Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Hơi thở của Trần Nhân Tôn

Hơi thở của Trần Nhân Tôn (1258 - 1308)
Lần đầu tiên tôi đến với thơ của Trần Nhân Tôn bằng bài thơ dưới đây:
Thân như hô hấp tị trung khí
Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân
Trần Nhân Tôn
Thân là không khí đi qua phổi
Đỉnh núi mây bay, một kiếp người
Khắc khoải quyên kêu trăng sáng mãi
Mùa Xuân còn mãi ở đây thôi.
Không hiểu các bậc thức giả thưởng thức và cảm thụ bài thơ này như thế nào? Nhưng với tôi thì… không thể nào nói được cảm giác của mình. Thú thật, từ khi biết thở đến khi cảm nhận được hơi thở mình, tôi hoàn toàn không hiểu tí gì về hơi thở. Và khi đọc được bài thơ này, tôi cũng chẳng hiểu gì ráo. Đã vậy lại gặp tiếp…
Thế số nhất tức mặc
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc bất thăng xuân.
Trần Nhân Tôn
Đời, một hơi thở ngắn
Tình, hai biển trăng xanh
Cung ma lòng vướng víu
Xứ Phật không thêm xuân
Cũng lại là một hơi thở.
Càng cố công tìm hiểu thì lại càng rối. Cái rối ấy cộng thêm cái rối rắm trong cuộc sống rất khó khăn của tôi cùng với rối rắm vì phải vận dụng cái kiến thức lèm nhèm của mình, làm thân thể vốn đã gầy còm của tôi càng thêm mỏng và đầu óc thì luôn luôn nặng trịch, đôi lúc lại nhức buốt, bao nhiêu thuốc men cũng không thể nào giải quyết cái cơn đau kỳ cục này một cách rốt ráo. Lại thêm rối rắm. Thế là tôi bỏ về quê, đến với không gian yên tĩnh trong ngôi nhà mồ của ba mẹ tôi phía sau vườn của ngôi nhà cũ, cơn gió mát đầy hương cây cỏ và những tiếng ríu ran của bầy chim sẻ. Sau khi quét dọn, lau chùi tinh tươm cho ba mẹ, tôi ngồi tựa lưng vào thành mộ ba tôi và lan man nghĩ hai bài thơ, về hơi thở. Hơi thở của cuộc đời và của tôi, từ đâu đến và sẽ về đâu? Hốt nhiên tôi tìm thấy hơi thở ấy đã từng qua buồng phổi của muôn triệu triệu người từ xưa đến nay, từng qua phổi con cọp, con hươu, con chim se sẻ… cũng đã từng qua cái mang con cá, cái ro của con tôm, con tép con cua… Nghĩa là cả vạn vật, chúng sinh từ xưa đến nay đều thở chung một bầu không khí. Tất cả, khi hít vào là nhận ôxi của cỏ cây, khi thở ra là trả về carbonat cho cây cỏ và chuyển đổi cho nhau biết bao điều, từ hạnh phúc, yêu thương đến giận hờn và cả bệnh tật nữa. Thật thú vị vô cùng khi hiểu ra điều đó, và thú vị hơn khi biết luồng hơi tôi hít vào, đã từng đi qua buồng yên tĩnh của Đức Phật, buồng phổi khoáng đạt nhưng đầy gian nan của 18 vị vua Hùng trong suốt hơn hai ngàn năm dựng nước, với Mâu Tử, Khương Tăng Hội, với Định Không, Vạn Hạnh, với… Trần Thái Tôn, Tuệ Trung Thượng Sĩ... nhưng trước tiên và gần gũi nhất vẫn là từ ba mẹ mình. Cũng xin nói rõ là hơi thở ấy thuần túy chỉ là một luồng khí được hai cánh mũi nhận vào và thả ra từ buồng phổi. Và như để cảm nhận, tôi hít vào thật chậm và sâu, rồi từ từ thở ra chậm và dài. Tôi chú tâm vào điều ấy như là một sự hưởng thụ và hiến dâng. Cứ thế không biết bao lâu, rồi cơn đau đầu đột nhiên không còn nữa mà thay vào bằng một cảm giác nhẹ tênh, nhẹ tênh đến như không còn gì cả, nhẹ tênh như con chim sẻ vút cánh lên cành cao mà không cần một chút sức lực nào. Đầu óc trong suốt, thân thể ấm râm ran. Thế mà cảm giác thật tuyệt vời ấy lại hình như có, lại hình như không. Và tôi hiểu được hai bài thơ. Không chắc có đúng không, nhưng tôi tự bằng lòng như mình đã hiểu.
Thân như hô hấp tị trung khí. Thế số nhất tức mặc. Rất ngắn mà cũng… rất dài.
Vâng. Tôi đến với thơ Trần Nhân Tôn bằng những hơi thở. mà trong một lúc vô tình cái đầu háo sự lu bu của tôi truy cập được những thông tin cần thiết. Rồi những nghĩ suy bị bỏ lửng khi đọc Tuệ Trung lại trở về để nhận ra…
MỘT THOÁNG HOA NGHIÊM
Ngồi ngẫm nghĩ về nhân gian một khúc
Bước chân qua có lắm thứ vờn quanh
Trong tĩnh lặng, gió qua buồng phổi trống
Cứ mơ hồ trong nhớ nhớ quên quên
Ngồi ngẫm nghĩ về mùi hương của gió
Cứ chừng như dường có lại dường không
Từng giây, từng giây qua buồng phổi trống
Đất và trời cứ mãi mãi mênh mông
Ngồi ngẫm nghĩ về cao cao ngọn núi
Thâm nghiêm xanh như vút đến tận trời
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Trèo lên hay đứng ngắm cũng vậy thôi
Ngồi ngẫm nghĩ biển mênh mông quá đỗi
Trong sóng gào hung hãn có bao dung
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Vị mặn mòi theo gió chạy lung tung
Ngồi ngẫm nghĩ về màu xanh của lá
Từ thiên thu cơn gió đến thì thầm
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Đôi cánh nào bất chợt vút mênh mông
Ngồi ngẫm nghĩ về những bông hoa dại
Mênh mang, mênh mang muôn tía nghìn hồng
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Mật ngọt ngào cặm cụi mấy con ong
Ngồi ngẫm nghĩ giòng sông thời hồi đó
Nước trong veo, sợi rong lượn bâng quơ
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Từ trên nguồn thả xuống mấy câu thơ
Ngồi ngẫm nghĩ về cái mùi lúa cũ
Cứ thênh thang thơm ngát một đất trời
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Khói lam mờ lơ đãng bóng chiều ơi
Ngồi ngẫm nghĩ vầng trăng thời xa ngái
Thả mơ màng vào ba cõi nhân gian
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Tiếng sáo nào đi suốt những mênh mang
Ngồi ngẫm nghĩ về con chim con cá
Long rong bay lội khắp cõi vô ưu
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Nước và trời hòa quyện những xuân thu
Ngồi ngẫm nghĩ tình yêu và cuộc sống
Về tự do kiểu múa gậy vườn hoang
Hương trong gió luồn qua buồng phổi trống
Bước ung dung gọi mãi cuộc lang thang
 Ngồi ngẫm nghĩ về nồng nàn sợi nắng
Nghe cơn mưa đổ trắng xóa trên đồng
Hương nắng mưa luồn qua buồng phổi trống
Duyên khởi trùng trùng, lý sự dung thông
Được thừa hưởng những gì cha ông để lại. Nhưng khác hơn ông nội là vua Trần Thái Tôn và cha là vua Trần Thánh Tôn. Vua Trần Nhân Tôn vừa là một đấng quân vương hiển hách, một nhà thơ tài hoa, một thiền sư thực thụ và vừa là truyền thừa tổ thứ sáu thiền phái Trúc Lâm, vừa là người khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tự xưng Trúc Lâm Đầu Đà và đẩy mạnh phong trào Phật Giáo nhập thế. Nhưng trên hết vua Trần Nhân Tôn vẫn là một nhà chính trị kiệt xuất. Khái niệm chính trị của vua Trần Nhân Tôn không như khái niệm những người trước đó hoặc sau này, cũng có thể là vô tiền khoáng hậu. Vua Trần Nhân Tôn gói gọn hai từ chính trị trong chính nhân cách và trí tuệ của bản thân, rồi từ đó lan tỏa trở ra bằng chính những hành vi của mình. Vua Trần Nhân Tôn luôn đặt tính cách mình vào một vị trí bình thường nhất, nghĩa là an nhiên tự tại, để mọi người nhìn và theo. Vai trò khai sáng và lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của vua Trần Nhân Tôn là vai trò của một nhà lãnh đạo tôn giáo hơn là một nhà tư tưởng. (Đó là cách nhìn nhận của chúng ta, chứ thực ra là Ngài không nhìn nhận mình như thế). Ngài tích cực bảo vệ đất nước mình bằng Đạo Pháp, từ việc không phong thưởng cho Hưng Trí Vương Trần Quốc Hiện vì tội chặn đường rút lui về nước của giặc Nguyên khi chúng đã đầu hàng, đặt tổ đình phái Trúc Lâm ở Yên Tử để trông chừng về phương Bắc, quở trách vua Trần Anh Tôn say rượu, đến việc hứa gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân nhằm đạt được một nền hòa bình Việt-Chiêm lâu dài để mở rộng và ổn định phương Nam. Ngoài ra, nhà vua còn đi khắp đất nước để hoằng dương đạo pháp, nhưng cũng là cố kết nhân tâm. Cũng như khi còn ngồi trên ngai vàng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đã xảy ra hai sự kiện chưa từng có trong lịch sử; hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than, Hội nghị các bô lão ở Diên Hồng. Tính tự do, dân chủ đi trước thời đại và xuất hiện trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy, đã phát ra một uy lực dũng mãnh. Sự kiện ấy, uy lực ấy từ đâu mà có? Từ tấm lòng yêu chuộng sự yên bình. Và phát ra không phải là để tàn sát Nguyên Mông, cũng là những con người, như Trần Quang Khải đã nói, mà để đánh thẳng vào sự ngu tối của tham vọng. Tư tưởng Tuệ Trung thông qua Trần Nhân Tôn trùm khắp đất nước.
Thơ của Ngài cũng như những người cùng thời, đều chứa đựng tư tưởng Phật Giáo. Một Phật Giáo thiền tông mang đầy những vần điệu của lòng người, chỉ có niềm tin, sự thấu hiểu và chia sẻ chứ không phải mê tín. Một trí tuệ trác việt, một tấm lòng rộng mở dung thông, nhà vua cảm nhận con người và thiên nhiên là hai thực thể thống nhất mang tính cộng sinh. Không thể có khái niệm thường tồn hay thường diệt, mà là An Nhiên chấp nhận. Không gì khác hơn là hiểu mình đang Tự Tại. Bất cứ một tín đồ Phật Giáo nào cũng cho đó là một phương tiện trên con đường đi tìm chân lý. Nhưng thực ra an nhiên tự tại đã chính là chân lý rồi.
Nếu như, trong khói lửa ngập trời của cuộc chiến tranh giữ nước nhà vua đã cho khắc lên đuôi các chiến thuyền hai câu thơ:
Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.
(Cối Kê chuyện cũ rằng nên nhớ
Mười vạn tinh binh Nghệ Tĩnh còn)
Trong cái cảnh dầu sôi lửa bỏng ấy. Nhà vua vẫn làm thơ. Làm để khẳng định sự an nhiên của một dân tộc, sự tồn tại tất yếu của một quốc gia. Trong suốt quá trình lịch sử của đất nước. Ngài là người thể hiện một cách đầy đủ nhất, vĩ đại nhất cái tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi của Phật tổ.
Ngài lại có những bài thơ rất đẹp mà Ngài làm khi chưa xuất gia, đã chỉ ra cho thấy điều đó. Khó tìm thấy một vị vua nào có một công nghiệp trần thế lừng lẫy mà làm thơ cảm thụ thiên nhiên một cách dung dị và tuyệt diệu đến vậy.
XUÂN CẢNH
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì.
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
Trần Nhân Tôn
Chim hót và màu dương liễu
Thềm hoa lộng bóng mây chiều
Khách sang và không hỏi chuyện
Cùng nhìn cỏ biếc liu hiu
Bài thơ như là một bức tranh siêu thực của một danh họa tài hoa với một cái hồn là đôi mắt của một người thơ đang nhìn ngắm vệt cỏ xanh rì.
THU QUÁ VŨ LÂM TỰ
Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh
Tịch tịch thiên sơn, hồng diệp lạc
Thấp vân hòa lộ tống chung thanh
Trần Nhân Tôn
Cầu buông bóng xuống lòng khe
Nước trong suốt đón ánh tà dương lay
Núi yên ắng, lá hồng bay
Tiếng chuông dìu dặt khói mây hòa cùng
Lại thêm một bức tranh nữa mà cái hồn của nó chính là tiếng chuông dìu dặt hòa trong mây khói chiều hôm. Tiếng chuông ấy không phải là cảnh tỉnh, là chiêu mộ mà là một tiếng chuông làm yên lành hơn cuộc sống.
Hai bài thơ ngắn, đầy những hình ảnh rất dung dị của một đất nước yên bình, nhưng cũng vô cùng tú lệ. Có lẽ vua Trần Nhân Tôn không viết hai bài thơ này mà vẽ thì đúng hơn.
THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên
Bán vô, bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
Trần Nhân Tôn
Khói mờ xóm sau xóm trước
Bóng chiều chừng có chừng không
Trâu về chuồng theo tiếng sáo
Từng đôi cò trắng xuống đồng
LẠNG CHÂU THU MỘ
Cổ tự thê lương thu ái ngoại
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ
Trần Nhân Tôn
Thu mờ, mờ bóng chùa xưa
Thuyền câu quạnh tiếng chuông đưa bóng chiều
Núi yên tĩnh, nước trong veo
Một đàn chim trắng lẫn theo ráng lồng
Vầng mây nhàn nhã bay rong
Gió yên ắng lá nắng hồng bóng cây
Hai bức tranh đẹp đẽ ấy được vẽ bằng tâm huyết của cả một dân tộc. Người họa sĩ tài hoa ấy lại là một đấng Quân Vương rất đúng tầm với cái ý nghĩa Quân Vương của mọi thời đại
滿
ĐĂNG BẢO ĐÀI SƠN
Địa tịch đài du cổ
Thời lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm
Trần Nhân Tôn
LÊN NÚI BẢO ĐÀI
Chiều nhòa thêm cũ đài rêu
Xuân chưa nồng đã liu hiu bóng tà
Chung màu mây núi gần xa
Bóng che rợp nẻo cho hoa nắng lồng
Bao nhiêu chuyện, nước xuôi giòng
Trăm năm lòng ngỏ với lòng mà thôi
Tựa song nâng sáo trên tay
Lòng trong suốt mở ra mời ánh trăng
Lại một bức tranh siêu thực được vẽ tiếp, những đường nét đã vẽ nên hiện tượng và vẽ cả những rung động của của cõi lòng và cả giòng chảy của cuộc đời.
滿
Đề Phổ Minh Tự Thủy Tạ
Huân tận thiên đầu mãn tọa hương
Thủy lưu sơ khởi bất đa lương
Lão dung ảnh lý tăng quan bế
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường
Đầy nhà tươm ngát mùi hương
Liu hiu làn gió nước dường như trong
Cây đa già, cổng chùa không…
Ve kêu một tiếng mênh mông thu về
Trong mọi ngóc ngách đời sống của con người mà một Quân Vương cần phải biết. Và nhà vua đã biết, biết một cách tận tường là khác, nỗi oán hận đau đớn của người vợ ngóng tin chồng ngoài biên ải.
西
KHUÊ PHỤ OÁN
Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng
Hoàng ly bất ngữ oán đông phong
Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại
Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông
Trần Nhân Tôn
Thức sớm vén rèm, hoa rụng khắp
Giận cơn gió bấc tiếng chim không
Ráng xô từ phía lầu tây ấy
Đổ bóng chồi hoa đến tận đông
Một ngày của sự chờ đợi, nhớ mong bổng nhiên trở nên vô nghĩa. Cảnh vật vẫn như thế, vẫn trêu ngươi. Tất cả như có đấy mà cũng như không có gì trong nỗi khắc khoải lạnh người. Nhà vua đã bao nhiêu lần lên ngựa ra chiến trường vì mục đích tối hậu là an bình cho tổ quốc, nhưng là một Quân Vương nên Ngài cũng hiểu, chiến tranh không thể giải quyết một cách căn cơ cho đời sống của nhân dân. Chỉ có hoà bình để xây dựng một cuộc sống no ấm mới thực sự mang đến hạnh phúc cho dân tộc. Hình ảnh nụ hoa bên ngôi lầu tây chất chứa nỗi đợi chờ, bị ánh nắng chiều từ phiá trời tây xô bóng đến suốt phương đông. Nỗi chờ đợi ấy dài lâu biết nhường nào? Ngoài người chờ đợi, nào ai biết nó dài dường bao. Nhưng vẫn có một người biết. Người đó có khả năng biến những cuộc đợi chờ ấy nên cuộc sum vầy. Như thế cũng có nghĩa là Ngài làm tất cả mọi thứ để những cuộc chia lìa như thế đừng xảy ra.
Vua Trần Nhân Tôn nhận được ở Tuệ Trung thượng sĩ tất cả những tinh túy của Thiền. Nhưng cái khác biệt là ở chỗ nhà vua đã đem cái an nhiên của thiền phả khắp non sông. “Ỷ lan hoành ngọc địch. Minh nguyệt mãn hung khâm”.
XUÂN TẬN
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như trung khám phá đông hoàng điện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
Trần Nhân Tôn
Sắc không, khi trẻ hiểu chi đâu
Muôn sắc hoa xuân cứ ngợp lòng
Cái thực là xuân nay đã hiểu
An nhiên ngồi ngắm ráng pha hồng
Trúc Lâm Đầu Đà đã thổi một làn gió nhập thế mạnh mẽ cho thiền. Không còn ai nghi ngờ Phật Giáo là yếm thế, là rời bỏ cuộc sống. Mà Phật Giáo làm cho cuộc sống yên lành hơn, tâm hồn yên tĩnh hơn. Con người hiểu rõ hơn vị trí của mình trong sự cộng sinh tuyệt hảo của vạn vật.
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tùy tâm dạ vũ hàn
Hoa tận, vũng tình, sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn
Mưa đêm lạnh buốt ngàn hoa rụng
Phải trái, lợi danh cũng nhạt nhòa
Mưa tạnh tàn hoa, non núi lặng
Chim kêu một tiếng bóng xuân qua.
Cuối cùng, trong vô số công việc của một nhà vua có một việc rất thú vị. Đọc sách dưới trăng.
滿
NGUYỆT
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình dạ khí hư
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ
Trần Nhân Tôn
Trăng
Giường sách, nửa song đèn chếch bóng
Sương đêm mờ tỏa khắp sân thu
Chày xa giục tỉnh cơn mơ ngủ
Hoa nở trăng non nhú đỉnh đầu
Nhưng cái làm tôi vô cùng sảng khoái là “Cư Trần Lạc Đạo phú” bằng tiếng Nôm. Tôi không thể ghi hết bài phú này cũng như không thể cảm thụ một cách trọn vẹn ngôn ngữ của thời đại ấy mà chỉ trích một vài đoạn mang đầy chất thơ của một thứ ngôn ngữ mà tôi quen thuộc. Tiếng Việt;
Chơi nước biếc, ẩn non xanh,
nhân gian có nhiều người đắc ý,
Biết đào hồng, hay liễu lục,
thiên hạ năng mấy chủ tri âm.
Nguyệt bạc vừng xanh, soi mấy chỗ thiền hà lai láng,
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.
… (trích Hội thứ nhất)
Xét thân tâm, rèn tính thức,
Há rằng mong quả báo phô khoe.
Cầm giới hạnh, địch vô thường,
Nào có sá cần danh bán chác.
Ăn rau, ăn trái,
Nghiệp miệng chẳng hiềm thuở đắng cay
Vận giấy, vận sồi,
Thân căn có ngại chi đen bạc.
(trích Hội thứ hai)
Sạch giới lòng, dồi giới tướng,
nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm.
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,
đi đỗ mới trượng phu trung hiếu,
Tham thiền, kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân.
Học đạo thờ thầy, lọt xương óc chưa thông của báo
(trích Hội thứ sáu)
Buông lửa giác ngộ,
đốt hoại thảy rừng tà ngày trước,
Cầm kiếm trí tuệ,
quét cho không tính thức thuở nay.
Vâng ơn Thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận,
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay
(trích Hội thứ bảy)
Dựng cầu đò, dồi chiền tháp,
ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi,
nội tự tại kinh lòng hằng đọc,
(trích Hội thứ tám)
Bài phú có mười hội và kết thúc bằng bốn câu kệ bằng tiếng Hán.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Trần Nhân Tôn
Vui đạo tùy duyên chốn bụi lầm
Mệt thì đi nghỉ đói thì ăn
Giữa nhà vật quý tìm đâu nữa
Nhìn cảnh không tâm chớ hỏi thiền?
Tất nhiên là có rất nhiều tiếng Việt cổ làm ta gặp khó khăn, không thể hiểu hết được ý nghĩa của bài phú nếu không có người giải nghĩa. Nhưng ít nhất cũng cho hậu thế nhiều thông tin về cuộc sống thời ấy. Những đoạn trích trên đã khái quát được quan điểm sống của người dân thời Lý Trần và quan điểm sống của thời hiện đại cũng không khác ngày ấy là bao, dù môi trường và điều kiện sống ngày hôm nay đã khác, thậm chí rất khác. Nhưng cái cơ bản nhất thì dứt khoát không thể đổi thay. Trước khi viết “Cư Trần Lạc Đạo phú” vua Trần Nhân Tôn đã có trước tác rất nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm cũng như làm rất nhiều việc cho chữ Nôm cũng như các vua Trần Thái Tôn, Trần Thánh Tôn và những người cùng thời như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Huyền Quang… Tiếc rằng những việc làm ấy truyền lại cho mai sau không nhiều vì một lý do mà ai cũng biết. Đặc biệt là trong sinh hoạt của triều đình,  các vua Trần đã cho tuyên đọc chiếu chỉ của mình bắng hai văn bản Hán – Nôm song song nhau.
Nhà thơ Trần Nhân Tôn đã để lại cho hậu sinh rất nhiều thứ. Nhưng với tôi, điều thú vị nhất chính là bài thơ mà Người đã dạy cho Hốt Tất Liệt cách làm vua:
Thiên tứ hoàng đế
Đế tứ thứ dân
Thần chúc thánh thượng
Ức vạn niên xuân
Trời cho làm vua
Vua làm cho dân
Thần chúc thánh thượng
Mãi mãi là xuân
Rất nhiều người cho đây là một bài thơ mang tính thù tạc với những lời lẽ khiêm nhường, vì vua Trần Nhân Tôn viết bài thơ này để mừng thọ Hốt Tất Liệt 80 tuổi. Tôi không cho là thế. Với nhà vua Trần Nhân Tôn, nhận lấy trọng trách làm vua của một nước là phải tạo ra và bảo vệ sự yên bình, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Mùa xuân của nhà vua chính là sự yên bình của đất nước, no ấm của nhân dân. Sự quan hệ giữa con người và vạn vật cũng như giữa con người với nhau (không kể chủng tộc) là một sự quan hệ tương thuộc và bình đẳng. Định chế xã hội nào cũng được thiết lập trên quan điểm ấy. Nhưng trong cuộc sống không phải ai cũng nhận ra. Kể cả các ông vua, ngoài  vua Trần Nhân Tôn. Nhà vua đã nhận ra điều đó và luôn nghĩ thế và làm thế. Nhưng các ông vua Tàu thì bao giờ cũng nhận mình là Thiên Tử (con trời) hay chí ít nếu họ được làm vua là do mệnh trời. Nương theo quan điểm phi lý ấy Ngài viết “Thiên tứ hoàng đế”. Mà đã là con trời thì phải làm gì đó cho dân. Đó là điều hẵn nhiên. Và Ngài lại chúc Hốt Tất Liệt “ức vạn niên xuân”  Không một ai sống đến “ức vạn niên xuân”. Nhưng sự yên bình, no ấm cho cả một dân tộc mới thực sự là “Ức vạn niên xuân”. Đây mới là quan điểm thật sự của một đấng Quân Vương. Bất cứ đoàn quân xâm lược nào, dù dũng mãnh đến đâu, cũng mang trong mình chúng đầy đủ mầm mống của sự bại  vong. Đoàn quân bách chiến bách thắng của Nguyên Mông cũng không ngoại lệ vì những người “chiến sĩ xâm lược” ấy không có được khái niệm về mùa xuân. Bởi vì họ đi hủy hoại mùa Xuân của người khác, nhưng bước chân đầu tiên cất lên khi đi xâm lược là họ đã tự huỷ hoại mùa xuân của chính họ. Những câu chúc tụng thường là cường điệu và viễn mơ, đại loại như là vạn tuế, muôn năm. Đúng là vua Trần Nhân Tôn chơi chữ. Nhưng thực tế thì khác. Sau khi dạy xong cho quân xâm lược Nguyên Mông ba bài học về vũ lực thì nhà thơ Trần Nhân Tôn đã dạy cho chính Hốt Tất Liệt quan điểm làm vua của mình bằng một bài thơ mang đầy tính thù tạc nhân ngày Hốt Tất Liệt mừng thọ tuổi 80. Hãy tạo cho dân tộc mình có một cuộc sống thanh bình là có ngay “Ức vạn niên xuân”. Một bài học dành cho kẻ gần đất xa trời liệu có cần thiết không? Chắc chắn là có. Ít nhất cũng cho Hốt Tất Liệt một tâm hồn thanh thản trong giây phút cuối cùng của một kiếp nhân sinh đầy sắt máu của ông ta. Nhưng trước nhất chính là khẳng định một quan điểm rất nhân văn của một vị hoàng đế có thể gọi là anh minh nhất nhân loại.
Người đã thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của hòa bình. Một nền hòa bình phải chiến đấu mà có, xây dựng mà nên. Hòa bình không thể xin và chẳng ai cho. Và Người đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chiến đấu, xây dựng và bảo vệ một đất nước hòa bình theo đúng quan điểm của Người.
Trở lại hai bài thơ đầu của Người, tôi nhân ra một điều rất thú vị khi tập tễnh ngồi thiền và biết cách kiểm soát hơi thở cũng như những công năng của nó. Hóa ra là tạo hóa tạo ra con người và vạn vật đều rất có ý hay đúng hơn là có tình. Ngoài những tác dụng sinh lý còn có tác động đến tâm linh. Nếu như chúng ta biết cách thở chúng ta có thể kiểm soát được nhịp tim, làm sạch được cái ổ cứng tâm lý. Nhưng nếu chúng ta chú ý một chút thì có thể nhận ra cái giới hạn của hơi thở ra (biểu tượng cho sự hiến dâng) luôn luôn dài hơn lúc hít vào (biểu tượng cho sự cảm thọ).
Ai cũng biết hít vào là nhận lấy oxy để cung cấp cho các tế bào và thở ra là thải carbonic cũng như các chất độc hại của cơ thể. Nhưng hiểu như vậy là hoàn toàn sai với ý trời. Nhưng nếu như chúng ta biết là cây cối (thực vật) có một buồng phổi hoàn toàn trái ngược với con người và các sinh vật khác. Một sự giao hòa tuyệt hảo phài không nào. Thế nên khi hơi thở ra của chúng ta dài hơn hơi thở hít vào biểu hiện điều gì? Hơi thở vào ngắn biểu hiện cho sự kiệm ước, hơi thở ra dài biểu hiện cho sự dâng hiến và sẻ chia, không những sẻ chia cho cây cối mà còn sẻ chia cho  những người chung quanh và muôn loài sinh vật khác một không khí trong lành. Đó là trời đất có tình. Hóa ra là sự chia sẻ và hiến dâng phải dài hơi hơn cảm thọ. Chính trong quả trình thở chúng ta có cái cảm giác thật tuyệt vời khi thở ra là hơi thở nhẹ nhàng hơn thanh thoát hơn, cũng như khi bạn giúp cho ai đó một điều gì, trao cho ai một món gì mà họ cần, cuối cùng thân thể ta cũng thoải mái hơn khi đã tống ra ngoài những thứ mà thân không còn cần thiết nữa. Ngoài ra, chúng ta nhận ra điều đó khi nhìn thấy hiện tượng “cây dừa sợ ma”, tức là những cây dừa càng gần nhà bao giờ cũng sai trái hơn những cây dừa bên ngoài bìa vườn và ngôi nhà nằm dưới bóng cây bao giờ không khí cũng trong lành hơn nơi khác. Một cộng sinh tuyệt hảo phải không nào, và để thể hiện điều này, đức Trần Nhân Tông đã hành xử đúng mực vị trí sống của một ông vua, một thiền sư và trên hết là một con người.
Một lần nữa chúng đọc lại hai bài thơ nói về hơi thở của vua Trần Nhân Tông
Thân như hô hấp tị trung khí
Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú
Bất thị tầm thường không quá xuân
Trần Nhân Tôn
Thân là không khí đi qua phổi
Đỉnh núi mây bay, một kiếp người
Khắc khoải quyên kêu trăng sáng mãi
Mùa Xuân còn mãi ở đây thôi.
Thế số nhất tức mặc
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc bất thăng xuân.
Trần Nhân Tôn
Đời, một hơi thở ngắn
Tình, hai biển trăng xanh
Cung ma lòng vướng víu
Xứ Phật không thêm xuân
Mới thoạt đọc chúng ta nhìn thấy hai bài thơ chẳng nói một điều gì như mới trình bày, mà nội dung hai bài thơ chỉ nói về một kiếp người ngắn ngủi như một hơi thở. Nhưng đã hai lần nhắc tới mùa xuân và một giòng nói về cõi ma liền theo đó là phủ nhận mùa xuân trên đất Phật. Chúng ta biết khái niệm mùa xuân như thế nào rồi, đó là sự an lạc trong tâm hồn (cá nhân) và sự an vui trong cộng đồng. (ức vạn niên xuân) mà muốn như vậy thì ma cung hồn quảng thậm/ Ma cung lòng vướng víu tức là những vọng đọng của tham sân si còn vấn vít. Và cũng theo nội dung của hai bài thơ chúng ta có thể nhận ra là bản thân nhà vua và cả nhân dân Đại Việt lúc ấy đang sống trong một mùa xuân trọn vẹn bằng cách thấu hiểu cái hơi thở ngắn ngủn của chính mình bằng sự cảm thọ kiệm ước và một sự sẻ chia lớn lao hơn. Rất có thể thời đại đó trình độ hiểu biết về hóa sinh của con người chưa được rạch ròi như hiện đại, nhưng chắc chắn sự cảm giao giữa con người và thiên nhiên, vạn vật thì ở một trình độ cao hơn hẵn bây giờ. Do vậy, nếu làm ngược lại là chúng ta để cho sự cảm thọ nhiều hơn sự sẻ chia (đồng nghĩa với phủ nhận đời sống công đồng) và như vậy là dù cõi Phật cũng không thể có mà Xuân. Về mặt hình thức Phật quốc bất thăng xuân. Điều này thể hiện tính đại thừa của đạo Bụt rất Việt Nam. Người đi tu đại thừa khi đạt được chứng ngộ là phải dẫn dắt chúng sinh, đưa họ vào cuộc sống an lạc (thể hiện sự chia sẻ), người đi tu tiểu thừa thì chỉ tu cho bản thân mình (thể hiện sự cảm thọ) để họ đến một cõi Nát Bàn nào đó ngoài cuộc sống. Ngoài ra là trong tất cả kinh sách đạo Bụt xuất phát từ Trung Hoa đều diễn tả cảnh Phật quốc với đền đài nguy nga tráng lệ, cây cối toàn bằng trân châu mã não, gạch đá lát đường toàn bằng vàng bạc… Trong thực tế thì chùa chiền của các quốc gia dù theo đại thừa hay tiểu thừa đều được xây dụng theo những mô tả đó và được trang trí như một hoàng cung mà gần như vắng bóng hay thưa thớt cây xanh. Nhưng đạo Bụt ở Việt Nam từ giáo lý đến chùa chiền thì luôn luôn ẩn hiện trong cây, thành ra cái Phật quốc theo quan điểm của Người một nơi đơn giản an lạc gần gũi mà trang nghiêm. Còn cái Phật Quốc theo kinh sách, các cảnh chùa Tàu và các nơi khác thì làm gì có mùa Xuân.
Hiện nay chúng ta khai thác thiên nhiên đến cạn kiệt và điều đó làm dơ bẩn môi trường đến độ chúng ta thiếu oxy để thở. Chúng ta đã làm cho rừng cây trụi lá, cạn nước sông hồ, nhớp nhơ biển cả, sinh vật tuyệt chủng bao loài, tom góp bầu trời, móc moi mặt đất để đáp ứng những yêu cầu hư ảo của chúng ta. Phải chăng là chúng ta đang cảm thọ nhiều hơn là sự sẻ chia.
Rạch Giá ngày 14/6/2017
Nguyễn Hiền Nhu
Theo http://lethuongdan.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...