Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Lạc vào bãi biển “Nổng cao”

Lạc vào bãi biển “Nổng cao”
Thạnh Phú, vùng đất anh hùng, nơi lưu dấu tích của Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, đã qua nhiều năm tháng nhưng vẫn còn thấp thoáng đâu đây bóng hình của những con tàu không số trên tuyến đường HCM trên biển, nay bỗng được gợi nhớ đến bởi vùng đất cát nổng cao, nhìn ra muôn trùng biển khơi sóng vỗ nhẹ nhàng…
1. Mở đầu
Bến Tre, một vùng đất ba dải cù lao, trông ra biển với chiều dài 65km, trong đó có 3 huyện giáp biển là Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Cũng chính từ đó, Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi nên đã sở hữu những vùng biển đẹp như Thừa Đức (Bình Đại), Bảo Thuận (Ba Tri), Thạnh Hải (Thạnh Phú). Đặc biệt, biển Thạnh Hải hiện nay đang dần được du khách biết đến như một nàng tiên cá vùng thức dậy sau giấc ngủ dài say mộng đẹp…
Từ thành phố HCM vượt cầu Rạch Miễu đến thành phố Bến Tre, men theo tuyến đường tránh quốc lộ 60, qua cầu Hàm Luông, du khách như ngẩn ngơ trước những rặng dừa xanh bát ngát như nghiêng mình chào đón khách thập phương đến với "xứ dừa". Vùng đất nức tiếng "kẹo dừa" của Mỏ Cày năm xưa sẽ chào đón bước chân du khách quá cảnh về với Thạnh Phú thân thương. Từ Thị trấn Mỏ Cày Nam, vượt khoảng 40km, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời khi đi trên phà Cầu Ván, trước khi nó sẽ lùi vào dĩ vãng khi cây cầu bằng bê - tông chắc chắn sẽ được đưa vào sử dụng trong năm nay. Sau khi qua vùng đất Giao Thạnh, khoảng 10km lộ nhựa sẽ đưa du khách đến với vùng quê Thạnh Hải với vẻ đẹp còn mang nhiều nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên.
Vượt qua những ruộng sắn, rẩy dưa, hàng đước nghiêng mình soi bóng nước, qua cầu cồn Tra, cồn Bửng, du khách sẽ thấy như trải ra trước mắt mình vùng biển rộng bao la ẩn mình sau dải cát nổng cao.
2. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng biển cực nam xứ dừa
Mang nét đặc trưng của biển vùng đồng bằng châu thổ, nơi 9 cửa sông đổ ra của dòng sông mẹ Mê Kông, biển Thạnh Hải không xanh ngắt như các vùng biển miền Trung. Nước biển nơi đây có sự pha lẫn màu xanh của nước biển và màu nâu đỏ đục phù sa của sông, tạo nên màu đặc biệt, không giống sông mà cũng không giống biển. 
Không giống như các vùng biển khác, biển Thạnh Hải nổi bật bởi nền cát pha khá chặt, bên cạnh đi bộ trên bãi biển, du khách còn có thể dùng phương tiện như môtô, xe đạp để dạo quanh ngắm biển lúc bình minh hoặc khi hoàng hôn buông xuống. Trên bãi biển khi thủy triều xuống, từng ngấn nước như in hình trên mặt cát, khiến chúng ta liên tưởng đến những gì đã xảy ra trong quá khứ, trên con đường biển tiến, biển thoái của quá trình và các giai đoạn thành tạo địa chất xa xưa.
Một đặc điểm rất riêng của Thạnh Hải mà du khách không thể nào quên, đó là hình ảnh của hàng vạn con ốc diếc do sóng đánh trôi dạt trên bãi biển, tạo cho vùng biển nơi đây lưu dấu ấn sâu trong lòng du khách.
Lưu lại đây qua đêm, du khách sẽ được trải nghiệm hình thức du lịch homestay qua việc theo chân người dân địa phương đi "mò ốc mỡ". Vào mùa ốc nở rộ, dọc bãi biển, dưới ánh sáng đèn, nấp dưới ụ cát hơi nhô là những chú ốc mỡ ẩn mình. Thật vô cùng thú vị khi tự tay mình bắt và thưởng thức những sản vật có từ thiên nhiên.
Đến với Thạnh Hải, ngồi trên bãi cát nổng cao, nhâm nhi vài món ăn hải sản tươi nguyên mùi biển cả, được chế biến đơn giản nhưng đậm đà hương vị của vùng biển quê nghèo, với tấm lòng người dân chân chất, không khoa trương, hoa mỹ… du khách lại như trải lòng lâng lâng theo tiếng nhạc của đờn ca tài tử ấm lòng do chính những chủ nhân nơi đây độc diễn.
Một nét đặc biệt khiến du khách một lần đến sẽ còn nhiều lần quay trở lại khi được thưởng thức đặc sản vùng quê nặng tình người, nhẹ vật chất nơi đây. Đó là vấn đề giá cả mà trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, khi du khách vẫn còn có nhiều sự cân nhắc đến hầu bao của mình khi đi du lịch. Điểm thật sự thu hút đó là không có vấn đề chặt chém du khách và lòng người dân nơi đây không tráo trở trong kinh doanh du lịch.
Ngoài ra, di tích khu Mộ 21 người, những tảng đá lưu dấu con đường Trường Sơn trải dọc dài trên đường Tổ quốc, lăng thờ cá Ông Nam Hải… góp phần không nhỏ trong việc giữ chân du khách ghé thăm trên con đường du lịch biển Thạnh Hải, để nhớ về truyền thống hào hùng đấu tranh của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân Thạnh Phú nói riêng, của những Ông Cá huyền thoại luôn cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển…
3. Lời kết
Gió biển thổi miên man, rì rào trên những rặng phi lao xanh, làm say lòng khách phương xa khi đã hành, thực, lạc… nơi đây và đang tìm phút giây thư giãn trên những chiếc võng đong đưa, dễ say vào mộng đẹp yên lành trước khi quay về chốn phồn hoa đô hội.
Được ngắm biển từ trên những nổng cao thiên nhiên, nhìn xa tít tận chân trời, ta mới có thời gian để suy ngẫm về những triết lý của cuộc sống, về những hoài bão, ước vọng tương lai. Ngắm nhìn hoa muống biển với những cánh tím dịu dàng, cành lá xanh tươi đầy nghị lực, tồn tại kiêu hãnh trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng vẫn mang màu xanh bất tận của tương lai và niềm hy vọng về ngày mai tươi sáng.
Hãy một lần đến với vùng biển Thạnh Hải với những bãi biển mà tên gọi thể hiện sự kiêu sa, thân thiện "Tây Đô", "Hàng Dương"… để cảm nhận hết vẻ đẹp của cuộc sống hôm nay trên vùng đất hồi sinh, đang ngày càng thay da đổi thịt.            
Tháng 9/2013
Kim Tuyến - Văn Lượng
 Theo http://biengioibienbentre.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bên thềm quê cũ – Tản văn Nguyễn Hữu Trung 30 Tháng Bảy, 2023 Cuối cùng tôi đã được đặt chân đến đây, an toàn và ấm áp. Ngạc nhiên với...