Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Lời không tiếng

 Lời không tiếng
Một lời chẳng nghĩa là bao
Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe

(Bùi Giáng)
Đám đông nhốn nháo bên kia đường. Họ gồm khoảng mươi người hiếu kỳ, và vài ba người trai tráng bặm trợn, đang hung hăng la hét ồn ào, chỉ chỏ sừng sộ vào một ông già lạ lùng đang đứng ở giữa.
Ông già mang một cặp kính trắng dày cộm, mái tóc bạc bù xù, vài lọn tóc dài nghiêng xuống vầng trán rộng. Có vẻ như ông già vừa bị hành hung. Tuy vậy, ông già không tỏ vẻ khiếp sợ đám đông hung dữ ấy. Ông vung tay múa chân, trợn trừng đôi mắt đen và sâu, nhìn thẳng vào đối thủ, lớn tiếng đáp trả liên tục bằng những lời lẽ có lẽ cũng cay độc không kém.
Mạnh ai nấy chửi, không ai cần nghe ai. Đôi bên đều hăng tiết bênh vực cho “lẽ phải” của mình, giống như mọi cuộc cãi vã thường thấy tại những bến xe đò đông đúc, hoặc tại những khu chợ búa ồn ào. Chỉ có điều khác ở đây là, đám đông thì đích thị chửi mắng thô lỗ ông già bằng tiếng Việt, còn ông già thì vi vu mắng chửi bằng tiếng Pháp, mà đối tượng ông gửi gắm không nhất thiết nhắm vào đám đông cụ thể mà ông đang đối diện.
Tôi tiến tới gần, ép chiếc xe đạp của mình sát vào đám đông. Nhìn thấy một vết bầm tím đỏ bất thường trên trán ông, tôi hốt hoảng y như nhìn thấy người huynh đệ quyến thuộc của mình bị nạn, tôi thảng thốt kêu lên:
- Anh Bùi Giáng!

Ông già ngước nhìn về phía người đang gọi tên ông. Trong chớp nhoáng, tôi cũng vừa nhìn thấy hồn mắt ông chớp nháy chuyển đổi, như thể ông vừa mới hoàn hồn trở về lại thực tại, sau một phen du hí cãi vã dại khôn ở một phương trời mơ hồ Đông Tây Kim Cổ nào đó. Nói cãi vã, nhưng thật ra, chắc là, ông chẳng định ý tranh biện cãi vã với ai. Vì có lẽ, đối với ông, còn có gì đâu để cãi vã, khi mà mọi lẽ đời xuôi ngược ỡm ờ đã được ông tự đặt mình vào những tình huống đối nghịch tương ứng khác nhau, và rồi, ông đã mổ xẻ quá đầy đủ qua những tác phẩm kiệt xuất của ông. Ông đã tự đối thoại, tự tranh biện, tự đặt tâm hồn và thân xác mình vào những vị trí và vai trò khác nhau của cõi đời hư thực, trụ vào những vị trí khác nhau, trụ vào những vị trí không vị trí, trụ vô sở trụ, để cười, để khóc, để suy tư, để chiêm nghiệm, để sáng tạo, một cõi sáng tạo vừa xa vừa gần với cõi xứ mà những thiên tài kim cổ thường hội ngộ.
Hình như không phải ông chỉ nói để cho người ở gần đây nghe, mà ông còn nói để cho người ở xa cũng nghe. Không phải ông chỉ nói để cho người hiện tại nghe, mà ông còn nói để cho tiền nhân và hậu bối cùng nghe. Không phải bây giờ mới nói, mà ông đã nói suốt cuộc bình sinh của mình. Không phải ông chỉ nói bằng lời thốt ra từ cửa miệng, mà ông còn nói bằng cả tâm huyết, bằng chính đời sống hằng ngày của ông, bằng cả một cuộc đời sáng tạo, với một sự nghiệp văn học đồ sộ, gồm khoảng bảy chục tác phẩm, nào thơ, nào văn, khảo luận văn học, khảo luận triết học, vân vân.
Nhìn ông hăng hái chửi mắng cãi vã giữa đám đông, người xa lạ với ông dễ tưởng rằng ông đang chửi mắng một cái gì đó, đang cãi vã với một đối thủ nào đó. Nhưng đối với người đã quen biết tính cách của ông, thì hiểu rằng, lời ông la hét giữa đường phố, chẳng ám chỉ cái gì giữa đường phố, cũng chẳng đả động gì tới danh dự của bất cứ ai ai giữa lễ hội phồn hoa đô thị hằng ngày. Có ai đó nếu có nghe được lời văn nhân, thì dù một lời hay nửa tiếng cũng có thể hiểu ra, còn những ai chẳng sẵn lòng nghe, thì cho dù vạn ngàn trang sách bày biện trước mặt cũng chẳng có một mảy may ý nghĩa. Trong rừng thơ phong phú của ông, tôi có nhớ mấy câu:

“Một lời chẳng nghĩa là bao
Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe?”

Có lần tôi hỏi ông về ý nghĩa của nó, thì thay vì trả lời trực tiếp, ông bảo tôi hãy đọc cuốn “Tư Tưởng Hiện Đại”. Sau đó, tôi tìm lại trong Tư Tưởng Hiện Đại, thấy ngay trong bài tựa, ông viết:
“Tư tưởng hiện đại hay “tâm hồn hiện đại” cũng không xa tư tưởng ngày xưa là mấy. Những triết gia từ thiên cổ đã mở rộng tâm thức bao quát mọi chân trời. Có người đã lặng thinh. Có người nói thật nhiều. Có người nói thật nhiều để cuối cùng lặng thinh. Có người lao vào hải hồ hoạt động để khỏi nói. Và ngày nay, bàn tới tư tưởng hiện đại có lẽ ta chỉ nên vẽ vài nét đơn sơ, gợi lại vài hình ảnh cũ. Hoặc "tóm tắt" trong một lời. Lời gì? Có lẽ là lời lặng câm.”
Ông tách ra khỏi đám đông, bước về phía tôi. Cũng lúc ấy, một chị bán thuốc lá ven đường bước ra, đưa cho tôi một chai dầu xanh. Chị giúp tôi bôi dầu xanh lên vết bầm trên trán ông. Tôi nói cám ơn chị bán thuốc lá rồi bảo ông ngồi lên yên sau xe đạp. Tôi chở ông rời khỏi đám đông, chạy về hướng trung tâm Sài Gòn.
Trong lúc tôi cong lưng đạp xe, ông thong dong ngồi phía sau, lai rai đọc Truyện Kiều, “Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay” Thỉnh thoảng, ông múa may chỉ chỏ loạn xạ vào trời đất, mạnh bạo tới nỗi chiếc xe đạp mỏng manh của tôi mất cân bằng, chao qua đảo lại. Người đi đường nhìn chúng tôi bằng đủ loại ánh mắt chê bai.
Dọc đường đi, tôi không hỏi ông nguyên nhân xảy ra sự việc “ẩu đả” kia, và ông cũng chẳng đả động gì đến giấc “chiêm bao” vừa rồi. Cho đến khi chúng tôi cùng ngồi xuống tại một quán nước ven đường, ông chép tặng hai câu thơ này vào trong cuốn tập của tôi, nhắc lại giây phút mà tôi gặp ông lúc nãy gần dưới chân cầu Trương Minh Giảng Sài Gòn:
“Gặp nhau một lúc vô biên
Đủ đầy vô tận cõi miền gần xa.”
2011
NGUYỄN QUANG THANH
Theo http://www.nguyenquangthanh.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bên thềm quê cũ – Tản văn Nguyễn Hữu Trung 30 Tháng Bảy, 2023 Cuối cùng tôi đã được đặt chân đến đây, an toàn và ấm áp. Ngạc nhiên với...