang tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Đứng trên Đài quan sát bạn có thể phóng trọn tầm mắt quan sát toàn bộ Đất Mũi, đặc biệt phần mũi nhọn trên bản đồ hình chữ S của Tổ quốc với hàng kè chắn sóng bao bọc bên ngoài vị trí linh thiêng đó. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa, đón nhận cơn gió ùa về qua mái tóc, bạn sẽ có cảm giác đang đứng trên mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc rẽ sóng ra khơi, trước mặt là biển cả bao la, sau lưng là bạt ngàn rừng đước. Cà Mau rừng đước mênh mông xanh biếc, rễ cây từng chùm cắm vào bùn nước mặn sung sức như một đội quân ngang tàng trước sóng biển.
Dân Cà Mau bảo "mắm trước, đước sau", trong hành trình lấn biển khi cây mắm ngã rạp cũng là lúc đước nối ngôi nó, để mỗi năm mũi biển Cà Mau lấn biển từ 80 đến 100m.
Đước và mắm là hai cây lạ lùng đầy cá tính. Nếu đước rễ mọc thành chùm như cọc nhọn cắm phập xuống đất thì cây mắm rễ lại từ bùn chìa ra tua tủa lên trời như những vạt chông. Mắm, đước cùng với bần, dừa nước, vẹt, sú là những gốc cây kiên cường nhất của rừng ngập mặn Cà Mau.
Cây cỏ là vậy, còn người Cà Mau cũng là một ấn tượng đẹp với du khách từ xa đến đây. Người Đất Mũi hiền lành không thương mại, không làm du lịch. Điểm cực Nam đón khách như đất mẹ đón những đứa con yêu xa nhà lâu ngày, luôn niềm nở, thân thiện và thắm nghĩa tình. Đến đây, chúng tôi đã thấy một cuộc sống rất đỗi bình yên. Ở đây mọi thứ đều đơn giản, từ con người đến món ăn, từ cái bến tàu con con nơi chợ đến không gian cảnh vật. Người Đất Mũi sống chan hòa với thiên nhiên, biển và rừng. Chính vì vậy, nghe nói tại ấp Mũi có đến 70% ngôi nhà không cửa.
Có đi vào vùng đất xa xôi, hẻo lánh này mới thấy được công lao khai phá to lớn của tiền nhân. Những người tiên phong mở cõi để giành lấy đất sống như trong tác phẩm "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi, bài thơ "Hương rừng Cà Mau" của Sơn Nam. Họ phải chịu bao nhiêu hy sinh, gian khổ, hiểm nghèo, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt đầy ma thiêng nước độc với bao hiểm họa khôn lường trên vùng đất sơ khai. Họ chịu số phận làm cây mắm, ngã gục cho con cháu họ hưởng. Đến đây để thấy thời gian, thiên nhiên và sức người thật kỳ diệu. Đến để yêu thương và thêm tự hào về quê hương đất nước. Đến để "thấm" một bài học lịch sử từ những người vững tâm đi tìm đất sống, góp phần vào truyền thống dựng nước của dân tộc.
Vẻn vẹn 4 giờ trên Đất Mũi, chúng tôi đã cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của mảnh đất cực Nam của Tổ quốc.
5. Có bao địa danh của miền Tây mà tôi đã đến, có bao người miền Tây mà tôi quý mến nhớ thương, có bao điều về miền Tây mà tôi muốn kể? Muốn nói mãi về miền Tây, mảnh đất cực Nam của Tổ quốc như ta nói về người ta yêu.
Chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
"Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn"
Nhớ lắm, miền Tây.
Hải Dương cuối năm 2017
Nguyễn Thị Lan
Theo http://newvietart.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...